Hiện nay, trong các giới nghiên cứu ở nước ta, vấn đề “số phận” của chủ nghĩa Mác-Lênin đang được đặt ra với những mức độ khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp. Đây không phải là do ý muốn chủ quan của một ai và cũng không tùy thuộc vào thái độ chủ quan của một ai cả. Bản thân cuộc sống đang đặt ra vấn đề này, dù muốn lảng tránh cũng không được. Tất nhiên, đây là vấn đề rất khó bàn luận, vì đụng tới một học thuyết được đảng cộng sản, với tư cách đảng cầm quyền, coi là “hệ tư tưởng chính thống”. Nhưng bằng cách này hay cách khác, người ta vẫn cứ phải đụng tới. Và ngay cả những người đang đề xướng phải “kiên quyết bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin” cũng đang đụng tới trước hết: bảo vệ cái gì, đối với ai, và tại sao phải phát triển, phát triển như thế nào… [1]
Ở đây hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, cần lắng nghe nhau, tôn trọng lẫn nhau để có thể “đãi cát lấy vàng”. Mọi thiên kiến, mọi thành kiến đều không dẫn tới những kết quả mong muốn. Với tinh thần đó, xin trình bày một số suy nghĩ của tôi về vấn đề này:
Khi nghiên cứu và bàn luận vấn đề này, dễ vấp phải một loạt khó khăn không dễ vượt qua. Chủ nghĩa Mác-Lênin, khái niệm ấy cần được hiểu như thế nào đây? Nội hàm của nó là những gì? Cho đến nay vẫn chưa ai minh định được, và như chúng ta biết từ chính kinh nghiệm bản thân, chủ nghĩa Mác-Lênin có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Trước đây và cả hiện nay, những người tự xưng là mácxít, lêninít lại có những cách lý giải khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đến mức coi nhau là thù địch (những tranh chấp về lý luận giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm 60 và 70 là một ví dụ quá rõ). Đánh nhau, bỏ tù nhau là những hiện tượng không phải là cá biệt trong cuộc sống “đấu tranh tư tưởng” nhân danh “bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Về mặt lịch sử, khái niệm “chủ nghĩa Mác-Lênin” chỉ mới xuất hiện chính thức từ những năm 30, trước đó người ta dùng khái niệm “chủ nghĩa Mác”, và hai khái niệm ấy không phải là đồng nhất. Từ “chủ nghĩa Mác-Lênin” theo một bài viết trên Pravda, xuất hiện lần đầu tiên vào 1925, theo một nguồn tài liệu khác, vào 1930. Được chính thức sử dụng trong Tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1938; nói chung là dưới thời Stalin. Stalin tự coi và được coi là người có tiếng nói cuối cùng về những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ triết học (chương “Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử” trong Tóm tắt lịch sử ĐCS (b) Liên Xô   đến chính trị kinh tế học (Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, 1952) và chủ nghĩa xã hội khoa học (trong nhiều bài phát biểu khác nhau). Bản thân Stalin cũng bỏ ra nhiều thời gian để làm công việc lý giải chủ nghĩa Mác-Lênin. Và sau khi Stalin chết, không biết bao nhiêu lần chủ nghĩa Mác-Lênin được trình bày với những dạng thức khác nhau, tùy theo những tác giả có thẩm quyền khác nhau và tùy theo những hoàn cảnh lịch sử khác nhau.
Ở Việt Nam, theo chỗ tôi biết, ngoài những sách dịch từ tiếng Nga, tiếng Hoa ra, chưa có một tác giả nào trình bày chủ nghĩa Mác-Lênin một cách đầy đủ và được thừa nhận như tiếng nói chính thống cả. Một số bài giảng của người này hay người khác, và cả một vài cuốn giáo khoa Mác-Lênin (chủ yếu là của Trường Nguyễn Ái Quốc) nữa cũng chưa được coi là chính thống và thường được sửa đi sửa lại cho hợp với hoàn cảnh từng lúc. Bây giờ, nghe nói có thành lập một hội đồng biên soạn và xét duyệt những giáo trình “chuẩn” về chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng công việc chỉ vừa bắt đầu. Tất cả những điều đó nói lên một nghịch lý: một hệ tư tưởng được coi là chính thống, nhưng chưa có một tài liệu chính thống nào giải thích nó. Vậy thì, nói chủ nghĩa Mác-Lênin là nói tới những gì đây? Thế nhưng trên thực tế, người ta vẫn có thể quy kết người này “chống chủ nghĩa Mác-Lênin, người kia “phản bội” nó v.v.. Và trong “cuộc đấu tranh tư tưởng bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin” ấy, không phải không có những trường hợp cắt xén và bóp méo Mác-Lênin (lời dự báo của Mác “Tôi không phải là mácxít” hóa ra đã thành sự thực).
Dù sao cũng có một số điểm được số đông (nếu không phải là tất cả) những người tự nhận là mácxít-lêninít coi là những điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin để phân biệt với những trào lưu tư tưởng khác. Chẳng hạn: luận điểm về đấu tranh giai cấp dẫn tới chuyên chính vô sản, luận điểm về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản như “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, luận điểm về xóa bỏ chế độ tư hữu như nguồn gốc của tình trạng “người bóc lột người", luận điểm về hai giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản… Trên bình diện thế giới, những luận điểm về chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, về thời đại cách mạng vô sản, về liên minh giữa phong trào cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc… Tạm thời, chúng ta hãy lấy những luận điểm ấy làm những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin để xem xét vấn đề của chúng ta.
Nhưng đó chỉ mới là những khó khăn về phương pháp khi đụng tới chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung trong trường hợp riêng của Việt Nam, chúng ta lại gặp những khó khăn cũng thật nan giải. Chẳng hạn: Hồ Chí Minh được thừa nhận là “người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam”, người đầu tiên tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam”, nhưng có thật hoàn toàn như thế không? Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên nói tới sự tiếp thụ của Hồ Chí Minh với cả Jésus, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Gandhi, Tôn Trung Sơn, mà không phải chỉ tiếp thụ chủ nghĩa Mác-Lênin [2] .
Chỉ một điểm đó thôi, cũng đủ để chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ về “biến thể Việt Nam” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngoài Hồ Chí Minh, chúng ta còn biết tới một số tài liệu khác của một số người được coi là những nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà thường đó cũng là những người lãnh đạo chủ yếu của Đảng (Trường Chinh, Lê Duẩn v.v..). Trong những tài liệu đó, có những điểm thống nhất, nhưng cũng có những điểm khác nhau (và khác nhau không nhỏ). Chưa nói tới những bài phát biểu miệng có ảnh hưởng lớn (có khi lớn hơn những bài viết và đăng công khai) của nhiều người. Cái khó là ở đó: dựa vào những tài liệu nào để bàn tới những nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam?
Nói lên một vài khó khăn về phương pháp như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta đành bó tay. Điều đó chỉ có nghĩa là cần phải xem xét thận trọng hơn mà thôi. Ở đây, phải chăng nên phân biệt những “phản ứng chính trị” trong những bối cảnh khác nhau với những “quan điểm lý luận” hay có tính chất lý luận. Cái quan trọng nhất đối với chúng ta chính là ở điểm sau mà không phải ở điểm trước, tuy rằng những “phản ứng chính trị” từng lúc ấy cũng nói lên khá rõ những “quan điểm lý luận”.
Xin nói thêm một điểm khác ở mục “vào đề” này: lựa chọn cách tiếp cận vấn đề như thế nào? Thường người ta ít phân biệt rõ mặt chính trị và mặt khoa học khi xem xét vấn đề chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam. Ở đây tôi xin tách hai mặt đó ra để xem xét. Ở đây, vấn đề không phải là dựa vào sự đối nghịch nhau về mặt chính trị, mà là tìm kiếm những sự thật khoa học có thể đạt tới. Những bất đồng về ý kiến đều không thể tránh trong mọi nghiên cứu khoa học là tự nhiên và cũng là cần thiết.
Gác mặt chính trị sang một bên, tôi xin nói tới những cách tiếp cận khoa học đối với vấn đề này.
Trước hết là cách tiếp cận sử học. Đó là cách tiếp cận quen thuộc hơn cả đối với chúng ta. Lý giải các hiện tượng và các quá trình - ở đây là sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam – trong những liên hệ với từng bối cảnh lịch sử là yêu cầu hàng đầu của các tiếp cận sử học.
Một cách tiếp cận khác không thể thiếu được là cách tiếp cận xã hội học. Gần đây, một tác giả người Việt ở Pháp, tiến sĩ Trịnh Văn Thảo, công bố một tác phẩm đáng chú ý: Việt Nam từ Khổng giáo đến chủ nghĩa cộng sản (Vietnam du confucianisme au communisme, L’Harmattan, Paris, 1990, 346 trang). Trong đó ông đã phân tích nhiều vấn đề có liên quan tới nội dung nghiên cứu của chúng ta bằng phương pháp xã hội học, từ đó ông đưa ra những nhận xét khá lý thú [3] . Chúng ta có thể và cần phải áp dụng cả cách tiếp cận này để đi tới những kết luận đầy đủ hơn. Yêu cầu hàng đầu của cách tiếp cận xã hội học là đặt các tác nhân xã hội (agents sociaux) vào những liên hệ chặt chẽ với các nhóm xã hội nhất định và với những biến đổi xã hội cụ thể, tìm ra những lực đẩy xã hội đối với các hành vi của những tác nhân xã hội ấy. Vấn đề này có liên quan với việc xem xét những người du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam cũng như những người là đối tượng của sự du nhập ấy, như những tác nhân xã hội tương ứng. Ở đây lịch sử xã hội và tư tưởng của các cá nhân tham gia quá trình du nhập ấy giữ một vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu.
Một cách tiếp cận nữa không thể thiếu là cách tiếp cận tâm lý học và tâm lý xã hội. Trong thế kỷ XX đầy những biến thiên dồn dập và to lớn của nước ta, nhưng phản ứng tâm lý của cá nhân và cộng đồng rất không đơn giản và không phải bao giờ cũng ăn khớp với các quan hệ xã hội, “chụp ảnh nguyên xi” những biến đổi xã hội đã diễn ra. Những yếu tố xã hội như thành phần xã hội – giai cấp, địa vị xã hội v.v… trong rất nhiều trường hợp, lùi xuống vị trí thứ yếu so với những phản ứng tâm lý. Anh em cùng một bố mẹ có khi đứng hai bên chiến lũy. Sự phân hóa về tâm lý và tư tưởng nhiều khi “lệch pha” với sự phân hóa xã hội. Ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng khác nhau có ý nghĩa quyết định trong những bước ngoặt lịch sử đất nước. Chưa nói tới những yếu tố thuần túy cá nhân, có khi là những yếu tố ngẫu nhiên, cũng đóng vai trò quan trọng. Một ví dụ: vào cuối những năm 20, đầu những năm 30, thành phần xã hội và trình độ học vấn của những người theo Việt Nam Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản không khác gì nhau bao nhiêu. Nói chung đội ngũ “cốt cán” của hai chính đảng này thường bao gồm những người trí thức cỡ trung bình, có xu hướng yêu nước. Nhưng điều đó không ngăn cản những cuộc “đấu tranh tư tưởng" quyết liệt giữa những tổ chức cách mạng đối địch nhau ấy. Ở đây, sự khác nhau nhiều khi chỉ là do người này bắt được ánh sáng này, người kia bắt được ánh sáng khác và cứ thế lao hết mình theo thứ ánh sáng mình bắt được ấy. Những sự vận động về mặt tâm lý xã hội dưới sự tác động của những liên hệ xã hội, ảnh hưởng xã hội, biểu tượng, niềm tin v.v… không diễn ra theo lối đơn tuyến mà diễn ra theo lối đa tuyến. Lý giải mọi hiện tượng bằng lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp chỉ là một mặt cần tính đến nhưng không phải là “vạn năng”. Nhất là khi đi vào tiểu sử của những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới tiến trình vận động xã hội, thì lại càng thấy rõ điều đó.
Với sự vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng bổ sung cho nhau như vừa nói, chúng ta có thể đi tới một bức tranh gần đúng với các quá trình xã hội hiện thực, ở đây là quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin mà chúng ta đang nghiên cứu.
I. Bối cảnh lịch sử và xã hội của sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta
T ừ trước đến nay, thường giới hạn bối cảnh này vào những năm 20. Lý do: khi Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và bắt đầu tiến hành việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam thông qua báo chí và các tổ chức cách mạng được ông thành lập sau đó. Đúng là từ những năm đó, những sự lựa chọn khắc nghiệt được đặt ra trước những người yêu nước và cách mạng Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước. Đi theo trào lưu cách mạng nào: vô sản hay không vô sản, tiến hành đấu tranh cách mạng dưới hình thức nào: bạo lực hay phi bạo lực; chỗ dựa xã hội chủ yếu là ở đâu: các tầng lớp “bên trên” hay các tầng lớp “bên dưới”… một loạt câu hỏi đặt ra rất bức bách đối với tình hình xã hội Việt Nam, theo những thôi thúc mạnh mẽ của những tiến trình cách mạng thế giới hồi đó (nhất là cách mạng Nga và cách mạng Trung Quốc).
Xin lưu ý một điểm: Có thể nói, trong cả thế kỷ này, những vận động của xã hội Việt Nam nói chung và của các trào lưu cách mạng Việt Nam nói riêng đã chịu sự tác động rất lớn của những tiến trình chung diễn ra trên thế giới. Những phong trào cách mạng xung quanh nước ta, đặc biệt của cách mạng Trung Quốc. Tất nhiên sự tác động này thường bị “khúc xạ” qua những tính đặc thù của Việt Nam. Nhưng nhìn chung, những nhịp bước của Cách mạng Việt Nam gần như ăn khớp với những nhịp bước của cách mạng thế giới. Riêng về tác động của cách mạng Trung Quốc, có thể nói trong mấy chục năm đầu thế kỷ này, Việt Nam gần như theo sát từng bước đi của nó: từ phong trào Duy Tân, qua phong trào cách mạng kiểu Tôn Trung Sơn (Quang phục Hội và Quốc dân Đảng), đến phong trào thanh niên, rồi đến phong trào cộng sản. Về sau này, tuy không ăn khớp đến mức đó, nhưng rõ ràng Trung Quốc vẫn tác động rất lớn đến Việt Nam, từ đầu tranh vũ trang đến cải tạo xã hội chủ nghĩa và đến cả “cải cách”, “đổi mới”, hiện nay. Điều đó không có gì khó hiểu: giữa hai nước có nhiều nét giống nhau về xã hội, lịch sử và truyền thống văn hóa-tư tưởng, mà Trung Quốc thường là “người thầy” của Việt Nam về nhiều mặt, không những vì Trung Quốc lớn hơn mà chủ yếu trình độ phát triển xã hội và văn hóa của Trung Quốc thường đi trước ta một bước. Âu cũng là cái “nghiệp” của lịch sử với đủ những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực của nó.
Thật ra, muốn nhìn nhận đúng hơn quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, cần ngược lên lịch sử đất nước một chút nữa, từ cuối thế kỷ XIX và nhất là từ những năm đầu của thế kỷ XX. Tôi không có một phát hiện gì mới khi nói rằng: hệ vấn đề đặt ra trước sự phát triển của đất nước đầu thế kỷ và cuối thế kỷ hầu như giống nhau. Những mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, xã hội “văn minh” đâu phải là chuyện mới mẻ! (Đúng là ngày nay chúng ta có thêm từ “công bằng”, nhưng hệ vấn đề về cơ bản vẫn là thế). Bài toán hiểm hóc nhất của tất cả các nước lạc hậu (và do lạc hậu mà rơi vào ách thống trị của các cường quốc phương Tây) là bài toán vượt tới trình độ văn minh của các nước tiên tiến hồi đó, để vừa thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài, vừa khắc phục tình trạng lạc hậu của đất nước. Và xét đến cùng, giành được độc lập chỉ là tiền đề bắt buộc để đạt tới một xã hội văn minh và chỉ khi đạt tới đó thì độc lập dân tộc mới thật sự có ý nghĩa. Hơn lúc nào hết, hiện nay vấn đề này lại được đặt ra trong tính toàn bộ, tính tổng thể của nó. Và không có gì lạ khi ở cuối thế kỷ này, khi chúng ta đã giành được độc lập trọn vẹn, chúng ta cũng lại đứng trước hệ vấn đề “dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh” được đặt ra vào đầu thế kỷ này.
