• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Những giai đoạn phát triển của chế độ tổng thống Mỹ

Trang Dimple

New member
Xu
38
Những giai đoạn phát triển của chế độ tổng thống Mỹ
Cuộc chạy đua Cuộc tranh luận giữa Hillary Clinton, đảng Dân chủ, và Donald Trump, đảng Cộng hòa để giành chức tổng thống đang diễn ra rất gây gắt. Liệu anh sẽ là người giành chiến thắng? chúng ta sẽ chờ đợi kết quả trước khi chờ đợi thì chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về những giai đoạn phát triển của chế độ tổng thống Mĩ.
2016-09-26T191908Z-3-MTZGRQEC9-4832-1261-1474937696.jpg


Lịch sử quốc gia và dân tộc Hoa Kỳ luôn gắn chặt với mô hình nguyên thủ đặc trưng của họ. Sự tồn tại vững chắc, hoạt động hiệu quả và không ngừng lớn mạnh của chế độ tổng thống là yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên sự hùng cường của nước Mỹ ngày nay. Tính quy tụ cao, khiến chế độ tổng thống Mỹ vẫn giữ được gần như vẹn nguyên những nét cơ bản ban đầu trong suốt quá trình phát triển. Tuy vậy, là một thiết chế động với những chức năng, những quan hệ rất phong phú, phức tạp, nhuốm đẫm hơi thở thời đại, chế độ Tổng thống Mỹ cũng mang dáng vẻ riêng trong từng giai đoạn lịch sử nhất định và đó chính là cơ sở để phân kỳ tương đối sự phát triển của nó.

