uocmo_kchodoi

Moderator
Trung Quốc đã từng có rất nhiều người đẹp nổi tiếng, tuy nhiên vừa xinh đẹp đến nghiêng nước nghiêng thành, vừa tài giỏi đến độ có thể làm khuynh đảo cả triều đại chính trị thì chỉ có 4 người sau được mệnh danh là Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời cổ. Bốn nàng có nhan sắc vượt trội người phàm và được người đời miêu tả bằng 4 cụm từ sau:
  • "Trầm ngư" (cá chìm sâu dưới nước).
  • "Lạc nhạn" (chim nhạn sa xuống đất).
  • "Bế nguyệt" (mặt Trăng phải giấu mình).
  • "Tu hoa" (khiến hoa phải xấu hổ).
1. Tây Thi

tay-thi.jpg

Tây Thi một trong tứ đại mỹ nhân Trung quốc có vẻ đẹp mê hồn. (Ảnh minh họa).​

Cuối thời Xuân Thu, Tây Thi vốn là một cô gái giặt lụa Trữ La (phía Nam Chư Kị, tỉnh Chiết Giang ngày nay) ở nước Việt. Năm 494 trước Công nguyên, nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Việt vương là Câu Tiễn dâng Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai. Nàng trở thành một phi tử được Phù Sai rất sủng ái. Năm 473 trước Công nguyên, nước Việt diệt lại nước Ngô, truyền thuyết kể rằng Tây Thi theo quan đại phu Phạm Lãi của nước Việt bỏ vào Tây Hồ.

2. Đại mỹ nhân thứ hai là Vương Chiêu Quân

vuong-chieu-quan.jpg

Vương Chiêu Quân một mỹ nhân thông thạo đàn tỳ bà và tứ nghệ cầm, kỳ, thi, họa. (Ảnh minh họa).​

Vương Chiêu Quân tên thật là Vương Tường. Nàng vốn là một cung nữ của Hán Nguyên Đế. Năm 33 trước Công nguyên, chúa Thiền vu Hồ Hán Tà của thị tộc Hung Nô xin hòa với triều đình nhà Hán. Chiêu Quân tự nguyện xin đi xa lấy chúa Hung Nô và được phong là Ninh Hồ Yên Hung. Trong hơn 60 năm Vương Chiêu Quân đi hòa thân, Hung Nô và triều đình nhà Hán đối xử với nhau rất hòa thuận. Vương Chiêu Quân là người đã cống hiến rất nhiều cho an ninh quốc gia và quan hệ hòa bình giữa hai dân tộc.

3. Đại mỹ nhân thứ ba là Điêu Thuyền

dieu-thuyen.jpg

Điêu Thuyền một kỳ nữ thông minh, mưu lược. (Ảnh minh họa).​

Một nhân vật trong bộ tiểu thuyết cổ điển trứ danh Tam Quốc diễn nghĩa. Nàng sống dưới đời Hán Hiến Đế (191 - 220 sau Công nguyên). Điêu Thuyền là ca kỹ trong phủ quan Tư đồ Vương Doãn (chức quan quản lý ruộng đất và nhân khẩu trong nước). Vì thái sư Đổng Trác chuyên quyền hoành hành tàn bạo, Điêu Thuyền muốn góp phần diệt trừ Đổng Trác đã tự nguyện hiến thân giúp Vương Doãn, dùng kế liên hoàn ly gián quan hệ giữa Đổng Trác và con nuôi của hắn là đại tướng Lã Bố. Cuối cùng Điêu Thuyền đã mượn được tay Lã Bố giết Đổng Trác.

4. Đại mỹ nhân thứ tư là Dương Ngọc Hoàn

duong-ngoc-hoan.jpg

Một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại - Dương Quý Phi. (Ảnh minh họa).​

Đời Đường. Năm 745 sau Công nguyên, nàng được Đường Huyền Tông phong làm quý phi. Dương Ngọc Hoàn thật ra không quan tâm gì đến chuyện chính trị trong triều đình, nhưng vì nàng được Đường Huyền Tông hết sức yêu quý, cho nên không những chị và em gái nàng đều được phong làm phu nhân mà cả đến người anh em con chú con bác của nàng là Dương Quốc Trung cũng có thể thao túng việc triều đình. Năm 775 sau Công nguyên, An Lộc Sơn dấy binh làm loạn với danh nghĩa diệt trừ Dương Quốc Trung. Sau khi Dương Quốc Trung bị giết, Dương Ngọc Hoàn cũng bị treo cổ.

Vì sao lại dùng những cụm từ này để miêu tả vẻ đẹp của 04 nàng?

Trầm ngư (cá chìm sâu dưới nước)

Đó là nàng Tây Thi, tương truyền nàng đẹp đến nỗi ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn. Một hôm, nàng cùng các thôn nữ khác đến bên sông giặt giũ, khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy nàng, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng xưng tụng nàng là "Trầm Ngư".

Lạc nhạn (chim nhạn sa xuống đất)

Truyền thuyết nói rằng, khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn "Xuất tái khúc". Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. bấy giờ nàng được xưng tụng là "Lạc nhạn".

Bế nguyệt (Mặt trăng phải giấu mình)

Giai thoại kể rằng, khi Điêu Thuyền ra ngoài trời đêm bái trăng thì mây kéo đến che khuất mặt trăng. Vương Doãn cho là lạ, lại muốn làm tôn lên vẻ đẹp của con gái, nên nói rằng Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải giấu mình. Từ đó, nàng được mọi người xưng tụng nhan sắc là "Bế nguyệt".

