• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Người trí thức Võ Nguyên Giáp

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Người trí thức Võ Nguyên Giáp


Thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh mà ở đó, lý tưởng độc lập và khát vọng tự do như là nền tảng của dân chủ và nhân quyền đã trở thành sợi dây gắn kết sức mạnh tinh thần của hàng triệu triệu con người. Đó là cuộc trường chinh hơn ba thập niên giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước trước hai đế quốc lớn là đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Gắn liền với giai đoạn lịch sử này là tên tuổi của một vị tướng đặc biệt với trí tuệ rộng mở và trái tim nhân ái. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đến với cuộc chiến bằng khát khao độc lập của một trí thức trong giao thời lịch sử và ra khỏi cuộc chiến bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình.

Vo-Nguyen-Giap-02.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sứ mệnh cách mạng trong dòng máu trí thức

Võ Nguyên Giáp có tố chất của một nhà trí thức lớn, nhìn vào con đường học vấn của ông, chúng ta có thể thấy rằng nếu không trở thành một đại tướng, có lẽ ông đã trở thành một học giả uyên bác. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học và nề nếp gia phong, ngay từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã được thụ hưởng một nền giáo dục mang hai tư tưởng khác biệt: tư tưởng lễ giáo của truyền thống phương Đông và những tri thức khoa học cùng những tư duy tiến bộ của phương Tây. Năm 14 tuổi, ông tốt nghiệp tiểu học đỗ đầu toàn tỉnh và là cậu tân khoa trẻ nhất. Năm 15 tuổi, ông đỗ thứ nhì vào trường quốc học Huế. Ngay từ thời điểm đó, trong con người Võ Nguyên Giáp đã hình thành những thiên hướng cách mạng của một công dân yêu nước, ông không chỉ là một học sinh đơn thuần tiếp thu tri thức, mà đã là một con người kiếm tìm lý tưởng. Chính vì vậy, dù ở độ tuổi 15, Võ Nguyên Giáp đã tìm thấy trong những nhà cách mạng đương thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh một sự đồng cảm và gần gũi. Ngay từ những năm tháng đó, Phan Bội Châu đã có một tình cảm đặc biệt với cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp. Cụ có mấy chục bộ sách cổ, kim mà khi mất đi cụ định để lại cho cậu Giáp .

4.jpg
Đồng chí Võ Nguyên Giáp và vợ-đồng chí Nguyễn Quang Thái​
Tuy nhiên, cũng chính vì thiên hướng trên mà con đường học vấn của Võ Nguyên Giáp đã sớm gặp trắc trở. Năm 1927 lần đầu tiên ông cầm đầu một cuộc bãi khóa để bảo vệ người đồng môn Nguyễn Chí Diểu trước sự áp đặt phi lý trong nhà trường đế quốc. Kết quả là ông bị đuổi học. Khi đó, Võ Nguyên Giáp mới 16 tuổi.

