Những chú ý khi dạy bài Tác phẩm văn chương

Bút Nghiên

ButNghien.com
Tài liệu sưu tầm tham khảo:

DẠY BÀI TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG

Về loại thể tác phẩm văn chương người ta có nhiều cách phân chia khác nhau. Sách Lí luận văn học của nhóm tác giả Trần Ðình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (Nxb Giáo dục 1987, tập II) phân chia tác phẩm văn học ra làm các loại: tác phẩm trữ tình, tác phẩm tự sự, kịch bản văn học, tác phẩm kí văn học, tác phẩm chính luận, các thể thơ văn cổ. Trong sách Văn 11 (tập II, Nxb Giáo dục 1991, bộ sách của trường Ðại học Sư phạm Hà Nội) Trần Ðình Sử chia ba loại tự sự, trữ tình, kịch. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà trong các sách Văn 10,11 (tập II, Nxb Giáo dục 1990, 1991, bộ sách của Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh) phân chia ra các thể loại: truyện, thơ, kịch. Cho dù tên gọi khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu vẫn thống nhất trong việc xác định những đặc điểm của mỗi thể loại. Với người sáng tác, thể loại thể hiện một giới hạn tiếp xúc với đời sống, một cách tiếp cận, một góc nhìn, một trường quan sát, một quan niệm đối với đời sống, đồng thời cũng là một nguyên tắc xây dựng thế giới nghệ thuật (Lí luận văn học, sách đã dẫn, trang 164). Với người nghiên cứu và giảng dạy văn học, đặc điểm riêng của mỗi thể loại quy định cách cảm thụ, cách phân tích, cách dạy khác nhau. Phương hướng dạy các loại bài học sau đây dựa vào cách phân loại của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà.

1. Dạy tác phẩm Tự sự :

A. Ðặc điểm loại thể:

- Truyện khác thơ ở những điểm nào?

Trong loại thể tự sự có hai loại tác phẩm: truyện ngắn và tiểu thuyết. Mặc dù có những điểm khác biệt nhưng truyện ngắn và tiểu thuyết có rất nhiều điểm chung. Những điểm chung đó là:

a. Nếu tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong sự cảm nhận chủ quan thì tác phẩm tự sự tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan. Nó phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống trong không gian, thời gian, qua các sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Trong tác phẩm tự sự tư tưởng, tình cảm của nhà văn được thể hiện gián tiếp thông qua các chi tiết, sự kiện, cách miêu tả chi tiết, sự kiện.

b. Nói đến truyện là nói đến nhân vật. Nhân vật là yếu tố trung tâm của tác phẩm. Hệ thống nhân vật đặc biệt là các nhân vật chính được khắc họa đầy đủ từ hành động, tâm lí, ngoại hình, ngôn ngữ của nhân vật, xung đột giữa các nhân vật, qua đó tính cách nhân vật được bộc lộ. Nhà văn tạo ra nhân vật nhằm hai mục đích: phản ánh những con người trong xã hội đồng thời qua đó bày tỏ thái độ và nhận thức của mình đối với đời sống. Ngoài ra còn những chi tiết gắn liền với đời sống các nhân vật: ngoại cảnh, phong tục, lịch sử, văn hóa...

c. Hoạt động và mối quan hệ xã hội của các nhân vật thường chứa đựng các tình huống, sự kiện và xung đột, những yếu tố này làm nên cốt truyện. Nhờ cốt truyện mà người ta có thể kể lại được tác phẩm. Cốt truyện có thể chứa nhiều tình tiết hay một tình tiết. Mỗi tình tiết là một sự việc, một biến cố, thường diễn ra như một quá trình, có mở đầu, cao trào và có kết thúc, giải quyết mâu thuẫn.

d. Do phản ánh hiện thực trong tính khách quan nên trong tác phẩm tự sự còn có một nhân tố thứ ba: người trần thuật hay còn gọi là người kể chuyện. Hình tượng người trần thuật được hiện diện trong hai loại: đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Ở loại thứ nhất, người kể chuyện là một trong những nhân vật tham gia vào các sự kiện trong tác phẩm với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tôi. Loại thứ hai, phổ biến hơn, người kể chuyện kể lại câu chuyện như là một người ngoài cuộc, không tham gia vào diễn biến câu chuyện và gọi nhân vật của mình bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: họ, anh, nàng, hắn, thị... Mỗi nhà văn có cách kể chuyện và giọng điệu kể chuyện riêng, có thể là giọng kể bình tĩnh, khách quan hoặc giọng kể thể hiện rõ cảm xúc, tác giả trực tiếp bình luận sự kiện, nhân vật. Cần lưu ý là ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật có sự hòa quyện chặt chẽ, do vậy giọng điệu trong tác phẩm tự sự là giọng điệu đa thanh.

