Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua "Số Đỏ".

lolem_nam

New member
Xu
0
NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG QUA “SỐ ĐỎ”.
1.1 Nghệ thuật trào phúng được thể hiện qua nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trào phúng.
Khi nói đến nghệ thuật trào phúng trong tiểu thuyết “Số đỏ”, điều cần nói đến trước tiên đó là nghệ thuật xây dựng các tình huống trào phúng, các tình huống trào phúng được xây dựng lên để làm nền cho nhân vật trào phúng xuất hiện. Các tình huống này là một sự hài hước vô nghĩa lý chính vì thế tào được sự lôi cuốn, hấp dẫn đầy kịch tính trong văn chương của Vũ Trọng Phụng, đồng thời qua đó cũng thể hiện được tính nghịch lý, phi lý của đời sống. Trong “Số đỏ”, tác giả đã tạo ra rất nhiều các tình huống khác nhau: tình huống ngược đời, tình huống lật tẩy tính chất vô nghĩa lý của nhân vật, tình huống “chiếu tướng” nhân vật một cách đột ngột, tình huống hiểu lầm (ông nói gà, bà nói vịt), tình huống ngẫu nhiên (rủi hóa may, may hóa rủi)…
“Số đỏ” là một chuỗi cười dài, chuỗi những tình huống ngược đời kế tiếp nhau như: Nào là cảnh sát phải phạt lẫn nhau để đủ tiền giao nộp cho đúng chỉ tiêu vì dân ta văn minh quá đến nỗi không ai phạm tội gì để mà phạt…hay như đám ma là chuyện buồn rầu, tang tóc ấy vậy mà đám ma của cụ cố tổ “đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”: cụ Hồng thì mếu máo mặc áo xô gai chống gậy ho lụ khụ, nói một nghìn tám trăm bảy mươi hai câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, cô Tuyết thì được mặc bộ y phục ngây thơ “nửa kín nửa hở” với gương mặt “buồn lãng mạn”, hai cảnh sát Min đơ, Min toa thì vui mừng hí hửng vì được nhà chủ thuê giữ gìn trật tự, ông bà Văn Minh thì vui sướng nghĩ đến cảnh được chia gia tài, các ông lớn thì được khoe đủ các loại huy hiệu, huân chương và ngắm làn da trắng mịn trong làn áo mỏng của cô Tuyết, trai gái cũng có dịp chim chuột, “cười tình với nhau”…ngay đến cả người chết nằm trong quan tài cũng mỉm cười sung sướng lắm.
Vũ Trọng Phụng đã xây dựng hàng loạt các tình huống trào phúng, chúng đan xen, hòa trọn với nhau tạo nên một âm hưởng khó quên trong lòng người đọc. Dường như các tình huống kết bè với nhau làm nên nét độc đáo riêng mà chỉ ở Vũ Trọng Phụng mới thấ. Vũ Trọng Phụng đã cho ta thấy quan niệm cuộc đời của ông, ông cho rằng cuộc đời có nhiều nghịch lý, vô nghĩa lý được biểu hiện, giải thích bằng những sự kiện trong những tình huống ngẫu nhiên của kiếp người. Và với “số phận” của mình, các nhân vật như những con rối được giật dây đang nhảy múa, quây cuồng và diễn trò trong cuộc đời.

1.2 Nghệ thuật trần thuật thể hiện đặc sắc trào phúng trong “số đỏ”.
1.2.1 Nhịp điệu trần thuật mạnh bạo, bất ngờ.
Nhịp điệu trần thuật cũng là một trong các thủ pháp nghệ thuật góp phần tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn của tác phẩm. Trong tiểu thuyết “Số đỏ”, nhịp điệu trần thuật được Vũ Trọng Phụng dệt lên bằng những tiếng cười phong phú với đầy đủ đa thanh sắc điệu. Nhịp điệu mạnh bạo, ngẫu nhiên, bất ngờ, gấp gáp chủ yếu do những hoạt động bên ngoài tác động, làm cho ý nghĩa khách quan của tác phẩm vượt ra ngoài tầm của nhà văn.Nhịp điệu sôi sục, bất ngờ làm đảo điên đến tận gốc những quan niệm đạo đức trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng khác hẳn với nhịp thong thả, chậm rãi của Nam Cao khơi sâu vào nội tâm. Nhất là ở chỗ, từng tiếng cười được phá tung ra từ điểm đỉnh của mâu thuẫn đã tạo một nhịp gây cấn mạnh. Nó như một tiếng chửi ném thẳng vào cái hạng người nhố nhăng đồi bại đương thời ấy.
“Số đỏ” được kể bằng chính những sự kiện có thật mà nhà văn như đang chứng kiến. Cho nên rất nhiều những chi tiết sống động hỗn độn ồn ào của cuộc sống đã được quay vào ống kính với kĩ thuật điện ảnh khá sinh động.Vũ Trọng Phụng đã khiến cho người đọc như được chứng kiến tận mắt sự việc đang diễn ra của một đám báo hiếu ở một gia đình đại bất hiếu. Hàng phố thì vui quá vì mấy khi được xem một đám ma to đến như thế. Có cả lối “Ta, Tàu, Tây, có kiệu, bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc cốc xoảng và bu dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu Tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ”.
Số đỏ hài hước trong từng chương và xuyên suốt cả tác phẩm. Chương XV tả đám ma nhà cụ Cố Hồng kết thúc bằng một chi tiết hài đặc sắc: Ông con rể quý hoá bên ngoài thì khóc thương người chết đến mức "lả vặt người đi" nhưng lại dúi nhanh vào tay Xuân tóc đỏ "cái giấy bạc năm đồng gấp tư" để trả công Xuân về việc đã làm cụ cố tổ chết và ông ta được chia một món hời. Nhờ nét mới mẻ này, tiếng cười họ Vũ mang giá trị nhân bản và dân chủ sâu sắc hơn. Nghệ thuật trần thuật độc đáo đã góp phần tạo nên giá trị của kiệt tác Số đỏ. Nó cũng góp phần tạo nên phong cách tài năng Vũ Trọng Phụng và là đóng góp quí giá cho nghệ thuật tự sự của văn học Việt Nam hiện đại.

1.2.2 Giọng điệu trần thuật hài hước, châm biếm sắc nhọn.
Giọng điệu trần thuật của “Số đỏ” trước hết được bộc lộ qua cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Đó là cảm hứng đả kích châm biếm. Bao trùm từ đầu đến cuối tác phẩm là giọng điệu hài hước, cay độc, phẫn uất. Chất giọng ấy thấm vào từng câu chữ trên trang truyện. Mỗi chương là một màn hài kịch. Mỗi nhân vật là một chân dung hài mà trong đó Xuân tóc đỏ là chân dung biếm hoạ thành công nhất. Ngay từ phần đầu câu chuyện, Xuân tóc đỏ đã được xuất hiện qua cách tả của “người làm báo”, đảm bảo độ chính xác đến từng cử chỉ “sấn sổ đua tay ra toan giật ái tình”. Lời nói thì “cứ ỡm ờ mãi”. Cung cách thì “đốn mạt lẳng lơ…Giọng điệu trần thuật ấy đã đầy vẻ bỡn cợt, hài hước. Dẫu liên tiếp gặp được vận may, và ngay cả khi thành “đốc tờ”, “thi sĩ”, Xuân vẫn hiện nguyên bản chất của một gã ma- cà- bông. Cho đến cuối truyện, tiếng cười bật ra cay độc hơn khi Xuân tóc đỏ thành “nhà cải cách vĩ đại”. Dùng tiếng cười làm vũ khí, “Số đỏ” đã vạch ra thực chất thối nát của lối sống “sang trọng, văn minh”, rởm đời. Với hàng loạt giọng văn biếm hoạ, Vũ Trọng Phụng đã ném cái nhìn khinh bỉ, tạo nên chuỗi cười dài đa cung bậc hướng vào toàn bộ cái nhân loại xấu xa, kệch cỡm “vô nghiã lí” đó. Nhất là lớp “ông chủ, bà chủ”, kẻ đại diện cho xã hội “khốn nạn, chó đểu” ấy.Họ quẳng ra những danh từ “văn minh”, tiến bộ”, chẳng qua cũng chỉ là những lời lẽ ba hoa, rỗng tuếch. Có thể nói, chừng nào xã hội còn dựa trên nguyên tắc “bịp bợm”, còn cổ vũ cái dâm, cái đểu, còn khuyến khích cái chủ nghĩa cơ hội thì còn Xuân tóc đỏ.
