Nhạc cụ và giọng hát

Mr.Quangvd

New member
Xu
0
Phân loại giọng hát trong thanh nhạc

Về cơ bản giọng hát chia làm 4 giọng chính: Bass, Tenor, Contralto và Soprano. Đây cũng chính là 4 bè của một dàn hợp xướng. Tuy nhiên về sau trong Opera do nhu cầu đa dạng hoá các nhân vật với nhiều tính cách khác nhau nên trong Opera giọng hát được phân chia một cách cụ thể hơn, gồm có 6 giọng: Bass, Baritone, Tenor, Contralto, Mezzo-soprano và Soprano. Trong mỗi loại giọng lại chia ra làm nhiều loại tuy theo âm sắc và âm vực.

1/ Basso: Nam trầm
*) Basso profondo: Nam trầm đại : giọng trầm nhất trong các loại giọng người. Đặc điểm: có âm sắc rất trầm, trang trọng, sâu sắc. Âm vực có thể xuống đến C, thậm chí hơn nữa. Basso profondo xuất hiện trong các vai thần thánh, đạo sĩ hay các vị vua chúa.
*) Basso cantante: Nam trầm trữ tình: chủ yếu trong biểu diễn thính phòng (cantante = singing). Rất ít khi xuất hiện trong Opera.
*) Basso leggiero (basso buffo): Nam trầm nhẹ (nam trầm hài hước) thưòng có trong opera Bel canto. Giọng nam trầm, nhưng vẫn có khả năng chạy note rất nhanh, cùng với khả năng diễn xuất hài hước. Có thể hát đẹp đến E và hát được một số vai dành cho Bass - Baritone.
*) Bass - Baritone: Nam trung trầm. Giọng nam vừa có âm sắc của cả nam trầm và nam trung ,có khả năng thể hiện được cả vai của nam trung và nam trầm nhẹ.

2/ Baritone: nam trung
Trong Opera có chia ra các vai: nam trung hài hước, nam trung trữ tình và nam trung kịch tính nhưng trên thực tế các giọng nam trung đều hát được tất cả các vai trên. Âm vực của nam trung từ A đến a1, giọng dày, đầy đặn đặc biệt ở khu trung âm.

3/ Tenor: Nam cao
*) Hendeltenor: Nam cao siêu kịch tính: giọng hát dày khoẻ và vang có âm sắc giống với baritone, có khả năng hát xuyên dàn nhạc, dàn hợp xướng. Có thể fullvoice đến c2. Những vai này chủ yếu có trong opera của Wagner.
*) Dramatic tenor: Nam cao kịch tính: giọng dày, khoẻ, fullvoice đến c2, thường diễn tả các vai anh hùng, dũng sĩ.
*) Lirico spinto tenor: Giọng nam cao trữ tình nhưng có thể chuyển sang kịch tính ở những đoạn cao trào. Những vai này hay xuất hiện trong opera Verisimo.
*) Lirico tenor: Nam cao trữ tình: giọng đẹp, sáng, bay bổng. Nam cao trữ tình thưòng là nhân vật chính khá phổ biến trong opera, từ các tác phẩm cuả Mozart, Opera Bel canto cho đến Verisimo.
*) Leggiero tenor: Nam cao nhẹ: giọng nhẹ, sáng, nhanh nhẹn nhưng hơi mảnh, có khả năng lên đến d2 (thậm chí f2). Chủ yếu xuất hiện trong Opera Bel canto.
*) Counter tenor: Giọng phản nam cao: giọng hiếm, trước đây dành cho Castrato (những người đàn ông bị hoạn từ nhỏ để giữ giọng cao và trong như mezzo-soprano, soprano). Các Counter tenor chủ yếu biểu diễn nhạc thính phòng với các tác phẩm thời kì Baroque. Counter tenor sử dụng kĩ thuật Falsetto (giả thanh), âm vực bằng nữ trầm (contralto, tuy nhiên nhiều trường hợp có thể lên đến quá c3 tương đương soprano), âm sắc hơi thô và đanh hơn so với giọng nữ. Các vai cho Counter tenor là những cậu bé, thậm chí những dũng sĩ tráng kiện (hoàn toàn không phải những thanh niên ẻo lả).

4/ Contralto (alto):
Giọng nữ trầm được tạo bởi contre (trầm) và alto (cao) - do trước đây alto là thiếu niên nam hoặc castrato. Đây là giọng nữ trầm nhất, hát chủ yếu bằng giọng ngực. Giọng dày, trầm, khoẻ. Chủ yếu là vai phụ (vú già, người hầu), vì vậy các contralto thường chuyển sang hát các vai dramatic mezzo.

5/ Mezzo-soprano: nữ trung (mezzo = middle)
*) Dramatic mezzo-soprano: Nữ trung kịch tính, giọng ngực dày, khoẻ, thường là vai thứ trong opera (Armenis, Azucena) hoặc những người phụ nữ lẳng lơ, thủ đoạn (Carmen, Dalila). có khả năng fullvoice đến g2.
*) Coloratura mezzo-soprano: Nữ trung màu sắc: giọng nhanh, nhẹ hơn so với nữ trung kịch tính với thường là các vai hài. Có thể fullvoice đến a2. Xuất hiện phổ biến trong Bel canto.

6/ Soprano: Nữ cao
*) Wagnerian soprano: Nữ cao siêu kịch tính (tương đương như Hedeltenor của giọng nam): giọng cao nhưng đặc biệt dày và khoẻ, vang, có khả năng hát xuyên dàn nhạc và dàn hợp xướng, âm sắc gần với nữ trung, thường xuất hiện trong Opera của Wagner, R. Strauss. Fullvoice đến c3.
*) Dramatic soprano: Nữ cao kịch tính, giọng vang, khoẻ. Fullvoice tốt ở c#3. Thường là vai dành cho những nữ anh hùng hoặc những nhân vật có tính cách mạnh mẽ. Chủ yếu xuất hiện trong Opera của Verdi.
*) Lirico spinto soprano: giọng nữ trữ tình nhưng có thể chuyển thành kịch tính ở những đoạn cao trào. Đây là những vai phổ biến trong Opera của Verdi và các tác giả trường phái Verismo, thường là những người phụ nữ gặp bất hạnh và đau khổ trong cuộc sống, tình yêu.
*) Lirico soprano: Nữ cao trữ tình: khu trung âm đầy đặn giọng mềm mại, bay bổng, thể hiện những người phụ nữ hiền lành, trong sáng, giản dị và hơi có phần yếu đuối (Micaela, Lìu, Mimi...).
*) Coloratura soprano: Nữ cao màu sắc: có âm vực rộng hơn so với nữ cao bình thường (hơn 2 quãng 8) đặc biệt về âm khu cao, âm sắc nghe giống tiếng sáo. Đặc biệt có khả năng luyến láy các note ở âm vực cao rất tốt. Gồm 2 loại:
- Lirico coloratura soprano (sobourette): nữ cao trữ tình màu sắc, giọng hơi mỏng, nhẹ, fullvoice đến d3, thể hiện những vai thiếu nữ trong sáng thơ ngây, hoặc vai những cô hâu gái nhí nhảnh, vui tính. Những ca sĩ giọng này, giọng trữ tình là chính những có khả năng sử dụng kĩ thuật hát các note hoa mĩ của nữ cao màu sắc.
- Dramatic coloratura: giọng kịch tính màu sắc: giọng khoẻ, hơi tối, nhưng lên cao lại sáng, fullvocie đến e3, staccato đến f3 (thậm chí cao hơn).

tác giả:Yes_ Iam_here
 
Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng

Sơ đồ một dàn nhạc giao hưởng nhìn từ hàng ghế của khán giả
(cũng là từ vị trí của nhạc trưởng):

(Percussion) Timpani - [Marimba -...- Cymbals - Triangle - Bass drum]
Horn IV-Horn III - Trumpet II-Trumpet I - Trombone I-Trombone II-Trombone III - Tuba
----Horn II-Horn I - Clarinet II-Clarinet I - Bassoon I-Bassoon II ---------
----------------------Piccolo-Flute II-Flute I - Oboe I-Oboe II ---------------
--------------------------------------------------------------------------------Contrabasses
-----------------------------Violins II----------------------Violas----------------
----------------Violins I-------------------------------------------------Cellos--
--------------------------------------------Conductor----------------------------

I. Conductor (nhạc trưởng)
Nhạc trưởng trong dàn nhạc có thể so sánh với một người giáo viên trong một lớp học. Nhạc trưởng làm nhiệm vụ giữ nhịp cho toàn bộ dàn nhạc, chọn tốc độ thích hợp, hướng dẫn để các nhạc cụ vào đúng thứ tự, chỉ dẫn về sắc thái mà các nhạc cụ cần chơi trong mối tương quan với các nhạc cụ khác... Vai trò của nhạc trưởng rất quan trọng: nếu không có nhạc trưởng thì dàn nhạc sẽ trở thành một nhóm nhạc cụ hỗn loạn, không thể chơi bất kì một tác phẩm giao hưởng nào.

II. Strings (Các đàn dây)
Các đàn dây chiếm phần lớn dàn nhạc và được xếp ngay trước nhạc trưởng. Chúng cũng chơi phần lớn giai điệu chính của các tác phẩm.

1. Violins I (Vi-ô-lông thứ nhất)
Bè này gồm các vi-ô-lông chơi bè cao hơn trong tác phẩm, cũng vì thế chúng cũng là bè của dàn dây chơi giai điệu chính. Đây là một trong những bè quan trọng nhất của dàn nhạc. Người ngồi hàng đầu và gần khán giả nhất của bè này cũng có vai trò quan trọng. Người này được gọi là Concert master (hoặc Leader) đóng vai trò giống người lớp trưởng. Concert master sẽ làm nhiệm vụ chỉ đạo các nhạc cụ so dây cho đúng đầu mỗi buổi hòa nhạc (Concert). Trong các tác phẩm, có những đoạn có Vi-ô-lông độc tấu thì Concert master sẽ đảm nhiệm.

2. Violins II (Vi-ô-lông thứ hai)
Bè này gồm các vi-ô-lông chơi bè thấp hơn. Cùng với bè Violas, hai bè này chủ yếu lãnh trách nhiệm giữ hòa âm (nôm na là hợp âm như Đô trưởng, v.v...), tiết tấu, màu sắc... của tác phẩm.

3. Violas (Vi-ô-la)
Vi-ô-la giống vi-ô-lông nhưng to hơn một chút và chơi những nốt thấp hơn vi-ô-lông. Trong dàn nhạc thì thường người không biết không thể phân biệt hai đàn này, còn nếu nghe thì có thể phân biệt và tách bè giữa Viola với các bè khác.

4. Cellos (Xel-lô, Vi-ô-lông-xen)
Vi-ô-lông-xen giống vi-ô-lông nhưng to hơn nhiều và được đặt đứng giữa hai chân để chơi, nó có một cái đinh dài để đỡ phía dưới. Vi-ô-lông-xen trong dàn nhạc cùng với Contrabass giữ bè bass cho tác phẩm và chơi những giai điệu ấm nằm ở bè trầm trong những đoạn nhất định. Bè này cũng là một trong những bè quan trọng nhất.

5. Contrabasses/Doublebass (Công-tra-bát)
Công-tra-bát là đàn dây to nhất (nickname cái thùng phi) và chơi bè thấp nhất giữ nền cho toàn bộ dàn nhạc. Có thể nói âm hưởng đầy đặn, mạnh mẽ của dàn nhạc chủ yếu là nhờ bè công-tra-bát. Những người chơi guitar bass hiểu rất rõ vai trò quan trọng của bè bass nên dễ dàng hiểu điều này. Đàn công-tra-bát rất to, cao và nặng (cao 1,8m) nên những người chơi phải ngồi trên những ghế đẩu cao ngất ngưởng.

III. Wind Instruments (các nhạc cụ hơi-kèn)
Các nhạc cụ hơi có âm lượng lớn nên không có nhiều trong dàn nhạc. Chúng được đặt phía sau và cao hơn những đàn dây theo các hàng ngang. Thường các bè gồm 2 nhạc công, đánh số I chơi bè cao hơn và II chơi bè thấp hơn. Trong các tác phẩm chúng làm nhiệm vụ chơi các đoạn giai điệu chính hoặc thêm bè cho giai điệu chính trong các đoạn nhất định và giữ màu sắc, hòa âm, tiết tấu cho dàn nhạc trong các đoạn còn lại.

A. Woodwind (Kèn gỗ)
Các kèn gỗ được đặt ở hai hàng trước. Trong lịch sử, chúng tham gia vào dàn nhạc giao hưởng sớm hơn các kèn đồng và cũng hay chơi độc tấu hơn trong các giao hưởng.

1. Flute (Sáo tây)
Flute thuộc bộ kèn gỗ nhưng được làm bằng hợp kim sáng trắng, trước đây các tiền thân của nó làm bằng gỗ nên nó được xếp vào loại kèn gỗ. Flute chơi bè cao nhất của bộ gỗ. Giai điệu của nó chơi rất mềm mại và thanh.

2. Oboe (Ô-boa)
Ô-boa là kèn làm bằng gỗ và có màu đen. Tiếng của nó ấm giống tiếng người. Trong bộ gỗ nó chơi bè cao thứ hai.

3. Clarinet (Cla-ri-net)
Cla-ri-net là kèn làm bằng gỗ màu đen. Nó to hơn Ô-boa một chút và miệng loe hơn, nhưng thường người ta cũng không phân biệt được chúng bằng cách nhìn. Cla-ri-net có khả năng chơi những nốt cao rất trong, những nốt trung đầy tình cảm và những nốt trầm rất hư ảo. Trong bộ gỗ nó chơi bè cao thứ ba.

4. Bassoon (Bát-xông, Fa-gốt)
Fa-gốt là kèn làm bằng gỗ màu đỏ nâu. Nó rất cao, quá đầu nhạc công khi ngồi và to nhất trong bộ kèn gỗ. Vì vậy nó chơi bè thấp nhất, thường chơi để tăng bè bass với vi-ô-lông-xen và công-tra-bát. Tiếng nó trầm, sâu lắng. Fa-gốt cũng hay được chơi độc tấu nhờ màu sắc đẹp của tiếng của nó.

B. Brass (Kèn đồng)
Kèn đồng làm bằng hợp kim đồng thanh nên có màu vàng sáng lóa. Âm hưởng của chúng rất to và huy hoàng nên chủ yếu được sử dụng ở những đoạn cao trào cần âm lượng lớn. Trong lịch sử chúng tham gia vào dàn nhạc muộn hơn kèn gỗ, trừ kèn co tham gia cùng lúc với kèn gỗ. Trong dàn nhạc chúng ngồi chủ yếu ở hàng thứ ba sau các kèn gỗ.

1. Horn (Kèn co)
Kèn co có các ống tạo thành hình dáng tròn của nó, miệng nó loe và các nhạc công đặt tay vào trong đó để điều chỉnh tính chất của âm thanh. Nó là kèn đồng tham gia sớm nhất vào dàn nhạc và cũng hay được chơi độc tấu. Tiếng của nó trong và trong những đoạn cao trào rất khoẻ.

2. Trumpet (Kèn trom-pet)
Trom-pet là kèn đồng cao nhất và nhỏ nhất. Nó cũng khá quen thuộc với chúng ta (trong các đội nghi thức của các trường học). Trong dàn nhạc nó tham gia sau kèn co.

3. Trombone (Kèn trôm-bôn)
Trôm-bôn là kèn đồng rất dễ nhận ra với hình dáng dài của cái tay cầm mà các nhạc công kéo ra kéo vào khi chơi. Tiếng của nó trầm thứ hai trong bộ kèn đồng. Âm hưởng của nó rất mạnh và huy hoàng đặc biệt khi có 3 kèn cùng lúc. Nó tham gia vào dàn nhạc kể từ các giao hưởng của Beethoven và rất phổ biến trong thời kì lãng mạn.

4. Tuba (Kèn tu-ba)
Tu-ba là kèn đồng rất to, nó thường chỉ có một trong dàn nhạc và được đặt đứng khi chơi (miệng quay lên trên). Tiếng của nó rất trầm và khoẻ nên được dùng trong các đoạn rất cao trào. Nó tham gia vào dàn nhạc muộn nhất trong bộ kèn đồng, cuối thời kì lãng mạn. Thường nó chơi tăng bè bass cho dàn nhạc.

IV. Percussion (bộ gõ)
Bộ gõ gồm các nhạc cụ gõ. Chúng được sử dụng để tăng hiệu quả cho dàn nhạc.

Timpani (Trống định âm) là nhạc cụ gõ tham gia sớm nhất vào dàn nhạc. Chúng to và tiếng trầm, thường có 2 hoặc 4 cái. Mỗi cái chơi một nốt nhất định ở bè bass. Nó được dùng trong các đoạn cần tăng sức mạnh cho dàn nhạc.
Cymbals (Xanh-ban)
Triangle (Thanh tam giác)
Bass drum/Cassa (Trống trầm) hình dáng to gấp 3-4 lần bass drum trong các ban nhạc nhẹ hay rock và được đặt đứng.

Những nhạc cụ gõ trên tham gia sau vào dàn nhạc kể từ giao hưởng số 9 của Beethoven và cũng trở nên rất phổ biến sau này.

Trên đây là những nét khái quát về các nhạc cụ trong một dàn nhạc giao hưởng nói chung. Tuy nhiên có thể có vài thay đổi nhỏ, chẳng hạn trong các kèn có thể tăng giảm số lượng, thêm bớt nhạc cụ nào đó tùy thuộc vào sáng tác của nhạc sĩ. Một số nhạc trưởng lại phân bố dàn dây hơi khác: đổi chỗ hai bè Vi-ô-lông-xen và Công-tra-bát với bè Vi-ô-lông II.

tác giả:TuMinhTran
 
Contrabass​


Tổng quan

Mặc dù không được công nhận phổ biến, đàn contrabass được xem là phiên bản hiện đại duy nhất của họ nhạc cụ viola da gamba (hay viol) vốn bắt nguồn từ châu Âu vào thế kỉ 15 trong đó cây contrabass được gọi là viol trầm.

Trước thế kỉ 20 nhiều cây contrabass chỉ có 3 dây – trái ngược với cấu tạo có 5 hoặc 6 dây của họ viola da gamba hoặc 4 dây của họ violin.

Tỉ lệ giữa các phần của contrabass không giống với của violin (ví dụ như khoảng cách giữa mặt trước và mặt sau của contrabass lớn hơn). Ngoài ra, contrabass có phần vai dốc hơn giống như các loại viola da gamba không như vai của đàn violin. Nhiều cây contrabass cổ có phần vai làm được làm dốc hơn để thích ứng với kĩ thuật chơi hiện đại. Trước khi có sự thay đổi đó contrabass có phần vai giống với vai của các nhạc cụ thuộc họ violin hơn.

Contrabass là nhạc cụ dây dùng vĩ duy nhất được lên dây cách quãng 4 (giống viola da gamba), khác với violin, viola và cello được lên dây cách quãng 5. Nguồn gốc chính xác của contrabass vẫn là một chủ đề gây tranh cãi; việc contrabass có phải là hậu duệ trực tiếp của họ nhạc cụ viola da gamba hay không vẫn chưa được xác định. Dù bề ngoài của contrabass giống như của viola da gamba, cấu tạo bên trong của nó lại gần như y hệt violin và rất khác các loạI viol.

Cấu tạo

Thân

Hộp của contrabass được làm hầu như toàn bộ bằng gỗ. Một cây đàn contrabass truyền thống thường có mặt trước làm bằng gỗ vân sam còn mặt sau, hai bên và cổ làm bằng gỗ thông.

Hai mặt đàn thường được làm thủ công. Để làm hai bên đàn, người ta hun nóng gỗ và uốn quanh các khuôn. Nhìn từ phía trước, thân contrabass có thể chia làm 3 bộ phận: phần trên và phần dưới nở rộng, phần giữa hẹp, giới hạn bởi hai chữ C quay lưng vào nhau. Hai khe hình chữ S và ngựa đàn nằm ở gần như chính giữa thân đàn.

Cổ, hộp chốt và cuộn xoắn ốc

Phía trên thân đàn là cổ đàn, tiếp đến là hộp chốt và cuộn xoắn ốc. Cổ đàn, hộp chốt và cuộn xoắn thường được tạc từ một mảnh gỗ nguyên. Gắn liền với cổ đàn và xuống đến phần giữa của thân đàn là bàn phím. Bàn phím là một thanh gỗ, thường là gỗ thông, được đẽo cong về hai bên và được dán với cổ đàn. Nơi tiếp nối giữa bàn phím và hộp chốt có một mảnh gỗ chìa ra, đỡ lấy dây đàn, gọi là mấu (được giữ bởi dây đàn). Hộp chốt có 4 chốt lên dây sử dụng cơ cấu truyền động phức tạp hơn của violin. Cuộn xoắn ốc là một bộ phận truyền thống của các nhạc cụ dây. Người ta thường dùng gỗ mun để làm các chốt lên dây, bàn phím và mấu, ngoài ra có thể dùng các loại gỗ khác có màu tối như hoàng dương hoặc hồng mộc.

Chốt mắc dây và chân đế

Chốt mắc dây, thường làm bằng gỗ lim, gắn ở phần dưới thân đàn. Chốt mắc dây theo truyền thống được làm bằng gỗ mun hoặc các loại gỗ khác có màu tối, nhưng ngày nay có thể làm bằng nhựa hoặc các vật liệu tổng hợp. Chân đế gắn với đáy của thân đàn, giữ cho nhạc cụ không bị trượt trên sàn diễn.

Ngựa đàn và hai khe chữ S

Ngựa đàn là một mảnh gỗ hoặc nhựa nâng dây đàn lên khỏi mặt đàn và truyền dao động của dây đến que chống và thanh dọc bên trong. Ngựa đàn không bị gắn chặt vào thân đàn mà được các dây đàn giữ ở đúng vị trí. Các khe hình chữ S ở 2 bên ngựa đàn, làm nhiệm vụ cho không khí đi vào và đi ra khỏi hộp đàn, tạo nên âm thanh. Ngoài ra các khe hình chữ S còn cho phép tiếp cận với những phần bên trong hộp đàn nếu cần sửa chữa.

Dây đàn

Dây đàn contrabass trước kia được làm từ ruột ngựa (hoặc trâu, bò, cừu). Ngày nay dây đàn có thể làm bằng ruột động vật, thép hoặc các vật liệu tổng hợp và được bọc ngoài bởi dây kim loại. Dây son thường không được bọc ngoài và làm bằng thép trần hoặc được mạ vàng.

Dây contrabass thường được lên với cao độ mi – la – rê – son nhưng một số người chơi lại lên theo kiểu đô – son – rê – la. Khi biểu diễn solo người nghệ sĩ lại thường lên dây cao hơn một cung thành fa # – si – mi – la.

Những chi tiết bên trong

Bên trong contrabass có hai bộ phận quan trọng: que chống và thanh dọc. Que chống bị kẹp giữa mặt trước và mặt sau của đàn, còn thanh dọc thì được dán vào phía trong mặt trước, song song với dây đàn. Ngoài chức năng tăng cường sức chịu lực của mặt đàn, hai bộ phận trên còn có tác dụng truyền dao động của dây xuống hộp đàn.



Theo truyền thống, vĩ được làm từ gỗ pernambuco (chất lượng cao) hoặc brazilwood (chất lượng thấp hơn). Cả hai loại gỗ đều lấy từ cây Caesalpina echinata; pernambuco là phần gỗ ở lõi của cây và màu tự nhiên đậm hơn. Pernambuco bền và nặng, có tính đàn hồi cao và truyền âm tốt, khiến nó trở thành loại gỗ lí tưởng để chế tạo vĩ. Dây vĩ làm từ lông đuôi ngựa, nhưng cũng có lúc lông nhân tạo được dùng để thay thế. Ngày nay, người ta còn dùng thủy tinh hữu cơ và sợi carbon để làm vĩ. Dây vĩ được phủ cô-lô-phan định kì để làm tăng độ ma sát với dây đàn. Vĩ cần phải được thay dây định kì, chủ yếu là do dây vĩ rất dễ bị mỏng đi do cọ xát trong quá trình chơi đàn. Dây bị chùng cũng cần được để ý. Dây vĩ được kéo căng nhờ một con ốc gắn ở quai (bộ phận mà người chơi giữ lấy khi đang chơi đàn). Vĩ dành cho contrabass dài khoảng từ 65 đến 72 cm.

Tư thế chơi

Người chơi contrabass phải đứng hoặc ngồi và đặt nhạc cụ giữa 2 chân của mình, tay trái bấm nốt còn tay phải kéo vĩ hoặc búng nốt (pizzicato). Có lúc ngón tay cái của tay trái cũng được sử dụng để bấm nốt.

Lịch sử phát triển

Vào khoảng năm 1750 contrabass đã thay thế cho violone – một loại nhạc cụ tương tự thuộc họ viola da gamba. Sự xuất hiện muộn màng của contrabass không thu hút được nhiều sự chú ý của những nhà soạn nhạc vĩ đại thế kỉ 18. Trong nhiều tác phẩm – bao gồm cả một số bản giao hưởng của Beethoven, contrabass chỉ đảm đương nhiệm vụ giống như violoncello mà thôi. Nhà soạn nhạc duy nhất trong thời kì này viết nhiều tác phẩm cho contrabass là Domenico Dragonetti – cũng đồng thời là một nghệ sĩ biểu diễn contrabass. Ông là nghệ sĩ kiệt xuất vào thời bấy giờ của cây đàn contrabass cũng giống như Nicolo Paganini của cây đàn violin. Sau này những nhà soạn nhạc như Giovanni Bottesine và Serge Koussevitsky cũng viết một số tác phẩm độc tấu cho contrabass. Hiện nay có thể nói contrabass đang trải qua một thời kì Phục hưng, với nhiều bản concerto được viết cho nó bởi các nhạc sĩ như John Downy, Raymond Luedeke và Robin Holloway. Cây đàn này cũng đang dần có được vị thế trong tứ tấu đàn dây trầm cho 2 viola, cello và contrabass và trong song tấu với violin.

HiLine (dịch)

Nguồn : https://en.wikipedia.org
 
Violoncello​


Giới thiệu chung

Violoncello (cũng gọi là Cello) là một nhạc cụ thuộc bộ dây, cùng họ với violin, viola và contrabass và là một thành viên chính thức của dàn nhạc giao hưởng. Đàn violoncello tiêu chuẩn dài 75 cm, ngoài ra còn có những loại nhỏ hơn và được kí hiệu bằng những phân số: 7/8, ¾, ½, v.v… Cây đàn violoncello tiêu chuẩn mang kí hiệu 4/4. Những cây đàn violoncello lớn hơn 4/4 có xuất hiện, mặc dù rất ít.

Cấu tạo

Thân

Hộp đàn của violoncello được làm hầu như toàn bộ bằng gỗ; một số đàn violoncello hiện đại còn được chế tạo từ sợi carbon. Một cây violoncello truyền thống thường có mặt trước làm bằng gỗ vân sam còn mặt sau, hai bên và cổ làm bằng gỗ thông. Một số loại gỗ khác như bạch dương và liễu có lúc được dùng để chế tạo mặt sau và hai bên đàn. Những cây violoncello rẻ tiền thường có hai mặt làm bằng ván ép.

Hai mặt đàn thường được làm thủ công, trong khi những cây violoncello rẻ tiền thường được chế tạo bằng máy. Để làm hai bên đàn, người ta hun nóng gỗ và uốn quanh các khuôn. Nhìn từ phía trước, thân violoncello có thể chia làm 3 bộ phận: phần trên (vai đàn) và phần dưới (mông đàn) nở rộng, phần giữa hẹp giới hạn bởi hai chữ C quay lưng vào nhau. Hai khe hình chữ S và ngựa đàn nằm ở gần như chính giữa thân đàn.

Cổ đàn, hộp chốt và cuộn xoắn ốc

Phía trên thân đàn là cổ đàn, tiếp đến là hộp chốt và cuộn xoắn ốc. Cổ đàn, hộp chốt và cuộn xoắn ốc thường được tạc từ một mảnh gỗ nguyên. Gắn liền với cổ đàn và xuống đến phần giữa của thân đàn là bàn phím. Nơi tiếp nối giữa bàn phím và hộp chốt có một gờ bằng gỗ nhô lên, đỡ lấy dây đàn, gọi là mấu. Hộp chốt có 4 chốt lên dây. Đỉnh cuộn là một bộ phận truyền thống của các nhạc cụ dây. Người ta thường dùng gỗ mun để làm các chốt lên dây, bàn phím và mấu, ngoài ra có thể dùng các loại gỗ khác có màu tối như hoàng dương hoặc hồng mộc.

Chốt mắc dây và chân đế

Chốt mắc dây và chân đế gắn ở phần dưới thân đàn. Chốt mắc dây cổ điển được làm bằng gỗ mun hoặc các loại gỗ khác có màu tối, nhưng ngày nay có thể làm bằng nhựa hoặc các vật liệu tổng hợp. Chốt mắc dây vừa dùng để gắn dây với thân đàn, vừa có thể dùng để lên dây với biên độ hẹp và độ chính xác cao. Chân đế làm bằng kim loại hoặc sợi carbon và thường điều chỉnh được. Phần mũi của chân đế tiếp xúc với sàn thường nhọn và có thể được bọc bằng cao su, nhằm giữ cho violoncello khỏi bị trượt.

Ngựa đàn và 2 khe chữ S

Ngựa là một mảnh gỗ hoặc nhựa nâng dây đàn lên khỏi mặt đàn và truyền dao động của dây đến que chống và thanh dọc bên trong. Ngựa đàn không bị gắn chặt vào thân đàn mà được các dây đàn giữ ở đúng vị trí. Các khe hình chữ S ở 2 bên ngựa đàn, làm nhiệm vụ cho không khí đi vào và đi ra khỏi hộp đàn, tạo nên âm thanh. Ngoài ra các khe hình chữ S còn cho phép tiếp cận với những phần bên trong hộp đàn nếu cần sửa chữa. Thỉnh thoảng người ta cũng phải đưa qua khe một ống chứa một miếng mút tẩm nước vào bên trong đàn violoncello để giữ độ ẩm thích hợp

Những chi tiết bên trong

Bên trong violoncello có 2 bộ phận quan trọng: que chống và thanh dọc. Que chống bị kẹp giữa mặt trước và mặt sau của đàn, còn thanh dọc thì bị dán vào phía trong mặt trước, song song với dây đàn. Ngoài chức năng tăng cường sức chịu lực của mặt đàn, hai bộ phận trên còn có tác dụng truyền dao động của dây xuống thùng đàn.



Theo truyền thống, vĩ được làm từ gỗ pernambuco (chất lượng cao) hoặc brazilwood (chất lượng thấp hơn). Cả 2 loại gỗ đều lấy từ cây Caesalpina echinata; pernambuco là phần gỗ ở lõi của cây và màu tự nhiên đậm hơn. Pernambuco bền và nặng, có tính đàn hồi cao và truyền âm tốt, khiến nó trở thành loại gỗ lí tưởng để chế tạo vĩ. Dây vĩ làm từ lông đuôi ngựa, nhưng cũng có lúc lông nhân tạo được dùng để thay thế. Ngày nay, người ta còn dùng thủy tinh hữu cơ và sợi carbon để làm vĩ. Dây vĩ được phủ cô-lô-phan định kì để làm tăng độ ma sát với dây đàn. Vĩ cần phải được thay dây định kì, chủ yếu là do dây vĩ rất dễ bị mỏng đi do cọ xát trong quá trình chơi đàn. Dây bị chùng cũng cần được để ý. Dây vĩ được kéo căng nhờ một con ốc gắn ở quai (bộ phận mà người chơi giữ lấy). Vĩ dành cho violoncello dài 73cm và rộng 3cm.

Lịch sử

Violoncello có nguồn gốc từ thế kỉ 16 như một thành viên trong họ violin. Cái tên violoncello xuất hiện và trở nên phổ biến lần đầu tiên vào giữa thế kỉ 17, nhưng khái niệm đàn dây trầm (violone) đã được nhắc đến trong các văn bản từ thế kỉ 16 và đầu thế kỉ 17. Thuật ngữ violone được tìm thấy trong kho lưu trữ của các nhà thờ Ý trong cùng thời kì để chỉ một loại đàn dây trầm, và một dạng nhỏ hơn của nhạc cụ này chính là cây violoncello ngày nay. Violoncello được sử dụng lần đầu trong bản Sonata Op. 4 của Giulio Cesare Arresti. Từ khi mới ra đời, cây đàn này đã được lên dây lần lượt theo đô – son – rê – la, một quãng tám thấp hơn so với viola.

Cho đến nay, những nghệ nhân đầu tiên chế tạo những dạng tiền thân của violoncello là Andrea Amati (trước 1580), Gasparo da Salo (1540 - 1609) và Giovanni Paolo Maggini (1581 - 1632). Những cây đàn họ chế tạo to hơn cây đàn violoncello hiện đại, một số dài đến 80 cm.

Kích thước của violoncello biến thiên trong suốt phần còn lại của thế kỉ 17, hầu hết nằm trong khoảng 73-80 cm chiều dài, trong đó những cây to hơn được ưa chuộng hơn. David Tecchler vẫn tiếp tục chế tạo dòng đàn lớn tại Roma cho đến giữa thế kỉ 18 mặc dù vào năm 1707 Stradivari đã định ra chiều dài chuẩn cho violoncello là 75 cm.

Một số thay đổi khác trong cấu tạo của họ violin trong thế kỉ 18 bắt nguồn từ sự thay đổi trong quan niệm về âm thanh thích hợp cho các nhạc cụ. Cổ đàn được làm cong hơn và ngựa đàn được nâng lên cao hơn, đồng thời dây cũng mỏng và căng hơn, khiến cho âm sắc của violoncello trong và nhạy hơn.