1. Giai đoạn 1789 - 1877:

Nền móng và các tiền lệ Có thể coi đây là giai đoạn thử nghiệm, đầy biến động và phát triển rất mạnh của chế độ tổng thống Mỹ - sự phát triển mang tính định hình. Những quy phạm sơ sài và khái quát của Hiến pháp đã khiến việc áp dụng chế độ tổng thống Mỹ - một mô hình nguyên thủ quốc gia hoàn toàn mới lạ trên thế giới thời bấy giờ - trở nên không dễ dàng và lại càng khó khăn hơn trong hoàn cảnh của một nước Mỹ non trẻ đang bộn bề với những nhiệm vụ, những nhu cầu cấp bách về kiến thiết và củng cố. Các cuộc tranh luận xoay quanh chế độ tổng thống Mỹ vẫn diễn ra sôi nổi khắp nơi, chủ yếu tập trung vào vấn đề bầu cử và quyền hạn, gây nên những ảnh hưởng quan trọng. Các nhà lập hiến Mỹ cũng dần thấy rằng, thực tế áp dụng chế độ tổng thống đã khác nhiều so vớiquy định của Hiến pháp và những gì họ mong đợi - ví dụ, họ hy vọng Tổng thống sẽ là nhân vật trung lập, không thuộc đảng phái chính trị nào, nhưng thực tế chỉ có Washington đáp ứng được điều đó, còn tất cả các Tổng thống tiếp theo đều bị chi phối mãnh liệt bởi tư tưởng và hành động đảng phái. Trong giai đoạn này, vai trò nguyên thủ quốc gia và vai trò người đứng đầu hành pháp chưa phát triển tương xứng, đồng bộ. Quan hệ giữa Tổng thống (trên tư cách người đại diện liên bang) với các bang vốn là quan hệ rất nhạy cảm, nhưng lại không hề được Hiến pháp quy định nên đã dần bị hình thức hoá trước khả năng độc lập khá mạnh của các bang: nhiều bang không tin tưởng, không tuân phục địa vị và quyền lực tổng thống - đỉnh cao là sự kiện 11 bang miền Nam chống đối chính sách giải phóng nô lệ của Tổng thống (1861 - 1865) Abraham Lincoln (1809 - 1865), cùng tách khỏi liên bang, bầu lên một tổng thống riêng, gây ra cuộc nội chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Phương thức thiết lập rườm rà và bất hợp lý đã sớm dẫn đến rắc rối trong cuộc bầu cử năm 1800, buộc Nhà nước Mỹ phải ban hành Điều bổ sung thứ XII của Hiến pháp vào năm 1804, thay thế phần lớn quy chế bầu cử tổng thống. Quyền hành lớn, lại chưa bị giới hạn chặt chẽ, cùng với nhu cầu cấp bách về mở rộng, thống nhất và ổn định liên bang khiến các Tổng thống Mỹ hoạt động khá tự chủ, nhưng đôi khi tùy tiện, thậm chí có xu hướng lạm quyền - điển hình là việc Tổng thống (1865 - 1869) Andrew Johnson (1808 - 1875) bị Quốc hội buộc tội lạm quyền và suýt bị cách chức năm 1868. Chưa có quy định chính thức về bộ máy giúp việc và những quyền lợi đặc biệt mà Tổng thống được hưởng, nên các Tổng thống phải làm việc rất căng thẳng. Còn non trẻ và quá bận rộn với những nhiệm vụ đối nội, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chưa tạo được ảnh hưởng quốc tế đáng kể; quyền lực nguyên thủ quốc gia của Tổng thống Mỹ, vì thế, cũng chưa được phát triển mạnh trên phương diện đối ngoại. Dù mang những hạn chế như vậy, chế độ Tổng thống Mỹ vẫn tồn tại vững và liên tục bởi nhiều nguyên do, quan trọng nhất có lẽ là nhờ khả năng và vai trò cá nhân đặc biệt của các vị Tổng thống. Phần lớn trong số 18 Tổng thống giai đoạn này đều là những người xuất sắc, có quá khứ nhân thân chói lọi: Tổng thống (1789 - 1797) George Washington (1732 - 1799) được coi là “người sáng lập nước Mỹ”; Tổng thống (1801 - 1809) Thomas Jefferson (1743 - 1826) - nhà tư tưởng vĩ đại, tác giả chính của Tuyên ngôn Độc lập; Tổng thống (1809 - 1817) James Madison (1751 - 1836) - tác giả chính của Hiến pháp; Tổng thống (1829 - 1837) Andrew Jackson (1767 - 1845) - nhà dân chủ và cải cách, người hùng trong trận chiến chống Anh năm 1815 và chống Tây Ban Nha năm 1818; Tổng thống (1861 - 1865) Abraham Lincoln (1809 - 1865) - người chủ trương thống nhất nước Mỹ và giải phóng nô lệ; Tổng thống (1869 - 1877) Ulysses S. Grant (1822 - 1885) - vị tướng thiên tài chỉ huy quân đội miền Bắc trong cuộc Nội chiến 1861 - 1865 .v.v... Là nhân vật trung tâm của một thể chế hoàn toàn mới lạ, đứng đầu một liên bang cộng hoà rộng lớn mà non trẻ, họ phải gánh vác sứ mệnh của kẻ “đi tiên phong trên mảnh đất chưa ai đặt chân” (đúng như lời Washington). Bằng uy tín, nghị lực và tài năng đặc biệt, họ đã hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh vất vả đó, góp phần quyết định trong việc mở rộng lãnh thổ, phát triển kinh tế, nâng cao dân chủ .... cho Hợp chúng quốc, đồng thời duy trì sự tồn tại liên tục và vững mạnh của chế độ tổng thống. Bất chấp mọi khó khăn ngăn trở, họ mạnh dạn tự ý đặt ra hàng loạt tiền lệ cần thiết nhằm hoàn thiện chế độ tổng thống - những tiền lệ mà ngay cả các nhà lập hiến Mỹ cũng không ngờ tới hoặc không dám quy định. Đáng kể nhất là:

(1). Tiền lệ về tham khảo ý kiến Nội các: Trên cơ sở tham khảo ý kiến các bộ trưởng - giống như việc từng thành lập Hội đồng Chiến tranh để cố vấn cho mình trong thời kỳ chống Anh giành độc lập - Tổng thống Washington đã nêu gương cho các Tổng thống sau này về chuyện thường xuyên tham khảo ý kiến Nội các.

(2). Tiền lệ về quyền chọn Nội các: Trước kia, Quốc hội thường không thẩm tra lại việc bổ nhiệm của Tổng thống Washington (chủ yếu do tôn trọng cá nhân ông, chứ không phải nguyên tắc quy định vậy), từ đó hình thành nên một tập quán chung là “Tổng thống có quyền chọn Nội các”. Quốc hội thường chỉ thừa nhận việc bổ nhiệm Nội các của Tổng thống mà thôi - thậm chí điều đó vẫn được áp dụng ngay cả khi đảng đối lập chiếm đa số trong Quốc hội.

