Nguyễn Khoa Điềm và chuyến ngược dòng về "Cõi lặng"

Hide Nguyễn

Du mục số
Thơ hay không hẳn vì cái áo ngôn từ bay bổng mà hay bởi tính triết lý đằm sâu. “Cõi lặng” [[1]] của Nguyễn Khoa Điềm là như thế. Lời thơ chân thật, tuôn trào tự nhiên trong từng sát na. Nhưng ẩn bên trong là “động”, cái “động” nhân tình, suy tư, chiêm nghiệm của một chủ thể triết luận sắc sảo. Đón nhận chuyến ngược dòng trở về “Cõi lặng”, người đọc như bị mê hoặc trước một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm.

Một thời gian dài, tính từ tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (1986), Nguyễn Khoa Điềm mới xuất bản tập “Cõi lặng” (2007). “Cõi lặng” được viết trong nguồn cảm hứng trở về, sau cuộc giã từ chính trường, “chia tay với điện thoại bàn, cạc-vi-dit, nắm đấm mi-crô”, sống trong tự do “một mình một ba-lô và xe đạp”. Bây giờ, “gió gọi anh đi” để anh trở lại là “một người trong mọi người”. Vì thế, nỗi niềm, giọng điệu của “Cõi lặng” rất thật. Nó như là những lời tự vấn, tự thú, sám hối của nhà thơ trước cuộc đời.
Qua cuộc nói chuyện giữa Thanh Thảo với Nguyễn Khoa Điềm (do Trần Đăng ghi lại), chúng ta mới thấu hết tâm sự của một người khi trở lại với quê hương, với thơ:

“Bây giờ cần phải có một dòng “văn học sám hối” ông à. Tôi ủng hộ ông tiếp tục làm thơ theo xu hướng đó, song ông mà dấn thêm điều này nữa thì mới... hoành tráng. Đó là, thi thoảng mình cũng nhớ đến “nắm đấm mi-crô và điện thoại bàn”, nhớ “giày đen, cà vạt” nữa chớ ông! Có thể ngay thời điểm này thì ông không nhớ đến ba cái thứ lằng nhằng ấy, song một năm nữa chẳng hạn, ông lại nhớ đến nó cho coi! Điều đó cũng bình thường thôi. Và khi ông “nhớ” những thứ ấy mà thành thơ được, ông mới chính là ông. Tôi tin rằng những bài thơ kiểu như thế sẽ rất hay vì nó đẩy con người đến chỗ tận cùng của sự trần trụi. Không sợ hãi và không che đậy” [[2]].

Ở “Cõi lặng”, người đọc nhận ra được một hình tượng nghệ thuật có dáng dấp con người thực của tác giả - cốt cách của một thi nhân. Những trăn trở từ đáy lòng đều được cởi trói. Người thơ ấy hòa vào mọi người, vào quê hương để soi chiếu gương mặt của mình, đứng trong hiện tại mà chiêm nghiệm, ngẫm suy.

Thơ ca đang đi trên con đường vô hạn của nó. Những cuộc đổi thay đều cần thiết cho gương mặt của nền thơ ca Việt Nam. Tuy nhiên, dù có cách tân, khoác lên nó chiếc áo hậu hiện đại hay là gì gì đi chăng nữa, thơ bao giờ cũng cần tính triết lý. Những đòi hỏi đó không thể chối bỏ và vĩnh cửu. Bàn về vấn đề này, Hồ Thế Hà nhận định: “Chất triết lý trong thi ca, đặc biệt ở những nhà thơ lớn, bên cạnh kiểu tư duy thuận lý, dường như bao giờ cũng thể hiện sự nghịch lý nhưng là sự nghịch lý nằm trong tính toàn thể của nó, bao gồm cả hình thức và nội dung, để cuối cùng người đọc nhận ra một nét riêng, một phong cách đặc biệt từ sự hài hòa này” [[3]]. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu tính triết lý. Một thứ triết lý đầy bản thể với trách nhiệm và ý thức đích thực của người làm ra nó.