Ban đầu để chơi violoncello người ta ngồi và đặt nó giữa hai chân hoặc đứng và giữ nhạc cụ nghiêng về phía mình và có thể có cả quai giữ. Thỉnh thoảng violoncello còn được đặt trên đôn và người ta đã tìm ra một số hình miêu tả nó được đặt nằm ngang, có thể để chơi kĩ thuật pizzicato hoặc chỉ để trình diễn. Kĩ thuật dùng bàn tay để giữ cần đàn và bốn ngón tay bấm nốt giống như chơi violin chỉ để đã thỏa mãn những yêu cầu đơn giản đối với violoncello vào thế kỉ 16, khi mà họ violin đóng một vai trò khá khiêm tốn trong nền âm nhạc cũng như trong xã hội và chỉ được dùng chủ yếu cho nhạc khiêu vũ. Tuy vậy khi âm nhạc độc tấu phát triển vào khoảng đầu thế kỉ 17 đem lại cho violin một vai trò quan trọng hơn, violoncello cũng đóng góp một vai trò phức tạp hơn, đòi hỏi kĩ thuật phù hợp hơn đối với chiều dài của dây và tư thế chơi. Nhạc cụ này kể từ đó không bắt buộc tay trái phải giữ nữa, giúp người nghệ sĩ di chuyển tay linh họat hơn để chơi những đoạn nhạc nhanh và để thay đổi thế tay. Ngón tay có thể di chuyển dọc theo dây, nên người nhạc công có thể chơi được hai nốt cùng lúc.

Chỉ có một nghệ sĩ nổi tiếng đến từ nước Ý vào thế kỉ 19, đó là Alfredo Piatti, sau này định cư ở London. Những nghệ sĩ khác ở London bao gồm Robert Lindley và các học trò của Piatti, William Edward Whitehouse và Leo Stern. Trường phái sau đó cũng suy yếu; những người tiếp nối Jean Henri Levasseur, Charles-Nicolas Baudiot và Louis Pierre Martin Norblin chỉ có Auguste Joseph Franchomme và Pierre Alexandre Francois Chevillard. Một trung tâm tại Brussels được học trò của Duport là Nicolas Joseph Platel sáng lập. Nơi đây Adrien François Servais và Jules de Swert đã được công chúng biết tới. Đức trở thành khu vực phát triển chủ yếu.

Tư thế giữ violoncello rất khó khăn mà xã hội kiểu cách thời bấy giờ quy định chuẩn mực cho nữ giới có lẽ là nguyên nhân gây nên sự hiếm hoi của những nữ nghệ sĩ violoncello vào trước thế kỉ 20. Đến đầu thế kỉ 20, những tư thế giữ đàn ở một bên thân mình vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất, nhưng tư thế đặt đàn giữa 2 đầu gối thông thường đã trở nên tương đối phổ biến. Nhiều định kiến xã hội chống lại việc phụ nữ làm nhạc công, song một vài người trong số họ đã thành công trong sự nghiệp biểu diễn violoncello. Những tên tuổi hàng đầu phải kể đến Lisa Cristani (1827 - 1853), tiếp đó là May Mukle, Beatrice Harrison, Guilhermina Suggia và Raya Garbousova (đều sống vào đầu thế kỉ 20).

Chân đế có thể điều chỉnh được có lẽ đã được nghệ sĩ người Bỉ A. F. Servais áp dụng lần đầu tiên vào năm 1846, nhưng chân đế cố định đã được sử dụng từ rất lâu trước đó. Chân đế của violoncello có tác dụng bảo vệ đáy đàn, đồng thời nâng cao độ vang.

Từ 1900, các nghệ sĩ đã từng bước nâng âm sắc của violoncello ở những nốt cao lên đến gần mức vang và nhẹ như violin, từ đó nâng cao chất lượng của tiếng đàn. Việc sử dụng chân đế dài hơn và uốn cong cũng giúp ích cho việc chơi đàn, bởi vị trí tiếp xúc giữa cây vĩ và dây được nâng cao và độ nghiêng của đàn cũng được tăng lên làm cho người nghệ sĩ dễ dàng bấm được những vị trí cao trên cần đàn, đồng thời cũng góp phần làm tăng chất lượng âm thanh. Việc sử dụng dây đàn bọc thép cũng là một bước phát triển quan trọng. Việc violoncello chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nhạc giao hưởng và thính phòng ngay từ thế kỉ 19 đã khiến cho yêu cầu về biểu diễn chuyển từ kĩ thuật sang sắc thái. Kĩ thuật biểu diễn không còn được xem là yếu tố cuối cùng nữa mà được coi như phương tiện để diễn tả sắc thái. Sự biến chuyển này đã được thể hiện rõ ở Pablo Casals, người có khả năng chơi độc tấu violoncello một cách điêu luyện không thua kém violin. Casals đã đưa những tổ khúc chưa được biết đến của Bach vào những buổi biểu diễn và đem đến cho công chúng rất nhiều tác phẩm thính phòng khác.

Luigi Boccherini, một nhà sọan nhạc kiêm nghệ sĩ biểu diễn violoncello, chính là người đã đóng góp nhiều nhất trong việc nâng cao vai trò của violoncello với tư cách là một nhạc cụ dùng trong nhạc thính phòng và trong các bản concerto vào cuối thế kỉ 18. Trong những bản tứ tấu đàn dây và những bản ngũ tấu đàn dây cho 2 violoncello, ông thường cho violoncello chơi bè chính. Những giai điệu êm ái và chất trí tuệ giúp cho những bản concerto của ông trở nên được ưa chuộng hàng đầu thời bấy giờ. 11 bản concerto của ông thu hút số lượng nghệ sĩ biểu diễn và khán giả tương đương như các bản concerto của Joseph Haydn. Concerto giọng Rê trưởng của Haydn là một tác phẩm đòi hỏi cao về kĩ thuật biểu diễn và sự cân bằng gần như hoàn hảo giữa người độc tấu và dàn nhạc. Gốc gác của bản nhạc đã từng bị nghi ngờ trong một thời gian dài bởi độ khó của nó. Haydn có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi chính học trò của mình Anton Kraft (người được Beethoven viết tặng riêng cho phần dành cho violoncello trong bản Concerto ba đàn Op. 56). Cho đến nay người ta tin rằng Haydn đã viết 5 bản concerto cho violoncello.

Hầu hết những bản nhạc độc tấu ở thế kỉ 19 được các nghệ sĩ violoncello sáng tác, họ chịu ảnh hưởng mạnh bởi âm nhạc cho violin đặc biệt là vào đầu thế kỉ này. Những nghệ sĩ sáng tác cho chính họ biểu diễn để phục vụ nhu cầu tăng nhanh của khán giả bình dân. Mục đích thể hiện kĩ thuật và nhạc cảm của người nghệ sĩ là một đặc điểm nổi bật của rất nhiều bản concerto và các tác phẩm giao hưởng, thính phòng khác. Ngoài ra còn có một kho rất lớn những bản chuyển soạn từ các chủ để nổi tiếng, hầu hết là nhạc kịch, các khúc phóng túng và ngẫu hứng.

Những tác phẩm cho violoncello độc tấu vào thế kỉ 19 hầu hết chỉ là các bài tập kĩ thuật. Phải đến sau năm 1900, khi các tổ khúc độc tấu của Bach được Casals phổ biến rộng rãi thì các tác phẩm mới bắt đầu được viết để biểu diễn. Các nhà soạn nhạc gồm Reger (Ba tổ khúc, Op. 131c, 1915), Kodaly (Op. 8, 1915), Hindemith (Op. 25 no. 3, 1923), Krenek (Tổ khúc Op. 84, 1939), Dallapiccola (Ciaccona, Intermezzo e Adagio, 1945), Henze (Serenade, 1949), George Crumb (Sonata, 1955), Bloch (Ba tổ khúc, 1956-7), Bernd Alois Zimmermann (Sonata, 1960), Britten (các tổ khúc Op. 72, 1964, Op. 80, 1968 và Op. 87, 1972), Xenakis (Nomos alpha, 1966) và Penderecki (Capriccio per Siegfried Palm, 1968).

Dù số lượng các tác phẩm cho violoncello không nhiều như những tác phẩm cho violin hay piano, vào thế kỉ 20 đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng những tác phẩm độc tấu violoncello.

HiLine (dịch)
 
Piano
(Dương cầm)

I.Sơ lược về đàn piano
Piano là tên một nhạc cụ thuộc loại có bàn phím (keyboard), nhạc cụ gõ (percussion) hay nhạc cụ dây (string), tùy thuộc vào cách thức phân loại. Đàn piano tạo ra âm thanh bằng cách gõ vào các sợi dây thép bằng những chiếc búa bọc nỉ bật lên ngay tức thì để cho dây đàn tiếp tục ngân vang ở tần số cộng hưởng của nó. Những rung động này được truyền qua các cầu đến bảng cộng hưởng (soundboard), bộ phận khuếch đại chúng. Âm vực của cây đàn piano ban đầu cũng chỉ có bốn, hay nhiều nhất là năm quãng tám giống như ở đàn harpsichord. Nhưng dần dần nó đã mở rộng tới trên bảy quãng tám vì những thay đổi cấu trúc đàn đã cho phép lực căng tăng lên tới vài tấn.

Đàn piano được sử dụng rộng rãi trong âm nhạc phương Tây cho biểu diễn độc tấu, âm nhạc thính phòng và nhạc đệm. Nó cũng rất phổ biến với vai trò một phương tiện trợ giúp cho sáng tác và diễn tập. Mặc dù không thể mang vác và giá thành đắt đỏ, sự đa dụng và hiện diện khắp nơi của nó đã khiến nó nằm trong số những nhạc cụ quen thuộc nhất.

Từ piano là dạng rút gọn của từ pianoforte, hiếm khi được dùng ngoại trừ trong ngôn ngữ trang trọng và có nguồn gốc từ cái tên gốc tiếng Ý của nhạc cụ là gravicèmbalo col piano e forte, (có nghĩa harpchichord với âm nhẹ và mạnh). Điều này có liên quan đến khả năng của đàn piano trong viêc tạo ra các nốt ở các mức độ sắc thái khác nhau phụ thuộc vào tốc độ và lực nhấn phím.

Các đàn piano ngày nay có hai hình dạng cơ bản (với các phân loại nhỏ hơn của chúng) là piano cánh (grand piano) và piano đứng (upright piano hay vertical piano). Ngoài ra theo sự phát triển của kĩ thuật hiện đại, một số dạng piano khác cũng đã xuất hiện như piano tự động (player piano), piano đồ chơi (toy piano), piano đặt sẵn chương trình (prepared piano), piano kỹ thuật số (digital piano)…

II.Lịch sử phát triển đàn piano

1.Grand piano
Những chiếc grand piano ngày nay được xây dựng trực tiếp từ những chiếc đàn clavico _clavecin (harpsichord) từ khoảng thế kỷ 16 và 17. Khoảng năm 1700, Bartolomeo Cristofori đã thử tạo ra một chiếc đàn harpsichord mà có thể biểu hiện âm nhạc một cách truyền cảm hơn, và đã tạo ra một bộ máy mà các búa gõ vào các dây, khác với đàn harpsichord là dùng quill (dụng cụ gảy đàn bằng ống lông) để gảy. Một đặc trưng lớn khác ở đàn piano thời đầu của ông là cơ cấu búa thoát, nó khiến cho búa tách rời khỏi phím một khi các nốt được đánh lên, và rồi chơi lại ở một vận tốc khác hẳn, làm thay đổi hẳn sự biểu cảm của chính các note đó. Những chiếc piano đầu tiên của Critofori vẫn còn chứa đựng rất nhiều nét giống với thiết kế của một cây đàn clavecin, còn âm thanh thì phần nhiều vẫn như thế, ngoại trừ việc là người chơi bấy giờ có thể chơi nhạc bằng việc nhấn vào bàn phím.

