• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Một số vấn đề về lôgic của ngôn ngữ tự nhiên (qua cứ liệu tiếng Việt)

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Tác giả: Hoàng Phê

I. Lôgic của ngôn ngữ tự nhiên

Những dữ kiện của ngôn ngữ tự nhiên chúng ta có được là ngôn ngữ giao tiếp, thực chất là ngôn ngữ đối thoại. Mà ngôn ngữ - công cụ giao tiếp không phải là đồng nhất với ngôn ngữ - công cụ tư duy. Khi nói: Nó mà thi đỗ thì tôi xin đi đằng đầu, thì người nói không hề có ý nghĩa gì về chuyện “đi đằng đầu” hay “không đi đằng đầu”, và đây cũng không hề có hai mệnh đề liên hệ bằng một quy tắc kéo theo (… mà… thì…), mà chỉ là một lời phủ định dứt khoát: “nó không thể nào đỗ được, tôi cam đoan với anh như vậy”. Hoặc khi nói: “Thử hỏi có ai đối xử với bạn như tôi với anh hay không, thì đây không phải là một câu hỏi trực tiếp, mà là một lời chê trách, người nói gợi cho người đối thoại hãy tự hỏi mình, tự trả lời, tự rút ra kết luận: “đúng là không có ai đối xử với mình (tốt) như anh ta, thế mà mình đối xử với anh ta lại không được tốt, quả mình là người tệ bạc”.

Trên nguyên tắc cũng như trong thực tế, nhiều khi không thể nói ra những ý nghĩ của mình một cách hoàn toàn đầy đủ và chính xác. Ý nghĩ là trừu tượng, không định hình, thường luôn là biến động, có thể cùng một lúc có nhiều ý nghĩ khác nhau, có khi là những ý nghĩ cực kỳ phong phú, sâu sắc. Trong khi đó ngôn ngữ là một chuỗi những ký hiệu cụ thể, nối tiếp nhau thành hình tuyến và có giới hạn nhất định. Nhưng giao tiếp bằng ngôn ngữ là sự giao tiếp giữa hai đối tượng có khả năng tư duy căn bản giống nhau, một nền những nhận thức chung, những điều hai ban đều đã biết, và những kinh nghiệm chung sử dụng một ngôn ngữ cụ thể để giao tiếp. Người nói tận dụng những điều kiện thuận lợi đó, thường chọn một cách nói tiết kiệm và có hiệu lực nhất, một mặt nói dưới dạng không nói (tiền giả định) những gì người đối thoại cũng đã biết, hoặc có thể coi như đã biết, mặt khác gợi ý (hàm ngôn) để cho người đối thoại suy ra mà tự hiểu lấy, cũng tức là gợi ra ở người đối thoại một quá trình tư duy như mình yêu cầu.

Như vậy, ngôn ngữ dùng trong giao tiếp cũng tức là ngôn ngữ tự nhiên, có cái lôgic riêng của nó. Sau đây là một số vấn đề của lôgic của ngôn ngữ tự nhiên, qua cứ liệu của tiếng Việt.

I. Khẳng định và phủ định

1. Tương ứng với các giá trị đúng và sai trong lôgic truyền thống, trong ngôn ngữ có khẳng định và phủ định. Nhưng khẳng định và phủ định trong ngôn ngữ thường không làm thành một cặp khái niệm phản nghĩa (contradictory) như trong lôgic truyền thống với hai giá trị, mà làm thành một cặp khái niệm trái nghĩa (contrary), giữa khẳng định hoàn toàn và phủ định hoàn toàn thường còn có nửa khẳng định và nửa phủ định, khẳng định nhiều hơn là phủ định, phủ định nhiều hơn là khẳng định, v.v…với những mức độ khác nhau. Về mặt này lôgic của ngôn ngữ tự nhiên là một lôgic đã có giá trị, nhiều khi là lôgic mờ (fuzzy logic).

