Nhân cách và sự phát triển văn hóa xã hội ở tuổi thiếu niên

Hide Nguyễn

Du mục số
Thiếu niên thường có khả năng kết hợp một cách khéo léo giữa sự trưởng thành với tính ngây thơ trong quá trình chuyển đổi từ trẻ em thành người lớn. Bên cạnh đó, sự kết hợp vụng về và đôi khi là nực cười này giữ chức năng quan trọng trong sự phát triển. Thiếu niên vượt qua được những cú sốc do thay đổi về cơ thể và vai trò mới như thế nào phụ thuộc nhiều vào sự phát triển nhân cách của các em trong những năm trước đó. Để vượt qua những vấn đề mới này các em phải huy động những hiểu biết, nguồn dự trữ và sức mạnh được tích luỹ trước đó.

Trong chương trước chúng ta thấy rằng, giai đoạn chuyển đổi từ trẻ em thành người lớn khác nhau rất nhiều ở các nền văn hoá. ở một số xã hội, việc trở thành người lớn đạt được một cách dễ dàng và nhanh chóng, bởi vì những xã hội này rất cần những con người trưởng thành mới và thường xuyên có nhu cầu với nhóm dậy thì mới. Ngược lại, ở các nước công nghiệp, để việc chuyển đổi thành người lớn thành công thì đòi hỏi phảI có sự giáo dục thường xuyên và sự chuẩn bị nghề nghiệp. ở những xã hội này, lứa tuổi thiếu niên bắt đầu từ khi phát dục và kéo dài ít nhất là tới 18 - 19 tuổi và nhiều hơn nữa, như vậy, thiếu niên được rèn giũa trong một thời gian dàI. Mặc dù đã có sự trưởng thành về mặt thể chất và trí tuệ nhưng nhiều thiếu niên không được giao những công việc quan trọng.

Giai đoạn thiếu niên kéo dàI, một mặt, mang lại cho các em nhiều cơ hội thực nghiệm những kiểu hành vi khác nhau của người lớn, mặt khác, tạo nên những căng thẳng và mâu thuẫn nhất định. Chẳng hạn, muốn trở thành người tự lập, lĩnh hội những kinh nghiệm cá nhân nhưng lại phụ thuộc bố mẹ về tài chính.

Một số thiếu niên gặp phải áp lực mạnh mẽ từ phía người lớn, những người mong muốn con mình thành đạt và có vị thế xã hội cao, điều mà bản thân họ không đạt được (Elkind, 1998). Thiếu niên phải vượt qua áp lực bên ngoàI cũng như áp lực bên trong. Ngoài ra, các em cần phải hoàn thành những giai đoạn cơ bản của sự phát triển và vận dụng những kết quả này vào việc đồng nhất về chức năng. Trong chương này chúng ta sẽ thấy: Thiếu niên vượt qua những vấn đề nêu trên như thế nào? Họ trải nghiệm những chiến thắng và thất bại của mình như thế nào? Thiếu niên lĩnh hội các chuẩn mực và giá trị xã hội, giáo dục lòng trung thành và trở thành người trưởng thành như thế nào? Tham gia vào quá trình này có cha mẹ và những bạn cùng lứa bao gồm nhóm và những người bạn thân, sự lựa chọn ở đây rất phong phú, bởi chính sự đa dạng của xã hội. Chúng ta sẽ phân tích những khó khăn trong quá trình này và các kiểu hành vi không thích nghi cơ bản dẫn tới nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện, phạm tội, trầm cảm và tự tử.

Những nhiệm vụ phát triển của lứa tuổi thiếu niên

Mỗi giai đoạn phát triển của cuộc đời đòi hỏi những kỹ năng và câu trả lời mới, dó đó có những vấn đề và khó khăn khác nhau. Đa số các nhà nghiên cứu tán thành rằng, thiếu niên gặp phải 2 nhiệm vụ cơ bản sau:

1. Dành được quyền tự quyết và độc lập với cha mẹ (ở các nền văn hoá khác nhau, điều này diễn ra dưới các hình thức khác nhau)

2. Hình thành tính đồng nhất, biểu hiện "cái tôi" sáng tạo và độc lập, kết hợp một cách hài hoà giữa các thành tố khác nhau của nhân cách. ở các nước phương Tây, lứa tuổi thiếu niên thường được xem xét như là giai đoạn "nổi loạn và bất trị", giai đọan xáo trộn mạnh mẽ trong tình cảm và hành vi. Nguồn gốc của thuật ngữ này xuất phát từ phong trào văn học Đức cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. (Sturm and Drang). Anna Freud sử dụng thuật ngữ này để biểu thị trạng thái xúc cảm đặc trưng cho lứa tuổi thiếu niên. Bà đã đi xa tới mức khẳng định rằng: "là một người bình thường ở lứa tuổi thiếu niên nghĩa là điều không bình thường" (1958, tr. 275). A.Freud, những người theo quan điểm của Freud và sau đó là những người theo chủ nghĩa Freud mới chứng minh rằng, bắt đầu sự chín muồi về mặt sinh học và ham muốn tình dục mạnh lên gây ra mâu thuẫn với những bạn cùng lứa, với cha mẹ.

