Nhiệm vụ của người trưởng thành.

Hide Nguyễn

Du mục số
Tuổi trưởng thành là một giai đoạn mà hầu hết chúng ta đều phải trải qua. Khi chưa bước vào tuổi trưởng thành, chúng ta chưa hề biết rằng chúng ta sắp phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, những điều kiện và hoàn cảnh sống, những thay đổi lớn của cuộc đời trong tương lai như thế nào. Chúng ta có hay không một công việc? Một gia đình riêng? Một căn nhà, Một ai đó để yêu thương, chăm sóc? Những đứa trẻ? Những công danh, sự nghiệp trước mắt chúng ta như thế nào?...
Hay đơn giản hơn là không ai có thể đoán trước rằng mình sẽ như thế nào trong giai đoạn kế tiếp sau tuổi thanh niên - tuổi trưởng thành – Đây là một giai đoạn có thể nói là ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống của con người, là giai đoạn vô cùng quan trọng, có sự thay đổi nhiều nhất của cuộc đời.

Nghiên cứu về người trưởng thành mà cụ thể là về các nhiệm vụ của người trưởng thành Việt Nam và so sánh nó với lý thuyết “Nhiệm vụ của người trưởng thành” của Levinson, chúng tôi mong muốn sẽ khám phá được những nhiệm vụ quan trọng của người trưởng thành Việt Nam và để giúp những người đã, đang và sẽ trải qua lứa tuổi như chúng tôi, các anh, các chị và các bạn thanh thiếu niên có những góc nhìn và có thêm những hiểu biết sâu hơn về nhiệm vụ của người trưởng thành – giai đoạn mà đại đa số chúng ta dù muốn hay không đều vẫn phải trải qua.
Nghiên cứu về người trưởng thành và nhiệm vụ của người trưởng thành ở các nước khác trên thế giới chúng ta có thể bắt gặp những tên tuổi như: Erikson, Levinson… Tuy nhiên ở Việt Nam đây còn là điều khá mới mẻ và không phải người Việt Nam nào cũng biết để có thể nâng tầm nhận thức và thay đổi hành vi của mình sao cho có thể có sự phát triển tốt nhất. Thông qua đề tài “Những nhiệm vụ cơ bản của người trưởng thành” này chúng tôi muốn tìm hiểu những nhiệm vụ của người trưởng thành Việt Nam và xem việc xác định nhiệm vụ của họ như thế nào và có điểm tương đồng hay khác biệt gì so với lý thuyết về nhiệm vụ của người trưởng thành của Levinson đã đưa ra hay không? Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn có thể nắm rõ hơn nữa những đặc điểm tâm lý của người trưởng thành Việt Nam để trau dồi thêm vốn tri thức, kinh nghiệm cho bản thân.


1. Những nghiên cứu về khái niệm người trưởng thành

Trong sự phát triển tiếp diễn suốt cuộc đời. Con người phải trải qua các giai đoạn, thời kì với những đặc điểm tâm sinh lí khác nhau. Khác với quá trình phát triển ở thời thanh, thiếu niên, thời kì đầu trưởng thành (hay còn gọi là thời trưởng thành trẻ tuổi) có những thay đổi rất phức tạp trong nhận thức, tư duy, thái độ… Sự thay đổi đó phụ thuộc rất cụ thể vào hoàn cảnh xã hội, văn hoá và nền giáo dục của từng cộng đồng, từng dân tộc, trong các thời đại khác nhau mà cá nhân đó sống và hoạt động.

Dấu hiệu đặc trưng của người trưởng thành là khả năng phản ứng với những thay đổi và thích nghi với các điều kiện mới. Trong cuộc sống hàng ngày của người trưởng thành cần phải đưa ra những quyết định và vượt qua những khó khăn một cách độc lập nhất định. Và việc giải quyết các khó khăn mâu thuẫn, các vấn đề nảy sinh trong hoạt động sống một cách tích cực là nền tảng ở hoạt động của người trưởng thành.
Vậy người trưởng thành là gi? Tuổi trưởng thành được xác định như thế nào? Trong lịch sử tâm lý học đã từng có nhiều nghiên cứu khác nhau về vấn đề này. Khái niệm “người trưởng thành” là một khái niệm tổng hợp được xem xét trên cả ba bình diện, đó là: sinh học, tâm lí và xã hội. Việc nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các quan niệm khác nhau về vấn đề này chúng ta phải xem xét xem họ đứng trên phương diện nào, lấy tiêu chí nào trong ba yếu tố sinh học, tâm lí, xã hội làm tiêu chuẩn .

Năm 1985, Birren và Cunningham đã xác định các thời kì phát triển của người trưởng thành theo “Ba yếu tố cấu thành độ tuổi” đó là: Sinh học, xã hội và tâm lí. Trong mỗi một nền văn hoá, xã hội khác nhau thì các đặc điểm tâm sinh lý, độ tuổi của người trưởng thành không giống nhau. Các yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau. Thế nhưng không phải cả ba yếu tố này xuất hiện cùng một thời điểm trong mỗi con người, mà ở người này yếu tố tâm lí, xã hội hình thành trước yếu tố sinh học, ở người khác yếu tố sinh học lại hình thành trước yếu tố tâm lí xã hội… Những công trình nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học trên thế giới cho thấy sự chín muồi sinh học thường diễn ra sớm hơn yếu tố tâm lý, xã hội. Việc ba yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không chín muồi cùng một thời điểm cũng gây ra không ít khó khăn cho mỗi chúng ta. Nó là một trong những nguyên nhân gây nên sự khủng hoảng tâm lí lứa tuổi.
Vậy thì thế nào là tuổi sinh học, tuổi tâm lí, xã hội. Theo nghiên cứu của hai ông đã chỉ ra:

Tuổi sinh học là tuổi phản ánh hoàn cảnh của cá nhân trong mối tương quan với tuổi thọ dự kiến họ, một điều hiển nhiên là nó rất biến động từ cá nhân này sang cá nhân khác, không có ai giống ai. Ví dụ như: một người 39 tuổi, làm việc trong môi trường độc hại và bị mắc các chứng bệnh hiểm nghèo, sắp chết sẽ khác biệt hoàn toàn về tuổi sinh học so với một người khoẻ mạnh, không bệnh tật làm việc trong một môi trường thuận lợi, còn có thể sống được 33 năm nữa hoặc nhiều hơn nữa(không xét đến trường hợp tai nạn hay bức tử khác…).

Tuổi xã hội có liên quan trực tiếp đến vị thế xã hội của mỗi cá nhân so với các chuẩn mực văn hoá. Ví dụ, một người phụ nữ 35 tuổi ở Mĩ có chồng và có 3 con khác biệt hoàn toàn với một người phụ nữ khác 35 tuổi, cũng ở Mỹ mà chưa lập gia đình. Và người phụ nữ 35 tuổi đã có chồng, con ở Mỹ lại càng khác biệt so với những người phụ nữ 35 tuổi cũng có chồng và 3 con ở Việt Nam.

