NHO GIÁO TRONG TƯƠNG LAI VĂN HÓA VIỆT NAM
Việt Nam là một quốc gia thuộc vùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo (Nho giáo văn hoá khuyên). Nho giáo đã từng ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc tới xã hội Việt Nam thời kỳ trung cận đại. Trải qua những chuyển biến xã hội, văn hoá thế kỷ 20, Nho giáo đã mất địa vị độc tôn, chính thống và luân lạc trong dân gian như nhiều quốc gia khác trong khu vực Ðông Á. Vấn đề đặt ra là, qua những biến động của thế kỷ 20, Nho giáo có còn tồn tại hay không? Nó ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, tư tưởng của thế kỷ 21 như hệ thống thế nào? Người ta có thể đoán định về vận mệnh của nó trong tương lai hay không? Thái độ khoa học cần phải có đối với Nho giáo trong tương lai như thế nào? Bài viết đặt mục tiêu góp phần giải đáp những vấn đề đó. Tuy nhiên, đoán định về ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam thế kỷ 21 là công việc lớn, phức tạp và luôn là quá sức đối với bất kỳ một cá nhân nào. Bài viết này tỏ một vài ý kiến còn ở mức độ nông cạn, bước đầu thậm chí còn ở mức cảm tính về vấn đề nan giải nhưng cấp bách đang đặt ra.
Các quan điểm của người viết được trình bày dựa trên cơ sở những nhận thức, đánh giá về những đặc điểm cơ bản của Nho giáo Việt Nam thời kỳ trung cận đại, cùng những điểm chung, điểm khác biệt quan trọng của nó so với Nho giáo các nước khu vực. Những đặc điểm của Nho giáo truyền thống Việt Nam là nhân tố nội tại của Nho học quy định những ngả đường vận động của nó trong thời kỳ hiện đại.
Bài viết cũng coi bước chuyển biến sâu sắc, toàn diện của xã hội Việt Nam thế kỷ 20, sự đứt đoạn và tiếp nối, quá trình chuyển hoá hiện đại các yếu tố của nền văn hoá Việt Nam là đối tượng được đặc biệt chú ý trong quá trình phân tích và lấy đó làm cơ sở để đoán định tương lai của Nho giáo tại Việt Nam.
Giống như mọi hiện tượng văn hoá khác, Nho giáo chịu sự quy định của thực tại. Người viết cân nhắc những điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị của Việt Nam cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, chính sách văn hoá, xã hội của Ðảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam cùng nhiều nhân tố khác nhau của xã hội Việt Nam để suy đoán về ảnh hưởng Nho giáo trong tương lai.
Nho giáo đã và đang tiếp tục có những ảnh hưởng mới ở khu vực Ðông á - Ðông Nam Á và trên thế giới. Các học giả Trung Quốc, Ðại lục, học giả Âu - Mỹ và đặc biệt là các vị Tôn nho gia Cảng - Ðài đã có những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu Nho học truyền thống cũng như quá trình chuyển hoá sáng tạo Nho học truyền thống. Người viết không thể không tính tới những khả năng ảnh hưởng mới của Nho giáo khu vực đối với Việt Nam, cũng có nghĩa là phải đặt Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ 21 trong bối cảnh Nho giáo Châu Á thế kỷ 21 nói chung để nhìn nhận.
Ngoài những cơ sở có tính chất nguyên lý chung phổ quát của sự phát triển văn hoá như vừa nêu trên, người viết cũng lưu tâm thích đáng tới nhân tố có tính năng động, chủ quan, không kém phần hệ trọng đối với việc quyết định đường hướng, diện mạo tương lai Nho giáo - đó là nhận thức, thái độ hiểu biết và tình cảm của tầng lớp trí thức.