- Sự hấp dẫn của một tác phẩm tự sự không chỉ ở các chi tiết, sự kiện mà còn ở cách kể chuyện của nhà văn, cách lí giải, cách nhìn của nhà văn với các sự kiện đó. So sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ta thấy: Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều dựa trên tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng giá trị của Kim Vân Kiều truyện chỉ là giá trị của câu chuyện về một cặp tài tử - giai nhân. Cũng dựa trên những sự kiện cơ bản của Kim Vân Kiều truyện nhưng Nguyễn Du có cách lí giải, khai thác, cách kể khác, cách nhìn khác với Thanh Tâm Tài Nhân về các sự kiện, chi tiết đó. Vì thế Truyện Kiều không theo motif tài tử - giai nhân mà nêu lên những vấn đề có ý nghĩa xã hội, nhân sinh to lớn: số phận của những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh trong xã hội, sức mạnh của đồng tiền, ước mơ công lí...

- Những đặc điểm trên của thể loại truyện có chi phối cách dạy truyện hay không? Dạy truyện khác thơ ở những điểm nào?

B. Phương hướng giảng dạy:

Dựa trên những đặc điểm thể loại, khi dạy một tác phẩm truyện, giáo viên cần chú ý những điểm sau :

a/ Phân tích kết cấu tác phẩm :

- Việc phân tích kết cấu hay còn gọi là bố cục của tác phẩm không phải chỉ là chia tác phẩm hay trích đoạn tác phẩm ra làm mấy đoạn và nêu ý chính của mỗi đoạn. Kết cấu của tác phẩm bao gồm các yếu tố sau: sự sắp xếp, phân bố các chương đoạn (bố cục), tổ chức hệ thống tính cách, tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật, trình bày bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện...Thực chất của việc phân tích kết cấu tác phẩm là phải giúp học sinh nắm được sự sắp xếp, tổ chức các sự kiện và sự vận động của các sự kiện, trong tác phẩm và ý nghĩa của sự sắp xếp đó.

- Bước đầu tiên, đơn giản nhất của việc phân tích kết cấu là giúp học sinh xác định tác phẩm gồm mấy đoạn, ý chính của các đoạn. Với các tác phẩm có cốt truyện phức tạp, nhiều sự kiện, nhân vật, việc xác định bố cục của tác phẩm nên được tiến hành trước khi đi vào phân tích từng đoạn để giúp học sinh có cái nhìn tổng thể với tác phẩm.

- Có thể giúp học sinh phân tích kết cấu tác phẩm bằng cách: cho học sinh lập sơ đồ miêu tả lại trình tự câu chuyện, chú ý đến mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, lí giải ý nghĩa của các sự kiện đó. Với những tác phẩm có nhiều tình tiết phức tạp, giáo viên có thể cung cấp bảng trộn lẫn các sự kiện (bảng 2, bài 2) sau đó yêu cầu học sinh sắp xếp lại câu chuyện theo đúng trình tự.

Ví dụ: Việc phân tích kết cấu tác phẩm Ðôi mắt của Nam Cao có thể được tiến hành như sau:

* Cho học sinh hoạt động theo nhóm, mỗi nhóm xác định tác phẩm gồm mấy đoạn, ý chính của các đoạn.

* Trả lời câu hỏi : Câu chuyện được mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh nào? Cách mở đầu và kết thúc như vậy góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề gì của tác phẩm.

- Nắm vững kết cấu là tiền đề cho việc phân tích nhân vật vì tính cách nhân vật được thể hiện và phát triển qua sự vận động của các sự kiện trong tác phẩm.

Ví dụ: Khi phân tích nhân vật Chí Phèo, ta thấy tích cách Chí Phèo được hình thành và biến đổi qua ba giai đoạn sau :

+ Chí Phèo khi còn trẻ.
+ Chí Phèo khi ở tù về.
+ Chí Phèo khi gặp Thị Nở.

Giáo viên nên hướng dẫn học sinh phân tích theo từng đoạn dựa trên kết cấu của tác phẩm. Tùy theo từng tác phẩm, việc phân tích có thể tiến hành theo lối cắt ngang (phân tích theo từng đoạn) hoặc xẻ dọc (phân tích theo tuyến nhân vật) nhưng dù là phân tích theo tuyến nhân vật thì ta vẫn phải kết hợp phân tích theo từng đoạn. Tác phẩm được phân tích theo mấy đoạn hoặc mấy tuyến nhân vật là tùy theo cấu trúc của từng tác phẩm.

