• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nghiên cứu so sánh truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và truyện Tấm Cám của Việt Na

Hide Nguyễn

Du mục số
PGS.TS. Jeon Hye Kyung (Toàn Huệ Khanh)
Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc


I. Dẫn nhập


Thuở nhỏ, ai cũng từng một lần đọc truyện kể “Cinderella”. Nhân vật nữ chính của truyện, tuy phải chịu sự ngược đãi từ người mẹ kế hoặc người cha tàn ác nhưng nhờ nhận được sự giúp đỡ từ những thế lực siêu nhiên mà thoát khỏi khó khăn và được Hoàng tử yêu rồi cưới làm vợ. Thuyết thoại có nhân vật thay đổi vận mệnh như vậy được gọi là thuyết thoại thuộc loại hình Cinderella. Thuyết thoại có nội dung nêu trên không chỉ có ở Đức mà còn có ở Italia, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và rải rác ở nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Ở Hàn Quốc có truyện Kông Chuy Pát Chuy (2) và ở Việt Nam là Tấm Cám (3) , với rất nhiều công trình nghiên cứu về kiểu truyện này. Ở Việt Nam, theo tìm hiểu của người viết, giới nghiên cứu chủ yếu tiến hành nghiên cứu so sánh loại hình Tấm Cám với truyện của nhiều dân tộc thiểu số trong nước hoặc so sánh với truyện của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Khi so sánh Tấm Cám với truyện của các nước, họ chú ý sự phát triển mâu thuẫn của truyện qua nhân vật chính và quan tâm nhiều đến đặc điểm của Việt Nam.

Ở Việt Nam, trong số những truyện Tấm Cám được ghi chép lại, văn bản được xem là cổ nhất do một người Pháp có tên là A. Landes thu thập ở vùng Nghệ An, miền Trung Việt Nam, vào năm 1886 (4) . Nhưng trong văn bản của A. Landes thì Cám là tên người chị, Tấm là tên người em và vị Bụt được gọi Thần… Những chi tiết này khác với truyện kể của dân tộc Kinh, một dân tộc chiếm đa số ở Việt Nam. Do đó, trong bài viết này, người viết chọn văn bản truyện Tấm Cám trong tập Truyện cổ Việt Nam của Nguyễn Duy, xuất bản tại Sài Gòn năm 1942, làm bản chính để nghiên cứu. Có thể nói, đây là văn bản có nội dung truyện gần giống với truyện Tấm Cám mà A. Landes sưu tầm và truyện Tấm Cám của dân tộc Kinh. Đối với trường hợp truyện của Hàn Quốc, trong số nhiều thuyết thoại, người viết chọn văn bản Kông Chuy Pát Chuy trong tập Tổng quan văn học truyền khẩu Hàn Quốc 1-9, do Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (trước đây là Viện Nghiên cứu Văn hóa Tinh thần Hàn Quốc) làm văn bản để so sánh. Đây là truyện có nội dung gần với truyện Tấm Cám của Việt Nam nhất.

Phương pháp nghiên cứu của bài này là chia thuyết thoại của hai nước ra thành các phương diện nhỏ như cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, cấu trúc, quá trình hóa thân, các hình thức biểu hiện và chủ đề của truyện để phân tích, so sánh, làm sáng tỏ mối quan hệ ảnh hưởng và đặc trưng thể loại của truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và truyện Tấm Cám của Việt Nam.


II. So sánh Kông Chuy Pát Chuy Tấm Cám

1. Cốt truyện

* Kông Chuy Pát Chuy (Hàn Quốc) (5)
A. Kông Chuy sống với mẹ kế
a. Ngày xưa có Kông Chuy và Pát Chuy cùng sống với nhau.
b. Kông Chuy là con vợ cả, Pát Chuy là con của người vợ kế.
B. Người mẹ kế gây khó lần thứ nhất
a. Người mẹ kế đưa cho Kông Chuy và Pát Chuy, mỗi người một cái cuốc gỗ và một cái cuốc sắt, bảo đi cuốc nương.
b. Cuốc của Kông Chuy bị gãy, cô ngồi khóc, bỗng có con bò đen từ trên trời bay xuống cày giúp.
C. Người mẹ kế gây khó lần thứ hai
a. Người mẹ kế về bên ngoại ăn tiệc, cho Pát Chuy đi theo, còn bắt Kông Chuy phải giã ba thúng thóc và ba thúng kê, bắt đổ đầy nước vào cái chum bị thủng đáy, bắt nấu cơm trong cái nồi thủng trôn, rồi mới được đi.
b. Con cóc bít hộ đáy nồi, con rắn bít hộ đáy chum, lũ chim giã hộ thóc và kê.
D. Kông Chuy đánh mất một chiếc giầy
a. Con bò đen từ trên trời bay xuống cho Kông Chuy áo, giầy, kiệu, người hầu.
b. Kông Chuy ngồi kiệu đến nhà ngoại để ăn tiệc, đánh mất một chiếc giầy.
E. Kông Chuy kết hôn cùng một Quan huyện
a. Một Quan huyện nhặt được chiếc giầy, ông muốn cưới chủ nhân của chiếc giầy, bèn sai người đi tìm.
b. Pát Chuy mang mãi không được, vì chân quá to. Kông Chuy mang vào, vừa khít nên được kết hôn với Quan huyện.
F. Cái chết của Kông Chuy
a. Pát Chuy lừa Kông Chuy, đẩy nàng xuống ao khiến nàng bị chết.
b. Pát Chuy thay Kông Chuy sống với Quan huyện.
G. Kông Chuy hóa thân lần thứ nhất
a. Ở cái ao, nơi Kông Chuy chết, mọc lên một bông hoa, Quan huyện ngắt bông hoa mang về cắm.
b. Bông hoa thấy Quan huyện thì nhảy múa, thấy Pát Chuy thì giật tóc, chọc tức. Pát Chuy bèn vứt bông hoa vào lò sưởi.
H. Kông Chuy hóa thân lần thứ hai
a. Bà lão nhà bên cạnh đến xin lửa, nhìn thấy viên ngọc đỏ trong lò sưởi, liền mang đi.
b. Từ viên ngọc hiện ra một cô gái đẹp.
I. Kông Chuy gặp lại Quan huyện
a. Kông Chuy nhờ bà lão mời Quan huyện đến nhà đãi cơm.
b. Quan huyện vừa nói đôi đũa bị lệch thì Kông Chuy xuất hiện, nàng nói cho ông biết Pát Chuy đã tráo nàng để làm vợ ông và đòi trả thù.
J. Kông Chuy trả thù
a. Quan huyện giết chết Pát Chuy và gửi thịt cô ấy về cho người mẹ kế.
b. Người mẹ kế ăn thịt Pát Chuy xong, biết được sự thật, choáng váng ngã lăn ra chết.