Dù nghiên cứu Nho học truyền thống hay nghiên cứu khả năng tái sinh của nó trong tương lai, người viết luôn quán xuyến quan điểm khẳng định sự tồn tại của Việt Nho - một thực thể văn hoá, tư tưởng độc lập và sống động so với Nho giáo ở các quốc gia Ðông Á. Nó không phải là một tử vật được trưng bày trong bảo tàng, cũng không phải một phiên bản có tính rút gọn giản đơn của Nho giáo Trung Quốc. Nghiên cứu Nho giáo Việt Nam quá khứ - hiện tại - tương lai đều phải lấy Việt Nam làm bản vị chứ không phải lấy Trung Quốc làm bản vị. So sánh tìm dị biệt là cần thiết nhưng chúng tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu nhận đồng, khẳng định
những điểm chung quan trọng giữa Nho giáo Việt Nam và Nho giáo các nước khu vực. Tương lai của Nho giáo ở Việt Nam cũng là một bộ phận của Nho giáo Châu Á trong tương lai. Trên cơ sở một số nguyên tắc và cơ sở nhận thức như vạy chúng tôi trình bầy sự đoán định của mình về tương lai của Nho giáo Việt Nam thế kỷ 21.
1. Sự giải thể và chuyển hoá của Nho giáo thế kỷ 20
Thế kỷ 20 là thế kỷ biến động sâu sắc và toàn diện. Người ta nhìn nhận sự biến động lớn đó là đứt gẫy, là sự gián cách văn hoá giữa truyền thống và hiện đại. Nhưng nếu coi những biến chuyển của Nho giáo thế kỷ 20 là đứt gẫy là gián cách thì điều đó cũng có nghĩa nó không mất đi mà vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng ở một trạng thái mới.
Chúng tôi cho rằng đã có hai quá trình cùng diễn ra, quá trình giải thể và quá trình chuyển hoá, giải thể để đi tới chuyển hoá, là sự kết thúc của Nho giáo thời kỳ chuyên chế phong kiến và bắt đầu của Nho giáo thời kỳ cộng hoà, tự do và dân chủ.
Quá trình giải thể của Nho giáo thế kỷ 20 đã diễn ra một cách toàn diện, ở cả phương diện chính thống, học thống và đạo thống. Nó diễn ra mạnh mẽ khi chế độ giáo dục khoa cử nho học bị xoá bỏ vào năm 1919 (học thống), được hoàn tất khi cách mạng dân tộc dân chủ năm 1945 toàn thắng bởi sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, xoá bỏ chế độ thực dân nửa phong kiến (đạo thống và chính thống).
Quá trình giải thể tiếp diễn ở chiều sâu trong quá trình Việt Nam xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa và tiếp tục phê phán Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng vào các thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20. Quá trình phê phán nói trên tuy không sâu sắc ở góc độ học thuật, nó thiên về chính trị, (người ta đồng nhất Nho giáo với tư tưởng phong kiến cổ hủ, lạc hậu) nhưng nó cũng tạo ra trong xã hội một xu hướng bài Nho giáo, chối bỏ Nho giáo một cách rộng khắp. Ðã có một quá trình giải thể của Nho giáo trên phương diện tư tưởng mặc dù nó đã không tập trung thành trào lưu phản truyền thống mạnh mẽ như đã từng diễn ra ở Trung Quốc thế kỷ 20.
Như đã nói ở trên, quá trình giải thể đã đồng thời gây ra một quá trình chuyển hoá. Nho giáo đã từ địa vị quan phương chính thống chuyển sang luân lạc trong dân gian, tức nó mới mất đi phần chính trị, phần ứng dụng của nó - Phương diện tôn giáo, triết học và cả tinh thần nhân văn vẫn tiếp tục tồn tại trong đời sống người Việt Nam. Nó tiếp tục được bảo lưu trong đời sống gia tộc, phong tục tập quán, nhân cách, lý tưởng, quan hệ nhân tế của con người. Sự chuyển hoá của nó là từ hệ tư tưởng quan phương chính thống sang một loại tư tưởng không chính thống, ảnh hưởng tự nhiên, phân tán trong cộng đồng xã hội mới. Trong định hướng giá trị của người Việt Nam,
nó vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc.