Ví dụ: Với trích đoạn Vợü chồng A Phủ, giáo viên nên kết hợp phân tích theo 2 tuyến A Phủ và Mỵ qua từng giai đoạn trong cuộc đời nhân vật:

1. Mỵ:

a. Trước khi làm dâu nhà thống lí Pá Tra.
b. Làm dâu.
c. Gặp gỡ A Phủ.

2. A Phủ:

a. Trước khi đánh A Sử.
b. Làm đầy tớ cho nhà thống lí.

- Với những trích đoạn tiểu thuyết nhất thiết giáo viên phải tóm tắt nội dung tác phẩm trước khi tiến hành phân tích để giúp học sinh hình dung được trích đoạn sẽ học nằm trong phần nào của tác phẩm, câu chuyện sẽ tiếp tục như thế nào.

b/ Phân tích nhân vật:

- Sự vận động của các chi tiết, sự kiện gắn liền với sự vận động của các nhân vật, do đó, phân tích nhân vật phải kết hợp với phân tích các sự kiện vì sự kiện, tình tiết là môi trường, mảnh đất cho nhân vật hoạt động và bộc lộ tính cách. M. Gorki định nghĩa tình tiết là những liên hệ, những mâu thuẫn, những thiện cảm và ác cảm, nói chung là những mối quan hệ qua lại của con người, là lịch sử và tổ chức của tính cách này hay tính cách khác. Do vậy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phân tích tính cách nhân vật qua các yếu tố:

+ Ðặc điểm ngoại hình.

+ Hành động: cách phản ứng với các sự kiện, mối quan hệ qua lại giữa nhân vật này với nhân vật khác.

+ Những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật (nội tâm của nhân vật).

+ Ngôn ngữ và phong cách ngôn ngữ của nhân vật.

Ví dụ :Ðặc điểm ngoại hình của Chí Phèo sau khi đi tù về được Nam Cao mô tả rất sinh động. Sự thay đổi trong tính cách của Chí Phèo được thể hiện rất rõ qua gương mặt, cách ăn mặc. Ðể giúp học sinh hiểu được điều này, giáo viên có thể đặt những câu hỏi như sau:

? Tác giả đã dùng những từ ngữ, hình ảnh rất sống động miêu tả ngoại hình của nhân vật, đó là những từ ngữ, hình ảnh nào?

? Ngoại hình đó bộc lộ nét gì mới trong tính cách của Chí Phèo sau khi đi tù về? Thái độ của tác giả được thể hiện qua từ ngữ nào?

- Phân tích nhân vật, sự kiện đồng thời phân tích thái độü tác giả đối với các nhân vật và sự kiện đó vì nhân vật là tiêu điểm qui tụ kết cấu nghệ thuật của tác phẩm, là nơi thể hiện tập trung khuynh hướng tư tưởng, thái độ đạo đức và tình cảm của tác giả. Tất cả các yếu tố trên được thể hiện qua ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật được dùng trong tác phẩm.

- Ðể giúp học sinh thấy được mối quan hệ gắn bó giữa tính cách nhân vật với sự kiện, giáo viên có thể cho học sinh lập bảng thống kê sau :

SỰ KIỆN​
PHẢN ỨNG VÀ HÀNH ÐỘNG CỦA NHÂN VẬT​
.................​
.....................................​
....................​
....................................​
.......................​
.................................

- Nhân vật là yếu tố trung tâm của tác phẩm nên giáo viên cần dành một khoảng thời gian thích đáng để phân tích nhân vật.

- Bên cạnh hình tượng nhân vật, trong tác phẩm còn có hình tượng không gian, hình tượng thời gian, cần lưu ý phân tích hai loại hình tượng này. Không gian nghệ thuật là nơi câu chuyện xảy ra, nơi nhân vật sống và hành động, không gian mơ ước, không gian hoài niệm của tác giả.
Thời gian nghệ thuật là thời điểm xảy ra câu chuyện, mối quan hệ giữa ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai đồng thời là thời gian hoài niệm của tác giả.

Ví dụ: Hai đứa trẻ của Thạch Lam là loại truyện không có cốt truyện, nhà văn đi sâu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật đồng thời chú ý tạo dựng không gian nơi xảy ra câu chuyện. Với đoạn đầu tác phẩm từ Tiếng trống thu không đến tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng hoạt động phân tích có thể được tiến hành như sau :

?Ðọc và đặt câu hỏi Em có cảm giác gì khi nghe đọc đoạn văn này? Nhịp điệu đoạn văn có gì đặc biệt?