(3). Tiền lệ về giới hạn hai nhiệm kỳ: Ban đầu, Hiến pháp Mỹ chưa quy định mỗi Tổng thống có thể giữ chức tối đa bao nhiêu nhiệm kỳ. Tổng thống Washington đáng lẽ đã đặt ra tiền lệ một nhiệm kỳ, vì ngay khi mới nhậm chức (năm 1789), ông đã quyết định mình sẽ thôi chức vĩnh viễn vào năm 1793; nhưng thực tế đã buộc ông tiếp tục đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai (1793 - 1797), bởi lúc đó Chính phủ trung lập (phi đảng phái) mà ông cố công duy trì đang có nguy cơ tan rã. Như vậy, ông ngầm quy ước giới hạn 2 nhiệm kỳ. Tiền lệ này được các Tổng thống tiếp theo giữ nghiêm đến tận năm 1940, khi Tổng thống (1933 - 1945) Franklin D. Roosevelt (1882 - 1945) ra ứng cử và trúng cử vào nhiệm kỳ thứ ba. Năm 1951, Nhà nước Mỹ đã ban hành Điều bổ sung thứ XXII của Hiến pháp, chính thức hoá tiền lệ về giới hạn hai nhiệm kỳ.

(4). Tiền lệ về sự lựa chọn Chánh án Toà án Tối cao: Khi John Jay từ chức Chánh án Tòa án Tối cao (năm 1795), Tổng thống Washington đáng lẽ có thể chọn một thẩm phán Toà án Tối cao lên thay thế, đúng như mong muốn và dự đoán của nhiều người. Nhưng Washington đã không hành động như vậy - ông không lấy thâm niên, kinh nghiệm nghề nghiệp làm tiêu chuẩn để lựa chọn người lãnh đạo ngành tư pháp quốc gia. Ông đã định hình một tiền lệ mới, theo đó các Tổng thống kế tiếp có thể lựa chọn trong số nhiều người trẻ tuổi, tài giỏi, năng động .... để bổ nhiệm vào chức vị Chánh án Toà án Tối cao thay cho việc chỉ chọn trong số ít những thẩm phán tối cao đương chức - thường già cả, bảo thủ, chậm chạp.

(5). Tiền lệ bác bỏ sự can thiệp của Hạ viện trong lĩnh vực đối ngoại: Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước Jay (ký kết với Anh năm 1795), Hạ viện lại yêu cầu Tổng thống Washington cho xem tất cả giấy tờ có liên quan trực tiếp tới quá trình đàm phán dẫn đến Hiệp ước này. Nhưng Washington từ chối với lý do, theo Hiến pháp, Hạ viện không được quyền can thiệp vào chuyện đàm phán, ký kết, thông qua điều ước quốc tế, cũng như nhiều vấn đề đối ngoại khác. Như vậy, ông đã đặt ra một tiền lệ cho các Tổng thống tiếp theo có thể bác bỏ những yêu sách tương tự của Hạ viện.

(6). Tiền lệ về đặc quyền: Năm 1807, Tổng thống Jefferson bị đòi ra hầu toà để làm chứng trong vụ xét xử Aaron Burr vì tội mưu phản và bị yêu cầu phải đem theo mọi giấy tờ có liên quan tới vụ này. Nhưng Jefferson từ chối, không chịu đến toà và chỉ đồng ý cung cấp những thông tin nào ông muốn. Với xử sự này, Jefferson đã tạo nên tiền lệ về đặc quyền của Tổng thống.

(7). Tiền lệ về bổ nhiệm người thân tín và có công: Trong hai nhiệm kỳ (1829 - 1837), Tổng thống Jackson đã bãi nhiệm, sa thải hàng ngàn công chức liên bang và thay thế bằng những người đã ủng hộ mình trong cuộc tranh cử. Ông coi đó là một quyền lợi cơ bản của đảng thắng cử và được người ta gọi bởi thuật ngữ “ chế độ chiến lợi phẩm” (spoils system). Thực ra, Washington và Jefferson cũng từng làm thế, nhưng chỉ đến Jackson, việc ấy mới trở thành nguyên tắc dùng sự bổ nhiệm chức vụ để thưởng công cho những hoạt động chính trị. Mặc dù bị dư luận phản đối mạnh mẽ, những người kế nhiệm Jackson vẫn áp dụng rộng rãi tiền lệ này và chỉ đến năm 1881 - khi một kẻ có công không được đền bù như mong muốn đã ám sát Tổng thống (1881) James A. Garfield (1831 - 1881) - thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức liên bang mới được thay đổi cho an toàn và hiệu quả hơn.

