emhocngu0k
New member
- Xu
- 0
Lời nói đầu
Nếu có dịp nghiên cứu về cổ ngữ Hy bá lai, quí vị sẽ thấy vô cùng thích thú.Hy bá lai là một cổ ngữ từ ngàn xưa, bắt nguồn nơi thổ ngữ Tây bắc Se mi tíc. Dòng dõi Áp ra ham được mệnh danh là dân Hê bơ rơ . Trải qua hàng ngàn năm ngôn ngữ Hy bá lai vẫn giữ được tính chất thuần túy của nó. Cho đến khi người Y sơ ra ên bị lưu đày qua A si ri, Ba by lôn và bị các đế quốc đô hộ thì ngôn ngữ nầy bị pha trộn nhiều với tiếng Á ra mai. Hy bá lai văn có 22 chữ cái với 27 hình thức khác nhau, phát ra độ 30 âm. Cổ ngữ nầy vốn không có nguyên âm, toàn là phụ âm. Mãi đến cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII S. C. mới có một nhóm học giả Hy Bá Lai điểm thêm nguyên âm, tức là những dấu chấm, dấu gạch hay dấu phết cặp theo các phụ âm. Tuy nhiên không có một nguyên âm nào tách rời. Nhờ điểm thêm nguyên âm nên chữ Hy bá lai dễ đọc và dễ hiểu hơn. Một đặc điểm nữa là không có một vần nào bắt đầu bằng một nguyên âm cả chỉ trừ ra liên tự “và” trong trường hợp bị biến thể khi đứng trước một vài tiền trí từ hay phụ âm nào đó thì cách viết và phát âm giống như một nguyên âm. Hiện nay tại Hy Bá Lai người ta không dùng nguyên âm mà chỉ dùng toàn phụ âm thôi, vì thế rất khó đọc và khó hiểu. Thỉnh thoảng mới tìm thấy một ít sách có cả nguyên âm và phụ âm. Lối đọc và viết đều từ phải sang trái (chiều ngang). Loạt bài nầy không phải là học về Hy bá lai , nhưng chỉ nghiên cứu ý nghĩa thuộc linh của mẫu tự Hy bá lai. nếu có chỗ nào sơ sót kính xin quý vị lượng thứ cho. Xin đa tạ.
Chữ Thứ Nhất ALEF Con Bò Đực Số tiêu biểu: 1
א
Chữ thứ nhất của tự mẫu nầy là chữ ALEF có nghĩa là con Bò Ðực. Nó là chữ thứ nhất đứng trước các chữ khác, như con bò kéo xe hay kéo cày đều đứng trước các vật ấy. Kinh Thánh thường dùng con bò đực tượng trưng cho ba điều: Sức mạnh – Phục vụ Hi sinh.
Sức Mạnh
Nói đến bò đực, chúng ta không quên câu chuyện lịch sử trong sách I Các Vua 19:19-21 cho biết khi Ê li sê được Ê li gọi thì người đang cầm cày, trước mặt ông có 11 đôi bò, ông cầm đôi thứ 12. Khi ông từ giã thân nhân để thi hành chức vụ thì đã giết đôi bò, lấy cày làm củi chụm lửa nấu thịt đãi các tôi tớ mình, đoạn ông theo Ê li và hầu việc người. Ðó là đặc điểm của bò đực, nó có sức lực hầu việc chủ và cũng hi sinh khi chủ cần đến.
Ngày nay, thật khó tìm được những người có đủ ba điều kiện như trên. Tìm người có sức mạnh về thể xác thì rất dễ, nhưng muốn tìm một người khỏe mạnh phần thuộc linh lại là một việc khác. Ngày nay người ta chú trọng đến sự mạnh khỏe phần thể xác, điều ấy không có gì là sai cả, vì là một điều cần cho sự sống của con người. Nhưng vấn đề đáng chú ý là người ta mạnh để mà phạm tội, mạnh trong sự hư hoại, mạnh để làm những việc xấu xa ô uế như đã mô tả trong thơ La Mã 1:29-32. Người ta dùng hết sức mạnh để tiêu phí cho tội lỗi thì sức mạnh đó không có ích gì cho bản thân người ấy cũng như không ích lợi cho cho gia đình và xã hội.