Tất nhiên, những nội dung và điều kiện của nó đã hoàn toàn khác trước. Ngày nay chúng ta đã có tiền đề độc lập dân tộc và đang nói tới “văn minh” trong bối cảnh một nền văn minh khác, nhưng hệ vấn đề “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh” là sự phục hồi và sự tiếp tục của hệ vấn đề đã đặt ra đầu thế kỷ, từ thời Duy Tân. Một sự trùng lập đáng ngạc nhiên: Ngày nay từ “đổi mới” được dùng như tên gọi một sự nghiệp lịch sử của toàn thể dân tộc nhằm “hiện đại hóa” đất nước cũng là từ “Duy Tân” ở đầu thế kỷ, chỉ khác nhau ở một từ là thuần Việt còn từ kia là Hán Việt. Sự xâm lược và thống trị của chủ nghĩa thực dân là một hoàn cảnh đặc biệt để các nhà nho Duy Tân đầu thế kỷ suy nghĩ về vận mệnh đất nước theo hướng giải phóng dân tộc và hiện đại hóa đất nước. Xét theo một ý nghĩa nào đó, chính chủ nghĩa thực dân đóng vai trò “kích thích” (theo lối phản diện) để giới sĩ phu Duy Tân đặt ra những vấn đề vừa cấp bách vừa căn bản của đất nước trong cả thế kỷ XX (một lần nữa, không thể không nhắc tới tác động của những tư tưởng Duy Tân ở Trung Quốc đối với sĩ phu nước ta, qua các Tân thư được đọc khá rộng rãi vào đầu thế kỷ). Không nên đánh giá thấp sự tiếp nhận của giới sĩ phu Duy Tân đối với các trào lưu tư tưởng phương Tây hồi đó. Họ đã đọc khá nhiều tác giả lớn (nhất là J-J .Rouseau, Montesquieu, Spencer…) qua chữ Hán và đọc khá sâu. Ngày nay, nhiều người trí thức thậm chí không hề làm quen với những tác giả này, trong khi các sĩ phu thời trước rất “thuộc” họ. Một ngộ nhận lớn của chúng ta là tưởng rằng những tác giả ấy đã “lỗi thời”, chỉ cần đọc những tác giả Mác-Lênin là đủ để nắm được những trí thức cao nhất của loài người. Và thế là ngoài sách Mác-Lênin ra, người ta chẳng cần biết tới những tư tưởng “thấp kém” và “sai lầm” khác.
Đọc một tài liệu của Đông Kinh Nghĩa Thục như Văn minh tân học sách chưa xác định được ai là tác giả), tôi kính phục vô vàn tầm suy nghĩ của các sĩ phu Duy Tân. Các cụ phân tích rất hay tình trạng lạc hậu của ta về kinh tế, về “tính tình” (tâm lý xã hội), về phong tục… Nêu lên cũng rất hay bốn nguyên nhân suy đồi của Á Đông: Nội hạ ngoại di (coi mình là hơn người), trọng vương khinh bá (trọng đạo lý, khinh kỹ thuật và phương pháp), xưa đúng nay sai (người xưa luôn luôn đúng) và cuối cùng, trọng quan khinh dân. Và vạch rõ “sáu đường mở mang dân trí”: dùng chữ Quốc ngữ, đổi lại sách dạy học, cải cách chế độ trường học, khuyến khích nhân tài mới, phục hưng công nghiệp và thương mại, phát triển báo chí. Và để thực hiện những điều đó, các cụ kêu gọi “kết nghĩa đồng bào”, nêu cao truyền thống yêu nước của “dòng dõi Lạc Long”, của “con nhà Nam Việt”… Dù khác nhau về phương pháp, độc lập dân tộc vẫn là mục tiêu của tất cả các xu hướng (tự lập hay trông chờ ngoại viện, quân chủ hay cộng hòa, bạo lực hay không bạo lực, theo cách phân chia của Trịnh Văn Thảo).
Rõ ràng phong trào Duy Tân với hai nội dung cơ bản (yêu nước và canh tân xã hội để có độc lập dân tộc và xã hội văn minh) là di sản do các vị tiền bối ở đầu thế kỷ XX để lại cho những kẻ hậu sinh trong thế kỷ này, cho chúng ta hôm nay.
Có người đánh giá phong trào Duy Tân đầu thế kỷ như là “hệ tư tưởng tư sản”, nghĩa là như một thứ gì có thể vứt bỏ, không mảy may thương xót để theo “hệ tư tưởng vô sản” cao hơn, đúng hơn. Bằng con mắt hôm nay để nhìn lại, tôi thấy không phải như thế. Bởi vì, như trên đã nói, hệ vấn đề đặt ra thời ấy và hệ vấn đề đặt ra hôm nay đối với vận mệnh của đất nước về cơ bản giống nhau. Và khi đặt ra hệ vấn đề mới ấy, các sĩ phu Duy Tân đầu thế kỷ đã phải dứt bỏ một cách đau đớn với hệ tư tưởng cũ là Nho giáo, mà các cụ coi là những nguyên nhân đưa tới sự lạc hậu của đất nước. Ở đây, ngoài tầm trí tuệ “nhìn xa thấy rộng” ra, phải thấy đó là một sự dũng cảm lớn của các cụ. Các cụ là những nhân cách lớn, dám đoạn tuyệt với những lề thói suy nghĩ và hành động lỗi thời. Sự dũng cảm lớn nhất của mỗi con người chính là ở chỗ dám đoạn tuyệt với những nhận thức, những đạo lý lỗi thời mà bản thân mình từng coi là “khuôn vàng thước ngọc” không thể thay đổi được. “Hủ nho” là đối tượng phê phán của các cụ, và sự phê phán ấy bao hàm cả tự phê phán. Tinh thần của các cụ được thể hiện bằng một câu trong Văn minh Tân học sách: “Dây đàn cầm không hài hòa thì tháo ra mà sửa lại, nhà ở đã cũ hàng ngàn năm thì phải dở đi mà làm lại”. Phải chăng đó là cái tinh thần hiện nay chúng ta đang cần có?
Phong trào Duy Tân bị thực dân Pháp khủng bố nặng nề. Hầu hết các sĩ phu Duy Tân đều bị bỏ tù không thương xót (có lẽ đó là lớp tù chính trị đầu tiên bị đày ra Côn Đảo mà Huỳnh Thúc Kháng mô tả trong Thi tù tùng thoại). Một số người còn bị thực dân Pháp chém đầu. Thất bại của họ là thật dễ hiểu, nhưng họ đã làm được một sứ mệnh rất lớn trong đời sống tư tưởng với hệ vấn đề mà bây giờ chúng ta có thể gọi là vấn đề “hiện đại hóa” do họ đặt ra. Có ý thức hay không có ý thức, tất cả các trào lưu yêu nước và cách mạng sau này đều tiếp nhận những tư tưởng lớn ấy của họ. Không phải trong những tư tưởng của họ không có những chỗ yếu, những hạn chế. Điều đó đã được nói tới nhiều, nhưng cái lớn lao của họ dường như đã không được đánh giá đúng, có khi bị phủ định quá dễ dàng (chẳng hạn chỉ cần ghép những tư tưởng Duy Tân vào “hệ tư tưởng tư sản” là đủ để xóa bỏ đi một cách nhẹ nhàng).
Tôi xin nói thật rằng: nếu ngày nay, giới trí thức chúng ta (lớp “kẻ sĩ” hiện đại) có được tầm trí tuệ và khí phách ngang với những sĩ phu Duy Tân, thì đã là điều đáng mừng lắm rồi. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, vào những năm đầu thế kỷ chưa thật chín muồi để cho những tư tưởng Duy Tân trở thành xu hướng chủ đạo của toàn xã hội. Thêm vào đó, những biến đổi xã hội và lịch sử sau đó lại đặt ra những vấn đề mới mà lớp trí thức “tân học” phải đương đầu.
Có hai điểm cần nhấn mạnh:
Thứ nhất, sự thống trị thực dân, trong khi đè nặng lên thân phận của mọi người Việt Nam, đã bước sang thời kỳ “khai thác thuộc địa” tương đối ổn định hơn (đặc biệt là sau khi đàn áp xong những cuộc khởi nghĩa vũ trang của Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn… và sau chiến tranh thế giới thứ nhất). Chính trong thời kỳ này, dưới tác động của những chính sách “khai thác thuộc địa” ấy, xã hội Việt Nam có những thay đổi quan trọng. Lâu nay, chúng ta quen nhìn chủ nghĩa thực dân ở một phía (bóc lột, đàn áp…) còn phía thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội thì chưa được đánh giá đúng. Ở đây, xin nhắc lại cách nhìn của Mác khi ông phân tích về sự thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ. Theo ông: “nước Anh có hai sứ mệnh phải thực hiện ở Ấn Độ: Một sứ mệnh có tính chất phá hoại, Một sứ mệnh phục hưng: thủ tiêu xã hội (châu Á cổ xưa và đặt những nền móng vật chất của xã hội phương Tây ở Châu Á…”. Nói cách khác, bên cạnh tính chất man rợ, hung hăn và lòng tham vô độ của chủ nghĩa thực dân đối với dân bản xứ, Mác cũng nói tới tác dụng khách quan (ngoài ý muốn của chủ nghĩa thực dân) trong việc đưa các nước thuộc địa vào những quá trình thay đổi mạnh mẽ về lực lượng sản xuất và về quan hệ sản xuất theo hướng Âu hóa. Điều Mác nói về thực dân Anh ở Ấn Độ về cơ bản cũng thích hợp với thực dân Pháp ở Việt Nam.
Trong mấy chục năm đầu thế kỷ, rõ ràng xã hội Việt Nam đã trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, quan hệ hàng hóa-tiền tệ và cơ cấu hạ tầng (đường bộ, đường sắt, các đô thị mới…) phát triển đến một trình độ cao hơn nhiều so với trước đó. Về cơ cấu xã hội, đã hình thành ra những tầng lớp xã hội mới (nếu chưa nói hẳn là những giai cấp mới): tư sản, vô sản (viên chức, những người làm các nghề độc lập…). Về văn hóa, chữ quốc ngữ được dùng một cách chính thức trong các trường học (bên cạnh tiếng Pháp), các báo tiếng Việt được xuất bản, những thể loại văn học và nghệ thuật mới hình thành, hệ thống trường học từ tiểu học đến trung học và đại học (tuy có những hạn chế lớn) được mở rộng… Tất cả những điều đó đã làm cho bộ mặt xã hội Việt Nam khác hẳn xa với “xã hội truyền thông”. Dù tình trạng lạc hậu vẫn được duy trì trên nhiều vùng của đất nước – nhất là ở các vùng nông thôn rộng lớn – thì trên cơ thể xã hội Việt Nam đã ló dạng một số yếu tố đáng kể của “xã hội hiện đại”. Nếu như tầng lớp tư sản chỉ mới manh nha, nhưng chưa đủ sức trở thành một lực lượng xã hội lớn mạnh (như trong trường hợp Ấn Độ chẳng hạn), và nếu như tầng lớp vô sản cũng còn ít ỏi (chủ yếu là các phu đồn điền, phu mỏ, còn vô sản công nghiệp chưa được bao nhiêu), thì tầng lớp trí thức có thể nói là đã hình thành khá rõ và bắt đầu chiếm những vị trí xã hội quan trọng. Người ta gọi đó là tầng lớp trí thức “Tân học”, phần lớn từ các trường học - công và tư – thuộc hệ thống giảng dạy theo chương trình giáo dục của thực dân Pháp mà ra. Mục tiêu của hệ thống giáo dục này là truyền bá sự “khai hóa” của người Pháp ở thuộc địa và đào tạo những nhân viên chức mẫn cán cho bộ máy cai trị thuộc địa, nhưng về khách quan, hệ thống này đã đem lại một số “tri thức” cần thiết cho một tầng lớp người ngày càng đông đảo và do đó, tạo ra một giới trí thức mới. Trong giới trí thức này, có đủ các “bậc” (đại học, trung học và tiểu học). Xin nhắc lại rằng khái niệm trí thức cũng rất tương đối. Ở vùng quê tôi, đỗ tiểu học, có bằng primaire, đã được người ta gọi bằng “thầy” rồi, có bằng diplôme thì oai hơn, có bằng baccalauréat càng oai hơn nữa, và có bằng cử nhân thì đã là “của hiếm”. Giới trí thức này làm nhiều nghề khác nhau: viên chức, giáo viên, làm báo, viết sách… và về đại thể chia làm hai bộ phận: viên chức Nhà nước và người làm nghề tự do. Mức sống của giới trí thức cũng rất khác nhau. Và tất nhiên, do những vị trí xã hội khác nhau, trong giới trí thức cũng có nhiều xu hướng tư tưởng khác nhau. Nhưng nói chung, trừ một số trường hợp nào đó, lòng yêu nước và lòng mong muốn canh tân xã hội vẫn tồn tại (sâu sắc hay bàng bạc) trong giới trí thức Việt Nam. Chính cái “mẫu số chung” ấy cắt nghĩa tại sao tuyệt đại đa số giới trí thức nước ta đã hưởng ứng mạnh mẽ và tích cực cuộc cách mạng tháng tám sau này. Nhìn lại các cuộc vận động yêu nước trong hơn 20 năm (từ đầu những năm 20 đến giữa những năm 40) ta thấy rõ giới trí thức Việt Nam nói chung (kể cả học sinh và sinh viên như “dự trữ” của nó) đã đóng vai trò chủ đạo (có người nói tới vai trò “động lực” của tầng lớp tiểu tư sản trong các phong trào yêu nước và cách mạng, xin nêu ra đây để chúng ta cùng suy nghĩ). Có thể nói không chút quá đáng rằng lực lượng chính trị yêu nước và cách mạng nào thu hút được đại đa số giới trí thức Việt Nam, lực lượng đó giành được ưu thế rõ rệt.
Thứ hai, những biến đổi trên trường quốc tế cũng tác động hết sức mạnh mẽ tới những biến đổi tư tưởng và xã hội ở Việt Nam. Cho đến đầu những năm 20, trên thực tế chưa có sự phân hóa tư tưởng theo “giai cấp”, hay nói đúng hơn, theo “hệ tư tưởng giai cấp”. Sự phân hóa chủ yếu hồi đó là ở phương thức giành độc lập dân tộc và thay đổi xã hội: như thường nói, giữa bạo lực và phi bạo lực, hay giữa “cách mạng” và “cải lương". Với những biến đổi của tình hình thế giới trong và sau chiến tranh thế giới thứ nhất, những người yêu nước và tiến bộ ở Việt Nam đứng trước một sự lựa chọn mới. Cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga (1917) làm phân chia thế giới thành hai phía với những giá trị giai cấp (tư sản và vô sản) được đặt thành nền tảng. Các cuộc đấu tranh xã hội - và của dân tộc nữa - từ nay xoay quanh cái trục “giai cấp” này. Yêu nước ư? Đúng, nhưng chưa đủ: Yêu nước theo lập trường giai cấp nào (về chính trị, vấn đề giai cấp nào lãnh đạo phong trào yêu nước được đặt ra). Tiến bộ xã hội ư? Đúng, nhưng chưa đủ: tiến bộ xã hội mang lại lợi ích trước hết cho giai cấp nào (thậm chí từ những “tiến bộ xã hội” mất đi, nhường chỗ cho những từ ngữ “cách mạng xã hội”). Những khái niệm “giai cấp”, “đấu tranh giai cấp” (giữa tư sản và vô sản) vốn được đẻ ra trong các xã hộp phương Tây (nhất là từ giữa thế kỷ XIX trở đi), thì ngày nay cũng được du nhập vào các nước lạc hậu ở phương Đông như những khái niệm cơ bản. Hệ vấn đề của đất nước và xã hội bỗng nhiên thay đổi đến mức hệ vấn đề đặt ra đầu thế kỷ bị đẩy lùi xuống bên dưới. Những từ ngữ như “dân giàu nước mạnh”, “văn minh”… rơi vào quá khứ để không bao giờ được nhắc lại trong sáu, bảy chục năm sau đó, mãi đến đầu những năm 90 mới trở lại.