Các em thiếu niên có hay gặp phải những điều khó chịu không? Vâng, với một số em thì có. Tuy nhiên chúng ta biết rằng, phần lớn các em trải qua giai đoạn này một cách thầm lặng. Phần đông các em thích ứng tốt và không có mâu thuẫn bên trong gay gắt, cũng như là không có vấn đề với cha mẹ và những bạn cùng lứa, chỉ có từ 10 đến 20 % thiếu niên có những rối loạn về tâm lý, và tỷ lệ này cũng giống như ở người lớn. (Powers et al, 1989)

Sự độc lập và sự phụ thuộc lẫn nhau

Theo quan điểm thống trị hiện nay, thì thiếu niên sử dụng xung đột và quậy phá để giành được quyền tự quyết và sự độc lập với cha mẹ. Từ giữa những năm 1960, các phương tiện truyền thông chú ý nhiều đến vấn đề "đoạn giao giữa các thế hệ" và mâu thuẫn gay gắt giữa cha mẹ và con cái. Lịch sử vấn đề này phong phú và đầy rẫy bế tắc, tuy nhiên chỉ có một số lượng nghiên cứu rất ít ỏi khẳng định điều này. Phần lớn các công trình trong lĩnh vực này cho thấy, mâu thuẫn giữa thiếu niên và gia đình đã bị thổi phồng đáng kể.

Mặc dù ở giai đọan đầu tuổi thiếu niên, khoảng cách xúc cảm giữa thiếu niên và cha mẹ nói chung là tăng lên (Steinberg), điều này không nhất thiết dẫn tới việc quậy phá hoặc là phủ định các giá trị của cha mẹ.
Daniel Offer và những đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu 6 nghìn thiếu niên ở 10 nước khác nhau: úc, Banglades, Hungari, Israel, ý, Nhật, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Tây Đức cũ dựa trên bảng hỏi nhằm nghiên cứu sự đánh giá của các em về các mối quan hệ trong gia đình(Offer, Ostrov, Howland & Atkison, 1998). Họ nhận thấy, ở tất cả các nước, số đông thiếu niên có quan hệ tốt với cha mẹ và đánh giá tích cực các mối quan hệ gia đình, chỉ có một tỷ lệ không lớn thiếu niên đồng ý với những khẳng định tiêu cực sau:

Cha mẹ em xấu hổ vì em (7%)
Em đã từ lâu không hài lòng với cha mẹ (9%)
Em rất thường xuyên thấy mẹ em xử sự không đúng (9%)
Em rất thường xuyên thấy cha em xử sự không đúng (9%)
Trong tương lai, em sẽ làm cha mẹ thất vọng (11%)

Câu trả lời của thiếu niên ở các nước khác nhau có khác nhau chút ít, điều này nhấn mạnh tới tầm quan trọng của ngữ cảnh văn hoá trong sự phát triển của thiếu niên. Chẳng hạn, thiếu niên Israel thông báo về những mối quan hệ gia đình tích cực hơn, có thể là do sự quan tâm đặc biệt trong các gia đình thuộc nền văn hoá châu Âu truyền thống. Nói chung, những số liệu của Offer đối lập hoàn toàn với quan điểm của Freud cho rằng, mâu thuẫn do những nhu cầu và những thay đổi về mặt sinh học là không tránh khỏi.

Cần phải xem xét lại quan điểm về quyền tự quyết như là sự thoát khỏi ảnh hưởng của bố mẹ. Khi phân tích sự độc lập thì cần phải hiểu rằng bố mẹ vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới các em trong và sau khi kết thúc tuổi thiếu niên. John Hill đề xuất một cách tiếp cận lý thú với việc tìm kiếm tự do cho thiếu niên. Ông đi đến kết luận, có thể xác định quyền tự quyết thông qua việc tự điều chỉnh. Quyền tự quyết được hiểu như là việc tiếp nhận những đánh giá riêng và điều chỉnh hành vi của mình, điều này có thể xác định bằng câu "Hãy suy nghĩ về chính bản thân mình". Nhiều thiếu niên học chính cách này. Các em đánh giá lại những luật lệ, những giá trị và những hạn chế của lứa tuổi trẻ em khi ở nhà và ở trường học. Đôi khi các em gặp phải sự chống đối quyết liệt của cha mẹ, điều này có thể dẫn tới mâu thuẫn. Bên cạnh đó, thông thường cha mẹ cùng với các em cố gắng vượt qua vấn đề này bằng cách giảm bớt phạm vi mâu thuẫn, giúp các em phát triển tư duy độc lập và tự điều chỉnh hành vi của mình (Hill, 1987).