Tuổi tâm lí thể hiện con người có khả năng xử lý các yêu cầu, đòi hỏi của môi trường xã hội, của công việc hàng ngày và thích ứng với môi trường đó ở mức độ nào. Tuổi tâm lí chứa đựng trong nó trình độ trí tuệ, khả năng học tập, kĩ năng sống và các đặc điểm tâm lí khác như: Động cơ, thái độ, cảm xúc, tình cảm, ý chí vươn lên trong cuộc sống…
Xét về độ tuổi, năm 1968, Neugarten nghiên cứu và đưa ra khái niệm “tuổi thời gian”. Và tuổi thời gian được hiểu như là “một dạng biểu đồ bên trong” cho chúng ta biết chúng ta có vận động theo đường đời nhanh hay chậm. Ví dụ như một sinh viên đại học 35 tuổi thì được coi là học muộn hay một thủ tướng 35 tuổi thì được coi là người trưởng thành sớm so với những người cùng tuổi.

Tuổi thời gian cho chúng ta biết được các sự kiện hay những biến cố nhất định trong đời sống của mỗi con người như thế nào trong theo các chuẩn mực vốn có của mỗi nền văn hoá, mỗi dân tộc. Ví dụ, ở Việt Nam một công dân 18 tuổi với nữ, 20 tuổi với nam trở nên được phép kết hôn. Một người 15 tuổi mà kết hôn thì được coi là kết hôn sớm (tảo hôn) những người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu sức ép của dư luận. Một người sau 45 tuổi mới lập gia đình thì được coi là muộn. Những người này phải hứng chịu những khó khăn về mặt tâm lí hơn rất nhiều so với những người kết hôn đúng độ tuổi mà pháp luật và xã hội qui định.

Tuy nhiên ngày nay việc xác định theo tuổi thời gian có những dao động lớn. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, sự phát triển toàn cầu hoá, việc du nhập các lối sống khác nhau trên thế giới trở nên dễ dàng hơn, tự do hơn. Việc xác định những chuẩn mực cũng trở nên khó khăn hơn. Việc kết hôn, ly hôn và tái hôn thường gặp trong suốt cuốc đời chứ không phải chỉ trong tuổi đầu trưởng thành. Hay những sinh viên 35- 40 học trong một lớp đại học không phải là hiếm. Những người thuộc nhóm tuổi nhất định có thể tham gia vào các hình thức hoạt động và các biến cố đời sống khác nhau.

Theo Đại từ điển tiếng Việt thì người trưởng thành được hiểu là “người đã lớn khôn và tự lập được”. Đây là một khái niệm rất trừu tượng. Và theo cách hiểu của chúng tôi theo định nghĩa này thì người trưởng thành là người đã “lớn” tức đã hoàn thiện về mặt thể chất, còn “khôn” đã chín muồi về mặt tâm lí. Và là người “tự lập được” nghĩa là có sự trưởng thành về mặt xã hội. Có khả năng sống, hoạt động độc lập trong xã hội được.

Trong từ điển Anh - Việt thì từ Adult được dịch là người lớn với nghĩa là: người trưởng thành về mặt tâm tư tình cảm, đủ tuổi để đi bỏ phiếu, lấy vợ lấy chồng......; thành niên
Tuy nhiên, theo cách hiểu của chúng tôi thì “người trưởng thành là người đã có sự hoàn thiện về mặt thể chất và có sự chín muồi về mặt tâm lí, xã hội”.

Xã hội luôn vận động, con người ngày càng phát triển, kéo theo những sự thay đổi về mặt hình thái cũng như các đặc điểm về tâm, sinh lý chính vì thế để tìm được một định nghĩa phù hợp nhất cho mọi thời đại, mọi khu vực địa lý và các nền văn hoá, xã hội... khác nhau là một việc làm không hề đơn giản.
 
2. Tuổi đầu trưởng thành và sự phát triển thể chất:

Mỗi thời kỳ khác nhau, mỗi dân tộc khác nhau có độ tuổi trưởng thành không giống nhau. Vì vậy, việc xác định chính xác độ tuổi trưởng thành không phải là công việc dễ dàng. Ở Việt Nam, trước kia do đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất chủ yếu dựa vào sức lao động cơ bắp. Con người bước vào đời sống lao động sớm, lập gia đình sớm nên cũng sớm trưởng thành về mặt xã hội, tâm lý. Do đó, độ tuổi trưởng thành sớm và tuổi thọ trung bình thấp.

Ngày nay, do trình độ khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, đời sống con người được nâng cao, tuổi thọ con người kéo dài hơn. Yêu cầu lao động đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao, thời gian học tập kéo dài, độ tuổi trưởng thành của con người chậm hơn.
Ở các nước kinh tế phát triển khác như Anh, Mỹ, Nhật… chất lượng đời sống của người dân ở mức cao, có tuổi thọ trung bình cao, độ tuổi trưởng thành khác với người Việt Nam cũng như các dân tộc khác trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều nhà Tâm Lý Học thường xem thời kì đầu tuổi trưởng thành bắt đầu khoảng tuổi 20 và kéo dài đến khoảng 40 tuổi. Trong thời kì phát triển này sự thay đổi cơ thể diễn ra chậm chạp và ít rõ ràng hơn so với các giai đoạn trước. Điểm đặc biệt ở giai đoạn này là sự biến đổi rất phức tạp của yếu tố xã hội, đòi hỏi con người phải có sự thích ứng về tâm lý với sự biến đổi đó.

Thời kì đầu tuổi trưởng thành là thời điểm đánh dấu sức khoẻ đạt đỉnh điểm. Đến 25 tuổi sự phát triển thể chất của con người đã đạt đến mức hoàn thiện. Đặc biệt, từ 18 – 25 tuổi sức khoẻ con người ở mức cao nhất.

Trọng lượng não đạt đến mức tối đa, số lượng nơron thần kinh lên tới mức cao nhất (14 – 16 tỉ). Quá trình myelin hoá cao độ tạo nên chất lượng nơron thần kinh hoàn hảo nhất. Số lượng synap của các tế bào thần kinh đảm bảo cho sự liên lạc rộng khắp, chi tiết, tinh tế và linh hoạt giữa vô số các kênh làm cho hoạt động của não bộ trở nên nhanh nhạy, chính xác nhất so với các lứa tuổi khác. Vào độ tuổi này, những ai là sinh viên có thể tích luỹ được 2/3 lượng tri thức của cuộc đời trong thời kì học đại học (nhận định của giáo sư sinh học Lê Quang Long – ĐHSP Hà Nội) .