2. Những yếu tố hiệu dụng học (pragmatics) và những yêu cầu của hành vi ngôn ngữ làm khẳng định và phủ định trong ngôn ngữ tự nhiên đồng thời phản ánh trực tiếp sự đánh giá chủ quan của người nói và yêu cầu của người nói tác động đến người đối thoại, và phản ánh gián tiếp sự đánh giá và thái độ của người đối thoại, nhận thức trước đó của người nói và người đối thoại v.v…, do đó mà có nhiều hình thức khẳng định và phủ định, có giá trị lôgic – tình thái khác nhau. Thí dụ, trong tiếng Việt, bên cạnh hình thức phủ định đơn thuần: Nó không chịu, còn có: Nó không chịu đâu (anh đừng nghĩ là nó chịu), Nó có chịu đâu (rõ ràng là nó không chịu, chúng ta đừng nghĩ là nó chịu), Nó đâu có chịu (anh bảo là nó chịu, là sao), Nó mà chịu ! (tôi nghi ngờ khó mà nó chịu), Đời nào nó chịu ! (dứt khoát là nó không chịu), Tưởng là nó chịu (trước đây nghĩ lầm là nó chịu, bây giờ biết là nó không chịu), Nó không chịu thật (đúng là nó không chịu, khong có gì còn phải nghi ngờ), Nó không chịu thật đấy, Nó có mà chịu !, Nó cịu đâu mà !, Nó mà chịu thì tôi xin đi đằng đầu v.v…

3. Ngoài hình thức khẳng định và phủ định bằng biển ngôn, ngôn ngữ tự nhiên còn dùng những hình thức khẳng định và phủ định bằng hàm ngôn, thường là để tác động đến người đối thoại một cách mạnh mẽ hơn, hoặc trái lại nhẹ nhàng hơn. Thí dụ, câu nói nổi tiếng của Trần Hưng Đạo trả lời vua Trần Nhân Tông: Xin bệ hạ hãy chém đầu thần trước rồi sẽ hàng ! (so sánh: Kiên quyết không hàng !).

II. Suy ý

1. Tương ứng với suy lý trong lôgic học, trong ngôn ngữ tự nhiên có hình thức suy lý đặc biệt, từ hiển ngôn (và tiền giả định) suy ra hàm ngôn, suy ra cái ý người nói muốn nói, nó có một nội dung thường không phải là đơn thuần lôgic, mà là lôgic tình thái. Chúng tôi đề nghị gọi hình thức suy lý này là suy ý (ký hiệu P # Q, nói P tức là ý muốn nói Q).

2. Suy ý có những quy tắc riêng của nó, dựa trên cơ sở các quy tắc suy lý, nhưng không đồng nhất với các quy tắc suy lý. Chẳng hạn, từ P --> Q suy ý thường cho phép kết luận P --> (nhiều khả năng) Q. Thí dụ: Nếu trời đẹp thì tôi đến anh, “nếu trời mưa thì (có nhiều khả năng” tôi không đến” (nếu người nói không muốn nói như vậy, thì thường nói rõ: Nếu trời đẹp thì tôi đến anh, còn nếu trời mưa thì chưa chắc, để triệt tiêu suy ý nói trên). Hoặc từ 'x ^ 'y và P (x), với x và y thuộc cùng một vũ trụ đề cập (universe of discourse), suy ý thường cho phép kết luận P(y), thí dụ: Có hai bài toán, bài trước khó, “bài sau không khó” (so sánh: Có hai bài toán, bài trước khó, bài sau cũng khó / bài sau càng khó khơn / còn bài sau thì không rõ).

3. Suy ý thường có hình thức suy lý rút gọn (enthymeme), phụ thuộc vào ngữ huống và thường liên kết với nhau thành chuỗi. Trường hợp thường gặp nhất là tiền giả định là một tiền đề và hàm ngôn là kết luận. Thí dụ trong tiếng Việt: Bài toán trước nó còn làm được nữa là, có nội dung lôgic - ngữ nghĩa sau đây (tiền giả định đặt trong ngoặc vuông):

hoangphe.jpg


4. Tục ngữ thường được sử dụng như một hình thức hiển ngôn súc tích làm cơ sở cho một sự suy ý, dựa trên so sánh. Thí dụ, trong tiếng Việt: Vạn sự khởi đầu nan, là cơ sở cho một chuỗi những suy ý sau đây: Mọi việc bắt đầu đều khó = “về sau dễ hơn” = “bắt đầu khó mà làm được thì về sau dễ hơn cũng làm được” = “mọi việc đều làm được nếu không sợ cái khó ban đầu” = “trong việc cụ thể này cũng vậy, đừng thấy cái khó ban đầu mà sợ”.

