H
HuyNam
Guest
NGÀNH CHĂN NUÔI
Chăn nuôi là một ngành quan trọng của nông nghiệp hiện đại, nuôi lớn vật nuôi để sản xuất những sản phẩm như: thực phẩm, lông, và sức lao động. Sản phẩm từ chăn nuôi nhằm cung cấp lợi nhuận và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người. Chăn nuôi xuất hiện lâu đời trong nhiều nền văn hóa kể từ khi loài người chuyển đổi từ lối sống săn bắn hái lượm sang định canh định cư.
I. Tình hình chăn nuôi tại Việt Nam năm 2014 1. Tình hình chăn nuôi và tương quan cung-cầu thịt tại Việt Nam năm 2014
Chăn nuôi trâu, bò:
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 2,58 triệu con trâu, tương đương cùng kỳ năm trước; 5,18 triệu con bò, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung số lượng trâu giảm chủ yếu do hiệu quả chăn nuôi thấp và diện tích chăn thả bị thu hẹp; riêng đàn bò sữa tiếp tục tăng, đạt 200,4 nghìn con, tăng 26 nghìn con (+14%) so cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu, bò 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ cùng kỳ. Sản lượng sữa bò đạt 265,4 nghìn tấn, tăng 19,2% so cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2014 nhu cầu tiêu thụ thịt bò của Việt Nam vào khoảng 408 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với năm 2013. Sản lượng thịt bò của Việt Nam năm 2014 dự kiến ở mức 393 nghìn tấn và để đáp ứng đủ nhu cầu cần phải nhập khẩu ít nhất 15 nghìn tấn.
Chăn nuôi lợn:
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 26,39 triệu con lợn, tăng nhẹ (0,3%) so với cùng kỳ. Hiện tại chăn nuôi lợn khá thuận lợi do giá lợn hơi tăng và dịch lợn tai xanh không xảy ra đã kích thích người chăn nuôi đầu tư tái đàn. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1963,3 nghìn tấn, tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước.
Theo USDA, năm 2014 nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam vào khoảng 2,245 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2013. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2014 dự kiến ở mức 2,26 triệu USD, đảm bảo cho Việt Nam xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn thịt lợn.
Chăn nuôi gia cầm:
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê, tổng số gia cầm của cả nước có 314,4 triệu con, tăng 0,7% so cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tính bằng 442,8 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng trứng gia cầm đạt 4.543 triệu quả, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo USDA, năm 2014 nhu cầu tiêu thụ thịt gà của Việt Nam vào khoảng 825 nghìn tấn, tăng 4,2% so với năm 2013. Sản lượng thịt gà của Việt Nam sẽ vào khoảng 393 nghìn tấn, do đó để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nước ta cần phải nhập khẩu ít nhất 50 nghìn tấn.
2. Thương mại thịt của Việt Nam năm 2014
Xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu thịt trong 5 tháng đầu năm 2014 nhìn chung khá ổn định. Trị giá xuất khẩu các tháng đạt từ 3,8 – 4,5 triệu USD, cho thấy mức độ dao động khá thấp nếu so với giai đoạn cùng kỳ các năm gần đây. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, trị giá xuất khẩu thịt đạt 20,92 triệu USD, giảm, chỉ giảm nhẹ gần 2,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu thịt các tháng, năm 2012 – 2014 (USD)
Nguồn: TCHQ
Thịt lợn (dạng tươi, ướp lạnh, đông lạnh) vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: 5 tháng đầu năm 2014 đạt trị giá 14,46 triệu USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 69,1% tổng trị giá xuất khẩu thịt các loại.
Nếu như trong những năm qua, thịt lợn là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng chi phối trong khi xuất khẩu các loại thịt khác rất hạn chế thì đến năm nay đã xuất hiện một điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu thịt gia cầm (chủ yếu là thịt gà). Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu thịt gà đều tăng mạnh gấp nhiều lần so với các tháng cùng kỳ năm 2013. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, trị giá xuất khẩu thịt gà đạt 2,22 triệu USD, tăng 576% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 10,6% tổng trị giá xuất khẩu thịt các loại.
Về thị trường 5 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu thịt chủ yếu sang các thị trường: Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia, với tỷ trọng kim ngạch lần lượt 58,8%, 18,9% và 10,6%. Xuất khẩu tới Singapore - một trong các thị trường nhập khẩu nhiều thịt từ Việt Nam trong các năm qua – đã sụt giảm mạnh từ 1,4 triệu USD trong năm 2013 xuống còn 260 nghìn USD trong 5 tháng đầu năm nay (tỷ trọng chỉ chiếm 1%).
Nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trị giá nhập khẩu thịt cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 đều tăng so với các tháng cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, tháng 1/2014 đạt 18,16 triệu USD, tăng 16,5$; tháng 2/2014 đạt 16,98 triệu USD, tăng 90,8%; tháng 3/2014 đạt 19,54 triệu USD, tăng 4,8%; tháng 4/2014 đạt 15,89 triệu USD, tăng 13,9% và tháng 5/2014 đạt 18,68 triệu USD, tăng 51,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, trị giá nhập khẩu thịt đạt 89,25 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Trị giá nhập khẩu thịt các tháng năm 2012 – 2014 (USD)
Nguồn: TCHQ
Về chủng loại, thịt gia cầm là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm 2014, đạt 36,26 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 45,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt các loại. Tiếp đến là thịt trâu bò, với trị giá đạt 35,84 triệu USD, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm tỷ trọng kim ngạch 40,2%. Trong đó, nhập khẩu thịt bò dạng đông lạnh chiếm khoảng 92% và nhập khẩu dạng tươi sống chỉ chiếm 8%. Nhập khẩu thịt lợn đạt 2,63 triệu USD, tăng nhẹ 6,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng chỉ khoảng 3%. Nhập khẩu thịt chế biến các loại đạt trị giá 1,14 triệu USD, tăng gần gấp hai lần so với mức 0,62 triệu USD của cùng kỳ năm 2013.
Về thị trường, Mỹ vẫn là đối tác nhập khẩu thịt lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2014, với trị giá đạt 28,17 triệu USD, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Ấn Độ, với trị giá đạt 26,8 triệu USD, tang 58,3% so với cùng kỳ. Các thị trường cung cấp thịt đáng chú ý khác gồm: Braxin (10,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12%), Úc (9,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10%) và Hàn Quốc (3,96 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4%).
3. Giá thịt năm 2014
Sau gần 2 năm khủng hoảng nặng nề khiến doanh nghiệp làm giống, người chăn nuôi lao đao, gần 3 tháng trở lại đây, thị trường chăn nuôi trong nước ổn định tích cực. Tương quan cung – cầu thịt thực phẩm trong nước vẫn đảm bảo. Theo tổng cục Thống kê, tổng đàn gia súc gia cầm và lượng thịt hơi trong nửa đầu năm 2014 ít thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau quãng thời gian giảm thấp cuối quý I/2014, giá cả thịt thực phẩm đã nhanh chóng phục hồi trở lại trong quý II. Bước sang quý III (tháng 7/2014), nhìn chung giá thịt lợn trong xu hướng tăng cao, trong khi thịt gà và thịt bò tương đối ổn định.