Phục Vụ
Sự làm việc là một điều cần yếu cho sự sống của con người. Thời xưa, người La Mã và Hi Lạp không thích làm việc. Họ cho rằng nếu họ bắt tay làm một việc gì thì sẽ mất thể diện, nên mọi việc đều do đầy tớ làm cả. Về sau có người đứng lên đả phá lề thói ấy và khuyến khích mọi người phải làm việc vì là ích lợi cho thân thể, cũng ích lợi cho người khác nữa!
Hi Sinh
Con bò cũng tượng trưng cho sự hi sinh. Trên các phương tiện truyền thông: truyền hình, báo chí, chúng ta thường thấy người ta nói đến tinh thần yêu nước, xây dựng đất nước và thường kêu gọi sự đóng góp, hi sinh. Nhưng trên thực tế ít người dám hi sinh thật sự (hội đồng loài chuột).
Chữ Thứ Nhì BET Nhà Số tiêu biểu: 2
ב
Chữ BETH là chữ thứ nhì trong mẫu tự Hy bá lai. Phát âm như chữ B. Nghĩa chữ nầy là nhà. Một lâu đài giống như một mảnh vườn, nó cần được săn sóc giữ gìn bởi chủ, nếu không thì gai gốc, cỏ dại sẽ phủ đầy mảnh vườn.
Chữ Thứ Ba GIMEL Con Lạc Đà Số tiêu biểu: 3
ג
Chữ thứ ba trong mẫu tự Hy bá lai là GIMEL (như chữ G). Chữ này có nghĩa là lạc đà. Con lạc đà trong Kinh Thánh được biết có ba công dụng rất quan trọng: Ði đường xa, mang nặng và chịu đựng.
Ði Ðường Xa
Lạc đà là một con vật có biệt tài đi trong sa mạc rộng lớn mênh mông rất bền bỉ, không con thú nào bì kịp. Nó giống như một chiếc tàu lênh đênh trên “biển cát”. Cơ thể nó có thể chịu đựng sức nóng như thiêu, có thể đi nhiều ngày trong sa mạc, không uống nước mà không mệt nhọc gì cả. Nó cũng có tài định hướng đi rất đúng. Nó không biết nhìn trời để “lần bước theo ngôi sao” như các vị bác sĩ ngày xưa, cũng không có địa bàn như những vị thuyền trưởng trên đại dương bát ngát mà vẫn đi đúng đường trong sa mạc mênh mông như sa mạc Sahara chẳng hạn.
Một khách lữ hành trên lưng lạc đà ở giữa sa mạc, điều cần yếu nhất cho người ấy là giếng nước, nếu không có nước thì thật là một tai nạn! Có hai điều làm cho viễn khách lo ngại cho cuộc hành trình của mình trong sa mạc là:
1. Ði sai đường nên không tìm thấy giếng nước.
2. Kẻ thù làm cho các giếng nước có chất độc.
Trong trận chiến tranh giữa người Âu châu và Ả rập khi xưa, binh sĩ Âu châu thường phải thử nước của các giếng trong sa mạc trước khi uống vì sợ ngộ độc.
Trong cơ thể lạc đà có một túi nước dự trữ, nên dù cuộc hành trình có dài bao nhiêu, nó cũng có thể chịu đựng được mà không chết khát.
Mang Nặng
Lạc đà có sức mạnh phi thường. Nó có thể mang những kiện hàng hóa nặng nề suốt đường xa kinh khủng. Với gánh nặng trên lưng, nào người, nào đồ vật, nó vượt hàng ngàn dặm mà không hề ngã quị giữa đường.
Chịu Ðựng
Con lạc đà lại có một đặc điểm nữa là “chịu đựng” cách bền bỉ dẻo dai. Nó vừa mang nặng, đi đường xa, chịu đựng lâu ngày dưới sức nóng như thiêu trong sa mạc.