Cũng đến độ tuổi này hệ xương, cơ bắp phát triển một cách ổn định, đồng đều, tạo ra nét đẹp hoàn mĩ ở người trưởng thành. Đồng thời sức nhanh, sức bền, sự dẻo dai, linh hoạt đều phát triển mạnh nhờ sự phát triển ổn định của các tuyến nội tiết cũng như sự tăng trưởng các hoocmôn giới tính. Tuy nhiên, sự phát triển ở hai giới là không giống nhau. Ở nữ có sự phát triển thể chất sớm hơn nam 1, 2 năm: sự không giống nhau giữa nam và nữ thể hiện ở đặc điểm cơ thể như: Chân tay của nữ tương đối ngắn hơn nam; tổ chức cơ bắp chân tay của nữ kém hơn nam; xương và khớp chi nhỏ hơn nam;
tổ chức cơ bắp ở chân tay của nữ kém hơn nam; phổi của nam lớn gấp rưỡi nữ; mỗi phút tim của nam đập trung bình 72 lần/phút, nữ là 80 lần/phút. Nam trung bình có 4,5 lít máu, nữ là 3,6 lít máu. 40% cơ thể nam do cơ bắp tạo nên, nữ là 35%.
Sau tuổi 25 , mọi sự phát triển về thể chất đều dừng lại và khoảng 30 tuổi thì bắt đầu có có sự trùng xuống. Và đến 35 – 40 tuổi thì bắt đầu đi xuống. Hoạt động của hệ thống sinh học đểu giảm sau 40 tuổi. Điều này thể hiện trong hình vẽ sau.
Hình 1. Giá trị giảm trung bình của hiệu suất sác hệ thống sinh học. Mức giảm này phần lớn được điều chỉnh bởi lối sống lành mạnh bao gồm cả việc tập luyện đều đặn. Theo tài liệu của J. Fries and Crapo.


3. Các lý thuyết nghiên cứu về giai đoạn và nhiệm vụ của tuổi trưởng thành.


Như chúng tôi đã đề cập ở phần trên thì người trưởng thành là người đã có sự chín muồi về cả ba mặt: sinh học, xã hội và tâm lý. Bởi thế lúc này người trưởng thành phải tự chủ trong cuộc sống của mình và có nhiều quyết định cũng như hành động, việc làm độc lập, có ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp, sự phát triển của bản thân mình... người trưởng thành đã đủ khả năng sinh con và lập gia đình riêng cũng như có khả năng làm việc và kiếm sống. Nếu như thời kì thơ ấu là thời kì quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn nhất trong việc phát nhân cách của con người (Theo như S. Freud và một số nhà tâm lý học khác thì giai đoạn từ 0 – 5 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất), còn giai đoạn tuổi trưởng thành là giai đoạn các thuộc tính của nhân cách tiếp tục được củng cố, có sự thay đổi và phát triển và có thể nói đây là thời kì con người cần thực hiện những nhiệm vụ có ảnh hưởng lớn, lâu dài và quyết định tới toàn bộ hoạt động sống ở các giai đoạn sau của cuộc đời con người. Vì vậy cũng có thể nói đây là một thời kỳ cũng vô cùng quan trọng trong cuộc đời con người.

Trong lịch sử phát triển của tâm lí học đã từng có nhiều nhà nghiên cứu đi nghiên cứu về các nhiệm vụ của người trưởng thành. Tuy nhiên, tuổi trưởng thành là một “khái niệm động” bởi mỗi nhà nghiên cứu khi tiến hành nghiên cứu lại xét trên những phương diện, những yếu tố khác nhau với góc độ và lăng kính chủ quan của mình nên đã đưa ra những khái niệm, định nghĩa khác nhau về người trưởng thành và căn cứ vào đó để phân ra các nhiệm vụ của người trưởng thành. Trong phạm vi của đề tài, chúng tôi xin nêu ra 3 lý thuyết về nhiệm vụ của người trưởng thành. Đó là lý thuyết của Havinguar, Erickson và Lêvinson.


3. 1/ Những nhiệm vụ phát triển theo Havinguar


Năm 1993, Robert Havinguar đã đưa ra một mô tả mang tính kinh điển và giáo điều về chu kì sống của con người. Trong đó ông cũng có sự quan tâm đối với tuổi trưởng thành. Ông coi tuổi trưởng thành như là một loạt các thời kì, trong mỗi thời kì con người cần phải giải quyết những nhiệm vụ phát triển nhất định. Các nhiệm vụ này với một ý nghĩa nào đó tạo nên một khung cảnh rộng rãi trong đó diễn ra sự phát triển. Con người cần phải huy động những năng lực trí tuệ của mình để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra. Và trong lý thuyết của mình ông đã đưa ra những nhiệm vụ của người trưởng thành với những điểm cơ bản như: Bắt đầu cuộc sống gia đình và sự nghiệp. Thời kì trung niên thì nhiệm vụ chủ yếu là duy trì những gì mà chúng ta đã tạo ra ở các giai đoạn trước đó và thích ứng với những biến đổi và thể chất và gia đình. Còn với những năm tiếp theo, khi đã bước vào giai đoạn của người cao tuổi (người trưởng thành muộn) con người buộc phải thích ứng với các yếu tố khác.

Lý thuyết của Havinguar
đã được đưa ra từ rất lâu cho đến nay ở một khía cạnh nào đó nó vẫn còn có tính ứng khi xem xét các nhiệm vụ của người trưởng thành. Tuy nhiên, hoàn cảnh nền kinh tế, văn hoá, xã hội của con người ngày càng phát triển và ở mỗi khu vực, quốc gia, dân tộc lại có những yếu tố kinh tế, văn hoá xã hội khác nhau nên tính ứng dụng của các quan điểm của Havinguar là không còn cao và không phải phù hợp với tất cả mọi người, tất cả các nhiệm vụ. Có thể dẫn chứng như: Ở nước Mỹ hiện nay có một số lượng lớn thanh niên trên 30 tuổi vẫn phụ thuộc vào gia đình. Bên cạnh đó, ở các nước có nền kinh tế, văn hoá xã hội phát triển (Ví dụ như: Nhật Bản, các nước Tây Âu...) thì có xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn, không sinh con hay li hôn sớm…thì các nhiệm vụ bắt đầu cuộc sống gia đình, học cách sống với vợ (chồng), giáo dục con trẻ…ở đầu tuổi trưởng thành thì có thể đến muộn hơn hoặc có sự biến đổi, thay thế bằng các nhiệm vụ của các thời kỳ trước hoặc sau đó như: Thích ứng với các mối quan hệ qua lại với người bạn đời mới sau li hôn. Hoặc do sự nghèo nàn, lạc hậu ở một số nơi (Đặc biệt là ở các vùng nông thôn) vẫn còn giữ hủ tục “tảo hôn” nên những nhiệm vụ chọn vợ, chọn chồng, bắt đầu cuộc sống gia đình có thể được đẩy lên sớm hơn vào tuổi thanh niên…

Bên cạnh đó ở các nước Châu Á hay Châu Phi, cuộc sống của đại bộ phân người dân thành thị hoặc người có học thức cao cũng phù hợp một phần so với những nhiệm vụ phát triển do Havinguar đưa ra, tuy nhiên lý thuyết này không phù hợp với toàn thể bộ phận, thành phần dân cư với những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau về văn hóa, kinh tế, môi trường sống…


3. 2/ Những nhiệm vụ phát triển theo Erickson.