Trong “Số đỏ”, nhà văn đã cường điệu, khuyếch đại cái dâm lên đến hết biên độ của nó để mà nhạo báng. Điều đó đã khiến cho “Số đỏ” trở thành cuốn tiểu thuyết trào phúng đặc sắc. Chính giọng điệu trào lộng, bỡn cợt, đùa vui đó đã tạo ra nét hấp dẫn của tác phẩm. Giọng điệu này bật lên một cách tự nhiên, gắn liền với cái nhìn hóm hỉnh thông minh và không kém phần khôi hài của tác giả. Bên cạnh giọng trào lộng, đùa bỡn mua vui, tác giả còn thể hiện tiếng cười chua chát và mỉa mai. Cười cho một xã hội đau đớn đến tê tái bởi những trật tự, luân lý, chân lý, tình người…đang bị đảo ngược, cười ra nước mắt. Chính vì Vũ Trọng Phụng được sinh ra và lớn lên trong một xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến thành thị phơi bày ra rõ nhất. Ông mang trong mình nỗi bất hòa sâu sắc với tầng lớp thượng lưu, vì thế giọng điệu buồn chán, bi quan, hoài nghi in dấu trong tác phẩm, tuy nhiên vẫn thể hiện khát vọng của mình về một xã hội lành mạnh, tiến bộ thật sự.


1.3 Một hệ thống nhân vật trào phúng đầy dáng vẻ.

Bên cạnh việc xây dựng những tình huống truyện mang chất trào phúng, Vũ Trọng Phụng còn chú ý đến việc xây dựng các hình tượng nhân vật vì nghệ thuật xây dựng các nhân vật trào phúng cũng góp phần không nhỏ tạo ra sắc thái, hiệu quả của tiếng cười trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng nói chung và tiểu thuyết “Số đỏ”. Nhân vật trong “Số đỏ” là những nhân vật điển hình, họ luôn vận động và phát triển trong một hoàn cảnh điển hình tạo nên một chuỗi cười dài mang sức mạnh tố cáo, phê phán hết sức gay gắt. Ở “Số đỏ” nhà văn đã dựng lên một loạt những bức chân dung biếm họa, những con rối của thời đại. Ta bắt gặp ở đó một Xuân Tóc Đỏ xỏ xiên, láu cá, nói phét gặp thời, dốt nát gặp may. Người kể chuyện bảo Xuân Tóc Đỏ là “một đứa vô giáo dục”, “tinh quái”, “thạo đời”.Bà Phó Đoan đánh giá nó là “người thông minh, có học thức, bụng dạ hào hiệp”. Văn Minh và vợ thừa nhận nó “nhanh mồm nhẹ miệng, cử chỉ ngộ nghĩnh” và nhờ nó mà tiệm may Âu hóa phát đạt, giấc mơ tân thời hóa phụ nữ thành hiện thực. Đốc tờ Trực Ngôn gọi nó là “ông bạn thân” và bảo nó: “tôi xin cảm tạ ngài lắm”. Sửng sốt nhất là Victor Ban cũng không hiểu nó ra sao, mới cách đây vài năm, là một thằng ma cà bông, một thằng thổi loa của ông ta, hò hét “di tinh, mộng tinh” nay là một trang phong lưu quân tử, với cách cầm vợt ban, cách đánh ban rất sang, rất kiểu cách. Ngay đến cái tên Xuân Tóc Đỏ cũng mang nhiều ý nghĩa, Tóc Đỏ là cái tướng do cái kiếp ma cà bông khốn khổ: “Mẹ kiếp, chứ xưa nay có mua mũ bao giờ mà tóc chả đỏ”. Song với một thanh niên và một thiếu nữ ở khách sạn Bồng Lai thì tóc đỏ lại rất mốt: “Bẩm, tóc ngài nhuộm đẹp lắm, thật là hợp thời trang”. Xuân Tóc Đỏ chỉ là một thằng ma cà bông, thổi kèn loa thuốc lậu, cầm cờ chạy hiệu ở rạp hát…Bỗng chốc nhờ cái dâm của bà Phó Đoan mà được gia nhập vào xã hội thượng lưu. Vốn láu lỉnh và có tài biến báo, Xuân biết khi nào lợi dụng để tiến thân. Nhờ thế mà Xuân đã đi từ “vinh quang” này đến hết “chiến thắng” khác một cách dễ dàng. Một thằng ma cà bông mà được tặng bao danh hiệu cao quý như: “sinh viên trường thuốc”, “nhà thơ”, “nhà triết gia”, “danh thủ quần vợt”, “nhà cải cách xã hội”, “anh hùng cứu quốc”…