Chữ Thứ Tư DALET Cái Cửa Số tiêu biểu: 4
ד
Chữ DALET có nghĩa là cái cửa . Nó có hình dạng như cái cửa. Phát âm như chữ D
Chữ Thứ Năm HEY Cửa sổ Số tiêu biểu: 5
ה
Chữ nầy (phát âm như chữ H) có nghĩa là cửa sổ. Trong tiếng Hy bá lai có tám từ liệu khác nhau chỉ về cửa sổ và được chia làm hai loại. Trong Kinh Thánh cho chúng ta biết hai loại cửa sổ ấy như sau:
Cửa sổ trên trời (Sáng 7:11 và 8:2; II Vua 7:2,19; Ma-la-chi 3:10)
Cửa sổ đền thờ hay cửa sổ nhà . (Sáng 26:8; Giô-suê 2:15,18; II Sa-mu-ên 19:12; II Sa-mu-ên 6:19; I Vua 6:4; II Vua 9:30,32; II Cô-rinh-tô 11:33 v. v…)
Chữ Thứ Sáu VAV Cây đinh Số tiêu biểu: 6
ו
Chữ thứ sáu là VAV (tiêu biểu cho chữ W và V). Chữ nầy có nghĩa là “cây đinh” hay là “cái móc”. Một nghĩa khác nữa là “và” tức là một liên tự trong văn phạm. Cây đinh rất thông dụng trên toàn thế giới, mọi dân mọi nước đều biết dùng đinh. Vào thế kỷ thứ XVIII dân chúng ở thành phố Cradley Heath nước Anh đều là thợ làm đinh, họ chưa có máy móc tối tân như hiện nay. Trong nghề làm đinh họ chỉ dùng khuôn là những chiếc “thùng cát” nhưng đúc rất chậm. Song họ rất ưa thích nghề nầy, nên trải qua nhiều đời họ cứ tiếp tục làm đinh. Cho đến ngay kỹ nghệ làm đinh với phương pháp tối tân hiện đại vẫn thịnh hành tại đây.
Cây đinh bằng gỗ, bằng sắt hoặc bằng bạc hay bằng vàng cũng đều ích lợi cả. Công dụng của cây đinh là liên kết hai vật lại với nhau. Từ bàn, ghế, tủ, nhà cửa đến xe cộ, tàu bè … đều cần đến đinh. Ðinh rất quan trọng, đôi khi vì thiếu đinh mà một công việc to tát phải bị đình chỉ.
Chữ Thứ Bảy ZAYIN Khí giới Số tiêu biểu: 7
ז
Chữ thứ bảy trong mẫu tự Hy bá lai là ZAYIN (đọc như chữ Z) có nghĩa là “khí giới”. Danh từ chỉ về “khí giới” trong tiếng Hy bá lai có bảy từ ngữ, được nêu ra trong 23 câu Kinh Thánh. Nó bao gồm các loại như: gươm, giáo, áo giáp, thuẫn, giây nịt lưng, mũ, giày, cung, tên, búa, rìu …
Trước cơn Ðại Hồng Thủy có một người sanh từ dòng dõi Ca in tên là Tu banh Ca in, là “người rèn đủ thứ khí giới bằng đồng và bằng sắt” (Sáng 4:22). Chúng ta không lấy làm lạ vì sao Tu banh Ca in biết rèn đủ thứ khí giới mà không cần thụ huấn nơi một trường huấn nghệ nào cả, vì tổ tiên của ông ta là Ca in, con đầu lòng của A-đam và Ê-va đã biết dùng khí giới để giết người trước tiên, nên các thứ khí giới bằng đồng và bằng sắt được sản xuất từ dòng dõi ấy.
Từ ấy đến nay các loại khí giới được thông dụng hơn. Công dụng của khí giới là “tự vệ” và “tiêu diệt kẻ thù”. Người Ðông phương thuở xưa khi đi đường hay mang rìu trên vai (giống như dân tộc thiểu số hay mang rựa hoặc chà gạt) để tự vệ như đề phòng giặc cướp hay chống cự với thú dữ.