Thật ra, Cách mạng tháng mười Nga lúc đầu không ảnh hưởng trực tiếp tới những biến đổi tư tưởng và xã hội ở nước ta. Trừ một vài tờ báo có nói tới những sự kiện xảy ra ở nước Nga hồi đó (như tờ Nam Phong chẳng hạn), nói chung dân Việt Nam ít biết tới nó. Dần dần, thông qua những biến đổi tư tưởng và chính trị ở Trung Quốc và ở Pháp, những tư tưởng của Cách mạng Nga mới bắt đầu “gây men” trong một bộ phận yêu nước và cách mạng trẻ tuổi, có học và có xu hướng cấp tiến. Trong những năm 20, ảnh hưởng của Ngũ tứ vận động, của phong trào vô sản và cộng sản, nhất là của sự hợp tác Quốc-Cộng trong thời kỳ Bắc phạt do Tôn Trung Sơn lãnh đạo chống lại bọn quân phiệt thân đế quốc ở phía bắc Trung Quốc, và cuối cùng là ảnh hưởng của sự chia rẽ Quốc-Cộng, kết thúc bằng chính biến phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch và thất bại của Quảng Châu Công xã. Tất cả những biến động này tác động trực tiếp không những tới những người yêu nước và cách mạng Việt Nam lúc đó còn lưu trú ở Trung Quốc, mà còn gây ra những phản ứng trái ngược nhau trong giới trí thức trong nước.
Đồng thời, với những ảnh hưởng của tình hình Trung Quốc, những sự phân hóa chính trị mới – đặc biệt là sự phân hóa của Đảng Xã hội Pháp thành hai đảng: Đảng Xã hội theo Quốc tế II và Đảng Cộng sản theo Quốc tế III – cũng tác động trực tiếp tới những người Việt Nam yêu nước và tiến bộ đang ở Pháp, cũng như tới bộ phận trí thức cấp tiến trong nước.
Từ giữa những năm 20, với việc Nguyễn Ái Quốc đến Moskva và mở đầu sự cộng tác chặt chẽ với Quốc tế III, ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết trở nên ngày càng trực tiếp hơn và mạnh mẽ hơn. Nguyễn Ái Quốc là sự kết tinh của ba nguồn ảnh hưởng ấy, và điều đó đã gây những dấu ấn không phai nhạt tới cái mà một số nhà nghiên cứu nước ngoài gọi là “chủ nghĩa cộng sản Việt Nam”, nhưng đó là điều chúng ta xem xét ở phần sau.
Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng: sự phân chia các trào lưu tư tưởng và chính trị theo quan điểm giai cấp (tư sản và vô sản) trên thế giới là nhân tố quan trọng nhất gây ra sự phân hóa trong giới trí thức Việt Nam (ở trong nước cũng như ngoài nước trong những năm 20). Và đây là một sự phân hóa vô cùng phức tạp. Không nói tới những người chủ trương dựa vào chính quyền thực dân để tiến thân về địa vị xã hội và chính trị, ngay cả trong những người yêu nước, chống thực dân và mưu cầu tiến bộ xã hội (theo những quan điểm khác nhau), sự phân hóa cũng diễn ra thật quyết liệt. Một số người tuy vẫn giữ tinh thần yêu nước, với những thái độ khi “cương" khi “nhu” khác nhau, nhưng dứt khoát chống lại chủ nghĩa cộng sản (như Huỳnh Thúc Kháng). Một số thanh niên yêu nước cấp tiến ngả sang sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản ở những mức độ khác nhau, đồng thời, vẫn truyền bá những tư tưởng của cách mạng Pháp 1789 (tiêu biểu là Nguyễn An Ninh). Một số khác lựa chọn con đường trung gian không chống cộng cũng không theo cộng sản, đặt cách mạng quốc gia lên trên “cách mạng thế giới” (tức cách mạng giai cấp) và phỏng theo Quốc dân Đảng Trung Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng). Số còn lại từng bước hướng vào chủ nghĩa cộng sản (tiêu biểu là Hồ Tùng Mậu, lúc đầu tham gia Tâm Tâm xã, sau đó tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, rồi trở thành một trong những đảng viên đảng cộng sản đầu tiên). Có người lựa chọn Việt Nam Quốc dân Đảng, sau đó chuyển sang Đảng Cộng sản (như Trần Hữu Độ, Trần Huy Liệu). Một điểm cần nhấn mạnh: tất cả những người lựa chọn chủ nghĩa cộng sản đều nung nấu tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Việc lựa chọn chủ nghĩa này trong phần lớn các trường hợp là do nhìn thấy nó đem lại những sức mạnh mới (trong nước và trên thế giới) có thể giúp giải phóng dân tộc một cách có hiệu quả hơn. Nói cách mạng vô sản nhưng chủ nghĩa yêu nước vẫn là một nền tảng tư tưởng của tất cả những người cộng sản.
Như vậy, vào những năm 20, chủ nghĩa cộng sản (mà lúc đầu là chủ nghĩa Lênin và sau đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, tuy rằng giữa hai khái niệm đó có khác nhau như đã nói đoạn đầu) được gieo trên một mảnh đất khá thuận lợi của những phong trào yêu nước và cách mạng trong nước. Không phải tất cả những người yêu nước và cách mạng đều theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng rõ ràng nó đã chiếm được trí tuệ và trái tim của một bộ phận đáng kể trong số đó để dần dần trở thành một lực lượng chính trị chủ đạo. Về sau này, bối cảnh lịch sử và xã hội có những thay đổi khác nữa làm cho sự du nhập và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin có những điều chỉnh và phát triển mới (đặc biệt trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai), nhưng về cơ bản, dấu ấn của bối cảnh những năm 20 vẫn rất đậm nét trong lịch sử “chủ nghĩa cộng sản Việt Nam”.
II. Ai du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam? Thoạt nhìn, vấn đề này có vẻ đơn giản, và người thường trả lời thật đơn giản: người đầu tiên du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc. Tất nhiên câu trả lời ấy là có căn cứ, nhưng chưa đủ, vì trên thực tế không đơn giản như vậy. Đúng là Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam (không có ai trở thành đảng viên Đảng Cộng sản từ 1920 như Nguyễn Ái Quốc cả, nếu tính tuổi đảng thì Nguyễn Ái Quốc hơn tuổi đảng của lớp cộng sản đầu tiên khoảng trên dưới 10 năm), và cũng đúng là Nguyễn Ái Quốc là người viết về chủ nghĩa cộng sản sớm nhất trên sách báo cách mạng Việt Nam (lúc đầu là trên Le Paria, trong cuốn Le procès de la colonisation francaise, sau đó là trên tờ Thanh niên và trong cuốn Đường Cách Mệnh). Nhưng không phải chỉ có Nguyễn Ái Quốc làm công việc giới thiệu chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam trong những năm 20. Xin nêu lên vài tên tuổi đã đóng góp vào công việc này: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Đào Duy Anh… Chúng ta biết Phan văn Trường là người từng cộng tác với Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh để khởi thảo ra Bản yêu sách Tám điều do Nguyễn Ái Quốc mang tới Hội nghị Versailles năm 1919. Sau này (1926), ông cùng với Nguyễn Thế Truyền lập ra tờ Việt Nam hồn và giới thiệu chủ nghĩa cộng sản trên tờ báo này. Trên La Cloche Fêlée (1923), từ cuối năm 1925, Nguyễn An Ninh đã cho đăng khá đều đặn những bài của một số lãnh tụ Quốc tế cộng sản hồi đó (Zinoviev, Bukharin, Karl Radek, Gabriel Péri) và đầu năm 1926 cho đăng Tuyên ngôn đảng cộng sản trong tám kỳ báo liền. Đào Duy Anh với Quan Hải tùng thư (nửa sau những năm 20) đã phổ biến một cách khôn khéo chủ nghĩa Mác. Còn có thể dẫn ra những tên tuổi khác. Đối với những người đã được biết và chưa được biết này, chúng ta còn quá ít chú trọng giới thiệu, đó là một bất công lịch sử không nên để kéo dài.
Cũng xin nói rằng những con đường du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin một cách công khai (và có khi hợp pháp), như vậy, tuy có ảnh hưởng đến một phần trí thức nhất định (những người này vừa có trình độ học vấn khá, vừa có “nguồn” tài liệu thuận lợi), nhưng những con đường không hợp pháp, bí mật, vẫn giữ vai trò chính. Những người cách mạng “xuất dương" (chủ yếu là sang Trung Quốc và Pháp) đón nhận chủ nghĩa cộng sản bằng nhiều cách, kể cả dự các lớp huấn luyện rồi đưa vào trong nước. Ở trong nước, các tổ chức cách mạng có xu hướng cộng sản cũng thông qua những “đầu vào” và “đầu ra” của mình để làm công việc này. Đặc biệt, trong những thời kỳ khủng bố mạnh mẽ của thực dân Pháp, như đầu những năm 30 và trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà tù trở thành “trường học chủ nghĩa cộng sản” rất có hiệu quả. Nhiều người cộng sản khi bị tù mới làm quen với lý luận Mác-Lênin một cách kỹ lưỡng hơn. Họ kiếm được những sách báo cộng sản qua con đường bí mật, rồi người hiểu trước giảng lại cho người chưa hiểu. Qua phương tiện truyền miệng ấy, nhiều người “nhập tâm” những gì nghe được và hiểu được để biến thành “vốn liếng lý luận” của mình. (Tôi nhớ sau Cách mạng tháng Tám, khi được dự một lớp huấn luyện chính trị do Xứ ủy Trung bộ mở (tháng 11/1945), những anh em tham gia cách mạng còn “non choẹt” lớp chúng tôi đã say sưa nghe anh Trần Tống giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong tay chẳng có tài liệu gì, cứ trình bày bằng trí nhớ những gì thu nhận được trong tù gần như thuộc lòng. Về sau đối chiếu lại, thấy những bài giảng này rất khớp với cuốn Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin do Stalin viết năm 1924).
Sau Cách mạng tháng Tám, sự du nhập của chủ nghĩa Mác-Lênin còn qua những con đường khác nữa, “chính quy” hơn: các trường Đảng được mở, một số đảng viên được đi học lý luận ở các trường đảng Trung Quốc và Liên Xô. Nhiều sách báo được dịch ra từ tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Hán và được xuất bản với những số lượng lớn, và cả một số nhà lý luận của Liên Xô, Trung Quốc được mời vào giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin ở các trường, lớp trong nước (chủ yếu là trường Nguyễn Ái Quốc). Hàng năm, hàng nghìn đảng viên được đào tạo về lý luận qua những con đường “chính thống” này. Nhưng ở đây, xin tập trung nói về sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin từ đầu những năm 20 cho tới Cách mạng tháng Tám là chính.
Qua bức tranh hết sức sơ lược nói trên, có thể phân tích số người tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong những thời kỳ đầu như sau:
Nói chung, đó là những người thuộc “tân học” với những trình độ khác nhau, đại đa số là những người có trình độ tiểu học và trung học. Trong giới “cựu học”, rất hiếm người theo chủ nghĩa cộng sản (kể cả những sĩ phu thời Duy Tân còn lại). Điều đó thật dễ hiểu: chủ nghĩa cộng sản vốn là sản phẩm của văn hóa phương Tây, sử dụng những khái niệm phương Tây, nên những người “tân học” dễ tiếp nhận hơn.
Trừ một số rất ít người tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa cộng sản bằng cách công khai, tuyệt đại đa số làm công việc này bằng những con đường bí mật, bất hợp pháp.
Do những nguồn thu nhập bị hạn chế rất lớn, nên số người hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có hệ thống, “tận gốc” chỉ là một thiểu số nhỏ. Đại đa số chỉ tiếp nhận nó bằng cách gián tiếp, rất giản lược.
Nhưng trong những điều kiện ngặt nghèo thời thuộc địa, chừng đó cũng đủ để cho những người cộng sản có được một “hành trang lý luận” tối thiểu để có thể hoạt động được cũng như để có thể “chọi” với những xu hướng tư tưởng khác. Ở đây có một điểm cần nói rõ: không phải đa số những người trí thức “tân học” theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tuy lòng yêu nước và ý thức cải cách xã hội (cái thường gọi là “Âu hóa”) của họ vẫn còn khá sâu đậm. Họ từ bỏ di sản nho giáo để chuyển sang tiếp nhận văn hóa phương Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp, nhưng không sẵn sàng tiếp nhận chủ nghĩa cộng sản. Dưới mắt họ, chủ nghĩa cộng sản vừa “quá khích” (chủ trương đấu tranh giai cấp theo lập trường giai cấp vô sản), vừa “nguy hiểm” (những người cộng sản chủ trương lật đổ ách thực dân bằng con đường bạo lực). Họ muốn thể hiện lòng yêu nước và sự mong muốn cải cách xã hội một cách ôn hòa hơn, “an toàn” hơn. Lưỡi máy chém và nhà tù thực dân Pháp, cũng như vị trí xã hội của họ, đưa họ tới một sự lựa chọn khác: chủ yếu bằng con đường hoạt động văn hóa và hợp pháp. Chỉ đến thời kỳ cách mạng tháng Tám, một bộ phận trong số họ mới ngả theo con đường cách mạng, đi theo Việt Minh. Và sau đó, trong những điều kiện lịch sử thật đặc biệt, khi yêu cầu giải phóng dân tộc trở nên bức thiết và cũng là khi có những hoàn cảnh thuận lợi hơn (như Hồ Chí Minh nói trong Tuyên ngôn độc lập: “Pháp chạy Nhật hàng”), thì đại đa số giới trí thức ủng hộ cách mạng (lúc này, chính những người cộng sản cũng đặt vấn đề giải phóng lên hàng đầu). Ngày nay nhìn lại, có thể đánh giá một cách bình tĩnh hơn những gì mà giới trí thức “ôn hòa” đã làm cho văn hóa Việt Nam trong những thời kỳ những năm 20-30 là rất quan trọng, nhưng đây là một chủ đề khác.
Một câu hỏi thường được đặt ra trong giới nghiên cứu gần đây: sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam phải chăng là một “tất yếu lịch sử”. Theo tôi có thể nói như vậy, nhưng không nên hiểu “tất yếu lịch sử” như một cái gì có tính định mệnh, mà nên hiểu đó như là kết quả của những quá trình lịch sử nhất định trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Không riêng gì ở Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời kỳ này cũng được du nhập ở nhiều nước khác Trung quốc, Ấn Độ, Indonesia… (chỉ nói tới những nước xung quanh ta). Như đã nói, hệ vấn đề “giải phóng dân tộc” và “hiện đại hóa” xã hội đã thay đổi căn bản vào thời kỳ này, đã biến thành hệ vấn đề “cách mạng xã hội” theo hướng đấu tranh giai cấp. Và ở đây, chính bộ phận cấp tiến trong những người yêu nước và cách mạng ở nước ta cũng đã tỏ ra “thức thời” để khỏi bị “lạc hậu” so với sự phát triển của các cuộc đấu tranh cách mạng trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, sự đàn áp và khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp không để cho người yêu nước cấp tiến có một khả năng hoạt động nào khác ngoài con đường làm cách mạng đến cùng [4] ; chủ nghĩa Mác-Lênin với tính chất cách mạng triệt để của nó (chưa nói tới chuyện đúng sai) rõ ràng đã đáp ứng đầy đủ nhất với con đường cách mạng này (riêng đầu đề Đường cách mệnh do Nguyễn Ái Quốc đặt ra cho cuốn sách huấn luyện của mình đã nói rất rõ điều đó).
Sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam dù có được coi là một “tất yếu lịch sử” đi nữa, cũng không thể coi thắng lợi của cách mạng Việt Nam như là thắng lợi “tất yếu” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thắng lợi ấy, nói đúng hơn, là kết quả một sự điều chỉnh chủ nghĩa Mác-Lênin đến mức G. Boudarel, một nhà nghiên cứu Pháp rất quen thuộc Việt Nam, coi như một sự “tà đạo”. Nhưng đó cũng là chuyện sẽ bàn tới sau.
Cuối cùng, qua bức tranh còn rất sơ lược về những người du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin trước đây, có thể nổi lên một điểm hết sức quan trọng nữa: đó là tính không thuần nhất về xã hội và tư tưởng của họ. Mỗi người mang vào đó những dấu ấn riêng của mình, tùy ảnh hưởng mình tiếp nhận và tùy “tư thế” xã hội và tư tưởng của mình. Hơn nữa, tùy theo nguồn gốc của sự du nhập (Liên Xô, Pháp, hay Trung Quốc từ bên ngoài, và các “lò” huấn luyện bên trong khác nhau – tức các nhà tù khác nhau (Côn đảo Sơn La, Ban Mê Thuột, Lao Bảo…) sự tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin cũng mang những nội dung khác nhau. Giữa những người cộng sản, ngay từ buổi đầu cho tới cả hôm nay, cách hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin không phải khi nào cũng giống nhau. Đã có những cuộc đấu tranh khá gay gắt giữa những người cộng sản về cách hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin trong từng giai đoạn cách mạng. Những cuộc đấu tranh này được giải quyết nhờ ở hai yếu tố: Thứ nhất, tổ chức và kỷ luật chặt chẽ của Đảng cộng sản, theo nguyên tắc tập trung cao độ do hoàn cảnh hoạt động vô cùng khó khăn trước cách mạng và cũng do chính nguyên lý xây dựng đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thứ hai, đây là yếu tố quan trọng nhất, uy tín của Nguyễn Ái Quốc trong những người cộng sản Việt Nam, một uy tín gần như tuyệt đối đối với đại đa số đảng viên. Cách hiểu uyển chuyển và riêng biệt của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như về tiến trình cách mạng Việt Nam có sức thuyết phục lớn trong những người cộng sản Việt Nam, nhất là vào những bước ngoặt hết sức phức tạp của cách mạng Việt Nam.
III. Du nhập những gì? Quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam không đơn giản như có người tưởng. Bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin trải qua những cách lý giải khác nhau, với những điểm nhấn mạnh từng lúc khác nhau. Nó không phải là một hệ thống lý luận thuần túy, mà gắn chặt với những chủ trương chính trị từng lúc, và mỗi lần đường lối chính trị thay đổi là một lần có sự lý giải khác đi về mặt lý luận. Điều đó nhiều khi đặt người cộng sản vào những hoàn cảnh thật khó xử. Những nội dung của nó cũng được bổ sung dần dần, từ chỗ sơ lược đến chỗ ít sơ lược hơn, từ những dự báo ban đầu đến những kết luận. Trong một thời gian dài, từ những năm 30, tức là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, trung tâm lý giải và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin là Moskva. Tuy không hình thành một “giáo hội”, nhưng trên thực tế chúng ta cũng thấy một cái gì tương tự. Stalin, với những tác phẩm và những bài phát biểu của ông, đóng vai trò “giáo chủ”. Mọi ý kiến của Stalin được coi như những “chân lý cuối cùng”, những chuẩn mực để phân biệt đúng sai trong phong trào cộng sản quốc tế. Không những các vấn đề chung của thế giới, mà cả nhiều vấn đề trong từng nước có đảng cộng sản hoạt động, những ý kiến của Stalin thường được viện dẫn ra làm căn cứ, làm phương pháp. Tôi nhớ đầu năm 1950, khi học trường Nguyễn Ái Quốc, có một vài đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng đến giảng và đưa ra một vài nhận xét về những sai lầm về đường lối của Trung ương Đảng lúc đó (như về chủ trương “chuyển sang tổng phản công”, về vấn đề ruộng đất…). Mặc dầu Tổng Bí thư hồi đó (Trường Chinh) đã giải thích lại và bác bỏ những ý kiến phê phán này, nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Một buổi tối tháng Năm, Cụ Hồ đến. Cụ rất nghiêm như ít khi thấy. Cụ nói thẳng vào những ý kiến phê phán Trung ương của một số cán bộ và nói: “Bác vừa đi Liên Xô về. Bác đã gặp đồng chí Stalin, đã trình bày đường lối của đảng ta với đồng chí Stalin. Nghe xong, đồng chí Stalin nhận xét: đường lối của Đảng các đồng chí là đúng. Mà đồng chí Stalin đã nói đúng là đúng, vì đồng chí Maurice Thorez nói, đồng chí Stalin là người không bao giờ sai cả”. Cả lớp im lặng và cảm thấy được thuyết phục hoàn toàn. Ví dụ nhỏ vừa nói cho thấy uy quyền của Stalin về mặt tư tưởng và lý luận đến mức nào. Không chỉ ở nước ta, ở một số nước khác cũng vậy. Chẳng hạn năm 1948, G. Dimitrov, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bulgari (trước đó là Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản), đã đưa ra luận điểm về con đường dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội khác với con đường xô viết, đó không phải là con đường chuyên chính vô sản. Stalin bác bỏ ngay luận điểm này và khẳng định: xô viết và dân chủ nhân dân chỉ là hai hình thức khác nhau của cùng một con đường chuyên chính vô sản, thực chất của dân chủ nhân dân cũng là chuyên chính vô sản. Dimitrov phải rút bỏ ý kiến của mình ngay. Có thể kể ra rất nhiều những ví dụ như vậy.
Chúng ta không chỉ tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin từ Liên Xô, từ Stalin, mà còn từ Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông nữa. Trong nhận thức của những người cộng sản Việt Nam trước đây, Mao Trạch Đông là một nhà mácxít-lêninnít vĩ đại, có công áp dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở Trung Quốc và ở các nước Châu Á. Sự du nhập chủ nghĩa Mao từ những năm 40 đến những năm 60 đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống lý luận và tư tưởng của những người cộng sản Việt Nam . Thậm chí có thể nói tới một sự sao chép gần như nguyên xi một số luận điểm của Mao: ba phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” trong lĩnh vực văn hóa “dân chủ mới” rồi “chuyên chính dân chủ nhân dân” trong lĩnh vực chính trị “ba giai đoạn" trong lĩnh vực quân sự, “chỉnh phong, chỉnh đảng” trong lĩnh vực xây dựng đảng, rồi “cải tạo xã hội chủ nghĩa”, “hợp tác hóa nông nghiệp”, rồi đấu tranh “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại” trong lĩnh vực tư tưởng v.v… và v.v… Nói cách khác, cùng với Stalin, Mao Trạch Đông cũng được coi là “chính thống” của chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta. Nhiều người cộng sản Việt Nam, khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, thật ra rất ít đọc thẳng từ Marx, Engels và Lenin, mà chủ yếu là “nhập môn” bằng những tác phẩm của Stalin và Mao Trạch Đông. Tiếc thay, vấn đề này chưa bao giờ được làm rõ đến mức cần thiết cả. Nói như vậy, để thấy rằng cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” được du nhập vào Việt Nam về cơ bản là “chủ nghĩa Stalin” và “chủ nghĩa Mao”. Những người trực tiếp đọc Marx, Engels và Lenin thật ra chỉ là một số rất ít trong thời kỳ trước cách mạng, và về sau này tuy số người đó có tăng lên (chủ yếu trong số cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận) nhưng vẫn còn ít ỏi.
Trong thời gian gần đây những sai lầm của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao được nhiều người nhận rõ qua những hậu quả hết sức tai hại đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lênin, vì thế, được điều chỉnh lại cho phù hợp với hoàn cảnh mới, nhưng công cuộc điều chỉnh này thật ra cũng chưa thật mạnh mẽ và triệt để, di sản của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao vẫn còn được giữ nguyên trên nhiều vấn đề căn bản. Vả chăng, vấn đề không phải là “điều chỉnh” vấn đề được đặt ra ở một chiều sâu hơn nhiều: đó chính là vấn đề “tồn tại” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Và bây giờ, rõ ràng chúng ta đứng trước một bức tranh hỗn loạn. Những người muốn bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin trên thực tế vẫn bị chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao cầm tù. Trong khi đó, một số ngày càng nhiều người thấy rõ tính chất lỗi thời của chủ nghĩa Mác-Lênin và lên tiếng phê phán và bác bỏ nó. Tình hình ấy phải chăng báo hiệu giai đoạn kết thúc quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta? Xin để cho thời gian phán xét.
Sự du nhập một học thuyết không bao giờ là quá trình một chiều từ ngoài vào, mà bao giờ cũng là quá trình hai chiều, vì có sự tiếp nhận từ bên trong. Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải ngoại lệ. Ở trường hợp Việt Nam, có thể nói chiều thứ hai, chiều tiếp nhận chủ động từ bên trong, là rất mạnh (chiều bên trong này bao gồm cả ở những người cách mạng Việt Nam ở ngoài nước, vì nói chung họ gắn bó rất mật thiết với những phong trào cách mạng trong nước). Nhưng chính chiều thứ hai này, trong khi góp phần du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin từ ngoài vào như một nhân tố ngoại sinh (exogène), đã làm cho nó thích ứng với những nhu cầu bên trong, lai ghép với “cơ địa” Việt Nam để rồi, trong trường hợp thành công nhất, trở thành một nhân tố “nội sinh” (endogène). Và khi đó, chủ nghĩa Mác-Lênin không còn giữ nguyên dạng của nó nữa, mà có những biến hóa nào đó. (Tình hình này về cơ bản giống như Khổng giáo du nhập Việt Nam ngày xưa, một đằng thì trải ra hàng trăm năm, một đằng chỉ trong vòng vài chục năm). Như đã nói, ở Việt Nam, hệ vấn đề đặt ra đầu thế kỷ là độc lập dân tộc và canh tân xã hội. Hai yêu cầu này vẫn còn nguyên khi chủ nghĩa Mác-Lênin du nhập vào nước ta.
Bộ phận cấp tiến trong những người yêu nước và cách mạng từ những năm 20 tuy tiếp nhận hệ vấn đề mới của thời đại, lấy “trục giai cấp” làm chính, nhưng thứ nhất, không ai bỏ quên hai yêu cầu nói trên và thứ hai, đây là cái chủ yếu, coi hệ vấn đề mới là sự “tiếp sức” có hiệu quả hơn để giải quyết hệ vấn đề vốn có. Nói cụ thể hơn, những người tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung đều xuất phát từ lòng yêu nước và khát vọng canh tân xã hội (hiện đại hóa) và lấy nó làm “vũ khí” của mình. Hồ Chí Minh nhiều lần nói tới chủ nghĩa yêu nước đưa mình tới chủ nghĩa Mác-Lênin chính là nói tơi xu hướng chung nhất của lớp người tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin đầu tiên, tuy trong những hoàn cảnh có khác nhau. Và không chỉ lớp cộng sản đầu tiên, cả những lớp cộng sản sau này (cho đến năm 1975) và đại thể cũng như vậy, mặc dầu động cơ trở thành cộng sản có thể mang thêm một số yếu tố khác (tiến thân, quyền lực v.v…).
Đọc lại những tài liệu lịch sử của phong trào cộng sản lúc đầu, có thể nhận thấy rất rõ một trong những “chất nền” (substance) của phong trào cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và khát vọng tiến bộ xã hội của những bộ phận quần chúng rộng lớn. Không phải chỉ riêng những người cộng sản mới có “chất nền” này, nhiều người, nhiều bộ phận khác (kể cả những người chống lại chủ nghĩa cộng sản) cũng có. Chỉ có khác là những người cộng sản là bộ phận cấp tiến hơn, họ muốn tìm thấy những vũ khí mạnh hơn, phù hợp với xu hướng cách mạng bạo lực của họ trong bối cảnh lịch sử mới của thế giới và đất nước. Thứ vũ khí họ tìm thấy đó là chủ nghĩa Mác-Lênin. Yêu nước và khát vọng tiến bộ xã hội cộng với xu hướng cấp tiến, bạo lực phải chăng đó là “mẫu số chung” của các lớp người đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta?
Ở đây, có một vấn đề đã và đang được thảo luận trong nước và cả ở ngoài nước là: đối với những người cộng sản Việt Nam, giữa hai nhân tố “dân tộc” và “giai cấp”, nhân tố nào chiếm vị trí chủ đạo? Cụ thể hơn, đối với Hồ Chí Minh, có người đặt câu hỏi: đối với ông chủ nghĩa cộng sản là phương tiện để giành giải phóng dân tộc, hay giải phóng dân tộc là phương tiện để thực hiện chủ nghĩa cộng sản? Theo dõi cuộc tranh luận này, có thể thấy rõ hai ý kiến ngược hẳn nhau. Một bên đặt “giải phóng dân tộc” lên hàng đầu, còn bên kia thì đặt “giai cấp”, “chủ nghĩa cộng sản” lên hàng đầu. Và bên nào cũng đưa ra những luận cứ riêng của mình, Huỳnh Kim Khánh, tác giả cuốn Vietnamese Communism 1925-1945 (Cornell University Press 1982), lấy vấn đề này làm cốt lõi cho công trình nghiên cứu của mình, trình bày những ý kiến của mình dựa vào rất nhiều tài liệu lịch sử phong phú và đáng tin cậy. Nhưng cuối cuốn sách, tác giả vẫn chưa đi tới kết luận rõ ràng. Câu hỏi vẫn được treo ở trang cuối là: “Trong sự kết hợp hệ tư tưởng cộng sản với chủ nghĩa yêu nước trong sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin phải chăng là cỗ xe chuyên chở chủ nghĩa yêu nước Việt Nam? Hay chủ nghĩa yêu nước đã được lợi dụng để bành trướng hệ tư tưởng cộng sản? (tr. 341). Tiếc thay, ông mất đột ngột vì trụy tim ở Mỹ và không tiếp tục được công trình hết sức thú vị của mình.
Đây không chỉ là một vấn đề học thuật, mà còn là một vấn đề luôn luôn nảy sinh và được giải quyết đi giải quyết lại trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Và theo tôi hiểu, vấn đề này cũng đang được đặt ra ngay cả trong quá trình “đổi mới” hiện nay.
Tôi xin có một số ý kiến về vấn đề này. Trước hết, cần nhìn lại thực tế vốn có, mà không phải theo suy diễn. Và để được thuận tiện, xin lấy trường hợp của Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên và cũng là người có uy tín nhất trong phong trào cộng sản Việt Nam, để phân tích. Theo tôi, ở Hồ Chí Minh, không có vấn đề cái gì là chính, là chủ đạo giữa hai nhân tố “dân tộc” và “giai cấp”. Ở ông, hai nhân tố quyện lại thành một, không thể phân chia. Đọc lại toàn bộ tác phẩm của ông, theo dõi toàn bộ hoạt động của ông (mà về đại thể đã có thể nắm bắt được, trừ một vài “lỗ hổng” nào đó cần tiếp tục tìm kiếm), không ai có thể nghi ngờ lòng yêu nước của ông, cũng như không ai có thể nghi ngờ tín niệm cộng sản (conviction communiste) của ông. Ông là nhà yêu nước lớn, là một trong những lãnh tụ nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc - điều đó đã được nhìn nhận khá đầy đủ. Chỉ riêng một việc ông bị những đồng chí của mình phê phán là theo chủ nghĩa quốc gia (tức chủ nghĩa dân tộc) vào đầu những năm 30, cũng đủ để chứng minh điều này. Trong cuốn sách của Huỳnh Kim Khánh, ta đọc thấy mấy trang nói rất rõ về chuyện này (trước đó, trong một cuốn sách viết về Cách mạng Việt Nam, Daniel Hémery cũng có viết về chuyện này, và lần đầu tiên tôi biết được việc Ban lãnh đạo Hải ngoại của ĐCSĐD phê phán Nguyễn Ái Quốc chính là từ cuốn sách của tác giả người Pháp ấy). Huỳnh Kim Khánh, dựa vào nhiều tài liệu có thật, cho ta biết sau 1931 Nguyễn Ái Quốc bị phê phán là mắc “tàn tích tiểu tư sản”, cuốn Đường cách mệnh bị coi là một “tài liệu nồng nặc
Ở đây hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, cần lắng nghe nhau, tôn trọng lẫn nhau để có thể “đãi cát lấy vàng”. Mọi thiên kiến, mọi thành kiến đều không dẫn tới những kết quả mong muốn. Với tinh thần đó, xin trình bày một số suy nghĩ của tôi về vấn đề này:
- Bối cảnh lịch sử và xã hội của sự du nhập chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam.
