Nhà thơ Chế Lan Viên

small star

Moderator
Xu
94
Nhà thơ Chế Lan Viên



Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan (còn có bút danh khác Chàng Văn), sinh ngày 14 tháng 1 năm 1920, tại Đông Hà, Quảng Trị. Mất ngày 24 tháng 6 năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam 1957.

Trước cách mạng Chế Lan Viên sống ở Quy Nhơn (do đó ông coi Bình Định là quê hương thứ hai của mình). Năm 1937 khi học ở trường Trung học Quy Nhơn. Chế Lan Viên đã sáng tác thơ. Năm 1939, Chế Lan Viên ra học ở Hà Nội, sau đó vào làm báo ở Sài Gòn, rồi dạy học ở Thanh Hóa và Huế. Cách mạng tháng Tám (1945), Chế Lan Viên tham gia cách mạng tại Quy Nhơn. Sau đó ra Huế làm báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, Chế Lan Viên làm công tác báo chí ở Liên khu IV, khi ở Thanh Hóa, khi ở vùng bị chiếm Bình Trị Thiên.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Chế Lan Viên về sống và hoạt động ở Hà Nội. Ông đã đảm nhiệm nhiều công việc; ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc Hội các khóa 4, 5, 6 và 7, ủy viên Ban Thống nhất của Quốc Hội khóa 4 và 5, ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc Hội các khóa 6 và 7, ủy viên Ban Thư ký Hội nhà văn Việt Nam.

Sau khi đất nước thống nhất. Chế Lan Viên vào công tác và hoạt động văn học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm:

THƠ:

Điêu tàn (1937)
Gửi các anh (1954)
Ánh sáng và phù sa (1960)
Hoa ngày thường
Chim báo bão (1967)
Những bài thơ đánh giặc (1972)
Đối thoại mới (1973)
Hoa trước lăng người (1976)
Hái theo mùa (1977)
Hoa trên đá (1985)
Tuyển tập Chế Lan Viên (2 tập, 1985)
Di Cảo I (1994)
Di Cảo II (1995)

VĂN XUÔI:
Có các tập ký: Vàng sao (1942)
Thăm Trung Quốc (1963)
Những ngày nổi giận (1966)
Giờ của số thành (1977)

Chế Lan Viên cũng là tác giả của những tập tiểu luận, phê bình trao đổi nghề nghiệp đặc sắc: Nói chuyện văn thơ (1960); Phê bình văn học (1962); Suy nghĩ và bình luận (1971); Bay theo đường dân tộc đang bay (1976); Nghĩ cạnh dòng thơ (1981); Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981).

Chế Lan Viên đã được tặng Huân chương Độc Lập hạng hai (năm 1988). Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I-1996), Giải A giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1985 (tập thơ Hoa trên đá) và giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 1994 (Di cảo I và Di cảo II).
ST
 
Nhà thơ Chế Lan Viên: Nóng nảy và …dịu dàng

Những ai có dịp tiếp xúc với nhà thơ Chế Lan Viên đều dễ dàng nhận thấy ông là người rất sắc sảo, thông minh song tính khí cũng có phần... nóng nảy. Ông sẵn sàng nói mất mặn mất nhạt với những người có hành động, lời nói mà ông xem là "chướng tai gai mắt"

Chính đặc điểm này đã khiến lúc sinh thời, nhà thơ của chúng ta có không ít kẻ thù. Một số người tốt không phải ai cũng hiểu và "chia sẻ" với ông

Nhưng nói nhưư nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên, thời gian càng lùi xa càng thấy những đặc tính trên của Chế Lan Viên thật đáng yêu, thật thi sĩ: "Cãi nhau cái gì ảnh cũng tranh phần thắng, vậy là không phải ảnh có ý xem thường, không như người khác tỏ vẻ... không chấp". Cũng theo nhận xét của Mai Quốc Liên, đằng sau sự nóng nảy kia, Chế Lan Viên lại là người "dễ mủi lòng, dễ xúc động, dễ tha thứ"...

Là một trong những thi sĩ trẻ nhất có thơ được tuyển trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, song cứ theo những gì hai nhà biên soạn này cho biết, ta có thể thấy, Chế Lan Viên cũng thuộc diện... khó chiều.


Nếu như nữ sĩ Tương Phố từng có lần lên tiếng trách nhẹ nhà văn Vũ Ngọc Phan khi ông cho in trong bộ sách "Nhà văn hiện đại" bức ảnh chân dung của bà mà bà chưa thực sự ưng ý, thì ở cuốn "Thi nhân Việt Nam", trong thư mục về Chế Lan Viên, các nhà làm sách đã phải chua thêm một dòng: "Chế Lan Viên không ưng cho chúng tôi đề tên thật và in ảnh của người". Có thể nói, lúc bấy giờ, ngoài Chế Lan Viên ra, không ai dám đặt vấn đề với người làm sách như vậy.

Một nhà khoa học đã tổng kết: Tính cách con người được định hình rất sớm. Từ lúc rất ít tuổi, Chế Lan Viên đã ưa sử dụng một cách nói "rắn rỏi", thẳng băng như vậy, thì cứ thế, đến chót đời, ông vẫn duy trì đặc điểm ấy.

Chuyện kể rằng: Quãng những năm 60 của thế kỷ trước, sau thời gian dài dưỡng bệnh, Chế Lan Viên quyết định đi "thực tế". Nhận thấy Hưng Yên là nơi có phong trào làm thủy lợi khá nhất miền Bắc, ông xin về một xã ven thị, ăn ở tại nhà anh Lê Hồng Thiện - bấy giờ là một nhà thơ trẻ.

Nhà thơ Lê Hồng Thiện nhớ lại: Anh về xã, giản dị đến nỗi không ai bảo anh là nhà thơ. Anh vận bộ bà ba đen, đội mũ lá gồi, đeo xà cột bằng vải xanh giống như một cán bộ nông thổ sản. Không có một buổi họp mặt nào của xã mà anh không có mặt...

Lần ấy, Chế Lan Viên ngồi dưới chiếu cùng bà con xã viên nghe ông Bí thư Đảng ủy xã nói chuyện. Nói dở dang, ông ta nhìn đồng hồ, hẹn mọi người đúng hai giờ chiều sẽ nói chuyện tiếp, còn bây giờ ông lên huyện họp. Đúng hai giờ chiều, chấp hành tuyệt đối lệnh của ông Bí thư Đảng ủy xã, hàng trăm xã viên có mặt đông đủ. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng không chậm nửa phút. Mọi người ngồi chờ đợi. Hai giờ ba mươi, rồi ba giờ chiều, vẫn chưa thấy ông Bí thư Đảng ủy xã đâu cả. Hàng trăm con người phải chờ đợi một người, Chế Lan Viên cảm thấy rất sốt ruột.

Chợt bác bưu điện bước vào. Thấy có một tập báo Nhân Dân, Chế Lan Viên mượn một tờ, liếc qua trang nhất có bài của Bác Hồ: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nhà thơ nhìn lên chủ tịch đoàn, vị Bí thư xã vẫn chưa về. Chế Lan Viên bèn vẫy một thanh niên lại chỗ mình và nhờ anh ta đọc bài báo đó cho mọi người nghe.

Anh thanh niên đọc to tát, mạch lạc. Chưa hết một phần ba trang báo thì vị Bí thư Đảng ủy xã về. Mọi người sợ sệt, im lặng. Chế Lan Viên ra hiệu cho anh thanh niên kia tiếp tục đọc. Vị Bí thư Đảng ủy xã liền quát: "Cất báo đi, cậu kia!". Chế Lan Viên đáp: "Đây là bài báo của Bác Hồ, đề nghị đồng chí thanh niên cứ đọc. Bài của lãnh tụ, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng cũng phải đọc để học tập".

Vị Bí thư Đảng ủy xã đỏ mặt, liền để cho anh thanh niên đọc tiếp. Cuối buổi họp, ông ta đã phải xin lỗi nhà thơ và thanh minh về thiếu sót vừa rồi của mình. Chế Lan Viên đã cho vị quan liêu này một bài học về sự khiêm tốn, đức độ.

Nghe nói chỉ chưa đầy một năm sau, vị Bí thư Đảng ủy xã đã bị hàng trăm đơn thư tố cáo về tội quan liêu, hống hách, tham ô, hủ hóa và cuối cùng ông ta đã bị Tòa án tỉnh xét xử với mức án ba năm tù giam.

Không chỉ thể hiện sự nóng nảy, gay gắt trong những vấn đề thuộc phạm vi ứng xử, Chế Lan Viên còn đặc biệt không khoan nhượng với những trường hợp mà ông xem là lệch lạc về quan điểm chính trị cũng như học thuật.

Theo nhà văn Nguyễn Huy Tưởng kể lại trong nhật ký ngày 2-9-1956, khi lão nhà văn Phan Khôi "gọi vợ Chế Lan Viên lên, bảo bây giờ lãnh đạo thua rồi, tốt hơn hết là Chế Lan Viên nên trung lập" thì ngay tức thì, Chế Lan Viên lên mắng cụ này là "hèn", là "không trong sạch gì đâu", bất chấp việc về tuổi tác, Chế Lan Viên thua cụ Phan Khôi tới 33 tuổi.

Nhà thơ, dịch giả Đào Xuân Quý cũng cho hay: Tại một hội nghị dành cho các nhà văn đảng viên, tổ chức ở hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam hồi trung tuần tháng 6-1979, trong khi hầu hết các đại biểu tán thành bản đề dẫn thì có một đại biểu tỏ thái độ bất ưng. Nhưng khi vị này "vừa mới hé ra một vài luận điệu xuyên tạc muốn chống lại đã bị Chế Lan Viên đập ngay tại chỗ, và đã được hội nghị hoàn toàn tán thưởng".

"Lỗi to" thì vậy, mà "lỗi... vừa vừa" Chế Lan Viên cũng vẫn róng riết. Nhà thơ Ngô Văn Phú kể: Lần ấy, Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo về thơ trào phúng. Tại cuộc hội thảo này đã nổ ra tranh luận giữa Chế Lan Viên và Tú Mỡ.

Theo quan điểm của Chế Lan Viên thì thơ trào phúng có hai dòng: Một dòng trào phúng kiểu Tú Xương, Tú Mỡ và một dòng trào phúng trữ tình kiểu Maiacốpxki, Aragông. Tú Mỡ thì lại cho rằng, trào phúng phải mang được cốt cách dân tộc, và "trào phúng Tây thì chưa chắc đã được thích bằng trào phúng ta".

Chuyện có vậy mà rốt cục Chế Lan Viên nóng nảy bỏ hội nghị ra ngoài. Nhà phê bình Hoài Thanh là người chủ trì hội nghị phải chạy theo dàn hòa mãi, Chế Lan Viên mới chịu trở vào.
(Theo CAND)
 
Chế Lan Viên !

Chế Lan Viên

Che%20Lan%20Vien.jpg



Tên thật là Phan Ngọc Hoan Sinh ngày: 23-10-1920 (tức ngày 12 tháng 9 năm Canh Thân) Quê gốc ở Cam Lộ, Quảng Trị, song thuở nhỏ sống, học, và làm những bài thơ đầu tiên ở Bình Định,

Năm 1937, khi tập thơ Điêu tàn được in ra (lúc ông mới 17 tuổi và là học sinh năm thứ 3 trường Trung học Quy Nhơn),

Được xem là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới. Thời gian ở Bình Định ông cùng nhóm thơ với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được gọi là Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định). Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo, rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn Vàng Sao, thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.

Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội. Từ đấy cho đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cho ra đời hàng loạt tập thơ như: ánh sáng và phù sa (1960); Hoa ngày thường - chim báo cáo (1967); Những bài thơ đánh giặc (1972); Đối thoại mới (1973); và một loạt tác phẩm lý luận, phê bình, văn xuôi như Phê bình văn học (1962); Suy nghĩ và bình luận (1972); Những ngày nổi giận (1966).

Sau ngày đất nước thống nhất ông chuyển hẳn vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Và ông vẫn cho ra đời nhiều tập thơ, trong đó có tập Hát theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984); nhiều tập văn xuôi trong đó có Từ gác Khuê văn đến quán Trung tâm (1981), Ngoại vi thơ (1987).

