Những câu chuyện nhân sâm xứ Cao Ly - Hàn Quốc

Hide Nguyễn

Du mục số
Người Hàn Quốc gọi nhân sâm là insam – thứ “rễ thần bí”, “thuốc tiên bí ẩn cho cuộc sống bất diệt”. Loài cây này đã ám ảnh người dân ở khắp nơi trên thế giới, từ những vương triều trung cổ đến con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Từ nỗi ám ảnh của các vương triều cổ

Được trồng 1500 năm trước, nhưng giá trị của nhân sâm Hàn Quốc được thế giới biết đến từ rất sớm, vào thế kỷ 4 trước công nguyên. Trong hành trình tìm kiếm các dược liệu "cải lão hoàn sinh", các vương triều Hàn Quốc và Trung Hoa đã tìm thấy nhân sâm như phương thuốc cực kỳ giá trị. Những cuốn sách đầu tiên trong giai đoạn này đã miêu tả nhân sâm như là một loại thuốc trị bệnh và thuốc bổ nổi tiếng.


images1459006_ns9.jpg


Trồng nhân sâm tại Hàn Quốc!

Lần đầu tiên, nhân sâm được đề cập đến như một thuốc bổ vào khoảng năm 48 đến 33 trước Công nguyên, trong một cuốn sách của người Trung Hoa cổ. Ở Hàn Quốc, nhân sâm được ghi nhận là dược liệu truyền thống quan trọng từ thời Goguryeo, từ năm 37 trước Công nguyên đến năm 668 sau Công nguyên.

Nhâm sâm mang hình dạng con người, người Trung Hoa tin rằng rễ nó có thể chữa khỏi mọi bệnh tật của con người. Trong các nước trồng sâm, nhân sâm Hàn Quốc có hình dáng giống với con người nhất. Ở Nhật Bản, sâm giống hình dạng cây tre với những đốt, rễ. Sâm trồng ở Trung Quốc lại có hình dạng như củ cà rốt nhỏ, trong khi sâm trồng ở Mỹ và Canada lại có hình trụ.

Có thời, nhân sâm được coi là quý hiếm đến nỗi ở Trung Quốc, chỉ có hoàng đế mới được phép thu giữ loại rễ này. Bán sản phẩm nhân sâm sang nước khác bị coi là một trọng tội và bị tử hình.

Ám ảnh bởi dược liệu quý giá này, trong quá khứ, đã từng có không ít cuộc đua tranh giữa các nước. Sử sách chép lại, người Trung Quốc và người Tartar đã đánh nhau đổ máu vì những vùng đất có nhân sâm mọc tự nhiên. Thậm chí, một lãnh chúa Tartar đã từng xây cả một bức tường bao quanh một quận để canh giữ nhân sâm mọc trong khu vực đó.

Những sứ giả đầu tiên của Trung Hoa sang Triều Tiên thiết lập bang giao cũng chỉ nhằm đổi lại thứ dược liệu quý này.

“Nghiện” nhân sâm và nghề trồng sâm


Người Hàn Quốc đã gắn nhân sâm và sự xuất hiện của dược liệu này với những câu chuyện đượm màu huyền thoại. Ngay trên vùng đất nhân sâm, vừa thưởng thức vị tươi mát của nhân sâm, chúng tôi vừa nghe ông Yoon, quận Geumsan, tỉnh Chungnam kể lại những truyền thuyết về loài thảo dược quý giá này.




Một trong các thủ tục hoàn thiện sản phẩm nhân sâm
"

...Chuyện kể rằng, từ thuở xa xưa, người Hàn Quốc thường hay mắc một thứ bệnh dịch khiến người dân cứ chết dần, chết mòn. Tại một làng kia, có cô gái xinh đẹp giàu lòng nhân ái sống với cha là một thợ săn. Cô thường được cha kể cho nghe câu chuyện về rễ một loài cây có khả năng chữa bách bệnh. Loài cây ấy mảnh mai, ưa bóng râm, thích khô, sợ nước, mọc trên dải Trường Bạch Sơn thường được chim tìm và đào ăn.


Nghe lời cha, cô gái leo lên núi giữa tiết trời buốt giá. Cô vượt qua hết núi băng này đến núi băng khác cho đến khi tìm được dấu chân loài chim. Theo vết chân chim, cô đào bới và cuối cùng mang được một giỏ củ cây lạ về làng. Cô gái đem củ cây chia cho những người đang khắc khoải chờ đợi thần chết, mỗi người vài nhánh. Lạ kỳ thay, rất nhiều người trong số họ được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cái củ rễ cây ấy ngày nay người ta gọi là nhân sâm...".

