Nho giáo và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa

Chị Lan

New member
NHO GIÁO VÀ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC Ở VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HOÁ

Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã hình thành rất sớm ở Việt Nam và được Nho giáo bổ sung, nâng lên tầm mức lý luận, trở thành hệ tư tưởng chính trị của các triều đại phong kiến. Trải qua nhiều thăng trầm, Nho giáo và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam khi thì gắn kết chặt chẽ, lúc bị tách rời về mặt hình thức hoặc nội dung, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo vẫn âm ỉ tác động tới sự vận động của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích 3 vấn đề: 1/ Vai trò của Nho giáo trong sự hình thành tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam; 2/ Đặc trưng của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam; 3/ Biện chứng của chủ nghĩa dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá.


1. Vai trò của Nho giáo trong sự hình thành tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam

Lý luận về chủ nghĩa dân tộc hiện nay dường như đã đạt được một số nhất trí khi phái trung tâm châu Âu, kể cả quan điểm mácxít vấp phải những khó khăn không nhỏ trong phân tích, lý giải và dự phóng về sự vận động lịch sử của các nước châu Á đang phát triển, đặc biệt là các nước trong khu vực ảnh hưởng của Nho giáo, như Trung Quốc, Việt Nam(1)… Đó là sự thừa nhận chủ nghĩa dân tộc nơi đây đã được hình thành từ rất lâu và có sức mạnh bền vững đến mức người phương Tây khó có thể tưởng tượng, trước khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện với sức mạnh phá tan những thành trì kiên cố nhất của chủ nghĩa phong kiến. Sự hình thành chủ nghĩa dân tộc đặc biệt này, không nghi ngờ gì, có sự góp phần mạnh mẽ của lý luận Nho giáo.

Có thể đánh dấu thời gian hình thành ý thức dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam một cách rõ nét, do tác động của Nho giáo, là vào khoảng thế kỷ III sau Công nguyên, với vai trò của Sĩ Nhiếp(*)(Thái thú Giao Chỉ từ 186 - 227). Ngược lại lịch sử, năm 111 TCN, khi Nhà nước Nam Việt của Triệu Đà bị nhà Hán thôn tính, Việt Nam trở thành một quận của nhà Hán, thì quá trình xâm nhập và ảnh hưởng của văn hoá Hán, đặc biỆt là Nho giáo mới có thêm các điều kiện thuận lợi và dần rõ nét trong đời sống tinh thần của người Việt, tác động mạnh mẽ tới sự hình thành tư tưởng quốc gia dân tộc của vùng đất này. Có sự khác biệt rõ rệt về tầm tư duy giữa ý thức về cộng đồng như là tiền thân của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trước khi Việt Nam bị Bắc thuộc với các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa này khi chịu tác động của Nho giáo(2). Sự chuyển hoá phương thức bảo vệ cộng đồng về mặt văn hoá, phong tục, tập quán trước sự xâm lược và đồng hoá của một dân tộc, một nền văn hoá mạnh hơn, lâu đời hơn, trưởng thành hơn tỪ văn học truyền miệng, ngôn ngữ nói, truyền thuyết lên trình độ ngôn ngữ viết và tư duy lý luận cùng với việc cấy ghép một số yếu tố văn hoá Hán vào phương thức hình dung về cộng đồng dân tộc là một quá trình thích nghi, xây dựng và khẳng định của tư duy dân tộc chủ nghĩa Việt Nam.

Sĩ Nhiếp là một điển hình cho khuynh hướng tiếp thu tư tưởng Nho giáo và vận dụng mô hình tổ chức Nhà nước Trung Hoa vào xã hội Việt Nam để giải quyết vấn nạn đó. Với trường hợp Sĩ Nhiếp, ý thức quốc gia dân tộc của người Việt cổ đã được mở rộng và nâng cao trên cơ sở lấy tinh thần chống phương Bắc làm hệ chuẩn. Sự có mặt của Sĩ Nhiếp trong thần điện của Việt Nam thời kỳ khẳng định một bản sắc dân tộc riêng biệt cũng cho ta thấy rõ hơn tầm tư duy của người Việt khi đó. Tất cả những gì là hữu ích, có lợi cho sự phát triển cộng đồng đều được chấp nhận, thậm chí được chủ động thiết lập. Sĩ Nhiếp được tôn là ông tổ Nho học của dân Việt, là người đã thành công trong việc tạo lập những yếu tố căn bản nhất xác định diện mạo một thực thể văn hoá xã hội Việt phân biệt với xã hội Hán. Là người uyên bác chuyên về sách Tả thị Xuân Thu, Kinh Thi, Kinh Thư, ông đã xây dựng một nền chính trị khôn ngoan trên đất Giao Chỉ, thu hút nhân tài Trung Nguyên, tạo môi trường thuận lợi để người Việt chủ động tiếp thu tinh hoa Nho giáo và xây dựng nên những cơ sở lý luận về quốc gia dân tộc vững chắc cho người Việt. “Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt tới quý thịnh một thời. Lại hiểu lễ nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể coi là người trí”(3). Sĩ Nhiếp đã thành công trong việc giải quyết vấn đề bảo vệ lãnh thổ và tự chủ của Giao Chỉ bằng sự kết hợp lối tư duy mềm dẻo, chuộng hoà hợp của người Việt với các chuẩn mực đạo đức - chính trị có tính duy lý cao của Nho giáo Trung Hoa: “Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi” (Như ai thi hành việc chính trị, cầm quyền cai trị nước nhà mà biết đem cái đức của mình bổ hoá ra, thì mọi người đều phục tùng theo. Tỷ như ngôi sao Bắc đẩu ở một chỗ, mà có mọi vì sao chầu theo)(4).

Sĩ Nhiếp đã có công gắn kết một cách tương thích và hợp thức những khái niệm về tôn ti trật tự, về tổ chức nhà nước, về đạo đức xã hội theo Nho giáo vào diện mạo tinh thần cộng đồng Việt, làm nên một bản sắc chính trị - văn hoá rõ nét, phân biệt với tộc Hán cả về lãnh thổ, dân cư, kinh tế, văn hoá: “Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn… Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có mấy mươi người…”(5).

Như vậy, dân tộc Việt Nam và đi cùng với nó là ý thức dân tộc chủ nghĩa được hình thành từ rất sớm. Trước nguy cơ bị đế quốc Trung Hoa đồng hoá về mọi mặt, dân tộc Việt Nam tự ý thức về việc củng cố và phát triển tinh thần quốc gia dân tộc thông qua hội nhập các giá trị lý luận Nho giáo tương thích với nhu cầu bảo vệ dân tộc. Xu hướng đấu tranh giành lại chủ quyền và xây dựng nhà nước theo mô hình Hán ngày càng được củng cố và nâng cao về mặt lý luận, đặc biệt là đến thời Nam Việt đế (Lý Bí, 541 - 547)(6). Ông “thấy người mình có khả năng quản lý được đất nước mình” và đã nghĩ tới “những nguyên tắc làm cơ sở cho một quốc gia… trong đó những chức danh như đế hiệu, quốc hiệu, niên hiệu, quốc giáo, kinh đô, cách thức tổ chức chính quyền… đều được tính tới”(7). Như vậy, tới Lý Bí, ý thức độc lập dân tộc, ý thức bình đẳng dân tộc với Trung Hoa đã được thể hiện cả trên bình diện thực tiễn lẫn lý luận. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa này trở thành một đường lối ổn định và liên tục qua các thế hệ thủ lĩnh người Việt từ Lý Bí, Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Ngô Quyền và các bậc quân vương trị vì nước Việt độc lập sau này.

Có thể khái quát những ảnh hưởng cơ bản của Nho giáo tới sự hình thành tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình lịch sử xác lập một thực thể dân tộc Việt Nam phân biệt với Trung Hoa và với các dân tộc khác trên những phương diện sau:

- Sự du nhập và cấy ghép các khái niệm chính trị - xã hội Nho giáo vào nhận thức về thực thể dân tộc và xây dựng ý thức dân tộc.(7)

- Sự vận dụng và củng cố tri thức chính trị - xã hội Nho giáo vào lý luận và thực tiễn để giải quyết vấn nạn vong quốc và dựng nước. Sau khi giành độc lập lâu dài, Nho giáo như là công cụ lý luận chính trị - xã hội căn bản để củng cố ý thức dân tộc chủ nghĩa đặc sắc của Việt Nam và xây dựng quốc gia dân tộc.

- Đến thời Cận đại, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam (với nòng cốt là Nho giáo) vừa duy trì những nền tảng lý luận Nho giáo được cố định hoá trong các thể chế và hình dung về dân tộc, vừa tiếp thu thêm lý luận của chủ nghĩa dân tộc phương Tây (Liên Xô, Pháp, Mỹ) trong thực tiễn đấu tranh giành độc lập và phát triển lý luận dân tộc chủ nghĩa của mình.

2- Đặc trưng của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm bảo vệ và xây dựng đất nước với bệ đỡ tinh thần vững chắc là chủ nghĩa dân tộc được hình thành và phát triển đồng thời với quá trình đó, người Việt Nam đã duy trì và phát triển một chủ nghĩa dân tộc kiên định với những đặc trưng riêng(8). Có thể chỉ ra những đặc trưng đó là:

- Độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ là tiêu chí xuyên suốt và tối cao của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Tiêu chí này xuất hiện từ rất sớm trong thời kỳ đấu tranh chống lại ách thống trị phương Bắc trên cơ sở ý thức cộng đồng thời mở nước của người Việt, ngày càng được củng cố về mặt lý luận qua lịch sử tiếp thu Nho giáo. Với việc tiếp thu mô hình quản lý nhà nước Hán vào xây dựng chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam, ý thức chủ quyền về lãnh thổ, quốc gia với đại diện hợp pháp là vị quân vương ngày càng được nâng cao và củng cố bằng lý luận Nho giáo(9). Nhà vua như là biểu trưng của dân tộc được coi là người chủ sở hữu hợp pháp của quốc gia, đồng thời phải gánh trách nhiệm tối cao về độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Quan niệm Nho giáo về thiên mệnh, về bậc quân chủ, về tính hợp thức thần thánh của mỗi quốc gia, dân tộc được người Việt tiếp thu để tuyên bố tính hợp thức và khẳng định quyền dân tộc của mình(10).

Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc là một thực thể tinh thần độc lập với hệ tư tưởng phong kiến, có lúc song hành, thậm chí đồng nhất, và có lúc tách rời. Triều đại nào bảo toàn và đề cao được tiêu chí tối cao độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, tức đảm bảo quyền lợi dân tộc thống nhất với quyền lợi của vương triều thì sẽ được lòng dân và tồn tại bền vững, và ngược lại. Đây là điểm đặc trưng căn bản nhất của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

- Ý thức tự hào về nền văn hoá riêng đã xuất hiện từ rất sớm và được các thế hệ người Việt coi là một biểu hiện đặc trưng nhất của tinh thần dân tộc. Ngay những thế kỷ đầu thời kỳ Bắc thuộc, người Việt đã ý thức bảo vệ nền văn hoá riêng với những biểu tượng về trống đồng và ký ức văn hoá Văn Lang, Âu Lạc. Trống đồng là biểu tượng văn hoá của cộng đồng người Việt, là biểu trưng sức mạnh tâm linh Việt, cũng là biểu trưng quyền uy của thủ lĩnh Việt. Trong ý thức dân tộc Việt thời đầu Bắc thuộc, trống đồng còn là cộng đồng còn. Vì vậy, bảo vệ trống đồng khỏi sự phá huỷ của các thế hệ thái thú phương Bắc như Mã Viện thời Đông Hán, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, Lan Khâm thời Lục triều…(10)là một trong những nhiệm vụ tối cao của người Việt thời Bắc thuộc chống lại âm mưu đồng hoá văn hoá của phương Bắc. Bảo vệ, tôn vinh trống đồng còn là hoạt động tôn giáo, tâm linh chính thống được các vua Việt duy trì đến thời nhà Trần với lễ hội thờ thần Đồng Cổ. Ngay cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên trong lịch sử chống phương Bắc của Hai Bà Trưng cũng nêu cao nhiệm vụ bảo vệ các thiết chế văn hoá cộng đồng Việt: “Canh Tý, năm thứ 1 940), (Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2, vua (Trưng Trắc, người viết) khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu”(11) nhằm “rửa sạch nước thù” và “nối lại nghiệp xưa vua Hùng”(12). Nối lại nghiệp xưa vua Hùng chính là nhằm khôi phục lại những thiết chế tổ chức nhà nước và văn hoá của cộng đồng Việt trước Bắc thuộc.

Tuy nhiên, việc truyền bá, cấy ghép và phát triển các yếu tố văn hoá Nho giáo vào Việt Nam từ thời Sĩ Nhiếp đã tiếp tục diễn ra suốt chiều dài lịch sử gần hai nghìn năm. Do đó, bên cạnh niềm tự hào và ý thức về một nền văn hoá cổ truyền (được lưu giữ trong văn hoá làng xã), sự tiếp thu và thừa nhận văn hoá Trung Hoa (Nho - Phật - Lão) như một bộ phận cấu thành của văn hoá Việt, làm nên truyền thống văn hoá dung hoà Nho - Phật - Lão với các yếu tố truyền thống là điều tất yếu. Chịu ảnh hưởng của quan điểm văn hoá lấy Trung Hoa làm trung tâm “nội hạ ngoại di”, “hoa hạ”, song người Việt cũng luôn tự hào về nền văn hiến của mình, coi nước Việt là trung tâm của văn hoá, phân biệt với các nước láng giềng xung quanh, kể cả với các nước phương Tây (Tây Di). Mặc dù vậy, niềm tự hào và sự đồng nhất về tính ưu việt văn hoá của Việt Nam với Trung Quốc ở đây không bao hàm sự đồng nhất về các giá trị văn hoá. Điều đó đã được nhiều thế hệ thuộc tầng lớp tinh hoa Việt khẳng định. Vua Trần Minh Tông nói: “Nhà nước đã có phép tắc nhất định, Nam Bắc khác nhau”(13). Nguyễn Trãi trong Cáo Bình Ngô đã tuyên xưng niềm tự hào về nền văn hoá đặc sắc riêng của dân tộc một cách đanh thép:

“Xét như nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến.
Bờ cõi núi sông đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác”(14).


Niềm tự hào về tính đặc sắc của văn hoá dân tộc là một yếu tố căn bản nhất của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, đồng thời là một trong những động lực và ý nghĩa căn bản của các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Hoàng đế Quang Trung tuyên bố một trong những mục đích cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của hơn 20 vạn quân Thanh là nhằm bảo vệ nền văn hoá riêng của dân tộc: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”.(1Cho dù đến thế kỷ XIX, Nho giáo được độc tôn làm quốc giáo, được ứng dụng vào mọi mặt tổ chức, quản lý đời sống chính trị - xã hội và trở thành thành tố văn hoá bao trùm xã hội Việt Nam thì các nhà tư tưởng cải cách thế hệ đầu tiên của Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, như nhà nho Đặng Huy Trứ, vẫn nhận thức và tự hào về tính đặc trưng riêng của nền văn hoá dân tộc. Ông đã coi việc phải gọt tóc giả dạng người Thanh đi khảo sát tình hình Quảng Đông, “gắng mang đức trung kính đi vào nơi Di Địch” là nỗi khổ lớn. Nhưng, vào đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh bị Pháp cai trị, trước sức xâm lược của văn hoá phương Tây, nguy cơ nền văn hoá truyền thống với Nho giáo là trụ cột bị mai một bởi chính sách đồng hoá văn hoá của Pháp, các trí thức hàng đầu của Việt Nam khi đó, như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ Nho giáo như bảo vệ “quốc hồn quốc tuý” của văn hoá Việt. Thừa nhận sự đồng nhất văn hoá Việt với Nho giáo trên phạm vi khu vực Đông Á (Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản là những nước đồng văn) trong quan điểm của các nhà dân tộc chủ nghĩa cận đại, như Phan Bội Châu, thể hiện sự nhận thức vấn đề dân tộc trên bình diện mới, trên phạm vi khu vực, trên tầm đối sánh văn hoá Đông - Tây. Đó cũng là một bước phát triển nhận thức về văn hoá của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX trong bối cảnh mất độc lập dân tộc. Nhận thức này đã giúp các nhà dân tộc chủ nghĩa định hướng kiếm tìm sự ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc vượt khỏi khuôn khổ lãnh thổ Việt Nam. Cuối thế kỷ XX, làn sóng toàn cầu hoá về kinh tế kéo theo sự lan toả và xâm nhập mạnh mẽ của các nền văn hoá - kinh tế mạnh (Mỹ, Nhật) một lần nữa đòi hỏi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam phải nhận diện và dự phóng được tiến trình văn hoá Việt trong dòng chảy văn hoá khu vực và toàn cầu như một nhiệm vụ hàng đầu, nhằm xây dựng một chiến lược hiệu quả trong việc bảo vệ tính đặc sắc văn hoá của dân tộc.

- Ý thức đoàn kết dân tộc trên nền tảng tâm thức về một cội nguồn tổ tiên chung, một nòi giống chung “con Rồng cháu Tiên” như tiếng gọi thiêng liêng tập hợp sức mạnh dân tộc chống lại kẻ thù. Ngay từ buổi đầu dựng nước, cộng đồng tộc Việt đã nhận thức được sức mạnh đoàn kết là vũ khí bất khả chiến bại giúp bảo vệ cộng đồng trước thiên tai, địch họa. Ý thức này ngày càng được củng cố vững chắc theo lịch sử giữ nước, với sự ra đời và lưu truyền truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân trong cộng đồng Việt. Ý niệm về nguồn gốc thống nhất, về quan hệ huyết thống cùng chung một tổ tiên dòng dõi thần tiên cao quý lưu truyền và củng cố qua hàng trăm thế hệ đã trở thành sức mạnh tập hợp, đoàn kết người Việt trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền dân tộc. Ý thức “đồng bào” này đã giúp cộng đồng Việt chống lại sự đồng hoá tàn khốc của kẻ thống trị phương Bắc suốt hơn 1000 năm đầu của lịch sử dân tộc. Cũng chính ý thức “con Rồng cháu Tiên” đã vun đắp sức mạnh đoàn kết và ý chí đấu tranh chiến thắng ách cai trị của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Cho đến nay, niềm tự hào về nguồn gốc chung thiêng liêng, cao quý của dân tộc vẫn và mãi là sức mạnh liên kết người Việt trên mọi lãnh thổ vì một dân tộc Việt Nam giàu mạnh. Từ một truyền thuyết truyền miệng được coi là ra đời trong buổi đầu chống kẻ cai trị phương Bắc đến khi được sử gia Nho học Ngô Sĩ Liên chính thức biên chép thành chính sử trong Kỷ Hồng Bàng thị của Đại Việt sử ký toàn thư vào thế kỷ XV rồi đến sự tổ chức quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương là khoảng cách 2000 năm lịch sử để một tâm thức thiêng liêng về cội nguồn dân tộc ngày càng được phổ biến hoá, lý luận hoá, chính thống hoá và ăn sâu vào hồn dân tộc như một nguồn lực tâm linh tiềm tàng làm nên sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

- Lòng yêu nước mãnh liệt, sâu sắc và trường tồn được xây dựng bắt đầu từ tình yêu gia đình rồi mở rộng dần tới làng xóm, quê hương, đất nước trên cơ sở kết hợp tình cảm cộng đồng gia đình, làng xã với lý luận Nho giáo về cương thường, trở thành một khuôn khổ đạo đức bền vững của xã hội. Đạo đức Nho giáo với các chuẩn mực về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín xây dựng trên nền tảng nhận thức siêu hình về mối liên đới trời - đất - người và lý tưởng một xã hội đức trị an vui, thái hoà đã tạo dựng một không gian đạo đức phù hợp với xã hội nông nghiệp phương Đông như Việt Nam, nơi mà tri thức và đạo đức được tôn vinh hơn là của cải và đẳng cấp trong các mối quan hệ xã hội. Lý luận đạo đức Nho giáo được các vị vua Nho học, như Lê Thánh Tông, Minh Mệnh, Tự Đức đề cao, kết hợp với những giá trị đạo đức cộng đồng làng xã vốn có đã góp phần tạo dựng nên một nền đạo đức xã hội ổn định và một hệ giá trị đạo đức đặc trưng của Việt Nam. Những chuẩn mực đạo đức đó đã góp phần củng cố hơn nữa độ bền vững của gia đình, làng xã, quê hương, đất nước về mặt tinh thần và thể chế. Trung - hiếu là hai đức lớn duy trì sự bền vững của gia đình, dòng họ, vương triều. Trong thể chế phong kiến, hiếu đi liền với trung và trung quân đi liền với ái quốc. Ở Việt Nam, nơi mà lòng yêu nước luôn là sự ngạc nhiên lớn của bất cứ ai quan tâm nghiên cứu Việt Nam, tình yêu nước là tình cảm tối cao, được nâng thành một phẩm chất đạo đức giá trị trên cả trung quân. Trong đạo đức Nho giáo Việt Nam, việc lựa chọn các giá trị đạo đức “lấy trung thay hiếu”, “trung với nước”, “trung quân” phải đi cùng “ái quốc” và không thể thay thế cho “ái quốc”… là lựa chọn hàng đầu mỗi khi hoàn cảnh đòi hỏi(15). Trong lịch sử Việt Nam, khi Nho giáo xâm nhập và trở thành một yếu tố tinh thần của người Việt, Nho giáo đã lý luận hoá, cố định hoá những tình cảm gia đình, quốc gia thành khuôn mẫu vững bền và sáng tỏ. Từ cuối thế kỷ XIX, khi các giá trị văn hoá, tôn giáo, đạo đức phương Tây du nhập vào Việt Nam, thì một trong những hình thức biểu hiện của tinh thần yêu nước, yêu dân tộc được các lãnh đạo trí thức của dân tộc cụ thể hoá bằng phong trào bảo vệ các giá trị truyền thống của dân tộc(16). Đạo trung hiếu, đạo thờ kính tổ tiên, các giá trị gia đình bền vững… trong hình thức biểu hiện của Nho giáo là những nhân tố tinh thần cụ thể, lâu bền góp phần gia tăng và củng cố lòng yêu nước của người Việt.

Những đặc trưng căn bản nhất của chủ nghĩa dân tộc Việt như đã nêu trên đã làm thành sức mạnh của dân tộc Việt Nam, giúp cho dân tộc tồn tại và phát triển qua những thử thách cam go, thương đau và hào hùng của lịch sử. Tuy nhiên, những biến động lớn của thời cuộc hiện nay đòi hỏi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, một mặt, phải duy trì và củng cố những đặc trưng làm nên sức mạnh truyền thống của dân tộc; mặt khác, phải xây dựng và củng cố thêm những nền tảng lý luận và sức mạnh mới.(15)

3- Biện chứng của chủ nghĩa dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá

Dường như quá trình toàn cầu hoá đã làm mờ nhạt rất nhiều khái niệm về biên giới, lãnh thổ, quốc gia… bởi biểu hiện bề mặt kinh tế, xã hội và văn hoá với những đồng tiền chung châu Âu, nền kinh tế thị trường, các nhóm G8, G20, khối các nước APEC, ASEAN... Tuy nhiên, trong chiều sâu xã hội và trên phương diện chính trị, dường như vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc lại nổi lên như một vấn đề thời sự. Bên cạnh vấn đề chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề hàng đầu của mỗi dân tộc, là vấn đề vị thế của dân tộc trên mọi lĩnh vực trên trường quốc tế. Bên cạnh những lợi ích, cơ hội phát triển mà toàn cầu hoá đem lại cho mỗi dân tộc là những nguy cơ xâm thực, mất chủ quyền, mất vị thế, thậm chí mất bản sắc, mất hình ảnh dân tộc. Cho dù giả thiết về sự va chạm của các nền văn minh, sự phân chia lại các khu vực văn hoá của Samuel Huntington có thể trở thành hiện thực trong tương lai, thì đó cũng là tương lai xa và vấn đề dân tộc, chủ nghĩa dân tộc không phải là vấn đề có thể phân định dễ dàng như vậy.

Toàn cầu hoá và những vấn đề toàn cầu, một mặt, tạo nên một diện mạo toàn cầu mới, một thế giới toàn cầu, nhưng chỉ là trong phạm vi một số lĩnh vực, một số khía cạnh nhất định, trong đó, con người có thể và cần phải chia sẻ rất nhiều những giá trị chung. Vì thế, con người hướng tới những nhận thức toàn cầu, nhằm cùng nhau giải quyết những bài toán chung để bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất. Theo xu hướng đó, dường như chủ nghĩa dân tộc bị lu mờ một cách giả tạo, hay bị đặt sang một bên một cách tạm thời. Mặt khác, điều đó không thay thế được vấn đề dân tộc và phát triển dân tộc đang hàng ngày, hàng giờ hiển hiện trong đời sống chính trị - xã hội toàn cầu. Chủ nghĩa dân tộc sắc tộc đang làm thay đổi bản đồ hành chính thế giới và quá trình đó vẫn còn tiếp tục(17), tác động trực tiếp tới mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ. Cùng với chủ nghĩa dân tộc sắc tộc là chủ nghĩa dân tộc văn hoá, vẫn đang và sẽ là vấn đề nổi bật của chủ nghĩa dân tộc trong thời đại toàn cầu bởi nhu cầu tự thân khẳng định nguồn gốc, bản sắc khiến con người hướng về dân tộc.

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam không là ngoại lệ. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền dân tộc về lãnh thổ, văn hoá theo phương thức truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đứng trước thách thức phải bổ sung sức mạnh lý luận về phát triển dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá.(1Đối mặt với vấn nạn này, lý luận truyền thống, một mặt, dường như không đủ, cho dù vẫn phải củng cố như là những lý luận nền tảng. Mặt khác, sự kiếm tìm những yếu tố cốt lõi trong chủ nghĩa dân tộc truyền thống (với đóng góp của Nho giáo) khả thể gắn kết được với những nhân tố hiện đại, những nhân tố mà có thể tăng thêm sức mạnh mới cho chủ nghĩa dân tộc Việt Nam trong giải quyết thách thức của thời đại, cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà lý luận dân tộc chủ nghĩa Việt Nam hiện đại. Bên cạnh một đất nước Trung Quốc mà vị thế ngày càng mạnh trên trường quốc tế và như một đối trọng với Mỹ và phương Tây, được thúc đẩy và yểm trợ bởi chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, thì chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, với quá khứ có nhiều điểm gắn kết chặt chẽ với văn hoá Nho giáo, có thể tìm thấy nhiều gợi mở và kinh nghiệm cho con đường đi riêng của dân tộc trong thời đại mới. Và cùng với điều đó, chìa khoá vàng cho một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiện đại là sự bổ sung một chủ thuyết khả dĩ khơi dậy được sức mạnh sáng tạo và xây dựng của mọi tầng lớp nhân dân vì một Việt Nam có vị thế đáng tự hào trên trường quốc tế./.

LÊ THỊ LAN (*)
Tiến sĩ, Phó Trưởng phòng Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top