Người đàn ông Tô cách lan được phép võ trang một “đoản kiếm” (gươm ngắn) để tự vệ. Mỗi cá nhân là một cảnh sát viên có quyền xử dụng loại đoản kiếm ấy, nhưng vì nhiều người lạm dụng thứ khí giới ấy để giết người cách dễ dàng nên đến năm 1828 họ bỏ lối trang bị vũ khí ấy, và thành lập một đội cảnh sát riêng biệt, huấn luyện kỹ càng và võ trang bằng súng ống như hiện nay. Một quân nhân, một cảnh sát viên có bổn phận bảo vệ an ninh cho quốc gia, chống ngoại xâm, trừng phạt những người phạm pháp vì vậy họ cần có khí giới để thi hành pháp luật.
Chữ Thứ Tám CHET Hàng rào Số tiêu biểu: 8
ח
Chữ thứ tám của mẫu tự Hy bá lai là CHET phát âm như chữ KH ( tiếng việt ) và CH ( tiếng Anh ) . Chữ nầy có nghĩa là “hàng rào” hay là “vách” hoặc “thành”.
Trên một con đường nguy hiểm, dốc cao, hố thẳm người ta thường làm những rào cản dọc theo mé đường để tài xế thấy chỗ nguy mà hãm bớt tốc lực và lái xe cẩn thận hơn.
Chữ Thứ Chín TET Con Rắn Số tiêu biểu: 9
ט
Chữ thứ chín của mẫu tự Hy bá lai là TET phát âm như chữ T. Chữ này có nghĩa là con rắn trông giống như con rắn ngẩng đầu lên. Trong tiếng Hy bá lai có 11 từ ngữ chỉ về rắn, tiếng Ả rập có 4 và tiếng Hi lạp có 5.
Chữ Thứ Mười YUD Bàn tay Số tiêu biểu: 10
י
Từ ngữ “bàn tay” là một trong 36 chữ được Kinh Thánh chép nhiều nhất. Nhưng với phạm vi của bài nầy không thể liệt kê ra hết các từ ngữ ấy. Theo cổ ngữ Ê thi ô pi chữ bàn tay là “Yaman” còn chữ La tinh là manus và do đó có chữ manufacture Anh ngữ tức là chế tạo.
Chữ YUD là một chữ có hình dáng nhỏ nhất trong 22 mẫu tự Hy bá lai, trông tựa như một dấu phẩy. Chữ nầy thật nhỏ nhưng lại rất quan trọng. Nghĩa của nó là bàn tay mà cũng là số 10. Theo tiếng Hy bá lai thì mỗi chữ cái của mẫu tự tượng trưng cho một con số; như chữ ALEPH là chữ đầu tiên thì là số 1, BET là số 2 và chữ QUF (Q) là số 100. Chữ RESH (R) là số 200, rồi đến các chữ khác con số càng tăng đến chữ cuối là 400, rồi từ 22 chữ tức là 22 số đó mà làm thành số ngàn và thêm mãi …
Bàn tay là một chi thể rất hệ trọng của thân; nó tỏ ra năng lực của con người. Trí óc điều khiển, bàn tay hành động. Mọi công tác hoặc nhỏ bé hay lớn lao đều do bàn tay của con người thực hiện cả. Không có bàn tay, con người mất đi lẽ sống trên đời. Dù khoa học có tiến bộ, có thể tạo ra những “bàn tay giả” để tháp vào cho những người xấu số chẳng may mất một hay cả hai tay , nhưng bàn tay giả chất lượng vẫn không linh hoạt và khéo léo bằng bàn tay thật
Chữ Thứ Mười Một KAF Cánh Số tiêu biểu: 20
כ ך
Chữ nầy có nghĩa là CÁNH (như cánh chim)
Loài chim có bộ lông cánh đẹp nhất là con công. Nhìn một con công xòe cánh và đuôi ra chúng ta sẽ thấy màu sắc của cái mống. Tại Nam Mỹ có một giống chim hết sức nhỏ, hình vóc chỉ lớn bằng con ong, mới xem qua người ta cứ ngỡ là con ong, nhưng khi bắt được nó mới biết đó là một giống chim tí hon kỳ lạ, giống chim này có nhiều màu sắc rực rỡ khác thường.
