Kuin Sukoagoa
Yêu
- Xu
- 0
NHỮNG BÍ ẨN CỦA MẶT TRĂNG
Vào ngày 19/3 vừa qua, chúng ta đã được chiêm ngưỡng một “siêu Mặt trăng” to hơn, tròn hơn, vàng hơn và đẹp hơn khi Mặt trăng ở vị trí gần Trái đất nhất. Trên thực tế, đằng sau những cảnh tượng hoành tráng ấy, Mặt trăng vẫn ẩn chứa nhiều bí mật khoa học ít người biết tới.
1. Có 4 loại tháng dựa trên Mặt trăng
Một tháng trên Trái đất tương đương với một vòng quay của Mặt trăng. Căn cứ trên các những công cụ tính toán thời gian khai quật được, các nhà khảo cổ cho rằng, vào thời kỳ đồ đá cũ, con người đã bắt đầu biết tính toán thời gian dựa trên Mặt trăng. Tuy nhiên, thực tế tồn tại 4 loại tháng khác nhau dựa trên Mặt trăng. Các loại tháng đó bao gồm:
Tháng cận địa: Đó là khoảng thời gian Mặt trăng cần để di chuyển một vòng từ một điểm cận địa tới điểm cận địa kế tiếp. Thời gian khoảng 27 ngày 13 giờ 18 phút 37,4 giây.
Tháng giao điểm thăng: Tháng giao điểm thăng là độ dài thời gian trung bình giữa hai lần kế tiếp khi Mặt Trăng vượt qua giao điểm thăng. Do lực hấp dẫn của Mặt trời tác động vào Mặt trăng nên quỹ đạo của nó dần dần xoay về phía tây trên trục của nó, nghĩa là các giao điểm cũng dần dần xoay xung quanh Trái đất. Kết quả là thời gian để Mặt trăng quay trở về cùng một giao điểm là ngắn hơn so với tháng thiên văn. Nó dài 27 ngày 5 giờ 5 phút 35,8 giây.
Tháng chí tuyến: Khoảng thời gian Mặt trăng quay một vòng quanh Trái đất, dựa trên việc tham chiếu vị trí của Mặt trăng với một ngôi sao khác. Nó kéo dài 27 ngày 7 giờ 43 phút 11,5 giây.
Tháng giao hội: Là chu kỳ trung bình của chuyển động của Mặt Trăng so với Mặt Trời. Nó kéo dài 29 ngày 12 giờ 44 phút 2,7 giây. Tháng giao hội hiện vẫn là nền tảng của nhiều loại lịch ngày nay.
2. Từ Trái đất có thể nhìn thấy 59% Mặt trăng
Rất nhiều các sách tham khảo cho rằng, vì khi Mặt trăng quay quanh Trái đất đồng thời nó cũng quay quanh trục của nó, do vậy, chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy toàn bộ bề mặt Mặt trăng mà chỉ có thể nhìn thấy một phần. Tuy nhiên, thực tế thì chúng ta có thể nhìn thấy hơn một nửa bề mặt của Mặt trăng.
Từ Trái đất, chúng ta có thể nhìn thấy tới 59% diện tích bề mặt Mặt trăng.
Theo tính toán của các nhà khoa học thì tốc độ tự quay quanh trục của Mặt trăng là cố định, tuy nhiên, tốc độ nó quay quanh Trái đất thì lại không cố định, do vậy, chúng ta có thể nhìn thấy tới 59% bề mặt của Mặt trăng. 41% còn lại, ở Trái đất, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy được.
3. Độ sáng của Mặt trời cao gấp hàng chục ngàn lần so với độ sáng Mặt trăng
Ở thời điểm trăng tròn thì tỉ lệ độ sáng giữa Mặt trăng và Mặt trời là 1: 398110.