Các thiết kế của Critofori không được biết đến mãi cho đến những năm cuối của 1700, khi các bản thiết kế piano của ông được xuất bản. Các nhà sản xuất như Gottfried Silbermann người Đức và học trò của ông là Christian Friederici và Johannes Zumpe bắt đầu phát triển piano với vai trò là một nhạc cụ độc lập với clavecin. Mặc dù lúc đầu ko được ấn tượng cho lắm nhưng được J.S.Bach ủng hộ năm 1747. Âm nhạc bắt đầu được viết riêng cho piano từ năm 1732 và kỷ nguyên của nó với vai trò một nhạc cụ dành cho biểu diễn bắt đầu.

Sự phát triển của grand piano sau năm 1750 diễn ra theo hai hướng cơ bản. Ở Anh, đàn piano được thiết kế nặng hơn và phức tạp hơn, giống với những cây đàn ngày nay hơn. Ở Đức, một loại khác nhẹ hơn và cấu trúc đơn giản hơn được biết đến như một cây đàn xứ Vienna, được nhà sản xuất Johann Andreas Stein xây dựng, đó chính là những cây đàn mà Haydn, Mozartvà Beethoven đã chơi và soạn nhạc trên đó.

Khi grand piano ngày càng phát triển, nó dần trở thành một nhạc cụ độc lập và cần làm cho âm thanh to hơn. Để tăng âm, các dây phải dầy hơn và bộ khung phải khoẻ hơn nữa, như thế có thể đạt được một áp lực lớn hơn. Bộ khung của đàn piano thông thường được làm bằng gỗ, trở nên dày hơn và nặng hơn và thanh chằng chéo giúp nó kiên cố hơn. Đến năm 1820, Thomas Allen thậm chí vẫn còn dùng các ống kim loại để giữ căng các dây, và một nhà sản xuất thành công người Anh là John Broadwood bắt đầu dùng các tấm bằng sắt để giữ cho chúng được căng lên, mà giờ đây các đĩa đó phần lớn được làm bằng kim loại hơn là bằng gỗ. Năm 1825 Alpheus Babcock sáng chế ra khung bằng gang và sau đó năm 1843, một người Mỹ là Jonas Chickering bắt đầu làm piano với một đĩa tròn vành, một nét đặc trưng của các piano cánh ngày nay. Một sự phát triển đáng chú ý khác là việc chằng các dây, được phát triển bởi Henri Pape năm 1828 và Steinway cấp bằng sáng chế năm 1859, ông đã đặt các dây bass dài hơn lên cao hơn các dây kim, giúp cho các dây dài hơn ở trong hộp ngắn hơn và đặt các dây bass ở giữa qua một bảng cộng hưởng (soundboard) để có một sự hồi âm tốt hơn.

Grand piano được bắt đầu sản xuất hàng loạt vào những năm 1800, cùng với sự thành lập của các công ty như: John Broadwood & Sons,Jonas Chickering, Julius Blũthner, Ignaz Bosendorfer, Friedrich Bechstein, Henry Steinway và Sebastien Erard, những công ty này hoàn toàn phát triển từ nền tảng của mẫu đàn cánh đó tới năm 1821.

2.Vertical piano
Sự thử nghiệm đầu tiên để tạo ra một vertical piano đứng xảy ra khoảng vào giữa năm 1735 và 1745. Một người Italia là Domenico Del Mela đã thiết kế một chiếc vertical piano năm 1739 sử dụng một cấu trúc đơn giản. Năm 1745 một người Đức là Christian Ernst Friederici lại tạo ra một loại nhạc cụ được biết đến là "Pyramid piano" (piano kim tự tháp), sở dĩ có tên như vậy là vì hình dáng đặc biệt của chúng. Friederici xuất phát từ cây đàn grand piano vốn có và kết hợp thiết kế hình dáng của vertical piano, nâng các dây và soundboard lên vuông góc với bàn phím và vì thế khiến chúng đứng thẳng, còn các trục lên dây ở dưới đáy của bộ dây, ngay trên các phím. Các cấu trúc piano mà Friederici sử dụng là một phiên bản giản đơn hoá từ một thiết kế của Bartolomeo Christofori năm 1720, tuy nhiên bộ cơ của Friederici thiếu mất các đặc trưng mô phỏng trong nguyên bản của Christofori. Toàn khối nhạc cụ đó được đặt đứng trên một cái bệ hoặc bàn và đằng trước có các cánh cửa có thể đóng mở tự động, để lộ ra bộ dây và soundboard. Các thiết kế này mới chỉ kết hợp giữa grand và vertical piano, sử dụng các dây và soundboard của vertical piano và bộ cơ của grand piano. Các mẫu này được đưa ra vào những năm 1800 nhưng rất mờ nhạt và thua kém so với những mẫu sau này, và đến năm 1840, pyramid piano và vertical piano đã cùng đồng thời bị ngừng sản xuất.

Vertical piano còn tiến hoá đến tận cuối những năm 1780 với sự phát triển của một cấu trúc được thiết kế hoàn toàn thẳng đứng, theo sự thẳng hàng của bộ dây và soundboard. Những chiếc đàn đầu tiên được gọi là một "sticker" (gai), vì có những cái sticker dài làm bằng gỗ nối mặt sau của phím tới đầu cần. Đầu cần được dựng vuông góc với bộ dây và bắt đầu một quá trình bằng việc đầu cần đập trở lại các dây và cứ thế tiếp tục quay lại. Nó được John Landreth thiết kế vào năm 1787 và được William Southwell người Anh xây dựng và bổ sung năm 1798. Một sự phát triển quan trọng khác nữa là dây chằng chéo, giúp cho các dây ở đàn vertical piano dài hơn và cải thiện âm thanh. Năm 1831 Hermann Lichtenthal đã thiết kế ra một hệ thống mà ở đó búa được kiểm soát bằng độ dài của dải băng, như vậy sẽ không cần phải dồn các dây lên một cú đánh đơn lẻ nữa. Robert Wornum - người Anh đã tinh lọc cơ cấu tape-check, đó là cơ sở cho các bộ cơ của vertical piano ngày nay. Có 2 phương thức chống rung bộ dây khác nhau đã được cải tiến. Một cách là sử dụng hệ thống overdamper (giảm âm quá mức), ở đó một dây kim loại dài được gắn với đằng trước của mỗi đòn bẩy trung gian để đi lên và vượt qua đỉnh của các búa. Khi nhấn các phím, sợi dây sẽ chuyển động theo một liên kết để đặt một miếng nỉ hình vuông xuống các dây trước khi búa đập xuống và bật miếng nỉ trở lại khi không nhấn các phím nữa. Hệ thống này tiếp tục được sử dụng cho đến những năm cuối 1800 và rất phổ biến ở Anh và Đức. Hệ thống chống rung thứ hai là một đòn bẩy có bản lề, được nối tới đằng sau của mỗi máy búa gần bộ dây, nó xoay miếng nỉ vuông rời khỏi dây bằng một vòng xích tới đòn bẩy trung gian. Thiết kế này có hiệu quả hơn trong việc chống rung và được sử dụng ở các vertical piano ngày nay. Mẫu vertical piano đã tương đối hoàn chỉnh và các cây đàn ngày nay cơ bản là không thay đổi gì so với những thiết kế từ những năm đầu 1800 đó.

Đến năm 1840, vertical piano tương tự như những gì chúng ta thấy ngày nay, mặc dù có nhỏ hơn và với cấu trúc tinh vi hơn. Các dây giờ đây chạy thẳng từ đỉnh xuống đáy thùng (mà giờ đây được đặt dưới đất chứ ko phải trên một cái bàn như ở pyramid piano). Hệ thống lên dây giờ đây được đặt ở đỉnh của hộp đàn, với các dây chạy chéo xuống hộp đàn và được gắn chặt ở đáy. Bộ cơ và bàn phím nằm ở trung tâm của bộ dây với một phím đẩy sticker lên cao và làm các búa chuyển động lại về hướng các dây.

Những năm sau này, các nhà sản xuất đua nhau làm ra những chiếc đàn piano với những cải tiến hoặc biến đổi khác nhau. Có rất nhiều tên tuổi lớn trong làng sản xuất piano với những nhãn hiệu nổi tiếng và được tín nhiệm như : Broadwood, Baldwin, Marshall& Rose, Kemble,Yamaha, Kawai, Whelpdale & Maxwell, Steinway, Wendl & Lung…. mà ở mỗi hãng, cây đàn lại có một phong cách hay đặc trưng riêng biệt. Thế kỷ 20 đựơc nhìn nhận là có nhiều cuộc chạy đua về kỹ thuật và mẫu mã của cây đàn, hết phóng to lại thu nhỏ, thêm một bộ phận này, bớt một bộ phận khác, tuy vậy, về tổng thể, những thay đổi đó vẫn dựa trên những nguyên mẫu từ thế kỉ 19.

III.Cấu trúc đàn piano ngày nay


Diagram1.jpeg

Biểu đồ 1​


Cây piano hiện đại có 6 bộ phận chính (những bộ phận của piano được đánh số trong biểu đồ 1)

1.Khung đàn (Frame) : thường được làm bằng sắt, ở rìa sau gắn thanh chốt dây để cài chặt một đầu dây đàn. Ở rìa trước là tấm khóa lên dây, gồm nhiều chốt lên dây. Đầu dây đàn còn lại được quấn quanh chốt lên dây. Độ căng của dây (cao độ của nốt) được cân chỉnh bằng cách vặn các chốt lên dây này.

2.Bảng cộng hưởng (Soundboard) : làm bằng gỗ vân sam mỏng và cứng, đặt ở dưới lớp dây đàn, có tác dụng tăng âm bằng rung động cộng hưởng.

3.Dây đàn (String) : được làm từ dây thép, có độ dài và độ dày tăng dần lên theo cao độ giảm dần. 2 hoặc 3 dây đàn có độ cao như nhau được sử dụng cho mỗi nốt âm cao. Những nốt có âm thấp hơn chỉ dùng một dây độc lập, có kích thước lớn và được làm nặng hơn bằng cách cuộn những sợi dây đồng mỏng xung quanh dây.

4.Bộ cơ (Action) : bao gồm tất cả các bộ phận khiến đầu búa chuyển động, chạm tới dây đàn. Bộ phận có thể nhìn thấy rõ nhất chính là bàn phím, được điều khiển trực tiếp bằng ngón tay người chơi. Các phím đàn trắng được làm bằng nhựa hoặc ngà voi, các phím đen được làm bằng nhựa hoặc gỗ mun.

5.Bộ pedals (bàn đạp) : là các cần điều khiển bằng chân. Pedal vang âm (phía bên phải - damper pedal) giữ "bàn phím chặn âm" tách khỏi dây đàn, cho phép dây đàn rung một thời gian dài - tạo ra âm thanh ngân vang ngay cả khi tay đã buông khỏi phím đàn. Pedal giảm âm (phía bên trái - còn gọi là una corda) làm giảm một nửa khoảng cách giữa đầu búa và dây đàn, hoặc là chuyển vị trí của đầu búa một chút sang bên cạnh, khiến đầu búa chỉ chạm vào một dây đàn thay vì 2 hay 3 dây như bình thường, làm giảm cường độ âm thanh. Có những cây đàn piano có thêm pedal thứ 3, pedal duy trì (sustaining pedal). Pedal này không giữ toàn bộ bàn phím chặn âm. Khi phím đàn được nhấn xuống, phím chặn âm tương ứng của nốt đó sẽ được nâng lên, pedal duy trì sẽ chỉ giữ riêng biệt phím chặn âm này và không ảnh hưởng tới các phím chặn âm khác.

Việc sử dụng những chiếc pedal này có khả năng tạo ra những thay đổi âm thanh tinh tế. Phần lớn những cây vertical piano thay Pedal duy trì bằng pedal tập luyện (pratise pedal) có tác dụng đặt tấm nỉ vào giữa đầu búa và dây, tạo ra âm thanh rất nhỏ.

6. Hộp đàn (Case) tạo nên hình dáng đàn và là cơ sở để người ta phân loại đàn piano thành grand piano (piano cánh), square piano (piano vuông) và vertical piano (piano đứng). Loại piano vuông (chính xác là hình chữ nhật) không còn được sản xuất nữa, nó được thay thế hoàn toàn bằng những chiếc vertical piano chiếm ít diện tích hơn. Loại grand piano được chế tạo với nhiều kích cỡ khác nhau, từ kiểu đàn concert dùng trong các buổi hòa nhạc dài 2,69m (tương đương 8 ft 10 inch) cho tới còn những chiếc baby grand chỉ dài 1,8m.

Kiểu đàn vertical piano cũng bao gồm cả loại đàn vertical piano kích thước nhỏ của những năm cuối thế kỉ thứ 19 giống như đàn spinet ngày nay (đàn harpsichord loại nhỏ) và đàn piano hộp. Ở đàn piano đứng dây đàn chạy dọc hoặc chéo từ trên xuống dưới. Ở đàn piano đứng và những đàn cơ nhỏ đôi khi người ta xếp chồng dây đàn: dây đàn những nốt trầm được căng chéo phía trên các dây ngắn của âm khu cao. Bằng cách này chúng có thể tăng thêm độ dài và cải thiện chất lượng âm thanh. Tổng lực căng dây trên một cây đàn cơ vào khoảng 30 tấn, còn của một cây đàn đứng khoảng 14 tấn.

IV.Cơ chế hoạt động của đàn piano



Diagram2.jpeg


Biểu đồ 2​

Về cơ bản, khi phím đàn được nhấn xuống phần cuối của đòn bẩy sẽ đẩy trục đứng lên trên khiến đầu búa gõ vào dây đàn. Cùng lúc đó phím chặn âm được nâng lên khỏi dây đàn để chúng rung tự do tạo ra âm thanh.

Sau đây là miêu tả chi tiết với các số thứ tự được đánh như trong biểu đồ 2 :
Mỗi phím đàn (1) là một đòn bẩy, có điểm tựa ở một trục thăng bằng (2). Khi người chơi nhấn một phím đàn xuống, phần đuôi đòn bẩy được nâng lên khiến trục đứng (3) đẩy khớp nối (4) một đầu được giữ chặt lên. Đầu tự do của khớp nối kéo theo chi tiết hình chữ L được gọi là đòn bẩy thoát (5) (escapement lever) và đòn bẩy lặp (9) (repetition lever).

Đòn bẩy thoát đẩy con lăn (6), một cuộn nỉ được gắn chặn vào cán búa (7), đẩy đầu búa lên cao. Đòn bẩy thoát dừng lại khi mà phần đuôi nhô ra của nó chạm vào nút chỉnh (8). Đầu búa rời khỏi đòn bẩy thoát và gõ vào dây đàn. Đòn bẩy lặp cũng được nâng lên, nhưng chỉ tới khi khi đòn bẩy thoát vượt qua nó và chạm vào chiếc ốc rơi (10). Đòn bẩy lặp giữ nguyên vị trí này cho đến lúc phím đàn được thả ra.

Sau đó búa rơi một nửa đường về vị trí cũ. Nó bị chặn lại bởi con lăn và chạm vào đòn bẩy lặp đang ở vị trí được nâng lên cao. Đòn bẩy thoát vì vậy có thể trượt phía dưới cán búa vẫn đang được nâng lên một nửa để trở về vị trí ban đầu của nó. Trong lúc đó, búa kiểm tra (11) ngăn đầu búa gõ lại vào dây đàn.

Nếu phím đàn được thả ra một phần, búa gõ thoát khỏi búa kiểm tra trong khi đòn bẩy vẫn giữ nguyên ở trạng thái nâng lên. Nếu người chơi lại ấn phím đàn này xuống, đòn bẩy thoát có thể một lần nữa đẩy con lăn và làm cho đầu búa nâng lên, gõ vào dây đàn. (Hệ thống này cho phép sự lặp lại liên tục của một nốt trước khi phím đàn và chiếc búa kịp quay trở về vị trí ban đầu của chúng. Đây là một cải tiến quan trọng so với cơ cấu đơn giản của thời kỳ đầu.)

Trong lúc này, phần đuôi của phím đàn đẩy phím chặn tiếng (12) lên phía trên, nâng nó lên khỏi dây đàn. Khi mà phím đàn đã được thả lỏng một phần nào, phím chặn tiếng rơi ngược lại lên dây đàn làm tắt tiếng đàn.

Khi phím đàn được thả ra hoàn toàn, toàn bộ cơ cấu lại trở về vị trí đầu tiên nhờ trọng lực. Không giống với những chiếc grand piano, vertical piano không thể dựa vào trọng lực để buộc mọi thứ trở về vị trí ban đầu. Ở grand piano, các bộ phận đặt nằm ngang trên phím đàn, còn với vertical piano thì bộ cơ lại được xếp gần vuông góc. Vì không thể chỉ dựa vào trọng lực nên nó dùng thêm các loại dây và những băng vải nhỏ để kéo các phần của bộ cơ trở về vị trí cũ.

IV.Một số nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng
Piano vẫn luôn là nhạc cụ dành cho những nghệ sĩ bậc thầy. Vào thế kỷ XVIII và XIX các nhà soạn nhạc vẫn thường chơi các tác phẩm của chính mình, trong số đó có Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Frédéric Chopin và cả nhà soạn nhạc người Hungary Franz Liszt... Nữ nghệ sĩ piano nổi tiếng người Đức Clara Schumann thì chơi những tác phẩm của chồng bà, nhạc sĩ Robert Schumann. Cuối thế kỉ XIX là thời kì độc tôn của nghệ sĩ người Nga Anton Rubinstein, và đến đầu thế kỷ XX rất nhiều các nghệ sĩ biểu diễn khác đã đi lưu diễn khắp Tây Âu và Mỹ. Trong số đó có thể kể đến nghệ sĩ người Ba Lan Ignace Paderewski, nghệ sĩ người Mỹ gốc Ba Lan Josef Hofmann và Arthur Rubinstein. Trong thời kì giữa Chiến tranh Thế giới I và II (1918 – 1939), nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn người Mĩ gốc Nga Sergei Rachmaninov, nghệ sĩ người Mỹ gốc Áo Artur Schnabel, nghệ sĩ người Anh Dame Myra Hess, nghệ sĩ người Đức Walter Gieseking và nghệ sĩ người Brasil Guiomar Novaes là những nghệ sĩ độc tấu piano được biết đến nhiều nhất. Sau khi thế chiến thứ II kết thúc vào năm 1945, các nghệ sĩ piano người Nga đã xuất hiện trở lại ở Mỹ, hai trong số họ là Emil Gilels và Sviatoslav Richter. Trong số những nghệ sĩ độc tấu piano nổi tiếng còn có nghệ sĩ người Chile Claudio Arrau, một bậc thầy với mảng tác phẩm biểu diễn đặc biệt rộng; Rudolf Serkin, một giáo viên - nghệ sĩ piano người Mỹ sinh ở Séc; nghệ sĩ thiên tài người Mỹ gốc Nga Vladimir Horowitz và nghệ sĩ người Tây Ban Nha Alicia de Larrocha. Một số nghệ sĩ được đánh giá cao khác xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ II là nghệ sĩ người Anh gốc Áo Alfred Brendel, người bằng những hiểu biết và tài năng của mình đã khơi dậy những cuộc tranh luận về nghệ thuật vốn đã chìm lặng từ lâu; nghệ sĩ người Canada Glenn Gould, người rất được tán thưởng bởi những thu âm các tác phẩm của Bach, hay các nghệ sĩ người Mỹ Van Cliburn, André Watts, Murray Perahia và nghệ sĩ người Iceland gốc Nga Vladimir Ashkenazy. Ngày nay, với khả năng kỹ thuật của các nghệ sĩ piano ngày càng tăng, con số về các cuộc thi piano mang tầm cỡ quốc tế đã tăng lên một cách đáng kể, tạo nên một sự quan tâm đặc biệt của mọi người và là bước đầu cho việc xây dựng sự nghiệp của những nghệ sĩ mới đầy triển vọng.


elibron & Zinthepianist (dịch)

Nguồn : https://en.wikipedia.org
 
Viola​


Viola là một nhạc cụ dây dùng vĩ kéo. Nó đảm nhiệm giọng trung trong họ violin, giữa giọng cao của violin và giọng trầm của violoncello và contrabass.
Người ít chơi nhạc có thể nhầm lẫn giữa viola và violin bởi sự giống nhau về kích cỡ, âm vực và tư thế chơi. Tuy vậy âm sắc của viola tương đối khác biệt: ấm, tối và dày hơn so với violin. Viola cũng không phải một nhạc cụ nổi bật so với hai người anh em của nó là violin và violoncello nếu so về vai trò và số lượng tác phẩm.

Cấu tạo

Không giống như violin, viola không có kích thước tiêu chuẩn. Một cây đàn viola trung bình dài khoảng 40 cm.

Thân

Hộp đàn viola hầu như được làm toàn bộ bằng gỗ. Một cây viola truyền thống thường có mặt trước làm bằng gỗ vân sam còn mặt sau, hai bên và cổ làm bằng gỗ thông.

Hai mặt đàn thường được chế tạo thủ công. Để làm hai bên đàn, người ta hun nóng gỗ và uốn quanh các khuôn. Nhìn từ phía trước, thân viola có thể chia làm ba bộ phận: phần trên và phần dưới nở rộng, phần giữa hẹp giới hạn bởi hai chữ C quay lưng vào nhau. Hai khe hình chữ S và ngựa đàn nằm ở gần như chính giữa thân đàn.

Cổ, hộp chốt và cuộn xoắn ốc

Phía trên thân đàn là cổ đàn, tiếp đến là hộp chốt và cuộn xoắn ốc. Cổ đàn, hộp chốt và cuộn xoắn thường được tạc từ một mảnh gỗ nguyên. Gắn liền với cổ đàn và kéo dài xuống đến phần giữa của thân đàn là bàn phím. Bàn phím là một thanh gỗ, thường là gỗ thông, được đẽo cong về hai bên và được dán với cổ đàn. Nơi tiếp nối giữa bàn phím và hộp chốt có một mảnh gỗ nhô lên, đỡ lấy dây đàn, gọi là mấu. Hộp chốt có 4 chốt lên dây. Cuộn xoắn ốc là một bộ phận truyền thống của các nhạc cụ dây. Người ta thường dùng gỗ mun để làm các chốt lên dây, bàn phím và mấu, ngoài ra có thể dùng các loại gỗ khác có màu tối như hoàng dương hoặc hồng mộc.

Chốt mắc dây và chân đế

Chốt mắc dây gắn ở phần dưới thân đàn. Chốt mắc dây cổ điển được làm bằng gỗ mun hoặc các loại gỗ khác có màu tối, nhưng ngày nay có thể làm bằng nhựa hoặc các vật liệu tổng hợp. Chốt mắc dây vừa dùng để gắn dây với thân đàn, vừa có thể dùng để lên dây với biên độ hẹp và độ chính xác cao

Ngựa đàn và hai khe chữ S

Ngựa đàn là một mảnh gỗ hoặc nhựa nâng dây đàn lên khỏi mặt đàn và truyền dao động của dây đến que chống và thanh dọc bên trong. Ngựa đàn không bị gắn chặt vào thân đàn mà được các dây đàn giữ ở đúng vị trí. Các khe hình chữ S ở hai bên ngựa đàn, làm nhiệm vụ cho không khí đi vào và đi ra khỏi hộp đàn, tạo nên âm thanh. Ngoài ra các khe hình chữ S còn cho phép tiếp cận với những phần bên trong hộp đàn nếu cần sửa chữa.