Sự sớm định hình tố chất trong con người Võ Nguyên Giáp đã quyết định hướng đi của cuộc đời ông sau này. Nếu muốn, ông đã có thể chọn một con đường trải đầy nhung lụa, với một suất học bổng tiến sĩ ở Pháp do giáo sư Gaétan Pirou, thành viên Hội đồng Giám khảo Đại học Đông Dương đề nghị cấp sau khi nghe lời nhận xét về ông: “Anh ta thông minh, sáng láng và rất can đảm. Một cái đầu bốc lửa đã có vấn đề vướng mắc với chính quyền.” Tuy nhiên chỉ sau một ngày suy nghĩ, Võ Nguyên Giáp đã từ chối với lý do “không thể là con người ích kỷ, bỏ lại bạn bè trong nước”. Mà bạn bè hay nhưng người gắn bó với Võ Nguyên Giáp thời bấy giờ là những ai? Đó là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam…, những ngọn lửa đầu tiên của cuộc cách mạng Dân tộc - Dân chủ sau này. Câu nói của ông, có thể hiểu rộng ra rằng ông đã không nghĩ cho riêng mình. Cuộc sống của ông khi đó, dù nói ra hay không, cũng đã dâng hiến cho lý tưởng cách mạng vì dân tộc. Và lý tưởng đó đã mãi mãi trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong từng hành động, từng suy nghĩ của ông. Năm 1928, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với những bài viết mang tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là bài phát biểu tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới tại Bruxelles (Bỉ). Sức lôi cuốn của những tư tưởng sống động đã khiến ông xúc động đến mừng rỡ. Có thể nói, khi lý tưởng tìm thấy con đường và những người đồng hành cũng là khi niềm tin sẽ được thăng hoa trong mỗi con người. Ngay trong năm đó; Võ Nguyên Giáp đã tham gia Đảng Tân Việt và từ đây, người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã tích cực thúc đẩy quá trình cải tổ của đảng Tân Việt cho đến khi hợp nhất vào Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Khó có thể kể hết các hoạt động của ông để thực hiện lý tưởng cách mạng của mình. Chỉ biết rằng ở người thanh niên ấy, cách mạng đã trở thành sứ mệnh tự thân của người trí thức. Là nhà giáo, ông đã âm thầm truyền thụ tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cho các lớp học sinh. Là nhà báo, ông đấu tranh với ách đô hộ bằng sự vạch trần bản chất bất công và vô nhân của chế độ, đồng thời tuyên truyền tinh thần dân chủ và con đường đấu tranh vì tinh thần đó. Là một người trí thức, ông luôn trau dồi, học tập để vươn xa trên con đường của hiểu biết vì hơn ai hết, ông hiểu rằng đó chính là nền tảng của cách mạng. Nhà sử học Dương Trung Quốc, từng là một người đồng nghiệp - người học trò của Đại tướng đã đánh giá về giai đoạn này: “Có thể nói thắng lợi của cách mạng Việt Nam với mục tiêu giải phóng dân tộc bao gồm việc giành độc lập dân tộc, và giữ vững nền độc lập ấy trong suốt ba thập kỷ chiến tranh phụ thuộc một phần lớn vào tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của một thế hệ vàng. Dù trưởng thành trong nền giáo dục thực dân, nhưng họ vẫn giữ được những giá trị của nền văn hóa dân tộc, tiêu biểu là nền Quốc học. Bên cạnh đó, họ đã được tiếp thu một nền học vấn với những tư tưởng văn hóa phương Tây rất cơ bản mặc dù trong bối cảnh nền giáo dục của một nước thuộc địa luôn bị thực dân áp bức, đồng hóa. Thứ ba, đó là thế hệ khao khát độc lập tự do đến mãnh liệt và ba điều đó hòa trộn với nhau rồi được quy tụ dưới lá cờ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Võ Nguyên Giáp là một trong những tinh hoa đầu tiên trong thế hệ vàng đó.”

Vị Đại tướng tinh thần

Cách đây một vài năm, đại tướng Võ Nguyên Giáp có một người khách xin được vào thăm. Đó là một cựu chiến binh già lặn lội từ Quảng Bình ra Hà Nội. Trong tình cảm không có sự phân biệt giữa cấp hàm mà chỉ là những người lính vào sinh ra tử cho cùng một lý tưởng. Khi Đại tướng xúc động ôm người cựu chiến binh, chỉ có một câu nói giản dị được thốt lên: “Báo cáo anh, em đã hoàn thành nhiệm vụ!” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không chỉ là một vị chỉ huy trực tiếp mà quan trọng hơn, trong tâm tưởng của những người lính, ông chính là một lãnh tụ tinh thần.