4. Độ sáng của trăng thượng huyền và hạ huyền chỉ bằng 1/10 so với khi trăng tròn
Nếu như bề mặt Mặt trăng giống như bề mặt của một quả cầu pha lê hoàn mỹ thì lẽ độ sáng của bề mặt Mặt trăng cũng giống như vậy. Trong điều kiện đó, độ sáng của trăng thượng huyền (7-8 âm lịch) và trăng hạ huyền (23-24 âm lịch) là như nhau. Tuy nhiên, bề mặt Mặt trăng lại rất lồi lõm, đặc biệt là tại vùng phân giới giữa ngày và đêm, bề mặt của Mặt trăng có rất nhiều dãy núi, các khối đá và bụi tích tụ tạo nên một vùng tối. Vì vậy, độ sáng của trăng thượng huyền chỉ bằng 1/10 so với khi trăng tròn. Trăng hạ huyền còn tối hơn trăng thượng huyền một chút.
5. Độ sáng của Mặt trăng bị chiếu sáng 95% chỉ bằng một nửa so với trăng tròn
Độ sáng của Mặt trăng bị chiếu sáng 95% chỉ bằng một nửa so với trăng tròn.
Cho dù bạn có tin hay không thì trong vòng 24 giờ trước khi trăng tròn, độ sáng của Mặt trăng chỉ bằng một nửa so với khi trăng đã tròn hẳn. Cho dù 95% bề mặt Mặt trăng được chiếu sáng thì độ sáng của nó cũng chỉ bằng 7/10 so với khi trăng tròn. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường, bạn sẽ thấy rằng dường như chúng giống nhau.
6. Khi quan sát trên Mặt trăng, Trái đất cũng có sự thay đổi tướng vị
Khi quan sát trên Mặt trăng, Trái đất cũng có sự thay đổi tướng vị. Tuy nhiên, sự thay đổi này hoàn toàn tương phản so với sự thay đổi của Mặt trăng mà chúng ta quan sát thấy từ Trái đất. Khi chúng ta nhìn thấy trăng mới thì cũng là lúc từ Mặt trăng có thể nhìn thấy Trái đất tròn.
Còn khi chúng ta nhìn thấy trăng thượng huyền thì ở Mặt trăng sẽ nhìn thấy Trái đất hình lưỡi liềm. Từ bất cứ điểm nào trên Mặt trăng nhìn xuống, Trái đất dường như không hề thay đổi vị trí trong vũ trụ, tuy nhiên, Trái đất nhìn từ Mặt trăng sẽ lớn hơn 4 lần so với Mặt trăng tròn mà chúng ta nhìn thấy. Độ sáng của Trái đất cũng cao hơn độ sáng của trăng tròn từ 45-100 lần.
7. Nhật thực từ Mặt trăng tương phản với Trái đất
Tướng vị cũng như hiện tượng nhật thực và nguyệt thực ở Mặt trăng ngược lại so với khi quan sát trên Trái đất.
Nếu nhìn từ Mặt trăng thì sự tương phản không chỉ có mình tướng vị. Khi chúng ta nhìn nguyệt thực thì giống như khi ở Mặt trời nhìn thấy nhật thực. Khi đó, Trái đất dường như che lấp Mặt trời.
8. Nguyên tắc đặt tên các hố thiên thạch trên Mặt trăng
Các hố thiên thạch trên Mặt trăng hình thành do sự va chạm với các tiểu hành tinh hoặc sao chổi. Chúng thường được đặt tên theo các học giả nhà khoa học, các nhà nghệ thuật hoặc thám hiểm nổi tiếng nhằm tưởng nhớ những cống hiến của họ. Chẳng hạn Hố thiên thạch Copernicus được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Ba Lan, Nicolaus Copernicus. Thói quen này đã được hình thành từ năm 1645.
9. Chênh lệch nhiệt độ trên Mặt trăng cực lớn
Theo số liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ thi chênh lệch nhiệt độ ở vùng xích đạo Mặt trăng rất lớn. Vào ban đêm nhiệt độ của khu vực này có thể xuống tới 173 độ C nhưng tới ban ngày thì nhiệt độ lên tới 127 độ. Tại những hố thiên thạch nằm ở hai cực của Mặt trăng, nhiệt độ thường xuyên ở mức âm 240 độ C. Trong quá trình nguyệt thực, do Mặt trăng di chuyển vào phần khuất của Trái đất nên nhiệt độ bề mặt Mặt trăng thường xuyên ở mức âm 300 độ C.
Nguồn: Lê Văn - Vietnamnet*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: