NHỮNG BÍ ẨN LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Danh tính thực sự của "chúa trộm nhân từ" Robin Hood, nhân vật chính trong bộ phim đình đám cùng tên tại khu vực Bắc Mỹ, là một trong số những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử loài người.
Dưới đây là những bí ẩn lớn nhất chưa có lời giải thích trong lịch sử do trang Livescience bình chọn.
Ai là Robin Hood?
Nhân vật Robin Hood (tài tử Russell Crowe đóng) trong bộ phim cùng tên phát hành vào năm 2010. Ảnh: imdb.com.
Trong những câu chuyện dân gian của người Anh, Robin Hood là một kẻ sống ngoài vòng pháp luật có khả năng bắn cung siêu phàm. Hood chuyên cướp tài sản của vua quan và những tên nhà giàu xấu xa rồi phân phát lại cho người nghèo.
Sự tồn tại của một tên cướp nhân hậu sống trong rừng có lẽ đáng tin cậy hơn câu chuyện một vị vua huyền thoại với thanh gươm thần. Tuy nhiên, việc tìm kiếm Robin Hood trong suốt chiều dài lịch sử đã dẫn đến hàng loạt khả năng. Người ta tìm thấy hàng loạt nhân vật có thể là Robin Hood, trong đó có hai cái tên là Robert Hod và Robert Hood. Cuộc tìm kiếm trở nên phức tạp vì cái tên “Robin Hood” cuối cùng lại đồng nghĩa với “kẻ sống ngoài vòng pháp luật” như trong trường hợp William Le Fevre. Theo ghi chép của toà án thời trung cổ, một kẻ sống ngoài vòng pháp luật mang tên William Le Fevre cũng khá nổi tiếng. Họ của người này sau đó lại được đổi thành Robehod. Thực hư về Robin Hood lại càng trở nên mơ hồ khi các tác giả của câu chuyện cổ lại thêm những nhân vật khác vào ví dụ như hoàng tử John.
Những xác ướp tại Trung Quốc
Trong khi khai quật tại thung lũng Tarim phía tây Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 100 xác ướp có niên đại khoảng 2000 năm. Tuy nhiên, giáo sư Victor Mair của trường Đại học Pennsylvania tại Mỹ hết sức ngạc nhiên khi tìm thấy một số xác ướp có tóc vàng, mũi dài được trưng bày tại một bảo tàng. Vì vậy, năm 1993, Mair quay lại đây để thu thập mẫu ADN. Kết quả phân tích đã xác nhận dự đoán của ông: Những xác ướp tại thung lũng Tarim có nguồn gốc từ châu Âu. Trong khi các tài liệu Trung Hoa cổ từ thế kỉ một trước Công nguyên ghi nhận sự tồn tại của những nhóm cư dân có nguồn gốc châu Âu thì lại không hề có chi tiết nào đề cập đến sự biến mất của họ tại đây.
Sự mất tích của đội quân La Mã
Sau khi đội quân của tướng La Mã Marcus Licinius Crassus bị những người Parthia tại Ba Tư đánh bại, truyền thuyết kể lại rằng một nhóm nhỏ tù binh La Mã đã trốn thoát. Họ lang thang qua sa mạc và cuối cùng bị quân đội người Hán bao vây. Sử gia Trung Quốc Ban Gu sống ở thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên đã miêu tả lại cuộc chạm trán với một đội quân lạ chiến đấu theo “thế trận vảy cá” đặc trưng của quân đội La Mã. Một nhà sử học tại Đại học Oxford, Anh so sánh các ghi chép cổ và cho rằng đội quân La Mã mất tích từng xây dựng thị trấn nhỏ mang tên Liqian gần sa mạc Gobi. (Liqian là cách viết từ “La Mã” trong tiếng Trung). Các thí nghiệm ADN đang được tiến hành để làm rõ giả thiết này và hy vọng sẽ giải đáp những bí ẩn của đội quân La Mã này.
Sự biến mất của nền văn minh thung lũng Indus
Những công trình còn sót lại của nền văn minh Indus. Ảnh: wordpress.com.
Indus là một nền văn hóa trải tồn tại từ năm 2500 tới 1500 trước Công nguyên với dân số khoảng 5 triệu người. Khu vực sinh sống của người Indus trải dài từ phía tây Ấn Độ đến Afghanistan. Đây là nền văn minh lâu đời nhất từng được biết đến ở Ấn Độ. Sự sụp đổ đột ngột và bí ẩn của nó có thể được so sánh với sự suy vong của đế chế Maya vĩ đại. Phải đến năm 1922, các cuộc khai quật mới phát hiện ra di tích của một nền văn hóa phát triển cao với một hệ thống thoát nước phức tạp và nhà tắm sạch sẽ. Điều kì lạ là không có bất cứ bằng chứng khảo cổ nào về quân đội, nô lệ, xung đột xã hội hay những thói xấu vẫn phổ biến ở những xã hội cổ đại tại đây.
Bản thảo Voynich Bản thảo Voynich có lẽ là cuốn sách khó đọc nhất trên thế giới. Di vật 500 năm tuổi này được tìm thấy vào năm 1912 tại một thư viện ở Rome, Italy bao gồm 240 trang minh họa và được viết bằng một thứ ngôn ngữ chưa từng được biết đến. Việc không thể giải mã được những văn tự này khiến có người cho rằng đây chỉ là một trò đùa. Nhưng một phân tích thống kê lại cho thấy bản thư tịch này hoàn toàn tuân theo cấu trúc và quy luật cơ bản của một ngôn ngữ thực sự.
Nguồn: Ngọc Thúy - VnExpress*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: