Nhà thơ Tản Đà và thơ

Bút Nghiên

ButNghien.com
HẦU TRỜI​

- Tản Đà –​


I.Kiến thức cơ bản
1. Tác giả-tác phẩm:


- Tản Đà: (1889-1939), tên thật Nguyễn Khắc Hiếu

- Quê hương: Tỉnh Sơn Tây (Nay thuộc tỉnh Hà Tây)

- Con người:

+ Sinh ra va Lớn lên trong buổi giao thời.
+ Là“người của hai thế kỷ” (Hoài Thanh)
+ Học chữ hán từ nhỏ nhưng về sau chuyển sang sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ…

- Phong cách thơ:

+ lãng mạng, bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương ưu ái.
+ Có thể xem thơ văn ông như một gạch nối giữa hai thời văn học của dân tộc: trung đại và hiện đại.

* Các tác phẩm:

Thơ: Khối tình con người I, II (1916, 1918)
Truyện: Giấc mộng con người I, II (1916, 1932)
Tự truyện: Giấc mộng lớn (1928)
Thơ và văn xuôi: Còn chơi (1921).

2. Văn bản “Hầu trời”

a) Xuất xứ:

-Trong tập “Còn chơi” (1921)

-Bài thơ ra đời vào thời điểm khuynh hướng lãng mạng đã khá đậm nét trong văn chương thời đại. Xã hội thực dân nữa phong kiến tù hãm, u uất, đầy rẫy những cảnh ngang trái, xót đau…

b) Bố cục: 3 phần:

Phần 1; Giới thiệu về câu chuyện, từ “đêm qua … lạ lùng”

Phần 2: “chủ tiên … chợ trời” Thi nhân đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe.

Phần 3: “Trời lại phê cho… sương tuyết” thi nhân trò chuyện với trời.

II. Nội dung cơ bản:
1. Giới thiệu câu chuyện


- Câu chuyện xảy ra vào “đêm qua” (câu 1) : Gợi khoảng khắc yên tĩnh, vắng lặng.
- Câu truyện kể về một giấc mơ được lên cõi tiên (câu 4).
- Nhân vật trữ tình là tác giả, đang mang tâm trạng “chẳng phải hoảng hốt, không mơ màng”
- Biện pháp nghệ thuật:
+ Điệp từ ‘thật” : nhấn mạnh tâm trạng cảm xúc của thi nhân.
+ Câu cảm thán : Bộc lộ cảm xúc bàng hoàng.
+ Câu khẳng định : dường như lật lại vấn đề: mơ và tỉnh, hư mà như thực.

- Cách giới thiệu trên đã gợi cho người đọc về tứ thơ lãng mạng nhưng cảm xúc là có thực. Tác giả muốn người đọc cảm nhận được cái “hồn cốt” trong cõi mộng, mộng mà như tỉnh, hư mà như thực.

=> Cảm nhận được “cái tôi” cá nhân đầy chất lãng mạng, bảy bổng pha lẫn nét “ngông” trong thơ thi nhân. Với cách vào chuyện độc đáo có duyên đã làm cho câu truyện mà tác giải sắp kể trở nên hấp dẫn lôi cuốn.

2. Thi nhân đọc thơ cho trời và chư tiên nghe:

a) Thái độ của thi nhân khi đọc thơ và việc thi nhân nói về tác phẩm của mình:

- Thi nhân đọc rất cao hứng, sảng khoái và có phần tự đắc:
“ Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lý lại văn chơi”
- Thi nhân kể tường tận, chi tiết về các tác phẩm của mình:
“Hai quyển khối tình văn lý thuyết
Hai khối tình còn là văn chơi
Thần tiên, giấc mộng văn tiểu thuyết….”
- Giọng đọc: đa dạng, hóm hỉnh, ngông nghênh có phần tự đắc.

=> Đoạn thơ cho thấy thi nhân rất ý thức về tài năng văn thơ của mình và cũng là người táo bạo, dám đường hoàng bộc lộ “cái tôi” cá thể. Ông cũng rất “ngông” khi tìm đến trời để khẳng dịnh tài năng. Đây là niềm khát khai chân thành trong tâm hồn thi sĩ.

b) Thái độ của người nghe:Rất ngưỡng mộ tài năng thơ văn của tác giả.

- Thái độ của trời: khen rất nhiệt thành: văn thật tuyệt, văn trần được thế chắc có ít, văn chuốt như sao băng…

- Thái độ của chư tiên: xúc động, hâm mộ và tán thưởng…Tâm nở dạ, cơ lè lưỡi…
=> Cả đoạn thơ mang đậm chất lãng mạng và thể hiện tư tưởng thoát li trước cuộc đời.

3. Thi nhân trò chuyện với trời:

a) Thi nhân kể về hoàn cảnh của mình:

- Thi nhân kể họ tên, quê quán:
“ Con tên Khắc Hiếu họ Nguyễn
Quê ở Á châu về địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Việt Nam”

=>Trong văn chương việc thể hiện họ tên trong tác phẩm chính là một cáh để khẳng định cái tôi cá nhân của mình.

- Thi nhân kể về cuộc sống: Đó là môt cuộc sống nghèo khó, túng thiếu, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, coi thường. Ở trần gian ông không tìm được tri âm, nên phải lên tận cỏi trời để thoả nguyện nỗi lòng.

+ “Bẩm trời hoàng cảnh con thực nghèo khó”
+ “Trần gian thước đất cũng không có”
+ “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”
+ “Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu’

Đó cũng chính là hiện thực cuộc sống của người nghệ sĩ trong xã hội lúc bấy giờ, một cuộc sống cơ cực không tấc đất cắm dùi, thân phận bĩ rẻ rúng, làm chẳng đủ ăn.

=> Qua đoạn thơ tác giả đã cho người đọc thấy một bức tranh chân thực và cảm động về chính cuộc đời mình và cuộc đời nhiều nhà văn nhà thơ khác.

=> Cảm hứng hiện thực bao trùm cả đoạn thơ này.

b) Trách nhiệm và khát vọng của thi nhân:

- Nhiệm vụ trời giao: Truyền bá thiên lương.

=>Nhiệm vụ trên chứng tỏ Tản Đà lãng mạn chứ không hoàn toàn thoát li cuộc sống. Ông vẫn ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đời để đem lại cuộc sống ấm no hành phúc hơn.

- Thi nhân khát khao được gánh vác việc đời => đó cũng là một cách tự khẳng định mình trước thời cuộc.

=>Như vậy có thể nói trong thơ Tản đà cảm hứng lãng mạng và cảm hứng hiện thực đan xen khăng khít .

III. Tổng kết:
1. Nội dung:

- Bài thơ thể hiện cái tôi cá nhân ngông nghênh, kiêu bạc, hào hoa và cái tôi cô đơn, bế tắc trước thời cuộc.
- Có thể thấy nhà thơ đã tìm được hướng đi đúng đắn để khẳng định mình.
2. Nghệ thuật:
- Cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn người đọc.
- Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế, gợi cảm, không cách điệu, ước lệ.
- Tác giả vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật chính.
- Cảm xúc bộc lộ thoaỉ mái, tự nhiên, phóng túng.
- Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do…

( ST )​
 
Thêm một cách phân tích

1. Hình ảnh bức tranh sơn thủy

Nói là bức cổ họa sơn thủy, nhưng không có “thủy” vì “nước đi đi mãi không về cùng non”. Chỉ có núi: “Non cao những ngóng cùng trông”. Có suối nhưng suối đã cạn kiệt bao giờ, nay chỉ còn “suối khô dòng lệ…). Có cây mai già trụi lá trơ cành: “xương mai”. Có sương tuyết và mây phủ dày trên đỉnh núi.

Có màu xanh của ngàn dâu. Và có màu vàng của tà dương:

“Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.”


Bức cổ họa rất đẹp mà buồn, thấm đượm màu tang thương ly biệt và chờ mong.