Ai du nhập và du nhập như thế nào? - Du nhập những nội dung gì?
- Những hệ quả của sự du nhập này đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam cho đến nay
- Cuối cùng có thể rút ra nhận xét gì về vị trí của chủ nghĩa Mác-Lênin trong sự phát triển của đất nước từ nay về sau.
Khi nghiên cứu và bàn luận vấn đề này, dễ vấp phải một loạt khó khăn không dễ vượt qua. Chủ nghĩa Mác-Lênin, khái niệm ấy cần được hiểu như thế nào đây? Nội hàm của nó là những gì? Cho đến nay vẫn chưa ai minh định được, và như chúng ta biết từ chính kinh nghiệm bản thân, chủ nghĩa Mác-Lênin có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Trước đây và cả hiện nay, những người tự xưng là mácxít, lêninít lại có những cách lý giải khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đến mức coi nhau là thù địch (những tranh chấp về lý luận giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm 60 và 70 là một ví dụ quá rõ). Đánh nhau, bỏ tù nhau là những hiện tượng không phải là cá biệt trong cuộc sống “đấu tranh tư tưởng” nhân danh “bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Về mặt lịch sử, khái niệm “chủ nghĩa Mác-Lênin” chỉ mới xuất hiện chính thức từ những năm 30, trước đó người ta dùng khái niệm “chủ nghĩa Mác”, và hai khái niệm ấy không phải là đồng nhất. Từ “chủ nghĩa Mác-Lênin” theo một bài viết trên Pravda, xuất hiện lần đầu tiên vào 1925, theo một nguồn tài liệu khác, vào 1930. Được chính thức sử dụng trong Tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1938; nói chung là dưới thời Stalin. Stalin tự coi và được coi là người có tiếng nói cuối cùng về những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ triết học (chương “Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử” trong Tóm tắt lịch sử ĐCS (b) Liên Xô   đến chính trị kinh tế học (Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, 1952) và chủ nghĩa xã hội khoa học (trong nhiều bài phát biểu khác nhau). Bản thân Stalin cũng bỏ ra nhiều thời gian để làm công việc lý giải chủ nghĩa Mác-Lênin. Và sau khi Stalin chết, không biết bao nhiêu lần chủ nghĩa Mác-Lênin được trình bày với những dạng thức khác nhau, tùy theo những tác giả có thẩm quyền khác nhau và tùy theo những hoàn cảnh lịch sử khác nhau.
Ở Việt Nam, theo chỗ tôi biết, ngoài những sách dịch từ tiếng Nga, tiếng Hoa ra, chưa có một tác giả nào trình bày chủ nghĩa Mác-Lênin một cách đầy đủ và được thừa nhận như tiếng nói chính thống cả. Một số bài giảng của người này hay người khác, và cả một vài cuốn giáo khoa Mác-Lênin (chủ yếu là của Trường Nguyễn Ái Quốc) nữa cũng chưa được coi là chính thống và thường được sửa đi sửa lại cho hợp với hoàn cảnh từng lúc. Bây giờ, nghe nói có thành lập một hội đồng biên soạn và xét duyệt những giáo trình “chuẩn” về chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng công việc chỉ vừa bắt đầu. Tất cả những điều đó nói lên một nghịch lý: một hệ tư tưởng được coi là chính thống, nhưng chưa có một tài liệu chính thống nào giải thích nó. Vậy thì, nói chủ nghĩa Mác-Lênin là nói tới những gì đây? Thế nhưng trên thực tế, người ta vẫn có thể quy kết người này “chống chủ nghĩa Mác-Lênin, người kia “phản bội” nó v.v.. Và trong “cuộc đấu tranh tư tưởng bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin” ấy, không phải không có những trường hợp cắt xén và bóp méo Mác-Lênin (lời dự báo của Mác “Tôi không phải là mácxít” hóa ra đã thành sự thực).
Dù sao cũng có một số điểm được số đông (nếu không phải là tất cả) những người tự nhận là mácxít-lêninít coi là những điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin để phân biệt với những trào lưu tư tưởng khác. Chẳng hạn: luận điểm về đấu tranh giai cấp dẫn tới chuyên chính vô sản, luận điểm về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản như “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, luận điểm về xóa bỏ chế độ tư hữu như nguồn gốc của tình trạng “người bóc lột người", luận điểm về hai giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản… Trên bình diện thế giới, những luận điểm về chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, về thời đại cách mạng vô sản, về liên minh giữa phong trào cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc… Tạm thời, chúng ta hãy lấy những luận điểm ấy làm những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin để xem xét vấn đề của chúng ta.
Nhưng đó chỉ mới là những khó khăn về phương pháp khi đụng tới chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung trong trường hợp riêng của Việt Nam, chúng ta lại gặp những khó khăn cũng thật nan giải. Chẳng hạn: Hồ Chí Minh được thừa nhận là “người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam”, người đầu tiên tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam”, nhưng có thật hoàn toàn như thế không? Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên nói tới sự tiếp thụ của Hồ Chí Minh với cả Jésus, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Gandhi, Tôn Trung Sơn, mà không phải chỉ tiếp thụ chủ nghĩa Mác-Lênin [2] .
Chỉ một điểm đó thôi, cũng đủ để chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ về “biến thể Việt Nam” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngoài Hồ Chí Minh, chúng ta còn biết tới một số tài liệu khác của một số người được coi là những nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà thường đó cũng là những người lãnh đạo chủ yếu của Đảng (Trường Chinh, Lê Duẩn v.v..). Trong những tài liệu đó, có những điểm thống nhất, nhưng cũng có những điểm khác nhau (và khác nhau không nhỏ). Chưa nói tới những bài phát biểu miệng có ảnh hưởng lớn (có khi lớn hơn những bài viết và đăng công khai) của nhiều người. Cái khó là ở đó: dựa vào những tài liệu nào để bàn tới những nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam?
Nói lên một vài khó khăn về phương pháp như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta đành bó tay. Điều đó chỉ có nghĩa là cần phải xem xét thận trọng hơn mà thôi. Ở đây, phải chăng nên phân biệt những “phản ứng chính trị” trong những bối cảnh khác nhau với những “quan điểm lý luận” hay có tính chất lý luận. Cái quan trọng nhất đối với chúng ta chính là ở điểm sau mà không phải ở điểm trước, tuy rằng những “phản ứng chính trị” từng lúc ấy cũng nói lên khá rõ những “quan điểm lý luận”.
Xin nói thêm một điểm khác ở mục “vào đề” này: lựa chọn cách tiếp cận vấn đề như thế nào? Thường người ta ít phân biệt rõ mặt chính trị và mặt khoa học khi xem xét vấn đề chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam. Ở đây tôi xin tách hai mặt đó ra để xem xét. Ở đây, vấn đề không phải là dựa vào sự đối nghịch nhau về mặt chính trị, mà là tìm kiếm những sự thật khoa học có thể đạt tới. Những bất đồng về ý kiến đều không thể tránh trong mọi nghiên cứu khoa học là tự nhiên và cũng là cần thiết.
Gác mặt chính trị sang một bên, tôi xin nói tới những cách tiếp cận khoa học đối với vấn đề này.
Trước hết là cách tiếp cận sử học. Đó là cách tiếp cận quen thuộc hơn cả đối với chúng ta. Lý giải các hiện tượng và các quá trình - ở đây là sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam – trong những liên hệ với từng bối cảnh lịch sử là yêu cầu hàng đầu của các tiếp cận sử học.
Một cách tiếp cận khác không thể thiếu được là cách tiếp cận xã hội học. Gần đây, một tác giả người Việt ở Pháp, tiến sĩ Trịnh Văn Thảo, công bố một tác phẩm đáng chú ý: Việt Nam từ Khổng giáo đến chủ nghĩa cộng sản (Vietnam du confucianisme au communisme, L’Harmattan, Paris, 1990, 346 trang). Trong đó ông đã phân tích nhiều vấn đề có liên quan tới nội dung nghiên cứu của chúng ta bằng phương pháp xã hội học, từ đó ông đưa ra những nhận xét khá lý thú [3] . Chúng ta có thể và cần phải áp dụng cả cách tiếp cận này để đi tới những kết luận đầy đủ hơn. Yêu cầu hàng đầu của cách tiếp cận xã hội học là đặt các tác nhân xã hội (agents sociaux) vào những liên hệ chặt chẽ với các nhóm xã hội nhất định và với những biến đổi xã hội cụ thể, tìm ra những lực đẩy xã hội đối với các hành vi của những tác nhân xã hội ấy. Vấn đề này có liên quan với việc xem xét những người du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam cũng như những người là đối tượng của sự du nhập ấy, như những tác nhân xã hội tương ứng. Ở đây lịch sử xã hội và tư tưởng của các cá nhân tham gia quá trình du nhập ấy giữ một vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu.
Một cách tiếp cận nữa không thể thiếu là cách tiếp cận tâm lý học và tâm lý xã hội. Trong thế kỷ XX đầy những biến thiên dồn dập và to lớn của nước ta, nhưng phản ứng tâm lý của cá nhân và cộng đồng rất không đơn giản và không phải bao giờ cũng ăn khớp với các quan hệ xã hội, “chụp ảnh nguyên xi” những biến đổi xã hội đã diễn ra. Những yếu tố xã hội như thành phần xã hội – giai cấp, địa vị xã hội v.v… trong rất nhiều trường hợp, lùi xuống vị trí thứ yếu so với những phản ứng tâm lý. Anh em cùng một bố mẹ có khi đứng hai bên chiến lũy. Sự phân hóa về tâm lý và tư tưởng nhiều khi “lệch pha” với sự phân hóa xã hội. Ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng khác nhau có ý nghĩa quyết định trong những bước ngoặt lịch sử đất nước. Chưa nói tới những yếu tố thuần túy cá nhân, có khi là những yếu tố ngẫu nhiên, cũng đóng vai trò quan trọng. Một ví dụ: vào cuối những năm 20, đầu những năm 30, thành phần xã hội và trình độ học vấn của những người theo Việt Nam Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản không khác gì nhau bao nhiêu. Nói chung đội ngũ “cốt cán” của hai chính đảng này thường bao gồm những người trí thức cỡ trung bình, có xu hướng yêu nước. Nhưng điều đó không ngăn cản những cuộc “đấu tranh tư tưởng" quyết liệt giữa những tổ chức cách mạng đối địch nhau ấy. Ở đây, sự khác nhau nhiều khi chỉ là do người này bắt được ánh sáng này, người kia bắt được ánh sáng khác và cứ thế lao hết mình theo thứ ánh sáng mình bắt được ấy. Những sự vận động về mặt tâm lý xã hội dưới sự tác động của những liên hệ xã hội, ảnh hưởng xã hội, biểu tượng, niềm tin v.v… không diễn ra theo lối đơn tuyến mà diễn ra theo lối đa tuyến. Lý giải mọi hiện tượng bằng lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp chỉ là một mặt cần tính đến nhưng không phải là “vạn năng”. Nhất là khi đi vào tiểu sử của những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới tiến trình vận động xã hội, thì lại càng thấy rõ điều đó.
Với sự vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng bổ sung cho nhau như vừa nói, chúng ta có thể đi tới một bức tranh gần đúng với các quá trình xã hội hiện thực, ở đây là quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin mà chúng ta đang nghiên cứu.
I. Bối cảnh lịch sử và xã hội của sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta
T ừ trước đến nay, thường giới hạn bối cảnh này vào những năm 20. Lý do: khi Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và bắt đầu tiến hành việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam thông qua báo chí và các tổ chức cách mạng được ông thành lập sau đó. Đúng là từ những năm đó, những sự lựa chọn khắc nghiệt được đặt ra trước những người yêu nước và cách mạng Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước. Đi theo trào lưu cách mạng nào: vô sản hay không vô sản, tiến hành đấu tranh cách mạng dưới hình thức nào: bạo lực hay phi bạo lực; chỗ dựa xã hội chủ yếu là ở đâu: các tầng lớp “bên trên” hay các tầng lớp “bên dưới”… một loạt câu hỏi đặt ra rất bức bách đối với tình hình xã hội Việt Nam, theo những thôi thúc mạnh mẽ của những tiến trình cách mạng thế giới hồi đó (nhất là cách mạng Nga và cách mạng Trung Quốc).
Xin lưu ý một điểm: Có thể nói, trong cả thế kỷ này, những vận động của xã hội Việt Nam nói chung và của các trào lưu cách mạng Việt Nam nói riêng đã chịu sự tác động rất lớn của những tiến trình chung diễn ra trên thế giới. Những phong trào cách mạng xung quanh nước ta, đặc biệt của cách mạng Trung Quốc. Tất nhiên sự tác động này thường bị “khúc xạ” qua những tính đặc thù của Việt Nam. Nhưng nhìn chung, những nhịp bước của Cách mạng Việt Nam gần như ăn khớp với những nhịp bước của cách mạng thế giới. Riêng về tác động của cách mạng Trung Quốc, có thể nói trong mấy chục năm đầu thế kỷ này, Việt Nam gần như theo sát từng bước đi của nó: từ phong trào Duy Tân, qua phong trào cách mạng kiểu Tôn Trung Sơn (Quang phục Hội và Quốc dân Đảng), đến phong trào thanh niên, rồi đến phong trào cộng sản. Về sau này, tuy không ăn khớp đến mức đó, nhưng rõ ràng Trung Quốc vẫn tác động rất lớn đến Việt Nam, từ đầu tranh vũ trang đến cải tạo xã hội chủ nghĩa và đến cả “cải cách”, “đổi mới”, hiện nay. Điều đó không có gì khó hiểu: giữa hai nước có nhiều nét giống nhau về xã hội, lịch sử và truyền thống văn hóa-tư tưởng, mà Trung Quốc thường là “người thầy” của Việt Nam về nhiều mặt, không những vì Trung Quốc lớn hơn mà chủ yếu trình độ phát triển xã hội và văn hóa của Trung Quốc thường đi trước ta một bước. Âu cũng là cái “nghiệp” của lịch sử với đủ những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực của nó.
Thật ra, muốn nhìn nhận đúng hơn quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, cần ngược lên lịch sử đất nước một chút nữa, từ cuối thế kỷ XIX và nhất là từ những năm đầu của thế kỷ XX. Tôi không có một phát hiện gì mới khi nói rằng: hệ vấn đề đặt ra trước sự phát triển của đất nước đầu thế kỷ và cuối thế kỷ hầu như giống nhau. Những mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, xã hội “văn minh” đâu phải là chuyện mới mẻ! (Đúng là ngày nay chúng ta có thêm từ “công bằng”, nhưng hệ vấn đề về cơ bản vẫn là thế). Bài toán hiểm hóc nhất của tất cả các nước lạc hậu (và do lạc hậu mà rơi vào ách thống trị của các cường quốc phương Tây) là bài toán vượt tới trình độ văn minh của các nước tiên tiến hồi đó, để vừa thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài, vừa khắc phục tình trạng lạc hậu của đất nước. Và xét đến cùng, giành được độc lập chỉ là tiền đề bắt buộc để đạt tới một xã hội văn minh và chỉ khi đạt tới đó thì độc lập dân tộc mới thật sự có ý nghĩa. Hơn lúc nào hết, hiện nay vấn đề này lại được đặt ra trong tính toàn bộ, tính tổng thể của nó. Và không có gì lạ khi ở cuối thế kỷ này, khi chúng ta đã giành được độc lập trọn vẹn, chúng ta cũng lại đứng trước hệ vấn đề “dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh” được đặt ra vào đầu thế kỷ này.
