Ngôi trường huyền thọai của tôi - by Trần Trọng Uyên

ngoc huọng

New member
Xu
0
Ngôi trường huyền thọai của tôi

Trần Trọng Uyên



Cho đến bây giờ dù có đã có được đi qua nhiều những con đường rất đẹp của vài ba thành phố nổi tiếng thế giới tôi vẫn cứ nghĩ rằng con đường Phan Bội Châu nơi quê nghèo Quảng Ngãi của tôi ngày ấy là con đường đẹp nhất trên thế giới này. Cái con đường đi ngang qua Tòa Hành Chính Tỉnh có ông cảnh sát già đứng gát, đến cái nhà thờ rêu phong, rồi quanh vào con đường nhỏ để dẫn đến cái ngôi trường mang tên Nữ Trung Học – tôi vẫn gọi đó là “ngôi trường huyền thọai”, dầu nghe có vẻ ghê gớm. Không huyền thọai sao được khi mà chính ngôi trường đó đã “giam giữ” biết bao nhiêu trái tim của những chàng trai trẻ thuở xa xưa đó. Những chàng trai trẻ mà sau này đã là ông nọ, ông kia, là nhà nầy, nhà nọ ! Một thứ “nhà giam” mà nhiều chàng trai chúng tôi đã tự nguyện vào làm “tù binh” mà có khi chẳng được chấp nhận.
Cũng con đường ấy, cũng những bóng dáng ấy, ngày hôm trước đó tôi vẫn thấy chỉ là Ty Công Chánh cũ kỷ, vẫn là cái tòa Hành Chính trang nghiêm, cái thư viện buồn buồn, cái hàng cây vô tri vô giác – và cái “lũ con gái kỳ cục, ai lại con gái con đứa mà vừa đi vừa ăn hàng, vừa cười đùa ồn áo náo nhiệt” cả con đường. Cái màu trắng của những tà áo dài trong cái-ngày-tôi-chưa-thấy-gì-ấy cũng rất bình thừơng thôi. Nhưng ”đùng” một cái, một buổi sáng nọ, một buổi chiều kia, khi nhìn thấy những tà áo dài trắng tung bay ấy cái cảm giác nó khác hẳn. Nó khác đến một trăm phần trăm. Nó xao xao xuyến xuyến. Nó mơ mơ màng màng. Không biết cái màu trắng ấy nó có “đậm” lên một chút không, nhưng mà tự nhiên tôi thấy nó đẹp hẳn ra. Nó đẹp lắm ! Cho đến giờ nếu có người nào có đầu óc ưa phân tích hỏi tôi: thế nó đẹp như thế nào, thì tôi cũng chỉ biết cười trừ - Ừ, nó đẹp là nó đẹp, thế thôi. Này anh bạn, tôi có phải là họa sĩ đâu mà anh bạn bảo tôi phân tích màu mè vậy? Tôi bỗng thấy cái Ty Công Chính nó có nhỏ hơn đi khi tôi nhìn những tà áo trắng đi ngang qua đó. Tôi bỗng thấy cái Tòa hành chính Tỉnh nó bớt trang nghiêm hơn, ông cảnh sát già gát ở đó cũng có vẻ thân thiện hơn khi tôi nhìn những tà áo trắng ấy đi ngang qua. Con đường cũng xinh hơn, những hàng phượng có vẻ mát hơn cũng chỉ với những bóng cây như cũ. Lúc đó tôi không biết được cảm giác này do đâu – nhưng sau này nhớ lại thì tôi nhũ mình rằng “À, mình đã lớn rồi đây”. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của Huy Cận:

Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư




Trường Nữ Trung Học (cũ)


Vâng, đúng vậy Cù thi sĩ ạ. Cô gái nào ngày ấy cũng là tiểu thư cả. Cô gái con nhà rất nghèo cũng như cô gái con ông tỉnh trưởng thuở ấy cũng chỉ có chiếc áo dài trắng thôi. Cái màu trắng kỳ lạ ấy mà sau này tôi nghe thầy giáo dạy vẽ của tôi là Thầy Trần Hữu Đô bảo rằng nó là tổng hợp của bảy màu khác nhau – Vậy thì cái màu trắng ấy sang trọng quá đi chứ ! Và cô gái nào mặc áo màu trắng cũng đích thực là tiểu thư rồi Cù thi sĩ ạ. Và thi sĩ Phạm Thiên Thư ơi, cái mà ông nói:

Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch

Thì đúng là ông đang nói đến những huyền thọai của tôi ngày xưa ấy.