Tu hoa (khiến hoa phải xấu hổ)

Tương truyền, một hôm Quý phi đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kềm được, buông lời than thở: "Hoa à, hoa à! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?". Lời chưa dứt lệ đã tuông rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ngờ, nàng sờ phải là loại hoa trinh nữ (cây xấu hổ). Lúc này, có một cung nga nhìn thấy, người cung nga đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, Dương Ngọc Hoàn được ví với cụm từ "Tu hoa".

Nguồn: khoahoc.tv​
 
TÂY THI - HỒNG NHAN BẠC PHẬN
1. Xuất thân nàng Tây Thi và nhan sắc chim sa cá lặn của nàng

Tây Thi có tên thật là Thi Di Quang, con gái của một người kiếm củi họ Thi ở núi Trữ La, Gia Lãm, thời Xuân Thu. Giai thoại về nàng là một trong những điển tích được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Dù quanh năm chỉ biết lấy công việc dệt vải làm thú vui mỗi ngày, đôi khi còn nhăn mặt vì quá mệt mỏi song nhan sắc kiều diễm mà nàng đang sở hữu vẫn chẳng hề thay đổi.

Theo sử sách ghi chép: “Tây Thi đẹp tới mức ‘chim sa cá lặn’, chỉ cần hiện diện ở đâu là cây cối nghiêng ngả còn vạn vật thì dường như đắm chìm bởi dung nhan quá đỗi hoàn hảo từ nàng - người đứng đầu trong hàng Tứ đại Mỹ nhân thời bấy giờ”.

tay-thi-1.jpg

Tây Thi xuất thân là một người con gái chuyên làm nghề dệt vải ở núi Trữ Gia.

2. Giai thoại về cuộc đời đầy sóng gió của nàng Tây Thi

Cuộc đời của nàng Tây Thi bắt đầu gặp sóng gió khi Câu Tiễn, vua của nước Việt thời Xuân Thu chiến quốc bị Ngô Phù Sai đánh cho mất nước do không nghe lời can ngăn của tướng tài Phạm Lãi và Văn Chủng.

Trước khi Câu Tiễn bị bắt sang làm nô lệ cho quân địch, Văn Chủng đã nói ông hãy dùng mỹ nhân kế, hiến hai người đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” là Tây Thi cùng Trịnh Đán vào tay vua Ngô để làm gian tế.

Nước Việt còn cống nạp thêm vàng bạc châu báu, ngoài mặt tỏ ý phục tùng nhưng bên trong lại ẩn chứa hàng loạt mưu kế sâu xa. Bởi nếu Ngô vương lao vào ăn chơi, đắm chìm trong tửu sắc thì việc phục thù của họ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

tay-thi-2.jpg

Tương truyền, nàng sở hữu nhan sắc “chim sa cá lặn” khiến vạn vật đều phải mê đắm.

Vốn háo sắc, vua Ngô lập tức tiếp nhận khi được cống tiến hai mỹ nữ với nhan sắc tuyệt vời, đồng thời khen nước Việt rất có lòng trung thành với bậc Vương quyền nên ra lệnh ban thưởng.

Tuy nhiên, trước lời nói hào sảng mà bề trên dành cho kẻ chiến bại thì Ngũ Tử Tư lại vội vàng khuyên rằng: "Đại vương không được nhận. Hiền sĩ là báu vật quốc gia, mỹ nữ là họa quốc gia. Hạ diệt vọng vì Muội Hỉ, Thương diệt vong vì Đắc Kỷ, Chu diệt vong vì Bao Tự".

tay-thi-3.jpg

Số phận của nàng Tây Thi sau khi nước Ngô diệt vong
vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp.

Phù Sai đã hạ lệnh cho xây đài Cô Tô và cung Xuân Tiêu làm chốn hưởng lạc cùng các mỹ nhân. Ngoài ra, do Tây Thi rất giỏi điệu múa "gõ guốc" nên ông bèn dựng thêm một cái đài lớn để nàng trình diễn mỗi ngày.

Thấy vua Ngô quá chìm đắm vào tửu sắc mà quên chuyện triều chính, vị vua chiến bại Câu Tiễn đã nhanh chóng lên kế hoạch trả thù cho riêng mình. Tương truyền: “Vì mải mê với mỹ nhân mà Phù Sai mất nước, nước Ngô bị quân Việt xâm lấn và đánh bại. Cuối cùng, vua phải Ngô sai sứ giả mang nhiều của cải sai sang giảng hòa khiến nước Việt không ngừng lớn mạnh.

Cuối cùng, hối hận vì không nghe lời Ngũ Viên từng nói nên Phù Sai liền dùng dao cắt cổ mà chết. Ông được Câu Tiễn sai người mang chôn cất và trở thành vị vua cuối cùng của nước Ngô”.

3. Số phận nàng Tây Thi sau khi nước Ngô diệt vong

Trên thực tế, về kết cục của Tây Thi, trong lịch sử tồn tại nhiều cách nói khác nhau.

Có thuyết nói rằng, sau khi cuộc chiến tranh Ngô Việt kết thúc, Tây Thi đã trở về quê cũ ở suối Nhã Na dưới chân núi Trữ La, sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời một cách hạnh phúc. Tuy nhiên, những giả thuyết này không hề tìm thấy những căn cứ xác thực trong sử sách. Có lẽ, nó chỉ là mong ước mang tính nhân văn của các nhà văn, nhà thơ đời sau, những con người vốn mang một trái tim nhạy cảm.