Dây đàn

Dây đàn viola trước kia được làm từ ruột ngựa (hoặc trâu, bò, cừu). Ngày nay dây đàn có thể làm bằng ruột động vật, thép hoặc các vật liệu tổng hợp và được bọc ngoài bởi dây kim loại.

Người chơi viola thường phải thay dây khi nó không còn giữ được âm thanh và độ căng như ban đầu. Dây la mỏng nhất nên cũng dễ bị hỏng và đứt nhất.

Dây viola được lên với cao độ do – sol – re – la. Tuy nhiên có lúc viola cũng được lên dây với các cao độ khác. Ví dụ như trong bản Sinfonia concertante cho violin, viola và dàn nhạc, Mozart đã yêu cầu nhạc cụ viola lên dây cao hơn nửa cung so với bình thường.

Những chi tiết bên trong

Bên trong viola có 2 bộ phận quan trọng: que chống và thanh dọc. Que chống bị kẹp giữa mặt trước và mặt sau của đàn, còn thanh dọc thì được dán vào phía trong mặt trước song song với dây đàn. Ngoài chức năng tăng cường sức chịu lực của mặt đàn, hai bộ phận trên còn có tác dụng truyền dao động của dây xuống hộp đàn.



Theo truyền thống, vĩ được làm từ gỗ pernambuco (chất lượng cao) hoặc brazilwood (chất lượng thấp hơn). Cả 2 loại gỗ đều lấy từ cây Caesalpina echinata. Pernambuco là phần gỗ ở lõi của cây và màu tự nhiên đậm hơn. Pernambuco bền và nặng, có tính đàn hồi cao và truyền âm tốt, khiến nó trở thành loại gỗ lí tưởng để chế tạo vĩ. Dây vĩ làm từ lông đuôi ngựa, nhưng cũng có lúc lông nhân tạo được dùng để thay thế. Ngày nay, người ta còn dùng thủy tinh hữu cơ và sợi carbon để làm vĩ. Dây vĩ được phủ cô-lô-phan định kì để làm tăng độ ma sát với dây đàn. Vĩ cần phải được thay dây định kì, chủ yếu là do dây vĩ rất dễ bị mỏng đi do cọ xát trong quá trình chơi đàn. Dây bị chùng cũng cần được để ý. Dây vĩ được kéo căng nhờ một con ốc gắn ở quai (bộ phận mà người chơi giữ lấy khi đang chơi đàn).

Lịch sử cấu tạo

Antonio Stradivari (1644 - 1737), Guiseppe Guarneri (1666 - 1710), Nicolo Amati (1596 - 1684) và con cháu của họ là những nhà chế tạo viola nổi bật nhất vào khoảng thế kỉ 17-18. Trong thời gian này đàn viola có kích thước rất lớn, đến gần 50cm. Tuy nhiên vào đầu thế kỉ 19 những cây viola nhỏ được ưa chuộng hơn đã dần thay thế viola cỡ lớn. Mặc dù trong suốt lịch sử các nhạc cụ thuộc họ violin đã trải qua nhiều thay đổi ở cổ đàn, bàn phím, ngựa đàn và nhiều bộ phận khác nhưng riêng những cây viola cổ vẫn giữ được hình dáng ban đầu được trưng bày ở nhiều viện bảo tàng.

Tư thế chơi

Viola cũng giống như violin cũng có nhiều tư thế chơi, nhưng cách phổ biến nhất là giữ phần đáy của đàn giữa hàm và vai trái, thường qua một tấm tựa cằm gắn trên đàn, một mảnh vải phủ lên đàn hoặc một tấm tựa vai. Người chơi dùng tay trái để bấm nốt và tay phải để kéo (bằng vĩ) hoặc búng dây đàn (pizzicato).

Lịch sử biểu diễn

Trong lịch sử viola ít được sử dụng trong các bản concerto độc tấu và sonata hơn so với violin và violoncello.

Âm nhạc viết cho viola khác với cho các nhạc cụ khác ở chỗ nó thường sử dụng khóa do alto. Các bản nhạc cho viola cũng sử dụng khóa sol khi có những đoạn nhạc viết ở âm vực cao.

Trong nhạc giao hưởng ban đầu, vai trò của viola thường chỉ giới hạn trong hòa âm mà ít có giai điệu riêng. Khi viola được đảm nhận một bộ phận trong giai điệu của âm nhạc thời kì này, nó vẫn chỉ chơi theo giai điệu của các nhạc cụ khác. Một ngoại lệ là Concerto Brandenburg số 6 của J.S. Bach với hai viola chơi giai điệu chính.

Một ví dụ hiếm hoi về âm nhạc cho viola độc tấu là bản Harold ở Ý của Hector Berlioz. Ngoài ra còn có một vài bản concerto thuộc thời kì Baroque và thời kì Lãng mạn của Telemann và Carl Stamitz.

Viola đóng một vai trò quan trọng trong nhạc thính phòng. Mozart đã phần nào độc lập hóa vai trò của viola trong sáu bản ngũ tấu đàn dây của mình. Những bản ngũ tấu đó sử dụng 2 viola, giải phóng nhạc cụ này để biểu diễn những đoạn độc tấu và nâng cao tính phong phú của nhóm hợp tấu. Từ những tác phẩm đầu tiên Johannes Brahms đã sáng tác âm nhạc với vai trò nổi bật của viola. Bản nhạc thính phòng đầu tiên của ông, bản lục tấu đàn dây số 18 có một đoạn gần giống như cho viola số 1 độc tấu. Sau này ông còn viết 2 sonata nổi tiếng cho viola và piano trong tập tác phẩm số 120. Brahms cũng sáng tác Hai lied cho giọng alto với viola và piano (Zwei Gesänge für eine Altstimme mit Bratsche und Pianoforte), Op. 91: Gestillte Sehnsucht (Thỏa long mong nhớ) và Geistliches Wiegenlied (Bài hát ruThánh) đề tặng cho nghệ sĩ violin Joseph Joachim và Amalie – vợ của Joachim. Antonín Dvořák cũng từng chơi viola; âm nhạc thính phòng của ông cũng dành vị trí quan trọng cho viola. Một nhà soạn nhạc người Tiệp Khắc khác là Bedřich Smetana cho viola đảm nhiệm một vai trò rõ nét trong bản tứ tấu From My Life (Từ cuộc sống của tôi) mở đầu bằng tiếng viola đầy tình cảm.

Viola cũng có lúc có vị trí nổi bật trong nhạc giao hưởng, ví dụ như khúc biến tấu số 6 trong tổ khúc Enigma Variations của Edward Elgar.

Mặc dù kho tàng âm nhạc cho viola khá lớn, số lượng tác phẩm cho viola của các nhạc sĩ lừng danh trước thế kỉ 20 tương đối nhỏ. Vì vậy nhiều nghệ sĩ viola phải chơi những bản nhạc chuyển soạn từ những tác phẩm viết cho violin, violoncello hoặc các nhạc cụ khác.

Nửa đầu thế kỉ 20 nhiều nhà soạn nhạc bắt đầu viết cho viola với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ solo chuyên nghiệp như Lionel Tertis. Các nghệ sĩ người Anh: Arthur Bliss, York Bowen, Benjamin Dale và Ralph Vaughan Williams đều sáng tác nhạc giao hưởng và thính phòng cho ông. William Walton và Béla Bartók đã viết những concerto cho viola nổi tiếng. Một trong số ít những nhà soạn nhạc với số lượng đáng kể các tác phẩm cho viola là Paul Hindemith – một nghệ viola thường biểu diễn các tác phẩm ra mắt lần đầu. Sonata cho flute, viola và harp của Debussy đã khai mở cho nhiều nhà soạn nhạc khác viết những tác phẩm cho các nhạc cụ trên kết hợp với nhau. Elliot Carter viết nhiều cho viola; bản nhạc Khúc bi thương của ông là một trong nhiều sáng tác cho đàn viola được biết đến và còn được chuyển soạn cho clarinet. Lionel Tertis nói rằng Edward Elgar (tác giả của bản concerto cho cello được Tertis soạn lại cho viola với chương scordatura chậm rãi hơn), Alexander Glazunov (nghệ sĩ táng tác nên Khúc bi thương Op. 44 cho viola và piano), và Maurice Ravel đều đã từng hứa sẽ viết các concerto cho viola nhưng đều qua đời trước khi hoàn thành lời hứa. Vào nửa sau thế kỉ 20 một số lượng lớn các tiết mục cho viola đã được biểu diễn với nhiều nhà soạn nhạc sáng tác các bản concerto cho viola.

HiLine (dịch)

Nguồn : https://en.wikipedia.org
 
Violin​

(Vĩ cầm)​

Cấu tạo

Thân

Hộp đàn violin hầu như được làm toàn bộ bằng gỗ. Một cây đàn violin truyền thống thường có mặt trước làm bằng gỗ vân sam còn mặt sau, hai bên và cổ làm bằng gỗ thông.

Hai mặt đàn thường được chế tạo thủ công. Để chế tạo mặt bên đàn, người ta hun nóng gỗ và uốn quanh các khuôn. Nhìn từ phía trước, thân đàn violin có thể chia làm ba bộ phận: phần trên và phần dưới nở rộng, phần giữa hẹp giới hạn bởi hai chữ C quay lưng vào nhau. Hai khe hình chữ S và tấm nâng nằm ở gần như chính giữa thân đàn.

Cổ, hộp chốt và cuộn xoắn ốc

Phía trên thân đàn là cổ đàn, tiếp đến là hộp chốt và cuộn xoắn ốc. Cổ đàn, hộp chốt và cuộn xoắn thường được tạc từ một mảnh gỗ nguyên. Gắn liền với cổ đàn và kéo dài xuống đến phần giữa của thân đàn là bàn phím. Bàn phím là một thanh gỗ, thường là gỗ thông, được đẽo cong về hai bên và được dán lên cổ đàn. Nơi tiếp nối giữa bàn phím và hộp chốt có một mảnh gỗ nhô lên đỡ lấy dây đàn gọi là mấu. Hộp chốt có bốn chốt lên dây. Cuộn xoắn ốc là một bộ phận truyền thống của các nhạc cụ dây. Người ta thường dùng gỗ mun để làm các chốt lên dây, bàn phím và mấu, ngoài ra có thể dùng các loại gỗ khác có màu tối như hoàng dương hoặc hồng mộc.

Chốt mắc dây và chân đế

Chốt mắc dây gắn ở phần dưới thân đàn. Chốt mắc dây theo truyền thống được làm bằng gỗ mun hoặc các loại gỗ khác có màu tối, nhưng ngày nay có thể làm bằng nhựa hoặc các vật liệu tổng hợp. Chốt mắc dây vừa dùng để gắn dây với thân đàn, vừa có thể dùng để lên dây với biên độ hẹp và độ chính xác cao.