Ông mất ngày 19-6-1989 tại bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm chọn lọc

* Thơ:


- Điêu tàn (1937) - Gửi các anh (Hội nhà văn, 1955) - ánh sáng và phù sa (Văn học, 1960) - Hoa ngày thường, chim báo bão (Vănhọc, 1967) - Những bài thơ đánh giặc (Thanh niên, 1972) - Đối thoại mới (Văn học, 1973) - Ngày vĩ đại (Văn học Giải phóng, 1976) - Hoa trước lăng người (Thanh niên, 1976) - Dải đất vùng trời (Quảng Bình, 1976) - Hái theo mùa (Tác phẩm mới, 1977) - Hoa trên đá (Văn học, 1984) - Ta gửi cho mình (Tác phẩm mới, 1986) - Di cảo thơ Chế Lan Viên (1992)

* Văn xuôi:


- Vàng sao (1942) - Thăm Trung Quốc (bút ký, Văn học, 1963) - Những ngày nổi giận (bút ký, Văn học, 1966) - Bác về quê ta (tập văn, Nghệ An, 1972) - Bay theo đường dân tộc đang bay (Văn Nghệ Giải phóng, 1976) - Giờ của số thành (bút ký, Lao Động, 1977) - Những nàng tiên trên mặt đất (Kim Đồng, 1985)

* Tiểu luận - phê bình:


- Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (Thép Mới, 1952) - Phê bình văn học (Văn học, 1962) - Suy nghĩ và bình luận (Văn học, 1971) - Nghĩ cạnh dòng thơ (Vănhọc, 1981) - Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (Tác phẩm Mới, 1981) - Nói chuyện thơ văn (Chàng Văn, Văn học, 1960) - Ngoại vi thơ (Thuận Hóa, 1987)




Sưutầm.
 
Chế Lan Viên , thơ



Canh cá tràu

Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế
Khế trong vườn thêm một tý rau thơm
Ừ,thế đó mà một đời xa cách mẹ
Ba mươi năm trở lại nhà,nước mắt xuống mâm cơm!




Bộ ba

Trang giấy, ngọn đèn và anh
Ba nhân vật một vở kịch hài nên rất bi thương
Cố nhiên khổ đau không phải ngọn đèn
Cả trang giấy nữa
Cả hai, chúng trông cậy vào anh đó
Anh có thể làm gì
Chứ ngọn đèn không phí lửa
Số phận trang giấy cao hơn chính nó
Không phải thiêu mình trên ngọn đèn kia,
Ngọn đèn mà bóng đêm giết chết dễ dàng
Chỉ hiu hiu gió
Vì chỉ còn anh thôi là cứu cho tất cả
Anh mà lắm lúc sóng bể, sao trời không hỗ trợ
Tất cả phải tự lấy mình ra che chở
Tự sâu thẳm đời mình, sâu thẳm, tận cùng sâu.



Bình đựng lệ

Từ sâu thẳm không tên
Vớt lên bình đựng lệ
Người xưa ném nỗi đau vào bể
Nhờ sóng triều vạn kỷ
Lấy vùi trong lãng quên.
Dẫu không chu kỳ
Như Tua Rua, sao Chổi
Chiếc bình tuột khỏi tay nhân loại
Lại về trở lại
Nằm kia
Cùng với hoa trúc đào đỏ chói
Và sóng chiều vào bãi
Ném thia lia.
Tôi từ xứ lắm bom
Giáp mặt nghìn lần cùng cái chết
Đứng trước chiếc bình con
Vẫn cứ bàng hoàng
Ồ! Ta đã nghe rao giảng về hư vô
Tro tàn, gió rét.
Ăn miếng buồn trong thơ
Uống nỗi đau ở triết,
Ờ, thế mà chả có gì mất hết
Chiếc bình kia vẫn còn
Vỏ ốc hóa vôi
Rễ cây bám bình hóa thạch
Nét hoa văn vẫn cười.
Dù hoa chỉ một ngày
Dù sóng kia vạn tuổi
Dù đời nhiều chuyện rủi
Mà rất nghèo cơ may
Chiếc bình xưa vẫn đó
Người này vứt để quên
Người kia cầm lại nhớ
Thời này dù vứt bỏ
Thì thời kia nhặt lên.


Ai ? Tôi !

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?
Tôi !

Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính là tôi !

Người lính cần một câu thơ
giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười ./.



Sưutầm.
 
Tình ca ban mai


Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Em ở trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya
Rãi hạt vàng chi chít
Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết

Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya
Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít
mai, hoa em lại về…





Stầm.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top