2. Nước non nặng một lời thề.

- Nước và Non trong bài thơ là hình ảnh của lứa đôi. Trong 22 câu thơ, từ non, nước xuất hiện tới 27 lần. Lúc đầu là Nước Non, biệt ly thì “Nước… Non”, nhớ mong thì “Non… nước/Nước… Non”. Ngày tái hợp: Non Non Nước Nước.

- Nặng thề nguyền nhưng trắc trở biệt ly, đáng thương:

“Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi, không về cùng non.

Bi kịch của mối tình là đã nặng lời thề nhưng sau đó “nước đi đi mãi”…

- Cảnh đợi chờ. Đó là hình bóng một giai nhân. Vò võ, buồn thương, đau khổ, tàn phai. Những ẩn dụ đầy gợi cảm: dòng lệ, xương mai, tóc mây, vẻ ngọc, nét vàng… Những vần thơ đẹp như câu Kiều :

“Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”


- Có trách móc giận hờn:

“Non còn nhớ nước, nước mà quên non”

- An ủi, vỗ về:

“Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi…”

- Thủy chung sắt son!

“Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề”


Tóm lại, một bị kịch tình yêu. Có ly biệt, nhớ mong, đau khổ, nhưng mãi mãi tái hợp, sum họp. Buồn thương nhưng không tuyệt vọng. Mối tình ấy được Tản Đà diễn tả bằng những vần thơ giàu hình tượng và truyền cảm với một nhạc điệu du dương, thắm thiết.

3. Nước đi chưa lại

- Nhan đề bài thơ là"Thề non nước”, nghĩa là thề vì nước vì non. Bài thơ đã xuất hiện trong tác phẩm Tản Đà trên 2 lần, đó là một ẩn ý vừa kín đáo vừa cảm động. Thi sĩ Tản Đà cũng có vài bài thơ “Vịnh bức dư đồ” của đất nước:

“Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười.
Biết bao lúc mới công vời vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi?...”


Có đặt bài thơ "Thề non nước” bên cạnh các bài thơ “Vịnh dư đồ…”, “Chim họa mi trong lồng”,… ta mới cảm nhận được tình cảm yêu nước thiết tha của Tản Đà. Ông không phải là một chiến sĩ cách mạng. Ông là một thi sĩ, ông đã gửi gắm tấm lòng của mình với giang sơn Tổ quốc một cách kín đáo và đầy tính chất nghệ thuật

Bút pháp nghệ thuật điêu luyện

1. Thơ lục bát trau chuốt. Có lúc mang hồn quê dân dã, phảng phất ca dao dân ca:

“Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa”


Có lúc tinh luyện, cổ điển, mượt mà như câu Kiều:

“Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương”…


2. Sử dụng thủ pháp phân - hợp ngôn từ rất tinh tế để gợi tả, biểu cảm. Non và Nước xuất hiện ở tần số cao trong bài thơ. Lúc gắn bó thề nguyền thì “Nước Non”, lúc biệt ly xa cách thì Nước… Non”:

“Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non”…


Ngày mai tái hợp, sum họp thì “Non non nước nước chưa nguôi lời thề”.

Hai từ “ngóng, trông”, cũng vậy: “Non cao những ngóng cùng trông…”.

3. Sáng tạo trong vận dụng các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ… để xây dựng hình ảnh mĩ lệ, đầy chất thơ:

- Nước đi đi mãi, không về cùng non…

- Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha

- Non còn nhớ nước, nước mà quên non…

Kết luận

" Thề non nước” là “bài thơ tuyệt tác” như thi sĩ Lưu Trọng Lư đã ngợi ca. Một bài thơ đa nghĩa, có chuyện vịnh cảnh, có màu sắc phong tình tài hoa, và còn có tấm lòng thiết tha gắn bó của thi sĩ với Tổ quốc giang sơn trong cảnh ngộ mất chủ quyền. Sắc điệu trữ tình thiết tha của "Thề non nứớc” mãi mãi hòa quyện hồn người và hồn nước thiêng liêng.