Tất nhiên, những nội dung và điều kiện của nó đã hoàn toàn khác trước. Ngày nay chúng ta đã có tiền đề độc lập dân tộc và đang nói tới “văn minh” trong bối cảnh một nền văn minh khác, nhưng hệ vấn đề “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh” là sự phục hồi và sự tiếp tục của hệ vấn đề đã đặt ra đầu thế kỷ, từ thời Duy Tân. Một sự trùng lập đáng ngạc nhiên: Ngày nay từ “đổi mới” được dùng như tên gọi một sự nghiệp lịch sử của toàn thể dân tộc nhằm “hiện đại hóa” đất nước cũng là từ “Duy Tân” ở đầu thế kỷ, chỉ khác nhau ở một từ là thuần Việt còn từ kia là Hán Việt. Sự xâm lược và thống trị của chủ nghĩa thực dân là một hoàn cảnh đặc biệt để các nhà nho Duy Tân đầu thế kỷ suy nghĩ về vận mệnh đất nước theo hướng giải phóng dân tộc và hiện đại hóa đất nước. Xét theo một ý nghĩa nào đó, chính chủ nghĩa thực dân đóng vai trò “kích thích” (theo lối phản diện) để giới sĩ phu Duy Tân đặt ra những vấn đề vừa cấp bách vừa căn bản của đất nước trong cả thế kỷ XX (một lần nữa, không thể không nhắc tới tác động của những tư tưởng Duy Tân ở Trung Quốc đối với sĩ phu nước ta, qua các Tân thư được đọc khá rộng rãi vào đầu thế kỷ). Không nên đánh giá thấp sự tiếp nhận của giới sĩ phu Duy Tân đối với các trào lưu tư tưởng phương Tây hồi đó. Họ đã đọc khá nhiều tác giả lớn (nhất là J-J .Rouseau, Montesquieu, Spencer…) qua chữ Hán và đọc khá sâu. Ngày nay, nhiều người trí thức thậm chí không hề làm quen với những tác giả này, trong khi các sĩ phu thời trước rất “thuộc” họ. Một ngộ nhận lớn của chúng ta là tưởng rằng những tác giả ấy đã “lỗi thời”, chỉ cần đọc những tác giả Mác-Lênin là đủ để nắm được những trí thức cao nhất của loài người. Và thế là ngoài sách Mác-Lênin ra, người ta chẳng cần biết tới những tư tưởng “thấp kém” và “sai lầm” khác.
Đọc một tài liệu của Đông Kinh Nghĩa Thục như Văn minh tân học sách chưa xác định được ai là tác giả), tôi kính phục vô vàn tầm suy nghĩ của các sĩ phu Duy Tân. Các cụ phân tích rất hay tình trạng lạc hậu của ta về kinh tế, về “tính tình” (tâm lý xã hội), về phong tục… Nêu lên cũng rất hay bốn nguyên nhân suy đồi của Á Đông: Nội hạ ngoại di (coi mình là hơn người), trọng vương khinh bá (trọng đạo lý, khinh kỹ thuật và phương pháp), xưa đúng nay sai (người xưa luôn luôn đúng) và cuối cùng, trọng quan khinh dân. Và vạch rõ “sáu đường mở mang dân trí”: dùng chữ Quốc ngữ, đổi lại sách dạy học, cải cách chế độ trường học, khuyến khích nhân tài mới, phục hưng công nghiệp và thương mại, phát triển báo chí. Và để thực hiện những điều đó, các cụ kêu gọi “kết nghĩa đồng bào”, nêu cao truyền thống yêu nước của “dòng dõi Lạc Long”, của “con nhà Nam Việt”… Dù khác nhau về phương pháp, độc lập dân tộc vẫn là mục tiêu của tất cả các xu hướng (tự lập hay trông chờ ngoại viện, quân chủ hay cộng hòa, bạo lực hay không bạo lực, theo cách phân chia của Trịnh Văn Thảo).
Rõ ràng phong trào Duy Tân với hai nội dung cơ bản (yêu nước và canh tân xã hội để có độc lập dân tộc và xã hội văn minh) là di sản do các vị tiền bối ở đầu thế kỷ XX để lại cho những kẻ hậu sinh trong thế kỷ này, cho chúng ta hôm nay.
Có người đánh giá phong trào Duy Tân đầu thế kỷ như là “hệ tư tưởng tư sản”, nghĩa là như một thứ gì có thể vứt bỏ, không mảy may thương xót để theo “hệ tư tưởng vô sản” cao hơn, đúng hơn. Bằng con mắt hôm nay để nhìn lại, tôi thấy không phải như thế. Bởi vì, như trên đã nói, hệ vấn đề đặt ra thời ấy và hệ vấn đề đặt ra hôm nay đối với vận mệnh của đất nước về cơ bản giống nhau. Và khi đặt ra hệ vấn đề mới ấy, các sĩ phu Duy Tân đầu thế kỷ đã phải dứt bỏ một cách đau đớn với hệ tư tưởng cũ là Nho giáo, mà các cụ coi là những nguyên nhân đưa tới sự lạc hậu của đất nước. Ở đây, ngoài tầm trí tuệ “nhìn xa thấy rộng” ra, phải thấy đó là một sự dũng cảm lớn của các cụ. Các cụ là những nhân cách lớn, dám đoạn tuyệt với những lề thói suy nghĩ và hành động lỗi thời. Sự dũng cảm lớn nhất của mỗi con người chính là ở chỗ dám đoạn tuyệt với những nhận thức, những đạo lý lỗi thời mà bản thân mình từng coi là “khuôn vàng thước ngọc” không thể thay đổi được. “Hủ nho” là đối tượng phê phán của các cụ, và sự phê phán ấy bao hàm cả tự phê phán. Tinh thần của các cụ được thể hiện bằng một câu trong Văn minh Tân học sách: “Dây đàn cầm không hài hòa thì tháo ra mà sửa lại, nhà ở đã cũ hàng ngàn năm thì phải dở đi mà làm lại”. Phải chăng đó là cái tinh thần hiện nay chúng ta đang cần có?
Phong trào Duy Tân bị thực dân Pháp khủng bố nặng nề. Hầu hết các sĩ phu Duy Tân đều bị bỏ tù không thương xót (có lẽ đó là lớp tù chính trị đầu tiên bị đày ra Côn Đảo mà Huỳnh Thúc Kháng mô tả trong Thi tù tùng thoại). Một số người còn bị thực dân Pháp chém đầu. Thất bại của họ là thật dễ hiểu, nhưng họ đã làm được một sứ mệnh rất lớn trong đời sống tư tưởng với hệ vấn đề mà bây giờ chúng ta có thể gọi là vấn đề “hiện đại hóa” do họ đặt ra. Có ý thức hay không có ý thức, tất cả các trào lưu yêu nước và cách mạng sau này đều tiếp nhận những tư tưởng lớn ấy của họ. Không phải trong những tư tưởng của họ không có những chỗ yếu, những hạn chế. Điều đó đã được nói tới nhiều, nhưng cái lớn lao của họ dường như đã không được đánh giá đúng, có khi bị phủ định quá dễ dàng (chẳng hạn chỉ cần ghép những tư tưởng Duy Tân vào “hệ tư tưởng tư sản” là đủ để xóa bỏ đi một cách nhẹ nhàng).
Tôi xin nói thật rằng: nếu ngày nay, giới trí thức chúng ta (lớp “kẻ sĩ” hiện đại) có được tầm trí tuệ và khí phách ngang với những sĩ phu Duy Tân, thì đã là điều đáng mừng lắm rồi. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, vào những năm đầu thế kỷ chưa thật chín muồi để cho những tư tưởng Duy Tân trở thành xu hướng chủ đạo của toàn xã hội. Thêm vào đó, những biến đổi xã hội và lịch sử sau đó lại đặt ra những vấn đề mới mà lớp trí thức “tân học” phải đương đầu.
Có hai điểm cần nhấn mạnh:
Thứ nhất, sự thống trị thực dân, trong khi đè nặng lên thân phận của mọi người Việt Nam, đã bước sang thời kỳ “khai thác thuộc địa” tương đối ổn định hơn (đặc biệt là sau khi đàn áp xong những cuộc khởi nghĩa vũ trang của Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn… và sau chiến tranh thế giới thứ nhất). Chính trong thời kỳ này, dưới tác động của những chính sách “khai thác thuộc địa” ấy, xã hội Việt Nam có những thay đổi quan trọng. Lâu nay, chúng ta quen nhìn chủ nghĩa thực dân ở một phía (bóc lột, đàn áp…) còn phía thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội thì chưa được đánh giá đúng. Ở đây, xin nhắc lại cách nhìn của Mác khi ông phân tích về sự thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ. Theo ông: “nước Anh có hai sứ mệnh phải thực hiện ở Ấn Độ: Một sứ mệnh có tính chất phá hoại, Một sứ mệnh phục hưng: thủ tiêu xã hội (châu Á cổ xưa và đặt những nền móng vật chất của xã hội phương Tây ở Châu Á…”. Nói cách khác, bên cạnh tính chất man rợ, hung hăn và lòng tham vô độ của chủ nghĩa thực dân đối với dân bản xứ, Mác cũng nói tới tác dụng khách quan (ngoài ý muốn của chủ nghĩa thực dân) trong việc đưa các nước thuộc địa vào những quá trình thay đổi mạnh mẽ về lực lượng sản xuất và về quan hệ sản xuất theo hướng Âu hóa. Điều Mác nói về thực dân Anh ở Ấn Độ về cơ bản cũng thích hợp với thực dân Pháp ở Việt Nam.
Trong mấy chục năm đầu thế kỷ, rõ ràng xã hội Việt Nam đã trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, quan hệ hàng hóa-tiền tệ và cơ cấu hạ tầng (đường bộ, đường sắt, các đô thị mới…) phát triển đến một trình độ cao hơn nhiều so với trước đó. Về cơ cấu xã hội, đã hình thành ra những tầng lớp xã hội mới (nếu chưa nói hẳn là những giai cấp mới): tư sản, vô sản (viên chức, những người làm các nghề độc lập…). Về văn hóa, chữ quốc ngữ được dùng một cách chính thức trong các trường học (bên cạnh tiếng Pháp), các báo tiếng Việt được xuất bản, những thể loại văn học và nghệ thuật mới hình thành, hệ thống trường học từ tiểu học đến trung học và đại học (tuy có những hạn chế lớn) được mở rộng… Tất cả những điều đó đã làm cho bộ mặt xã hội Việt Nam khác hẳn xa với “xã hội truyền thông”. Dù tình trạng lạc hậu vẫn được duy trì trên nhiều vùng của đất nước – nhất là ở các vùng nông thôn rộng lớn – thì trên cơ thể xã hội Việt Nam đã ló dạng một số yếu tố đáng kể của “xã hội hiện đại”. Nếu như tầng lớp tư sản chỉ mới manh nha, nhưng chưa đủ sức trở thành một lực lượng xã hội lớn mạnh (như trong trường hợp Ấn Độ chẳng hạn), và nếu như tầng lớp vô sản cũng còn ít ỏi (chủ yếu là các phu đồn điền, phu mỏ, còn vô sản công nghiệp chưa được bao nhiêu), thì tầng lớp trí thức có thể nói là đã hình thành khá rõ và bắt đầu chiếm những vị trí xã hội quan trọng. Người ta gọi đó là tầng lớp trí thức “Tân học”, phần lớn từ các trường học - công và tư – thuộc hệ thống giảng dạy theo chương trình giáo dục của thực dân Pháp mà ra. Mục tiêu của hệ thống giáo dục này là truyền bá sự “khai hóa” của người Pháp ở thuộc địa và đào tạo những nhân viên chức mẫn cán cho bộ máy cai trị thuộc địa, nhưng về khách quan, hệ thống này đã đem lại một số “tri thức” cần thiết cho một tầng lớp người ngày càng đông đảo và do đó, tạo ra một giới trí thức mới. Trong giới trí thức này, có đủ các “bậc” (đại học, trung học và tiểu học). Xin nhắc lại rằng khái niệm trí thức cũng rất tương đối. Ở vùng quê tôi, đỗ tiểu học, có bằng primaire, đã được người ta gọi bằng “thầy” rồi, có bằng diplôme thì oai hơn, có bằng baccalauréat càng oai hơn nữa, và có bằng cử nhân thì đã là “của hiếm”. Giới trí thức này làm nhiều nghề khác nhau: viên chức, giáo viên, làm báo, viết sách… và về đại thể chia làm hai bộ phận: viên chức Nhà nước và người làm nghề tự do. Mức sống của giới trí thức cũng rất khác nhau. Và tất nhiên, do những vị trí xã hội khác nhau, trong giới trí thức cũng có nhiều xu hướng tư tưởng khác nhau. Nhưng nói chung, trừ một số trường hợp nào đó, lòng yêu nước và lòng mong muốn canh tân xã hội vẫn tồn tại (sâu sắc hay bàng bạc) trong giới trí thức Việt Nam. Chính cái “mẫu số chung” ấy cắt nghĩa tại sao tuyệt đại đa số giới trí thức nước ta đã hưởng ứng mạnh mẽ và tích cực cuộc cách mạng tháng tám sau này. Nhìn lại các cuộc vận động yêu nước trong hơn 20 năm (từ đầu những năm 20 đến giữa những năm 40) ta thấy rõ giới trí thức Việt Nam nói chung (kể cả học sinh và sinh viên như “dự trữ” của nó) đã đóng vai trò chủ đạo (có người nói tới vai trò “động lực” của tầng lớp tiểu tư sản trong các phong trào yêu nước và cách mạng, xin nêu ra đây để chúng ta cùng suy nghĩ). Có thể nói không chút quá đáng rằng lực lượng chính trị yêu nước và cách mạng nào thu hút được đại đa số giới trí thức Việt Nam, lực lượng đó giành được ưu thế rõ rệt.
Thứ hai, những biến đổi trên trường quốc tế cũng tác động hết sức mạnh mẽ tới những biến đổi tư tưởng và xã hội ở Việt Nam. Cho đến đầu những năm 20, trên thực tế chưa có sự phân hóa tư tưởng theo “giai cấp”, hay nói đúng hơn, theo “hệ tư tưởng giai cấp”. Sự phân hóa chủ yếu hồi đó là ở phương thức giành độc lập dân tộc và thay đổi xã hội: như thường nói, giữa bạo lực và phi bạo lực, hay giữa “cách mạng” và “cải lương". Với những biến đổi của tình hình thế giới trong và sau chiến tranh thế giới thứ nhất, những người yêu nước và tiến bộ ở Việt Nam đứng trước một sự lựa chọn mới. Cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga (1917) làm phân chia thế giới thành hai phía với những giá trị giai cấp (tư sản và vô sản) được đặt thành nền tảng. Các cuộc đấu tranh xã hội - và của dân tộc nữa - từ nay xoay quanh cái trục “giai cấp” này. Yêu nước ư? Đúng, nhưng chưa đủ: Yêu nước theo lập trường giai cấp nào (về chính trị, vấn đề giai cấp nào lãnh đạo phong trào yêu nước được đặt ra). Tiến bộ xã hội ư? Đúng, nhưng chưa đủ: tiến bộ xã hội mang lại lợi ích trước hết cho giai cấp nào (thậm chí từ những “tiến bộ xã hội” mất đi, nhường chỗ cho những từ ngữ “cách mạng xã hội”). Những khái niệm “giai cấp”, “đấu tranh giai cấp” (giữa tư sản và vô sản) vốn được đẻ ra trong các xã hộp phương Tây (nhất là từ giữa thế kỷ XIX trở đi), thì ngày nay cũng được du nhập vào các nước lạc hậu ở phương Đông như những khái niệm cơ bản. Hệ vấn đề của đất nước và xã hội bỗng nhiên thay đổi đến mức hệ vấn đề đặt ra đầu thế kỷ bị đẩy lùi xuống bên dưới. Những từ ngữ như “dân giàu nước mạnh”, “văn minh”… rơi vào quá khứ để không bao giờ được nhắc lại trong sáu, bảy chục năm sau đó, mãi đến đầu những năm 90 mới trở lại.