Từ thời Lý, Nho giáo được bảo trợ bởi chính trị đã tiến những bước dài trong quá trình ảnh hưởng so với thời kỳ trước độc lập. Ở thời kỳ này, Nho giáo đã từ thượng tầng của tư tưởng mà tác động xuống cơ địa văn hoá, nó có phần áp đặt. Sự tác động của Nho giáo theo chiều hướng đó qua nhiều thế kỷ đã làm thay đổi diện mạo của toàn bộ nền văn hoá, tác động vào phong tục tập quán, tín ngưỡng, đã diễn ra một quá trình "tông pháp hoá" gia tộc người Việt. Tuy nhiên ảnh hưởng ở phương diện chính trị vẫn nổi bật nhất. Thế kỷ 20, không còn chỗ dựa chính trị, lại không được lưu truyền qua hệ thống giáo dục khoa cử, Nho giáo đã mất đi những chỗ dựa hết sức quan trọng. Nho giáo một cách tự nhiên chuyển sang tìm chỗ dựa ở tâm thức dân chúng, ở những nhu cầu và giá trị văn hoá bền vững và ổn định mà nó đã từng tạo ra được trong truyền thống. Từ chỗ dựa này, nó vẫn có những cơ hội tái sinh. Thế kỷ 20 trong trạng thái ảnh hưởng mới - tự do và phân tán trong dân gian - Nho giáo có quá trình tác động ngược chiều so với quá trình từng diễn ra trước đó, tức với tư cách là thành tố của cơ tầng văn hoá, nó tác động ngược chiều tới các lĩnh vực thượng tầng như chính trị, đạo đức, tư tưởng. Sự chuyển hóa của nó chính là sự hiện diện từng mảng, từng yếu tố trong tất cả các lĩnh vực văn hoá mới được kiến lập sau sự giải thể của Nho giáo. Tuy nhiên vị trí chủ cán của Nho giáo đối với văn hoá Việt Nam truyền thống không thực tiêu biểu và rõ ràng như vị trí của nó đối với văn hoá Trung Quốc, cho nên trong sự chuyển hoá mới, nó cũng rất khó có thể trở thành chủ cán trong văn hoá Việt Nam hiện đại.
2. Nguy cơ đối với văn hoá dân tộc và ảnh hưởng mới của Nho giáo
Nho giáo được lựa chọn ở Việt Nam thời trung đại phần quan trọng xuất phát từ nhu cầu xã hội nhà nước phong kiến trung ương tập quyền mạnh, từ nhu cầu củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc. Nho giáo và dân tộc, đó là hai vấn đề gắn bó hữu cơ, khăng khít.
Các nhà Nho Việt Nam vừa sống, tu dưỡng theo những nguyên lý đạo đức Khổng Mạnh, lại vừa ứng xử với tư cách người quốc dân luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Ý thức về độc lập và tự cường dân tộc, về truyền thống dân tộc kết hợp, hoà quyện cùng ý thức về đạo thống và chính thống trong tư tưởng các nhà Nho. Ðạo thống đối với nhà Nho Việt Nam được cảm nhận như một bộ phận của Ðạo được truyền báo và duy trì trên mảnh đất Ðại Việt, gắn với sự truyền thừa nền văn hiến của dân tộc.
Trong quá khứ, mỗi bước chuyển biến của dân tộc đều liên quan tới vận mệnh của Nho giáo. Ðã thành tiền lệ, các vấn đề văn hoá nảy sinh trong xã hội Việt Nam hầu như không được giải quyết độc lập, đáp ứng những nhu cầu vận động tự thân của văn hoá, mà thường được giải quyết đồng thời, giải quyết cùng lúc với vấn đề dân tộc.
Nhân giải quyết vấn đề dân tộc mà đồng thời người ta giải quyết các vấn đề văn hoá. Chẳng hạn, cuộc kháng chiến chống Minh cứu vong dân tộc thế kỷ 15 với việc chuyển đổi hệ tư tưởng, thay đổi vận mệnh Nho giáo, hay Cách mạng tháng tám 45, là cách mạng dân tộc, vừa là cách mạng dân chủ, cách mạng văn hoá.
Từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, việc Việt Nam chuyển đổi cơ chế nền kinh tế từ kinh tế kế hoạch hoá quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập thế giới đã làm nảy sinh những nguy cơ đối với văn hoá Việt Nam.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi cơ chế kinh tế làm phát xuất những nguy cơ từ bên trong và những nguy cơ bên ngoài kéo đến từ hội nhập quốc tế. Nguy cơ bên trong thể hiện ở sự xói mòn và băng hoại nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Nguy cơ bên ngoài là việc thâm nhập của văn hoá Âu mỹ, của lối sống Tây phương hiện đại tấn công vào văn hoá bản địa, đe doạ sự tồn tại của bản sắc văn hoá dân tộc. Hai nguy cơ nảy sinh từ bên trong và tác động từ bên ngoài hợp thành môt nguy cơ lớn đe doạ văn hoá dân tộc. Lúc này nguy cơ đối với dân tộc không phải chỉ còn ở chỗ độc lập hay không độc lập, mà còn ở chỗ dân tộc có bị hoà tan trong cộng đồng văn
hoá nhân loại hay không, cái sẽ là một thảm hoạ lớn và cũng là một loại diệt vong.
Trước nguy cơ đối với văn hoá dân tộc đó, cả tự giác và không tự giác, người Việt Nam đã hướng về bảo lưu các giá trị truyền thống. Phong trào tái sinh văn hoá đã diễn ra mạnh mẽ. Tái sinh văn hoá diễn ra một cách tự nhiên trong dân gian và nằm trong chiến lược giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của Ðảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Truyền thống văn hoá được bảo vệ và phát huy theo hướng bảo lưu nhiều giá trị truyền thống đã tạo ra những cơ hội cho Nho giáo tái sinh. Ðiều đó là đương nhiên vì Nho giáo đã từng tham gia và là thành phần quan trọng kiến tạo bản sắc văn hoá. Ðồng thời cũng phải nhận thấy rằng bảo vệ truyền thống văn hoá cũng sẽ là điều không thể thực hiện được nếu gạt bỏ những gì thuộc về Nho giáo. Vậy là Nho giáo được lựa chọn, biến thiên, bị giải thể tái sinh thảy đều gắn rất chặt với vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Ðiều này hẳn là việc sẽ còn tiếp diễn lâu dài trong tương lai. Sự tái sinh của Nho giáo thế kỷ 21 không phải là sự tái sinh của thứ Nho giáo chung chung, mà là sự tái sinh của bộ phận Nho giáo đã Việt hoá sâu sắc, là sự tái sinh của thứ Việt Nho với những ưu nhược mà nó từng thể hiện.Vì thế trong diện mạo của văn hoá Việt Nam ở thế kỷ 21, không dễ phân biệt cái gì thực sự là của Nho giáo, cái gì là truyền thống người Việt nói chung. Năm 2000, tại Hà Nội, nhà Thái học (trường Ðại học dạy Nho giáo trước đây) đã được trùng kiến. Vị trí của Nho giáo và Khổng tử cũng có phần được cải thiện, nhưng đối với người Việt Nam đó vẫn là công việc tôn vinh truyền thống của Việt Nam mà không phải là nhằm tôn vinh Nho giáo và Khổng tử, dẫu hai điều đó có liên quan mật thiết với nhau.
3. Ảnh hưởng hiện đại của Nho giáo về mặt tôn giáo, tín ngưỡng
Trên phương diện là tôn giáo, tín ngưỡng, Nho giáo đã và đang tiếp tục ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội. Ðây chính là phần hiện hữu sinh động và nổi bật của Nho giáo hiện đại.