Nguồn :Internet.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tư liệu về nhà thơ Tản Đà

TẢN ÐÀ


I.- CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA TẢN ĐÀ

1. Cuộc đời


Tản Ðà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Ông sinh ngày 08 tháng 5 năm 1888, ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.

Ông xuất thân từ một gia đình thuộc dòng dõi phong kiến quí tộc. Cha là Nguyễn Danh Kế, từng làm quan đến Án sát, Ngự sử, Anh cả là Nguyễn Tái Tích đỗ phó bảng, làm Ðốc học, sau tham gia ban Tu thư, làm Hiệu trưởng trường Qui Thức, là những tổ chức do Pháp lập ra để đối phó vào phong trào Ðông Kinh nghĩa thục. Mẹ ông là một cô đào hát có tài có sắc, lấy lẽ Nguyễn Danh Kế lúc ông làm Tri phủ Lý Nhân. Từ lúc nhỏ Nguyễn Khắc Hiếu đã theo cha và anh sống ở những nơi họ làm việc, ở Nam Ðịnh, Sơn Tây, Vĩnh Yên.

Tản Ðà từng theo học chữ nho. Ông cũng là một trong những học trò đầu tiên của trường Qui Thức. Ông đi thi mãi nhưng không đỗ đạt gì cả.

Ông là một nhà nho rờii nông thôn ra thành thị. Cuộc sống thành thị lúc bấy giờ đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm và thái độ trước cuộc sống hiện tại của ông.

Ông là người đầu tiên đã mạnh dạn bước vào một nghề mới: Nghề viết văn, xem việc sáng tác như một cách kiếm sống "Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng". Ông từng tham gia vào hoạt động báo chí: làm chủ bút cho tờ Hữu Thanh, thành lập tờ An Nam tạp chí. Tản Ðà mất ngày 07 tháng 6 năm 1939 ở Ngã Tư Sở trong cảnh nghèo nàn, túng thiếu.


2. Sự nghiệp sáng tác

Tản Ðà bắt đầu sáng tác từ năm 1913. Ðến năm 1915 ông mới bắt đầu công bố tác phẩm của mình trên tờ Ðông Dương tạp chí"

Tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại :

- Tác phẩm phiên dịch : Ðại học, Ðàn bà Tàu, Kinh thi, Liêu trai chí dị.

- Tác phẩm luận thuyết : Khối tình bản chính, Khối tình bản phụ, Ðài gương.

- Thơ : Lên sáu, lên tám, Khối tình con I, II

- Tiểu thuyết và truyện ngắn : Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Thề non nước, Trần ai tri kỷ, Kiếp phong trần.

- Kịch : Thần tiền.

Lúc sinh thời Tản Ðà rất tự hào về văn xuôi của mình, ông từng nói : "Văn đã nhiều thay lại lắm lối. Thế nhưng độc giả, những người nghiên cứu lại đánh giá cao những tác phẩm thơ của ông.

II.- NỘI DUNG VĂN THƠ CỦA TẢN ĐÀ:

1. Tinh thần dân tộc trong thơ văn Tản Ðà :


Tản Ðà là một nhà nho đứng ngoài cuộc đấu tranh cứu nước của dân tộc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ở ông vẫn tiềm tàng một tình yêu quê hương đất nước thiết tha. Tản Ðà không nâng lòng yêu nước của mình tới mức độ có thể xông vào chiến trận, cùng đồng bào cả nước đánh đuổi kẻ thù xâm lược nhưng Tản Ðà luôn có ý thức lo đời và mong muốn được giúp đời. Tản Ðà thường thắc mắc và cảm thấy lo âu trước tình trạng lạc hậu đáng sơû về kinh tế, xã hội của đất nước.