Tác giả đã tạo ra cả một xã hội đáng buồn cười, ngớ ngẩn, lố bịch giống như những con rối: đó là cô Tuyết – “một phụ nữ lãng mạn chân chính”, là “một trang bán sử nữ, nghĩa là còn trinh một nửa, nghĩa là demi-vierge”. Cô Tuyết đích thị là cô gái lãng mạn của những năm 30 của thế kỉ này, từ cái tên, đến bộ quần áo Ngây Thơ, đến cử chỉ, điệu bộ, lời ăn tiếng nói, cuộc sống, tình yêu, giấc mơ. Với nhân vật Tuyết, nhà văn không sử dụng bút pháp nghệch ngoạc, những cấu trúc ngôn ngữ pha tạp mà sử dụng những lời thơ mơ mộng, đôi chút giễu cợt: “lúc ấy cô muốn viết ngay một cuốn tiểu thuyết về đời mình” và “ Em sung sướng quá! Em muốn chết anh ạ! Em muốn tự tử…Nếu cả hai ta cùng nhảy xuống lớp sóng bạc kia mà chết thì có phải cả nước sẽ bàn tán mãi về cuộc tình duyên ghê gớm của hai ta không!”.
Tả nhân vật bà Phó Đoan là một người ở vậy thủ tiết thờ chồng, bà Phó Đoan “mừng thầm rằng mình đã trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học”, người đàn bà góa này lố bịch không phải vì những ham muốn tình dục thường tình mà miệng bà lại cứ hay rêu rao chuyện phẩm giá tiết hạnh. Vợ chồng Văn Minh và ông TYPN với phong trào Âu hóa thể thao thối nát…Ông Cẩm Tây cũng như lính Min đơ, Min toa chỉ là những con người buồn cười, lố bịch, họ là nạn nhân của những nguyên tắc quan liêu hành chính máy móc. Tác giả đã tạo ra cả một xã hội hài hước trong đó nhất cử nhất đọng của bất kì nhân vật nào cũng đều khôi hài, lố bịch, từ em chã đến cụ cố tổ, từ nhà sư đến cảnh sát…cả người thợ lúng túng với cái “thẹo chổng lên” và “cái thẹo chổng xuống” cũng trở thành nhân vật hài. Ngay ở cả cái đám tang của cụ cố tổ cũng là một cơ hội để các nhân vật phô diễn những tính cách của mình: Cô Tuyết thì sung sướng mặc bộ y phục Ngây thơ. Ông Phán mọc sừng thì hả hê vì đã được cụ cố Hồng hứa chia thêm cho vài nghìn đồng nữa. Xuân tóc đỏ càng được vênh vang hơn vì nhờ nó tố cáo ông Phán mọc sừng mà “cụ tổ lăn đùng ra chết”…Hạnh phúc còn lan cả ra ngoài gia đình, đến cảnh sát Min đơ, Min toa, đến những bạn bè tai to mặt lớn của cụ cố Hồng được dịp khoe danh giá: “ngực đầy những huy chương như : Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao miên bội tinh, Vạn tượng bội tinh…trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài ngắn, hoặc đen hoặc hung hung”. Với cách kể liên tiép, dồn dập những sự kiện đó, Vũ Trọng Phụng đã tạo nên một ấn tượng sâu, đầy ám ảnh về nhịp điệu cuộc sống hiện thực trong thế giới nghệ thuật của ông. Đó là nhịp điệu cuộc đời đểu cáng, lố lăng, đạo đức rởm rất cần được phanh phui, lật tẩy để tung hê mà cười cho hả giận. Tuy có cường điệu, những bản chất xã hội của nhân vật vẫn có ý nghĩa phê phán sâu sắc.
1.4 Ngôn từ trong “Số đỏ” – một nét đặc sắc trong nghệ thuật trào phúng
Đối với người nghệ sĩ,ngôn từ là tế bào của văn bản, không có ngôn từ là không có gì cả, hơn thế nữa ngôn từ còn là thái độ, là tư tưởng, là giọng điệu, là phong cách của người nghệ sĩ. Bởi thế ngôn từ trước hết chính là nó, đồng thời là một liên kết để tạo ra cái trong nó, ngoài nó, lớn hơn nó. Theo giáo sư Trần Đình Sử thì đặc điểm của ngôn từ trong tiểu thuyết là có nhiều tiếng nói. Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết đều có tiếng nói riêng, mỗi nhà văn có phong cách giọng điệu riêng. Với Vũ Trọng Phụng qua “Số đỏ”, ông đã tạo ra một chuỗi cười dài, khoái trá, hả hê thông qua việc tỏ ra rất thông thạo ngôn ngữ bình dân, đặc biệt là thứ ngôn ngữ vỉa hè như: “…cứ ỡm ờ mãi!”, “xin một tị!,Một tị tỉ tì ti thôi”…Khi nhân vật “anh hùng” xuất hiện, nó xứng đáng là một nhân vật bình dân chân chính, nó sấn sổ “cướp giật ái tình” của cô hàng mía, nó nghêu ngao câu cải lương Nam Kì: “Than ôi, cái cảnh đêm thu tịch mịch…”,câu cửa miệng của một “bậc vĩ nhân” là “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”…những câu đó của Xuân là những lời văn hoa đã đi vào lịch sử, đi vào từ điển Khai Trí Tiến Đức. Những định nghĩa rất Âu hóa: TYPN là tôi yêu phụ nữ, “hở đến nách, đến vú là Ngây Thơ, Minh + Văn = Văn Minh,…
Tiểu thuyết mở đầu và tiếp tục diễn biến, với lối kể chuyện truyền thống phương Đông, truyện chương hồi với những đề mục hấp dẫn kích thích, lôi cuốn người đọc vào những phiêu lưu bất ngờ, bí mật: số đào hoa của Xuân Tóc Đỏ, Minh + Văn = Văn Minh. Một cái nghi án, Vâng tôi là người chồng mọc sừng, Xuân Tóc Đỏ nhảy vào khoa học, Aí tình, mày còn dại gì? Những cuộc âm mưu, rồi Xuân Tóc Đỏ dò xét Sở Liêm phóng…cuối cùng Xuân Tóc Đỏ cứu quốc, Xuân Tóc Đỏ vĩ nhân…Nhan đề trong “Số đỏ” rất đặc biệt mang nhiều màu sắc châm biếm, mỉa mai: “Hạnh phúc của một tang gia, Văn Minh nữa cũng nói vào, một đám ma gương mẫu”, tang gia đáng lẽ ra phải đâu thương, phải là những sự mất mát lớn, nhưng không, ở đây tang gia này mang lại cho nhiều người hạnh phúc lắm. Thông qua nhan đề tiểu thuyết: ông thầy số + Xuân Tóc Đỏ = Số Đỏ, ông thầy số đã sấm truyền vận mệnh cảu Xuân và kết thúc bằng những lời hùng hồn, đanh thép: “Ông Xuân thật là số anh hùng, số vĩ nhân…vua biết mặt, chúa biết tên”.
Truyện chương hồi này vừa khép, vừa mở, cấu trúc câu thường lộn xộn, nhịp điệu mỗi cú đoạn đi về một hướng. Cái đám tang của cụ cố tổ là bản tóm tắt ngắn gọn “số đỏ” bằng những từ ngữ nhốn nháo, những cấu trúc ngôn từ nghịch lí, tương phản, pha trộn nhiều phong cách, Tây, Tàu, Ta, cổ hủ, hiện đại, sự hỗn hợp cặn bã nhiều nền văn hóa: bên cạnh “tiếng kèn Xuân Nữ ai oán” là: “ai cũng vui vẻ sung sướng, vênh váo”, bên cạnh “hững bộ mặt nghiêm chỉnh” là “người ta chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, ghen tuông nhau, mỉa mai nhau” và “đám cứ đi, đám cứ đi”, nó “đi” rầm rộ, làm huyên náo cả một đô thành, với kiệu, lợn quay, kèn bu dích, với “trai thanh gái lịch”, những bộ trang phục rất mốt của tiệm Âu hóa, mà cái đỉnh là Tuyết bận áo Ngây Thơ.
Một nét đáng kể trong ngôn từ nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng nữa đó là so sánh, tổng hợp đặc biệt là lối so sánh “tạt ngang”, “đá móc”. Đó là lối so sánh mà đối tượng nhắm để so sánh không phải là một mà là nhiều đối tượng, mục đích tạo ra những nét nghĩa đối lập có khi hài hước,bông đùa, có khi lại châm biếm sâu cay.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top