Dẫu có nhiều thăng trầm và không ít sự thay đổi, tục thờ cúng tổ tiên, nhìn chung vẫn được duy trì suốt thế kỷ 20 đầy biến động vừa qua. Thờ cúng tổ tiên đối với người Việt không còn là chuyện Nho giáo hay không Nho giáo, nó đã Việt hoá sâu sắc thành một sinh hoạt, phong tục tập quán và tín ngưỡng quan trọng bậc nhất của người Việt. Sau cải cách kinh tế cuối thế kỷ 20, đời sống kinh tế đã khá lên, tục thờ cũng tổ tiên lại được đặc biệt coi trọng. Nó thành một điểm nóng của tái sinh văn hoá. Người ta đua nhau truy tìm phần mộ tổ tiên, sưu tập gia phả, nhận họ, sửa sang nhà thờ, thờ cúng tổ tiên hiện đại có xu hướng thế tục, thực dụng và nông cạn. Tiên tổ được đề cao như sự trợ giúp, chỗ dựa trong cuộc cạnh tranh thị trường khốc liệt. Thờ cúng tổ tiên ít còn được hiểu như hành vi luân lý, hành vi đạo hiếu, là việc giáo dục con cháu. Tương lai, việc thờ cũng tổ tiên có thể còn tiếp tục phát triển mạnh theo hướng thực dụng. Nho giáo sẽ có chỗ đứng vững chắc cùng hoạt động tâm linh này, nhưng không đẩy mạnh ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức, tinh thần uống nước nhớ nguồn, tục thờ cúng tổ tiên sẽ mất đi nhiều ý nghĩa nhân văn vốn có của Nho giáo. Nó sẽ là xu hướng không lành mạnh nếu không có sự can thiệp, dẫn dắt của tri thức, của dư luận xã hội.
Suốt trong khoảng thời gian mười thế kỷ trung đại, đã từng có những giai đoạn Nho giáo được coi là độc tôn. Tuy nhiên, khung cảnh của truyền thống tư tưởng vẫn là tam giáo hoà đồng. Tam giáo phân chia lĩnh vực ảnh hưởng và bổ sung cho nhau. Hoà đồng tam giáo là nết nổi bật trong tư tưởng Việt Nam trung đại. Thế kỷ 20, khi Nho giáo không còn ảnh hưởng mạnh trong đời sống chính trị, nó "thất thế" về toàn cục. Phật giáo có nhiều cơ hội hơn trong việc giữ vững vị thế của mình. Chính sự khác nhau trong mối quan hệ với chính trị giữa Nho giáo và Phật giáo đã khiến cho chúng nhận được những thái độ khác nhau của chính trị hiện đại. Nhà chùa đã tự điều chỉnh để thích ứng với điều kiện mới, đòi hỏi mới của xã hội. Phật giáo cũng vươn ra gánh vác nhiều hoạt động mà trước đây do các nhà Nho làm. Hiện nay, nhiều chùa chiền là nơi dạy chữ Hán. Nhiều nhà sư hăng hái nghiên cứu Nho gia (tương tự khung cảnh thời Lý - Trần). Chắc chắn Phật giáo sẽ còn có những cơ hội phát triển mạnh hơn trong tương lai. Nhưng Phật giáo sẽ thiên về thu hút các tầng lớp dân chúng đông đảo. Phật giáo tiếp tục thoả mãn nhu cầu giải thoát, nhu cầu tâm linh của số đông nhân dân. Tuy nhiên, tham gia vào quá trình kiến tạo và dẫn dắt tư tưởng, văn hoá dân tộc, giải quyết những nguy cơ dân tộc về mặt văn hoá thì lại là việc mà Nho giáo có nhiều khả năng hơn hẳn Phật giáo. Trong những điều kiện mới, Nho giáo sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh ở giai tầng tri thức. Nó tham gia kiến tạo nhân cách, nhân sinh, dẫn dắt các quan hệ xã hội, ứng xử xã hội của dân chúng. Khung cảnh đa giáo hoà đồng sẽ tiếp tục được duy trì, nhưng Phật giáo sẽ là chủ đạo chứ không phải Nho giáo. Sự cải thiện vị trí và những khả năng ảnh hưởng mạnh của Nho giáo chỉ được thực hiện khi chính trị ưu ái hơn với Nho giáo và sự nhận thức của trí thức đối với văn hoá truyền thống, đối với tương lai văn hoá Việt Nam có những điều chỉnh thích hợp.