Ngựa đàn và hai khe chữ S

Ngựa đàn là một mảnh gỗ hoặc nhựa nâng dây đàn lên khỏi mặt đàn và truyền dao động của dây đến cột trụ và thanh dọc bên trong. Ngựa đàn không bị gắn chặt vào thân đàn mà được các dây đàn giữ ở đúng vị trí. Các khe hình chữ S ở hai bên ngựa đàn, làm nhiệm vụ cho không khí đi vào và đi ra khỏi hộp đàn, tạo nên âm thanh. Ngoài ra các khe hình chữ S còn cho phép tiếp cận với những phần bên trong hộp đàn nếu cần sửa chữa.

Dây đàn

Dây đàn violin trước kia được làm từ ruột ngựa (hoặc trâu, bò, cừu). Ngày nay dây đàn có thể làm bằng ruột động vật, thép hoặc các vật liệu tổng hợp và được bọc ngoài bởi dây kim loại. Dây mi thường không được bọc ngoài và làm bằng thép trần hoặc được mạ vàng.

Người chơi violin thường phải thay dây khi nó không còn giữ được âm thanh và độ căng như ban đầu. Dây mi mỏng nhất nên cũng dễ bị hỏng và đứt nhất. Dây đàn violin được lên với cao độ sol - re - la - mi.

Những chi tiết bên trong

Bên trong đàn violin có hai bộ phận quan trọng: que chống và thanh dọc. Que chống bị kẹp giữa mặt trước và mặt sau của đàn, còn thanh dọc thì được dán lên phía trong của mặt trước, song song với dây đàn. Ngoài chức năng tăng cường sức chịu lực của mặt đàn, hai bộ phận trên còn có tác dụng truyền dao động của dây xuống hộp đàn.



Theo truyền thống, vĩ được làm từ pernambuco (chất lượng cao) hoặc gỗ vang (chất lượng thấp hơn). Cả hai loại gỗ đều lấy từ cây Caesalpina echinata; pernambuco là phần gỗ ở lõi của cây và màu tự nhiên đậm hơn. Pernambuco bền và nặng, có tính đàn hồi cao và truyền âm tốt, khiến nó trở thành loại gỗ lí tưởng để chế tạo vĩ. Dây vĩ làm từ lông đuôi ngựa, nhưng cũng có lúc lông nhân tạo được dùng để thay thế. Ngày nay, người ta còn dùng thủy tinh hữu cơ và sợi carbon để làm vĩ. Dây vĩ được phủ cô-lô-phan định kì để làm tăng độ ma sát với dây đàn. Vĩ cần phải được thay dây định kì, chủ yếu là do dây vĩ rất dễ bị mỏng đi do cọ xát trong quá trình chơi đàn. Dây vĩ bị chùng cũng cần được để ý. Dây vĩ được kéo căng nhờ một con ốc gắn ở quai (bộ phận mà người chơi giữ lấy khi đang chơi đàn). Vĩ dành cho violin dài khoảng 74,5 cm và rộng 3cm.

Lịch sử cấu tạo

Việc lắp ghép 70 bộ phận của cây đàn violin với nhau đòi hỏi sự khéo léo tuyệt vời mà hầu như không ai vượt qua được những nghệ nhân sinh sống giữa những năm 1650 và 1750 như Antonio Stradivari (1644-1737), Guiseppe Guarneri (1666-1710), Nicolo Amati (1596 -1684) và gia đình của họ tại Cremona, Ý.

Cấu tạo cây đàn violin đã trải qua một số lần thay đổi. Khi quy mô nhà hát bắt đầu mở rộng vào giữa thế kỉ 19, những nhạc cụ dây được yêu cầu phải phát ra âm thanh mạnh mẽ hơn, vì thế độ căng của dây được nâng lên bằng cách ngả bàn phím xuống. Dây ruột mèo được sử dụng cho đến năm 1700 khi dây sol thường được cuốn dây kim loại để tạo nên âm sắc sáng hơn. Đến nay dây thép đã trở nên phổ biến.

Lịch sử biểu diễn

Vào thế kỉ 14 và thế kỉ 15 những người nông dân kéo đàn cho những điệu nhảy vốn đã là một phần quen thuộc của đời sống nông thôn. Tuy nhiên sáng tác âm nhạc phát triển trong và sau thời kì Phục hưng đã làm cho violin trở thành một bộ phận chủ chốt của dàn nhạc, còn những nhà soạn nhạc như Monteverdi đã bắt đầu sử dụng nó một cách rộng rãi trong dàn nhạc vào thế kỉ 17. Cho đến khi đó nhạc cụ chủ yếu là các đàn dây thuộc họ viol – những nhạc cụ có bề ngoài giống nhưng có cấu tạo khác violin – nhưng âm sắc cao của violin và khả năng chơi những giai điệu nhanh và chính xác lại thích hợp hơn cho thứ âm nhạc mới được sáng tác vào thời Baroque. Năm 1700 Archangelo Corelli đã viết sáu bản sonata nhà thờ và sáu bản sonata thính phòng cho violin và dàn nhạc quy mô nhỏ. Bộ tác phẩm opus 5 này là một bản tổng kết cho các thể loại trong thế kỉ trước đó và đã được biểu diễn trên toàn châu Âu. Trong những năm tiếp theo sự khác biệt giữa nhạc nhà thờ và nhạc thính phòng đã biến mất.

Nhiều nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ violin như Vivaldi, Tartini và Locatelli đã tạo nên những tác phẩm cho violin với độ phức tạp ngày càng cao. Tổ khúc Le quattro stagioni (Bốn mùa) của Vivaldi được viết vào năm 1725 nổi tiếng vào thời đó cũng không kém gì ngày nay. Bản thân Vivaldi là một nghệ sĩ violin thiên tài; có những lúc ông đã làm kinh ngạc khán giả khi chơi những điệu nhạc mà nhiều người xem là không thể chơi. Vậy mà ông còn sáng tác đến 220 bản concerto khác cho violin mà nhiều bản trong số đó đã chứng tỏ kĩ thuật và hòa âm đầy sáng tạo của Vivaldi.

Âm nhạc cho violin độc tấu đã có bước phát triển rất dài từ những điệu nhảy đồng quê, và cho đến cuối những năm 1600 những nhà soạn nhạc như Biber đã viết nên những bản nhạc dài hơn cho violin. Sáu bản sonata và partita cho violin được J.S. Bach sáng tác năm 1720 đến nay vẫn được xem là nền tảng cho trình diễn độc tấu, có một không hai cả về khía cạnh nghệ thuật và kĩ thuật của nhạc cụ này. Bộ tác phẩm âm nhạc này có quy mô khá lớn: mỗi partita hoặc sonata bao gồm một số chương nhạc; riêng bản partita số 2 có chương cuối là một bản chaconne – một tác phẩm dài 15 phút nhưng có tầm cỡ đến nỗi Brahms và Busoni sau này đã phổ thành bản nhạc cho piano.

Kĩ thuật chơi violin đã phát triển rất nhanh chóng do đòi hỏi ngày càng cao của âm nhạc. Mozart đã biểu diễn violin chuyên nghiệp khi còn rất trẻ và đã viết 26 sonata cho violin và đàn phím cùng 5 bản concerto trong đó 3 bản cuối cùng đã trở thành những tác phẩm hoà nhạc mẫu mực. Bản concerto được ưa chuộng nhất là bản số 5 với chương III được mang tên Hành khúc Thổ Nhĩ Kì.

Những thành tựu của Mozart là nguồn cảm hứng cho Beethoven và Schubert. Beethoven, tuy là một nghệ sĩ piano thiên tài nhưng lại không phải là một nhạc công violin tài giỏi. Tuy vậy Beethoven đã bắt đầu sáng tác cho violin từ sau thời của Mozart, nâng cao đòi hỏi về kĩ thuật đối với người chơi, nhấn mạnh sự hòa hợp giữa người chơi đàn phím và nghệ sĩ độc tấu. Concerto cho violin của Beethoven đã đặt ra một nền tảng mới. Mặc dù vậy Concerto cho violin của Beethoven đã không được hiểu một cách trọn vẹn cho đến khi Joseph Joachim – một nghệ sĩ violin trẻ tuổi – hồi sinh tác phẩm trong một buổi hòa nhạc do Mendelssohn chỉ huy vào năm 1844.

Joachim đã được nhiều nhà soạn nhạc đề tặng tác phẩm như Mendelssohn, Dvorak, Bruch, Brahms và Schumann. Bản Concerto số 1 của Bruch và bản Concerto của Mendelssohn là hai bản nhạc nổi tiếng nhất trong số đó. Tuy nhiên tác phẩm của Schumann – được viết khi tác giả đang đau ốm – là một nỗi thất vọng lớn đến nỗi Joachim vẫn giữ bản nhạc nhưng không biểu diễn vì lo ngại sẽ làm hỏng thanh danh của nhà soạn nhạc thiên tài ấy. Bản Concerto của Brahms được Brahms và Joachim hợp tác để viết nên được nhiều người coi là bản concerto cho violin chuẩn mực.
Concerto cho violin của Tchaikovsky được viết năm 1878 là một tác phẩm khó và cũng được ưa chuộng khác, nhưng đứng đầu về độ khó kĩ thuật phải kể đến những bản capriccio độc tấu được Nicolo Paganini sáng tác vào đầu thế kỉ 19. Kĩ thuật của Paganini gây sửng sốt đến nỗi người ta cho rằng xác của ông đã không được chôn tại Nice trong vùng đất thánh do tin đồn khả năng ông có được là do ma quỷ. Paganini có lẽ là nghệ sĩ violin chơi nhanh và kĩ thuật nhất từ trước tới nay: ông chơi bản Moto perpetuo của chính mình trong vòng 3:03 – tương ứng với 12 nốt một giây – điều này được ghi trong sách kỉ lục Guinness.

Thế kỉ 20 chứng kiến nhiều bản concerto cho violin mới tham gia vào kho tàng vốn đã rất khổng lồ, và hầu như tất cả những nhà soạn nhạc lớn đều đã từng viết thể loại này: Sibelius, Glazunov, Reger, Elgar, Bloch, Nielsen, Delius, Szymanowski, Schoenberg, Hindemith, Bartok, Walton, Britten, Berg, Stravinsky, Prokofiev, Khachaturian, Shostakovich... Những tác phẩm này phản ánh khá rõ tâm tư của người sáng tác. Concerto số 2 của Bartok được nhìn nhận như một trong những tuyệt tác của thế kỉ và được biểu diễn khá rộng rãi bất kể độ khó bất thường về kĩ thuật và nhạc cảm của nó. Concerto số 1 của Shostakovich được viết tặng David Oistrakh, được cất giấu trong ngăn kéo từ 1948 đến 1955 vì lí do chính trị. Trong khi Concerto của Elgar mơ mộng về một thế giới không có thật thì các sonata cho violin của Ravel lại phảng phất nét buồn. Concerto của Berg dù không được đón nhận từ buổi ra mắt do giai điệu khó nghe của nó đã được xem là một kiệt tác hiện đại và được đánh giá là ấm áp và cảm động. Schoenberg đã nói rằng bản Concerto của ông đòi hỏi người chơi phải dùng 6 ngón tay. Concerto của Khachaturian, tuy không có được danh tiếng tương xứng, là một tác phẩm mạnh mẽ và lôi cuốn, lấy cảm hứng từ âm nhạc của Armenia.

Đã có nhiều nhạc công chơi violin nổi bật, hình thành nên “kỉ nguyên vàng” vào giữa những năm 30 và những năm 50 của thế kỉ trước với những tên tuổi bậc thầy như Heifetz, Oistrakh, Szeryng, Ricci, Menuhin, Stern, Francescatti, Elman, Milstein và Grumiaux.

HiLine (dịch)

Nguồn : https://en.wikipedia.org
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top