* Tấm Cám (Việt Nam) (6)

A. Tấm sống với mẹ kế
a. Thời Thánh Tông nhà Lý, có cô Tấm người họ Lê sống với cô Cám.
b. Tấm là con vợ cả, Cám là con của người mẹ kế.
B. Mưu kế lần thứ nhất của Cám
a. Người mẹ kế nói với Tấm và Cám là nếu ai bắt được nhiều cá sẽ cho làm chị.
b. Tấm bị Cám lừa lấy hết cá, đang ngồi khóc thì Phật (7) hiện ra và bảo hãy mang con cá bống còn sót lại về nuôi ở ao.
C. Mưu kế lần thứ hai của Cám
a. Cám chờ Tấm đi khỏi, lừa bắt cá bống ăn thịt.
b. Con gà trống tìm xương cá cho Tấm, Phật hiện ra và bảo hãy chia đám xương đó ra làm bốn phần, chôn xuống bốn chân giường, rồi một trăm ngày sau hãy đào lên.
D. Tấm đánh mất một chiếc giầy
a. Một trăm ngày sau, Tấm đào lên thấy hiện ra đồ trang sức, áo, giầy.
b. Tấm giặt đôi giầy phơi trên sừng bò, không ngờ con quạ tha mất một chiếc và đánh rơi xuống cung điện của Thái tử.
E. Tấm kết hôn cùng Thái tử
a. Thái tử mở hội kén vợ và ra lệnh tìm chủ nhân của chiếc giầy.
b. Người mẹ kế đưa Cám đi dự hội, lại đem hai bao đậu đen và đậu trắng trộn vào nhau bắt Tấm nhặt cho hết. Phật hiện ra gọi hai con chim bồ câu nhặt giúp Tấm.
c. Tấm đến cung của Thái tử, thử giầy, rồi trở thành vợ của Thái tử.
F. Tấm bị chết
a. Người mẹ kế lập mưu là cha bị ốm nặng, lừa Tấm về nhà, lừa Tấm lên hái cau rồi ở dưới chặt cây. Tấm rơi xuống chết và biến thành con chim hoành hoạch.
b. Người mẹ kế cho Cám giả dạng Tấm làm vợ Thái tử.
G. Tấm hóa thân lần thứ nhất
a. Khi Cám giặt áo cho Thái tử thì con chim hoành hoạch bay đến hót “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch. Có phơi thì phơi bằng sào, đừng phơi bờ rào rách áo chồng tao”.
b. Thái tử nghe được tiếng chim hót, bèn nói “Hoành hoạch! Nếu phải vợ anh chui vào tay áo”, ngay lập tức chim bay vào tay áo của Thái tử. Từ đó, Thái tử nuôi dưỡng và rất yêu quí chim.
H. Tấm hóa thân lần thứ hai
a. Khi Thái tử đi vắng, Cám viện cớ là có thai, thèm thịt chim, bèn bắt chim ăn thịt.
b. Nơi lông chim bị vứt mọc lên một mụt măng. Thái tử thấy vậy, ngày đêm chăm sóc măng. Cám thấy thế bèn chặt măng ăn, vứt vỏ măng ra ngã ba đường.
I. Tấm hóa thân lần thứ ba
a. Vỏ mụt măng biến thành cây thị.
b. Có bà lão ăn mày đi ngang qua, cầu xin, quả thị rơi xuống bị, bà mang về chum gạo cất kĩ. Từ trong quả thị Tấm hiện ra, bà lão bắt được Tấm, nghe nàng kể mọi sự tình và nhận nàng làm con nuôi.
J. Tấm gặp lại Thái tử
a. Đến ngày giỗ của chồng bà lão, Tấm nói bà lão mời Thái tử, Thái tử nói nếu có “chiếu trải đàng, vàng phết ngõ” thì mới đến. Tấm đã làm theo.
b. Thái tử đến nhà, nhìn thấy những miếng trầu rất đẹp, rất giống miếng trầu Tấm têm ngày xưa, bèn hỏi : “Thưa bà, trầu bà têm sao khéo quá, giống kiểu của vợ tôi ngày xưa, hay là…”. Tấm bèn biến thành con ruồi đậu trên lá trầu để ra chỉ bà lão cách têm trầu. Thái tử bèn cầm quạt đuổi con ruồi đi, bà lão không thể têm được nữa, bèn kể hết sự thật câu chuyện về người con gái nuôi cho Thái tử nghe.
K. Tấm trả thù
a. Nghe Tấm nói “Đun sôi nước rồi tắm thì da sẽ trắng, tóc sẽ dài ra”. Cám bèn làm theo và chết. Tấm làm mắm Cám, gửi về cho mẹ kế.
b. Người mẹ kế ăn mắm thịt con mình một cách ngon lành. Mãi khi có con quạ bay qua kêu: “Ôi, mẹ ăn thịt con”, người mẹ kế nhìn xuống đáy chum mắm, thấy đầu của Cám thì mới biết là đã ăn thịt con mình.
Sau đây là phần so sánh hai truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và Tấm Cám của Việt Nam.