?Yêu cầu học sinh tìm những chi tiết miêu tả không gian phố huyện trong buổi chiều tà, lí giải tại sao tác giả lại dùng rất nhiều hình ảnh miêu tả bóng tối.

? Thảo luận và trả lời câu hỏi :Tại sao mọi chi tiết, hình ảnh trong đoạn văn này đều gợi lên cảm giác về sự tàn lụi, vô vọng? Ðiều này thể hiện thái độ gì của nhà văn với cuộc sống?

c/ Phân tích hình tượng người kể chuyện :

- Hình tượng người kể chuyện là một trong những yếu tố không thể thiếu của tác phẩm tự sự. Hình tượng người kể chuyện được thể hiện qua các yếu tố: cách kể chuyện, cách chọn lựa chi tiết, giọng điệu kể chuyện... Trong thực tế giảng dạy, vai trò người kể chuyện thường không được giáo viên quan tâm đúng mức. Trong tiến trình giờ giảng văn có bước phân tích bố cục tác phẩm, phân tích nhân vật nhưng không có bước phân tích nhân vật người kể chuyện, giáo viên cần giúp học sinh thấy được vai trò người kể chuyện thể hiện trong mọi yếu tố của tác phẩm: cách kể chuyện, giọng điệu kể chuyện, cách miêu tả nhân vật, sắp xếp sự kiện... Nghĩa là phải kết hợp phân tích vai trò người kể chuyện trong quá trình phân tích các yếu tố khác của tác phẩm, tăng cường việc cảm thụ, phân tích tác phẩm từ góc độ chủ thể sáng tác. Cảm thụ được hình tượng người kể chuyện có nghĩa là học sinh nắm được phong cách nghệ thuật của tác giả.

- Ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự là ngôn ngữ đa thanh, đan xen ngôn ngữ kể chuyện, miêu tả của tác giả và ngôn ngữ của các nhân vật. Ðể giúp học sinh thấy được những yếu tố trên, giáo viên nên sử dụng kết hợp các biện pháp như đặt câu hỏi, lập bảng phân loại các nhân vật, sắp xếp các sự kiện...

Ví dụ : Hướng dẫn học sinh phân tích sự đan xen trong ngôn ngữ của các nhân vật và ngôn ngữ miêu tả, kể chuyện của tác giả trong tác phẩm Ðôi mắt của Nam Cao từ đoạn Anh cười gằn một tiếng... đến dăm trang giấy. Với đoạn văn này hoạt động phân tích có thể được tiến hành như sau:

* Ðọc diễn cảm đoạn văn sau đó chia học sinh theo nhóm, mỗi nhóm thống kê một trong ba loại ngôn ngữ sau:

- ngôn ngữ của nhân vật Hoàng.

- ngôn ngữ của anh nông dân.

- ngôn ngữ miêu tả, kể chuyện của nhà văn.

* Trả lời câu hỏi: Sự đan xen giữa các loại ngôn ngữ đó tạo cho người đọc ấn tượng gì? Phân tích nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà văn.

* Tính cách nhân vật Hoàng được bộc lộ qua những yếu tố nào? Những từ ngữ, hình ảnh nào bộc lộ thái độ của Hoàng với người nông dân?
 
2 Dạy tác phẩm trữ tình :

A. Ðặc điểm loại thể :

a/ Ðặc điểm nổi bật của một bài thơ là những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thể hiện một cách trực tiếp . Tính chất cá thể hóa của cảm xúc và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Ðiều này cho phép nhà thơ sử dụng rộng rãi các từ cảm thán, dấu cảm, những biện pháp tu từ (ẩn dụ, so sánh, ngoa dụ, phóng đại...) để thể hiện cảm xúc.

b/ Nếu như tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực thông qua các nhân vật, sự kiện, xung đột giữa các nhân vật thì thơ trữ tình chỉ là những trạng thái cảm xúc của nhân vật trữ tình trước hiện thực do đó nó không có cốt truyện cũng không có tính kịch. Ðặc biệt, thơ hiện đại có xu hướng hướng tới việc miêu tả không chỉ hiện thực mà cả ý thức, tiềm thức, muốn tái hiện không chỉ hành động mà cả tư duy của con người (Nguyễn Ðăng Mạnh, Phùng Văn Tửu, Lê Ngọc Trà, Dạy sách giáo khoa thí điểm THCB lớp 12 môn văn ). Trong thơ Hàn Mặc Tử đặc điểm này thể hiện rất rõ.