5. Suy ý dựa vào nội dung ngữ nghĩa hơn là dựa vào hình thức của câu. Nhiều khi những hình thức phi lôgic được sử dụng để diễn đạt, bằng hàm ngôn, những ý nghĩ muốn nhấn mạnh hoặc những tư tưởng sâu sắc, mà hoàn toàn không thể nào diễn đạt được đầy đủ bằng hiển ngôn. Thí dụ: “Rồi ý sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống ! (…). Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới là cách nói sâu sắc nhất, cho nên nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong văn học là nghệ thuật nói bằng hàm ngôn.

IV. Toán tử lôgic – tình thái

1. Ngôn ngữ tự nhiên nào cũng có những hình thức ngôn ngữ tương ứng với các toán tử lôgic (như và, hoặc, không, nếu … thì …, trong tiếng Việt). Nhưng đồng thời, ngôn ngữ tự nhiên nào cũng còn sử dụng một loạt những phương tiện ngôn ngữ như là những toán tử trong lôgic, tổ hợp với các đơn vị cú pháp (thành phần câu, câu) để tạo ra những đơn vị cú pháp mới, thường cùng một cấp độ và thường được dùng thành những lời, phát ngôn, có một kiểu nội dung lôgic – tình thái nhất định, đáp ứng những yêu cầu đa dạng của giao tiếp. Những phương tiện ngôn ngữ này, chúng tôi đề nghị gọi là những toán tử lôgic – tình thái (logical modal operators). Thí dụ, trong tiếng Việt, tương ứng với toán tử kéo theo P --> Q, không chỉ có Nếu P thì Q mà còn một loạt toán tử lôgic – hình thái biểu thị tiền giả định khác nhau về P và Q, tạo nên những hàm ngôn khác nhau: Nếu như P thì Q; Giá như P thì Q; Giá mà P thì Q; Nếu mà P thì Q, Nếu quả P thì Q; Giả dụ P thì Q; Hễ P thì Q; Hễ mà P thì Q; Hễ cứ P thì Q; Nhược bằng P thì Q; (mà) P thì Q, Đã P là Q; P là Q; thành thử Q; P, cho nên Q; P, nên chi Q; Q, nếu P; Q, nếu như P; Q, nếu quả P; Q trừ phi P v.v… Thí dụ, Giá như nó thi thì đã đỗ rồi (Giá như P thì Q) có tiền giả định P (“nó đã không thi), Q (“việc nó không thi là điều đáng tiếc”). Hoặc là, trong tiếng Việt, từ câu khẳng định đơn giản Tôi đi, sử dụng các toán tử lôgic – tình thái đây, đấy, nhé v.v…, có thể tạo ra hàng loạt những phát ngôn sau đây: Tôi đi đây; Tôi đi đấy, Tôi đi nhé !; Tôi đi chứ; Tôi đi mà; Tôi đi đấy nhé !; Tôi đi chứ nhỉ; Tôi mà đi ?; Tôi chẳng đi đâu; Tôi đâu có đi; Đời nào tôi đi !; Tôi đi làm gì v.v…

2. Về hình thức toán tử lôgic – tình thái có thể là từ, tổ hợp từ, có khi câu, hoặc chỉ đơn giản là ngữ điệu (so sánh trong tiếng Việt: “Anh đi” (khẳng định) và “Anh đi ?” (nghi vấn). Nhưng mỗi toán tử lôgic – tình thái là một chỉnh thể, một đơn vị đặc biệt. Co sẵn trong ngôn ngữ, có chức năng riêng, không thể phân tích ra thành các thành tố, và nên tách riêng ra khi phân tích cú pháp câu. Tôi nghĩ rằng, khi là một toán tử lôgic – tình thái thì là một đơn vị có sẵn trong tiếng Việt biểu thị ý khẳng định có phần dè dặt và khiêm tốn, người nói nêu ra một nhận định như muốn trao đổi ý kiến với người đối thoại, mặc dầu có hình thức câu, nó không phải là một câu, và “Tôi nghĩ rằng việc ấy là cần” về cú pháp câu chỉ là một câu đơn, tương tự như Nhất định / Chắc chắn / Có lẽ / Có thể việc ấy là cần.

