Mạn đàm chuyện “sửa ngọng”
Tôi nghe có chuyện sửa phát âm L/N, thì đây đúng là lĩnh vực ngôn ngữ học của tôi rồi, nên tôi cũng hứng thú và tò mò. Có điều để viết được một bài về vấn đề này không đơn giản, hồi mới nghe chuyện này tôi cũng rất băn khoăn lúng túng, không biết có nên ủng hộ chuyện sửa phát âm L/N này không. Cái tôi băn khoăn là, việc phát âm sai L/N với chuẩn chính tả và phương ngữ Hà Nội hiện nay, có phải là “bệnh ngôn ngữ”? Nếu đó là hiện tượng phương ngữ bình thường, thì có cần phải sửa?
1. Thứ nhất,xét về mặt ngữ âm, thì /n/ và /l/ đều được xếp vào âm gốc răng (alveolar consonant), tức là khi phát âm, đầu lưỡi đặt ở gốc răng. Trên thực tế có thể đặt đầu lưỡi sâu hơn khi phát âm âm vị /l/, tuy nhiên về cơ bản đặt lưỡi ở gốc răng là phát âm được cả 2 âm vị trên. 2 âm vị trên khác nhau ở chỗ, /n/ là một âm mũi (nasal consonant), /l/ là một cận âm (approximant) hay biên cận âm (lateral approximant), nói đơn giản là cách phát âm bắt đầu khác với phụ âm và hơi nghiêng về nguyên âm. Vì vị trí phát âm giống nhau, nên 2 âm vị trên có thể bị lẫn lộn, thậm chí có thể bị hợp nhất.
2. Xét về mặt phương ngữ học, có thể khẳng định, bản thân việc phát âm không chuẩn L/N là đặc trưng vùng miền, nó có trong thổ ngữ và phương ngữ của nhiều vùng, bao gồm ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Gọi là nói “ngọng” tức là đã coi nó như bệnh ngôn ngữ, mà bệnh ngôn ngữ thì chì có thê xuất hiện ở mức độ cá thể, còn nếu đã ở mức độ vùng miền thì phải coi đó là hiện tượng thổ ngữ (nếu phạm vi hẹp) hoặc phương ngữ (nếu phạm vi rộng).
Tôi lấy ví dụ về mặt phương ngữ học: người huyện Gia Lâm, quận Long Biên tại Hà Nội đọc N thành L nhất loạt. Hiện tượng này xuất hiện cả ở tỉnh Bắc Ninh, là địa phương gần đó. Tuy nhiên, sang đến Bắc Ninh, thì một số vùng bị lẫn lộn L/N chứ không phải đơn thuần là biến N thành L. Tôi đã từng nghe cô công nhân quê Phố Nối nói chuyện trên xe khách thế này: “Nhà em ở Phố Lối (Nối), giờ đang nàm nhà lước rồi, nương cũng cao nắm”. Lại có vùng ở Hải Phòng có hiện tượng ngược lại, đó là biến L thành N. Nếu nhìn theo cách đó, thì rõ ràng chuyện phát âm L/N là hiện tượng phương ngữ.
3. Xét về mặt ngôn ngữ học lịch sử, thì hiện tượng chuyển đổi L/N là chuyện bình thường, không phải chỉ xuất hiện ở nước ta, không phải chỉ thời này mới có, và không phải là hoàn toàn cố định. Tôi lấy ví dụ về tiếng Hán cổ và âm Hán Việt, chữ 弄 âm Hán Việt là Lộng (âm L), các sách vận thư cổ của Trung Quốc đều ghi phiên thiết là 盧貢切 (Lư Cống thiết), tức là phần thanh mẫu giống chữ Lư, chữ Lư thuộc thanh mẫu Lai, giống các chữ như La, Loa, Lộ… Tóm lại, các chữ thanh mẫu Lai trong âm Hán Việt đều là L. Đa số các chữ đó trong tiếng Hán phổ thông hiện đại cũng có thanh mẫu L, nhưng chữ Lộng bên trên thì lại biến thành thanh mẫu N. Bản thân thanh mẫu Lai (L) và thanh mẫu Ni (N) là cùng một hệ, việc bị chuyển đổi cho nhau cũng không có gì lạ.
Có trường hợp ngược lại là chữ 卵 âm Hán Việt là Noãn, nhưng nó vẫn thuộc về thanh mẫu Lai, và tiếng Hán phổ thông hiện đại vẫn đọc L. Nếu chữ Lộng âm Hán Việt giữ được âm cổ thì chữ Noãn này lại bị biến đổi. Tuy có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể thấy việc L/N lẫn lộn vừa là hiện tượng đồng đại, vừa là hiện tượng lịch đại.