Chắn chắn rằng, việc trở thành người lớn sẽ dần dần kết thúc. Bước chuyển đổi này cùng một lúc đòi hỏi sự độc lập và sự phụ thuộc lẫn nhau. Mối liên hệ lẫn nhau có thể xác định như sự phụ thuộc lẫn nhau. Những quan hệ xã hội phụ thuộc lẫn nhau, chẳng hạn, các mối quan hệ trong công việc. Những nhà kinh doanh phụ thuộc vào sản phẩm mà những người công nhân sản xuất ra, những người công nhân phụ thuộc vào sự lãnh đạo nhà máy thành công của nhà kinh doanh. Như vậy sự phụ thuộc lẫn nhau là những trách nhiệm lâu dài và làm gắn kết mọi người với nhau (Enlligem, 1987).
Hình thành tính đồng nhất

Trước tuổi thiếu niên, chúng ta coi mình xuất phát từ một loạt những vai: bạn, thù, sinh viên, người thủ môn, người chơi đàn ghi ta, và cả trên cơ sở là thành viên của nhóm bạn tri kỷ, của câu lạc bộ hoặc là của nhóm bạn nào đó. ở giai đoạn này với khả năng nhận thức rộng hơn (Chương 11) cho phép chúng ta phân tích chúng, làm rõ các thành tố không phù hợp, xung đột, và sắp sếp lại các vai này, dần dần tiến gần tới sự đồng nhất của bản thân. Đôi khi chúng ta từ bỏ những vai trước đó; trong một số trường hợp chúng ta thiết lập những mối quan hệ mới với cha mẹ, anh chị em và những bạn cùng lứa. Erikson chỉ ra những cản trở cơ bản mà thiếu niên cần phải vượt qua để trở thành người lớn một cách thành công trong việc hình thành tính đồng nhất. Bước chuyển tiếp sẽ thuận lợi khi các em có biểu tượng rõ ràng về mình là ai, và về các biện pháp thích nghi với các mối quan hệ xã hội.

Các yếu tố ảnh hưởng tới đồng nhất. Nhiều ý tưởng của thiếu niên về vai trò và về giá trị được xác định bởi việc các em thuộc nhóm tham chiếu nào. Nhóm xã hội tham chiếu có thể gồm các cá nhân mà thiếu niên thường xuyên tác động qua lại và có mối quan hệ qua lại gần gũi. Những nhóm này có thể là những nhóm xã hội lớn hơn mà thiếu niên chia sẻ lý tưởng, chẳng hạn: tôn giáo, dân tộc, bạn cùng lứa hoặc là nhóm những người cùng sở thích, thậm chí là cả nhóm những người tán gẫu trên Internet. Không phụ thuộc vào số lượng thành viên, những nhóm tham chiếu có thể tán thành hoặc là bác bỏ những giá trị cũ của các em và đôi khi hình thành những giá trị mới.

Thiếu niên phải đồng tình với những nhóm tham chiếu khác nhau. Việc là thành viên của các nhóm ở thời thơ ấu một cách hiển nhiên - như gia đình, hàng xóm hoặc là cộng đồng tôn giáo không còn là điều sang trọng và thích thú như trước kia nữa. Nhiều khi các em cảm thấy mâu thuẫn về thái độ trung thực với gia đình, với những bạn cùng trang lứa và những nhóm tham chiếu khác.

Đôi khi, những giá trị và những mục đích của cá nhân nào đó, chứ không phải là của nhóm tham chiếu thu hút các em. Đó có thể là người bạn thân, thầy/cô giáo mà các em yêu quý, anh trai hoặc là chị gái, nhân vật trong phim, thể thao hoặc là một người nào đó có tư tưởng và hành vi làm cho thiếu niên khâm phục. Mặc dù nhân vật có ý nghĩa này có thể ảnh hưởng đến mọi giai đoạn của cuộc đời, nhưng nó ảnh hưởng đặc biệt tới lứa tuổi thiếu niên.

Như vậy, thiếu niên đóng rất nhiều vai do các nhóm tham chiếu và mọi người yêu cầu. Những vai này cần phải liên kết vào sự đồng nhất cá nhân, còn những thành tố mâu thuẫn trong các vai cần phải được hoà giải hoặc là loại bỏ. Quá trình này còn phức tạp hơn khi có mâu thuẫn về vai, chẳng hạn: mâu thuẫn giữa việc là thành viên của nhóm bạn cùng lứa và vai một người học trò tốt; hoặc là khi có mâu thuẫn giữa những người có uy tín khác, chẳng hạn: mâu thuẫn giữa anh trai hoặc là chị gái với người yêu.

