• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Mùa xuân nho nhỏ

jin_luv_rain

New member
Xu
0
mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)
1. Hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên hiện lên trong khổ thơ đầu:
- được miêu tả bằng hình ảnh dòng sông xanh, bông hoa tím, tiếng chim chiền chiện hót vang trời, với vài nét phác họa đã vẽ ra được cả k gian cao rộng với dòng sông và bầu trời bao la, cả màu sắc tươi thắm của mùa xuân (sông xanh, hoa tím biếc – màu đặc trưng của xứ Huế), cả âm thanh vang vọng, tươi vui của chim chiền chiện “Hót chi mà vang trời”
- hình ảnh thơ đẹp, giàu tính tạo hình, bộc lộ cảm xúc tươi vui, hồn nhiên, trong trẻo của tác giả trước mùa xuân: “từng giọt…tôi hứng”. Có thể “từng giọt” mưa long lanh rơi trong ánh sáng của trời xuân, ngoài ra còn có thể hiểu theo cách khác: nhà thơ đưa tay hứng từng giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Theo hướng này, câu thơ có sự chuyển đổi cảm giác rất kì diệu: từ thính giác chuyển sang thị giác và xúc giác. Âm thanh tiếng chim tạo ra hình khối, ánh sáng, màu sắc cụ thể đến mức hứng được. Hình thơ đẹp một cách bất ngờ, diễn tả niềm say sưa, ngây ngất của nhà thơ trước cảnh đất trời.
2. Hai khổ thơ tiếp: mùa xuân của đất nước
- Hình ảnh “mùa xuân…ra đồng” nói về mùa xuân của đất nước với 2 nhiệm vụ chính là chiến đấu và lao động, là ý thơ quen thuộc. Hay ở chỗ gắn hình ảnh ng lính, ng nông dân với màu xanh của lá non. “lộc giắt đầy”, “lộc trải dài”, hình ảnh trùng điệp làm hiện ra cả mùa xuân của đất trời trong màu xanh bất tận của lộc mới. Mùa xuân theo “người cầm súng” và “người ra đồng” đến với mọi miền đất nước. Hoặc chính họ mang đến mùa xuân. Trong màu xanh non ẩn hịên một sức sống tràn trề, nhà thơ nghe trong màu xanh ấy “tất cả như hối hả - tất cả như xôn xao”.
- Từ đó say sưa ngắm về tổ quốc: “đất nước…phía trước”. Hai câu đầu bình thường, nhưng hai câu cuối là hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa: đất nước đẹp, tỏa sáng như vì sao, đang thẳng tiến bằng sức mạnh “bốn nghìn năm vất vả và gian lao”. Bộc lộ niềm cảm phục, niềm tin vào một dân tộc anh hùng. Nhịp thơ nhanh, phấn chấn
3. Tâm niệm của nhà thơ:
- khổ 5 và 6 mạch thơ chuyển sang bày tỏ suy nghĩ, tâm niệm trước mùa xuân của đất nước: “ta làm…khi tóc bạc”
- Phép trùng điệp “ta làm”, “ta nhập vào” diễn tả tha thiết khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp dù là nhỏ bé cho sự nghiệp chung.
- Thể hiện qua những hình ảnh thơ đẹp tự nhiên, giản dị
+ Con chim hót, một cành hoa:khổ đầu, vẻ đẹp của mùa xuân bắt đầu từ bông hoa tím biếc , âm thanh của tiếng chim chiền chiện vang trời. Còn khổ này, tác giả mượn những hình ảnh ấy để nói lên nguyện vọng của mình, đem cuộc đời hiến dâng cho đất nước.
+ Giữa mùa xuân của đất nước, tác giả chỉ xin làm một “con chim hót”, “một nhành hoa”. Giữa bản “hòa ca” tươi vui đầy sức sống của cuộc đời, nhà thơ chỉ xin làm “một nốt trầm xao xuyến”. Điệp từ 1 diễn tả sự ít ỏi, nhỏ bé. Những hình ảnh con chim, nhành hoa, nốt nhạc trầm cuối cùng dồn vào một “mùa xuân nho nhỏ - lặng lẽ dâng cho đời”. Tất cả đều mang hình ảnh ẩn dụ mang vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường, thể hiện xúc động điều tâm niệm chân thành, tha thiết của nhà thơ.
- Bằng giọng tâm sự nhỏ nhẹ, sâu lắng, ước nguỵên của TH đã đi vào lòng ng đọc, lung linh trong ánh sáng của một nhân sinh quan cao đẹp: mỗi ng mang đến cho cuộc đời chung một nét đẹp riêng, cống hiến sức mình dù là nhỏ bé cho đất nước, phải k ngừng cống hiến “dù là tuổi hai mươi – dù là khi tóc bạc”, đó mới là ý nghĩa của kiếp làm người.
4. nghệ thuật:
- thể thơ 5 chữ gần với làn điệu dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. Âm hưởng ấy xuyên suốt toàn bài, thể hiện rõ ở khổ cuối. Gieo vần liền giữa các khổ thơ tạo sự liền mạch trong cảm xúc. Giọng thơ biến đổi, phù hợp với nội dung cảm xúc từng đoạn
- kết hợp hình ảnh cụ thể, tự nhiên với hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát.
- Cấu tứ chặt chẽ dựa trên sự phát tiển của hình ảnh mùa xuân.
 