Các loài chim định hướng rất chính xác, dù sương mù dày đặc hay bão tố dữ dội, chúng vẫn lướt gió tung mây bay về tổ ấm cách an toàn. Khi mới nở ra khỏi vỏ trứng, cặp cánh chim con nhỏ bé trơ trụi, bao phủ bằng một lớp lông non mềm mại dễ thương. Nhưng cặp cánh ấy vô dụng vì không đủ năng lực để nâng chim lên khỏi tổ. Cánh ấy phải được phát triển, tức là phải mọc thêm những chiếc lông cánh dài tùy theo loại chim. Rồi cặp cánh ấy phải được huấn luyện cách thuần thục, bấy giờ mới có thể bay lên khoảng không cách nhẹ nhàng mau lẹ.
Trong sách Phục truyền luật lệ ký 32:11 cho ta thấy cách chim phụng hoàng tập bay cho chim con khi đã đủ lông cánh. Trước hết chim mẹ vất bỏ những vật mềm đã lót ổ khi đẻ trứng. Chim con phải nằm trên những cành cây khô cứng khó chịu, sau đó chim mẹ đùa chim con ra ngoài tổ dựa bên gành đá chơ vơ, đoạn hất mạnh chim con ra ngoài từ trên cao độ hai ngàn bộ. Chim con hốt hoảng liền tức khắc sử dụng cặp cánh. Nhưng vì cặp cánh ấy quá yếu ớt không đủ sức nâng lấy thân chim, nó chỉ bay phấp phới. Vài giây đồng hồ sau chim con đuối sức và từ từ rơi xuống. Chim mẹ lúc ấy bay loanh quanh theo con, khi thấy chim con đã rơi xuống giữa khoảng không, chim mẹ liền bay thấp xuống phía dưới xớt lấy chim con đem về tổ. Bài học ấy được lặp lại nhiều lần cho đến khi chim con thật quen thuộc, đủ sức bay một mình không cần sự giúp đỡ của chim mẹ nữa. Khi chim ưng con đã chịu huấn luyện sử dụng cặp cánh thuần thục rồi, lúc bấy giờ nó cũng bay cao như mẹ nó. Nó cũng tìm các ngọn núi cao để làm tổ và đường bay của nó cũng xa tít tận mây xanh. Kinh Thánh ghi nhận rằng đường chim ưng bay trên trời thật diệu kỳ, loài người không biết được (Châm ngôn 30:19a).
Chữ Thứ Mười Hai LAMED (Cái đót bò) Số tiêu biểu: 30
ל
Cái đót bò xuất xứ từ Sy ri, các nông gia Sy ri khi cày ruộng thường dùng một cành cây thẳng cứng bằng gỗ sồi, dài chừng một thước rưỡi, một đầu bằng và một đầu chuốc nhọn. Ðường kính của đầu bằng độ ba phân tây dùng để thúc bò, đầu nhọn bịt sắt dùng để cạy đất dính vào lưỡi cày. Ðó là công dụng của cái đót bò.
Cái đót bò trong tay Sam ga.
Cái đót bò! Một dụng cụ đơn sơ tầm thường của các nông gia. Nó không phải là một khí giới chiến đấu; nó có hai công dụng: thúc bò đi cho mau hơn và cạy đất dính nơi lưỡi cày. Các nông gia thời xưa cày ruộng bằng bò không thể không cầm đót! Nó tầm thường nhưng ích lợi vô cùng. Tuy cái đót bò không phải bằng kim loại như gươm, giáo hay mã tấu, dao găm, nó chỉ là một đoạn gỗ nhỏ có thể bẻ gãy dễ dàng. Bình thường Sam ga dùng nó khi cày ruộng, nhưng thình lình kẻ thù tràn tới như nước vỡ bờ, trong trường hợp cấp bách đó ngoài cái đót bò ra Sam-ga không có một khí giới nào khác. Ông đã dùng nó giết 600 người Phi li tin trong một ngày, đem lại sự đắc thắng vẻ vang, giải cứu dân Y sơ ra ên khỏi tay quân thù. Thật là một chiến công hi hữu!