2. Nhân vật

Hệ thống nhân vật trong truyện của Hàn Quốc có Kông Chuy, Pát Chuy, người mẹ kế, Quan huyện, bà lão hàng xóm, con bò đen, con cóc, con rắn, bầy chim và bông hoa, viên ngọc. Hệ thống nhân vật trong truyện của Việt Nam có Tấm, Cám, người dì ghẻ, Bụt, Thái tử, bà lão ăn mày, con cá bống, con gà trống, bầy chim bồ câu, con chim hoành hoạch, mụt măng, cây thị, miếng trầu, con ruồi, con quạ.

Trước tiên, có thể thấy các nhân vật chính trong truyện của Hàn Quốc và Việt Nam đều có điểm chung là những cô gái với tính cách hiền lành tới tuổi cập kê, bị hành hạ bởi người mẹ ghẻ hay con của người mẹ ghẻ. Nhưng có điểm khác biệt ở phần cuối truyện: nhân vật Kông Chuy của Hàn Quốc được miêu tả với tính cách bị động, phải nhờ vào Quan huyện để trả thù. Ngược lại, nếu ở phần đầu truyện, tính cách nhân vật Tấm của Việt Nam bị động, thì ở phần cuối truyện, Tấm được miêu tả với tính cách chủ động đến mức đã trực tiếp lừa người đã hại mình để trả thù.

Về nhân vật phản diện, điểm giống nhau là cả hai tác phẩm đều có hai nhân vật phản diện: người mẹ ghẻ và Pát Chuy (Hàn Quốc), người mẹ ghẻ và Cám (Việt Nam). Nhưng điểm khác nhau là: nếu trong Kông Chuy Pát Chuy, người mẹ ghẻ là thủ phạm chính bên cạnh Pát chuy (là thủ phạm phụ) thì ngược lại, trong Tấm Cám, Cám là thủ phạm chính bên cạnh người mẹ ghẻ (lả thủ phạm phụ).

Về nhân vật là đối tượng kết hôn với nhân vật chính(hay người mang đến cuộc đổi đời cho nhân vật chính), trong truyện của Hàn Quốc là Quan huyện, truyện của Việt Nam là Thái tử. Về vị trí xã hội, đối tượng kết hôn trong Tấm Cám (Thái tử) có vị trí xã hội cao hơn đối tượng kết hôn trong Kông Chuy Pát Chuy (Quan huyện). Nhưng rõ ràng, về vai trò chủ động thì nhân vật Quan huyện trong Kông Chuy Pát Chuy có vai trò chủ động hơn trong việc trừng ác, giết Pát chuy, trong khi đó thì nhân vật Thái Tử trong Tấm Cám chỉ đơn thuần đảm nhận vai trò tái hồi với Tấm mà không tham gia vào việc trừng ác. Từ điểm này có thể thấy được tư tưởng coi trọng phụ quyền trong xã hội Hàn Quốc, tính cách chủ động của người phụ nữ Việt Nam và tư tưởng nhân quả báo ứng của người Việt.

Về các nhân vật trợ giúp nhân vật chính, nếu những nhân vật trợ giúp trong Kông Chuy Pát Chuy gồm con bò đen, con cóc, con rắn, bầy chim là những động vật quen thuộc, dễ dàng tìm thấy ở nông thôn, thì trong truyện Tấm Cám là ông Phật và bầy chim bồ câu làm theo lời của ông Phật. Đó là điểm khác biệt lớn nhất. Thêm vào đó, qua hình tượng con bò đen (hóa thân của người mẹ đẻ Kông Chuy) và hình tượng ông Phật (hiện ra và cho các nhân vật chính áo và giầy), ta có thể nghĩ rằng tác phẩm văn học Hàn Quốc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư duy Shaman giáo và tác phẩm văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Phật giáo.

Về các nhân vật khác, trong truyện Kông Chuy Pát Chuy có bà lão hàng xóm, trong truyện Tấm Cám có bà lão ăn mày. Cả hai nhân vật cùng xuất hiện với vai trò là những người trung gian bắc cầu, giúp nhân vật chính và người chồng gặp lại nhau. Chi tiết này cho thấy điểm giống nhau của loại truyện kể hôn nhân.

Từ những phân tích trên, có thể tổng kết những so sánh về nhân vật qua bảng sau.