Học thuyết đồng nhất của Ericson.Trong các nghiên cứu của mình, Ericson quan tâm nhiều tới vấn đề của thiếu niên và của những người mới trưởng thành. Công trình của ông về quá trình thiết lập "cảm xúc nội tâm về tính đồng nhất" đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý học phát triển. Theo Ericson, việc hình thành tính đồng nhất thường là quá trình lâu dài và phức tạp của việc tự ý thức. Việc hình thành tính đồng nhất đảm bảo cho quá khứ, hiện tại và tương lai của cá nhân không bị gián đọan. Nó xác định việc tổ chức và thực hiện hành vi trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nó dung hoà thiên hướng và tài năng của bản thân cá nhân với những vai mà cha mẹ, bạn cùng lứa hoặc là xã hội giao cho trước đây. Nó cũng cung cấp nền tảng cho việc so sánh xã hội để giúp con người hiểu vị trí của mình trong xã hội. Kết quả là cảm giác đồng nhất mang lại xu hướng, mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống của con người (Ericson, 1989)

Các kiểu hình thành tính đồng nhất. James Marcia phát triển học thuyết của Ericson và xác định 4 trạng thái khác nhau hay là 4 dạng hình thành tính đồng nhất. Các dạng hoặc là "các quy chế đồng nhất" bao gồm: quyết định sơ bộ, khuyếch tán, trì hoãn và đồng nhất. Bên cạnh đó, còn phải tính đến: Cá nhân có trải qua giai đoạn ra quyết định được gọi là khủng hoảng đồng nhất hay không? Cá nhân có chịu trách nhiệm về những lựa chọn như: hệ thống giá trị hoặc kế hoạch về nghề nghiệp trong tương lai hay không?

Dạng quyết định sơ bộ, thiếu niên nhận những trách nhiệm khi còn chưa đạt tới giai đoạn quyết định. Các em lựa chọn nghề nghiệp, các quan điểm tôn giáo, lý tưởng và các khía cạnh khác về sự đồng nhất của mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn này các em đã làm sớm hơn và thường hay do bố mẹ hoặc thầy cô xác định chứ không phải là bản thân các em. Bước chuyển tiếp thành người lớn của các em diễn ra suôn sẻ và chỉ gặp những mâu thuẫn không đáng kể, nhưng trong bước chuyển tiếp này không có sự thử nghiệm tích cực.

Dạng khuyếch tán, thanh niên không có định hướng hoặc là thậm chí không có cả mong muốn định hướng. Những em này không bị khủng hoảng và không lựa chọn nghề nghiệp hoặc mã hành vi cho bản thân mình. Đơn giản là các em chốn tránh đụng chạm tới vấn đề này. Một số em thoả mãn một cách hời hợt (một cách vô bổ) những nhu cầu và mong muốn của mình; một số khác thực nghiệm những mục đích và những dạng hành vi khác nhau khi không có kế hoạch và mục đích cụ thể (Cote, Levine, 1988).

Những thiếu niên và những người mới trưởng thành ở dạng trì hoãn nằm ở khoảng giữa của khủng hoảng đồng nhất hoặc là ở giữa giai đoạn ra quyết định. Những quyết định này có thể liên quan tới việc lựa chọn nghề nghiệp, những giá trị tôn giáo hoặc là triết lý dân tộc. Thiếu niên dạng này khao khát "tìm kiếm bản thân"

Cuối cùng là đạt được đồng nhất. Đó là dạng đồng nhất đối với những người đã trải qua khủng hoảng đồng nhất và nhận những trách nhiệm của bản thân. Kết quả là họ tự lựa chọn công việc của mình và cố gắng sống theo những quy tắc đạo đức do chính mình thiết lập. Giai đọan này thường được xem như giai đoạn mong muốn nhất và trưởng thành nhất (Marcia, 1980).

Hệ quả của các dạng đồng nhất. Những kết quả nghiên cứu cho phép kết luận rằng dạng đồng nhất ảnh hưởng sâu sắc tới những mong đợi xã hội, hình ảnh "cái tôi" và phản ứng với sốc của thiếu niên. Ngoài ra, những nghiên cứu xuyên văn hoá ở Mĩ, Đan Mạch, Israel và ở những nước khác cho phép giả định rằng, ít nhất là đối với những nền văn hoá có giai đoạn thiếu niên kéo dài và định hướng theo chủ nghĩa cá nhân thì 4 dạng đồng nhất của Marcia là một phần của quá trình phát triển toàn diện. Hãy khảo sát 4 dạng đồng nhất tác động qua lại với một số vấn đề của lứa tuổi thiếu niên ở những nền văn hoá này như thế nào.

Lo âu là cảm xúc thống trị ở những thanh niên trong dạng trì hoãn, nó là hậu quả của việc trần chừ. Các em thường xuyên đấu tranh với những giá trị và những sở thích xung đột với nhau, thường xuyên gặp phải những điều bất ngờ và những điều mâu thuẫn. Các em có mối quan hệ lưỡng cực với cha mẹ; đấu tranh đòi tự do, các em sợ cha mẹ không hài lòng hoặc là tức giận khi không hài lòng với những hành động của các em. Nhiều sinh viên các trường cao đẳng nằm trong dạng trì hoãn.

Ngược lại, những thiếu niên ở dạng quyết định sơ bộ cảm thấy ít lo âu hơn. Những giá trị của các em độc đoán hơn so với những thiếu niên ở các dạng khác, các em có sự ràng buộc mạnh mẽ và tích cực với những người có ý nghĩa. Những nam thanh niên trong dạng quyết định sơ bộ có xu hướng đánh giá mình thấp hơn so với nam thanh niên ở dạng trì hoãn và những người khác dễ làm cho họ thay đổi quan điểm của mình trong vấn đề nào đó.