c/ Nội dung của phương thức trữ tình đòi hỏi một hình thức thể hiện phù hợp. Vì thế ngôn ngữ tác phẩm trữ tình là thứ ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, giàu nhịp điệu. Nhà thơ luôn luôn có ý thức sử dụng nhạc điệu của ngôn ngữ để diễn đạt cảm xúc. Âm thanh, nhịp điệu tăng thêm hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không thể nói hết. Nhạc điệu đoạn thơ sau trong bài Buồn đêm mưa của Huy Cận vừa tả nhịp điệu mưa rơi vừa bộc lộ nỗi buồn của chủ thể trữ tình:

Ðêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.


- Do tính chất cá thể hóa của cảm xúc cho nên giọng điệu thơ trữ tình là giọng điệu đơn âm không phải là đa âm như tác phẩm tự sự.

- Những đặc điểm trên của thể loại thơ có chi phối cách dạy truyện hay không? Chi phối như thế nào?

B. Phương hướng giảng dạy:

a/ Do nhà thơ thường bộc lộ cảm xúc, suy tư của mình một cách trực tiếp trước đời sống nên hình tượng nghệ thuật trong thơ không phải là hình tượng nhân vật mà là hình tượng cảm xúc. Vì vậy phân tích thơ phải chú ý đến việc phân tích những trạng thái cảm xúc khác nhau của tác giả tạo thành hình tượng nghệ thuật của tác phẩm.

- Phân tích các trạng thái cảm xúc khác nhau của nhân vật trữ tình có nghĩa là phân tích kết cấu của tác phẩm. Giữa các trạng thái cảm xúc ấy có mối liên hệ chặt chẽ.

Ví dụ: Bài Tự tình II của Hồ Xuân Hương được làm theo thể thất ngôn bát cú, gồm 8 câu kết cấu theo lối đề, thực, luận, kết. Mỗi câu đề, thực, luận, kết thể hiện những trạng thái cảm xúc khác nhau của tác giả từ nỗi cô đơn, cảm giác bẽ bàng vì tình duyên lỡ dở đến sự phản kháng mãnh liệt không chấp nhận số phận.Ở hai cấu kết cảm xúc chuyển hướng khá dột ngột: nỗi chán chường, buông xuôi cuộc đời Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại. Như vậy, bài thơ chỉ có tám câu nhưng thể hiện những trạng thái tình cảm khác nhau của tác giả, mỗi trạng thái cảm xúc ấy được thể hiện qua một kết cấu mạch lạc.

- Hướng dẫn học sinh phân tích theo từng đoạn hoặc từng khổ thơ. Trong mỗi đoạn hoặc mỗi khổ hướng dẫn học sinh phân tích tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Tâm trạng, cảm xúc đó có thể được thể hiện trực tiếp hoặc thông qua cảnh sắc thiên nhiên. Một trong những đặc điểm thi pháp của thơ trung đại, thơ Ðường là lấy cảnh ngụ tình cho nên phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong thơ trung đại, thơ Ðường phải gắn với phân tích cảnh thiên nhiên.

Ví dụ: Tâm trạng buồn và cô đơn của nhân vật trữ tình trong bài Tràng giang được thể hiện qua khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, hoang vắng.

b/ Hướng dẫn học sinh phân tích ngôn ngữ chắt lọc, hàm súc trong bài thơ và các thủ pháp nghệ thuật được nhà thơ sử dụng để diễn tả cảm xúc như so sánh, ẩn dụ, đảo ngữ, điệp từ... Lưu ý là thơ ca thường dùng hình ảnh ẩn dụ, ẩn dụ gắn với phong cách cá nhân, truyền thống văn hóa của dân tộc.

- Do tính chắt lọc, hàm súc, gợi nhiều hơn tả của ngôn ngữ thơ nên giáo viên cần hướng dẫn học sinh nhận biết những từ ngữ, hình ảnh đặc biệt trong tác phẩm (còn gọi là nhãn tự ) và qua từng từ ngữ khơi dậy sự sống tiềm ẩn, khơi dậy những tâm tư, tình cảm của tác giả bằng cách đọc diễn cảm, câu hỏi.

Ví dụ: Chỉ bằng một điệp từ và dấu ba chấm (...), Nguyễn Bính vừa vẽ lên hình ảnh cuộc chia li lưu luyến giữa hai kẻ trên bến, dưới thuyền và cái nhìn theo hút mắt cho đến khi cánh buồm xa dần và biến mất của người ở lại :

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua của tò vò nhìn nhau.
Anh đi đấy, anh về đâu,
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...