Ngoài ra, tiến sĩ Phạm Văn Hảo còn cho rằng, hiện tượng L/N lẫn lộn thậm chí có thể cho là bước quá độ để hợp nhất 2 âm làm 1. Chuyện này cũng vẫn đang xảy ra với tiếng Việt, ví dụ như phương ngữ Hà Nội đã hợp nhất ch/tr, s/x, d/gi/r…
4. Nếu xét đến đây, thì việc “chữa ngọng tập thể” này là việc “tào lao” (chữ dùng của thầy Nguyễn Văn Hiệp). Tuy nhiên, ta nên xét thêm ở khía cạnh ngôn ngữ học xã hội nữa.
Quay lại chuyện người Gia Lâm nói N thành L, thì cho tới hiện nay, cũng chỉ có bộ phận người lớn tuổi là bị “ngọng”. Có rất nhiều thanh niên cư trú trên địa bàn Gia Lâm hay Long Biên không hề có hiện tượng đó. Ở Bắc Ninh, Hải Phòng cũng vậy. Có thể thấy, đó là hiện tượng tương đối dễ mất đi, ít nhất là so với các hiện tượng phương ngữ khác như chuyện người Thanh Hóa lẫn lộn thanh hỏi và thanh ngã chẳng hạn. Nguyên nhân chính làm cho giới trẻ vùng ngoại thành Hà Nội giáp Bắc Ninh không bị “nặng” như người trung niên và cao tuổi là vì sự tiếp xúc ngôn ngữ và thái độ ngôn ngữ. Khi muốn thay đổi một hiện tượng ngôn ngữ, thì cần phải xem thái độ ngôn ngữ của người sử dụng, nói một cách đơn giản là: họ có muốn thay đổi hay không. Ít ra hiện tại Nhà nước không thể ra chỉ thị yêu cầu người miền Nam hay miền Trung nói giọng Bắc, giả sử có chỉ thị đó, ắt sẽ bị cả nước phản đối. Đó là vì những vùng miền đó coi trọng tiếng địa phương, tiếng địa phương là tài sản văn hóa quý báu của vùng miền, không thể làm mất.
Nhưng chuyện L và N thì không nghiêm trọng đến thế, và việc sửa đổi không phải là không thể. Bởi vì trong xu thế tiếp xúc ngôn ngữ ngày càng nhiều hiện nay, rất nhiều địa phương vốn hay nói lẫn L và N đều cho rằng đó là “nói ngọng”, việc “ngọng” sẽ gây nhiều rắc rối cho trẻ em đi học, người lớn đi làm, nhiều người thậm chí coi đó là tiêu chí đánh giá trình độ văn hóa (nên việc nói “ngọng” ít xuất hiện ở tầng lớp trí thức hơn). Nếu vùng miền không coi việc lẫn lộn L và N là “tài sản” cần bảo vệ, thì có thể sửa.
Dù sao, đây cũng mới chỉ là suy nghĩ sơ bộ của cá nhân tôi. Việc đưa ra kết luận chuẩn xác về mặt ngôn ngữ học xã hội là không đơn giản, cần tiến hành khảo sát, điều tra đầy đủ về thực trạng, xu thế phát triển, phân bố vùng miền, phân bố theo tầng lớp xã hội, thái độ ngôn ngữ… Nếu các địa phương đều đồng ý và người dân cảm thấy cần phải thay đổi, thì tự khắc sẽ chấp nhận chuyện thay đổi đó.
5. Ngoài lề:
Có một số hiện tượng ngữ âm bị đánh giá không được tốt cho lắm, nhưng xuất hiện ở rất nhiều địa phương, ví như hiện tượng đệm thêm “i” vào sau “e” (“em” nói thành “iem” chẳng hạn), có cả ở Nam Định, Hà Tây cũ, Hải Phòng, Bắc Ninh… Khi đã bị đánh giá không tốt, thì người địa phương đó thường cố gắng sửa đổi, đó là chuyện bình thường, một quy luật xã hội khách quan của ngôn ngữ.
Xu thế hợp nhất các âm vị là có, trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, rất dễ có những âm vị biến mất do đã sáp nhập vào một âm vị khác. Xu thế tách âm vị khó xảy ra hơn xu thế nhập âm vị. Vậy liệu một ngày nào đó, tiếng Việt có sáp nhập 2 âm vị /l/ và /n/ như giả thiết của tiến sĩ Phạm Văn Hảo và các cộng sự hay không? Điều đó thật khó trả lời, vì quá trình hợp nhất có thể kéo dài hàng vài trăm năm, mà hiện nay thì xu thế xã hội chưa cho phép thúc đẩy quá trình đó, bằng chứng là Nhà nước vẫn muốn phân biệt rõ L và N.
Lê Huy Hoàng (Mặc Nhiên Đường)