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuốn vở
Thương ơi! Vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ
Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau


Còn nhớ ngày xưa, có lần tôi được thằng bạn nó khoe cho xem cuốn “lưu bút” hè năm 1972, trong đó có mấy đọan lưu bút mà nó khoe là của mấy cô bạn ở Nữ Trung học. Tôi nói với nó là tao không thèm “chơi” mấy thứ này, nó “sến” lắm, “cải lương” lắm. Chả là vì thuở đó, ở cái tỉnh lẻ của tôi tuy nghèo về tiền bạc nhưng kiến thức, sách vở chắc không nghèo. Cái tỉnh có “chút xíu xìu xiu” mà có bao nhiêu là nhà sách: Văn Thảo, Kim Mai, Khai Trí, Văn hóa, Nghĩa Thục, Dân Trí, Đồi Non – lại có thêm cái “thư viện” của ông Minh Hồng bụng phệ phệ mặc quần đùi dưới rún ấy nữa. Và lũ tụi tôi, nghe lời mấy anh lớn hơn, bày vẻ ra đọc Satre, đọc Camus, đọc Phạm Công Thiện, hát Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Cung Tiến thôi – chứ đọc sách khác thì “dở” lắm. Hát “Thanh Tuyền Chế Linh”, hát “Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần vui …” là sến – Và cũng vì vậy nên tôi “bị lây” cái ý nghĩ “chơi lưu bút là sến” ấy. Nhưng nói thật nếu tôi có bày cái trò làm lưu bút ấy ra thì tôi lúc đó cũng chả có “đứa-con-gái-nữ-trung-học” nào thí cho mấy câu kiểu “Phượng nở đỏ thắm sân trường, khi tiếng ve kêu rang là giây phút biệt ly đã đến …. hè về sao lòng ta thấy buồn buồn …”

Bước sang tuổi năm mươi rồi, tôi có nhiều lần được vài người bạn cũ khoe còn giữ được mấy cuốn lưu bút cũ và tôi được cho xem lại. Tôi ao ước biết mấy và cứ thầm tiếc: giá ngày ấy mình làm một cuốn giống như vầy !

Tưởng đã phai màu

Đường chiều hoa cỏ
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng
Đời như biển động
Xóa dấu ngày qua


Đời sống có quá nhiều biến động, đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam nói chung và cái tỉnh lẻ nghèo khó của tôi. Trong chiến tranh, ngày ấy tôi cứ tưởng rằng chỉ có chúng tôi, những thằng con trai mới khổ thôi. Phải bị đưa ra chiến trường là điều có lẻ chúng tôi ngại nhất trong những ngày tháng đó. Nhưng rồi sau này tôi mới thấu hiểu được những nổi đau mà những “người-con-gái-huyền-thọai” của tôi đã phải gánh chịu. Cái chết là điều đáng sợ nhất. Đúng là vậy. Nhưng giả sử tôi, đoành một cái, đùng một phát, tôi chết đi – thế là xong – cái còn lại là nổi đau của người còn sống. Nổi đau này không gì mô tả được. Và chịu được nó, sống với nó, tôi biết, nhiều những “người-con-gái-huyền-thọai” của tôi đã trải qua. Tôi chợt nhớ đến câu thơ buồn của Ý:

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở đó, hiển linh bây giờ …





Nữ Sinh Trường NTH Quảng Ngãi


Rồi sau chiến tranh, cũng vậy. Những “đứa con gái huyền thọai ấy” của tôi cũng đã là những người đã phải chịu nhiều truân chuyên. Tôi đã gặp những người bạn nữ trung học sau này tôi biết trên những chuyến xe đò liên tỉnh, trên những toa tàu chợ. Họ đi buôn đường dài, họ thăm chồng học tập, lo nuôi cha mẹ em út trong những ngày khốn khó đen tối đó. Tôi còn giữ nguyên cái cảm giác buồn bã đến rã người cái ngày tôi gặp hai chị em của một người bạn – bày bán những kim chỉ nút trên một tấm nilông … ở chợ Chùa, Nghĩa Hành. Nước mắt thật sự không còn để rơi được nữa đâu. Ngày đó, mọi thứ đều cố nuốt vào lòng mà. Đúng là:

Đời như biển động
Xóa dấu ngày qua


Có lần tôi đọc được một bài viết của Nhà phê bình ở nước ngòai viết về nhạc TCS. Ông ta nói về người phụ nữ trong nhạc của TCS. Tôi xin trích lại cái ý này:

“…..

