NHỮNG HÌNH VẼ BÍ ẨN NAZCA ĐÃ ĐƯỢC GIẢI MÃ
Kể từ khi được phát hiện hồi thập niên 1920, những hình vẽ khổng lồ trên cao nguyên Nazca ở miền Nam Peru vẫn là một bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu. Giờ đây, các nhà khoa học Đức và Thụy Sĩ cho rằng họ đã giải thích được ý nghĩa của những hình này.
Những giả thuyết
Hồi thập niên 1920, các hình vẽ này được phát hiện khi có những chiếc máy bay đầu tiên đi ngang qua vùng Nazca. Bắt đầu từ Paul Kosok và Maria Reiche hồi thập niên 1930, cho tới nay đã có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu những hình vẽ bí ẩn này và đưa ra vô số giả thuyết, chẳng hạn như:
- Đây là một bộ lịch thiên văn khổng lồ (Kosok và Reiche).
- Người Nazca đã biết chế tạo một phương tiện bay nào đó, như khinh khí cầu, để có thể quan sát chúng (Jim Woodmann thậm chí đã tạo ra một khinh khí cầu bằng các vật liệu có từ thời văn hóa Nazca để chứng minh cho giả thuyết này).
Ngoài những giả thuyết chưa thuyết phục về mặt khoa học như trên, còn có nhiều cách giải thích đầy tính hoang đường như: Đây là những hình báo hiệu trên đường băng cho tàu vũ trụ của sinh vật ngoài trái đất hạ cánh (Erich Von Daeniken) hoặc những hình này được tạo ra để thờ các vị thánh trên trời, vì chỉ có những vị thánh đó mới có thể chiêm ngưỡng chúng v.v...
Cách tiếp cận mới
Mọi nỗ lực đi tìm ý nghĩa của các hình vẽ này cho đến gần đây đều thất bại, có lẽ trước hết vì người ta chỉ dựa vào chúng để tìm lời giải thích. Cách nay vài năm, Markus Reindel, chuyên gia về Nam Mỹ của Viện Khảo cổ Đức, bắt đầu xác định một xuất phát điểm khác: “Nếu muốn hiểu các hình vẽ này, trước hết chúng ta phải xác định được tác giả của chúng”.
Từ cách tiếp cận này, thời gian qua, Markus Reindel đã tiến hành những cuộc nghiên cứu khảo cổ kỹ lưỡng ở vùng Nazca và nhanh chóng thu được kết quả: Ông cùng đồng nghiệp đã khai quật, phát lộ được những khu định cư và các ngôi mộ nằm gần một số hình vẽ ở vùng Palpa. Những điểm khai quật này cho thấy nền văn hóa Nazca đã có một sự phân chia lao động rõ ràng và những tầng lớp xã hội khác nhau. Trước ông, các nhà khoa học khác vẫn cho rằng Nazca chỉ là một cộng đồng của những người làm nghề nông.
Ngoài ra, Reindel còn tìm thấy những bệ đá ngay tại các hình vẽ, ở đó có những đồ tế lễ như vải vóc, xương chuột bạch, đồ gốm... Vì thế theo ông, đây là những bàn thờ. Lập luận này càng trở nên vững chắc bởi xung quanh đấy, các chuyên gia còn thấy những vỏ ốc không hề có ở miền Nam Peru, mà được mang tới từ bờ biển Ecuador xa xôi và chúng từng được người dân ở toàn bộ vùng Anden coi là biểu tượng cho nước cũng như khả năng sinh nở.
Ở đầu mút của các đường vẽ, nhóm nghiên cứu còn thấy những hố chôn cột và theo kích thước của các hố này, cây cột được dựng lên có thể cao tới 10m để treo cờ hiệu. Những phát hiện đó cho thấy các hình vẽ ở Nazca nhiều khả năng được sử dụng vào mục đích tế lễ và cúng bái.
Có thể nhìn thấy từ mặt đất
Các chuyên gia trắc địa ở Đại học ETH Zurich cũng giúp những nhà khảo cổ ở Thụy Sĩ đưa ra quan điểm tương tự: Thông qua các dữ liệu quang trắc, họ đã tái tạo toàn bộ khu vực giữa Nazca và Palpa trong không gian ba chiều (3D). Trên máy tính điện tử, các nhà khảo cổ có thể dễ dàng phóng to, xoay chiều, lật nghiêng... sa mạc ảo với những đồi núi, thung lũng này và chuyển góc nhìn đến bất cứ vị trí nào. Và cũng nhờ vậy, nhà khảo cổ Karsten Lambers đã bất ngờ nhận ra: Kết luận của các nhà khoa học cho rằng những hình vẽ Nazca khổng lồ chỉ có thể nhìn thấy được từ trên không trung là hoàn toàn sai! “Thực tế là nếu chịu khó đi quanh khu vực, chắc chắn người ta sẽ tìm ra một điểm nào đó có thể nhìn được cả hình vẽ”, Lambers nói. Theo tính toán của ông, có trên 2/3 các hình vẽ ở Nazca nằm ở những khoảnh đất mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy từ xa.
Từ phát hiện trên và qua nghiên cứu, Lambers cũng tin rằng đây là những hình vẽ phục vụ các nghi lễ tôn giáo. Theo ông, các hình vẽ này là một cách phô trương quyền lực, như thể một bộ lạc khi làm nghi lễ còn muốn nói với các bộ lạc khác rằng: “Hãy nhìn xem, chúng tôi đang ở đây!”.
“Bước đi mở đường vô giá”
Những đám rước có nhảy múa, âm nhạc với cây cột phấp phới cờ bay là hình ảnh vẫn được thể hiện trên các bình gốm ở vùng này. “Không phải các hình vẽ, mà những nghi lễ diễn ra trên đó mới là quan trọng”, Reindel nói. Ông kết luận: “Cả khu vực giữa Nazca và Palpa là một không gian nghi lễ rộng lớn, vì thế người ta không thấy ngôi đền nào ở đây. Bản thân toàn bộ sa mạc với trên 300 hình vẽ này giống như một ngôi đền ngoài trời khổng lồ”.
Một đường vẽ trên cao nguyên Nazca chụp gần
Nhà khảo cổ Peter Fuchs thuộc Viện Nam Mỹ của Đại học FU ở Berlin (Đức) đánh giá những kết quả nghiên cứu nêu trên là “bước đi mở đường vô giá” để từ đó các nhà khoa học có thể thực sự giải thích được ý nghĩa của những hình vẽ bí ẩn trên cao nguyên Nazca mênh mông.
Nguồn: Sưu tầm*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: