Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Nhà văn đầu tiên và mãi mãi của tôi
Khoảng mươi năm trở lại đây, tôi bỏ thói quen mỗi tháng đón xe một lần về thị xã mua sách. Hiệu Sách Nhân Dân không còn như xưa. Thay vào đó là một cửa hàng bán sách, báo và nhiều loại văn phòng phẩm rực rỡ. Những cuốn sách bây giờ in ấn rất đẹp. Nhưng một ngọn lửa nào đó trong những cuốn sách kia không còn nữa. Quá nhiều những cuốn sách viết thời nay đối với tôi sao lại vô cảm đến thế.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng ven chân đồi và trước mặt là biển. Một cuốn sách đối với một cô bé ở một làng quê nghèo và heo hút trong những năm tháng thơ ấu ấy quả là một báu vật. Tuổi thơ tôi không có những cuốn sách. Sau này thấy nhiều người viết rằng: "Dế mèn phiêu lưu ký" là cuốn sách theo họ suốt tuổi thơ. Tôi không có may mắn ấy. Mãi đến năm tôi 23 tuổi tôi mới đọc cuốn sách nổi tiếng này.
Cuốn sách thật hấp dẫn. Nhưng một sự rung động lớn lao và kỳ lạ vang mãi trong tâm hồn tôi lại không phải cuốn sách ấy mà là những câu chuyện ông nội tôi kể. Cho đến bây giờ, với những suy ngẫm nghiêm túc của mình, tôi kết luận: Ông nội tôi là một nhà văn không xuất bản một cuốn sách nào trong những nhà văn đã in sách nhưng vô cùng quan trọng đối với tôi. Với những câu chuyện kể tối tối của mình, ông nội tôi đã biến cái làng quê nghèo đói thành một thiên đường trên mặt đất của chúng tôi - Thiên đường của những vẻ đẹp, những bí ẩn và những giấc mơ. Mỗi một con đường chạy men theo chân đồi, mỗi một đêm gió thổi qua ngọn đồi sau làng, mỗi một ngôi nhà dưới những tán cây, mỗi một phiên chợ, mỗi một con người ở chốn này... trong giọng kể của ông nội tôi đều hiện lên chân thực nhưng chứa đầy huyền ảo và lấp lánh. Những câu chuyện của ông nội tôi làm cho mỗi bước chân thơ trẻ của chúng tôi lúc nào cũng run rẩy và trọng đại trên từng tấc đất của làng.
Tối tối, trong ngôi nhà ba gian dưới chân đồi, chúng tôi ngồi trong bóng tối lờ mờ để nghe ông nội kể chuyện. Ngày ấy, buổi tối cả làng tôi chỉ lác đác vài nhà thắp đèn vì có công việc gì đó cần làm. Dầu hoả ngày ấy là một thứ xa xỉ phẩm. Chẳng ai lại thắp đèn để chỉ nhìn nhau hay ngồi nói chuyện. Ngay cả những bữa cơm tối nhà tôi cũng không thắp đèn. Chúng tôi ngồi ngoài sân trừ những ngày mưa hay những ngày đông giá lạnh để ăn cơm. Những buổi tối như thế, ông tôi ngồi nhìn về phía biển và cất giọng kể. Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng; khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện được một lúc thì ông tôi không còn nhớ mình đang kể chuyện cho lũ cháu nghe nữa mà là ông tôi đang kể cho chính ông nghe.
Ông nội tôi mồ côi cha mẹ từ bé. Khi ông tôi ba mươi tuổi thì bà nội chúng tôi mất. Ông tôi không đi bước nữa mà ở vậy nuôi ba đứa con. Ông tôi là một người cô đơn. Ông nội tôi thường im lặng cả ngày. Chỉ khi đêm xuống, ông tôi mới cất giọng. Ông tôi kể chuyện để chống lại sự cô đơn của mình. Trong câu chuyện của mình, ông tôi tìm mọi cách làm cho những gì đã biến mất trở về, làm cho những người thân quen đã chết được sống lại. Tối nào cũng vậy, câu chuyện cuối cùng ông tôi kể cũng là câu chuyện về bà nội chúng tôi. Chúng tôi sinh ra thì bà nội đã mất. Nhưng chính ông nội tôi đã làm bà nội tôi sống trở lại trong ngôi nhà của chúng tôi.
Lúc nào ông tôi cũng mở đầu câu chuyện về bà nội chúng tôi bằng một câu thật giản dị nhưng đầy ấn tượng và đau đớn: " Năm ông lấy bà các cháu là năm làng mình bị dịch tả…". Gia đình bà nội tôi lúc đó có hai người chết vì dịch tả. Khi ông tôi nói với bố mẹ mình để cưới bà tôi thì các cụ nói: " Nhà người ta đang chết vì tả, con lấy nó về để làm ma cho nó à". Ông tôi khóc và nói: " Có phải làm ma cho cô ấy con cũng cưới". Năm ấy làng tôi chết nhiều lắm. Rất nhiều người trong làng bỏ đi trốn bệnh. Nhưng ông bà tôi vẫn ở lại. Họ không chết. Hình như tình yêu mãnh liệt ấy của họ đã đưa họ đi qua cái chết. Nhưng rồi bà tôi lại chết khi sinh cô Nhiệm của tôi. Bà tôi bị hậu sản. Nhiều ngày bữa tối của chúng tôi chỉ là hai củ khoai và một quả cả muối mặn đã thâm xì. ăn xong, chúng tôi chạy ra vại nước múc một gáo nước mưa đầy và uống căng bụng. Đói khát như thế mà chúng tôi vẫn chẳng thấy khổ sở là gì. Nhưng nếu có một buổi tối nào đó ông tôi không kể chuyện cho chúng tôi nghe thì chúng tôi thấy tâm hồn trống rỗng.
Thế rồi Hợp tác xã Nông nghiệp được thành lập ở quê tôi. Vì là người chăm làm và tốt bụng nên ông tôi được bầu vào Ban quản trị. Thế rồi cũng từ ngày đó, những tối kể chuyện của ông tôi thưa dần và không còn hấp dẫn chúng tôi như trước nữa. Ông tôi tối mắt vì công việc và những chuyện chẳng ra làm sao. Vốn là người nông dân thuần phác như thế, nhưng từ khi làm một cái chức con thì ông tôi phải lo những chuyện này chuyện nọ ngoài chuyện giống má, trâu bò, phân gio. Tôi không bao giờ quên cái kỳ Đại hội xã viên bầu lại Ban quản trị. Tối tối, có những người trong làng đến nhà tôi và rì rầm bàn chuyện. Ông tôi trở nên căng thẳng và mệt mỏi. Suốt đêm, ông tôi dậy hút thuốc lào vặt. Hình bóng người ông chất phác tối tối ngồi nhìn về phía biển kể những câu chuyện kỳ diệu không còn nữa. Thay vào đó là một con người hoàn toàn khác với trăm chuyện phải tính toán, phải khôn khéo. Năm đó, ông tôi vẫn được bầu vào Ban quản trị. Nhưng ông tôi không còn say mê với công việc đồng áng như trước và cũng không còn cởi mở với mọi người. Ông tôi giữ ý và thích bàn chuyện với người này hoặc tìm cách phê phán người kia. Có đêm chúng tôi nằng nặc đòi ông kể chuyện. Ông tôi miễn cưỡng ngồi xuống bên chúng tôi. Ông tôi vẫn nhìn về phía biển và câu chuyện cuối của buổi tối vẫn là câu chuyện về bà tôi. Nhưng tất cả lại hoàn toàn đổi khác. Một sự hờ hững và nhiều lúc vô cảm xuất hiện trong suốt câu chuyện ông tôi kể. Chúng tôi cũng chẳng còn nghe những câu chuyện ấy như xưa nữa. Chúng tôi mệt mỏi và chán chường lăn ra ngủ từ khi nào chẳng rõ.
Hai năm sau, ông tôi bị ốm liên miên. Cuối cùng ông tôi xin ra khỏi Ban quản trị. Ông tôi trở nên buồn bã và hình như cô đơn hơn. Chúng tôi cũng chẳng còn đòi ông kể chuyện nữa. Nhưng một buổi tối, ông tôi hỏi: " Các cháu không thích nghe ông kể chuyện nữa à ?". Chúng tôi nhìn nhau và chẳng đứa nào nói câu gì. Ông tôi khẽ thở dài. Ông tôi ngồi xuống nơi trước kia ông tôi vẫn ngồi khi kể chuyện cho chúng tôi. Ông tôi ngồi đó một mình và nhìn về phía biển. Chúng tôi lặng lẽ tản ra nơi khác. Tôi đứng ở một nơi nhìn ông tôi. Trong bóng tối lờ mờ tôi vẫn nhận ra hai hàng nước mắt chảy trên gương mặt khắc khổ và mệt mỏi của ông tôi. Sau đó ông tôi cất giọng nói. Ông tôi nói một mình. Vì lúc đó chẳng có đứa cháu nào ngồi bên ông tôi và ngước mắt lắng nghe như uống từng câu nói của ông tôi. Nhưng ông tôi không để ý đến xung quanh. Ông tôi cứ thế kể những câu chuyện. Một thế giới của những nỗi buồn, của cô đơn, của thổn thức hiện dần lên. Chúng tôi không đứa nào bảo đứa nào lặng lẽ đến bên ông tôi và ngồi xuống. Khi ông tôi bắt đầu câu chuyện cuối cùng: " Năm ông lấy bà các cháu là năm làng mình bị dịch tả…". Tự nhiên, tất cả chúng tôi bật khóc. Cho đến giờ, tôi cũng không biết anh chị em tôi đã khóc vì cái gì? Vì thương bà nội chúng tôi ư? Không phải. Vì thương ông tôi ư? Cũng không phải. Có lẽ chúng tôi khóc bởi những gì biến mất và những người đã chết lúc đó đang hiện về ấm áp, quen thuộc, lấp lánh và chứa nhiều bí ẩn.
Ông nội tôi đã mất từ mấy chục năm nay. Tôi đã về hưu và trở về làng sống. Ngôi nhà đã được anh em tôi sửa sang làm nơi thờ phúng tổ tiên. Điện đã kéo về làng tôi được vài năm nay rồi. Nhưng mỗi tối, tôi vẫn giành một khoảng thời gian không thắp đèn để ngồi xuống nơi ngày xưa chúng tôi thường ngồi để nghe ông nội tôi kể chuyện. Kỳ lạ thay, những lúc như thế, tôi nghe rõ ràng giọng kể chuyện mỗi tối của ông tôi. Giọng nói ấy vang lên từ trong ký ức của tôi hay là linh hồn ông tôi vẫn trở về vào buổi tối để kể những câu chuyện cho chúng tôi nghe.
Sau này đi học và làm việc, tôi đọc rất nhiều sách chuyên môn và cả sách văn học. Nhưng cuốn sách lớn nhất và đầu tiên tôi đọc là những câu chuyện tối tối của ông tôi. Cuốn sách ấy đã tạo dựng một nền móng cơ bản cho tâm hồn anh chị em tôi. Có lúc tôi tự hỏi là có phải vì thuở ấu thơ không có sách đọc mà những câu chuyện của ông tôi kể lại trở nên kỳ diệu và vĩ đại đối với chúng tôi không? Không. Tôi có thể trả lời một cách nghiêm túc như vậy. Những câu chuyện ông tôi kể thực sự là một cuốn sách lớn. Nó chân thực đến tận cùng và cũng huyền ảo đến tận cùng. Nó giản dị vô cùng nhưng cũng trang trọng vô cùng. Những nhân vật của cuốn sách đó không là ai xa lạ ký bí hay ghê ghớm gì. Đó chỉ là những người dân bình thường sống trong một làng bé nhỏ ngèo đói triền miên dưới chân những quả đồi và trước mặt là biển. Những nhân vật đó đã đi qua đói rét, bệnh dịch, đi qua cả đức tin giản dị và cả ngờ vực ngớ ngẩn, đi qua cái chết và tình yêu. Nhưng tình yêu đã lớn hơn tất cả. " Có phải cưới cô ấy về làm ma con cũng cưới". Ông tôi đã nói vậy. Câu nói ấy của ông tôi xa xưa ngập tràn nước mắt nhưng cũng ngập tràn sức mạnh và lòng kiêu hãnh của tình yêu. Ông tôi đã yêu thì cái chết cũng không đe doạ được tình yêu của ông tôi.
Biết bao, biết bao những cuốn sách viết trong những năm tháng gần đây bày bán ngập tràn các hiệu sách chỉ mang đến cho tôi sự dửng dưng. Quá nhiều người viết sách để cho thiên hạ biết họ là nhà văn đây. Họ chẳng hề viết những trang sách kia như một cơn mê được sống với những gì và những người đã mất. Họ không bao giờ viết những cuốn sách với tinh thần của ông tôi ngồi trong bóng tối kể những câu chuyện của mình. Tôi nhớ đọc đâu đó câu nói của một nhà văn : Văn học là viết về những điều lẽ ra phải có trên thế gian này chứ không phải là những điều đã có. Các nhà văn nên suy ngẫm câu này một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc. Trong các nhà văn lớn tôi kính trọng như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... thì ông nội tôi là một nhà văn lớn đầu tiên và mãi mãi trong cuộc đời tôi.
Xóm Khoai, mùa Thanh Minh
Bùi Hạnh Nhã _vietimes.
Khoảng mươi năm trở lại đây, tôi bỏ thói quen mỗi tháng đón xe một lần về thị xã mua sách. Hiệu Sách Nhân Dân không còn như xưa. Thay vào đó là một cửa hàng bán sách, báo và nhiều loại văn phòng phẩm rực rỡ. Những cuốn sách bây giờ in ấn rất đẹp. Nhưng một ngọn lửa nào đó trong những cuốn sách kia không còn nữa. Quá nhiều những cuốn sách viết thời nay đối với tôi sao lại vô cảm đến thế.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng ven chân đồi và trước mặt là biển. Một cuốn sách đối với một cô bé ở một làng quê nghèo và heo hút trong những năm tháng thơ ấu ấy quả là một báu vật. Tuổi thơ tôi không có những cuốn sách. Sau này thấy nhiều người viết rằng: "Dế mèn phiêu lưu ký" là cuốn sách theo họ suốt tuổi thơ. Tôi không có may mắn ấy. Mãi đến năm tôi 23 tuổi tôi mới đọc cuốn sách nổi tiếng này.
Cuốn sách thật hấp dẫn. Nhưng một sự rung động lớn lao và kỳ lạ vang mãi trong tâm hồn tôi lại không phải cuốn sách ấy mà là những câu chuyện ông nội tôi kể. Cho đến bây giờ, với những suy ngẫm nghiêm túc của mình, tôi kết luận: Ông nội tôi là một nhà văn không xuất bản một cuốn sách nào trong những nhà văn đã in sách nhưng vô cùng quan trọng đối với tôi. Với những câu chuyện kể tối tối của mình, ông nội tôi đã biến cái làng quê nghèo đói thành một thiên đường trên mặt đất của chúng tôi - Thiên đường của những vẻ đẹp, những bí ẩn và những giấc mơ. Mỗi một con đường chạy men theo chân đồi, mỗi một đêm gió thổi qua ngọn đồi sau làng, mỗi một ngôi nhà dưới những tán cây, mỗi một phiên chợ, mỗi một con người ở chốn này... trong giọng kể của ông nội tôi đều hiện lên chân thực nhưng chứa đầy huyền ảo và lấp lánh. Những câu chuyện của ông nội tôi làm cho mỗi bước chân thơ trẻ của chúng tôi lúc nào cũng run rẩy và trọng đại trên từng tấc đất của làng.