Có thể, dạng khuyếch tán thường hay gặp ở những thiếu niên do cha mẹ lạc hậu hoặc là không quan tâm, bỏ rơi hoặc là miệt thị các em. Các em có thể bỏ học, uống rượu hoặc sử dụng ma tuý. Những em có cha mẹ "thờ ơ" thường hay uống rượu nhiều hơn (Chương 8).

Những thiếu niên đạt được đồng nhất có cảm giác cân bằng với cha mẹ và với gia đình mình hơn. Việc tìm kiếm tự do của các em ít mang tính xúc cảm hơn so với những thiếu niên ở dạng trì hoãn và không có cảm giác bị cô lập và bị bỏ rơi như những em ở dạng khuyếch tán (Marcia, 1980).

Rõ ràng, số lượng người ở dạng đạt được đồng nhất tăng lên cùng lứa tuổi. ở lứa tuổi PTTH số lượng các em ở dạng khuyếch tán và quyết định sơ bộ nhiều hơn một cách đáng kể so với dạng trì hoãn và đạt được sự đồng nhất. Phụ thuộc vào khía cạnh xem xét, dạng đồng nhất cũng có thể khác nhau. Học sinh trung học phổ thông có thể nằm trong tình trạng quyết định sơ bộ đối với những ưu việt của giới tính, trong tình trạng trì hoãn đối với việc lựa chọn nghề nghiệp hoặc là niềm tin tôn giáo và trong tình trạng khuyếch tán đối với triết lý chính trị.

Những khác biệt về giới. Marcia và các nhà nghiên cứu khác đã nhận thấy những khác nhau đáng kể giữa nam và nữ trong hành vi và thái độ khi nằm ở những dạng đồng nhất khác nhau. Chẳng hạn, nam giới ở dạng đạt được đồng nhất và trì hoãn thông thường có sự tự đánh giá cao bản thân. Nữ giới ở những dạng này lại có nhiều mâu thuẫn không tháo gỡ được, đặc biệt là đối với gia đình và lựa chọn nghề nghiệp.

Những nghiên cứu tiếp theo khẳng định phần nào những số liệu ban đầu, nhưng cho phép hình dung về vấn đề một cách sâu sắc hơn. Chẳng hạn, Saly Archer nhận thấy, đối với gia đình và đối với việc lựa chọn nghề nghiệp, học sinh nữ PTTH thường hay nằm trong dạng quyết đinh sơ bộ, còn học sinh nam trong dạng khuyếch tán. Hơn nữa, những nữ thiếu niên ở dạng quyết định sơ bộ và trì hoãn thể hiện tính bất định lớn khi giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến nghề nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, cả những nam thanh niên và nữ thiếu niên đều nói rằng họ có kế hoạch kết hôn, nuôi dạy con cái và hoạt động nghề nghiệp. Những nữ thiếu niên thường hay lo lắng về những mâu thuẫn có thể có giữa gia đình và nghề nghiệp. Khi hỏi về mức độ lo lắng, 75% nam thiếu niên và 16% nữ thiếu niên phủ nhận hoàn toàn sự có mặt của lo lắng, 25% nam thiếu niên và 42% nữ thiếu niên công nhận có sự lo lắng ở mức độ thấp, trong khi đó 0% nam thiếu niên và 42% nữ thiếu niên tuyên bố rằng họ cảm thấy rất lo lắng về những mâu thuẫn có thể có giữa gia đình và nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, nam thiếu niên kết hợp được cả đồng nhất bên trong nhân cách và đồng nhất liên nhân cách. (Lytel, Bakken & Roming, 1997).

Kết quả nghiên cứu rất khác nhau đối với các khía cạnh khác như: tôn giáo và lập trường chính trị. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy những khác biệt đáng kể về giới đối với tôn giáo. Có thể có những khác biệt đáng kể trong dạng đồng nhất giữa nam và nữ thiếu niên đối với lập trường chính trị: nam thiếu niên thường hay nằm ở Dạng đồng nhất, trong khi đó nữ thiếu niên thì nằm ở dạng quyết định sơ bộ (Waterman, 1985).

Hình thành đồng nhất, văn hoá và môi trường xung quanh. Như đã nói ở chương 2, học thuyết của Ericson chú ý nhiều tới vấn đề phát triển ở các xã hội phương Tây, nơi hướng tới việc hình thành tính cá nhân chứ không phải là hình thành tính nhóm và tính tập thể. Điều này ảnh hưởng lớn đến quan điểm của ông về việc hình thành tính đồng nhất ở lứa tuổi thiếu niên. Ericson đặc biệt chú ý tới việc hình thành nhân cách cá nhân, nhân cách tương đối tự trị, chứ không phải là thành viên của nhóm như ở các xã hội thuộc nền văn hoá tập thể, nơi ít quan tâm tới tính tự trị. Thường thì, ở các nền văn hóa tập thể, lợi ích của cá nhân phải phù hợp với lợi ích của nhóm. Trong trường hợp này, khái niệm “nhóm” có thể hiểu như là gia đình, bạn cùng lứa, hàng xóm, thành phố hoặc là xã hội nói chung. Như vậy, ở các nền văn hóa tập thể, trẻ em hoặc là thiếu niên ít để ý tới tính tự trị, mà sẵn sàng phụ thuộc vào người khác (Matsutomo, 2000). Chắc chắn rằng, học thuyết của Ericson nói chung là đúng với từng giai đoạn khủng hoảng, tuy nhiên có thể có những khác nhau rất lớn về cái mà mỗi nền văn hoá coi là chiếm ưu thế nhất trong việc giải quyết từng cuộc khủng hoảng (Matsutomo, 2000). Như vậy, tính đồng nhất cũng như học thuyết "cái tôi" có nguồn gốc sâu xa là nền văn hoá và môi trường xung quanh (Adams, Marshall, 1997; Porters, Duham&Catstilio, 2000; Yoder,2000).