Một thuyết khác, “hiện thực” hơn, nói rằng, Tây Thi đã bị dìm ở dưới nước đến chết. Trong sách “Hắc tử” có đoạn chép: “Cái chết của Bỉ Can, gọi là chống đối vậy; Cái chết Mạnh Bôn gọi là dũng vậy; Cái chết của Tây Thi gọi là đẹp vậy,…”.

Cuốn sách này được viết vào thời Chiến Quốc, cách thời đại của Tây Thi không xa, những nhân vật được nhắc đến trong sách, từ Bỉ Can, Ngô Khởi đều có thật. Vì vậy, nếu như nhân vật Tây Thi được nhắc tới ở đây chính là nhân vật Tây Thi mà chúng ta đang nhắc tới thì việc Tây Thi bị dìm ở dưới nước mà chết là có thực.

Ngoài ra, trong sách “Ngô Việt Xuân thu” cũng có đoạn chép: “Nước Ngô bị diệt, Tây Thi bị giết”. Sách “Ngô Việt Xuâ Thu dật biên” cũng ghi rõ: “Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, người Việt kéo Tây Thi ra sông, cho vào bao rồi ném xuống nước cho chết”. Trong cùng thời kỳ này, Ngũ Tử Tư cũng bị bỏ vào bao rồi ném xuống sông Tiền Đường để giết chết. Theo những truyền thuyết dân gian, hiện tượng nước triều sông Tiền Đường nổi danh ở Trung Quốc là do nỗi oán hận của linh hồn Ngũ Tử Tư dưới dòng sông mà tạo thành.

Trong cả ba giả thuyết nêu trên thì giả thuyết cuối cùng được người ta cho là gần với sự thực hơn cả. Bởi lẽ, nếu như Tây Thi thực sự tồn tại thì cô cũng chỉ là một mỹ nhân bị những người đàn ông sử dụng trong các cuộc tranh giành chính trị của mình. Vì vậy, việc Tây Thi bị giết sau khi đại nghiệp tiêu diệt nước Ngô hoàn thành âu cũng là lẽ thường tình. Việc Phạm Lãi bỏ chốn và Văn Chủng bị Câu Tiễn giết đã chưng minh rất rõ điều này.

4. Tranh cãi về thực hư nàng Tây Thi có thật hay không


Đến nay, nàng Tây Thi - một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa là người thực hay chỉ là hư cấu vẫn còn là đề tài tranh cãi.

Trong bài thơ “Việt tuyệt thư” của nhà thơ đời Đường, Tống Chi Vấn và vở tạp kịch “Cán sa ký” của Lương Chấn Ngư thời nhà Tống thì cho rằng Tây Thi chỉ là một nhân vật hư cấu để thực hiện mỹ nhân kế, minh họa cho quan điểm “Phụ nữ là nguồn gốc của sự mất nước".

Hay nhiều giả thuyết phủ nhận sự tồn tại của Tây Thi mà cho rằng tên Tây Thi chỉ dùng để gọi chung những người con gái đẹp thời xưa chứ không phải tên một mỹ nữ cụ thể. Sử sách thời Tiên Tần cũng không đề cập tới dữ kiện Câu Tiễn sử dụng Tây Thi làm mỹ nhân kế. Nhưng sự kiện lịch sử thời Đông Hán có chép rằng: "Việt tìm được mỹ nữ Tây Thi, Trịnh Đán rồi sai đại phu là Văn Chủng mang tới hiến cho Ngô Vương Phù Sai".

Căn cứ cho rằng nàng Tây Thy là không có thật:


Những người cho rằng Tây Thi không tồn tại cho rằng có năm căn cứ chứng tỏ Tây Thi chỉ là một nhân vật hoàn toàn hư cấu:

Thứ nhất, theo ghi chép của những sử liệu đáng tin cậy nhất thì từ hai cuộc chiến tranh giữa Ngô và Việt cho tới việc Việt Vương Câu Tiễn sau khi bại trận phải tới nước Ngô làm con tin, nếm mật nằm gai trong thân phận một kẻ nô lệ rồi sau này trả được mối thù mất nước tất cả đều được ghi chép rất rõ ràng. Tuy nhiên, những sử liệu này lại hoàn toàn không có một từ nào nhắc tới Tây Thi.

Sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên cũng chép rõ kết cục của Phạm Lãi rằng: “Phạm Lãi mang theo gia quyết và đồ đệ cưỡi thuyền ra biển rồi không về nữa… Khi tới đất Tề thì định cư ở đó, cha con làm ăn buôn bán, trở thành người giàu có nổi tiếng khắp vùng. Người trong thiên hạ gọi là Đào Chu Công”. Rõ ràng, Sử Ký không có một chữ nào nhắc tới Tây Thi.

“Sử ký” được viết cách thời kỳ Xuân Thu không xa, thêm nữa, một nhân vật đóng vai trò quan trọng như Tây Thi trong cuộc chiến tranh Ngô – Việt, Tư Mã Thiên không thể nào lờ đi như vậy được. Do vậy, ở đây chỉ có một khả năng duy nhất chính là Tây Thi không hề tồn tại thực.

Thứ hai, Tây Thi vốn là danh từ mà người cổ đại dùng để chỉ những người con gái đẹp nói chung chứ không phải là tên gọi. Điều này có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ trong các sách của chư tử thời Tiên Tần. Trong đó, quan trọng nhất là một câu trong sách “Quản tử”, cuốn sách xuất hiện trước cả thời Việt Vương Câu Tiễn tới 200 năm: “Mao tường, tây thi là từ dùng để chỉ những người con gái đẹp trong thiên hạ vậy”. Tây Thi là cô gái con nhà chặt củi sống ở nước Việt, thời Việt Vương Câu Tiễn, vì vậy, có lý do gì lại khiến cô mỹ nhân lừng danh thiên hạ này xuất hiện trong một cuốn sách xuất hiện trước đó cả trăm năm?