3. Toán tử lôgic – tình thái thường dùng để tạo ra những lời có cấu trúc lôgic - ngữ nghĩa nhiều tầng: tiền giả định, hiển ngôn, hàm ngôn (như… còn… nữa là trong bài Bài toán trước nó còn làm được nữa là). Tiền giả định có thể thay đổi tùy theo ngữ huống, dẫn đến hàm ngôn, hiệu lực dĩ ngôn (illocutionary force) và toàn bộ ngữ nghĩa của lời cũng thay đổi. P, trừ phi Q trong tiếng Việt có nội dung lôgic <-- Q, với tiền giả định “có nhiều khả năng Q”, tùy hoàn cảnh phát ngôn với tiền giả định được cụ thể hóa khác nhau có thể có hàm ngôn 1) có nhiều khả năng P (Tôi sẽ đến anh, trừ phi trời mừa); 2) Chắc chắn P (Bệnh này không thể qua khỏi, trừ phi có thuốc tiên); 3) Có thể P (Bệnh này không thể qua khỏi, trừ phi mổ kịp thời), nói khi bệnh nhân đang được mổ, có thể là kịp thời); 4) Chắc chắn Q (Nó ngày nào cũng uống rượu, trừ phi túi không có tiền, nói trong trường hợp nó đang uống rượu); 5) Chắc chắn Q (Nó ngày nào cũng uống rượu, trừ phi tuí không có tiền, nói trong trường hợp hiện nó không uống rượu). Đặc biệt, có những toán tử lôgic – tình thái gợi ra cả một nội dung suy lý (như thử hỏi trong Thử hỏi có ai đối xử với bạn như tôi với anh hay không ?).

4. Số lượng toán tử lôgic – tình thái trong mỗi ngôn ngữ có thể là hàng mấy trăm. Có thể dựa vào chức năng ngữ nghĩa để phân loại, chẳng hạn thành toán tử khẳng định, toán tử phủ định, toán tử nghi vấn, toán tử giả thiết, toán tử ngữ vi (performative) v.v…, trong mỗi loại lại có thể phân thành tiểu loại, như khẳng định dứt khoát, khẳng định dè dặt, khẳng định bác bỏ, khẳng định thuyết phục, khẳng định giải thích, khẳng định nhượng bộ v.v…

5. Phần lớn toán tử lôgic – tình thái có những hình thức tương đương trong các ngôn ngữ. Nhưng mỗi ngôn ngữ tự nhiên có hệ thống toán tử lôgic – tình thái của mình với những đặc trưng riêng. Có lẽ mỗi ngôn ngữ đều có một số toán tử lôgic – tình thái rất khó tìm được những toán tử hoàn toàn tương đương trong nhiều ngôn ngữ khác (ví dụ, với tiếng Việt, phải chăng đó là những toán tử lôgic – tình thái trong: Hay thì có hay nhưng nghe hơi buồn; Ngốc ơi là ngốc !; Thật là con với cái !; Tôi đã bảo mà !, v.v…). Việc miêu tả đầy đủ các toán tử lôgic – tình thái của mỗi ngôn ngữ, nghiên cứu so sánh hệ thống toán tử lôgic – tình thái của các ngôn ngữ khác nhau có lẽ sẽ mang lại những nhận xét thú vị về cái chung và cái riêng trong lôgic của các ngôn ngữ.

Lôgic của ngôn ngữ tự nhiên nói chung và tính đặc thù của lôgic của mỗi ngôn ngữ tự nhiên nói riêng cho đến nay chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Là công cụ tư duy, ngôn ngữ cũng là đối tượng nghiên cứu của lôgic học. Nhưng lôgic học nghiên cứu của ngôn ngữ nghiên cứu những dữ kiẹn của ngôn ngữ, lôgic học trừu tượng hóa những yếu tố của giao tiếp đề nhằm đạt tới cái ngôn ngữ “hiện thực trực tiếp của tư duy”. Phải chăng cũng nên vận dụng và phát triển phương pháp lôgic học nghiên cứu ngôn ngữ về mặt là công cụ giao tiếp, phát hiện và miêu tả lôgic của ngôn ngữ tự nhiên. Và phải chăng đó chính là nhiệm vụ của một khoa học liên ngành, lôgic – ngôn ngữ học, bên cạnh các khoa học liên ngành khác, dân tộc – ngôn ngữ học, tâm lý – ngôn ngữ học, xã hội – ngôn ngữ học, thần kinh – ngôn ngữ học, ngôn ngữ học toán học.

Tác giả: Hoàng Phê
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top