Thật ra, Cách mạng tháng mười Nga lúc đầu không ảnh hưởng trực tiếp tới những biến đổi tư tưởng và xã hội ở nước ta. Trừ một vài tờ báo có nói tới những sự kiện xảy ra ở nước Nga hồi đó (như tờ Nam Phong chẳng hạn), nói chung dân Việt Nam ít biết tới nó. Dần dần, thông qua những biến đổi tư tưởng và chính trị ở Trung Quốc và ở Pháp, những tư tưởng của Cách mạng Nga mới bắt đầu “gây men” trong một bộ phận yêu nước và cách mạng trẻ tuổi, có học và có xu hướng cấp tiến. Trong những năm 20, ảnh hưởng của Ngũ tứ vận động, của phong trào vô sản và cộng sản, nhất là của sự hợp tác Quốc-Cộng trong thời kỳ Bắc phạt do Tôn Trung Sơn lãnh đạo chống lại bọn quân phiệt thân đế quốc ở phía bắc Trung Quốc, và cuối cùng là ảnh hưởng của sự chia rẽ Quốc-Cộng, kết thúc bằng chính biến phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch và thất bại của Quảng Châu Công xã. Tất cả những biến động này tác động trực tiếp không những tới những người yêu nước và cách mạng Việt Nam lúc đó còn lưu trú ở Trung Quốc, mà còn gây ra những phản ứng trái ngược nhau trong giới trí thức trong nước.
Đồng thời, với những ảnh hưởng của tình hình Trung Quốc, những sự phân hóa chính trị mới – đặc biệt là sự phân hóa của Đảng Xã hội Pháp thành hai đảng: Đảng Xã hội theo Quốc tế II và Đảng Cộng sản theo Quốc tế III – cũng tác động trực tiếp tới những người Việt Nam yêu nước và tiến bộ đang ở Pháp, cũng như tới bộ phận trí thức cấp tiến trong nước.
Từ giữa những năm 20, với việc Nguyễn Ái Quốc đến Moskva và mở đầu sự cộng tác chặt chẽ với Quốc tế III, ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết trở nên ngày càng trực tiếp hơn và mạnh mẽ hơn. Nguyễn Ái Quốc là sự kết tinh của ba nguồn ảnh hưởng ấy, và điều đó đã gây những dấu ấn không phai nhạt tới cái mà một số nhà nghiên cứu nước ngoài gọi là “chủ nghĩa cộng sản Việt Nam”, nhưng đó là điều chúng ta xem xét ở phần sau.
Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng: sự phân chia các trào lưu tư tưởng và chính trị theo quan điểm giai cấp (tư sản và vô sản) trên thế giới là nhân tố quan trọng nhất gây ra sự phân hóa trong giới trí thức Việt Nam (ở trong nước cũng như ngoài nước trong những năm 20). Và đây là một sự phân hóa vô cùng phức tạp. Không nói tới những người chủ trương dựa vào chính quyền thực dân để tiến thân về địa vị xã hội và chính trị, ngay cả trong những người yêu nước, chống thực dân và mưu cầu tiến bộ xã hội (theo những quan điểm khác nhau), sự phân hóa cũng diễn ra thật quyết liệt. Một số người tuy vẫn giữ tinh thần yêu nước, với những thái độ khi “cương" khi “nhu” khác nhau, nhưng dứt khoát chống lại chủ nghĩa cộng sản (như Huỳnh Thúc Kháng). Một số thanh niên yêu nước cấp tiến ngả sang sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản ở những mức độ khác nhau, đồng thời, vẫn truyền bá những tư tưởng của cách mạng Pháp 1789 (tiêu biểu là Nguyễn An Ninh). Một số khác lựa chọn con đường trung gian không chống cộng cũng không theo cộng sản, đặt cách mạng quốc gia lên trên “cách mạng thế giới” (tức cách mạng giai cấp) và phỏng theo Quốc dân Đảng Trung Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng). Số còn lại từng bước hướng vào chủ nghĩa cộng sản (tiêu biểu là Hồ Tùng Mậu, lúc đầu tham gia Tâm Tâm xã, sau đó tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, rồi trở thành một trong những đảng viên đảng cộng sản đầu tiên). Có người lựa chọn Việt Nam Quốc dân Đảng, sau đó chuyển sang Đảng Cộng sản (như Trần Hữu Độ, Trần Huy Liệu). Một điểm cần nhấn mạnh: tất cả những người lựa chọn chủ nghĩa cộng sản đều nung nấu tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Việc lựa chọn chủ nghĩa này trong phần lớn các trường hợp là do nhìn thấy nó đem lại những sức mạnh mới (trong nước và trên thế giới) có thể giúp giải phóng dân tộc một cách có hiệu quả hơn. Nói cách mạng vô sản nhưng chủ nghĩa yêu nước vẫn là một nền tảng tư tưởng của tất cả những người cộng sản.
Như vậy, vào những năm 20, chủ nghĩa cộng sản (mà lúc đầu là chủ nghĩa Lênin và sau đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, tuy rằng giữa hai khái niệm đó có khác nhau như đã nói đoạn đầu) được gieo trên một mảnh đất khá thuận lợi của những phong trào yêu nước và cách mạng trong nước. Không phải tất cả những người yêu nước và cách mạng đều theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng rõ ràng nó đã chiếm được trí tuệ và trái tim của một bộ phận đáng kể trong số đó để dần dần trở thành một lực lượng chính trị chủ đạo. Về sau này, bối cảnh lịch sử và xã hội có những thay đổi khác nữa làm cho sự du nhập và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin có những điều chỉnh và phát triển mới (đặc biệt trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai), nhưng về cơ bản, dấu ấn của bối cảnh những năm 20 vẫn rất đậm nét trong lịch sử “chủ nghĩa cộng sản Việt Nam”.
II. Ai du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam? Thoạt nhìn, vấn đề này có vẻ đơn giản, và người thường trả lời thật đơn giản: người đầu tiên du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc. Tất nhiên câu trả lời ấy là có căn cứ, nhưng chưa đủ, vì trên thực tế không đơn giản như vậy. Đúng là Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam (không có ai trở thành đảng viên Đảng Cộng sản từ 1920 như Nguyễn Ái Quốc cả, nếu tính tuổi đảng thì Nguyễn Ái Quốc hơn tuổi đảng của lớp cộng sản đầu tiên khoảng trên dưới 10 năm), và cũng đúng là Nguyễn Ái Quốc là người viết về chủ nghĩa cộng sản sớm nhất trên sách báo cách mạng Việt Nam (lúc đầu là trên Le Paria, trong cuốn Le procès de la colonisation francaise, sau đó là trên tờ Thanh niên và trong cuốn Đường Cách Mệnh). Nhưng không phải chỉ có Nguyễn Ái Quốc làm công việc giới thiệu chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam trong những năm 20. Xin nêu lên vài tên tuổi đã đóng góp vào công việc này: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Đào Duy Anh… Chúng ta biết Phan văn Trường là người từng cộng tác với Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh để khởi thảo ra Bản yêu sách Tám điều do Nguyễn Ái Quốc mang tới Hội nghị Versailles năm 1919. Sau này (1926), ông cùng với Nguyễn Thế Truyền lập ra tờ Việt Nam hồn và giới thiệu chủ nghĩa cộng sản trên tờ báo này. Trên La Cloche Fêlée (1923), từ cuối năm 1925, Nguyễn An Ninh đã cho đăng khá đều đặn những bài của một số lãnh tụ Quốc tế cộng sản hồi đó (Zinoviev, Bukharin, Karl Radek, Gabriel Péri) và đầu năm 1926 cho đăng Tuyên ngôn đảng cộng sản trong tám kỳ báo liền. Đào Duy Anh với Quan Hải tùng thư (nửa sau những năm 20) đã phổ biến một cách khôn khéo chủ nghĩa Mác. Còn có thể dẫn ra những tên tuổi khác. Đối với những người đã được biết và chưa được biết này, chúng ta còn quá ít chú trọng giới thiệu, đó là một bất công lịch sử không nên để kéo dài.
Cũng xin nói rằng những con đường du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin một cách công khai (và có khi hợp pháp), như vậy, tuy có ảnh hưởng đến một phần trí thức nhất định (những người này vừa có trình độ học vấn khá, vừa có “nguồn” tài liệu thuận lợi), nhưng những con đường không hợp pháp, bí mật, vẫn giữ vai trò chính. Những người cách mạng “xuất dương" (chủ yếu là sang Trung Quốc và Pháp) đón nhận chủ nghĩa cộng sản bằng nhiều cách, kể cả dự các lớp huấn luyện rồi đưa vào trong nước. Ở trong nước, các tổ chức cách mạng có xu hướng cộng sản cũng thông qua những “đầu vào” và “đầu ra” của mình để làm công việc này. Đặc biệt, trong những thời kỳ khủng bố mạnh mẽ của thực dân Pháp, như đầu những năm 30 và trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà tù trở thành “trường học chủ nghĩa cộng sản” rất có hiệu quả. Nhiều người cộng sản khi bị tù mới làm quen với lý luận Mác-Lênin một cách kỹ lưỡng hơn. Họ kiếm được những sách báo cộng sản qua con đường bí mật, rồi người hiểu trước giảng lại cho người chưa hiểu. Qua phương tiện truyền miệng ấy, nhiều người “nhập tâm” những gì nghe được và hiểu được để biến thành “vốn liếng lý luận” của mình. (Tôi nhớ sau Cách mạng tháng Tám, khi được dự một lớp huấn luyện chính trị do Xứ ủy Trung bộ mở (tháng 11/1945), những anh em tham gia cách mạng còn “non choẹt” lớp chúng tôi đã say sưa nghe anh Trần Tống giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong tay chẳng có tài liệu gì, cứ trình bày bằng trí nhớ những gì thu nhận được trong tù gần như thuộc lòng. Về sau đối chiếu lại, thấy những bài giảng này rất khớp với cuốn Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin do Stalin viết năm 1924).
Sau Cách mạng tháng Tám, sự du nhập của chủ nghĩa Mác-Lênin còn qua những con đường khác nữa, “chính quy” hơn: các trường Đảng được mở, một số đảng viên được đi học lý luận ở các trường đảng Trung Quốc và Liên Xô. Nhiều sách báo được dịch ra từ tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Hán và được xuất bản với những số lượng lớn, và cả một số nhà lý luận của Liên Xô, Trung Quốc được mời vào giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin ở các trường, lớp trong nước (chủ yếu là trường Nguyễn Ái Quốc). Hàng năm, hàng nghìn đảng viên được đào tạo về lý luận qua những con đường “chính thống” này. Nhưng ở đây, xin tập trung nói về sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin từ đầu những năm 20 cho tới Cách mạng tháng Tám là chính.
Qua bức tranh hết sức sơ lược nói trên, có thể phân tích số người tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong những thời kỳ đầu như sau:
Nói chung, đó là những người thuộc “tân học” với những trình độ khác nhau, đại đa số là những người có trình độ tiểu học và trung học. Trong giới “cựu học”, rất hiếm người theo chủ nghĩa cộng sản (kể cả những sĩ phu thời Duy Tân còn lại). Điều đó thật dễ hiểu: chủ nghĩa cộng sản vốn là sản phẩm của văn hóa phương Tây, sử dụng những khái niệm phương Tây, nên những người “tân học” dễ tiếp nhận hơn.
Trừ một số rất ít người tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa cộng sản bằng cách công khai, tuyệt đại đa số làm công việc này bằng những con đường bí mật, bất hợp pháp.
Do những nguồn thu nhập bị hạn chế rất lớn, nên số người hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có hệ thống, “tận gốc” chỉ là một thiểu số nhỏ. Đại đa số chỉ tiếp nhận nó bằng cách gián tiếp, rất giản lược.
Nhưng trong những điều kiện ngặt nghèo thời thuộc địa, chừng đó cũng đủ để cho những người cộng sản có được một “hành trang lý luận” tối thiểu để có thể hoạt động được cũng như để có thể “chọi” với những xu hướng tư tưởng khác. Ở đây có một điểm cần nói rõ: không phải đa số những người trí thức “tân học” theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tuy lòng yêu nước và ý thức cải cách xã hội (cái thường gọi là “Âu hóa”) của họ vẫn còn khá sâu đậm. Họ từ bỏ di sản nho giáo để chuyển sang tiếp nhận văn hóa phương Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp, nhưng không sẵn sàng tiếp nhận chủ nghĩa cộng sản. Dưới mắt họ, chủ nghĩa cộng sản vừa “quá khích” (chủ trương đấu tranh giai cấp theo lập trường giai cấp vô sản), vừa “nguy hiểm” (những người cộng sản chủ trương lật đổ ách thực dân bằng con đường bạo lực). Họ muốn thể hiện lòng yêu nước và sự mong muốn cải cách xã hội một cách ôn hòa hơn, “an toàn” hơn. Lưỡi máy chém và nhà tù thực dân Pháp, cũng như vị trí xã hội của họ, đưa họ tới một sự lựa chọn khác: chủ yếu bằng con đường hoạt động văn hóa và hợp pháp. Chỉ đến thời kỳ cách mạng tháng Tám, một bộ phận trong số họ mới ngả theo con đường cách mạng, đi theo Việt Minh. Và sau đó, trong những điều kiện lịch sử thật đặc biệt, khi yêu cầu giải phóng dân tộc trở nên bức thiết và cũng là khi có những hoàn cảnh thuận lợi hơn (như Hồ Chí Minh nói trong Tuyên ngôn độc lập: “Pháp chạy Nhật hàng”), thì đại đa số giới trí thức ủng hộ cách mạng (lúc này, chính những người cộng sản cũng đặt vấn đề giải phóng lên hàng đầu). Ngày nay nhìn lại, có thể đánh giá một cách bình tĩnh hơn những gì mà giới trí thức “ôn hòa” đã làm cho văn hóa Việt Nam trong những thời kỳ những năm 20-30 là rất quan trọng, nhưng đây là một chủ đề khác.
Một câu hỏi thường được đặt ra trong giới nghiên cứu gần đây: sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam phải chăng là một “tất yếu lịch sử”. Theo tôi có thể nói như vậy, nhưng không nên hiểu “tất yếu lịch sử” như một cái gì có tính định mệnh, mà nên hiểu đó như là kết quả của những quá trình lịch sử nhất định trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Không riêng gì ở Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời kỳ này cũng được du nhập ở nhiều nước khác Trung quốc, Ấn Độ, Indonesia… (chỉ nói tới những nước xung quanh ta). Như đã nói, hệ vấn đề “giải phóng dân tộc” và “hiện đại hóa” xã hội đã thay đổi căn bản vào thời kỳ này, đã biến thành hệ vấn đề “cách mạng xã hội” theo hướng đấu tranh giai cấp. Và ở đây, chính bộ phận cấp tiến trong những người yêu nước và cách mạng ở nước ta cũng đã tỏ ra “thức thời” để khỏi bị “lạc hậu” so với sự phát triển của các cuộc đấu tranh cách mạng trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, sự đàn áp và khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp không để cho người yêu nước cấp tiến có một khả năng hoạt động nào khác ngoài con đường làm cách mạng đến cùng [4] ; chủ nghĩa Mác-Lênin với tính chất cách mạng triệt để của nó (chưa nói tới chuyện đúng sai) rõ ràng đã đáp ứng đầy đủ nhất với con đường cách mạng này (riêng đầu đề Đường cách mệnh do Nguyễn Ái Quốc đặt ra cho cuốn sách huấn luyện của mình đã nói rất rõ điều đó).
Sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam dù có được coi là một “tất yếu lịch sử” đi nữa, cũng không thể coi thắng lợi của cách mạng Việt Nam như là thắng lợi “tất yếu” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thắng lợi ấy, nói đúng hơn, là kết quả một sự điều chỉnh chủ nghĩa Mác-Lênin đến mức G. Boudarel, một nhà nghiên cứu Pháp rất quen thuộc Việt Nam, coi như một sự “tà đạo”. Nhưng đó cũng là chuyện sẽ bàn tới sau.