"Tính năm sinh đã 4000 nghìn dư
Bước tiến hóa lừ đừ sau mọi kẻ".
(Bài hát chúc báo sống)

Ông rất đau xót khi nhận ra sự suy tàn của Hán học, lo lắng cho đạo đức thánh hiền sẽ có ngày đi đến chỗ bị tiêu vong (Hủ nho lo việc đời). Trước thực trạng của đất nước, Tản Ðà cất lời than não nuột :

"Giời chưa mở mắt biết mai sau thế nào
Bây giờ đất thấp mà giời cao !"
(Sẩm chợ)

Ông luôn tiếc nuối quá khứ vàng son của dân tộc. Bài "Con quốc và con chẫu chuộc" đã thể hiện điều này :

"Bờ ao trên bụi có con quốc
Ở dưới lại có con chẫu chuộc
Hai con cùng ở cùng hay kêu
Một con kêu thảm một con kêu nhuốc
Chuộc kêu đắc ý gặp tuần mưa
Quốc kêu đau lòng thương xuân qua
Cùng một bờ ao, một bụi rậm
Phong cảnh không khác tình khác xa".

Ông nhớ về những chiến công hiển hách của tổ tiên

"Ôi ! Lý Trần Lê đâu mất cả
Mà thấy hươu nai đứng đỉnh chơi".
(Chơi trại hàng hoa)

Có những lúc ông còn công nhiên ca ngợi những người anh hùng dân tộc đương thời (viếng Ðình Công Tráng). Ông đã tỏ rõ thái độ căm thù đối với những kẻ bán nước, làm tay sai cho giặc. Ông từng làm thơ mỉa mai Hoàng Cao Khải.

"Hoạ mi, ai vẽ nên mi ?
Trông mi mi đẹp, hót thì mi hay
Ai đưa mi đến chốn này ?
Nước trong gạo trắng mi ngày ăn chơi
Lồng son cửa đỏ thảnh thơi
Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi
Nghĩ cho mi cũng gặp thì
Rừng xanh mi có tiếc gì nữa không".
(Chim hoạ mi trong lồng)

Ông châm biếm những kẻ theo giặc :

"Anh tiếc cho em phận gái má đào
Tham đồng bạc trắng mà gán mình cho chú Tây đen"
(Cô Tây đen)

Với ý thức lo đời và mong muốn đóng góp cho đời Tản Ðà luôn đi tìm giải pháp cứu nước. Ðể thực hiện được việc lớn Tản Ðà đã đi tìm người đồng chí cùng với mình gánh vác trọng trách đối với non sông nhưng tìm mãi mà không thấy.

"Chung quanh những đá cùng cây
Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm"
(Vô đề)

Trước hoàn cảnh hiện tại của đất nước, Tản Ðà nhận thấy cần phải có sức mạnh của đoàn kết mới có thể xoay trở được tình thế, cho nên ông đã cất lời kêu gọi.

"Lúc thủy tai, này ai ơi !
Quý tiếc thương yêu lấy giống nòi
Con cháu rồng tiên khi đã bỉ
Ðừng nên rẻ rúng bỏ nhau hoài !"

Tản Ðà đã đưa ra chủ trương cứu nước bằng con đường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Ông rất tin vào giải pháp này. Trong bài viết "Một cuộc đấu tranh của người An Nam sẽ khởi đầu từ năm Ðinh Mão" đã thể hiện rõ nhiệt tình và sự tin tưởng của ông: "Hỡi quốc dân An Nam, nước An Nam từ năm Ðinh Mão này trở về trước, cái hay cái dở có chép ở sử sách, chúng ta đều đã biết, nước An Nam từ năm Ðinh Mão trở về sau, chúng ta chưa biết ra sao vậy. Cái vận mạng của nước ta sau này hay dở hoặc nhiên có tiền định, thế nào chúng ta cũng phải hết sức tiến thủ, tức như trong nhà có bố mẹ ốm không thể tính số vận, mà kiếm thuốc là cần". Phương thuốc mà Tản Ðà nói ở chính là phổ biến khoa học kỹ thuật tiên tiến, là phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, Tản Ðà còn đưa ra thuyết thiên lương với mục đích cứu đời: Ông cho rằng xã hội loạn lạc, nền đạo đức phong kiến bị suy thoái là bởi thiên lương của con người đã bị đánh mất. Ông tự nhận là người được trời sai xuống trần gian, mang thiên lương đến nhân loại nhằm cứu nguy cho xã hội.