Sam ga không phải là một chiến sĩ nổi danh, nhưng ông đã kịp thời đối phó bằng vật sẵn có nơi tay nên đã thành công mỹ mãn
Chữ Thứ Mười Ba MEM nước Số tiêu biểu: 40
מ ם
Chữ thứ mười ba trong mẫu tự Hy bá lai là MEM, nghĩa là nước. Phát âm như chữ M. Hình dáng chữ nầy tựa như sóng biển. Kinh Thánh chép chữ nước 631 lần. Lần đầu trong Sáng thế ký 1:2; lần cuối trong Khải thị 22:17. Nước là một trong ngũ hành của công việc sáng tạo, là nhu yếu phẩm cho muôn vật mọi loài.
Chữ Thứ Mười Bốn NUN Cá Số tiêu biểu: 30
נ ן
Chữ thứ mười bốn của mẫu tự Hy bá lai là NUN, chữ nầy nghĩa là cá. Phát âm như chữ N.
Chữ Thứ Mười Lăm SAMECH Giúp đỡ Số tiêu biểu: 60
ס
Chữ nầy có nghĩa là giúp đỡ hay nâng đỡ, hỗ trợ
Chữ SAMECH có nghĩa là người giúp đỡ
Chữ Thứ Mười Sáu AYIN Con mắt Số tiêu biểu: 70
ע
Chữ thứ mười sáu là AYIN (đây là một chữ câm, như chữ ALEF, phiên âm như một dấu phẩy ngược, phát âm bằng những nguyên âm theo nó). Chữ nầy có nghĩa là con mắt (đơn).
Chữ Thứ Mười Bảy PEY Cái miệng Số tiêu biểu: 80
פ ף
Chữ thứ 17 là PEY, phát âm như chữ P, nghĩa là cái miệng.
Phần lớn mọi tội lỗi đều bởi miệng loài người gây ra, lại cũng bởi miệng mà người ta được phước. Con người nhờ miệng ăn uống nên mới sống, nhờ miệng nói ra lời hiền lành để yên ủi kẻ buồn rầu, cùng khổ. Miệng thốt ra lời khôn ngoan khiến người ta ưa thích,quí mến. Miệng hát những bài ca du dương êm ái. Miệng giảng dạy lời hay lẽ phải. Miệng vui cười vang dội để bày tỏ niềm vui … và miệng cũng là một khí giới nguy hiểm vô cùng. Do nơi cửa miệng loài người đã nói lời dối trá, xấc xược.Miệng nói lời kiêu ngạo, khoe khoang. Miệng nói lời chua cay hiểm độc. Miệng bày tỏ chuyện bí mật của người khác. Miệng nói lời tục tỉu. Miệng nịnh hót người ta. Miệng thày lay thóc mách. Miệng vu cáo người vô tội. Miệng phao đồn những tin thất thiệt. Miệng nói phạm thượng. Miệng chửi rủa. Miệng lằm bằm. Miệng khóc la rên rỉ. Miệng nói lời tầm phào, bá láp … Lợi ích và nguy hiểm do miệng gây ra thật nhiều
Chữ Thứ Mười Tám TSADE Số tiêu biểu: 90
צ ץ
Chữ thứ mười tám trong mẫu tự Hy bá lai là chữ TSADE. Phát âm như TS.
Chữ nầy có vài ý nghĩa nhưng rất lờ mờ không rõ ràng lắm. Nhưng một ý nghĩa được khẳng định là đầu phục hay đầu hàng. Chữ nầy cũng giống vài chữ khác trong mẫu tự Hy bá lai, tức là khi chúng đứng giữa những chữ khác cùng nhóm thì hình dáng như thường, nghĩa là có hình cong, còn nếu chúng đứng sau chót thì lại thẳng lên và dài thêm ra, cũng như chữ KAF, NUN, PEY … Riêng chữ TSADE nầy hơi khác một chút, ấy là khi nó ở giữa một nhóm chữ thì cong lại giống như một người quì gối đưa hai tay lên trời, còn khi nó ở sau chót thì hình dáng lại thẳng đứng lên giống như một cây có hai cái đọt.