Dệt nên những câu chuyện đượm màu truyền thuyết, người dân xứ Cao Ly đã dày công nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp để trồng và sử dụng nhân sâm. Ngay từ năm 513 sau Công nguyên, Kangchosa đã là người đầu tiên trồng loài thảo dược quý trên xứ Hàn. Ngày nay, trên toàn Hàn Quốc hiện có khoảng 20 điểm trồng sâm, với diện tích 16,4 nghìn ha, đạt sản lượng gần 20 nghìn tấn.

Đến tỉnh Chengchobuk, nơi cung cấp nhân sâm nổi tiếng, chất lượng tốt nhất Hàn Quốc vào đầu tháng 11, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp mùa thu hoạch sâm. Từ 5h sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, nhiệt độ chỉ khoảng 4-6 độ C, hàng chục nông dân thuộc Hiệp hội Nhân sâm tỉnh Chengchobuk sẽ lên đồi. 40 nông dân và một máy, chỉ trong một buổi sáng, cả đồi sâm đã được gom lại. Nhưng chiếc xe tải chất đầy nhân sâm chuyên chở sâm tới nhà máy chế biến. Họ làm việc chăm chỉ từ 5h sáng đến 5h chiều, từ lúc mặt trời chưa lên tới khi mặt trời đã lặn xuống núi.

Đổi lại cho một ngày công lao động vất vả như vậy, mỗi người chỉ nhận được 3000 won (tương đương 60 nghìn đồng). Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, một hộ gia đình trồng nhân sâm cần trồng tối thiểu 4 ha nhân sâm để tạo nên lợi nhuận tương đương với thu nhập bình quân của một công nhân ở khu vực nông thôn.

Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề chuyển nghề, ông Man - Su Choi, 53 tuổi, cười nói: “Nghề trồng sâm đã gắn vào máu rồi, không bỏ được”. Bản thân ông thừa hưởng nghề này từ các cụ kỵ để lại, và cả cuộc đời ông đã gắn với những đồi sâm.

“Chúng tôi muốn gìn giữ và phát triển ngành này, tăng năng suất cho nhân sâm, cũng như tăng giá trị sử dụng của nhân sâm. Chúng tôi mong cả thế giới sẽ biết và được sử dụng nhân sâm Hàn Quốc” - Chủ tịch Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc nói.

Ông Choi say sưa chỉ cho chúng tôi về vòng đời của sâm, về cách trồng và chăm sóc nhân sâm… “Trồng được những củ sâm tốt, hình dáng đẹp, cân đối là một hạnh phúc”, bà Kim, 50 tuổi cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người mang “bệnh nghiện sâm” này đang ngày càng giảm đi. Từ 60 nghìn người khoảng gần 2 thập kỷ trước, số người trồng sâm giảm xuống còn khoảng 23 nghìn người vào năm 1999 và đến nay, chỉ còn khoảng gần 16 nghìn người.

Hầu như không còn người trẻ tham gia trồng sâm nữa. Họ đã lên thành phố để kiếm sống.

Cuộc truy tìm sâm núi


Ám ảnh nhân sâm không chỉ xuất phát từ giá trị của chính dược liệu này mà còn bởi giấc mơ đổi đời của mỗi người. Số lượng người trồng sâm giảm đi, nhưng số người tham gia vào cuộc truy tìm nhân sâm mọc tự nhiên trên núi lại tăng lên nhanh chóng. Sâm núi có giá trị hơn nhiều so với nhân sâm được trồng, cao gấp hơn 30 lần. Giá của mỗi củ phụ thuộc vào nhiều nhân tố: tuổi thọ, kích thước, màu sắc, vị trí phát hiện...


images1459018_ns10.jpg


Ngày nay, cùng với núi Catskills ở New York (Mỹ), khu vực núi ở huyện Jinan, tỉnh Jeonbuk (Hàn Quốc) nổi tiếng với sự tồn tại của nhiều sâm núi. Việc truy tìm sâm núi đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với người dân ở Catskills và Jinan. Jinan, Catskills được xem như là những địa điểm huyền bí, đượm màu truyền thuyết.

Báo giới Hàn Quốc và các tờ báo nổi tiếng như New York Times, International Herald Tribune tháng 8/2007 đã đưa tin về một bộ rễ sâm 30 năm tuổi được tìm thấy ở núi Sobaek, khu vực huyện Jinan trị giá lên tới 65 nghìn USD. Sự kiện này như một luồng gió, thổi bùng lên không khí sùng sục lùng tìm sâm núi tại khu vực này. Những người lùng sâm chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp đã được tập hợp.