Thứ ba, sự việc Việt Vương Câu Tiễn sử dụng Tây Thi làm “mỹ nhân kế” không thấy được ghi chép trong các sử sách thời Tiên Tần. Chỉ tới thời Đông Hán, mới xuất hiện tác phẩm tên là “Việt tuyệt thư” mới bắt đầu gán cho Tây Thi trọng trách nặng nề là làm suy bại nước Ngô. Trong sách này có chép: “Việt tìm được mỹ nữ Tây Thi, Trịnh Đán rồi sai đại phu là Văn Chủng mang tới hiến cho Ngô Vương Phù Sai”.

Cũng từ tác phẩm này trở đi, việc Tây Thi trở thành một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh giữa Ngô và Việt mới bắt đầu thịnh hành và đi vào các truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, không giống như “Sử ký”, “Việt tuyệt thư” hoàn toàn không phải là một cuốn sử. Hơn nữa, đến tác giả của tác phẩm này cho tới nay vẫn chưa xác định được. Do vậy, việc lấy nội dung sách “Việt tuyệt thư” để khẳng định sự tồn tại của Tây Thi là không đáng tin cậy.

Thứ tư, một trong những người thường được coi là tác giả của “Việt tuyệt thư” là Viên Khang và Ngô Bình, hai văn nhân thời Đông Hán. Thời kỳ này còn có một tác giả khác tên là Triệu Diệp, trong tác phẩm “Ngô Việt xuân thu” đã hoàn thiện nốt câu chuyện đã được hai tác giả họ Viên và họ Ngô viết trong tác phẩm của mình, khiến câu chuyện “mỹ nhân kế” càng thêm hoàn chỉnh. Người đời sau căn cứ vào các tác phẩm “Việt tuyệt thư” và “Ngô Việt xuân thu” biến thành những truyền thuyết đẫm màu sắc huyền thoại về mỹ nhân Tây Thi.

Các bia ký ở địa phương, theo những truyền thuyết này càng thêm mắm thêm muối, biến những câu chuyện vốn được hư cấu về Tây Thi biến thành những câu chuyện có thực. Quan trọng hơn, vấn đề nằm ở chỗ, trong khi “Sử ký” và những cuốn chính sử khác không có lấy một dòng về Tây Thi thì vì sao Viên Khang, Ngô Bình và Triệu Diệp lại có thể biết được chuyện này và kể lại một cách lâm li, khúc chiết đến thế?

Mặc dù bí ẩn nàng Tây Thi đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" trong lịch sử Trung Hoa chưa được xác thực rõ ràng, nhưng huyền thoại về nhan sắc của Tây Thi vẫn nổi tiếng tới ngày nay. Liệu có thực sự tồn tại một nàng Tây Thy hoàn hảo như vậy, hay chỉ là một nhân vật hư cấu để thuê dệt nên câu chuyện mỹ nhân kế, minh họa cho quan điểm “Phụ nữ là nguồn gốc của sự mất nước”, và là một cách để bảo vệ cho Ngô Vương Phù Sai rằng ông ta có mất nước cũng là vì bị người phụ nữ đẹp kia mê hoặc.

Nguồn: Sưu tầm​
 
CUỘC ĐỜI BẤT HẠNH CỦA NÀNG VƯƠNG CHIÊU QUÂN
1. Xuất thân của mỹ nhân lạc nhạn Vương Chiêu Quân

Vương Chiêu Quân tên thật là Vương Tường. Vương Tường sinh ra trong một gia đình thường dân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Vương Chiêu Quân được coi là "á hậu" trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc xưa, vẻ đẹp chỉ xếp sau Tây Thi. Nàng là một trong hai đại mỹ nhân của triều Hán. Cùng với nàng Triệu Phi Yến, Chiêu Quân đi vào lịch sử như một người đẹp có nhiều cống hiến cho hòa bình giữa người Hán và người Hung Nô. Nàng nổi tiếng với nhan sắc được ví như "lạc nhạn", nghĩa là sắc đẹp khiến chim đang bay cũng phải ngẩn ngơ đến mức ngừng vẫy cánh mà rơi xuống đất.

Được trời phú cho nhan sắc tuyệt trần và sự thông minh, lại thông thạo cầm, kì, thi, họa nên năm 14 tuổi (khoảng sau năm 40 TCN) Vương Tường đã được tuyển vào nội cung của vua Hán Nguyên Đế.

2. Hành trình từ một cung nữ tới người được nhiều vị vua si mê

Mặc dù được tuyển vào nội cung từ năm 14 tuổi, nhưng số phận đã không mỉm cười ngay với mỹ nhân này khi mà suốt 3 năm ở trong chốn hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được vua sủng hạnh, nàng vẫn còn là một trinh nữ.

Lúc mới vào cung, Vương Tường mặc dù rất xinh đẹp nhưng trong hậu cung, có hàng ngàn cung nữ trẻ đẹp nên Hán Nguyên Đế không có thời gian và sức khỏe để ghé thăm tất cả cung nữ. Hoàng đế bèn nghĩ ra một kế sách, đó là ra lệnh cho một họa sĩ có tên Mao Diên Thọ, hàng ngày họa sĩ này sẽ đi khắp hậu cung xem mặt các cung nữ rồi vẽ tranh dâng lên cho vua xem mặt mà chọn người. Mao Diên Thọ nghiễm nhiên trở thành người quyền lực với các cung nữ. Tuy nhiên, gã họa sĩ này lại không mấy công bằng. Hễ người nào họ Mao yêu quý, sẽ vẽ cho thật đẹp để được vua chọn lựa, để ý. Trái lại, người nào Mao Diên Thọ ghét, gã sẽ vẽ xấu đi để cả đời phải sống trong lãnh cung. Bởi thế mới có chuyện các cung nữ phải "đút lót" gã họa sĩ này, người có của thì đút lót bằng vàng, người không có thì phải nhắm mắt làm ngơ để hắn sàm sỡ mà đồng ý vẽ tranh thật đẹp dâng lên vua.
Không may thay, Vương Tường lại rơi vào tầm ngắm của Mao Diên Thọ. Hắn gạ gẫm nàng, hoặc là để gã sàm sỡ, bằng không sẽ phải đút lót bằng vàng mới đồng ý vẽ tranh đẹp cho. Nhưng Vương Tường đã không chấp nhận cả hai phương án đó. Vốn là người có năng khiếu vẽ nên nàng đã tự họa chân dung mình với hy vọng sẽ được vua sủng hạnh, chọn lựa và sớm sinh được hoàng tử cho vua. Tuy nhiên, Mao Diên Thọ cũng không phải dạng vừa, khi dâng tranh lên Hán Nguyên Đế, hắn đã dùng bút thêm một nốt ruồi sát phu vào dưới khóe mắt của Vương Tường.

vuong-chieu-quan.jpg

Dương Mịch là nữ diễn viên từng rất thành công khi tái hiện lại hình ảnh mỹ nhânVương Chiêu Quân (Ảnh minh họa).​
Tất nhiên, nhìn bức tranh vẽ một người phụ nữ có khiếm khuyết như vậy, không đời nào Hán Nguyên Đế lựa chọn Vương Tường. Còn nàng thì ôm mối sầu và tuyệt vọng trong cung vì vẫn mãi không được vua đoái hoài đến.

Năm 33 Trước Công nguyên, vua Hung Nô là Hồ Hàn Tà cử người sang nhà Hán xin kết hôn với công chúa nhà Hán để tăng tình hòa hiếu hai nước. Biết được tin này, các công chúa nhà Hán đều khóc lóc, đòi tự sát chứ nhất quyết không sang Hung Nô làm vợ vị vua già. Hán Nguyên Đế bèn nghĩ ra cách nhận một cung nữ làm công chúa của mình để gả cho vua Hung Nô. Trong khi các cung nữ khác đều sợ sẽ bị chỉ định thì Vương Tường đã quá mệt mỏi với 3 năm buồn bã trong cung mà không được vua ngó ngàng tới, nàng quyết chí đi. Hơn nữa, vốn là một người thông minh nên Vương Tường muốn tận dụng cơ hội gặp mặt Hán Nguyên Đế này để hỏi xem vì sao vua không ỏ ê đến mình.

Vừa nghe tên Vương Chiêu Quân ứng cử, Hán Nguyên Đế tỏ vẻ rất hài lòng, vì ông nghĩ người con gái có tướng sát phu này sẽ là điềm ám với kẻ thù - vua Hung Nô. Khi Chiêu Quân trang điểm lộng lẫy xuất hiện trước mặt vua Hán Quyên Đế, lúc này vua như chết đứng khi thấy dung nhan lộng lẫy, cách đối đáp chừng mực, cử chỉ tao nhã của nàng. Ông tự trách mình vì sao một cung nữ xinh đẹp nhường ấy mà bấy lâu nay không nhận ra. Nhưng "sự đã rồi", giờ hoàng đế không thể lừa dối nhà Hung Nô được, đồng thời vua cũng không thể làm gì vì Vương Chiêu Quân lúc đó đã mang danh nghĩa con gái vua. Sử sách kể lại, khi Hán Nguyên Đế tiễn Vương Chiêu Quân lên đường, nước mắt rơi đầy mặt, còn Chiêu Quân cũng lã chã tuôn rơi.

Cuộc sống ở Hung Nô với mỹ nhân Vương Chiêu Quân không hề hạnh phúc, cho dù, Hồ Hàn Tà rất si mê Chiêu Quân và chiều chuộng nàng. Bởi lẽ, vua Hung Nô đã quá già nên không còn phong độ nữa, và thêm một lý do khác là người Hung Nô quen sống du mục, chăn nuôi nên người không được thơm tho cho lắm. Có sách viết rằng: Cuộc sống với một ông già lười tắm không phải là hạnh phúc của thiếu nữ mới 17 như Chiêu Quân. Tuy nhiên, nàng vẫn phải cắn răng phục vụ chỉ cần sơ sẩy là ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ở nơi xứ người không bạn bè, không người thân thích, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống của Vương Chiêu Quân rơi vào tình cảnh vô cùng buồn bã. Ngày ngày, nàng gần như chỉ biết đến 4 bức tường và chờ trời tối để hầu hạ vua Hung Nô. Vương Chiêu Quân sinh cho vua Hung Nô 2 người con và sống với vua được 2 năm thì Hồ Hàn Tà qua đời.

Theo luật của Hung Nô, khi vua qua đời, vua mới lên ngôi sẽ nạp luôn vợ của cha và Vương Chiêu Quân lại phải hầu hạ tiếp con trai cả của Hồ Hàn Tà. Vốn trước đó Phục Chu - con trai vua Hồ Hàn Tà đã say mê nhan sắc của Vương Chiêu Quân, vì vậy khi vua cha vừa mất, hắn đã cưới luôn Chiêu Quân làm vợ.

Như vậy, suốt cả cuộc đời mình, hạnh phúc chưa một lần mỉm cười với mỹ nhân Vương Chiêu Quân. Khi còn trẻ đẹp, nàng không được vua sủng hạnh chỉ vì bị gã họa sĩ hèn hạ chơi xấu, rồi nàng phải rời xa quê hương, hy sinh hạnh phúc riêng để quan hệ giữa hai quốc gia được tốt đẹp. Chiêu Quân cũng sinh được 2 người con với người vua mới của Hung Nô. Nàng chẳng bao giờ cười, cứ thế sống lặng lẽ cho đến cuối đời ở nơi đất khách.

Danh tiếng Vương Chiêu Quân đã đi vào lịch sử như một sứ giả hòa bình. Sự hy sinh của Chiêu Quân giúp nhà Hán được yên ổn ở phía Bắc, khỏi bị Hung Nô đánh trong 60 năm.

Về cái chết của Chiêu Quân cũng có nhiều giả thuyết. Có giả thuyết cho rằng, nàng đến Nhạn Môn Quan gieo mình xuống sông tự vẫn. Cũng có giả thuyết khác là Chiêu Quân đến đất Hồ, nàng yêu cầu thiền vu Hồ giết chết gian thần Mao Diên Thọ, rồi sau đó nàng tìm cách tự tử, nhảy xuống sông để xác nàng theo dòng trôi trở về đất Trung Nguyên.

Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại "Thanh Trủng", lăng mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ.

Nguồn: afamily.vn
 
NÀNG ĐIÊU THUYỀN VÀ NHỮNG GIAI THOẠI LỊCH SỬ
1. Xuất thân

Mặc dù, trong các bộ chính sử, người ta hoàn toàn không tìm thấy bất cứ ghi chép nào về nguồn gốc xuất thân của mỹ nữ lừng danh này. Tuy nhiên, trong nhiều truyền thuyết dân gian thì Điêu Thuyền vốn họ Nhậm, tên là Hồng Xương, sinh sống dưới đời Hán Hiến Đế (190 - 220 sau Công Nguyên). Quê quán thì mỗi chuyện một phách, người nói ở Lâm Thao, người nói ở Mễ Chi, người lại nói ở Hân Châu.

Điêu Thuyền là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc thời cổ, cùng với Tây Thy là đại diện cho những số phận hồng nhan bạc mệnh.

Cái tên Điêu Thuyền trở nên lừng lẫy hơn là nhờ xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Ít ai ngờ rằng, một cô gái mong manh như vậy lại ẩn chứa một nguồn sức mạnh phi thường đủ để làm cho lịch sử phải thay đổi khi khiến liên minh Đổng Trác - Lữ Bố bị tan rã. Nhiều nhận định cho rằng Điêu Thuyền chính là “nữ tướng” mạnh nhất thời Tam Quốc.

2. Sức mạng từ vẻ đẹp và trí tuệ của Điêu Thuyền

Trong sử sách có viết Điêu Thuyền là con nuôi của Tư đồ Vương Doãn và được ông hết sức yêu chiều. Trong thời gian này, Đổng Trác với sự giúp đỡ của Lã Bố đã thâu tóm hết quyền binh, ám hại công thần và ăn chơi sa đọa. Đứng trước tình cảnh này, Vương Doãn và Điêu Thuyền đã bày kế ly gián liên hoàn nhằm lật đổ Đổng Trác.

Ông hứa gả nàng cho con nuôi Đổng Trác là Lã Bố, nhưng sau đó lại hiến nàng cho Đổng Trác. Điêu Thuyền một mặt khóc lóc với Lã Bố là mình bị Đổng Trác cướp đi và cưỡng bức, mặt khác lại nỉ non với Đổng Trác là mình bị Lã Bố sàm sỡ. Hai bố con nghi kỵ nhau, cuối cùng Lã Bố giết Đổng Trác. Người con gái bé nhỏ đã làm được điều mà cả vạn đấng mày râu vũ dũng bó tay đó là dùng trí thông minh ưu việt của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến cho Lã Bố phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Đổng Trác để giết, làm náo loạn Phụng Nghi Đình, từ đó mở ra thời đại Tam Quốc phân tranh.

bi-an-cuoc-doi-va-cai-chet-cua-dai-my-nhan-dieu-thuyen2%20phunutoday_vn.jpg

Âm mưu của Điêu Thuyền thành công khiến bố con nhà Lã Bố và Đổng Trách tự giết hại nhau

Sau đó, Điêu Thuyền trở thành thiếp của Lã Bố, khi Lã Bố bị bộ tướng của Đổng Trác là Lý Thôi đánh bại, Điêu Thuyền đã theo Lã Bố về Từ Châu. Sau khi Lã Bố bị Tào Tháo giết, Điêu Thuyền theo người nhà Lã Bố tới Hứa Xương. Từ đó, Điêu Thuyền “bặt vô âm tín”. Sự biến mất của Điêu Thuyền đã trở thành một dấu hỏi lớn từ thời anh hùng tranh bá cho tới khi thống nhất đất nước mà chưa có lời giải đáp.

3. Điêu Thuyền ra sao sau khi Lã Bố chết?

Số phận của Điêu Thuyền trong các truyền thuyết dân gian cũng có nhiều dị bản khác nhau. Có thuyết nói, Quan Vũ đã đem Điêu Thuyền giấu đi, Tào Tháo sau khi biết chuyện liền phái người đuổi bắt, Điêu Thuyền rút kiếm tự sát. Một thuyết khác lại nói, nhờ sự sắp xếp của Quan Vũ, Điêu Thuyền trở về quê hương, sống cho tới già. Cũng có người nói, sau khi về quê, Điêu Thuyền xuất gia làm ni cô, sống cuộc đời ẩn dật, yên bình.

bi-an-cuoc-doi-va-cai-chet-cua-dai-my-nhan-dieu-thuyen%20phunutoday_vn.jpg

Điều Thuyền và Lã Bố trong phim
Một thuyết khác nói, sau khi đánh bại Lã Bố và cướp được Điêu Thuyền, Tào Tháo bên ngoài thì tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ nhưng lại ngấm ngầm đồng ý ban mỹ nhân này cho Lưu Bị để chia rẽ mối quan hệ giữa Lưu và Quan. Biết được mưu đồ của Tào Tháo, Quan Vũ đã giết chết Điêu Thuyền.

Nhưng có nhận định rằng sau khi Lã Bố chết, Điêu Thuyền được Tào Tháo mang về Hứa Xương và làm nữ tì trong phủ thừa tướng. Sau đó, Tào Tháo đã dân 10 mỹ nữ cho Quan Vũ, trong đó có Điêu Thuyền khi thua trận, vừa nghe thấy tên Điêu Thuyền trong danh sách, Quan Vũ vuốt râu nói “được” rồi nhắm mắt làm ngơ, xua tay. Điêu Thuyền nghe vậy, biết ý Quan Vũ, bèn về phòng tự sát.

Nguồn: phunutoday​
 
DƯƠNG QUÝ PHI - MỸ NHÂN KHUYNH ĐẢO NHÀ ĐƯỜNG
1. Xuất thân

Dương Quý Phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn, sinh ngày 1-6-719, chết năm 756, tại Thục Quận ( nay là Thành Đô – tỉnh Tứ Xuyên), nguyên quán Bồ Châu ( nay là ngoại ô thành phố Tây An- tỉnh Thiểm Tây). Xuất thân trong gia đình quan lại giàu có, Dương Ngọc Hoàn vốn không phải lo tới chuyện cơm áo gạo tiền. Đến năm 10 tuổi khi cha mẹ mất thì nàng mới đến Lạc Dương (xưa là Đông Đô của nhà Đường, nay thuộc tỉnh Hà Nam), sống với nhà bác ruột.

Nàng sở hữu vẻ đẹp tròn trịa, phúc hậu, được ví như tu hoa, tức là đẹp đến nỗi hoa thấy cũng phải thu mình xấu hổ.

2. Cuộc đời từ cung nữ tới quý phi của mỹ nữ họ Dương


phi9.jpg

Tượng Dương Quý Phi trong khu mộ
Năm 17 tuổi, Võ Huệ Phi (phi tần của Đường Minh Hoàng) chọn cô làm vợ của hoàng tử thứ 18 của Đường Minh Hoàng là Thọ Vương Lý Mão, Dương Ngọc Hoàn trở thành Thọ Vương phi.

Khi Võ Huệ Phi chết, Đường Minh Hoàng mới lấy cớ để con dâu xuất gia làm đạo sĩ để chịu tang cho mẹ chồng, xem như xuất gia là thay đổi đời người, không còn là vợ của vương tử Lý Mão nữa. Chính vì vậy, sau thời gian chịu tang 1 năm hay vài tháng, Đường Minh Hoàng đã rước Dương Ngọc Hoàn vào cung, sắc phong làm Quý Phi, chính thức trở thành chồng của nàng, còn đứa con bị mất vợ đẹp cũng không dám hó hé. Trong lịch sử Trung Quốc, vào thời Đường, cũng từng xảy ra chuyện loạn luân như vậy, đó là Võ Tắc Thiên, vừa làm vợ cho cha là Đường Thái Tông, vừa làm vợ cho con là Đường Cao Tông.

Vì đã trải qua hai mối tình với cả hai cha con, lại được sủng ái quá mức nên các quần thần trong triều không ai chịu quy phục nàng cả. Họ luôn nói xấu sau lưng hoặc ngấm ngầm đả kích vị Quý phi họ Dương bằng lời lẽ cay đắng, thậm chí còn tìm cách hạ bệ người đẹp.

Không được tấn phong Hoàng hậu vì quá xinh đẹp và được sủng ái quá mức

Từ việc bị triều thần ghét bỏ, người đời mới dần suy đoán được lý do khiến mỹ nữ họ Dương không được tấn phong làm Hoàng hậu. Dẫu vậy, vốn rất hiểu chuyện nên nàng cũng chẳng bao giờ nhắc tới vấn đề ấy với vua.

Sử sách từng viết: “Ngọc Hoàn luôn nghĩ rằng, phi tần mà được sủng ai nhiều như vậy thì cũng chẳng khác gì ngôi vị ‘mẫu nghi thiên hạ’, chi bằng cứ an phận thì có khi còn được yêu chiều hơn”.

duong-quy-phi-4.jpg

Ngọc Hoàn chưa từng được tấn phong làm Hoàng hậu.
Cứ nghĩ Dương Quý Phi sẽ được yên bình, nào ngờ triều thần lại càng tỏ ra bất bình trước sự sủng ái vô điều kiện mà vua Đường Huyền Tông dành cho nàng. Họ cho rằng vì lý do ấy mà ông thường xuyên bỏ bê việc triều chính khiến dân tình rơi vào cảnh lầm than.

Tương truyền: “Đường Huyền Tông vì quá yêu mến người đẹp nên không màng tới chính sự, giao hết mọi việc cho tể tướng Lý Lâm Phủ - một kẻ thích trục lợi bất chính nên đất nước mới khốn đốn suốt 19 năm trời, còn nhiều hiền lương trong triều bị sát hại không thương tiếc.

