Nhà thơ Hoàng Cầm: Đơn côi trong không gian vài mét vuông

Hide Nguyễn

Du mục số
Cú ngã định mệnh đã "neo" ông hoàng của thơ tình lại với cái giường bé xíu và đầy những sách tít tận tầng 5 ngôi nhà trong ngõ 43 Lý Quốc Sư cũng đã gần 10 năm nay. Thi sỹ Hoàng Cầm tuổi cận kề 90, bất động và nhỏ thó, câm lặng giữa không gian đặc quánh tưởng chừng không dịch chuyển. Chỉ khuôn mặt vẫn vướng vất nét đẹp thời trai trẻ là thảng hoặc ánh lên những tia nhìn tinh anh ranh mãnh của sự sống.

Đôi chân Hoàng Cầm lâu nay không thể nâng nổi cái thân mình luôn gầy tong và yếu ớt của ông. Nhiều năm ròng mang trọng bệnh, ông chỉ nhích từng bước nhỏ một khi có người giúp đỡ trong khoảng vài ba mét vuông của tầng thượng ngôi nhà mà gia đình con cháu ông đang ở. Hoàng Cầm không còn khái niệm thời gian nữa. Ông chẳng biết trông vào đâu để phân biệt ngày và đêm, hôm qua và hôm nay, ngày kia và ngày mai tiếp nối.

Từ buổi đôi chân tê dại không tuân theo sự điều hành của trí não, cơ hội để ông được ra khỏi nhà, được ngửa mặt ngắm nhìn bầu trời và mở căng lồng ngực cho gió mơn trớn vuốt ve là rất ít ỏi, chỉ như một cộng với một mà thôi. Lần gần đây, ông được cõng xuống đến bậc cuối cùng của 5 tầng cầu thang và ngồi xe lăn ra đường là đêm công diễn vở kịch thơ "Kiều Loan" tại Nhà hát Tuổi trẻ tháng 8/2005.

Lần gần hơn nữa ở Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đầu năm 2007 mà ông là một trong những thi sỹ già được xướng tên. Từ bấy đến nay, ông lại chỉ quẩn quanh nằm ngồi trong không gian vắng teo chưa hết một tay con gái.

Hoàng Cầm khó nhọc tính đếm kể tên những người con của chính mình, mãi cũng chưa ra hết, để cuối cùng, đạo diễn Đoàn Điện Biên mà ông tự nhận là con nuôi phải đính chính giùm. Đông con, nhưng Hoàng Cầm cũng đã hơn một lần phải chịu đựng nỗi đau khôn cùng của một người cha khi dứt ruột tiễn biệt những đứa con mệnh bạc của mình, nữ nghệ sỹ Hoàng Yến qua đời đã lâu và nhà báo Hoàng Kỳ mới lìa thế cách nay ít năm. Cả hai người con đã khuất đều là của ông với người vợ đầu tiên từ thuở "Tấm Cám", bà Hoàng Thị Hoàn cũng vốn dân xứ Kinh Bắc đa đoan.

Hỏi ông có hay đọc thơ của các nhà thơ trẻ không, ông bảo có chứ, đấy người ta vẫn tặng sách thường xuyên. Rồi lại hỏi là ông thích ai trong số những người trẻ mà ông tiếp xúc qua tác phẩm, ông buột mồm nói ngay không đắn đo suy nghĩ: Phạm Tiến Duật. Một nốt trầm trĩu cả ánh sáng hiu hắt le lói qua các kẽ hở của những tấm tôn và cửa... Ông như đã từ lâu chưa giao tiếp với xung quanh, hoặc đơn giản hơn, ông không còn có thể nhớ được nữa.

Nói với ông Phạm Tiến Duật là tên tuổi nổi danh từ thời chống Mỹ, và thi nhân cũng đã thành người của cõi xưa vô định từ hơn một năm nay rồi, ánh mắt Hoàng Cầm vẫn thế, khuôn mặt ông vẫn thế, không biểu lộ gì. Ông như chả thèm để ý đến xung quanh, chỉ đắm đuối theo những suy tư của riêng ông và chỉ mình ông biết. Đạo diễn Đoàn Điện Biên tí cái lại đỡ lời: Đôi khi cụ rơi vào trạng thái lẫn, nói đấy rồi lại quên đấy mà thôi. Ông dường như còn không điều khiển được cả đến suy nghĩ của mình nữa.

Đến thăm Hoàng Cầm là một nhẫn nại mà chả phải ai cũng tỉ mẩn theo được. Nhiều lần nhiều người đã bất lực bấm chuông ngôi nhà ban ngày cửa luôn im ỉm khóa. Đạo diễn Anh Tú khi bắt gặp kịch thơ "Kiều Loan", sung sướng quá tìm đến nhà tác giả xin cho phép được dàn dựng, cũng phải dùng điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng hồ từ dưới đất lên sân thượng tầng 5 với ông mà không cách gì gặp mặt được.

Đơn giản chỉ là giờ hành chính cháu con ông đi làm hết, ông thì vĩnh viễn chẳng còn tự nâng mình dậy để cất bước mở cửa cho khách được. Ông giờ nằm đếm buồn đếm vui bằng những lần có bạn thơ, bạn văn, cả những người yêu thơ ngưỡng mộ thơ đến chơi và tán gẫu. Căn phòng nhỏ tầng 5 lâu lâu lại có người mở cửa, phả vào đó chút hơi ấm mặn mòi náo nhiệt của cuộc sống đời thường. Nhà thơ Hoàng Cầm mỗi giờ khắc lại đơn côi thêm một chút giữa trần thế đông đúc. Bạn bè ông đã tìm về cõi vĩnh hằng gần hết. Những người cùng thời cùng thế hệ với ông, nay quanh quẩn đâu còn được mấy ai. Để qua đi chầm chậm từng tích tắc dằng dặc của ngày tháng, ông đọc tất cả những tờ báo rơi vào tay mình. Khi buồn, ông với cái điếu cày đầu giường xòe lửa hít hà hương vị của khói thuốc lào gay gắt bảng lảng.

Nằm một chỗ từ rất lâu, nhưng Hoàng Cầm vẫn còn vẻ linh hoạt, không bị ám cái nặng nề nồng nặc của người già tật bệnh chịu lệ thuộc hoàn toàn vào con cái. Không bi quan, không sầu thảm, Hoàng Cầm vẫn ráng giữ sinh hoạt nền nếp khuôn phép để duy trì sức khỏe. Dường như nỗi buồn và sự cô đơn của ông đã hóa thạch, chìm vào tận đáy sâu tháng ngày.

Nhà thơ Hoàng Cầm sinh năm 1922, tuổi Tuất, giờ đã ngót nghét 90, đang đếm thời gian để mơ một lần thêm nữa được "Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông..."

Nguồn : ANTG
 
Đọc bài này em thấy nhớ ông em quá ! Tự dưng lại nghĩ vẩn vơ về thời gian mấy mươi năm nữa của mình , già nua , yếu ớt , run rẩy , một mình đến tận bản thể và chờ đợi giây phút trái tim đập nhịp cuối cùng . Chao ơi là buồn ...
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top