(8). Tiền lệ về kế vị đầy đủ: Là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên lên kế vị khi Tổng thống đương nhiệm từ trần, Tổng thống (1841 - 1845) John Tyler (1790 - 1862) nhậm chức giữa không khí tranh luận gay gắt về địa vị của ông. Luật pháp bấy giờ chưa quy định rõ sự kế vị. Rất nhiều người cho rằng, trong những trường hợp đặc biệt kiểu này, Phó Tổng thống chỉ được đảm nhận quyền cùng nghĩa vụ của Tổng thống chứ không được nhận chức Tổng thống và như vậy, Tyler thực ra chỉ là Quyền Tổng thống (Acting President). Nhưng Tyler cương quyết phản đối. Ngay từ đầu, ông đã tự coi là Tổng thống và cho rằng địa vị, quyền lực của mình không hề bị ảnh hưởng bởi phương thức thiết lập. Để chứng tỏ sự cứng rắn, Tyler gửi trả nguyên vẹn mọi thư tín gửi tới cho ông với tư cách là cho một “Quyền Tổng thống”! Quan điểm của Tyler cuối cùng trở thành tiền lệ, cho phép các Phó Tổng thống Mỹ trở thành “Tổng thống” - với đầy đủ ý nghĩa, giá trị của từ này - khi Tổng thống đương nhiệm đột ngột từ trần.

2. Giai đoạn 1877 - 1901: Sự đổi thay nhiều mặt Công cuộc tái thiết sau nội chiến kết thúc tốt đẹp, nước Mỹ bước vào kỷ nguyên chuyển mình mạnh mẽ. Lãnh thổ tiếp tục được mở rộng và thống nhất, đồng thời với việc tăng cường quyền lực trung ương. Nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc. Rất nhiều thiết chế “không chính thức” (đảng phái, nhóm áp lực....) hình thành và cạnh tranh sôi động, tạo nên sự đa dạng, phức tạp và cơ cấu mới, thế cân bằng mới cho hệ thống chính trị. Đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ nổi lên như hai tổ chức hùng hậu đối lập, cùng nhau hoặc luân phiên khống chế quyền lực nhà nước. Với việc trục xuất Tây Ban Nha khỏi châu Mỹ và chiếm của nước này các thuộc địa Puerto Rico, Guam, Philippines qua cuộc chiến tranh chớp nhoáng năm 1898, Hoa Kỳ bắt đầu khẳng định vai trò cường quốc cùng sức mạnh can thiệp quốc tế của mình... Những yếu tố trên đã ảnh hưởng lớn đến chế độ tổng thống Mỹ. Vai trò nguyên thủ quốc gia và vai trò người đứng đầu hành pháp đã phát triển đồng bộ, hài hoà. Tổng thống và chế độ tổng thống đã được tất cả các bang thừa nhận cả về pháp lý lẫn trên thực tế. Quyền lực tổng thống vì vậy tập trung và khả năng thực hiện suôn sẻ hơn nhưng lại bị giám sát chặt chẽ hơn do cơ chế kìm giữ - đối trọng giữa Quốc hội và Toà án Tối cao với Tổng thống bắt đầu khôi phục giá trị sau một thời kỳ dài giảm sút hiệu lực. Qua nhiều sửa đổi, phương thức bầu cử vẫn còn bộc lộ những bất hợp lý - điển hình là việc Tổng thống (1877 -1881) Rutherford B. Hayes (1822 - 1893) và Tổng thống (1889 - 1893) Benjamin Harrison (1833 - 1901) đắc cử nhờ hơn đối thủ số phiếu đại cử tri, nhưng lại kém về số phiếu cử tri thường. Việc mở rộng đối tượng được quyền bầu cử, các luồng nhập cư ồ ạt, nhiều thiết chế mới xuất hiện và tạo ảnh hưởng .v.v... đã khiến các Tổng thống Mỹ không còn bành trướng nổi vai trò cá nhân như trước nữa. Họ giành được chức một cách vất vả, hoạt động thận trọng và không ai trong 6 Tổng thống giai đoạn này cầm quyền nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp3. Quyền hành Tổng thống đã khá toàn diện, có chú trọng phát triển trong lĩnh vực danh dự, nghi lễ quốc gia và đối ngoại. Quyền lợi Tổng thống cũng được tăng cường, đáng kể nhất là sự sửa đổi mức lương còi cọc và cải thiện quy chế bảo vệ - tuy vậy vẫn chưa ngăn được nhiều biến cố đáng tiếc như việc Tổng thống (1881) Garlfield (1831 - 1881) và Tổng thống (1887 - 1901) William McKinley (1843 - 1901) bị ám sát. Tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ giữa Tổng thống với đảng phái chính trị được khẳng định và kể từ đây không ai có thể đắc cử tổng thống nếu không phải là thành viên của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hoà. Chế độ tổng thống Mỹ đã phát triển vững chắc trong nước, đồng thời ảnh hưởng khuôn mẫu của mình ra khắp châu Mỹ Latinh và được cộng đồng quốc tế công nhận là một mô hình nguyên thủ quốc gia phổ biến.