2.jpg

Trở lại thời điểm năm 1944, cuộc đấu tranh cách mạng đòi hỏi phải chuyển từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, Bác Hồ đã quyết định phải tổ chức một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Bác hỏi: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có làm được không?” Ông đáp: “Có thể được”. Và chính thức từ giây phút đó, cái tên Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao Bác Hồ lại chọn ông, một người trí thức đảm nhiệm chức Tổng tư lệnh Quân đội mà không phải là những người học chuyên về quân sự? Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có một cách lý giải riêng về sự lựa chọn này: “Cụ Hồ quan niệm làm chính trị là phải thay đổi nhận thức con người, cho nên mục tiêu chính trị cần phải được đặt lên hàng đầu, còn vũ khí chỉ là phương tiện. Tại sao khi thành lập đơn vị quân sự đầu tiên của Việt Nam, Bác gọi là “đội Tuyên truyền Giải phóng quân”? Câu nói của Bác khi giao nhiệm vụ cho ông Giáp là cứ tuyên truyền rồi nhân dân sẽ tìm được vũ khí cho chúng ta. Ông Giáp có đủ phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ trên. Bởi ít nhất ông Giáp là một người được đào tạo hết sức chính quy trong bộ máy giáo dục và ông tiếp cận với những tri thức rất cơ bản để tạo nên một nền tảng văn hóa vững chắc. Ông học luật và lại là thầy giáo dạy sử. Mà thầy giáo trong xã hội cũ thì rất có uy tín trong việc tuyên truyền, tập hợp lực lượng”.

Theo lời kể của nhà sử học Dương Trung Quốc, thì có rất nhiều người đã hỏi Đại tướng là ông được đào tạo ở trường quân sự nào? Ông trả lời rằng trường học đầu tiên của ông là trường học trí thức. Võ Nguyên Giáp là người nghiên cứu rất nhiều về lịch sử nói chung, trong đó có lịch sử chiến tranh và một trong những nhân vật ông để tâm nghiên cứu nhiều nhất là Napoléon. Ông nghiên cứu Napoléon như một nhân vật huyền thoại của chiến tranh nhưng đồng thời cũng là mặt trái của chiến tranh. Nó giống như thứ vũ khí có thể tạo dựng nền hòa bình, sự tiến bộ nhưng cũng có thể gây ra những cuộc xung đột đẫm máu. Tất cả điều đó cho thấy đặc thù của Võ Nguyên Giáp là một vị tướng dùng binh bằng bản lĩnh trí tuệ. Trong những hồi ký, Đại tướng nhắc đến thói quen thường xuyên lục lại trong trí nhớ của mình những bài học thành công, thất bại của lịch sử mỗi khi ông đứng trước một khó khăn, thử thách.

Trong mấy chục năm cuộc đời, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh nhiều chiến dịch lớn. Thế giới đã ca tụng ông trong ánh hào quang của một vị tướng với tài chỉ huy và hoạch định chiến lược. Nhưng chiến thắng đôi khi đến từ một nơi sâu thẳm hơn. Đó là một trí tuệ mẫn tiệp và trái tim nhân ái. Năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, một số người Pháp đã đến với Việt Minh ở khu giải phóng. Họ đã tiếp xúc với “anh Văn” (tức đại tướng Võ Nguyên Giáp). Maurice Bernard, một giáo viên đã viết một bức thư dài gửi những người bạn Pháp ờ Hà Nội, trong đó có đoạn: "Không bao giờ chúng tôi quên được cái đêm đã hội tụ chúng tôi lại với ông Văn, người chỉ huy mà đến nay chúng tôi thấy là người có uy tín nhất, có kinh nghiệm rộng lớn nhất, đã nói với chúng tôi, bằng những câu giản dị và hùng hồn kiên quyết, những cố gắng lâu dài mà chưa đạt đích của Việt Minh, để bắt liên lạc được với người Pháp và làm cho người Pháp hiểu. Bằng tất cả trái tim, chúng tôi đáp lại lời kêu gọi của ông và chúng tôi muốn rằng toàn thể đồng bào người Pháp cùng chia sẻ tình cảm ấy của chúng tôi.