Người phụ nữ Việt Nam cũng vậy thôi: sau khi chờ chồng hoá đá, họ bước chân vào thế kỷ XX, thì ngồi đan áo. Từ Buồn Tàn Thu của Văn Cao, qua Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, thơ hiện đại của Ý Nhi, cho đến năm 2000, trong ca khúc Đêm Xanh của Bảo Chấn, cô ấy vẫn ngồi đan áo, trong khi dọc hè phố, áo pull bán rẻ mạt.

Đan áo là hình ảnh ẩn nhẫn, thụ động mà người đàn ông đòi hỏi. Đan áo cho ai đó, hay để tưởng nhớ, chờ đợi ai đó. Ca khúc Trịnh Công Sơn (TCS), rất nhiều phụ nữ, nhưng không thấy họ đan áo. Mà chỉ … ngồi chơi, khi nghiêng vai, khi nghiêng đầu, khi nghiêng sầu. Ngồi chơi chán rồi thì Đứng lên gọi mưa vào Hạ. Nếu khóc, cũng chỉ khóc cho những Chiều mưa đỉnh cao …. Mai kia, có ra đi, thì cũng là Như những dòng sông nhỏ…

Người phụ nữ nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn thoải mái, vì chỉ hát, hay nghe, mà không phải làm gì cả, không phải Hái Mơ, Lái Đò, bán Hàng Cà Phê, Hàng Nước, không phải thay quần áo làm cô Sơn Nữ, cô Láng Giềng hay mua lấy số phận Người Yêu của Lính. Và nhất là không phải … đi lấy chồng : hạnh phúc không thấy đâu mà chỉ nghe oán trách dài dài suốt nửa thế kỷ : Em đi trên xác pháo, anh đi trong nước mắt… Em ơi tình duyên lỡ làng rồi, còn chi nữa mà chờ …”

Và TCS không để người phụ nữ làm điều gì cả. Tôi nghĩ không phải TCS không cho người phụ nữa làm gì, không phải TCS “thiếu bình đằng nam nữ” mà vì TCS yêu họ quá thôi. Yêu theo cách của Trịnh. Tôi, tôi cũng muốn yêu những người phụ nữ theo thể điệu như vậy. Có ai trách móc tôi cũng chịu.

Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
Phố ơi! Muôn thuở
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng ai nho nhỏ
Trong cõi xa vời.
Tình ơi!… Tình ơi!…

Tôi không ngắt chùm hoa nào nhưng lòng thương nhớ rất nhiều về những ngày xa xôi đó. Phố cũ đìu hiu ngày ấy, nhưng trong tôi nó vẫn là con phố đẹp nhất mà tôi đã từng đi qua. Những nàng con gái thuở ấy bây giờ không còn xuân sắc nữa – tôi biết có thể họ đang ngồi mệt mỏi bên những quầy hàng xén nhỏ ở một ngôi chợ quê nào rất xa; có thể họ đang là một người đã lưng cong vì những gánh nặng oằn vai của cuộc sống - nhưng họ vẫn là những “đứa-con-gái-trong-huyền-thọai” ngày ấy của tôi.

Ngôi trường Nữ trung học ngày nào bây giờ cũng không còn nữa trong cái thị xã nhỏ của tôi – chúng tôi đã gọi đó là “ngôi trường bị mất tên” – Nhưng thật sự tôi nghĩ ngôi trường không mất đi đâu cả - nó vẫn nằm trong tâm tưởng chúng tôi. Con gái nói riêng, phụ nữ nói chung – Tất cả họ là huyền thọai. Ngôi trường mà họ đã học chính là ngôi trường của những huyền thọai – và nó chính là ngôi trường huyền thọai.

Trần Trọng Uyên
Sài gòn, 3/2006
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top