- Phân tích, giảng dạy thơ không thể bỏ qua nhạc điệu của câu thơ, khổ thơ, cách gieo vần..., vai trò của nhạc điệu trong việc thể hiện nội dung. Tác động của câu thơ đến người đọc là tác động tổng hợp của cả âm thanh, nhịp điệu và nghĩa của từ. Trong nhiều trường hợp, người đọc thuộc nhạc điệu câu thơ mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Ðôi khi chỉ cần phân tích nhạc điệu là đã thấy được ý nghĩa của câu thơ.

- Do đặc trưng ngôn ngữ thơ là có tính nhạc cho nên dạy văn nói chung, phân tích thơ nói riêng không thể bỏ qua phương pháp đọc diễn cảm, giáo viên có thể giúp học sinh hiểu bài thơ qua việc yêu cầu đọc và thảo luận cách ngắt giọng, đánh dấu trọng âm cho một đoạn thơ hay một bài thơ.

Ví dụ : Hai khổ thơ đầu bài Tống biệt hành của Thâm Tâm hoạt động phân tích có thể được tiến hành như sau :

* Ðọc diễn cảm bài thơ và đặt câu hỏi:Em có cảm xúc gì khi nghe đọc đoạn thơ này ?

* Chia nhóm học sinh, mỗi nhóm đánh dấu cách ngắt giọng, đánh dấu trọng âm cho mỗi khổ thơ.

* Phân tích từng khổ thơ :

- Khổ 1: Yêu cầu học sinh phát hiện những hình ảnh ẩn dụ trong hai câu thơ đầu, phân tích ý nghĩa của những hình ảnh ẩn dụ đó.

+ Thảo luận câu hỏi: Ðiệp từ sao và hai câu hỏi tu từ trong khổ thơ thể hiện tâm trạng gì của tác giả? Khung cảnh buổi tiễn đưa có gì đặc biệt?

+ Câu hỏi :Nhạc điệu đoạn đầu có gì đặc biệt? Phân tích vai trò của nhạc điệu trong việc thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình.

- Khổ 2: Yêu cầu học sinh thống kê những điệp từ được dùng trong khổ thơ này . Phân tích vai trò của những điệp từ đó.

+ Thảo luận câu hỏi: Ðoạn thơ thể hiện tâm trạng 2 nhân vật: người ra đi và người đưa tiễn. Ðó là tâm trạng gì? Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện tâm trạng đó?

+ Thảo luận câu hỏi: Nhạc điệu đoạn thơ này như thế nào?Phân tích hình ảnh ẩn dụ con đường nhỏ.
 
3. Dạy tác phẩm kịch:

A/ Ðặc điểm loại thể:

- Truyện khác kịch ở những điểm nào?

a. Nhân vật:

- Ðặc điểm nổi bật của kịch là không có lời người kể chuyện, lời tác giả thu hẹp vào các chú thích, hướng dẫn ngắn gọn, tác giả đứng sau các nhân vật và hành động của nhân vật. Giống như truyện, trong kịch có nhân vật nhưng do không có người kể chuyện nên nhân vật trong kịch có những đặc điểm sau:

- Diễn biến nội tâm của nhân vật trong kịch bản không được miêu tả trực tiếp, mà được thể hiện qua lời nói, ngữ điệu, hành động.

- Trong truyện, thơ, tâm trạng, cảm xúc của nhân vật nhiều khi được thể hiện gián tiếp qua cảnh thiên nhiên, điều này hầu như không có trong kịch bản.

- Tính cách nhân vật hiện lên hoàn toàn qua lời nói (độc thoại, đối thoại, bàng thoại: nói với khán giả) và hành động. Lời nói của nhân vật thường ngắn gọn, giàu tính hành động. Nhà viết kịch tập trung miêu tả ngôn ngữ nhân vật.

- Nhân vật thường được phân chia thành hai tuyến rõ ràng, mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật là mâu thuẫn của vở kịch.

b. Hành động:

- Cốt truyện của kịch là một chuỗi hành động của các nhân vật và những sự kiện liên quan tới những hành động đó. Cốt truyện trong một vở kịch thường chứa đựng nhiều tình huống mâu thuẫn gay cấn có tính xung đột cao.

- Mỗi vở kịch thường có một xung đột chính, thể hiện qua xung đột giữa hai tuyến nhân vật đối lập hoặc xung đột trong nội tâm nhân vật. Xung đột này chi phối toàn bộ hành động của các nhân vật.