Thandieu2

Thần Điêu
Xu
36
MÙA XUÂN NHO NHỎ

I. Tác giả
Tác giả Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn
Sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930
Quê ở Hương Điền, Thừa Thiên.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1978 )
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông công tác tại đoàn Văn công tỉnh, rồi ở lại hoạt động, làm tuyên huấn ở cơ quan khu ủy Trị Thiên thời chống Mỹ cứu nước.
Từ 1975 , ông là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế. Ông từng là ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ông mất năm 1980 tại Huế
Ông nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1965 .
Tác phẩm chọn lọc: Những đồng chí trung kiên (1962); Huế mùa xuân (2 tập, 1970-1975),Dấu võng Trường Sơn (1977); Mưa xuân đất này (1982); Thơ tuyển (1982)…
Tác phẩm chính:
- Những đồng chí trung kiên (1962);
- Huế mùa xuân (2 tập, 1970-1975),
- Dấu võng Trường Sơn (1977);
- Mưa xuân đất này (1982);
- Thơ tuyển (1982).
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác: 11/1980
Bài thơ được viết không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện niềm yêu mến cuộc sống đất nước thiết tha và ước nguyện của tác giả
2. Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật
a. Nội dung: Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, thể hiện ước nguyện chân thành góp mùa xuân nho nhỏ của mình vào cuộc đời chung
b. Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gắn với dân ca; hình ảnh đẹp giản dị, những so sánh, ẩn dụ sáng tạo
3. Mạch cảm xúc và bố cục
a. Mạch cảm xúc: Được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mở rộng ra với mùa xuân đất nước, cách mạng. Cảm xúc lắng đọng dần vào sự suy tư và ước nguyện: nhà thơ muốn nhập vào bản hòa ca vĩ đại của cuộc đời bằng một nốt trầm xao xuyến của riêng mình, góp vào mùa xuân chung lớn lao “một mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ khép lại với những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế
b. Bố cục: 4 phần
- Khổ 1: Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất trời
- Khổ 2 + 3: Cảm xúc về mùa xuân đất nước
- Khổ 4 + 5: Suy nghĩ và ước nguyện của tác giả trước mùa xuân đất nước
- Khổ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế
4. Tên bài thơ:
- “Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tác độc đáo, một phát hiện mới mẻ của nhà thơ
- Hình ảnh Mùa xuân nho nhỏ” là biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người
- Thể hiện quan điểm về sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng
- Thể hiện nguyện ước của nhà thơ muốn làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình những rất khiêm nhường là một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, đất nước, của cuộc đời chung và khát vọng sống chân thành, cao đẹp của nhà thơ. Đó cũng chính là chủ đề của bài thơ mà nhà thơ muốn gửi gắm

III. Phân tích
1. Hình ảnh của một mùa xuân rất Huế đã được tác giả mở đầu cho bài thơ:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc.
Ơi con chim chiền chiện
Hót cho mà vang trời,
Từng giọt long lanh rơi,
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Một nét đặc trưng nơi xứ Huế là hình ảnh màu tím. Một màu tím thật gợn nhẹ như màu tím hoa sim mọc giữa con sông xanh biếc hay như những tà áo dài với màu tím thật nhẹ nhàng của những cô gái Huế. Cảm xúc về mùa xuân mở ra thật ngỡ ngàng, bất ngờ, không gian như tươi tắn hơn, trẻ trung hơn, thánh thoát hơn:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót cho mà vang trời,
Từng giọt long lanh rơi,
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Trong không gian vang vang vui tươi của tiếng chim càng đậm đà chất Huế hơn nhờ dùng đúng chỗ những ngôn từ đặc trưng xứ Huế. Một từ “Ơi” đặt ở đầu câu, một từ “chi” đứng sau động từ “hát” đã đưa cách nói ngọt ngào, thân thương của Huế vào nhạc điệu của thơ. Từ “giọt” được hiểu theo rất nhiều nghĩa: có thể là “giọt nắng bên thềm”, giọt mưa xuân, giọt sương sớm hay cả tiếng hót của những chú chim chiền chiện. Nhưng đối với khung sắc trời xuân thì giọt xuân càng làm tăng thêm vẻ đẹp và sự quyến rũ của nó. Một từ “hứng” cũng đủ diễn tả sự trân trọng của nhà thơ đối với vẻ đẹp của trời, của sông, của chim muông hoa lá; đồng thời cũng thể hiện cảm xúc trọn vẹn của Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên đất trời.

2. Cảm xúc về mùa xuân của đất nước

Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, tác giả đã chuyển cảm nhận về mùa xuân của cuộc sống, nhân dân và đất nước. Với hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng”, biểu tượng của hai nhiệm vụ: chiến đấu bảo vệ tổ quốc và lao động tăng gia để xây dựng đất nước với những câu thơ giàu hình ảnh và mang tính gợi cảm:
“Mùa xuân người cầm súng,
Lộc giắt đầy trên lưng.
Mùa xuân người ra đồng,
Lộc trãi dài nương mạ.
Tất cả như hối hả,
Tất cả như xôn xao…”
Hình ảnh mùa xuân của đất trời đọng lại trong lộc non đã theo người cầm súng và người ra đồng, hay chính họ đã đem mùa xuân đến cho mọi miền của tổ quốc thân yêu.
Tác giả đã sử dụng biện pháp điệp từ, điệp ngữ như nhấn mạnh và kết thúc một khổ thơ bằng dấu ba chấm. Phải chăng dấu ba chấm như còn muốn thể hiện rằng: đất nước sẽ còn đi lên, sẽ phát triển, sẽ đến với một tầm cao mới mà không có sự dừng chân ngơi nghỉ.
Sức sống của “mùa xuân đất nước” còn được cảm nhận qua nhịp điệu hối hả, những âm thanh xôn xao của đất nước bốn ngàn năm, trải qua biết bao vất vả và gian lao để vươn lên phía trước và mãi khi mùa xuân về lại được tiếp thêm sức sống để bừng dậy, được hình dung qua hình ảnh so sánh rất đẹp:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất và vào gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Đó chính là lòng tự hào, lạc quan, tin yêu của Thanh Hải đối với đất nước, dân tộc. Những giọng thơ ấy rất giàu sức suy tưởng và làm say đắm lòng người.

3. Suy nghĩ và ước nguyện của tác giả trước mùa xuân đất nước

Từ cảm xúc của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng; với Thanh Hải cũng thế, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng cân thành và tha thiết:
“Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến”
Lời thơ như ngân lên thành lời ca. Nếu như đoạn đầu Thanh Hải xưng tôi kín đáo và lặng lẽ thì đến đoạn này ông chuyển giọng xưng ta. Vì sao có sự thay đổi như vậy? Ta ở đây là nhà thơ và cũng chính là tất cả mọi người. Khát vọng của ông là được làm con chim hót, một cành hoa để hoà nhập vào “mùa xuân lớn” của đất nước, góp một nốt trầm vào bản hoà ca bất tận của cuộc đời. Hiến dâng “mùa xuân nho nhỏ” nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ bé của mỗi người cho cuộc đời chung cho đất nước. Điều tâm niệm đó thật chân thành, giản dị và tha thiết – xin được làm một nốt trầm trong bản hoà ca của cuộc đời nhưng là “một nốt trầm xao xuyến”.
Điều tâm niệm của tác giả: “lặng lẽ dâng cho đời” chính là khát vọng chung của mọi người, ở mọi lứa tuổi, chứ đâu phải của riêng ai. Thanh Hải đã thể hiện hết mình vì lòng tin yêu cuộc sống và khiêm tốn hiến dâng cho đất nước, cho cuộc đời, bởi vậy, xuất phát từ tiếng lòng thiết tha, nhỏ nhẹ, chân thành của tác giả nên lời thơ dễ dàng được mọi người tiếp nhận và chia sẻ cho nhau:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Đã gọi là cống hiến cho đời thì dù ở tuổi nào đi chăng nữa cũng phải luôn biết cố gắng hết tâm trí để phục vụ và hiến dâng cho quê hương, đất nước mến yêu của chính mình. Già - cống hiến tuổi già, trẻ - cống hiến sức trẻ để không bao giờ thất vọng trước chính bản thân mình.
Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. “Dù là tuổi hai mươi” khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và bài thơ này là một trong những bài thơ cuối cùng. “Một mùa xuân nho nhỏ” cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi.

4. Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế
Kết thúc bài thơ bằng một âm điệu xứ Huế: điệu Nam ai, Nam Bình mênh mang tha thiết, là lời ngợi ca đất nước, biểu hiện niềm tin yêu và gắn bó sâu nặng của tác giả với quê hương, đất nước, một câu chân tình thắm thiết
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam Bình
Nước non ngàn dặm tình
Nước non ngàn dặm mình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Đánh giá chung
Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực sự, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất… và bài thơ này cũng chính là những điều đúc kết cả cuộc đời của ông. Ông đã giải bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, và chính lúc đó Thanh Hải đã thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ để ông và thơ luôn được cùng nhau, hiểu nhau và giải bày cho nhau

IV. Nghệ thuật đặc sắc

- Thể thơ 5 chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc
- Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt là một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại và nâng cao, gây ấn tượng đậm đà
- Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự phát triển của hình tượng mùa xuân: từ mùa xuân đất trời -> đất nước -> con người
- Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả: Ở đoạn đầu vui, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, rồi phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động hăng say của đất nước. Và cuối cùng là trầm lắng, hơi nghiêm trang mà tha thiết bộc bạch, tâm niệm

V. Trong phần đầu bài thơ, tác giả dùng đại từ “tôi” sang phần sau lại dùng đại từ “ta”. Em hiểu như thế nào về sự chuyển đổi đại từ nhân xưng ấy của chủ thể trữ tình
- Tôi và ta đều là đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất
- Giữa hai phần của bài thơ có sự chuyển đổi đại từ nhân xưng của chủ thể trữ tình từ “tôi” sang “ta”. Điều này không phải hoàn toàn là ngẫu nhiên mà đã được tác giả sử dụng như một dụng ý nghệ thuật thích hợp với sự chuyển biến của cảm xúc và tư tưởng trong bài thơ. Chữ “tôi” trong câu “tôi đưa tay tôi hứng” ở khổ thơ đầu vừa thể hiện một cái “tôi” cụ thể rất riêng của nhà thơ, vừa thể hiện được sự nâng niu, trân trọng với vẻ đẹp và sự sống của mùa xuân. Nếu thay bằng chữ “ta” thì hoàn toàn không thích hợp với nội dung cảm xúc ấy mà chỉ vẽ ra một tư thế có vẻ phô trương
- Còn trong phần sau, khi bày tỏ điều tâm niệm tha thiết như một khát vọng được dâng hiến giá trị tinh túy của đời mình cho cuộc đời chung thì đại từ “ta” lại tạo được sắc thái quan trọng. thiêng liêng của một lời nguyện ước
- Hơn nữa, điều tâm nguyện ấy không chỉ của riêng nhà thơ, mà của biết bào thế hệ người Việt Nam đang sống và cống hiến cho sự nghiệp chung, cái “tôi” của tác giả đã nói thay cho nhiều cái “tôi” khá, nó nhất thiết phải hóa thân thành cái “ta”. Nhưng “ta” mà không hề chung chung vô hình, mà vẫn nhận ra được một giọng nhỏ nhẹ, khiêm nhường, đằm thắm của cái “tôi” Thanh Hải
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top