Erick Erickson (1902 - 1994)
là một nhà phân tâm học, ông đã phát triển lý thuyết của S. Freud. Tuy nhiên, ông đã vượt ra khỏi phạm vi của phân tâm học cổ điển nhờ vào cách tiếp cận vấn đề sự phát triển của trẻ em trong các vấn đề văn hoá xã hội. Đây cũng là một yếu tố nếu kết hợp với quan điểm của Havinguar, nó sẽ khắc phục được những thiếu xót về những ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá, xã hội, môi trường lên sự phát triển tâm lý của con người.

Trong hệ thống lý thuyết
của mình về sự phát triển tâm lý con người, Erickson đã chia quá trình phát triển đời người thành 8 giai đoạn và sự phát triển của mỗi giai đoạn đều dựa trên việc thực hiện thành công hay không thành công các nhiệm vụ của giai đoạn ngay trước đó. Theo lý thuyết của Erickson sự phát triển của con người gồm một chuỗi những mau thuẫn trong bản thân mỗi người. Những mâu thuẫn này là bẩm sinh nổi lên ở những giai đoạn khác nhau của hoàn cảnh sống đòi hỏi những sự thích nghi nhất định mà các cá nhân phải đương đầu. mỗi lần cá nhân phải đương đầu để thích nghi với hoàn cảnh sống như vậy có thể xảy ra theo hướng thích nghi tốt hoặc không tốt. Erickson gọi đó là một lần khủng hoảng đòi hởi mỗi người phải vượt qua để chuyển sang một giai đoạn phát triển tiếp theo. Và mỗi giai đoạn tượng trưng cho một trình độ chín muồi về sinh lý – một phần của chương trình nền tảng (bẩm sinh) và sự tác động đặc thù của yếu tố xã hội (môi trường) đòi hỏi một sự thích nghi nhất định đối với nó. Nếu khủng hoảng xảy ra mà được giải quyết một cách hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển bản ngã của con người, có ảnh hưởng to lớn đến thái độ và sự phát triển của mỗi cá nhân sau này.

Trong tám giai đoạn phát triển tâm lý xã hội theo lý thuyết của Erickson mỗi giai đoạn lại có những nội dung, nhiệm vụ khác nhau. Giáo sư Lê Khanh đã chỉ ra một cách rõ ràng đó là:

 Giai đoạn thứ nhất:
“Tin tưởng hoặc nghi ngờ” (0 – 1 tuổi): Ở giai đoạn này trẻ không thể tự lo liệu được mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ (Hoặc người thay thế). Mối quan hệ giữa trẻ sơ sinh và thế giới xung quanh không chỉ duy nhất có tính sinh học mà còn có tính xã hội (Sự chăm sóc của mẹ hoặc người thay thế). Nếu mẹ luôn xử sự thích hợp với những nhu cầu cơ thể của trẻ và tỏ ra âu yếm, che chở, bảo vệ thì đó là cơ sở để phát triển lòng tin ở trẻ đối với thế giới xung quanh. Ngược lại nếu mẹ tỏ ra thờ ơ, bỏ mặc, không nhất quán trong hành vi đối với trẻ, thì đó là cơ sở phát triển thái độ nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng ở trẻ. Những cảm nhận “nghi ngờ” hoặc “tin tưởng” mang tính vô thức trong giai đoạn này (được lưu giữ trong vô thức) có thể được tái xuất hiện trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

 Giai đoạn thứ hai:
Tự lập (Độc lập) hoặc xấu hổ và nghi ngờ bản thân (1 – 3 tuổi): Ở giai đoạn này trẻ phát triển nhanh chóng một loạt các năng lực thể chất và tinh thần khác nhau, bắt đầu có khả năng thực hiện một số việc theo ý muốn (Đi tới lấy đồ chơi mà nó thích, cầm lấy cái nó cần, vứt đi cái nó không cần, không thích…). Trẻ tỏ ra tự hào về những kỹ năng này và có xu hướng làm lại thật nhiều lần. Tuỳ theo cách dạy bảo, huấn luyện của cha mẹ mà ở trẻ phát triển được tính độc lập hay dựa dẫm vào người khác dẫn tới nghi ngờ chính bản thân mình.

 Giai đoạn thứ ba: Chủ động hoặc tội lỗi (3 – 6 tuổi): Ở giai đoạn này, bản năng vận động và trí tuệ của trẻ tiếp tục phát triển cao hơn giai đoạn phát triển trước. Chúng thể hiện ham muốn giành thế chủ động trong nhiều hoạt động, đặc biệt sự chủ động cũng biểu hiện ở ước muốn có được người cha, mẹ khác giới với nó và cạnh tranh với người cha hoặc mẹ cùng giới với nó (Phức cảm Ơđip). Tuỳ thuộc vào cách xử sự của cha mẹ đối với tính chủ động này thế nào mà tính chủ động này của trẻ sẽ được phát triển theo hướng hướng tới những mục đích có tính hiện thực và được xã hội chấp nhận, hay phát triển cảm giác tội lỗi lâu dài ảnh hưởng tới những hoạt động tự định hướng trong suốt cuộc đời nó.

 Giai đoạn thứ tư: Siêng năng hoặc tự ti (6 – 12 tuổi): Ở tuổi này, lần đầu tiên trong cuộc đời trẻ bắt đầu đi học ở trường phổ thông (Tiểu học). Tuỳ theo cách dạy dỗ của thầy cô ở trường và của cha mẹ ở nhà, trẻ hình thành và phát triển được đức tính siêng năng khi chúng nhận được sự động viên hay khiển trách một cách hợp lý), hoặc phát triển mặc cảm, tự ti cho mình là kém cỏi, vô tích sự (Khi chúng luôn bị chê bai, khiển trách, nhạo báng, hắt hủi… một cách vô lý).

Sự phát triển tâm lý của trẻ ở 4 giai đoạn trên, theo quan niệm của Erickson diễn ra chủ yếu dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ và thầy cô những người có ý nghĩa nhất trong cuộc sống của chúng ở lứa tuổi này, chứ không phải là ham muốn tính dục quyết định hoàn toàn như cách hiểu mà S.Freud đã đưa ra.

 Giai đoạn thứ năm:
Khẳng định chính mình hay mơ hồ về vai trò của bản thân (12 – 18 tuổi). Giai đoạn này nói lên khuynh hướng nhất quán về bản sác hay rối loạn vai trò (Khủng hoảng bản sắc). Đây là thời kỳ con người hình thành hình ảnh về bản thân mình, thể hiện ở sự thống nhất giữa ý kiến của chúng ta về bản thân mình và với việc người khác nghĩ về chúng ta (Sự thừa nhận của người khác). Để định hình bản sắc (Nhất quán về mặt bản sắc) thanh thiếu niên thường phải trải qua một thời kì tự đóng các vai trò khác nhau (Tham gia vào các việc làm với nhau với ý nghĩa thử sức), trải nghiệm những hình ảnh bản thân khác nhau để xem cái nào phù hợp nhất (Có sự thống nhất giữa ý kiến của mình về bản thân mình với việc người khác nghĩ về mình). Đây là thời kì con người đi tìm chính mình và trải qua không ít những khó khăn, kể cả những trải nghiệm chứa đầy những dằn vặt, băn khoăn, lo lắng.