- Kết cấu của một vở kịch gồm các hồi, mỗi hồi gồm nhiều lớp, mỗi lớp gồm nhiều cảnh. Mỗi hồi, lớp hoặc cảnh thường chứa đựng các biến cố, sự kiện xảy ra trong những không gian và thời điểm khác nhau. Các biến cố tập hợp thành xung đột kịch.
- Những đặc điểm trên của thể loại kịch có chi phối cách dạy kịch hay không? Dạy kịch khác dạy kịch ở những điểm nào?

B/ Phương hướng giảng dạy:

Trong chương trình phổ thông, học sinh chỉ học những trích đoạn kịch (một hồi, một cảnh) chứ không học cả vở kịch do đó, khi giảng dạy giáo viên cần chú ý:

- Tóm tắt nội dung vở kịch, giúp học sinh hình dung rõ vị trí đoạn trích trong vở kịch.

- Phân chia các vai trong đoạn trích cho một số học sinh đọc.

- Phân tích lời nói, hành động của nhân vật, qua ngữ điệu lời nói, hành động của nhân vật giúp học sinh thấy được những diễn biến nội tâm của nhân vật, tích cách nhân vật.

- Trong khi phân tích ngôn ngữ nhân vật giúp học sinh nhận biết ngôn ngữ độc thoại và đối thoại của nhân vật.

- Xung đột kịch thể hiện qua lời đối thoại giữa các nhân vật do đó nên phân tích theo tuyến nhân vật, do vậy, nên phân tích theo kiểu bổ dọc.

- Trong văn bản kịch cảnh thường hiện lên rất mờ nhạt do đó không nên dành một mục riêng để phân tích cảnh.

- Chú ý lời hướng dẫn, chú thích ngắn gọn của tác giả, qua đó giúp học sinh nhận biết diễn biến của hành động kịch, địa điểm, thời gian xảy ra hành động.

Ví dụ: Trích đoạn Ðêm trăng thề hẹn (Sếcxpia) nên được dạy theo hướng:

- Chia ba vai Rômêô, Juliet, nhũ mẫu và lời tác giả cho 4 học sinh đọc.

- Phần phân tích tập trung vào hai vấn đề:

1/ Rômêô.

2/ Juliét.

- Yêu cầu học sinh phân loại lời độc thoại và lời đối thoại của nhân vật.

- Giúp học sinh nhận biết tâm trạng nhân vật qua ngữ điệu lời nói, khung cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp nàng Juliet qua lời độc thoại của Rômêô và ngược lại. Qua đó, thấy được nghệ thuật thể hiện của tác giả.

- Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật, diễn biến hành động kịch qua lời đối thoại giữa hai nhân vật.
 
3. Dạy bài lý luận văn học

A. Ðặc điểm kiểu bài:

- Nếu như bài văn học sử là sự tổng kết những một thời kỳ, giai đoạn văn học, tổng kết sự nghiệp sáng tác của một tác gia hoặc giới thiệu một tác phẩm thì bài lý luận văn học lại là những nguyên lý, quy luật, đặc điểm được rút ra từ các hiện tượng văn học. Do đó, kiến thức trong bài lý luận văn học có những đặc điểm sau:

+ Tính khái quát.

+ Tính trừu tượng.

+ Tính tổng hợp.

- Do vậy, bài lý luận văn học cũng như bài văn học sử thường khó dạy, khó học. Những đặc diểm trên quy định cách thức giảng dạy lý luận văn học.

B. Phương hướng giảng dạy:

- Do các bài lý luận văn học được xếp vào cuối chương trình, khi học sinh đã học xong các tác giả, tác phẩm cụ thể cho nên phương pháp dạy lý luận văn học là thông qua các tác giả, tác phẩm cụ thể, thông qua lịch sử văn học giúp học sinh hình thành những khái niệm lý luận. Tức là từ kiến thức cụ thể đi đến hình thành kiến thức khái quát, trừu tượng.

Ví dụ: Ðể giúp học sinh nhận biết đặc điểm của truyện (Bài Ðặc điểm của truyện - chương trình lớp 10), giáo viên có thể nêu một tác phẩm truyện học sinh đã học (Truyện Kiều chẳng hạn) yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi: Câu chuyện viết về ai, câu chuyện xảy ra như thế nào? Xảy ra ở đâu? Xảy ra khi nào?. Từ câu trả lời của học sinh, giáo viên có thể tiếp tục khơi gợi: Vậy theo em truyện là gì? Truyện khác thơ ở những điểm nào?