Nhân vật chính
Nhân vật phản diện
Đối tượng kết hôn nhân vật chính
Nhân vật trợ giúp có tính siêu nhiên
Nhân vật khác
Kông Chuy
Pát Chuy
(Hàn Quốc)
Kông chuy
Mẹ kế,
Pát Chuy
Quan huyện
Con bò đen, con cóc, con rắn, con chim, viên ngọc, bông hoa
Bà lão hàng xóm
Tấm Cám
(Việt Nam)
Tấm
Mẹ kế, Cám

Thái tử
Phật, (cá bống, chim bồ câu), con gà trống, chim hoành hoạch, mụt măng, quả thị, con ruồi, con quạ
Bà lão ăn xin


3. Bối cảnh

Về thời gian, nếu Tấm Cám của Việt Nam có bối cảnh cụ thể, được miêu tả ở phần mở đầu: “Thời vua Thánh Tông nhà Lý (1054-1072) có Tấm là người mang họ Lê”, thì truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc không hề đề cập đến bối cảnh cụ thể. Theo đó, có thể đưa ra hai giả thuyết: hoặc là truyện Tấm Cám của Việt Nam muốn nhấn mạnh tính hiện thực của truyện, hoặc có thể đó là quá trình biến đổi từ thuyết thoại sang tiểu thuyết. Tình tiết cuối của cả hai truyện là thi thể của Pát Chuy và Cám bị làm mắm, rồi gửi cho người mẹ kế, cho thấy hai thuyết thoại của hai nước được hình thành từ thời kì rất sớm.

Về không gian, cả truyện của Hàn Quốc và Việt Nam đều có điểm chung là lấy bối cảnh nông thôn làm nền. Trong truyện Kông Chuy Pát Chuy, những vật gây khó khăn cho Kông Chuy như cái cuốc gỗ để cuốc nương, cái chum đựng nước bị vỡ đáy, thúng lúa, thúng kê phải giã… và những vật trợ giúp như: con cóc, con rắn, con chim… đều là những đồ vật và những con vật có thể dễ dàng tìm thấy ở nông thôn. Trong truyện của Việt Nam, những công việc thử thách như bắt cá, nhặt đậu… và những con vật trợ giúp như con cá bống, con gà trống, con quạ… cũng là những công việc và những con vật quen thuộc ở nông thôn. Đặc biệt, việc đi bắt cá rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam, vì trong hoàn cảnh nông nghiệp của Việt Nam thì hầu như mọi nhà đều có ao và nuôi cá trong ao.

Mô tip xương cá được miêu tả trong Tấm Cám của Việt Nam là mô tip quan trọng, đã xuất hiện trong truyện Xợp Han (8) của Trung Quốc, không hề có trong truyện kể dân gian thuộc loại hình Cinderella của các nước khác. Điểm này cũng là minh chứng cho mối quan hệ ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Việt Nam.


4. Về cấu trúc

Có thể tóm tắt cấu trúc chính của hai chuyện Kông Chuy Pát ChuyTấm Cám như sau:

* Kông Chuy Pát Chuy

(1) Kông Chuy sống với mẹ kế: nỗi khổ
(2) Mẹ kế gây khó khăn lần thứ nhất: nỗi khổ gia tăng
Sự giúp đỡ của con bò đen: may mắn do ngoại cảnh
(3) Mẹ kế gây khó khăn lần thứ hai: nỗi khổ
Sự giúp đỡ của con cóc, con rắn, con chim: may mắn do ngoại cảnh
(nhận được áo, giầy)
(4) Kông Chuy mất giầy: nỗi khổ
(5) Kông Chuy kết hôn cùng quan huyện: gặp gỡ (may mắn do ngoại cảnh)
(6) Cái chết của Kông Chuy: li biệt (Kông Chuy hóa thân
lần thứ nhất thành bông hoa)
(7) Cuộc gặp gỡ giữa Quan huyện và bông hoa: gặp gỡ
(8) Kông Chuy hóa thân lần thứ hai thành viên ngọc: li biệt
(9) Cuộc tái hợp của Kông Chuy và Quan huyện
(nhờ bà lão hàng xóm giúp): gặp gỡ
(10) Cái chết của Pát Chuy và người mẹ kế: trừng ác


* Tấm Cám

(1) Tấm sống với mẹ kế: nỗi khổ
(2) Mưu kế lần thứ nhất của Cám: nỗi khổ gia tăng
Sự giúp đỡ lần thứ nhất của của Phật: cá bống may mắn do ngoại cảnh
(3) Mưu kế lần thứ hai của Cám: nỗi khổ
Sự giúp đỡ lần thứ hai của Phật: may mắn do ngoại cảnh
áo, đồ trang sức, giầy
(4) Tấm đánh mất giầy: nỗi khổ
(5) Người mẹ kế gây khó Tấm: nỗi khổ gia tăng
Sự giúp đỡ lần thứ ba của Phật: chim bồ câu may mắn do ngoại cảnh
(6) Tấm kết hôn cùng Thái tử: gặp gỡ (may mắn do ngoại cảnh)
(7) Cái chết của Tấm: li biệt
(Tấm hóa thân lần thứ nhất :chim hoành hoạch)
(8) Sự gặp gỡ giữa Thái tử và chim hoành hoạch: gặp gỡ
(9) Tấm hóa thân lần thứ hai: mụt măng li biệt
(10) Cuộc gặp gỡ giữa Thái tử và mụt măng: gặp gỡ
(11) Tấm hóa thân lần thứ ba: cây thị li biệt
(Cuộc gặp gỡ giữa bà lão ăn mày và quả thị)
(Sự hoá thân tạm thời của Tấm thành con ruồi)
(12) Tấm và Thái tử gặp lại: gặp gỡ
(13) Cái chết của Cám và người mẹ kế ăn thịt con: trừng ác
Cấu trúc của hai truyện trên đây cho thấy như sau: Về tình huống truyện, trên đại thể, Kông Chuy Pát ChuyTấm Cám có những điểm tương đối giống nhau: hoàn cảnh gia đình (nhân vật chính sống cùng người mẹ ghẻ), việc vượt qua thử thách, việc mất giầy, việc kết hôn, cái chết, sự hóa thân và việc gặp lại chồng của nữ nhân vật chính trong truyện. Nhưng đi sâu vào chi tiết, ta thấy những tình huống thử thách dành cho nhân vật chính trong hai truyện rất khác nhau, điều này thể hiện qua sự triển khai tình tiết của câu truyện, và đó là sự khác nhau bắt nguồn từ các nguyên tắc của hai loại hình truyện kể dân gian khác nhau… Cụ thể là, trong Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc, ở phần đầu truyện, nhân vật Kông Chuy đã nhận được sự giúp đỡ của những nhân vật trợ lực (con bò đen, con cóc, con rắn, con chim) để vượt qua những nỗi khổ của bản thân và đi đến kết thúc hạnh phúc: đây là cấu trúc điển hình của truyện kể dân gian. Nhân vật này sau khi chết đi thì biến thành hoa, thành ngọc, rồi lại gặp lại Quan huyện: có thể thấy đây là cấu trúc một phần của truyện kể hôn nhân.

Trong truyện Tấm Cám của Việt Nam, nhân vật chính là Tấm đã phải chịu rất nhiều những sự hãm hại của Cám, đồng thời liên tục nhận được sự giúp đỡ của Phật mà trở thành vợ của Thái tử, rồi sau đó lại bị Cám và mẹ kế hãm hại. Trong nỗi khát khao mãnh liệt về một cuộc hôn nhân hạnh phúc từng có được, Tấm đã biến thành con chim hoành hoạch và gặp lại Thái tử; rồi lại bị Cám hãm hại, lại bị chia li; rồi lại biến thành mụt măng, gặp lại Thái tử; rồi lại bị Cám hãm hại, lại bị chia li; cuối cùng biến thành quả thị và được sự giúp đỡ của bà lão ăn mày mà gặp lại Thái tử, kết thúc câu chuyện bằng sự tái hợp. Ở phần đầu truyện, Tấm là một cô gái hiền lành, luôn được Phật giúp đỡ để rồi được đổi đời, trở thành Thái phi. Có thể thấy trong suốt câu truyện, Tấm ít gặp khó khăn với người dì ghẻ mà là chỉ chịu những sự hãm hại trực tiếp của con bà ta là Cám, để cuối cùng khắc phục được tất cả, đi đến một kết thúc truyện hạnh phúc: có thể nói đây là một kiểu truyện kể hôn nhân điển hình.

Cũng vậy, trong khi nhân vật chính của Kông Chuy Pát Chuy phải chịu những nỗi khổ do người mẹ kế gây ra, truyện được xây dựng trên mâu thuẫn của mẹ ghẻ con chồng: có thể xem đây là một đặc trưng điển hình của thể loại thuyết thoại mẹ ghẻ, thì nhân vật chính của Tấm Cám phải chịu những nỗi khổ do đứa em là con của người mẹ ghẻ trực tiếp gây ra. Chi tiết “ai bắt được nhiều cá thì sẽ cho làm chị” ở phần đầu tác phẩm cho thấy quan hệ mẹ ghẻ con chồng không sâu sắc bằng quan hệ “con trưởng, con thứ”. Hay nói khác đi, kiểu mâu thuẫn “con trưởng - con thứ” trong thuyết thoại thể hiện rõ, xuyên suốt từ đầu đến cuối trong truyện Tấm Cám. Vai trò của người mẹ kế trong truyện Tấm Cám mờ nhạt hơn trong Kông Chuy Pát Chuy, do vậy truyện Tấm Cám không thể xếp vào phạm trù thuyết thoại mẹ kế được. Hơn nữa, truyện kết thúc bằng hành vi trừng ác và thuyết nhân quả báo ứng chỉ dành cho nhân vật Cám. Về điểm này có thể xác minh được qua tình tiết sau khi Cám chết, do vai trò mờ nhạt, người mẹ kế cũng tránh được cái chết (9) .
Khảo sát cấu trúc gặp gỡ - chia ly của truyện, ta thấy đoạn miêu tả về cuộc kết hôn của nhân vật Tấm là nhân vật này phải trải qua được những sự gây khó của người mẹ kế rồi cuối cùng mới kết hôn được và ngay cả sau khi kết hôn rồi, số lần chia li và gặp gỡ của Tấm với người chồng của mình cũng nhiều hơn so với số lần gặp gỡ và li biệt giữa Kông Chuy và Quan huyện. Nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám của Việt Nam phải trải qua nhiều lần khắc phục khó khăn thử thách để đi đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Điều này cho thấy nhân vật Tấm không chỉ có một sức sống vĩnh cửu (chết đi sống lại nhiều lần) mà còn có một khát vọng mạnh mẽ trong việc bảo vệ hôn nhân. Có thể nói, truyện Tấm Cám đã khắc họa nên hình tượng của một người phụ nữ Việt Nam: hiền lành nhưng năng động, kiên cường và trở nên cứng rắn hơn sau nhiều nghịch cảnh.

