Nhà bác học Anbe Anhxtanh (1879-1955

Hide Nguyễn

Du mục số
anhxtanh.jpg

Anbe Anhxtanh (1879-1955)

Cuộc đời và sự nghiệp

Tuổi trẻ không may mắn

Anbe Anhxtanh (Anbe Einstein) sinh năm 1879 tại Ulm, một thị trấn nhỏ miền nam nước Đức, trong một gia đình gốc Do Thái. Bố Anbe khi nhỏ có năng khiếu về toán, nhưng vì nhà nghèo chỉ học xong bậc trung học, không lên đại học được. Mẹ Anbe chơi dương cầm rất hay và có giọng hát tuyệt vời. Với một cửa hiệu buôn bán nhỏ, gia đình Anhxtanh chỉ tạm đủ ăn, nhưng sống trong một không khí lạc quan, đầm ấm, âm nhạc và văn học cổ điển Đức luôn luôn là niềm vui của cả nhà. Năm 1880, gia đình chuyển đến Munkhen.

Anbe là một cậu bé hiền lành ít nói, ít nô đùa với bạn bè. Nhưng cậu đã nổi tiếng là một chú bé công bằng và biết suy nghĩ. Khi bạn bè có điều gì xích mích, tranh cãi nhau, thường đến nhờ cậu phân xử. Lên 6 tuổi, Anbe đã học chơi vĩ cầm, nhưng chưa thích thú gì lắm, mặc dù vẫn chăm tập luyện. Phải nhiều năm sau đó, khi tập chơi những bản xônat của Môda, Anbe mới thấy những nét nhạc hài hoà, duyên dáng cuốn hút mình, và mới thực sự miệt mài, kiên trì luyện tập, trở thành người chơi vĩ cầm giỏi, say sưa với âm nhạc.

Năm 10 tuổi, học xong tiểu học, Anbe vào học trường trung học Munkhen. Cậu vừa học, vừa giúp bố mẹ trong việc kinh doanh. Khi 12 tuổi, lúc chuẩn bị bước vào năm học mới lần đầu tiên cậu cầm trong tay cuốn sách giáo khoa hình học. Tò mò đọc thử vài trang đầu, cậu bị sự lập luận chặt chẽ và đẹp đẽ của cuốn sách lôi cuốn, và nhiều ngày sau đó, cậu miệt mài đọc cho đến trang cuối cùng. Đọc xong, Anbe rất thích thú và khâm phục cái có lí đến đâu thì căm ghép cái phí lý, cái tuỳ tiện đến đấy. Trường trung học Munkhen lúc đó đã toát ra một không khí quân phiệt, thầy đối với trò không khác gì cai đối với lính, trong giờ học, phải nói theo ý thầy, không được có ý kiến khác. Anbe nổi tiếng là một học trò bướng bỉnh, thầy giáo dạy tiếng Đức có lần đã nói: "Anxtanh, em lớn lên sẽ chẳng làm được cái tích sự gì đâu". Tư tưởng bài Do Thái cũng đã lan đến trường, và cậu bé ương bướng gốc Do Thái đó đã bị xoá tên, không cho học ở đó nữa, mặc dù khi đó cậu là học sinh giỏi nhất lớp về toán và vật lý.

Gia đình Anhxtanh chuyển sang Thuỵ Sĩ để tránh sự đàn áp người Do Thái. Anbe tiếp tục học ở tường trung học Arau, nổi tiếng là một nhà trường mẫu mực. Không khí tự do lành mạnh của nhà trường: "một làn gió hoài nghi tươi mát", như sau này Anhxtanh nhận xét, - không bắt học sinh cúi đầu thừa nhận cái gì mà mình chưa tin, khiến cho Anbe hồ hởi học tập và tốt nghiệp vào loại ưu.