Cho đến giờ những giọt nước mắt của Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn rưng rưng khi nhắc đến tình cảm trong con người đại tướng. Đối với ông, Đại tướng là một người thủ tướng chỉ huy bằng tấm lòng của một con người nhân ái. Theo lời ông kể, chiến dịch Quảng Trị đã nổ ra khi Đại tướng đi chữa bệnh. 81 ngày đêm, mỗi ngày đêm lại có một đại đội hy sinh. Đó không phải là cách đánh mà đại tướng đã vạch ra. Cho đến bốn giờ sáng ngày 17/9/1972, một ngày sau khi quân ta rút lui khỏi thành cổ, Đại tướng còn điện trực tuyến hỏi tác chiến mặt trận: “Tôi có thông tin trong thành cổ còn sót lại chín chiến sĩ do ở hầm xa nhau chưa nhận được lệnh rút, còn đang chiến đấu. Cho thẩm tra ngay!” Một Đại tướng đặt sinh mệnh từng con người lên trên cuộc chiến. Đó không đơn thuần là quân sự, là chiến tranh. Đó là một khát khao dài rộng và sâu sắc hơn một chiến thắng, dù chiến thắng đó có vĩ đại đến bao nhiêu.
Hình như trong con người ông, nền tảng của một trí thức yêu nước và lý tưởng cách mạng vì mỗi con người Việt Nam luôn luôn là mục đích cao nhất. Chiến tranh, trong tất cả sự khốc liệt của nói chỉ có ý nghĩa khi mỗi sự hy sinh đều hướng đến lý tưởng vì cuộc sống hạnh phúc cho con người. Vì thế, một cuộc chiến không quan trọng ở chiến thắng, mà quan trọng ở cách chiến thắng và mục đích của chiến thắng. Chỉ một người dám hy sinh cho lý tưởng mới hiểu được những người lính đang ngã xuống đáng quý biết bao để mỗi trận chiến là mỗi bậc thang vươn đến xã hội dân chủ và công bằng.

5.jpg

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã viết: “Đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn ý thức được rất sâu sắc rằng: người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Tổng tư lệnh phải có trách nhiệm với từng vết thương và từng giọt máu của mỗi người lính. Tôi biết rõ đồng chí Tổng tư lệnh nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng.”

Trí tuệ tâm huyết giữa thời bình

Có lẽ phẩm hàm Đại tướng và tính huyền thoại của chiến tranh đã khiến con người trí thức trong ông phần nào ít được nhìn nhận và đánh giá. Trên thế giới cũng như ở trong ước, nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhắc đến Điện Biên Phủ, đến quân sự, đến chiến tranh. Nhưng ít ai biết ngườí thức ấy đã đến với chiến tranh thế nào và càng ít người người trí thức ấy đã ra khỏi chiến tranh như thế nào!

Năm 1977, hai năm sau khi thống nhất đất nước, theo sự phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giã từ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm từ năm 1945 để nhận công tác ở cương vị mới: Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học – kĩ thuật. Bao nhiêu năm cầm quân đánh giặc, liệu nền tảng trí thức trong ông có bị phai nhạt ít nhiều? Tư duy ấy có bị chuyện thắng thua chi phối mà quên mất chiến thắng chỉ có ý nghĩa khi xây dựng được những nền tảng tiến bộ cho đời sống nhân dân?
Có thể nói, bản lĩnh của một trí thức lớn đã được khẳng định đầy thuyết phục qua thử thách của Đảng và Chính phủ. Tuy những hạn chế của thời đại đã khiến nhiều chiến lược kinh tế của ông không thể thành hiện thực nhưng cho đến hôm nay, những tư duy của ông vẫn khiến chúng ta phải kính trọng về hàm lượng trí tuệ và con mắt chiến lược trong đó. Từ những năm 1978, khi tư duy kinh tế thời chiến vẫn còn ngự trị trong toàn xã hội, ông đã nhìn thấy vấn đề “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ tổng hòa của các yếu tố đất - nước - rừng - biển trong việc giữ gìn hệ sinh thái và phát triển lâu dài. Ông viết: “Nước ta nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều có mối liên hệ qua lại và tác động lẫn nhau. Có thể nói rằng: rừng và biển có tầm quan trọng rất to lớn không những về mặt tiềm năng các sản phẩm quý giá có thể cung cấp cho xã hội mà còn có vai trò giữ gìn môi trường và cân bằng sinh thái tốt nhất đối với toàn bộ đất đai nước ta, đối với việc phát triển các ngành kinh tế quốc dân trong cả nước. Trong một đất nước có bờ biển dài hơn 3000 km với 80% dân số là nông dân, tư duy ấy không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế, mà còn đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của mỗi người dân. Giờ đây, những suy nghĩ từ cách đây hơn 30 năm ấy mới bắt đầu đi vào cuộc sống…

Nếu trong chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với khả năng nhìn thấy điểm yếu và tấn công điểm yếu của kẻ địch thì trong thời bình, người trí thức ấy lại tìm ra những thế mạnh nổi trội của nền kinh tế. Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về Kinh tế biển và Khoa học kỹ thuật về biển .Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn ấy cũng đã cách đây hơn 30 năm và giờ đây chúng ta cũng đang đi những bước đầu tiên về phía biển…

Ngay từ năm 1985, Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục, trong đó Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, Chấm dứt việc thang lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1 năm 1989, đến nay đã được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự.

Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80 và thôi giữ các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tâm huyết và trí tuệ của ông thì chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cả cuộc đời ông đã hiến mình cho lý tưởng cách mạng và lý tưởng đó đã trở thành máu thịt trong ông. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong cuộc sống, ông vẫn đồng hành cùng từng trăn trở, từng suy tư của người dân Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy kể lại: sáng kiến về bản kiến nghị chấn hưng giáo dục do nhóm 24 nhà khoa học- trí thức gửi lên Chính phủ năm 2004, chính là lấy ý tưởng từ bản kiến nghị của Đại tướng gửi đến nhóm. Sau khi công bố, bản kiến nghị đã có một tiếng vang lớn, và một số những thay đổi về phân ban, chức danh Phó giáo sư, giáo sư... đã được bộ Giáo dục thực hiện theo đề xuất của bản kiến nghị.

Và trong những năm tháng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Lê Tùng - Phương Nguyễn
Tạp chí Tinh hoa​
 
H

HuyNam

Guest
Đại tướng Võ nguyên Giáp - Tấm gương cho những người muốn làm doanh tướng


Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con xã Thanh Xương trong chuyến lên thăm
Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên

Có nhiều người nói rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tố chất của một nhà trí thức lớn. Ông sinh ra trong một gia đình nho giáo, có truyền thống hiếu học và bản thân ông cũng đã từng là một nho sinh tiến bộ được thụ hưởng một nền giáo dục mang hai tư tưởng khác biệt: Tư tưởng lễ giáo của truyền thống phương Đông và những tri thức khoa học cùng những tư duy tiến bộ của phương Tây, từng đứng trước cơ hội có được một suất học bổng Tiến sĩ từ Pháp nhưng cuối cùng đã từ chối để chọn con đường đi tìm lý tưởng, làm cách mạng....
Trí Huệ của Tự do

detrothanh3a2-a2ec6.jpg


Một nhà báo, một nhà giáo dạy lịch sử, trở thành một thanh niên nhiệt huyết vì cách mạng và đã tham gia vào khởi đầu của lịch sử cách mạng, lịch sử của quân đội nhân dân VN, từ một trí thức nho nhã trưởng thành và đạt thành tựu xuất sắc về tư tưởng và nhân cách trong vai trò một vị tướng cầm quân minh tuệ và quyết đoán, đó có thể nói là nhờ cuộc vượt thoát lớn đầu tiên trong Trí Huệ của một con người. Vì nhận thức, dù có kiến thức và hiểu biết đến đâu thì vẫn là hữu hạn. Nhưng từ nhận thức, kiến thức và hiểu biết để đi đến thấu hiểu trực tiếp về lý tưởng, chân lý, để chọn cho mình một lý tưởng, một mục tiêu để toàn tâm toàn ý cống hiến, mà lý tưởng đó là tinh thần cách mạng và là sứ mệnh tự thân của người trí thức yêu nước, vì đất nước, thì người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã đạt được tự do đầu tiên. Tri thức theo đó trở thành một công cụ để ông cầm quân minh tuệ, mẫn tiệp, uyển chuyển hơn cho tự do vì lý tưởng.