Theo New York Times ghi nhận, có người dân địa phương này đã làm nghề tìm nhân sâm từ hơn 20 năm. Cả cuộc đời của anh gắn với ngọn núi này, với cuộc truy lùng dược liệu quý giá này. Nỗi ám ảnh nhân sâm và giấc mơ đổi đời của người Hàn Quốc đã khiến cho Pae Young Gun, một ngư dân Jinan giã từ biển, lên núi cao và thực hiện giấc mơ vàng với sâm núi.

4 năm trước, Pae đã quyết định từ bỏ công việc thuyền chài để dành toàn bộ thời gian cho việc tìm kiếm loại dược liệu quí hiếm này, trở thành người tìm sâm chuyên nghiệp. “Tới tận năm ngoái, tôi vẫn phân vân không biết nên chọn biển hay núi. Cuối cùng, tôi đã quyết định chọn núi”.
Pae nói: Một khi đã tìm thấy sâm núi, bạn sẽ trở thành những con nghiện. Bạn không thể trở lại công việc trước đây bởi tất cả những gì hiện trong đầu bạn chỉ là nhân sâm mà thôi!



Theo VNN.
 
Để thương hiệu nhân sâm được nổi tiếng như bây giờ, người Hàn Quốc đã trải qua một hành trình đầy gian lao. "Đưa" nhân sâm từ chợ huyện nhỏ hẹp, ra thế giới rộng lớn là chuyện không hề đơn giản ở xứ Cao Ly.


“Phố thuốc Bắc” giữa lòng Geumsan

Sau 4 giờ bay, đến Sân bay quốc tế Incheon, chúng tôi vượt tiếp hành trình 700km về phía Nam, vào miền Trung Hàn Quốc, xứ sở của nhân sâm. Tiết trời đang độ thu. Không gian như dệt thảm hoa với muôn dạng sắc màu của lá cây. Chúng tôi say sưa ngắm nhìn đất trời Hàn Quốc, không kịp nhận ra mình đã lạc vào xứ sở nhân sâm, quận Geumsan, tỉnh Chungnam. Geumsan được xem là thánh địa của nhân sâm, nơi cung cấp lượng nhân sâm lớn nhất trên toàn Hàn Quốc. Nhắc đến sâm Cao Ly, người ta nghĩ ngay đến vùng đất này.




Khách mua nhân sâm tại phố thuốc bắc Geumsan

Vượt qua một đoạn đường dốc, lên đồi, trước mắt chúng tôi là bạt ngàn nhân sâm. Nhân sâm được trồng thành luống, thành rãnh giống như khoai, sắn trên những cánh đồng Việt Nam. Những lớp bạt che phủ cũng theo lớp lang tạo thành hình bậc thang trên những ngọn đồi, chạy tít tắp.
Vào giữa độ thu hoạch, nhân sâm từ đồi núi vào nhà máy, xí nghiệp và ra những chợ sâm. Tại "kinh đô nhân sâm" Geumsan, một khu chợ chuyên bán sâm tươi đã được lập ra hàng chục năm. Bước vào chợ, la liệt sâm to, sâm bé, từng mớ, từng thùng như khoai, sắn trong chợ của những vùng nông thôn Việt Nam. Mùi mát lạnh của sâm sực lên mũi, ngấm vào cơ thể. Ban đầu, hơi sâm tạo cảm giác lạnh, khiến người ta phải chun mũi, nhưng chỉ một lát, khi đã quen, lại cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.

Từ 6h sáng đến tối mịt, chen chúc, len lỏi giữa những thùng, những mớ nhân sâm là du khách và dân địa phương. Các du khách tìm đến chợ, một phần muốn mua sâm như đặc sản làm quà sau chuyến du lịch, một phần vì muốn thưởng thức thứ văn hóa chợ của miền Trung xứ kim chi. Những cô bé tóc vàng, mắt xanh hồn nhiên ngắm nhìn, chỉ trỏ những bộ rễ lạ mang hình dạng con người.
Đến 6h chiều, chợ đã đến giờ đóng cửa nhưng vẫn chưa vãn khách. Mỗi khi có khách, người bán hàng niềm nở, xăng xái mời chào. Họ nói với nhau bằng ngôn ngữ của tay, chân, của những chỉ trỏ. Khi một thành viên trong đoàn chúng tôi có ý hỏi mua nhân sâm, người bán hàng đã cứng tuổi thoăn thoắt gọt vỏ, xắt lát mời chúng tôi nếm thử. Vị sâm ban đầu hơi đắng, nhưng khi nuốt vào, lại thấy vị ngọt dịu.