"Trời rằng không phải là trời đày
Trời định sai con một việc này
Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuật cùng đời hay"

Tản Ðà không nâng lòng yêu nước của mình tới mức độ có thể xông vào cuộc đấu tranh cho đất nước nhưng Tản Ðà cũng tỏ ra có một nỗi lo lắng muốn giúp ích cho đời, mặc dù nỗi lo lắng đó không đi đến đâu, thậm chí còn đầy mâu thuẫn. Nỗi lo lắng của Tản Ðà thể hiện ở ý thức muốn muốn đem tài văn chương của mình ra giúp đời, muốn làm cho văn chương của mình "Có bóng mây hơi nước đến dân xã" (Giấc mộng con I). Tờ An Nam tạp chí ra đời cũng để thực hiện chí hướng ấy. Vốn là đồ đệ của Khổng, Mạnh, Tản Ðà muốn dùng đạo đức phong kiến cứu vãn xã hội đang trụy lạc trước mắt. Vì thế ông đã viết Ðài gương, dịch Ðài gương truyện, viết lên sáu, lên tám, nhằm củng cố trật tự gia đình để đi đến củng cố trật tự xã hội.

Tản Ðà là một người có chí hướng, hoài bão lớn, nhưng hoàn toàn bất lực. Tất cả những giải pháp của ông đều không đưa đến kết quả tốt đẹp. Cuối cùng ông chỉ còn có thể tưởng tượng về một xã hội lý tưởng. "Cõi đời mới" của Tản Ðà trong "Giấc mộng con II" không có chợ búa, không có tiền bạc, cảnh sống rất vui, "Không có sự thiên tai, không có sự địa biến, không có sự trộm cướp, không có sự án tù, không có sự kiện cáo, không có sự buôn danh bán lợi không có câu thế thái nhân tình. Ngoài sự lo ăn lo dùng, chỉ chuyên ý suy cầu nhẽ tiến hóa". Ðây là một bằng chứng Tản Ðà là một người luôn ôm ấp trong lòng giấc mơ tốt đẹp về cuộc đời, cũng có thể xem đó là một nét lãng mạn tích cực.

Nhìn chung, Tản Ðà có một tinh thần dân tộc cao, được thể hiện ở lòng yêu nước, nỗi lo đời của ông. Có điều những tình cảm ấy còn mang tính chung chung, mơ hồ. Hơn nữa, Tản Ðà cũng không dám nói thẳng mà Tản Ðà thường phải ngụy trang bằng nhiều hình thức khác nhau, khi nói về tấm lòng của mình đối với quê hương đất nước. Tản Ðà cũng là một người có nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng, lòng yêu nước của ông thể hiện chưa thật rõ ràng và nhất quán.

2. Tư tưởng lãng mạn thoát ly trong thơ văn Tản Ðà

2.1- Một số biểu hiện của tư tưởng lãng mạn thoát ly :


Lãng mạn thoát ly là khuynh hướng chủ yếu trong thơ văn Tản Ðà. Ông xuất thân từ tầng lớp phong kiến đang thời suy thoái. Bản thân sống ở thành thị, gần gũi với tầng lớp tiểu tư sản bất lực lưng chừng, ông lại đứng ngoài các cuộc đấu tranh của dân tộc. Cuộc đời ông phải trải qua nhiều thất bại, éo le nên tư tưởng trở nên tiêu cực thoát ly, điều này được thể hiện qua nhiều khía cạnh.