Cuối cùng, qua bức tranh còn rất sơ lược về những người du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin trước đây, có thể nổi lên một điểm hết sức quan trọng nữa: đó là tính không thuần nhất về xã hội và tư tưởng của họ. Mỗi người mang vào đó những dấu ấn riêng của mình, tùy ảnh hưởng mình tiếp nhận và tùy “tư thế” xã hội và tư tưởng của mình. Hơn nữa, tùy theo nguồn gốc của sự du nhập (Liên Xô, Pháp, hay Trung Quốc từ bên ngoài, và các “lò” huấn luyện bên trong khác nhau – tức các nhà tù khác nhau (Côn đảo Sơn La, Ban Mê Thuột, Lao Bảo…) sự tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin cũng mang những nội dung khác nhau. Giữa những người cộng sản, ngay từ buổi đầu cho tới cả hôm nay, cách hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin không phải khi nào cũng giống nhau. Đã có những cuộc đấu tranh khá gay gắt giữa những người cộng sản về cách hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin trong từng giai đoạn cách mạng. Những cuộc đấu tranh này được giải quyết nhờ ở hai yếu tố: Thứ nhất, tổ chức và kỷ luật chặt chẽ của Đảng cộng sản, theo nguyên tắc tập trung cao độ do hoàn cảnh hoạt động vô cùng khó khăn trước cách mạng và cũng do chính nguyên lý xây dựng đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thứ hai, đây là yếu tố quan trọng nhất, uy tín của Nguyễn Ái Quốc trong những người cộng sản Việt Nam, một uy tín gần như tuyệt đối đối với đại đa số đảng viên. Cách hiểu uyển chuyển và riêng biệt của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như về tiến trình cách mạng Việt Nam có sức thuyết phục lớn trong những người cộng sản Việt Nam, nhất là vào những bước ngoặt hết sức phức tạp của cách mạng Việt Nam.
III. Du nhập những gì? Quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam không đơn giản như có người tưởng. Bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin trải qua những cách lý giải khác nhau, với những điểm nhấn mạnh từng lúc khác nhau. Nó không phải là một hệ thống lý luận thuần túy, mà gắn chặt với những chủ trương chính trị từng lúc, và mỗi lần đường lối chính trị thay đổi là một lần có sự lý giải khác đi về mặt lý luận. Điều đó nhiều khi đặt người cộng sản vào những hoàn cảnh thật khó xử. Những nội dung của nó cũng được bổ sung dần dần, từ chỗ sơ lược đến chỗ ít sơ lược hơn, từ những dự báo ban đầu đến những kết luận. Trong một thời gian dài, từ những năm 30, tức là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, trung tâm lý giải và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin là Moskva. Tuy không hình thành một “giáo hội”, nhưng trên thực tế chúng ta cũng thấy một cái gì tương tự. Stalin, với những tác phẩm và những bài phát biểu của ông, đóng vai trò “giáo chủ”. Mọi ý kiến của Stalin được coi như những “chân lý cuối cùng”, những chuẩn mực để phân biệt đúng sai trong phong trào cộng sản quốc tế. Không những các vấn đề chung của thế giới, mà cả nhiều vấn đề trong từng nước có đảng cộng sản hoạt động, những ý kiến của Stalin thường được viện dẫn ra làm căn cứ, làm phương pháp. Tôi nhớ đầu năm 1950, khi học trường Nguyễn Ái Quốc, có một vài đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng đến giảng và đưa ra một vài nhận xét về những sai lầm về đường lối của Trung ương Đảng lúc đó (như về chủ trương “chuyển sang tổng phản công”, về vấn đề ruộng đất…). Mặc dầu Tổng Bí thư hồi đó (Trường Chinh) đã giải thích lại và bác bỏ những ý kiến phê phán này, nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Một buổi tối tháng Năm, Cụ Hồ đến. Cụ rất nghiêm như ít khi thấy. Cụ nói thẳng vào những ý kiến phê phán Trung ương của một số cán bộ và nói: “Bác vừa đi Liên Xô về. Bác đã gặp đồng chí Stalin, đã trình bày đường lối của đảng ta với đồng chí Stalin. Nghe xong, đồng chí Stalin nhận xét: đường lối của Đảng các đồng chí là đúng. Mà đồng chí Stalin đã nói đúng là đúng, vì đồng chí Maurice Thorez nói, đồng chí Stalin là người không bao giờ sai cả”. Cả lớp im lặng và cảm thấy được thuyết phục hoàn toàn. Ví dụ nhỏ vừa nói cho thấy uy quyền của Stalin về mặt tư tưởng và lý luận đến mức nào. Không chỉ ở nước ta, ở một số nước khác cũng vậy. Chẳng hạn năm 1948, G. Dimitrov, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bulgari (trước đó là Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản), đã đưa ra luận điểm về con đường dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội khác với con đường xô viết, đó không phải là con đường chuyên chính vô sản. Stalin bác bỏ ngay luận điểm này và khẳng định: xô viết và dân chủ nhân dân chỉ là hai hình thức khác nhau của cùng một con đường chuyên chính vô sản, thực chất của dân chủ nhân dân cũng là chuyên chính vô sản. Dimitrov phải rút bỏ ý kiến của mình ngay. Có thể kể ra rất nhiều những ví dụ như vậy.
Chúng ta không chỉ tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin từ Liên Xô, từ Stalin, mà còn từ Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông nữa. Trong nhận thức của những người cộng sản Việt Nam trước đây, Mao Trạch Đông là một nhà mácxít-lêninnít vĩ đại, có công áp dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở Trung Quốc và ở các nước Châu Á. Sự du nhập chủ nghĩa Mao từ những năm 40 đến những năm 60 đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống lý luận và tư tưởng của những người cộng sản Việt Nam . Thậm chí có thể nói tới một sự sao chép gần như nguyên xi một số luận điểm của Mao: ba phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” trong lĩnh vực văn hóa “dân chủ mới” rồi “chuyên chính dân chủ nhân dân” trong lĩnh vực chính trị “ba giai đoạn" trong lĩnh vực quân sự, “chỉnh phong, chỉnh đảng” trong lĩnh vực xây dựng đảng, rồi “cải tạo xã hội chủ nghĩa”, “hợp tác hóa nông nghiệp”, rồi đấu tranh “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại” trong lĩnh vực tư tưởng v.v… và v.v… Nói cách khác, cùng với Stalin, Mao Trạch Đông cũng được coi là “chính thống” của chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta. Nhiều người cộng sản Việt Nam, khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, thật ra rất ít đọc thẳng từ Marx, Engels và Lenin, mà chủ yếu là “nhập môn” bằng những tác phẩm của Stalin và Mao Trạch Đông. Tiếc thay, vấn đề này chưa bao giờ được làm rõ đến mức cần thiết cả. Nói như vậy, để thấy rằng cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” được du nhập vào Việt Nam về cơ bản là “chủ nghĩa Stalin” và “chủ nghĩa Mao”. Những người trực tiếp đọc Marx, Engels và Lenin thật ra chỉ là một số rất ít trong thời kỳ trước cách mạng, và về sau này tuy số người đó có tăng lên (chủ yếu trong số cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận) nhưng vẫn còn ít ỏi.
Trong thời gian gần đây những sai lầm của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao được nhiều người nhận rõ qua những hậu quả hết sức tai hại đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lênin, vì thế, được điều chỉnh lại cho phù hợp với hoàn cảnh mới, nhưng công cuộc điều chỉnh này thật ra cũng chưa thật mạnh mẽ và triệt để, di sản của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao vẫn còn được giữ nguyên trên nhiều vấn đề căn bản. Vả chăng, vấn đề không phải là “điều chỉnh” vấn đề được đặt ra ở một chiều sâu hơn nhiều: đó chính là vấn đề “tồn tại” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Và bây giờ, rõ ràng chúng ta đứng trước một bức tranh hỗn loạn. Những người muốn bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin trên thực tế vẫn bị chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao cầm tù. Trong khi đó, một số ngày càng nhiều người thấy rõ tính chất lỗi thời của chủ nghĩa Mác-Lênin và lên tiếng phê phán và bác bỏ nó. Tình hình ấy phải chăng báo hiệu giai đoạn kết thúc quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta? Xin để cho thời gian phán xét.
Sự du nhập một học thuyết không bao giờ là quá trình một chiều từ ngoài vào, mà bao giờ cũng là quá trình hai chiều, vì có sự tiếp nhận từ bên trong. Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải ngoại lệ. Ở trường hợp Việt Nam, có thể nói chiều thứ hai, chiều tiếp nhận chủ động từ bên trong, là rất mạnh (chiều bên trong này bao gồm cả ở những người cách mạng Việt Nam ở ngoài nước, vì nói chung họ gắn bó rất mật thiết với những phong trào cách mạng trong nước). Nhưng chính chiều thứ hai này, trong khi góp phần du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin từ ngoài vào như một nhân tố ngoại sinh (exogène), đã làm cho nó thích ứng với những nhu cầu bên trong, lai ghép với “cơ địa” Việt Nam để rồi, trong trường hợp thành công nhất, trở thành một nhân tố “nội sinh” (endogène). Và khi đó, chủ nghĩa Mác-Lênin không còn giữ nguyên dạng của nó nữa, mà có những biến hóa nào đó. (Tình hình này về cơ bản giống như Khổng giáo du nhập Việt Nam ngày xưa, một đằng thì trải ra hàng trăm năm, một đằng chỉ trong vòng vài chục năm). Như đã nói, ở Việt Nam, hệ vấn đề đặt ra đầu thế kỷ là độc lập dân tộc và canh tân xã hội. Hai yêu cầu này vẫn còn nguyên khi chủ nghĩa Mác-Lênin du nhập vào nước ta.
Bộ phận cấp tiến trong những người yêu nước và cách mạng từ những năm 20 tuy tiếp nhận hệ vấn đề mới của thời đại, lấy “trục giai cấp” làm chính, nhưng thứ nhất, không ai bỏ quên hai yêu cầu nói trên và thứ hai, đây là cái chủ yếu, coi hệ vấn đề mới là sự “tiếp sức” có hiệu quả hơn để giải quyết hệ vấn đề vốn có. Nói cụ thể hơn, những người tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung đều xuất phát từ lòng yêu nước và khát vọng canh tân xã hội (hiện đại hóa) và lấy nó làm “vũ khí” của mình. Hồ Chí Minh nhiều lần nói tới chủ nghĩa yêu nước đưa mình tới chủ nghĩa Mác-Lênin chính là nói tơi xu hướng chung nhất của lớp người tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin đầu tiên, tuy trong những hoàn cảnh có khác nhau. Và không chỉ lớp cộng sản đầu tiên, cả những lớp cộng sản sau này (cho đến năm 1975) và đại thể cũng như vậy, mặc dầu động cơ trở thành cộng sản có thể mang thêm một số yếu tố khác (tiến thân, quyền lực v.v…).
Đọc lại những tài liệu lịch sử của phong trào cộng sản lúc đầu, có thể nhận thấy rất rõ một trong những “chất nền” (substance) của phong trào cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và khát vọng tiến bộ xã hội của những bộ phận quần chúng rộng lớn. Không phải chỉ riêng những người cộng sản mới có “chất nền” này, nhiều người, nhiều bộ phận khác (kể cả những người chống lại chủ nghĩa cộng sản) cũng có. Chỉ có khác là những người cộng sản là bộ phận cấp tiến hơn, họ muốn tìm thấy những vũ khí mạnh hơn, phù hợp với xu hướng cách mạng bạo lực của họ trong bối cảnh lịch sử mới của thế giới và đất nước. Thứ vũ khí họ tìm thấy đó là chủ nghĩa Mác-Lênin. Yêu nước và khát vọng tiến bộ xã hội cộng với xu hướng cấp tiến, bạo lực phải chăng đó là “mẫu số chung” của các lớp người đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta?
Ở đây, có một vấn đề đã và đang được thảo luận trong nước và cả ở ngoài nước là: đối với những người cộng sản Việt Nam, giữa hai nhân tố “dân tộc” và “giai cấp”, nhân tố nào chiếm vị trí chủ đạo? Cụ thể hơn, đối với Hồ Chí Minh, có người đặt câu hỏi: đối với ông chủ nghĩa cộng sản là phương tiện để giành giải phóng dân tộc, hay giải phóng dân tộc là phương tiện để thực hiện chủ nghĩa cộng sản? Theo dõi cuộc tranh luận này, có thể thấy rõ hai ý kiến ngược hẳn nhau. Một bên đặt “giải phóng dân tộc” lên hàng đầu, còn bên kia thì đặt “giai cấp”, “chủ nghĩa cộng sản” lên hàng đầu. Và bên nào cũng đưa ra những luận cứ riêng của mình, Huỳnh Kim Khánh, tác giả cuốn Vietnamese Communism 1925-1945 (Cornell University Press 1982), lấy vấn đề này làm cốt lõi cho công trình nghiên cứu của mình, trình bày những ý kiến của mình dựa vào rất nhiều tài liệu lịch sử phong phú và đáng tin cậy. Nhưng cuối cuốn sách, tác giả vẫn chưa đi tới kết luận rõ ràng. Câu hỏi vẫn được treo ở trang cuối là: “Trong sự kết hợp hệ tư tưởng cộng sản với chủ nghĩa yêu nước trong sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin phải chăng là cỗ xe chuyên chở chủ nghĩa yêu nước Việt Nam? Hay chủ nghĩa yêu nước đã được lợi dụng để bành trướng hệ tư tưởng cộng sản? (tr. 341). Tiếc thay, ông mất đột ngột vì trụy tim ở Mỹ và không tiếp tục được công trình hết sức thú vị của mình.
Đây không chỉ là một vấn đề học thuật, mà còn là một vấn đề luôn luôn nảy sinh và được giải quyết đi giải quyết lại trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Và theo tôi hiểu, vấn đề này cũng đang được đặt ra ngay cả trong quá trình “đổi mới” hiện nay.
Tôi xin có một số ý kiến về vấn đề này. Trước hết, cần nhìn lại thực tế vốn có, mà không phải theo suy diễn. Và để được thuận tiện, xin lấy trường hợp của Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên và cũng là người có uy tín nhất trong phong trào cộng sản Việt Nam, để phân tích. Theo tôi, ở Hồ Chí Minh, không có vấn đề cái gì là chính, là chủ đạo giữa hai nhân tố “dân tộc” và “giai cấp”. Ở ông, hai nhân tố quyện lại thành một, không thể phân chia. Đọc lại toàn bộ tác phẩm của ông, theo dõi toàn bộ hoạt động của ông (mà về đại thể đã có thể nắm bắt được, trừ một vài “lỗ hổng” nào đó cần tiếp tục tìm kiếm), không ai có thể nghi ngờ lòng yêu nước của ông, cũng như không ai có thể nghi ngờ tín niệm cộng sản (conviction communiste) của ông. Ông là nhà yêu nước lớn, là một trong những lãnh tụ nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc - điều đó đã được nhìn nhận khá đầy đủ. Chỉ riêng một việc ông bị những đồng chí của mình phê phán là theo chủ nghĩa quốc gia (tức chủ nghĩa dân tộc) vào đầu những năm 30, cũng đủ để chứng minh điều này. Trong cuốn sách của Huỳnh Kim Khánh, ta đọc thấy mấy trang nói rất rõ về chuyện này (trước đó, trong một cuốn sách viết về Cách mạng Việt Nam, Daniel Hémery cũng có viết về chuyện này, và lần đầu tiên tôi biết được việc Ban lãnh đạo Hải ngoại của ĐCSĐD phê phán Nguyễn Ái Quốc chính là từ cuốn sách của tác giả người Pháp ấy). Huỳnh Kim Khánh, dựa vào nhiều tài liệu có thật, cho ta biết sau 1931 Nguyễn Ái Quốc bị phê phán là mắc “tàn tích tiểu tư sản”, cuốn Đường cách mệnh bị coi là một “tài liệu nồng nặc