Giả định của Marcia về các dạng đồng nhất ở lứa tuổi thiếu niên đã được kiểm chứng nhiều lần trong các nghiên cứu sau này. Và cho đến ngày nay những giả định này vẫn đúng. Mặc dù, một số nhà nghiên cứu khẳng định những dạng này không phải là các giai đoạn khác nhau rõ ràng hoặc không phải là những cách thức đạt được tính đồng nhất (Meeus, Iedama, Helsen&Vollenberg, 1999); một số khác cho rằng những dạng này ít nhất là có ích để hiểu trạng thái của thiếu niên và hiểu được những vấn đề của các em khi trở thành người lớn ở những xã hội có tuổi thiếu niên tương đối dài. (Jensen, Karlsen&Kroger, 1999). Nói chung, các dạng đồng nhất của thiếu niên không phụ thuộc vào nền văn hoá. Theo quan điểm của A. Waterman, văn hoá ảnh hưởng tới thời điểm hình thành các dạng đồng nhất, tới tính ổn định của những dạng đồng nhất và những khác biệt về giới (A. Waterman 1990). Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thiếu niên ở mỗi dạng đồng nhất phụ thuộc vào nền văn hoá và cả hệ tư tưởng và tôn giáo ( Markstrom-Adams, Smith, 1996; Taylor, Oskey, 1995)


Động thái gia đình

Trong suốt quá trình hình thành tính đồng nhất, thiếu niên luôn phải so sánh những giá trị và hành vi của bản thân với những giá trị và hành vi của gia đình mình. Một mặt, bằng tình thương yêu, các bậc cha mẹ làm cho các em có cảm giác an toàn và là chỗ dựa vững chắc cho các em. Mặt khác, họ khuyến khích các em trở thành người lớn tự lập, có khả năng hoạt động trong xã hội mà không phụ thuộc vào những người khác.
Chính sự tác động qua lại của cha mẹ với thiếu niên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự trưởng thành của các em. Hệ thống gia đình rất nhạy cảm: sự thay đổi hành vi của một thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người còn lại. Bởi vì, lứa tuổi thiếu niên là giai đoạn có những thay đổi đáng kể và thường là những thay đổi bi đát, do đó mà gia đình cũng như bản chất giao tiếp giữa các thế hệ cũng bị thay đổi theo.

Giao tiếp giữa các thế hệ

Nhu cầu tự quyết và tự lập xuất hiện ở thiếu niên thường dẫn tới một số xung đột trong gia đình và nhu cầu giao tiếp với cha mẹ trong quá trình giải quyết một số vấn đề tăng lên. Gia đình vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ tới thiếu niên, mặc dù quan hệ của các em với cha mẹ có phần rắc rối hơn. Những nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn giữa thiếu niên với gia đình ít hơn nhiều so với quan niệm của mọi người. Theo kết quả thu được, những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa cha mẹ và thiếu niên chỉ có ở 15 - 25% số gia đình. Thông thường, sự rắc rối xuất hiện trong những vấn đề thường ngày như: các công việc gia đình, thời gian về nhà, hẹn hò, kết quả học tập, hình dáng bên ngoài và kiểu cách ăn uống. Hiếm khi có mâu thuẫn giữa cha mẹ và thiếu niên về những giá trị quan trọng như: tôn giáo, xã hội và chính trị. (Hill, 1987). Một số tương đối ít thiếu niên trong giai đoạn học ở THPT hoặc là ở trường cao đẳng đưa ra quan điểm hoàn toàn độc lập về hệ tư tưởng (Waterman 1985)

Nói chung, đầu tuổi thiếu niên là thời kỳ mâu thuẫn mạnh hơn so với giai đoạn sau. Khi thiếu niên và cha mẹ mình trưởng thành hơn, họ sẽ hiểu thấu hơn về sự phức tạp của vấn đề tự trị và độc lập. Cả người lớn và thiếu niên phải ý thức được rằng nếu như họ có khả năng duy trì tiếp xúc và trao đổi quan điểm với nhau thì họ sẽ tâm đầu ý hợp để giải quyết những vấn đề phức tạp.