Nếu ở giữa thủ đô Seoul, phải mua sâm tươi với giá 80 - 120 nghìn won một kilogam nhân sâm, thì ngay tại chợ, giá của "tiên dược" này chỉ 17-25 nghìn won. Mỗi tháng, riêng chợ sâm Geumsan đã bán ra hàng tấn nhân sâm tươi. Người bán hàng sẵn sàng chỉ dẫn cách bảo quản, sử dụng sâm tốt nhất cho mỗi vị khách.




Chế biến nhân sâm

Ra khỏi chợ sâm Geumsan, đi bộ chừng vài trăm mét, tưởng chừng như đang lạc vào phố Lãn Ông giữa lòng 36 phố phường Hà Nội. Những linh chi, tam thất và nhất là nhân sâm, bày khắp dọc phố, trong gian hàng, trên vỉa hè và tràn cả xuống lòng đường. Mùi thảo dược quyện vào nhau, thơm phức. Riêng nhân sâm cũng đủ chủng loại, từ sâm tươi, bạch sâm, hồng sâm, đến sâm lát, sâm chiết xuất dạng bột, dạng viên, dạng nước. Có tới hơn 100 loại sản phẩm khác nhau từ nhân sâm. Thu hút hơn cả là những bình sâm ngâm rượu lâu ngày được trưng bày, như cụm san hô lay động.

Ông Che Pung Kwon, cán bộ quận Geumsan cho biết, tất cả các sản phẩm nhân sâm ở đây đều phải qua kiểm định chất lượng rất kỹ lưỡng. Nếu phát hiện bán hàng giả, hàng nhái, cửa hàng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, cô hướng dẫn viên người Việt Nam đã sang Hàn học tập 3 năm cho biết, hầu hết khách hàng mua sâm không biết phân biệt sản phẩm thật, giả như thế nào. Quy định và việc kiểm định chất lượng nhân sâm được tiến hành rất kỹ lưỡng, nhưng trên thị trường, vẫn tồn tại không ít sản phẩm nhập lậu, với giá rẻ hơn rất nhiều.


Ra “chợ thế giới”



Trước khi phổ biến ở những chợ quê, những “phố thuốc bắc” xứ Hàn như Geumsan, nhân sâm vốn chỉ phục vụ cho một bộ phận tầng lớp trên trong xã hội, cho vua chúa, quan lại của các vương triều phong kiến. Những sứ giả đầu tiên của Trung Hoa sang Triều Tiên cũng vì muốn trao đổi thứ sản vật này.

Lần đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc chính thức đưa nhân sâm ra nước ngoài vào năm 1899 với việc xây dựng Samjeongkwa, một văn phòng quản lý nhân sâm ở cung điện Imperial dưới thời vua Daehan.




Để đưa nhân sâm từ chợ huyện nhỏ hẹp ra thế giới rộng lớn, người Hàn Quốc đã trải qua một quá trình dài - Ảnh: New York Times

Nhân sâm Hàn Quốc ngày càng vươn ra bên ngoài, ban đầu là chỉ từ một DN do Chính phủ quản lý. Đến nay, con số DN xuất khẩu nhân sâm đã lên tới hàng trăm. Năm 1989, số nhà xuất khẩu sản phẩm bạch sâm được cấp giấy phép của Hàn Quốc lên tới 100 DN. Con số các nhà xuất khẩu hồng sâm cũng ngày càng tăng. Sâm Hàn Quốc đã có đại lý ở trên 30 quốc gia trên thế giới, ở tất cả các châu lục.

Sâm Hàn Quốc đắt đỏ nhất thế giới. Giá hồng sâm Cao Ly cao gấp 20 lần so với các sản phẩm cùng loại của các nước. Sản phẩm đắt nhất của hồng sâm Hàn Quốc ở mức 2,5 nghìn đến 3 nghìn USD cho một hộp 14 củ sâm.

Để ra “chợ thế giới”, tham gia cạnh tranh với nhân sâm các nước, đại diện KGC cho rằng, lợi thế lớn nhất của nhân sâm Hàn Quốc chính là chất lượng. Củ nhân sâm tốt nhất khi được thu hoạch lúc 6 năm tuổi. Trong mỗi củ sâm đã chứa đầy đủ các tinh chất với trọng lượng trung bình của mỗi củ sâm khoảng 80 gam, gấp đôi so với trọng lượng của nhân sâm 4 năm tuổi. Do đó, KGC chỉ sử dụng sâm 6 năm tuổi đạt các tiêu chuẩn chất lượng để chế biến. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ, nhân sâm bắt đầu được khai thác, chế biến từ 4 – 6 tuổi. Giá cả và chất lượng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của sâm.