Tối tối, trong ngôi nhà ba gian dưới chân đồi, chúng tôi ngồi trong bóng tối lờ mờ để nghe ông nội kể chuyện. Ngày ấy, buổi tối cả làng tôi chỉ lác đác vài nhà thắp đèn vì có công việc gì đó cần làm. Dầu hoả ngày ấy là một thứ xa xỉ phẩm. Chẳng ai lại thắp đèn để chỉ nhìn nhau hay ngồi nói chuyện. Ngay cả những bữa cơm tối nhà tôi cũng không thắp đèn. Chúng tôi ngồi ngoài sân trừ những ngày mưa hay những ngày đông giá lạnh để ăn cơm. Những buổi tối như thế, ông tôi ngồi nhìn về phía biển và cất giọng kể. Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng; khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện được một lúc thì ông tôi không còn nhớ mình đang kể chuyện cho lũ cháu nghe nữa mà là ông tôi đang kể cho chính ông nghe.
Ông nội tôi mồ côi cha mẹ từ bé. Khi ông tôi ba mươi tuổi thì bà nội chúng tôi mất. Ông tôi không đi bước nữa mà ở vậy nuôi ba đứa con. Ông tôi là một người cô đơn. Ông nội tôi thường im lặng cả ngày. Chỉ khi đêm xuống, ông tôi mới cất giọng. Ông tôi kể chuyện để chống lại sự cô đơn của mình. Trong câu chuyện của mình, ông tôi tìm mọi cách làm cho những gì đã biến mất trở về, làm cho những người thân quen đã chết được sống lại. Tối nào cũng vậy, câu chuyện cuối cùng ông tôi kể cũng là câu chuyện về bà nội chúng tôi. Chúng tôi sinh ra thì bà nội đã mất. Nhưng chính ông nội tôi đã làm bà nội tôi sống trở lại trong ngôi nhà của chúng tôi.
Lúc nào ông tôi cũng mở đầu câu chuyện về bà nội chúng tôi bằng một câu thật giản dị nhưng đầy ấn tượng và đau đớn: " Năm ông lấy bà các cháu là năm làng mình bị dịch tả…". Gia đình bà nội tôi lúc đó có hai người chết vì dịch tả. Khi ông tôi nói với bố mẹ mình để cưới bà tôi thì các cụ nói: " Nhà người ta đang chết vì tả, con lấy nó về để làm ma cho nó à". Ông tôi khóc và nói: " Có phải làm ma cho cô ấy con cũng cưới". Năm ấy làng tôi chết nhiều lắm. Rất nhiều người trong làng bỏ đi trốn bệnh. Nhưng ông bà tôi vẫn ở lại. Họ không chết. Hình như tình yêu mãnh liệt ấy của họ đã đưa họ đi qua cái chết. Nhưng rồi bà tôi lại chết khi sinh cô Nhiệm của tôi. Bà tôi bị hậu sản. Nhiều ngày bữa tối của chúng tôi chỉ là hai củ khoai và một quả cả muối mặn đã thâm xì. ăn xong, chúng tôi chạy ra vại nước múc một gáo nước mưa đầy và uống căng bụng. Đói khát như thế mà chúng tôi vẫn chẳng thấy khổ sở là gì. Nhưng nếu có một buổi tối nào đó ông tôi không kể chuyện cho chúng tôi nghe thì chúng tôi thấy tâm hồn trống rỗng.
Thế rồi Hợp tác xã Nông nghiệp được thành lập ở quê tôi. Vì là người chăm làm và tốt bụng nên ông tôi được bầu vào Ban quản trị. Thế rồi cũng từ ngày đó, những tối kể chuyện của ông tôi thưa dần và không còn hấp dẫn chúng tôi như trước nữa. Ông tôi tối mắt vì công việc và những chuyện chẳng ra làm sao. Vốn là người nông dân thuần phác như thế, nhưng từ khi làm một cái chức con thì ông tôi phải lo những chuyện này chuyện nọ ngoài chuyện giống má, trâu bò, phân gio. Tôi không bao giờ quên cái kỳ Đại hội xã viên bầu lại Ban quản trị. Tối tối, có những người trong làng đến nhà tôi và rì rầm bàn chuyện. Ông tôi trở nên căng thẳng và mệt mỏi. Suốt đêm, ông tôi dậy hút thuốc lào vặt. Hình bóng người ông chất phác tối tối ngồi nhìn về phía biển kể những câu chuyện kỳ diệu không còn nữa. Thay vào đó là một con người hoàn toàn khác với trăm chuyện phải tính toán, phải khôn khéo. Năm đó, ông tôi vẫn được bầu vào Ban quản trị. Nhưng ông tôi không còn say mê với công việc đồng áng như trước và cũng không còn cởi mở với mọi người. Ông tôi giữ ý và thích bàn chuyện với người này hoặc tìm cách phê phán người kia. Có đêm chúng tôi nằng nặc đòi ông kể chuyện. Ông tôi miễn cưỡng ngồi xuống bên chúng tôi. Ông tôi vẫn nhìn về phía biển và câu chuyện cuối của buổi tối vẫn là câu chuyện về bà tôi. Nhưng tất cả lại hoàn toàn đổi khác. Một sự hờ hững và nhiều lúc vô cảm xuất hiện trong suốt câu chuyện ông tôi kể. Chúng tôi cũng chẳng còn nghe những câu chuyện ấy như xưa nữa. Chúng tôi mệt mỏi và chán chường lăn ra ngủ từ khi nào chẳng rõ.
Hai năm sau, ông tôi bị ốm liên miên. Cuối cùng ông tôi xin ra khỏi Ban quản trị. Ông tôi trở nên buồn bã và hình như cô đơn hơn. Chúng tôi cũng chẳng còn đòi ông kể chuyện nữa. Nhưng một buổi tối, ông tôi hỏi: " Các cháu không thích nghe ông kể chuyện nữa à ?". Chúng tôi nhìn nhau và chẳng đứa nào nói câu gì. Ông tôi khẽ thở dài. Ông tôi ngồi xuống nơi trước kia ông tôi vẫn ngồi khi kể chuyện cho chúng tôi. Ông tôi ngồi đó một mình và nhìn về phía biển. Chúng tôi lặng lẽ tản ra nơi khác. Tôi đứng ở một nơi nhìn ông tôi. Trong bóng tối lờ mờ tôi vẫn nhận ra hai hàng nước mắt chảy trên gương mặt khắc khổ và mệt mỏi của ông tôi. Sau đó ông tôi cất giọng nói. Ông tôi nói một mình. Vì lúc đó chẳng có đứa cháu nào ngồi bên ông tôi và ngước mắt lắng nghe như uống từng câu nói của ông tôi. Nhưng ông tôi không để ý đến xung quanh. Ông tôi cứ thế kể những câu chuyện. Một thế giới của những nỗi buồn, của cô đơn, của thổn thức hiện dần lên. Chúng tôi không đứa nào bảo đứa nào lặng lẽ đến bên ông tôi và ngồi xuống. Khi ông tôi bắt đầu câu chuyện cuối cùng: " Năm ông lấy bà các cháu là năm làng mình bị dịch tả…". Tự nhiên, tất cả chúng tôi bật khóc. Cho đến giờ, tôi cũng không biết anh chị em tôi đã khóc vì cái gì? Vì thương bà nội chúng tôi ư? Không phải. Vì thương ông tôi ư? Cũng không phải. Có lẽ chúng tôi khóc bởi những gì biến mất và những người đã chết lúc đó đang hiện về ấm áp, quen thuộc, lấp lánh và chứa nhiều bí ẩn.