Với doanh nhân, chỉ cần học được hai chữ Trí Huệ, chọn được cho mình một con đường lý tưởng, một sự chính nghĩa để nguyện hết mình vì lựa chọn đó, cũng có thể xem là một cách học vượt thoát những rào cản tâm trí. Khó khăn, thất bại, phá sản, đình trệ... tất cả đều chỉ những thách thức trên bước đường đã chọn, và mãi vẫn chỉ là những hữu hạn không thể trói buộc được niềm tin của một nhà “kách mệnh” trong kinh tế. Bao giờ các nhà làm kinh tế có được trí huệ này, họ sẽ có niềm tin để vượt qua cuộc khủng hoảng không chỉ hôm nay.

Trong tâm thư gửi các nhà Công thương Việt Nam và đội ngũ doanh nhân cả nước nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13 tháng 10 năm 2013, chỉ mới đây thôi và trước khi ra đi, vị Đại Tướng của nhân dân đã gửi đến đội ngũ doanh nhân lời chúc sức khỏe và tình cảm thân thiết nhất. Ông mong rằng “các đồng chí sẽ giữ vững ý chí vươn lên theo tinh thần luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn... không ngừng mở rộng tầm nhìn, phát triển thị trường, xây dựng doanh nghiệp vươn tới trình độ khu vực và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn” – Đó là những lời anh minh của một Trí Huệ tự do và cũng là những sẽ chia của một người đã thực chứng cả cuộc đời vì chân lý chính nghĩa.

Tri thức và Học vấn, Hiểu biết là một phần của Trí Huệ. Cũng có nhiều người nói rằng nếu không theo con đường cách mạng, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp có thể trở thành một học giả lớn. Trong những chương trình truyền hình liên tục được phát những ngày gần đây, các thước phim tư liệu về Đại Tướng luôn làm mọi người xúc động. Xúc động nhất là được nhìn gương mặt cứng rắn, cương nghị, anh minh của vị Đại tướng năm xưa khi trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế bằng ngôn ngữ quốc tế, với tiếng Pháp nằm lòng không hề vấp váp và rất tự tin. Một Trí Huệ như vậy, không thể không xây trên nền tảng và sức mạnh của kiến thức.

Vì vậy, các doanh nhân muốn trở thành doanh tướng đi đầu trong lĩnh vực kinh tế, đóng góp cho phú cường đất nước, ngoài lý tưởng chính nghĩa, còn cần có trí thức, có hiểu biết, có tinh thần “Hãy sống như ngày mai anh chết. Hãy học như anh sẽ sống mãi mãi (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever)” như một danh ngôn của Mahatma Gandhi, như Nhân cách và Trí Huệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; và còn đó là tấm gương học trò xuất sắc của Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Đánh chậm, thắng chắc, chớp thời cơ”
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”

- là một trong những tinh hoa được ứng dụng nhuần nhuyễn trong nghệ thuật cầm quân của Tướng Giáp. Lối đánh du kích thoắt ẩn thoắt hiện, biết địch mạnh, ta yếu, nhờ đó mà linh hoạt lấy ít thắng nhiều, nhờ đó mà đúc kết thành một câu nói nổi tiếng của ông trong chiến tranh: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh! Tạp chí Time của Mỹ ra ngày 9/2/1968, trong bài viết The Red Napoleon – Vị Napoleon Đỏ, đã dịch câu nói này là "Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont' strike". Nhiều doanh nhân quốc tế cũng đã chọn câu nói này làm phương châm, “binh pháp” của họ trong kinh doanh.


Hy vọng VN sẽ có những “trận Điện Biên Phủ” oanh liệt của thời bình!​

Vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại liên tiếp đánh bại đế quốc Nhật, thực dân Pháp và quân đội Mỹ... đã không để Trí Huệ minh triết của mình ngủ quên trong thời bình. Từ tư duy quân sự nhìn ra điểm yếu của kẻ địch, nhận biết thế mạnh của mình mà tấn công, ông đã nghiên cứu về Kinh tế Việt Nam, đề xuất chiến lược về nông nghiệp, đặc biệt ông còn đề xuất một chiến lược về Kinh tế biển và Khoa học kỹ thuật về biển. Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Một cái nhìn đi trước thời đại hơn 30 năm mà nay đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặt làm mục tiêu cho công cuộc chuyển đổi từ kinh tế “mò cua bắt ốc” sang kinh tế biển, kinh tế công nghiệp hóa và hiện đại hóa…