- Tận dụng vốn hiểu biết văn học mà học sinh đã có làm cơ sở cho việc hình thành khái niệm. Trong quá trình học tập, học sinh đã ít nhiều hiểu các khái niệm lý luận cơ bản, tuy chưa đầy đủ như: tác phẩm văn học, hình tượng, chủ đề.... Giáo viên phải biết khơi dậy, đánh thức vốn kiến thức tiềm ẩn của các em, từ đó bổ sung, hình thành kiến thức mới. Do vậy, nên sử dụng hình thức diễn giảng quy nạp và đàm thoại.

Ví dụ: Ðể giúp học sinh hiểu thế nào là tác phẩm truyền miệng và tác phẩm viết, giáo viên có thể yêu cầu học sinh kể tên một vài tác phẩm văn học dân gian đã học sau đó trả lời câu hỏi: Tác giả của những tác phẩm văn học dân gian đó là ai, Những tác phẩm văn học dân gian được lưu truyền đến đời nay bằng cách nào?. Từ đó, giáo viên giúp học sinh hiểu thế nào là tác phẩm truyền miệng.

- Biểu bảng, sơ đồ là một trong những phương pháp phù hợp cho việc dạy lý luận văn học, đặc biệt là với loại bài tổng kết. Nhìn vào biểu bảng, sơ đồ học sinh sẽ có sự so sánh, nhận biết đặc điểm riêng của từng loại khái niệm và sẽ củng cố lại kiến thức đã học.

Ví dụ: Bảng tổng kết đặc điểm của các thể loại: tự sự, trữ tình, kịch:

Ðặc điểm của truyện ---------- Ðặc điểm của thơ ---------- Ðặc điểm của kịch

...................... ........................ ....................
........................ ..................... ...................
..................... ....................... .....................


- Xây dựng mô hình nhận dạng (đây là biến thái của hình thức quy nạp). Nội dung của mô hình này là: nêu những hiện tượng cụ thể, yêu cầu học sinh phân loại đúng, sai, giúp học sinh nhận biết khái niệm từ những vấn đề cụ thể, từ đó hình thành khái niệm. Ðặc điểm của bảng câu hỏi này là có sự pha trộn giữa các thông tin đúng và sai.

Ví dụ: Khái niệm truyện có thể được dạy như sau:

- Hoạt động 1: phát bản photo cho học sinh, yêu cầu học sinh đánh dấu: Ðúng hoặc Sai. Nội dung bản photo là nêu các hiện tượng cụ thể về truyện học sinh đã biết. Sau đó, học sinh phải dùng phép loại suy, loại bỏ câu sai, chọn câu đúng.

A. Truyện Ðúng - Sai.
1. Kể về một nhân vật, một sự việc nào đó.
2. Nhân vật không có tên.
3. Tính cách nhân vật không được chú ý miêu tả.
4. Tâm lý nhân vật hiện lên rõ nét.
5. Có thể xác định được hoàn cảnh xảy ra câu chuyện
(xảy ra khi nào, ở đâu).
6. Không thể kể lại câu chuyện.
7. Ngôn từ có nhạc điệu, có vần.
8. Truyện thường ngắn, dễ thuộc.

B. Thế nào là truyện?
............................................................................................................

- Hoạt động 2: Dựa trên bản trả lời, học sinh tự rút ra khái niệm như thế nào là truyện

- Hoạt động 3: Giáo viên yêu cầu học sinh phát biểu định nghĩa của mình, sau đó, giáo viên bổ sung một số ý cần thiết.

(Bảng câu hỏi trên có thể được phát cho từng học sinh hoặc một nhóm khoảng 4 - 5 học sinh để các em thảo luận).

- Chú ý là trong khi một khái niệm đối với giáo viên là điểm xuất phát của hoạt động dạy học thì đối với học sinh lại là điểm kết thúc của quá trình học tập. Quá trình học tập đi từ cụ thể đến trừu tượng và quay vòng lại. Học sinh sẽ hiểu, nhớ lâu khái niệm nếu bản thân học sinh trải qua quá trình tìm tòi, quan sát từ đó hình thành khái niệm và nếu khái niệm được cụ thể hóa bằng những dẫn chứng, minh họa, ví dụ cụ thể lấy từ cuộc sống hàng ngày. Khi ấy, trong trí nhớ của học sinh, khái niệm trở thành khái niệm sống, không còn là là khái niệm chết, khái niệm trừu tượng trên trang sách.

( Sưu tầm )
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top