Trong quá trình này con người nhanh chóng định hình được bản sắc riêng thường được trang bị một niềm tin vào chính bản thân mình để đối mặt với thời kì trưởng thành. Những người không tìm thấy được một bản sắc nhất quán (Khủng hoảng bản sắc) dường như họ không biết mình là ai, như thế nào, thuộc về đâu, đi đâu (Mơ hồ về vai trò của bản thân). Những lúc như thế vai trò của nhóm tham chiếu thường có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bản sắc, cái tôi ở tuổi thanh thiếu niên (Có thể theo hướng tích cự hoặc tiêu cực).

 Giai đoạn thứ sáu: Thân mật, gần gũi hoặc tách biệt, cô lập (18 – 40 tuổi): Trong giai đoạn này bằng nghề nghiệp của mình con người hình thành một cuộc sống độc lập với cha mẹ, tham gia vào các nhóm khác nhau trên cơ sở bản sắc riêng của mình và bắt đầu thực hiện vai trò là những người trưởng thành, có trách nhiệm. Trong quá trình này con người dễ dàng thiết lập được các mối quan hệ thân tình với người khác, bản sắc cái tôi ngày càng rõ nét hoặc ngược lại không thể thiết lập các mối quan hệ như vậy mà trở thành tách biệt khỏi những người khác. Họ tránh những giao thiệp mang tính chất xã hội, không chấp nhận và hay gây gổ với người khác.

 Giai đoạn thứ bảy: Sinh sản hay trì trệ (40 – 60 tuổi). Trong thuật ngữ “sinh sản” Erickson muốn nói tới sự quan tâm của một người tới sự chăm sóc thế hệ tương lai (Kể cả con cháu mình và những người thuộc thế hệ khác) cho sự phát triển xã hội. Erickson cho rằng ở độ tuổi này người ta thường tìm thấy niềm vui khi trở thành người cố vấn, chỉ đường cho những người trẻ tuổi hơn của xã hội, trái lại cũng có thể họ trở thành nên bị khống chế bởi “sự trì trệ”, buồn rầu và nghèo nàn trong các mối quan hệ liên nhân cách. họ có thể trở thành những người ốm yếu về mặt tinh thần vì chính họ thu hút hết tâm trí họ.

 Giai đoạn thứ tám
: Cái tôi toàn vẹn hay sự thất vọng (60 tuổi cho đến chết). Ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời người ta thường xem xét, suy ngẫm ề cuộc đời mình, đánh giá cuối cùng về nó. Có thể người ta cảm thấy thoả mãn, hài lòng, tin rằng mình đã ứng xử thoả đáng với những thành công và cả với những thất bại của cuộc đời mình, khi đó Erickson nói rằng: Những người có được cái tôi toàn vẹn (Sự chấp nhận vị trí và quá khứ của mình). Cũng có thể người ta cảm thấy không thoả mãn với những gì mà mình đã trải qua, bực tức về những cơ hội mà mình đã bỏ lỡ, hối hận về những lỗi lầm không còn cơ hội để sửa chữa…, khi đó người ta cảm thấy thất vọng. Người ta có thể trở nên chán ghét chính bản thân mình, khinh bỉ người khác và lòng đầy thù hận.

Ở đây chúng ta có thể thấy rằng: Sự phát triển của người trưởng thành phụ thuộc cào việc giải quyết thành công các nhiệm vụ, các vấn đề của giai đoạn trước đó: Tin tưởng và tự chủ, sáng kiến và yêu lao động. Bên cạnh đó vấn đè trung tâm cần giải quyết ở tuổi vị thanh niên là xác định tính đồng nhất (Giai đoạn thứ năm) nó có thể được tiếp tục cả trong thời kì đầu trưởng thành và đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho tâm lý của người trưởng thành.

Chính điều này đã làm ảnh hưởng tới việc chúng ta “Thân mật, gần gũi hay tách biệt, cô lập” với những người xung quanh. Khi chúng ta đã định hình được về bản thân mình, chúng ta sẽ tự trang bị cho mình một niềm tin vào chính bản thân mình để đối mặt với thời kì trưởng thành và có thể xác lập được mối quan hệ thân tình, gần gũi, có nghĩa là xác lập được các mối quan hệ qua lại thân thiết với người khác như bạn bè, người yêu, vợ hoặc chồng, con cái… để để đem lại sự thoả mãn cho nhau. Nó là sự liên kết của 2 “tính đồng nhất” (Hai cái “tôi”) trong đó không có “tính đồng nhất” nào bị đánh mất đi các phẩm chất riêng, độc đáo của mình. Trái lại những người không tìm thấy một bản sắc nhất quán thì họ không biết mình là ai, như thế nào, thuộc về đâu, mơ hồ về vai trò của bản thân vì vậy nó ảnh hưởng đến giai đoạn thứ sáu trong sự phát triển tâm lý con người làm cho họ không có khả năng hoặc thất bại trong việc xác lập các mối quan hệ thân tình. Đôi khi nó cũng liên quan đến “tính đồng nhất” của nhân cách quá yếu ớt, không sẵn sàng để tạo ra mối liên kết gần gũi với người khác và từ đó làm cho họ bị tách biệt , cô lập. Chính vì vậy khủng hoảng thân tình và cô lập là vấn đề đặc trưng nhất đối với tuổi trưởng thành.

Có thể nói rằng lý thuyết của Erickson là lý thuyết về các giai đoạn phát triển tuy nhiên ông đã giải thích nó một cách linh hoạt hơn và được nhiều nhà khoa học khác đánh giá cao và coi đó là các tiêu chuẩn chuẩn mực. Và trong hệ thống lý thuyết của mình, ông cũng chỉ ra rằng: nội dung nhiệm vụ quan trọng nhất của tuổi trưởng thành đó là việc xác lập các mối quan hệ thân tình hay không thành công hoặc thất bại dẫn đến việc bị cô lập và cách ly với các nối quan hệ.