Không cầu kì về hình thức, câu chữ tự nhiên, đời thường, ít thủ thuật phân cắt con chữ, ông hóa giải hình thức thơ ca bằng những đào sâu chiêm nghiệm. Những chiêm nghiệm bắt nguồn từ mạch ngầm kí ức:

Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất
Bao người đã mất, đang còn
Sống âm thầm sau rặng tre khuất lấp
Không một dấu vết
Những mặt ruộng nứt nẻ

(Cánh đồng buổi chiều)

Hành động “cúi xuống” đã nói hết sự trân trọng của nhà thơ đối với những gì “đã mất, đang còn” của thân phận con người. Câu thơ dài, ngắn đan xen như chính từng giọt lòng của ông tan chảy vào đời.
Những chiêm nghiệm trong “Cõi lặng” được hành động hóa để đến và đi từ chốn thực thực hư hư như dòng sông Hương huyền thoại trôi mãi trong tâm khảm con người:

Anh trôi đi
Không bắt đầu không kết thúc, không bờ bến
Anh mang tự do của nước đến với cuộc đời
Như sông từ hữu hạn đến vô hạn
Để mãi mãi có mặt
Để sống
Bên người
Phải chăng Sông Hương?

(Sông Hương)

“Trôi” ngỡ hồ nhẹ nhưng không nhẹ vì cái đích của nó là không cùng.Nhà thơ “trôi” với tư thế rất riêng: “Anh nằm cong như một con thuyền neo bên sông”. Tư thế trở trăn của một tâm hồn “Thơ ta, ta gửi đến bao người” dù đã “hăm hở đôi vai tuổi tác” nhưng vẫn “Bằng bước chân chậm rãi/ Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi” để “quẫy đạp một hành trình mới”: “Cả người nằm trong đất, cả người đang đi trên đường/ Chúng ta nhìn đời bằng ánh mắt ngay thẳng/ Bởi chúng ta là người chiến thắng”. Một hành động, một tư thế, một hành trình vô tận... như thế rất thiết thực cho thơ và cho cả người thơ. Ngay trong cơn buồn đau, hư tàn, với Nguyễn Khoa Điềm vẫn là hy vọng: “Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ Nỗi buồn đánh thức hy vọng” (Hy vọng). Nơi tàn nhẫn nhất, buồn nhất lại là “Cõi lặng” để cọ xiết lòng mình trước âm ba cuộc sống.

Nhà thơ xem cuộc trở về này là một “định vị”. Mà quả đúng thế! Một người quả quyết “hút tâm trí đường bơi những con bống cát”, “đi mãi vào cánh đồng buổi chiều”, chỉ còn lại “anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ” để khoáng đạt cõi tâm mình: “Giấc mơ xưa dù bao dâu bể/ Bên thềm xuân còn một nhành mai”. Cho nên, những hình ảnh con sông quê hương, cây long não nhà bạn, cánh đồng làng, cố nhân... trong thơ ông đều chứa chất tâm sự. Khi bạn lục đục vào nấu ăn, một mình nhà thơ với cây long não cũng trở thành câu chuyện cuộc đời: “Cây long não già mà lá trẻ/ Như ta giữa cuộc đời này.../ Năm tháng bên nhau/ Nhận lấy phần bụi bặm/ Trả ta hương lành/ Và một chút gì sâu xa/ Không rõ nữa” (Ngồi với cây long não nhà bạn).

Như vậy, kí ức trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là kí ức-hành động chứ không phải là kí ức-dĩ vãng. Nguyễn Khoa Điềm viết “Cõi lặng” nhưng đâu phải là chốn nhàn hạ, trốn mình mà là chốn sôi động của tâm hồn. Về với “Cõi lặng” để giao cảm giữa mình và đời, để khẳng định bản lĩnh và nhân cách của một thi sĩ. Nên, chuyến về này là “chuyến về” để tiếp nối lộ trình con người:

Anh gọi đó là chuyến về không hạn định
Để là một người trong mọi người
Anh tham dự trận tấn công cuối cùng
Vào cái chết
Hãy lộn ngược da anh
Và ghi lên đó mật khẩu:
- Không lùi bước!

(Bây giờ là lúc...)