Ông nội tôi đã mất từ mấy chục năm nay. Tôi đã về hưu và trở về làng sống. Ngôi nhà đã được anh em tôi sửa sang làm nơi thờ phúng tổ tiên. Điện đã kéo về làng tôi được vài năm nay rồi. Nhưng mỗi tối, tôi vẫn giành một khoảng thời gian không thắp đèn để ngồi xuống nơi ngày xưa chúng tôi thường ngồi để nghe ông nội tôi kể chuyện. Kỳ lạ thay, những lúc như thế, tôi nghe rõ ràng giọng kể chuyện mỗi tối của ông tôi. Giọng nói ấy vang lên từ trong ký ức của tôi hay là linh hồn ông tôi vẫn trở về vào buổi tối để kể những câu chuyện cho chúng tôi nghe.
Sau này đi học và làm việc, tôi đọc rất nhiều sách chuyên môn và cả sách văn học. Nhưng cuốn sách lớn nhất và đầu tiên tôi đọc là những câu chuyện tối tối của ông tôi. Cuốn sách ấy đã tạo dựng một nền móng cơ bản cho tâm hồn anh chị em tôi. Có lúc tôi tự hỏi là có phải vì thuở ấu thơ không có sách đọc mà những câu chuyện của ông tôi kể lại trở nên kỳ diệu và vĩ đại đối với chúng tôi không? Không. Tôi có thể trả lời một cách nghiêm túc như vậy. Những câu chuyện ông tôi kể thực sự là một cuốn sách lớn. Nó chân thực đến tận cùng và cũng huyền ảo đến tận cùng. Nó giản dị vô cùng nhưng cũng trang trọng vô cùng. Những nhân vật của cuốn sách đó không là ai xa lạ ký bí hay ghê ghớm gì. Đó chỉ là những người dân bình thường sống trong một làng bé nhỏ ngèo đói triền miên dưới chân những quả đồi và trước mặt là biển. Những nhân vật đó đã đi qua đói rét, bệnh dịch, đi qua cả đức tin giản dị và cả ngờ vực ngớ ngẩn, đi qua cái chết và tình yêu. Nhưng tình yêu đã lớn hơn tất cả. " Có phải cưới cô ấy về làm ma con cũng cưới". Ông tôi đã nói vậy. Câu nói ấy của ông tôi xa xưa ngập tràn nước mắt nhưng cũng ngập tràn sức mạnh và lòng kiêu hãnh của tình yêu. Ông tôi đã yêu thì cái chết cũng không đe doạ được tình yêu của ông tôi.
Biết bao, biết bao những cuốn sách viết trong những năm tháng gần đây bày bán ngập tràn các hiệu sách chỉ mang đến cho tôi sự dửng dưng. Quá nhiều người viết sách để cho thiên hạ biết họ là nhà văn đây. Họ chẳng hề viết những trang sách kia như một cơn mê được sống với những gì và những người đã mất. Họ không bao giờ viết những cuốn sách với tinh thần của ông tôi ngồi trong bóng tối kể những câu chuyện của mình. Tôi nhớ đọc đâu đó câu nói của một nhà văn : Văn học là viết về những điều lẽ ra phải có trên thế gian này chứ không phải là những điều đã có. Các nhà văn nên suy ngẫm câu này một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc. Trong các nhà văn lớn tôi kính trọng như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... thì ông nội tôi là một nhà văn lớn đầu tiên và mãi mãi trong cuộc đời tôi.
Xóm Khoai, mùa Thanh Minh
Bùi Hạnh Nhã _vietimes.