Cha và mẹ ảnh hưởng tới con cái ở các mức độ khác nhau. Mặc dù, việc miêu tả các mối quan hệ gia đình giữa nam thiếu niên và nữ thiếu niên có sự khác nhau không đáng kể (Hauser, 1987; Youniss, Keterlinus, 1987), nhưng hành vi và vai trò của mẹ và cha khác nhau đáng kể (Steinberg, 1987a). Thông thường, người cha hay khuyến khích phát triển trí tuệ, thường tranh luận và giải quyết các vấn đề gia đình. Kết quả là cả nam thiếu niên và nữ thiếu niên thường trao đổi những ý nghĩ và mhững điều mà mình quan tâm với cha. Quan hệ của thiếu niên với mẹ phức tạp hơn nhiều. Sự tác động qua lại giữa mẹ và các em thường diễn ra ở những việc như: công việc nội trợ, trách nhiệm gia đình, quy tắc (ở nhà cũng như ở những nơi khác) và việc nghỉ ngơi (Montemayor, Brownlee, 1987). Mặc dù những tác động qua lại này có thể gây nên những căng thẳng trong quan hệ, mâu thuẫn giữa mẹ và con cái, nhưng nó cũng làm cho họ gần gũi nhau hơn (Youniss, Keterlinus, 1987)

Phong cách giáo dục của cha mẹ. Chương 8 chúng ta đã thảo luận ảnh hưởng của những phong cách giáo dục tới đặc điểm tâm lý của trẻ. Những ảnh hưởng này tiếp diễn ở lứa tuổi thiếu niên. Phong cách uy tín (có xác xuất cao nhất) dẫn tới hành vi bình thường hoặc là lành mạnh của thiếu niên (Baumrind, 1991) với đặc điểm là thiếu niên hành động có trách nhiệm, độc lập và tự kiểm soát bản thân. Ngược lại, những thiếu niên được nhận phong cách giáo dục độc đoán có thể sẽ trở thành người phụ thuộc và hay lo lắng sự có mặt của những nhân vật có quyền lực hoặc là trở thành người xấc xược và xâm kích.

Mặc dù không phải bao giờ cũng đúng, nhưng người ta thường thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của phong cách giáo dục độc đoán, cũng như sự ảnh hưởng tích cực của phong cách giáo dục uy quyền ở các dân tộc khác nhau (Lamborn, Dornbush&Steinberg, 1996)

Những bậc cha mẹ có uy quyền sẽ có kiểu kiểm soát thiếu niên một cách thân thiện và đúng đắn, và điều này làm cho các em cảm thấy yên tâm. Bằng kiểu hành vi này, các bậc cha mẹ đã che chở những đứa con của mình. Khi bị thất bại thì đó không phải là điều không thể sửa chữa được, bởi vì các bậc cha mẹ giúp các em "hàn gắn những mẩu vở vụn" lại. Những bậc cha mẹ uy quyền cũng chú ý tới cả những thế mạnh trong năng lực nhận thức của các em. Cha mẹ và con cái có thể giao tiếp với nhau trên cơ sở tình yêu thương (Baumrind, 1987)

Khối liên minh gia đình. Khối liên minh gia đình đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp. Giống như phong cách giáo dục, khối liên minh gia đình hình thành hành vi từ trước lứa tuổi thiếu niên. Anh trai có ảnh hưởng lớn đến em trai ở thời thơ ấu thì cũng có thể có ảnh hưởng tới em trai ở mức độ như vậy ở lứa tuổi thiếu niên; con gái khi 6 tuổi là "con gái rượu của bố" cũng có thể sẽ trở thành người thân thiết với bố ở 16 tuổi.
Mặc dù khối liên minh giữa các thành viên của gia đình là lẽ hiển nhiên và lành mạnh, nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải ủng hộ nhau và có khoảng cách rõ ràng giữa mìng với con cái. Cha mẹ cũng phải cùng nhau giáo dục con cái; mối liên hệ chặt chẽ của một người với con cái sẽ đi kèm với việc con cái không có mối liên hệ với người kia. Điều này có thể có những hậu quả nghiêm trọng. Khi nằm ngoài các mối quan hệ, cha hoặc mẹ sẽ mất uy tín, mất ý nghĩa là một người trung gian trong quá trình xã hội hoá. Những kiểu mất cân bằng khác như: sự vắng mặt một người do ly hôn hoặc là ly thân cũng gây ra những vấn đề nhất định. Khi thiếu niên thử đóng những vai mới và cố gắng đạt tính đồng nhất mới, uy tín của cha (mẹ) ở những gia đình khuyết thiếu có thể bị phủ định.