Dù: “Mắt mũi ngày càng kém/ Chữ nghĩa rậm rịt điều cao xa/ Bao giờ, nơi nào, anh đọc được mình/ Qua nỗi đau nhân loại?” (Những quyển sách), nhà thơ vẫn không ngừng tiếp bước. Đấy là sự thiết lập tương hỗ giữa nhà thơ với cuộc thế. Người đọc có thể chưa hào hứng với tính “vô tư” câu chữ của “Cõi lặng” nhưng lại bị lôi kéo bởi lớp trầm tích trong đó. Những hình ảnh, con người đời thường, những chớp nhoáng của nỗi nhớ, của sự luyến tiếc pha chút ân hận... lôi kéo, đầy ma mị.

Những cảm hứng thế sự được nhìn nhận qua lời thơ thầm ẩn như “mùi thơm lúa khoai thân thuộc” mà lại tái tê, se thắt. Ông nhận ra mồ hôi quá rẻ rúng trước cuộc sống đầy cạm bẫy và rỗng rênh:

Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học
Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố
Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh
Lạng lách thời thượng và sành điệu

(Nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy)

Sự sống được liệt kê, bày ra hết thảy. Trong cuộc sống hỗn độn ấy, mạnh yếu trở thành hý trường:

Những kẻ mạnh luôn đánh thắng
Những kẻ yếu luôn đổ máu?
Kẻ mạnh chiếm đa số trong nghị viện
Kẻ yếu bị rượt đuổi trên đường phố?
...
Kẻ mạnh ném bom ở Afghanistan, Irak
Kẻ yếu gom từng chút tự do gãy nát
Thế kỷ 21
Phải chăng thế kỷ của kẻ mạnh?

Theo Bakhtin, bản chất của thơ ca là bày biện thế giới nội tâm của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, hình tượng nhân vật trữ tình và tác giả đời thực dù có giống nhau nhưng không hoàn toàn trùng khít. Hình tượng nhân vật trữ tình luôn bị chi phối và kiểm soát bởi ý thức của tác giả. Bởi vậy, “Cõi lặng” ấy đâu chỉ dành cho riêng ông mà nó còn dành cho người đọc. Những sát na Cõi lặng vô cùng quý giá. Cõi lặng giúp con người chiến đấu với chính mình: “Để mình còn là mình/ Mình là sự sống” (Sự sống).

Sự tự thể hiện suy ngẫm của mình ở “Cõi lặng” đưa thơ Nguyễn KhoaĐiềm đến cách thể hiện trực diện. Ông đã nhìn uyên thâm đằng sau bức màn nhung của chính trường sự thực đầy những quằn quại về thân phận nhân sinh. Sự trở về của một cái tâm sáng, một người mạnh mẽ “Chào anh công chức rời những tờ giấy nặng” để làm mới cuộc đời mình:

Rồi con nhớ lại trong đời con cũng đã từng đứt bữa
Cũng đã từng lấy cơm chấm cơm
Mỗi hạt cơm cõng một củ sắn, củ khoai hoặc chỉ là rau dại
Lúc đó mỗi hạt cơm trong miệng con thật ngọt bùi, thơm thảo
Con không cần ăn đến sơn hào hải vị
Để biết đến vị ngon có thể có trong đời
Chỉ cần trong một sát-na con biết lắng mình vào cuộc sống
Một hạt cơm là cả cuộc đời”

(Tập Thiền)

Thiền như cái gương vô hình của cuộc sống. Điều cơ bản là người ta ngộ được chân lý Thiền. Hướng đến cõi thiền là hướng đến sự thánh thiện tâm. Tâm giác ngộ thiền. Thiền làm tâm sáng. Ngay trong bữa cơm, Nguyễn Khoa Điềm nhận ra chân lý Thiền. Đó là sự giác ngộ của một tâm hồn đau đáu với cuộc sống nhân sinh khi soi vào cái mơ hồ - “Cõi lặng” - chốn sâu nhất của bản ngã để tìm gương mặt mình: “Anh soi thấy mặt mình/ Với nỗi buồn trong sạch” (Cõi lặng).

Mỗi bài thơ là một trải nghiệm. 56 bài thơ trong “Cõi lặng” là 56 nỗi niềm. Những nỗi niềm ấy gom lại kết nên một hồn thơ ưu tư, trăn trở. Sự trăn trở ấy cuồn cuộn khi đón nhận hạnh phúc ngay chính cuộc đời trụi trần này. Nó đã làm nên linh hồn, sức nặng của tập thơ: “Tôi đi mãi vào sớm xuân/ Làm một người trắng nợ/ Thong dong mà mới mẻ/ Cầm tay và giã từ...” (Thành phố, sớm xuân...).



Đồng Hới, ngày 10-1-2011
H.T.A

[1]Nguyễn Khoa Điềm, Cõi lặng, NXB Văn học, 2007.
[2]Trần Đăng, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi", https://www.baobinhdinh.com.vn
[3]Hồ Thế Hà, Những khoảnh khắc đồng hiện (tiểu luận - phê bình), NXB Văn học, 2007, tr 33-34.

Tác giả bài viết: Hoàng Thụy Anh
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tôi nhận được tập thơ Cõi lặng của nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm từ Huế gửi ra khi mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đang trải qua những ngày bệnh tật đớn đau trên giường bệnh của Khoa Quốc tế, Bệnh viện Quân đội T.Ư 108. Anh Duật, anh Ðiềm, anh Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Ðịnh... đều là sinh viên văn - sử của hai trường ÐHTH và ÐHSP Hà Nội - tuy hai trường nhưng xưa vốn là một. Bởi vậy, chúng tôi coi các anh như những người anh thân thiết, như một niềm tự hào chung và riêng. Thế rồi lớp lớp chúng tôi lại vào chiến trường, noi theo các anh sống và viết, và hy sinh bất cứ điều gì để vì một mục đích duy nhất, thiêng liêng nhất: giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Chỉ có điều khác nhau, là các anh đã là những nhà thơ lớn; càng về sau, càng biểu hiện rõ độ cao và tầm vóc không phải ở một thời. Nhiều chúng tôi ra trận với những câu thơ của các anh - những câu thơ mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào. Nếu thơ anh Duật tự nhiên, đầy tự tin, hào sảng, hóa thành tiếng nói của nhân dân thì thơ anh Ðiềm những ngày chống Mỹ, cứu nước còn mang đậm dư vị ngọt ngào, lãng mạn của tâm hồn sinh viên, trí thức trẻ:

Ta lớn lên bối rối một sắc hồng
Phượng cứ nở hoài hoài như đếm tuổi
Bỗng chiều nay, một buổi chiều dữ dội
Ta nhận thấy mình đang lớn khôn...

Và thời ấy, bước một bước ra khỏi lòng mình là hòa vào đất nước. Chương "Ðất nước" trong trường ca "Mặt đường khát vọng" của anh Nguyễn Khoa Ðiềm không chỉ có sức khái quát cao mà còn chảy thấm hồn người như câu hát mẹ ru, như dòng suối mát, như cái kèo, cái cột của nhà ta sớm chiều chở che, ngồi tựa, là chính mỗi bước ta đi chập chững thành người, rồi thành tình yêu đôi lứa :

Ðất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Ðất nước là nơi ta hò hẹn,
Ðất nước là nơi em đánh rơi
chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...
Trong anh và em hôm nay
Ðều có một phần đất nước
Khi hai đứa cầm tay
Ðất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Ðất nước vẹn toàn, to lớn...

Những câu thơ ấy đã trở thành một trong những tác phẩm hay nhất viết về đất nước. Có thể nói, cuộc đời của Nguyễn Khoa Ðiềm, một nhà thơ kháng chiến, trước đây đã hài hòa, nồng thắm cùng đất nước. Ngày nay, dù mái tóc đã bạc, dù không còn phải gánh vác nhiều trách nhiệm xã hội thì cái con người thi sĩ trong anh lại một lần nữa bừng dậy và bản chất người thi sĩ ấy, vẫn là hài hòa, nồng thắm cùng đất nước theo cách riêng của người thi sĩ, tức là ở nơi chân tơ kẽ tóc, trong tế bào, trong mỗi hơi thở hằng ngày.