3. 3/ Những nhiệm vụ của người trưởng thành theo lý thuyết của Levinson .
Đanien Levinson đã tiến hành một cuộc điều tra lớn ở Mỹ về sự phát triển của những người trưởng thành; Có 40 nam giới tuổi từ 35 đến 45 tham gia vào cuộc điều tra này, họ được chọn từ các nhóm người có chủng tộc và nghề nghiệp khác nhau. Trong vài tháng những người này thực hiện việc tự quan sát. họ nghiên cứu những trải nghiệm, tâm thế và những kinh nghiệm sống của mình và kể chúng trong quá trình phỏng vấn. Ngoài ra, Levinson và các đồng nghiệp của ông còn nghiên cứu tiểu sử của những người nổi tiếng như: Đantê và Gandi nhằm xác định quá trình phát triển trong thời kỳ trưởng thành. Lý thuyết của Levinson còn chú trọng vào các vai trò và các mối quan hệ qua lại có tính truyền thống của nam và nữ giới.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra 3 giai đoạn chủ yếu của người đàn ông. Mỗi giai đoan kéo dài khoảng 15 đến 25 năm (Tham khảo hình vẽ dưới đây). Trong các giai đoạn con người cần tạo ra cái mà Levinson gọi là “Cấu trúc cuộc sống”. Cấu trúc cuộc sống về cơ bản bao gồm các mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ qua lại với môi trường xung quanh và bao gồm cả cái mà cá nhân lĩnh hội được, có được nhờ vào các mối quan hệ qua lại chủ yếu là các mối quan hệ trong công việc và gia đình.

Levinson tập trung nghiên cứu thời kỳ sống từ 35 đến 45 tuổi song ông phát hiện ra rằng: Sự trưởng thành của cá nhân trong giai đoạn từ 17 đến 33 tuổi (Không thể hiện ở hình vẽ). Đó chính là giai đoạn giải quyết các cuộc xung đột tuổi vị thành niên đi tìm vị trí của mình trong xã hội của người trưởng thành, hình thành các khuôn mẫu ứng xử ổn định. Giai đoạn 17 – 33 tuổi theo Levinson, được chia thành 3 giai đoạn nhỏ: giai đoạn chuyển tiếp sang tuổi trưởng thành (Khoảng từ 17 – 20 tuổi); giai đoạn thâm nhập vào thế giới người lớn (Khoảng từ 22 - 28); và giai đoạn chuyển qua tuổi 30 (từ 28 – 33 tuổi). Những khủng hoảng phát triển diễn ra trong trường hợp cá nhân gặp khó khăn ở giai đoạn nào đó trong 3 giai đoạn trên.
 
Trong toàn bộ hệ thống lý thuyết về sự phân chia các giai đoạn cuộc đời của nam và nữ giới và các nhiệm vụ của người trưởng thành, Levinson đã đưa ra một cấu trúc các giai đoạn của cuộc sống từ 0 tuổi cho đến tuổi già (từ 60 tuổi trở lên) với 3 giai đoạn lớn: Chuyển tiếp sang tuổi đầu trưởng thành (17 – 22 tuổi), chuyển tiếp giữa cuộc đời (40 – 45 tuổi), chuyển tiếp sang tuổi già (60 – 65 tuổi). Đối với mỗi nhà khoa học khác nhau lại có những hướng nghiên cứu và suy nghĩ khác nhau nên quan điểm về giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời cũng có phần khác biệt. Có người thì cho rằng: “Dù bạn có sống bao nhiêu năm trong cuộc đời đi chăng nữa thì 20 năm đầu tiên của cuộc đời là quãng thời gian đẹp nhất, quan trọng nhất”, hay: “Hãy cho tôi tuổi 20 của bạn nếu bạn không dùng nó vào việc gì”, có người cho rằng đó là lúc chúng ta 3 tuổi, còn S. Freud lại cho rằng thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời là vào lúc 5 tuổi... Tuy nhiên cũng như theo Levinson, chúng tôi cũng cho rằng tuổi trưởng thành là một giai đoạn quan trọng và con người cần thực hiện những nhiệm vụ có ảnh hưởng lớn, lâu dài và quyết định tới toàn bộ hoạt động sống ở các giai đoạn sau của cuộc đời con người. Vì vậy để đạt được độ trưởng thành chân thực, theo Levinson phải giải quyết bốn nhiệm vụ phát triển: 1/ Xác định khát vọng; 2/ Tìm kiếm người dẫn đường; 3/ Xây dựng công danh, sự nghiệp; 4/ Xác lập mối quan hệ thân tình.


3.3.1/ Xác định khát vọng

Xác định khát vọng là việc xác định những mục tiêu, nhiệm vụ mà mình cần hướng tới. Nó có thể hiểu như là ước mơ của mình, là những điều có ý nghĩa to lớn đến cuộc sống của chúng ta. Nó giúp cho chúng ta có sự hứng thú, hào hứng và quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đặt ra đó.

Việc xác định khát vọng đối với mỗi người là khác nhau. Ví dụ có người mơ trở thành một ngôi sao điện ảnh, có người ước mình là một chính trị gia, một nhà tài phiệt, một cô giáo làng, một nhà báo, một phi công. Đó không chỉ là những khát vọng về nghề nghiệp mà có thể là bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống của chúng ta. Ước mơ, khát vọng ấy cũng có thể là có thêm một tấm bằng đại học, có khả năng đi du học, học giỏi ngoại ngữ, tin học hoặc là có một mái nhà khang trang, hạnh phúc, ấm cúng, những đứa trẻ ngoan ngoãn và học thật giỏi, được vào trường chuyên, lớp chọn ...

Thời gian đầu của bước chuyển sang độ tuổi trưởng thành khát vọng đó không nhất thiết đều phải trở thành hiện thực. Tuy nhiên, thông qua việc xác định khát vọng và thực hiện nó con người tìm thấy được động cơ, hứng thú để làm việc, học tập và có ý chí quyết tâm trong công việc cũng như trong cuộc sống. Thông qua việc xác định và thực hiện những khát vọng đó con người tìm ra được mục tiêu cần phấn đấu để xác định nghề nghiệp và công việc cần thực hiện để đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất cho bản thân sau nay.


3.3.2/ Tìm kiếm người dẫn đường

Sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm có thể đóng vai trò quan trọng trên bước đường theo đuổi khát vọng của các bạn trẻ. Người thầy có thể làm cho các bạn trẻ cảm thấy tự tin, chia sẻ và tán đồng những ước mơ của họ đồng thời người đi trước còn có thể truyền đạt các kiến thức và kinh nghiệm. Với tính chất là người bảo trợ, “thầy giáo” có thể góp phần làm cho “học sinh” thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Tuy vậy, chức năng chủ yếu của thầy giáo là biến mối quan hệ thầy trò trở thành mối quan hệ giữa những người trưởng thành bình đẳng. “Thầy giáo” ở một mức độ nào đó xử sự như là cha mẹ, hiểu biết và có uy tín. “Học sinh” dần dần có được cảm giác tự chủ và am hiểu, với thời gian “học sinh” có thể theo kịp người thầy của mình. Những người trưởng thành đều có xu hướng tìm cho mình một hoặc nhiều người dẫn đường để có thể giúp đỡ mình trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, kĩ năng làm việc và giúp mình có cơ hội thăng tiến, luôn tán đồng với những mục tiêu, khát vọng của người trưởng thành, có thể làm cho họ tự tin hơn, chia sẻ và giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn. Nghĩa là những người đó phải là những người thành công trong sự nghiệp hoặc có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó người trưởng thành không chỉ tìm người dẫn đườn trên con đường sự nghiệp mà còn có thể là những vấn đề khác trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân, gia đình... những vấn đề trong cuộc sống nói chung