Những thay đổi về cấu trúc gia đình

ảnh hưởng của gia đình trong thời kỳ chuyển tiếp mà chúng ta đã bàn tới ở chương trước, tiếp tục ảnh hưởng ở lứa tuổi thiếu niên.
Điều đáng quan tâm là những thay đổi trong các gia đình ở Mỹ ảnh hưởng như thế nào tới trách nhiệm của thiếu niên đối với những công việc gia đình. Kết quả hoàn toàn bất ngờ (Benin, Edwards, 1990). Những thiếu niên trong các gia đình có cả bố và mẹ đi làm thường ít làm việc nhà hơn so với những thiếu niên có mẹ không đi làm. Ngoài ra, phụ thuộc vào giới tính, những yêu cầu đối với các em là khác nhau. Chẳng hạn, những nam thiếu niên có cả bố và mẹ đi làm chỉ làm việc nhà bằng 1/3 thời gian so với những nam thiếu niên sống trong gia đình truyền thống. Bên cạnh đó, nữ thiếu niên có cả bố và mẹ đi làm thì làm việc nhà nhiều hơn 1/4 so với những nữ thiếu niên trong các gia đình truyền thống. Trong khi đó, những người mẹ mong đợi những đứa con gái và con trai sẽ làm khối lượng công việc nhà như nhau. Vì sao xảy ra điều này? Các nhà nghiên cứu nói rằng, những người mẹ đi làm tin tưởng con gái làm những việc gia đình hơn là tin con trai, vì vậy, họ hay giao việc cho con gái. Mẹ có thể bắt con trai làm những công việc nhà khi có sự chỉ đạo trực tiếp của mình.

Thiếu niên phản ứng như thế nào với những cú sốc do những thay đổi về cấu trúc gia đình? Một số em nhận thêm trách nhiệm về mình. Một số khác thể hiện những trải nghiệm tiêu cực một cách công khai và có những xung đột, dẫn tới là bị lôi kéo vào những hành vi chống đối xã hội, những hành vi bất bình thường. Tuy nhiên, một số em lại chọn cách sống xa gia đình để hướng tới hoạt động với bạn cùng lứa.

Sự thích nghi của những thiếu niên sẵn sàng sống xa gia đình là một công việc không đơn giản. Cha mẹ và con cái cần phải thoả hiệp lại các vai trò của mình. Các em cần tìm kiếm sự ủng hộ khác, chẳng hạn, giúp đỡ các em nhỏ bởi vì bằng cách đó các em sẽ lĩnh hội được tính độc lập nhanh hơn. Tính tự lập và tự khẳng định không phải là những phẩm chất tiêu cực, những phẩm chất này có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển. Một số gia đình thì khuyến khích có những phẩm chất này, còn một số khác thì phản đối chúng.

Các nhà nghiên cứu xác định 3 chỉ số về chức năng của gia đình. Tính cố kết, tính thích ứng và chất lượng giao tiếp (Barnes, Olsen, 1985) Tính cố kết và tính thích ứng của gia đình ở mức độ trung bình, chứ không phải là ở mức độ tốt nếu xảy ra hiện tượng sống xa gia đình. Gia đình tốt nhất là gia đình linh họat và thích ứng, nhưng không phải là tự do tới mức trở thành hỗn loạn. Gia đình phải có tính cố kết, chứ không phải là nơi làm "nghẹt thở" mọi người. Việc thích ứng với tình huống mới sẽ ít bị căng thẳng hơn nếu như các thành viên trong gia đình tính đến nguyện vọng và nhu cầu của từng người và thoả hiệp những thay đổi một cách hợp lý. Tính cố kết của gia đình có thể duy trì được nếu như cha mẹ và những thiếu niên muốn sống xa gia đình tác động qua lại với nhau như những nhân cách và thiết lập những mối qua hệ phụ thuộc lẫn nhau (Grotevant&Cooper, 1985)

Việc giao tiếp cởi mở sẽ bảo toàn tính cố kết của gia đình, bởi vì nó cho phép các thành viên hình dung về tình huống rõ ràng hơn và khắc phục các vấn đề đang xuất hiện.

Một số nhà nghiên cứu nói rằng những ông bố đóng vai trò quyết định trong việc giúp đỡ thiếu niên tìm thấy sự cân bằng cần thiết giữa phân ly và thống nhất, sự cân bằng kéo dài cho tới khi thiếu niên sẵn sàng sống xa gia đình. Những ông bố có thái độ quan tâm đến việc phân ly của con mình sẽ cung cấp cho các em "một không gian" nơi mà các em sẽ hình thành tính đồng nhất của bản thân và nhận trách nhiệm về những hành vi của mình. Nhìn chung, các em thiếu niên thường ít xung đột với bố hơn là với mẹ. Điều này làm xuất hiện ý nghĩa rằng bố ít can thiệp vào công việc của các em và tôn trọng sự độc lập của các em hơn là mẹ. Như vậy, thay vào chỗ phải tranh luận, nhiều thiếu niên có thể hành động theo sở thích của bản thân (Shulman, Klein, 1993).
Những gia đình khuyết thiếu có thể gặp phải những khó khăn trong việc giúp đỡ các em hình thành tính đồng nhất của bản thân và sống xa gia đình. Trong những gia đình này thì việc tham gia của một người lớn khác, chẳng hạn ông, cô chú hoặc là giáo viên, sẽ làm cho bước chuyển tiếp này trở đơn giản hơn đối với cả cha mẹ và cả các em (Dornbusch et at 1985)

Nguồn :tâmlyhoc.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top