Đây chính là nguyên nhân làm mỹ nữ xinh đẹp phải sống mãi với ngôi vị Quý Phi. Ngay cả nhà vua cũng không dám tấn phong nàng làm Hoàng hậu bởi mọi chuyện đang quá rối ren”.

duong-quy-phi-5.jpg

Các triều thần khẳng định Ngọc Hoàn là mối đại họa của nhà Đường, là người khiến nhà Đường lâm vào cảnh bi đát.
Có giai thoại nói, Dương Quý Phi sau này còn qua lại với An Lộc Sơn, con nuôi của Đường Huyền Tông.

3. Bí ẩn cái chết của Dương Qúy Phi

Từ khi Đường Minh Hoàng có Dương Quý Phi bên cạnh đã bỏ bê triều chính, mọi việc lớn nhỏ giao cho anh họ bà con của Dương Quý Phi là thừa tướng Dương Quốc Trung lo liệu, nên gây ra cảnh lộng quyền, hơn nữa, cũng vì muốn đoạt người đẹp về tay mình, nên An Lộc Sơn dấy binh tạo phản vào năm 755 để cướp ngôi lẫn cướp người đẹp.

Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi chạy sang Tứ Xuyên lánh nạn. Trên đường đi, quân lính đổ mọi tội lỗi lên đầu Dương Quý Phi, cho rằng chính người đẹp đã dùng sắc đẹp mê hoặc vua chúa, khiến ông bỏ bê triều chính, cũng là vì sắc đẹp mới có để An Lộc Sơn phải dấy binh tạo phản.

Dưới sức ép của binh lính, buộc Đường Minh Hoàng xử tử Dương Quý Phi, cô bị xiết cổ chết, lúc chết Dương Quý Phi 38 tuổi. Sau khi chết, xác quý phi chỉ là chôn vội ven đường, sau đó binh lính hành quân tiếp.

Sử sách ghi chép như vậy, nhưng cũng có 1 phiên bản khác là Dương Quý Phi được cứu, có người chết thay, nàng trốn sang… Nhật và định cư ở Nhật, từng giúp đỡ Thiên hoàng của Nhật thoát khỏi cuộc chính biến, sống thọ đến 68 tuổi, nên sau khi chết được an táng tại Nhật, và nhiều phụ nữ Nhật tự xưng là hậu duệ của Dương Quý Phi!

Điều này hoàn toàn là không thể, vì vua sai hoạn quan Cao Lực Sĩ xiết chết Dương Quý Phi, còn phải đem thi thể cho quan lính kiểm tra, nên không thể có chuyện trốn thoát sang Nhật định cư được.

Có thuyết thì cho rằng cô nàng đã sang… Hàn Quốc ( xưa gọi là Cao Ly), hay lưu lạc trong dân gian. Nhưng phim ảnh đã dựa vào thuyết trên để hư cấu thêm, như phim Dương Quý Phi bí sử cũng làm như vậy, khiến các nhà sử học Trung Quốc rất bất bình, cho rằng lịch sử bị bóp méo, giới trẻ sẽ không hiểu được sự thật lịch sử Trung Quốc nữa.

Các nhà tâm lý học thì phân tích rằng những giả thuyết cho rằng Dương Quý Phi không chết cũng xuất phát từ tâm lý ngưỡng mộ chuyện tình lãng mạn của họ, được thơ văn ca tụng, tâng bốc, đồng thời cũng là ước mơ kết thúc có hậu của người dân.

Năm 757, (sau khi Dương Quý Phi chết 2 năm) Đường Túc Tông dẹp loạn xong, Thái Thượng Hoàng Đường Minh Hoàng cho người xây lại mộ cho quý phi. Hiện tại mộ của Dương Quý Phi ở tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An 60km ( xưa là kinh đô nhà Đường, với tên Trường An ), trở thành điểm tham quan, du lịch, di sản văn hóa cấp tỉnh.

Nhưng ít ai biết rằng, đây chỉ là mộ gió, xác của Dương Quý Phi bị chôn vội trên đường đi lánh nạn, nên vài năm sau đã không tìm lại được tung tích. Do đó, chỉ xây mộ gió tại khu vực bị xử tử để tưởng niệm mà thôi.



mophi.jpg

Mộ Dương Quý Phi ở Thiểm Tây
Các du khách thường nghe theo truyền thuyết kể rằng, đất xung quanh nấm mộ của Dương Quý Phi trắng đặc biệt, có tác dụng làm trắng da, nên du khách đến viếng mộ thường lấy ít đất xung quanh đem về thoa mặt. Nay để tránh phá hoại di tích, ban quản lý đã cho rào lại xung quanh khu mộ, và cấm du khách lấy đất về.

Như vậy trên đây là bài viết tóm tắt lại cuộc đời của Dương Quý Phi, mỹ nhân làm khuynh đảo cả nhà Đường. Sở dĩ có nhiều tình tiết khác với các bộ phim về Dương Quý Phi của Trung Quốc vì , khi lên màn ảnh nhỏ, để cho hấp dẫn người xem, đạo diễn thường bóp méo hình ảnh người đẹp Dương Quý Phi và thêm thắt hư cấu nhiều tình huống trái với lịch sử.

Và qua những câu chuyện về các người đẹp Trung Quốc thời Xuân Thu, ta thấy rằng vào thời đại chế độ quân chủ chuyên chế đúng là không phải khi nào nhan sắc cũng mang lại điều tốt lành. Xét cho cung những mỹ nữ này có ai thực sự hạnh phúc trong suốt quãng đời của mình?


Nguồn: Sưu tầm, tổng hợp​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top