3.3.3/Xây dựng công danh, sự nghiệp


Ngoài việc ấp ủ khát vọng và tìm kiếm thầy giáo, các bạn trẻ phải nỗ lực học hỏi, tập luyện, vượt qua những khó khăn trên con đường tự khẳng định mình theo một kế hoạch nghề nghiệp đã lựa chọn. Nghĩa là biến những ước mơ, khát vọng đã xác định ở nhiệm vụ đầu tiên. Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà Levinson cho rằng nhiệm vụ này bao trùm toàn bộ thời kỳ đầu của con đường sự nghiệp, khi bạn trẻ còn đang gắng tự xây dựng một kế hoạch nghề nghiệp nhất định. Để thực hiện những ước mơ, khát vọng ở trên người trưởng thành phải cố gắng rất nhiều và có thể gặp không ít thất bại, đắng cay mới có thể có những thành công nhất định trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ có thể nói là có tính chất quyết định đến cuộc sống sau này của người trưởng thành. Vì vậy nếu thực hiện được thì có thể nói là người đó đã có một sự thành còn ngược lại, những người nào chưa thực hiện được nhiệm vụ này hoặc chưa có một công việc ổn định hay một chỗ đứng nhất định thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.


3.3.4/Xác lập mối quan hệ thân tình


Việc xây dựng mối quan hệ thân tình không phải chỉ bắt đầu và cũng không nhất thiết là phải kết thúc bằng sự kết hôn. Trước cũng như sau, các sự kiện đó, những nam thanh niên luôn có xu hướng tự nghiên cứu bản than và mối quan hệ của mình đối với phái nữ. họ phải tìm hiểu xem là họ có thích các cô gái không và các cô gái liệu có thích họ không. Chàng trai phải đánh giá mặt mạnh và mặt yếu của mình tròn quan hệ thân tình cũng như trong các quan hệ tình dục. Mặc dù câu hỏi đó cũng đã xuất hiện ở tuổi thiếu niên một cách vô thức song lúc đó chưa ai có thể giải thích, trả lời cho họ. Theo quan điểm của Levinson, khả năng xây dựng các mối quan hệ lãng mạn nghiêm túc chỉ xuất hiện sau 30 tuổi.

Mối quan hệ thân tình của chàng trai với cô gái mà anh ta yêu có khả năng cổ vũ, động viên, đáp ứng yêu cầu của anh ta. Nếu cô gái ủng hộ những niềm hy vọng của chàng trai trẻ và biết khoan dung với những nhược điểm của anh ta, thì có thể giúp cho anh ta tự tin hơn vào khả năng thực hiện được khát vọng của mình. Theo Levinson, nhu cầu của một người đàn ông có một người phụ nữ thân tình với tư cách là người cổ vũ, động viên sau này sẽ giảm đi vào giai đoạn giữa của cuộc đời (Giữa tuổi trung niên) vào thời gian khi phần lớn trong số họ đạt được tính tự chủ và uy quyền cao.

 Sự phân chia các giai đoạn cuộc đời phụ nữ theo Levinson

Levinson đã tiến hành nghiên cứu một nhóm gồm 45 phụ nữ, 15 người trong số đó làm công việc nội trợ, 15 người làm kinh doanh, còn 15 người còn lại làm trong ngành giáo dục đại học. Một phần số liệu thu thập được đã khẳng định lý thuyết của ông là bước vào tuổi trưởng thành người ta có các hoài bão nhất định, tìm kiếm thầy giáo, lựa chọn nghề nghiệp và thiết lập các mối quan hệ thân tình. Mô hình phát triển đối với nữ giới của Levinson đưa ra cũng giống mô hình của nam giới, tuy nhiên có một số sự khác biệt. Mô hình này cũng xem xét cả thời kì khủng hoảng quá độ biến động ở khoảng độ tuổi 30, là thời gian có những hoài nghi và không thoả mãn, khi người phụ nữ phải xem xét các mục tiêu nghề nghiệp và lối sống của mình. Tuy vậy, kinh nghiệm của phụ nữ rõ ràng là khác với kinh nghiệm của nam giới. Ngoài ra, mặc dù Levinson khẳng định rằng các thời kỳ chuyển tiếp ở nam cũng như nữ đều có những liên hệ chặt chẽ với độ tuổi, nhiều nhà nghiên cứu lại thấy rằng các giai đoạn của cuộc sống gia đình mới là chỉ báo đối với nữ giới, chứ không phải là độ tuổi (Harris, Ellicot & Hommes, 1986). Các bước ngoặt và những sự khủng hoảng ở phụ nữ có thể ít liên quan với độ tuổi hơn là với các sự kiện như: Sinh con hoặc khi chồng hoặc đứa con sống tách khỏi ra đình.

Những khác biệt về khát vọng: Rất có thể sự khác biệt rõ rệt nhất giữa các giới là ở chỗ họ xác định khát vọng của mình như thế nào. Sự khác biệt này thực sự đáng kể đến nỗi Levinson coi đó là sự khác biệt có tính chất giới tính. Trong khi nam giới chỉ nghĩ đến công danh thì nhiều phụ nữ lại hướng tới “khát vọng kép”. Theo công trình của Levinson, phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng như phụ nữ làm việc kinh doanh đều muốn kết hợp con đường công danh ca hôn nhân, mặc dù bằng cách khác nhau. Những phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục ít hiếu danh hơn và họ sẵn sàng từ bỏ con đường công danh của mình sau khi sinh con với điều kiện được hoà nhập vào hoạt động trí óc tích cực trong môi trường gần gũi của mình. Những phụ nữ làm trong lĩnh vực kinh doanh mong muốn tiếp tục con đường công danh của mình nhưng đều nói thời gian và công sức dành cho công việc sẽ giảm đi sau khi sinh con. Chỉ một số ít trong số những người phụ nữ làm nội trợ - cũng giống như nam giới – chỉ một khát vọng mong muốn ở nhà với vai trò làm vợ và làm mẹ.

Tương tự, phần lớn phụ nữ trong các nghiên cứu khác với phương pháp của Levinson đều nói về khát vọng bao gồm sự nghiệp và hôn nhân, song phần lớn họ coi trong việc xây dựng gia đình hơn. Chỉ có một số ít phụ nữ có khát vọng nhiều hơn vào con đường công danh; còn số phụ nữ cho rằng tương lai của họ chỉ làm vợ và làm mẹ là rất ít. Tuy nhiên, thậm chí những phụ nữ mong ước cả công danh và hôn nhân cũng vấn muốn những khát vọng của mình được kết hợp hài hoà với những mục tiêu của người chồng và thực hiện được những niềm mơ ước có tính truyền thống trong một phong cách sống hiện đại hơn (Roberts, Newton, 1987).