Trở lại A Lưới, nơi có em Cu Tai, có những ngày kháng chiến, nhiều cái đổi thay nhưng máu hồng thì không thay đổi:

Em hát các ngày đau xót đó
Bây giờ dịu ngọt cứ như không
Tóc không xanh tóc ngày xưa nữa
Máu nóng trong tim máu vẫn hồng.

"Máu hồng" trước hết, trong nhân sinh quan của nhà thơ là trung hiếu. Ta thấy một Nguyễn Khoa Ðiềm nhất quán từ "Mặt đường khát vọng" thời tuổi trẻ đến lúc "túng tâm sở dục bất du củ", có thể dặn dò, nhắc nhở câu quan trọng nhất trong đạo làm người, khi là người Việt Nam:

Ông bà xưa người làm quan, làm dân, vong gia thất thổ
Dù đói dù no, không ai làm giặc
"Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình"

(Thăm mộ ông bà)

Nói về tình yêu đất nước đối với một nhà thơ thì như là chưa nói về thơ, như nói về một điều quá giản đơn. Nhưng đó chính là điều giản đơn cội rễ. Nếu không có được điều này, có một cách sâu thẳm và nhất quán thì không thể thành một nhà thơ, với ý nghĩa đích thực của nó, thì còn gì để mà bàn về thơ ? Nhưng thi sĩ không chỉ là người của một thời, chỉ thể hiện một cảm hứng. Ðộ lớn của họ được đo bằng sức phổ quát của những cảm hứng mang tính chất toàn nhân loại, trong khuôn cửa rộng thời gian.

Tập Cõi lặng của nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm, gồm 56 bài được viết trong thời gian từ 2001 đến tháng 6-2007. Ở một số bài chỉ dừng ở tâm trạng cụ thể, người thường; nhưng có một số bài đã vươn tới độ lớn mang tính phổ quát. Có lẽ đến bây giờ chưa ai định nghĩa nhà thơ gọn, rõ và đúng như Pê-tô-phi:

Tự do và ái tình
Vì các ngươi ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi xin hiến đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái...

Người thi sĩ vốn là một con người tự do. Mọi áo mũ cân đai, mọi lợi lộc đều không thắt buộc và giam hãm. Lấy trời đất làm nhà, lấy muôn năm làm chốn, lấy gió trăng làm bạn vốn là một phẩm chất trong nhiều phẩm chất. Trong Cõi lặng có mang cơn gió phóng túng mà tao nhã ấy:

Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng...

(Bây giờ là lúc)

Bởi thế, khi đọc thơ Ðỗ Mục, một nhà thơ tài hoa thời Vãn Ðường, ông nhận ra chân lý lịch sử trong chân lý thời đại, nhận thấy mình giữa mọi người, giữa cuộc đời rộng lớn:

Kích gãy, cát vùi tham vọng lớn
Ngàn năm xanh mãi một Trường Giang
Chợt buồn nhẩm lại Dương Châu mộng
Khuôn mặt thi nhân lặng trước đèn.

Thế đấy, nhiều bài học lịch sử, nhiều bài học làm người, từng được người xưa truyền lại rành rành, mà dễ mấy ai, mà đâu một chốc đã dễ dàng thấm thía !

Cõi lặng là một tập thơ làm phong phú thêm tiếng thơ Việt Nam hiện đại, tập thơ hoàn thiện hơn chân dung thơ của Nguyễn Khoa Ðiềm, làm cho ông gần gũi hơn đối với chúng ta, với cuộc sống vĩnh cửu. Bài “Trong những buổi chiều” ông viết:

Vì sao không thể yêu mến hơn ?
Vì sao không thể xanh tươi hơn ?
Vì sao không trong sạch hơn ?

Tôi cảm nhận trái tim yêu, trái tim thơ của ông đang đập ngược chiều sợi tóc để tơ non, trong trẻo với mùa xuân và cuộc đời.

Nguồn: Báo Nhân Dân
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top