Việc kinh doanh vẫn không tốt đẹp gì, nhưng bố Anbe cố cho anh được tiếp tục học. Anbe vào thẳng trường bách khoa Zurich mà không phải thi, anh chọn khoa sư phạm, khoa đào tạo giáo viên toán và vật lý. Trường này có nhiều giáo sư giỏi, và ngoài giờ học Anbe còn say sưa đọc kỹ các công trình của các nhà vật lý nổi tiếng: Măcxoen, Hemhôxơ, Kiasôp, Bôndơman... Chẳng bao lâu Anbe đã biết cách chọn lấy cái gì cho phép đi sâu vào bản chất, và bỏ qua cái gì chỉ làm mệt óc một cách không cần thiết. Anbe vùng vẫy trong vật lí học tựa như cá trong nước, nhưng chẳng bao giờ nhớ được vận tốc âm trong không khí là bao nhiêu, bởi vì "tìm trong cuốn sách tra cứu nào cũng thấy thì nhớ làm gì cho nặng đầu ?" Anhxtanh tốt nghiệp xuất sắc trường Bách khoa, nhưng vẫn nổi tiếng là một sinh viên vô kỉ luật và tự do chủ nghĩa. Đặc biệt quan hệ của anh với giáo sư Vêbe rất căng thẳng. Vêbe giảng bài hấp dẫn, nhưng tư tưởng của ông là cũ kĩ, ông không chấp nhận những cái mới trong vật lí học. Anhxtanh không bao giờ nghe ông giảng, chỉ tự đọc sách và đến làm thí nghiệm. Khi tiếp xúc với ông, có lần anh không nói "thưa giáo sư", mà chỉ nói "'thưa ông Vêbe". Vêbe cũng không tha thứ anh về những cái đó. Cuối khóa học, tất cả sinh viên của tổ anh đều được ông giữ lại làm việc ở trường, trừ một mình anh phải ra đi. Hai năm liền Anhxtanh không có việc làm, chỉ thỉnh thoảng nhận dạy học ngắn hạn ở một trường nào đó, hoặc kèm cặp cho một học sinh nào đó. Anh không thể dựa mãi vào gia đình, vì ông bố làm ăn cũng chật vật. Anh sống tự lập, bữa đói bữa no, "túng thiếu gay gắt đến nỗi tôi không thể suy nghĩ về một vấn đề trừu tượng nào cả". Nhưng Anhxtanh vẫn lạc quan và hy vọng, chỉ trong khi viết thư cho bạn rất thân anh mới bông đùa tự gọi mình là "con người không thành đạt".

Những phát minh vĩ đại của một viên chức hạng ba

Hai năm chật vật, lo ặn từng bữa, đã khiến Anhxtanh mắc bệnh đau gan, căn bệnh này sẽ còn dằn vặt anh suốt đời nữa. Anh luôn luôn oán trách giáo sư Vêbe đã làm khổ anh, và chặn đứng con đường đi vào khoa học, mà khoa học đối với anh từ lâu đã là một niềm mê say không gì thay thế nổi. Nhưng bạn bè anh không bỏ anh. Mùa hè năm 1902, do ông bố một người bạn thân giới thiệu, Anhxtanh được nhận đến làm việc ở Phòng đăng kí phát minh thành phố Becnơ, với chức danh "giám định viên kĩ thuật hạng ba". Sau một thời gian, anh đã nắm vững được công việc, đối với mỗi phát minh xin đăng kí, anh đã nhanh chóng và dễ dàng làm nổi rõ được bản chất của những vấn đề kĩ thuật, và viết bản kết luận một cách gọn gàng, rõ ràng, lôgic. Anh thích thú với công việc này, vì nó bắt phải suy nghĩ, cân nhắc, và nó thúc đẩy tư duy vật lí. Một điều quan trọng nữa là nó kéo anh ra khỏi cảnh bần cùng, tạo cho anh một vị trí khiêm tốn nhưng vững bền. Với đồng lương bé nhỏ, anh đã cảm thấy giàu có và hài lòng, vì ngoài tám giờ làm việc, anh lại có điều kiện ung dung để nghiên cứu vật lí học. Giám đốc cơ quan cũng hài lòng với công việc của anh. Một thời gian sau, anh được tăng lương, nhưng anh đã ngạc nhiên hỏi :"Sao cho tôi lắm tiền thế này để làm gì ?"

Ba năm liền sau đó là một thời gian thật hạnh phúc và hết sức phong phú đối với Anhxtanh. Anh cùng một số bạn trẻ ý hợp tâm đầu luôn luôn gặp mặt nhau, và nhóm bạn đó tự gọi nhau là "Viện hàn lâm Ôlimpia". Chiều chiều họ hay gặp nhau sau giờ làm việc, cùng nhau ăn cơm, rồi cùng nhau đọc sách về vật lí học và triết học, đọc tiểu thuyết, ngâm thơ, tranh luận với nhau, nghe Anhxtanh kéo vĩ cầm những nhạc phẩm của Bakhơ, Sube và nhất là của Môda. Chiều thứ bẩy, có khi họ kéo nhau lên núi chơi, và trò chuyện, tranh luận suốt đêm, sáng sớm ngắm cảnh mặt trời mọc, rồi xuống núi điểm tâm, và trở về nhà mệt mỏi và sung sướng. Ba năm như vậy đã tạo cho Anhxtanh một niềm vui lớn, một sự yên tĩnh trong tâm hồn, để tư duy khoa học được thả sức bay bổng.