Trong một bức thư khác của Đại tướng gửi đội ngũ doanh nhân VN từ ngày 7/5/2004 – nhân 50 kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã viết: “Doanh nhân Việt Nam phải thực hiện kinh doanh không những có khoa học và nghệ thuật, mà còn phải có văn hóa, hợp pháp luật, đồng thời chống tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, nêu cao ý thức tiết kiệm, tích tụ vốn liếng, tài sản, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, nói tóm lại phải nâng cao trình độ quản lý để DN không ngừng phát triển trở thành những DN có quy mô, tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc”.

Lời dặn dò của Đại Tướng năm xưa, mong mỏi của một thiên tài quân sự kiệt xuất trước khi nhắm mắt vẫn nghĩ về sự phú cường dân tộc, mong dành sự vinh danh đội ngũ doanh nhân “Hội tụ - Làm giàu – Kiến quốc” hôm nay - sẽ mãi là một nguồn động viên quý báu đối với các thế hệ doanh nhân. Thay cho nén tâm hương, doanh nhân VN sẽ phát huy lòng yêu nước, tính chính nghĩa – tìm được giá trị cốt lõi trong kinh doanh, chọn phương hướng hoạt động trong một môi trường phù hợp mang tinh thần dân tộc Việt, bản sắc Việt – nguyện phấn đấu để trở thành doanh tướng, những học trò của Tướng Giáp trong lĩnh vực kinh tế. Hy vọng VN sẽ có những “trận Điện Biên Phủ” oanh liệt của thời bình!
[
Vị tướng Huyền Thoại​
Từ quê mẹ, Quảng Bình ta ấy,
Ra đi theo Cách Mạng, Bác Hồ
Vì dân tộc lầm than giặc xéo
Dựng xây nên quân đội anh hùng.
Trăm ba tuổi theo nơi Tiên Tổ
Ước về với đất mẹ thân yêu !
Bởi bao năm giằng dặc xa Người,
Cùng nước non, sạch bóng quân thù.
Ngôi nhà Bác chiều nay mở cửa
Cho chúng con vĩnh biệt viếng Người !
Ngọn đèn ơi ! Đợi chờ đứng mãi
Bác không về sải bóng nữa đâu.
Hàng cổ thụ giờ trông buồn quá !
Chẳng thấy Người dạo bước dưới cây.
Ngoài đường kia người đi lặng lẽ
Cả non sông thương tiếc vô cùng !
Đã lâu rồi Bác nào về ở
Vì dưỡng bệnh tuổi cao sức yếu
Cả cuộc đời trường chinh mòn mỏi
Cho đất nước độc lập hôm nay.
Dẫu biết rằng tuổi cao khó cưỡng
Nhưng sao con chẳng muốn phút này.
Dòng người thăm rưng rưng lệ đẫm
Bao thế hệ nức nở xót đau.
Ở nơi xa quê nhà chờ đón
Người con yêu trung dũng trở về.
Khắp năm châu bạn bè ngưỡng mộ
Vị tướng tài, thế kỷ hai mươi.
Đã khích lệ đến nhiều dân tộc
Mau đứng lên thoát ách đêm dài.
Nhớ năm nào, Điện Biên khói lửa
Pháo kéo vào, lại phải kéo ra.
Quyết định khó, nhưng phải dám quyết,
Vì sinh mạng chiến sĩ thân thương,
Vì Bác Hồ, dặn " thắng trận này "
Nên đánh chắc, đã thành thắng lợi.
Rồi mùa xuân bảy lăm giải phóng
Phải " thần tốc, táo bạo hơn nữa "
Giải phóng Trường Sa, đến Sài Gòn
Giành thống nhất non sông biển cả.

Ôi! Vị tướng tài ba lỗi lạc
Từ trong dân, phục vụ nhân dân.
Nhân cách lớn, trở thành huyền thoại
Sống trong lòng, tổ quốc vinh quang.
Ngày 5 tháng 10 năm 2013
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top