Cấu trúc quá trình hóa thân của Kông Chuy đơn giản hơn Tấm. Biểu hiện qua số lần hóa thân và tính chất hóa thân của hai nhân vật. Số lần hóa thân của Kông Chuy (2 lần) ít hơn Tấm (4 lần). Các nhân vật hóa thân của Kông Chuy (bông hoa và viên ngọc) cũng có phần bị động hơn so với Tấm (chim hoành hoạch, mụt măng, quả thị, con ruồi). Chúng ta thấy trong truyện Tấm Cám, Tấm sau khi biến thành con chim hoành hoạch thì hót “giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch, phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào”: đó là những lời chủ động trực tiếp của con chim; sau đó, khi biến thành quả thị giúp bà lão, lại còn nói bà lão mời Thái tử đến nhà để ăn giỗ; khi Thái tử đến ăn giỗ, lại biến thành con ruồi trong khoảnh khắc để cho Thái tử nhận ra mình. Những cấu trúc hóa thân khắc họa được sự năng động trong tính cách nhân vật Tấm. Kết thúc của truyện cũng góp phần làm nên tính cách nhân vật như bài viết đã phân tích trên đây trong mục Nhân vật.

Trong khi nghiên cứu cấu trúc của hai truyện chúng tôi cũng chú ý cấu trúc của các mô tip, trong đó, đặc biệt mô tip chiếc giầy và việc thử giầy. Tại sao lại là chiếc giầy mà không phải là vật khác? Câu hỏi này dẫn chúng tôi đến một giả thuyết, bắt nguồn từ một quan niệm khá phổ biến ở Trung Quốc: người có đôi chân nhỏ là người đẹp. Phải chăng thuyết thoại loại hình Cinderella (10) thoát thai từ Trung Quốc và lan truyền đến các nước lân cận như Hàn Quốc, Việt Nam và một số nước xa hơn ở phương Tây?

Nếu quả như vậy thì có thể suy ra rằng, từ yếu tố quan niệm cho rằng người có bàn chân nhỏ là người đẹp trong thuyết thoại loại hình Cinderella, các thuyết thoại này khi truyền đến Đông Nam Á thì trở thành thể loại truyện kể hôn nhân, mà ở đó môtip chiếc giầy đóng một vai trò quan trọng trong hôn nhân hạnh phúc; còn khi truyền vào Hàn Quốc, vốn là một xã hội coi trọng chế độ gia trưởng, thì nó đã biến thành loại hình thuyết thoại người mẹ kế. Do khác nhau về văn hóa, loại hình Cinderella ở Thái Lan không có môtip chiếc giầy mà thay vào đó là cây bồ đề, và đây là thể loại truyện kể hôn nhân mà ở đó hình tượng người mẹ đóng một vai trò quan trọng trong thuyết nhân quả báo ứng (11) . Ở Nhật Bản, trong truyện về Hông Hạp (người mẹ kế) và U Rơng I (Con gái của người mẹ kế), thay cho chiếc giầy thì cái áo của người mẹ đẻ đóng vai trò quan trọng và cuối cùng truyện trở thành truyện kể về nguồn gốc hình thành sự vật của Hông Hạp và U Rơng I (12) . Còn ở Ấn Độ, thay cho chiếc giầy là việc miêu tả chiếc vòng mũi. Về điểm này, có thể nói rằng, đối với những nước tiếp giáp với Trung Quốc như Hàn Quốc, Việt Nam thì mô tip chiếc giầy xuất hiện, nhưng còn những nước khác như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, do sự khác biệt về văn hóa, mà mô tip chiếc giầy được thay thế bằng mô tip khác.


5. Tính chất hoá thân

Khi tìm hiểu mô tip hóa thân của nhân vật Kông Chuy trong truyện Hàn Quốc và Tấm trong truyện Việt Nam, ta thấy có điểm chung là: khi hóa thân, hai nhân vật này đều không cần sự giúp đỡ của nhân vật khác. Có thể nói Tấm Cám là một trường hợp ngoại lệ, vì phần lớn truyện cổ của Việt Nam các nhân vật đều cần có sự giúp đỡ của nhân vật khác thì mới biến thân được (13) . Có lẽ điều này xuất phát từ tư tưởng dân gian, tin vào sự tự hóa thân. Về mục tiêu hóa thân, có thể thấy Tấm khắc phục tất cả những khó khăn để cuối cùng được đoàn tụ với gia đình, phải chăng điều đó phản ánh ý thức đoàn tụ gia đình rất mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam? Thêm vào đó, những đối tượng hóa thân của nhân vật Tấm rất đa dạng như con chim hoành hoạch, mụt măng, cây thị, con ruồi, cho thấy rõ quan niệm tín ngưỡng bái vật linh trong tính dân tộc của Việt Nam. Ngược lại, ở xã hội không phổ biến tư tưởng về sự hóa thân của con người như Hàn Quốc, Kông Chuy biến thân thành hoa (hoa sen) (14) và viên ngọc. Đó phải chăng hoa sen là biểu tượng cho phật giáo còn viên ngọc là hạt xá lị xuất hiện trong thân thể của nhà sư sau khi chết?


6. Hình thức biểu hiện

Cả hai truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và Tấm Cám của Việt Nam đều có điểm giống nhau ở hình thức hồi qui: Con người -> hóa thân -> con người. Có thể thấy nhân vật Kông Chuy khắc phục khó khăn và kết thúc bằng hạnh phúc: đó là cấu trúc phức hợp của chuyện kể dân gian và truyện kể hôn nhân kết hợp lại mà thành. Ngược lại, truyện của Việt Nam có hình thức triển khai đơn thuần là truyện kể hôn nhân mà ở đó nhân vật chính sau hàng loạt những đấu tranh với nhân vật phản diện thì có được kết thúc hạnh phúc. Truyện Tấm Cám Việt Nam khi nhân vật chính Tấm mời Thái tử đến ăn giỗ ở nhà bà lão có tình tiết nói về việc đáp ứng yêu cầu “mua chiếu trải đàng, vàng phết ngõ, tôi mới đi đến dự giỗ chồng bà” và Tấm đã đáp ứng yêu cầu đó, rồi tình tiết Tấm biến thành con ruồi dạy cho bà lão cách têm trầu trước mặt Thái tử, những tình tiết này đều thể hiện đặc trưng biểu tượng trong phong tục Việt Nam. Cả hai truyện đều miêu tả hành vi độc ác ở phần kết, mang ý nghĩa trừng ác là người mẹ kế ăn thịt con mình, cũng là một đặc trưng chung của hình thức biểu hiện truyện dân gian.


7. Chủ đề

Cả hai thuyết thoại đều có điểm chung là biểu đạt tư tưởng khuyến thiện trừng ác và tư tưởng muốn nâng cao thân phận cho nhân vật chính hiền lành tốt bụng. Trong truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc thì nhấn mạnh vào việc cảnh cáo sự bạc đãi của người dì ghẻ, còn Tấm Cám của Việt Nam thì đưa ra tư tưởng nhân quả báo ứng và ý chí mạnh mẽ về một sự đoàn tụ vợ chồng.


III. Kết luận

Qua những nghiên cứu so sánh trên đây về hai truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và Tấm Cám của Việt Nam, có thể rút ra những kết luận như sau:

Thứ nhất, trong so sánh nhân vật, ở truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc so với nhân vật Kông Chuy thì nhân vật người di ghẻ và Quan huyện đóng vai trò quan trọng hơn, thể hiện hình tượng xã hội coi trọng phụ quyền và hình tượng người phụ nữ thụ động, còn trong Tấm Cám của Việt Nam, ở phần đầu truyện, Tấm và Cám có quan hệ đối lập nhưng càng về cuối truyện thì nhân vật chính Tấm với vai trò chủ yếu thì truyện đã chạm khắc nên được hình tượng người phụ nữ chủ động và cho thấy tư tưởng nhân quả báo ứng. Khảo sát về sự tồn tại mang tính siêu nhiên thì truyện của Hàn Quốc có chứa tư duy đạo Shaman, truyện của Việt Nam thì cho thấy ảnh hưởng có tính tuyệt đối của tư duy Phật giáo.

Thứ hai, trong so sánh về bối cảnh, thì cả hai truyện đều lấy bối cảnh nông thôn làm nền và có thể thấy môtip cái xương cá phù hợp với cuộc sống nông thôn Việt Nam, có quan hệ ảnh hưởng với truyện Xợp Han của Trung Quốc.

Thứ ba
, trong so sánh cấu trúc, truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc được kết hợp bởi sự phát triển mâu thuẫn giữa người mẹ kế và Kông Chuy, là loại hình truyện kể người mẹ kế với một phần của truyện kể hôn nhân; còn truyện Tấm Cám của Việt Nam là loại hình truyện kể hôn nhân mang tính điển hình: nhân vật chính khắc phục hoạn nạn để đi đến hôn nhân hạnh phúc; ngoài ra còn có sự phát triển trong quan hệ mâu thuẫn giữa con trưởng và người con khác. Qua đó có thể thấy trong truyện của Hàn Quốc thể hiện tư tưởng coi trọng phụ quyền và hình ảnh người phụ nữ bị động còn ở truyện của Việt Nam thì thể hiện tư tưởng nhân quả báo ứng và hình tượng nhân vật người phụ nữ tích cực.


Thứ tư, trong so sánh về tính chất hóa thân, cả hai truyện của hai nước đều mang đặc trưng cơ bản là linh hồn tự hóa thân, qua đó có thể thấy được yếu tố mang tính vật linh của Việt Nam và ảnh hưởng mang tính Phật giáo của Hàn Quốc.

Thứ năm, trong so sánh hình thức biểu hiện, truyện của Hàn Quốc cho thấy hình thức phức hợp của truyện kể hôn nhân với thuyết thoại loại hình người mẹ kế, còn truyện của Việt Nam cho thấy hình thức truyện kể hôn nhân đơn thuần.

Thứ sáu, trong so sánh về chủ đề, có thể thấy được tư tưởng lên án hành động ngược đãi con chồng của nhân vật mẹ kế trong truyện của Hàn Quốc và ý thức mãnh liệt trong việc đoàn tụ vợ chồng của người Việt Nam.