Thơ văn Tản Ðà nói nhiều đến chữ sầu: Tản Ðà đã xướng lên một nỗi buồn đặc biệt, lãng mạn. Cái buồn của Tản Ðà là nỗi buồn thầm kín, như nằm tận đáy sâu của lòng người có thể bật dậy bất cứ lúc nào. Nó không sầu não, tang tóc nhưng da diết, khó nguôi. Tản Ðà buồn bởi các nguyên nhân :

+ Buồn về thân phận tài tình của mình, của những người cùng cảnh ngộ :

"Ngắn dài sáu lớp mươi câu hát
Vui khóc năm canh một cuộc đời
Cũng muốn thôi đi thôi chửa dứt
Tài tình lụy lắm bạn tình ơi !"
(Ðề tuồng Tây Thi)

+ Buồn vì thời thế thay đổi, ông lại bất lực trước hoàn cảnh, mộng giúp đời không thành.

- Thơ văn Tản Ðà nói nhiều đến chữ tình. Tản Ðà thường viết về nỗi lòng của một kẻ cô đơn, bơ vơ, khao khát yêu thương. Thơ văn ông thường đề cập đến tình yêu đôi lứa, kiểu tình yêu thật sự lãng mạn. Ðó không phải là tình vợ chồng, tình yêu trong tác phẩm của ông không đi đến hôn nhân. Ông thường nói đến tình yêu ban đầu dang dở. Ông kể lại những kỉ niệm về tình yêu, những đau khổ trong tình yêu... Nói chung, tình yêu trong sáng tác Tản Ðà là tình buồn, tình sầu, tình hoài nhớ. Ðó cũng chính là những nội dung phổ biến của văn học lãng mạn tư sản. Ðây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, một nhà nho đã cất bút viết về những mối tình của mình, những diễn biến, những cảm nghĩ về tình yêu... Viết để lưu lại hình bóng cũ, mãi mãi không thể phai mờ được, để ghi nhớ những gương mặt thân thương...

- Tản Ðà sống bằng tưởng tượng nhiều hơn bằng hiện thực. Thơ văn ông cũng nói nhiều đến chữ mộng. Ông mộng được lên trời để hầu chuyện Ngọc Hoàng thượng đế, mộng đi khắp năm châu thế giới gặp toàn những vĩ nhân và mĩ nhân, mộng được làm bạn với những người đẹp.

"Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi".

- Tản Ðà quan niệm đời là một bể khổ nên tìm mọi cách để trốn đời, ông lao vào con đường hành lạc. Trước tiên là tìm đến với rượu :

"Cảnh đời gió gió mưa mưa
Buồn trông ta phải say sưa đở buồn".

Rượu vào thì thi hứng bắt đầu được khơi dậy, cho nên ở Tản Ðà rượu thường đi liền với thơ:

"Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống sinh thừa".

Nhưng rồi rượu với thơ cũng không làm vơi đi được nỗi buồn của Tản Ðà. Chán chường quá ông lại muốn thoát lên cõi tiên, cõi phật, xa lánh trốn trần ai đầy khổ ải này (Muốn làm thằng Cuội, Hầu trời, Tống biệt...).

Tản Ðà còn tìm nguồn vui ở thú đi chơi, ông đi rất nhiều nơi, biết nhiều chỗ. Và với ông mỗi điểm dừng chân đều in lại những kỉ niệm khó quên (Thú ăn chơi).

2.2- Ðặc điểm của tư tưởng lãng mạn thoát ly trong thơ văn Tản Ðà :

- Lãng mạn thoát ly nhưng không quay lưng lại với cuộc sống :
Tản Ðà vì gặp cảnh ngộ éo le, thất chí nên tìm cách lánh đời, coi đời là cõi tục là nơi ở trọ. Nhưng Tản Ðà thoát ly mà không thoát tục. Tản Ðà chủ trương trốn đời nhưng lại muốn nhập thế. Ở ông có sự giằng xé giữa chán đời và gánh lãnh trách nhiệm. Ông có ý định trốn đời để quên đời, mượn thú nhàn tản để tìm sự thanh thản cho tâm hồn nhưng cuối cùng đã không quên được và luôn phiền não, lo lắng cho cuộc đời.

- Cái tôi lãng mạn có tư tưởng thoát ly vẫn còn bị chi phối bởi ý thức hệ phong kiến: Tư tưởng thoát ly của Tản Ðà gắn liền với ý thức muốn đứng ra ngoài cuộc đời nhơ bẩn để giữ lấy thanh cao trong sạch cho mình :

"Trung hiếu vẹn toàn hai khối ngọc
Thanh cao phô trắng một nhành mai
Bạc tiền gió thoảng thơ đầy túi
Danh lợi bèo trôi rượu nặng vai".
(Tự vịnh)

Tản Ðà sống vào thời kỳ xã hội trên con đường tư sản hóa, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chi phối mạnh mẽ sinh hoạt của con người, chủ nghĩa cá nhân được công nhiên bộc lộ. Cho nên nội dung thoát ly của Tản Ðà in dấu vết của thời đại. Hưởng lạc của Tản Ðà bắt đầu bê tha, chủ nghĩa cá nhân bộc lộ rõ. Tuy nhiên, Tản Ðà chưa bị sa vào trụy lạc, chưa hủy hoại thể xác và tinh thần như một số tác giả của văn học lãng mạn ở giai đoạn 1939 - 1945. Ở Tản Ðà trong cái tôi thoát ly hưởng lạc vẫn còn bóng dáng của cái gì thuộc nề nếp đạo đức phong kiến (Giấc mộng con, Thề non nước...).

III.- NGHỆ THUẬT THƠ VĂN TẢN ĐÀ

1. Vận dụng một số thành tựu nghệ thuật của văn học dân gian


- Thể loại : Các làn điệu xẩm, lý, chèo, ca cổ bản, các thể loại dân ca ở cả miền Bắc lẫn miền Trung đều được Tản Ðà chú ý khai thác. Sự am hiểu dân ca làm cho Tản Ðà viết phong thi và ca khúc đạt trình độ nghệ thuật rất cao. Rất nhiều bài ca dao của Tản Ðà trở thành tác phẩm văn học dân gian, lưu hành khá rộng rãi trong quần chúng. Tản Ðà gọi ca dao của mình là phong thi.

- Ngôn ngữ : Tản Ðà đã học tập cách sử dụng ngôn ngữ của văn học dân gian, tạo cho ngôn ngữ trong sáng tác của ông có tính giản dị, tự nhiên. Ông còn đưa lời ăn tiếng nói của quần chúng vào trong tác phẩm. Có thể thấy rõ thơ của Tản Ðà được sáng tác với ngôn ngữ của văn học dân gian, với chất liệu nghệ thuật mà người lao động đã dùng. Ngôn ngữ trong thơ Tản Ðà là ngôn ngữ của ca dao, hát ru, hát ví...

- Tản Ðà còn vận dụng một số công thức trong ca dao. Ví dụ : "Gió đưa", "Con cò"...

"Gió đưa thầy khóa sang sông
Ðể em trông thấy trong lòng ngẩn ngơ".

hoặc
"Con cò lặn lội bờ ao
Phất phơ đôi dải yếm đào gió bay
Em về giục mẹ cùng thầy
Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong ?"

Ảnh hưởng của văn học dân gian trong thơ Tản Ðà rất đậm. Có nhiều câu thơ đã bám sát vào các câu hát, ví của văn học dân gian.

Câu ví : Hỡi cô yếm trắng lòa lòa
Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm.
Tản Ðà : Hỡi cô yếm trắng kia là
Chồng cô, cô bỏ ở nhà đi chơi.

2. Cách tân nghệ thuật sáng tác của nhà nho

- Tản Ðà đã sử dụng các thể loại sáng tác của văn chương trung đại trên tinh thần cách tân. Ông là người thể hiện đầy đủ và thành công phương hướng giải quyết của thời đại.

Chính ông đã tuyên bố :
"Ðờn là đờn, thơ là thơ
Thơ thời có chữ, đờn có tơ
Nếu không phá cách vứt điệu luật
Khó cho thiên hạ đến bao giờ ".

( Sưu tầm )​
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top