Nhiều phụ nữ đã bày tỏ sự không đồng tình của mình về “khát vọng kép” (Droege, 1982). Một số người cho rằng sự nghiệp và gia đình không thể cùng tồn tại. họ thấy rất khó khăn trong việc liên kết công danh với gia đình. Ví dụ, mặc dù các đồng nghiệp và những người trong gia đình thường cho rằng những người phụ nữ kinh doanh là những người thành đạt. xong bản thân những người phụ nữ này lại cho rằng họ đã hy sinh một trong số những ước mơ lớn của mình để thực hiện cái ước mơ kia (Roberts, Newton, 1987).

Những khác biệt về các mối quan hệ với người hướng dẫn (“thầy giáo”): Người ta phát hiện ra rằng so với nam giới, nữ giới thường ít có mối quan hệ qua lại với người hướng dẫn. Nguyên nhân có thể là do hiện nay còn thiếu những người phụ nữ là lãnh đạo, thủ lĩnh hoặc nhà tư vấn, những người bảo trợ… có thể thực hiện vai trò người hướng dẫn đối với những người phụ nữ trẻ tuổi mong muốn có được công danh trong sự nghiệp. Nếu thầy giáo là nam giới thì những lôi cuốn tình dục có thể gây ra trở ngại trong mối quan hệ của họ (Roberts, Newton, 1987). Đôi khi người chồng hoặc người tình đóng vai trò người thầy giáo, xong các trường hợp tương tự, chức năng nhà giáo thường trở lên phức tạp do có những nhu cầu xung đột. Nếu phụ nữ bảo vệ tính độc lập của mình và hoàn toàn dành cho bước đường công danh hoặc đấu tranh cho sự bình đẳng trong các mối quan hệ giữa họ thì chồng hoặc người tình đôi khi không ủng hộ họ.

Phụ nữ cũng có thể có các các vấn đề về việc tìm một người động viên với tư cách là người động viên, cổ vũ, ủng hộ ước mơ, khát vọng của họ (Droege, 1982). Trên thực tế, người đó thường là chồng hoặc người yêu của cô, nhất là trong thời kỳ không có cha mẹ bên cạnh ở tuổi đầu trưởng thành. Tuy nhiên, những đối tác (Kể cả chồng hoặc người yêu) là những người đàn ông có quan điểm truyền thống ít khi ủng hộ khát vọng của phụ nữ nếu những người phụ nữ đó bắt đầu đe doạ ưu thế của họ trong các mối quan hệ. Nói một cách khác, những đối tác – nam giới có thể không thực hiện mọi chức năng của họ với tư cách là người động viên trong việc thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và sự nghiệp của người phụ nữ.

Sự khác biệt về phát triển đường công danh: Phụ nữ không chỉ có những khó khăn so với nam giới trong việc tìm kiếm một người có khả năng góp phần thực hiện những khát vọng của cô mà cả bước đường công danh của cô cũng hình thành muộn hơn. Trong tác phẩm trước đây của Levinson (Levinson, 1978) có nhận định rằng phần lớn nam giới “kết thúc giai đoạn thích ứng nghề nghiệp và hoàn toàn có được một chỗ đứng của người trưởng thành trong nghề nghiệp” vào cuối thời kỳ ở độ tuổi 30. Lúc đó họ đã không còn là người học việc nữa. Trái lại, phụ nữ có được vị trí này chỉ sau khi đến tuổi trung niên (Droege, 1982; Furst, Stewart, 1977). Rutth Droege phát hiện ra rằng một số phụ nữ đã ổn định nghề nghiệp của mình vào thời kỳ từ 20 đến 30 tuổi, song phần lớn họ vẫn trong giai đoạn của người học việc đến tuổi 40 và thậm chí còn muộn hơn. Bà cũng nhận xét rằng người phụ nữ vào tuổi trung niên còn nghĩ nhiều về những thành tựu sẽ đạt được trong công tác và không có ý định tổng kết, đánh giá lại các mục tiêu nghề nghiệp hoặc những thành quả lao động của mình. Trong một tác phẩm khác (Adams, 1983) nhận định rằng nhóm phụ nữ - luật sư có thể thành công trong sự nghiệp ở độ tuổi 30, song tiếp theo phần lớn trong số họ đã có sự quan tâm của mình từ quan tâm tới sự nghiệp sang việc thoả mãn các mối quan hệ cá nhân.

Sự khác biệt trong việc đánh giá lại (Xem xét lại các mục tiêu): Trong thời kỳ chuyển tiếp ở độ tuổi 30 có những stress đối với phụ nữ cũng như nam giới. Xong ở hai giới này cũng có những phản ứng khác nhau đối với quá trình đánh giá lại ở trong giai đoạn này. Nam giới có thể thay đổi nghề nghiệp hoặc phong cách sống của mình, nhưng vẫn trung thành với công việc và sự nghiệp. Trái lại, phụ nữ thường thay đổi những mục tiêu đã lựa chọn ở đầu tuổi trưởng thành (Adams, 1983; Droege, 1982; Levinson, 1990; Stewart, 1977). Những phụ nữ có định hướng vào gia đình và nuôi dạy con cái thường chuyển hướng vào mục tiêu phát triển sự nghiệp thì bây giờ lại tập trung vào gia đình và con cái

Thông qua những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng: Theo quan điểm của Levinson thì ông xác định nhiệm vụ chính của người trưởng thành đó là xây dựng con đường công danh sự nghiệp, đây là mối quan tâm sâu sắc nhất, sau đó mới đến các nhu cầu tình cảm, tâm lý, xã hội khác như: Thiết lập các mối quan hệ thân tình.
Lý thuyết về nhiệm vụ của người trưởng thành của Levinson là một lý thuyết mà chúng tôi cảm thấy có nhiều tính thực tiễn nhất và có thể áp dụng vào tuổi trưởng thành ở nhiều quốc gia, khu vực với những điều kiện kinh tế, văn hoá hay hoàn cảnh sống khác nhau. Chính vì vậy mà trong khuôn khổ hạn hẹp của đề tài chúng tôi muốn đối chiếu, so sánh lý thuyết của Levinson với thực tế những nhiệm vụ của người trưởng thành Việt Nam để xem những lý thuyết đó có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của người Việt Nam hay không, những điểm tương đồng và khác biệt đó là gì .
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ “Tâm lý học phát triển” – Nguyễn Văn Đồng, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004
2/ “Tâm lý học phát triển” – Vũ Thị Nho, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2003
3/ “Tập bài giảng Tâm lý học Nhân Cách” – Lê Khanh, Hà Nội, 2007
4/ “Lao động trí thức nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ
5/ “Đại từ điển Tiếng Việt” – Hoàng Phê, 1999
6/ “Từ điển Anh – Việt” – NXB Mũi Cà Mau, 2000
7/ “Những điều trọng yếu trong Tâm lý học” – Robert S. Feldman, NXB Thống kê
8/ “Tâm lý học phát triển” – Grace J. Craig, Don Baucum, Matxcơva, 2004 (Người dịch TS Hoàng Mộc Lan, PGS.TS Nguyễn Hữu Thụ, TS Lê Minh Loan, TS. Trương Khánh Hà, TS Nguyễn Minh Hằng)


theo :tamlyhoc.net/
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top