3. Giai đoạn 1901- 1945: Vững mạnh trong môi trường khủng hoảng Cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 - 19394 và hai cuộc chiến tranh thế giới (1914 - 1918; 1939 - 1945) tác động mạnh đến toàn nước Mỹ nói chung cũng như chế độ tổng thống nói riêng. Vai trò nguyên thủ quốc gia và vai trò người đứng đầu hành pháp đã gắn bó mật thiết và chuyển hoá linh động. Các Tổng thống đều phát huy được hết mức năng lực và vị thế cá nhân của mình. Để đảm bảo an ninh chính trị và kinh tế trong tình trạng khẩn cấp, họ sử dụng thường xuyên những quyền hành đặc biệt, nhiều khi làm xê dịch hoặc phá vỡ hàng rào giới hạn của Hiến pháp. Quan hệ kiềm chế và đối trọng giữa ba cơquan nhà nước trung ương (Quốc hội - Tổng thống - Toà án Tối cao) mất đi trạng thái cân bằng do ưu thế nghiêng hẳn về phía Tổng thống. Phương thức thiết lập cũng có một số thay đổi quan trọng. Từ năm 1920 - khi Điều bổ sung thứ XIX của Hiến pháp trao quyền bầu cử cho cả phụ nữ - phạm vi đối tượng được bầu Tổng thống mở rộng rất nhiều cả về số lượng lẫn tính chất. Nền móng chế độ tổng thống vì vậy trở nên vững chắc, bình đẳng và toàn diện hơn (Tổng thống sẽ là đại diện của toàn dân Mỹ chứ không còn riêng của nam giới như trước nữa!). Để tăng tính liên tục và nâng cao hiệu quả chính trị, Điều bổ sung thứ XX được ban hành vào năm 1933, chuyển ngày nhậm chức từ 4/3 xuống 20/1, rút ngắn khoảng cách tế nhị từ lúc trúng cử đến lúc chính thức cầm quyền của Tổng thống. Việc F. D. Roosevelt đắc cử 4 lần liên tiếp (năm 1932, 1936, 1940, 1944) khiến người ta bắt đầu xem xét nghiêm túc vấn đề giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống. Quyền hành tổng thống được mở rộng, tăng cường trong lĩnh vực lập pháp, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Quyền lợi cũng được bảo đảm hơn và mặc dù có nhiều biến động phức tạp, không ai trong 7 Tổng thống giai đoạn này bị ám sát. Năm 1939, vượt qua nhiều cản trở thực tế và bất chấp cả việc Hiến pháp không quy định, F. D. Roosevelt chính thức cho thiết lập bộ máy giúp việc - sự kiện đánh dấu bước phát triển đặc biệt quan trọng của chế độ tổng thống Mỹ: từ đây, Tổng thống Mỹ đã có một cơ quan đắc lực giúp mình củng cố địa vị và điều hành xã hội, phối hợp và kiểm soát những mặt hoạt động cơ bản nhất của quốc gia, quyền lực tổng thống (nhất là quyền hành pháp) lớn mạnh, vững chắc hơn trước rất nhiều và bắt đầu mang sắc thái mới của chế độ nguyên thủ quốc gia hiện đại.

4. Giai đoạn từ năm 1945 đến nay

Ổn định, toàn diện hoá và hiện đại Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc đã đưa nước Mỹ lên vị trí cường quốc hàng đầu thế giới. Chế độ tổng thống Mỹ được dịp bành trướng mô hình khuôn mẫu của mình ra khắp các châu lục. Quyền lực tổng thống Mỹ cũng được mở rộng và khẳng định ưu thế trong lĩnh vực đối ngoại.