Thứ bảy
, Trong mối quan hệ ảnh hưởng, có thể đưa ra giả thuyết rằng, từ suy nghĩ cho rằng người có bàn chân nhỏ là người đẹp của Trung Quốc, loại hình truyện Cinderella đã truyền sang Việt Nam, Đông Nam Á, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, v.v…


Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và Tấm Cám của Việt Nam thoát thai từ Trung Quốc với quan niệm người có bàn chân nhỏ là người đẹp. Khi vào Hàn Quốc, nó trở thành loại thuyết thoại có một phần của truyện kể hôn nhân, thuộc loại điển hình của thuyết thoại người mẹ kế (với mâu thuẫn chủ yếu giữa người mẹ kế và người con Kông Chuy). Còn khi vào Việt Nam, nó trở thành truyện kể hôn nhân điển hình (được tạo nên bởi sự khắc phục những mâu thuẫn giữa Tấm với Cám là con của người mẹ kế, và sau đó Tấm kết hôn cùng Thái tử). Điểm khác nhau này giữa hai truyện có thể được lý giải bởi xã hội Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng coi trọng quyền lực của người cha, còn ở Việt Nam là do vị trí tương đối cao của người phụ nữ1

______________
(1) This work was supported by Hankuk University of Foreign Studies Research Fund of 2006.
2) Kông có nghĩa hạt đậu vàng, Pát có nghĩa hạt đậu đen. Kông Chuy là cô gái đậu vàng, Pát Chuy là cô gái đậu đen.
(3) Tấm là hạt gạo vỡ nhỏ, khi nấu, cơm rất ngon (cơm tấm); còn Cám là phần bột của vỏ lụa hạt gạo, xuất hiện trong quá trình xay xát gạo, thường dùng để cho heo ăn. Lúc đầu trong truyện mà A. Landes sưu tầm, Cám là con người vợ cả và Tấm là con người vợ kế, nhưng sau này để cho hợp nghĩa thì tên nhân vật được đổi lại.
(4) Nguyễn Tấn Đắc, Truyện kể dân gian đọc bằng TYPE và MOTIF, Nxb. Khoa học xã hội, 2001. 03.
(5) Tổng quan văn học truyền khẩu Hàn Quốc 1-9, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học trung ương, 1984, tr.60-466.
(6) Nguyễn Duy, Truyện cổ Việt Nam, Nxb. Bốn phương, S, 1942, tr.24-30.
(7) Trong dân gian thường lưu truyền với tên là ông Bụt nhưng trong dị bản của Nguyễn Duy được chép là Phật.
(8)1. Trước thời Tần Hán, người họ Ngô có con gái là Xợp Han.
2. Xợp Han nuôi một con cá, bị người mẹ kế bắt ăn thịt.
3. Có một người mặc áo rách, xõa tóc, từ trên trời bay xuống đưa cho Xợp Han xương cá, rồi bảo cô đem giấu ở trong phòng, nó sẽ giúp cho những nguyện ước của cô thành sự thật.
4. Để ngăn không cho Xợp Han đi xem hội trong làng, người mẹ kế bèn bắt cô canh chừng cây ăn quả.
5. Xợp Han cầu với xương cá thì nhận được áo xanh và giầy vàng, bèn mặc vào đi hội.
6. Xợp Han sợ mẹ kế và người con gái của mẹ kế biết, nên vội vã trở về sớm và bị rơi một chiếc giầy.
7. Người trong làng nhặt được chiếc giầy, đem bán cho vua Ta Han, Ta Han lập Xợp Han làm hoàng phi.
8. Người mẹ kế và con bà ta bị đá ném trúng đầu và chết.
9. Vua Ta Han cầu xin xương cá và được cả một núi châu báu.
10. Vì vua Ta Han quá tham lam nên một ngày kia xương cá đã bị nước biển cuốn trôi.
(9) Các truyện Tấm Cám sau này có thêm chi tiết mẹ cám lăn đùng ra chết.
(10) Lee Uôn Su, Nghiên cứu thuyết thoại Kông Chuy Pát Chuy, Văn học và ngôn ngữ, số 19 (tháng12-1997). Trích dẫn lại từ Truyện loại hình Cinderella được đoán có xuất xứ từ Đông phương. Standard Dictionary of Falklore. Mythology. and Legend. Volumel. A-1. Funk & Wagnalls Company, New York, 1949, tr.233.
(11) Kim yeong Ae, Nghiên cứu so sánh thuyết thoại Hàn Quốc Kông Chuy Pát Chuy và thuyết thoại Thái Lan Pưllabuthơng, Nghiên cứu Đông Nam Á (số 2, quyển 17), 2008.
(12) Jeong In Yeong, So sánh nghiên cứu thuyết thoại loại hình Cinderella của hai nước Hàn- Nhật, lấy <Kông Chuy Pát Chuy> và <Kô mê hu khu a oa hu khu (Mễ phúc Tú phúc)> làm trọng tâm, Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, khoa so sánh văn học sau đại học, tài liệu hội thảo, 10.06.2008, tr. 39-40.
(13) Jeon Hye Kyung, Hệ thống ý thức của người Việt Nam dưới cái nhìn so sánh thuyết thoại Việt Nam Hàn Quốc, Nghiên cứu Đông Nam Á , Quyển 2, tháng 12-1993.
(14) Trong Tổng quan văn học truyền khẩu Hàn Quốc 1-9 do Viện Nghiên cứu văn hóa tinh thần Hàn Quốc sưu tầm năm 1984, tr.246-252 có ghi là hoa sen.


Nguồn:Viện văn học.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top