Khi chúng ta yêu mến một người, thường chúng ta bị người ấy chinh phục. Bất cứ về phương diện nào, tình cảm hay ý thích, khả năng hay nghệ thuật … chúng ta có thể bị khuất phục mà không ngờ. Dù người ấy không đòi hỏi gì cả nhưng chúng ta cũng tìm mọi cách làm cho người mình yêu mến được vui lòng.Nhất là trong tình yêu; chúng ta có thể bỏ nhiều thời giờ nghĩ đến người yêu, hay làm bất cứ điều gì dù khó nhọc đến đâu, miễn sao cho người ấy hiểu được lòng mình!
Một lần kia có người hỏi tiến sĩ Kelman rằng: “Làm sao tiến sĩ có thể đọc nhiều sách như thế Thì giờ đâu để đọc những sách ấy?” Ông đáp rằng: “Tôi phải xếp qua nhiều việc khác để có thì giờ đọc sách”. Tại sao vị tiến sĩ nầy bằng lòng bỏ qua những việc khác Vì ông ta thích đọc sách hơn làm việc khác, đọc sách là lẽ sống của ông ta, đọc sách khiến ông ta vui thỏa hơn bất cứ làm việc gì khác. Ông ta đã đầu phục thú mê đọc sách của mình, cái thú đọc sách đã điều khiển được ông ta, khiến ông ta dành nhiều thì giờ để đọc sách.
Chữ Thứ Mười Chín QUF (Cái lỗ của lưỡi rìu) Số Tiêu Biểu: 100
ק
Chữ nầy có nghĩa là cái lỗ của lưỡi rìu (để tra cán vào, phát âm như chữ Q)
Lưỡi rìu và cái cán cả hai đều quan trọng, ích lợi một khi cái cán được lắp vào trong lưỡi rìu. Lưỡi rìu hạ cây đẵn gỗ chứ không phải cán, nhưng nếu không có cán thì lưỡi rìu cũng không thể đốn gỗ hạ cây được.
Chữ thứ hai mươi RESH Cái đầu Số tiêu biểu: 200
ר
Chữ thứ hai mươi trong mẫu tự Hy bá lai là RESH, như chữ R. Chữ nầy có nghĩa là cái đầu, cũng có nghĩa là người cai trị, cầm đầu.
Trong sách Sáng thế ký 2:10 có nói đến con sông bốn ngã, nhưng theo nguyên văn tiếng Hy bá lai thì viết là con sông chia ra bốn đầu. Cũng có nghĩa là một người cầm đầu một chi phái, một gia tộc. Lại còn có nghĩa là ban đầu (RESHITH).
Chữ chấp sự có nguồn gốc từ hai chữ Hi lạp ghép thành”tức là chữ Dia nghĩa là suốt qua, và chữ Conia nghĩa là bụi đất, nghĩa chữ ấy là một con người bằng bụi đất làm việc nhọc nhằn.
Chữ Thứ Hai Mươi Mốt SHIN Số tiêu biểu: 300
ש
Chữ thứ hai mươi mốt trong mẫu tự Hy bá lai là chữ SHIN. Chữ nầy có hai âm, nếu dấu chấm bên phải thì phát âm như chữ “s” còn nếu dấu chấm bên trái thì phát âm như chữ “x”. Chữ SHIN có nghĩa là răng trông như một cái chĩa ba răng.
Chữ Thứ Hai Mươi Hai TAV Số tiêu biểu: 400
ת
Chữ thứ hai mươi hai trong mẫu tự Hy bá lai là chữ TAV. Phát âm như chữ TH, hơi nhẹ hơn một chút. Nếu có chấm ở giữa thì đọc như chữ T, cũng là chữ cuối cùng trong mẫu tự nầy. Chữ nầy có nghĩa là dấu ấn, như người đóng dấu chiên, bò, lạc đà …
Nguồn
https://hybalai.wordpress.com/