Tuy vậy, nhìn chung, tốc độ phát triển chế độ tổng thống Mỹ giai đoạn này có phần chững lại với xu hướng ổn định và toàn diện hoá. Trong nước, nền kinh tế năng động, cơ cấu chính trị - pháp lý phức tạp và sự can thiệp mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ đã làm thay đổi nhiều giá trị cổ truyền của chế độ tổng thống, đặt nó vào trạng thái phát triển vừa linh hoạt lại vừa thận trọng. Ngoài nước, mặc dù Tổng thống Mỹ trở thành nhân vật có uy lực bậc nhất thế giới và mô hình nguyên thủ quốc gia kiểu Mỹ đã phổ biến rộng rãi, chế độ tổng thống Mỹ bắt đầu phải vất vả cạnh tranh ảnh hưởng với hàng loạt mô hình nguyên thủ quốc gia khác - không kém phần ưu việt - mới xuất hiện khắp nơi. Phương thức thiết lập tiếp tục được hoàn thiện và các điều khoản sửa đổi, bổ sung Hiến pháp ban hành trong giai đoạn này đều ít nhiều nhằm mục đích ấy. Điều bổ sung thứ XXII (năm 1951) giới hạn mức tối đa 2 nhiệm kỳ đối với những ai giữ chức Tổng thống. Điều bổ sung thứ XXIII (năm 1961) cho phép công dân Thủ đô Washington được tham gia bầu cử ra Tổng thống, Phó Tổng thống. Điều bổ sung thứ XXIV (năm 1964) cấm việc coi đóng thuế thân hoặc các loại thuế khác của công dân như một điều kiện để được đi bỏ phiếu. Điều bổ sung thứ XXV (năm 1967) quy định rõ những trường hợp Phó Tổng thống trở thành Tổng thống và việc lập Phó Tổng thống mới nếu chức vị này bị khuyết. Điều bổ sung thứ XXVI (1971) hạ mức tuổi được quyền bầu cử của công dân Mỹ xuống còn 18. Với các điều bổ sung thứ XXIII, XXIV, XXVI, phạm vi đối tượng bầu cử tổng thống đã được mở rộng tối đa, nhưng thực tế tỷ lệ người đi bầu so với người có quyền bầu tổng thống vẫn còn thấp. Những yếu tố nhân thân (tuổi tác, nghề nghiệp, học vấn ....) của 11 Tổng thống giai đoạn này đều rất khác nhau và khác xa những Tổng thống trước kia, chứng tỏ cử tri Mỹ thời hiện đại đã dễ dãi hoá nhiều tiêu chuẩn cần có của ứng cử viên tổng thống; họ chỉ tập trung vào một số tiêu chuẩn thiết thực nhất - chẳng hạn như khả năng lãnh đạo, điều hành của ứng cử viên. Tương ứng sự gia tăng nhu cầu phức tạp của việc quản lý nhà nước, quyền hành tổng thống không ngừng lớn mạnh một cách tự nhiên, ngấm ngầm và người ta chỉ chợt nhận rõ điều đó vào năm 1974 - khi Tổng thống (1969 - 1974) Richard M. Nixon (1913 - 1998) phải từ chức do dính líu vào vụ Watergate5. Bộ máy giúp việc cũng phình to, nắm giữ vai trò ngày càng quan trọng nhưng có phần quan liêu. Chế độ quyền lợi quy định rõ ràng và bảo đảm chắc chắn hơn đã đưa Tổng thống trở thành nhân vật được hưởng đặc quyền ưu đãi lớn nhất nước Mỹ (trừ phương diện kinh tế). Quốc hội và Toà án Tối cao dần lấy lại được ưu thế của mình trong quan hệ với Tổng thống, dù vẫn bị lép vế trước sức nặng của quyền hành pháp. Mối liên kết giữa Tổng thống với các đảng chính trị giảm hẳn tính cực đoan khi Tổng thống ngày càng thoả hiệp, hợp tác tốt đẹp hơn với những phe phái đối lập, ngày càng ít đảng viên thuần tuý ủng hộ Tổng thống đảng mình và ngày càng có nhiều ứng cử viên tổng thống độc lập (không thuộc bất cứ đảng phái nào)... Tuy tồn tại ổn định, vững chắc và giải quyết khá hiệu quả những vấn đề gay cấn của xã hội hiện đại, chế độ tổng thống Mỹ bắt đầu phải đối phó với hàng loạt trào lưu phủ nhận khả năng hợp thời của nó, đòi phải có những thay đổi, cải cách cơ bản và xu hướng này chắc chắn tiếp tục mạnh lên trong tương lai.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top