Tiến sỹ Choi Kwang Tae - Chủ tịch Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc cho biết, sở dĩ nhân sâm Hàn Quốc có chất lượng tốt hơn bởi chứa nhiều tinh chất hữu cơ saponin hơn. Trong khi nhân sâm Nhật Bản có 14 loại saponin, Trung Quốc có 15 loại thì nhân sâm Hàn Quốc có tới 34 saponin.
Tuy nhiên, để biết củ sâm có đạt chất lượng hay không thì khó có thể nhìn bằng mắt thường mà phải qua máy móc kỹ thuật phân tích. “Chúng tôi muốn đảm bảo uy tín của sản phẩm sâm Cao Ly”. Một quy trình kiểm tra chặt chẽ sản phẩm chính gốc Hàn Quốc đã được áp dụng tại Hàn Quốc, cũng như với các sản phẩm xuất ra bên ngoài.

“Toàn Hàn Quốc có một cơ sở duy nhất chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nhân sâm. Với các DN ở xa, chúng tôi sẽ cử người đến kiểm tra”, đại diện cơ quan kiểm tra chất lượng nhân sâm cho biết.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Công ty Korea Ginseng Corporation, công ty sản xuất và xuất khẩu nhân sâm lâu đời nhất Hàn Quốc chỉ trưng mua và chế biến loại sâm 6 tuổi cho biết, theo điều tra của công ty này, hiện nay, 90% nhân sâm trên thị trường Đông Nam Á là sản phẩm nhái, giả và không đảm bảo chất lượng.

Tranh cãi thương hiệu nhân sâm


Với giá thành thiếu cạnh tranh, các sản phẩm bạch sâm của Hàn Quốc đang mất thị phần vào tay các nhà sản xuất nhân sâm Mỹ, Canada và Trung Quốc. Năm 1997, nông dân Mỹ và Canada bán 4,26 triệu củ bạch sâm, đạt mức 117 triệu USD. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ bán được 180 nghìn củ sâm cùng loại.

Sản phẩm hồng sâm vốn gắn với thương hiệu của sâm Cao Ly cũng đối mặt với tình hình tương tự khi giá cả thiếu cạnh tranh. “Giá thành của hồng sâm Hàn Quốc cao thậm chí gấp 20 lần sao với các sản phẩm cùng loại của các nước”, một người tiêu dùng cho biết.




Thương hiệu về nhân sâm luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Năm 1999 đã từng xảy ra một "cuộc chiến" gay gắt giữa đại diện các hãng sâm về thương hiệu "nhân sâm", tốn khá nhiều giấy mực của báo giới Hàn Quốc và thế giới. Đối tượng được nhắm vào là một công ty của Thụy Sỹ, Pharmaton SA. Công ty Pharmaton SA bán sản phẩm Ginsana chứa chiết xuất nhân sâm từ Trung Quốc. Người trồng sâm Hàn Quốc khẳng định họ sở hữu nhân sâm chính hiệu duy nhất.

Đại diện Hiệp hội thúc đẩy nhân sâm Hàn Quốc lúc bấy giờ khẳng định: "Hàng triệu người đang bị lừa. Có sự khác biệt rất lớn giữa nhân sâm Hàn Quốc và nhân sâm Trung Quốc. Thế giới cần được biết điều đó". Trong khi đó, đại diện công ty của Thụy Sỹ, một nhánh của công ty dược phẩm Đức Boehringer Ingelheim GmbH khẳng định rằng sản phẩm của họ cũng đảm bảo chất lượng như các sản phẩm của Hàn Quốc. "Không hề có sự khác biệt nào giữa nhân sâm trồng tại Hàn Quốc và nhân sâm trồng tại Trung Quốc", đại diện của công ty này nói.

Ngày nay, cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp tục. Người tiêu dùng vẫn lúng túng, phụ thuộc vào may mắn để mua sâm chính hiệu. “Không thể phân biệt được nhân sâm nào có nguồn gốc từ đâu, chất lượng tốt, xấu ra sao”, chị Quỳnh, một người Việt Nam sống tại Hàn Quốc cho biết.

Chị Kris, đại diện của cơ quan xúc tiến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, các nhà chức trách Hàn Quốc đau đầu để tìm giải pháp khẳng định thương hiệu nhân sâm Cao Ly. “Người dân các nước còn hiểu quá ít và hiểu sai về nhân sâm Hàn Quốc”.

Theo VNN
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top