Năm 1905, chỉ trong vòng một năm, Anhxtanh đã có năm công trình nghiên cứu có giá trị đăng trên "Biên niên vật lí học", là một trong những tạp chí khoa học có tín nhiệm nhất lúc bấy giờ. Công trình thứ nhất là một nghiên cứu nhỏ về kích thước của phân tử. Công trình thứ hai nói về hiệu ứng quang điện, trong công trình này Anhxtanh nêu ra lí thuyết về lượng tử ánh sáng. ánh sáng không những bức xạ gián đoạn như giả thuyết của Plăng, mà còn lan truyền và bị hấp thụ một cách gián đoạn nữa. Trong công trình thứ ba, Anhxtanh dựa vào thuyết động học phân tử để giải thích bản chất của chuyển động Braonơ (Brown). Công trình thứ tư là một sự trình bày tóm tắt thuyết tương đối hẹp. Công trình thứ năm là một khảo sát ngắn gọn về công thức E = mc2. Đó là những công trình hết sức cơ bản, đặc biệt là công trình thứ tư, đánh dấu sự ra đời của thuyết tương đối hẹp. Chúng góp phần quan trọng tạo ra một bước ngoặc mới trong vật lí học đầu thế kỉ XX.

Thành tựu nghiên cứu của Anhxtanh năm 1905 thật đáng kinh ngạc. Anhxtanh lúc đó mới 26 tuổi, chưa từng học ở một trường Đại học tổng hợp nổi tiếng nào, không có liên hệ với một trường phái vật lí học nào, và không được một nhà bác học lỗi lạc nào chỉ đạo. Sau này, Anhxtanh nhớ lại rằng cho tới lúc 30 tuồi vẫn chưa được gặp một nhà vật lí học thực thụ. Cho đến tận bây giờ, các nhà sử học vẫn chịu bó tay không tìm được câu trả lời cho loại câu hỏi: Anhxtanh từ đâu mà xuất hiện? Cái gì đã làm cho Anhxtanh trở thành Anhxtanh? Quả vậy, tại sao thuyết tương đối không được phát minh bởi Lorenxơ, bởi Poanhcarê, những nhà bác học lừng danh đang nghiên cứu theo cùng một hướng như thế? Tại sao nó lại được phát minh bởi một viên chức cấp thấp, một giám định viên hạng ba? Phải chăng sức mạnh thiên tài của Anhxtanh là ở chỗ ông được vũ trang bằng một phương pháp, một quan điểm hoàn toàn mới?

Anhxtanh đã có nhận định về tình hình khoa học thời đó: ở một vài lĩnh vực, nó phát triển phong phú, nhưng trong những vấn đề có tính nguyên tắc, nó bị sự trì trệ, giáo điều kìm hãm. Anhxtanh không suy nghĩ như mọi người, theo cách suy nghĩ "được chấp nhận", mà theo cách suy nghĩ mà linh cảm vật lí và cách lập luận chặt chẽ gợi ra là nên theo. Anhxtanh đã mạnh dạn chấp nhận một quan điểm mới, đoạn tuyệt với quan niệm quen thuộc về không gian và thời gian, dám chấp nhận những kết quả kì quặc, có vẻ như phi lí, trong khi Poanhcarê, Lorenxơ cũng đang tiến dần đến các kết quả như vậy mà không dám công bố.

Cần nói thêm rằng đây không phải là một sự liều lĩnh nhất thời, đột xuất. Khi còn là học sinh trung học ở Arau, Anhxtanh đã băn khoăn tự hỏi: nếu bây giờ ta chuyển động với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng, thì sẽ thấy sóng điện từ như thế nào? Phải chăng nó vẫn có đủ các nút, các bụng liên tiếp nhau, nhưng nút và bụng sẽ đứng yên tại chỗ, và sóng điện từ như bị chết cứng, không chuyển động theo thời gian nữa ? Cái băn khoăn đó cứ ám ảnh Anhxtanh mãi, và đòi hỏi phải có câu giải đáp... Có lẽ thuyết tương đối đã nẩy mầm ngay từ lúc ấy?

Sau này, khi ông đã trở thành một nhà bác học danh tiếng, có nhà báo hỏi tài năng của ông là do kế thừa của cha hay của mẹ. Ông trả lời: "Tôi chẳng có tài năng nào cả. Tôi chỉ có một lòng ham hiểu biết ghê gớm".


Tổng hợp.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top