4. Cái học tâm tính của Nho giáo trong tương lai.
Ðã là nhà Nho, đã từng nghiềm ngẫm kinh điển Nho gia, ai cũng coi trọng cái học nội tỉnh tự tu tự giám, ai cũng coi tu thân là gốc của mọi quá trình. Cái học hướng nội điều chỉnh ấy nhà Nho gọi là cái học nội thánh, hay tâm tính chi học. Từ nội thánh, nhà Nho triển khai ngoại vương. Ðó là đặc sắc của Nho gia. Thế kỷ 20, Nho gia ít còn điều kiện và cơ sở xã hội để thực hành đạo ngoại vương. Nhưng trong thời kỳ dân chủ, tự do, đề cao cá nhân, cái học nội thánh vẫn còn có chỗ đứng, nó rất cần cho việc tu dưỡng của người hiện đại. Hoàn thiện nhân cách, truy cầu lý tưởng nhân sinh an lạc hoà hài không mâu thuẫn với cá nhân tự do. Các học giả tân nho gia đã nhận thức rõ điều này. Họ đã ra sức khuếch trương cái học tâm tính, kiến lập cái học nội thánh mới theo hướng dung hợp Nho - Phật. Dung hợp tư tưởng Nho gia và triết học phương Tây cận hiện đại là trọng tâm của quá trình chuyển hoá hiện đại Nho học. Nhiều học giả còn lãng mạn hơn khi hy vọng tâm tính học Nho gia là phương thuốc chữa căn bệnh khủng hoảng cá nhân và tạo dựng xã hội hoà hài tốt đẹp.
Việt Nam trong thời kỳ trung đại, do quá thiên về mặt chính trị, mặt ứng dụng, sự truyền bá Nho giáo lại chủ yếu thông qua giáo dục khoa cử, cái học tâm tính của Nho gia cũng được nhà Nho quan tâm nhưng nó không được chú trọng và đẩy tới chiều sâu của tu dưỡng đạo đức khắc kỷ như ở Trung Quốc và các quốc gia Ðông Á khác. Nho giáo Việt Nam thiên về ngoại vương, ngoại vương cường mà nội thánh nhược. Lục Cửu Uyên và Vương Dương Minh hầu như không có vị trí đáng kể, không thu hút sự chú ý của nhà Nho Việt Nam.
Trong sự chuyển giao thời đại, Nho gia sẽ đi vào hiện đại chủ yếu bằng tâm tính học. Nhưng ở Việt Nam, sự triển khai cái học tâm tính cho thời dân chủ và cá nhân sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng, do nó là điểm yếu trong truyền thống. Nếu phát huy mạnh cái học tâm tính, một truyền thống mới rất khác trước diễn ra. Nó là việc khó nhưng vẫn cần thiết, bởi vì nếu thiếu chiều sâu của cái học tâm tính, Nho gia sẽ chỉ còn là nông cạn, thiển cận.
Thiếu vắng cái học tâm tính, yếu tố tích cực của Nho giáo sẽ mất đi rất nhiều. Ði qua khúc ngoặt thế kỷ 20, Nho giáo Việt Nam có thể từ "ngoại vương cường chuyển sang nội thánh cường." Ðể có sự chuyển hướng này, tầng lớp trí thức phải gánh vác sứ mệnh. Chỉ có nhận thức cho rõ ngả đường vận động tất yếu của Nho giáo, định hướng nó theo chiều phát huy hết cái tích cực cho con người và xã hội tương lai, Nho giáo mới thực sự được tái sinh một cách lành mạnh, tự giác. Ðó là việc chủ động để giữ gìn bản sắc, xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc Việt Nam.
Sự ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ 21 sẽ còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn trong lĩnh vực phong tục tập quán, văn hoá gia tộc, quản lý kinh doanh v.v. do khuôn khổ của bài viết chúng tôi chưa có điều kiện đề cập một cách cụ thể. Bài viết này chỉ là gợi mở một vài hướng suy nghĩ về tương lai của Nho giáo trong xã hội Việt Nam. Người viết coi đây là sự khởi đầu một hướng quan tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài. Rất mong sự chỉ giáo của các vị thức giả.
THEO TS. NGUYỄN KIM SƠN