Một số tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam

  • Thread starter Thread starter vàng
  • Ngày gửi Ngày gửi

vàng

New member
Xu
0
Một số tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam


Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình.

Tín ngưỡng dân gian: Với quan niệm cho rằng bất cứ vật gì cũng có linh hồn, nên người xưa đã thờ rất nhiều thần linh, đặc biệt là những sự vật có liên quan đến nông nghiệp như trời, trăng, đất, rừng, sông, núi… để được phù hộ. Đối với các dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có hình thái tín ngưỡng riêng của mình. Tuy nhiên, đặc trưng nhất là các hình thái tín ngưỡng nguyên thủy và tín ngưỡng dân gian ngày nay còn lưu giữ được trong các nhóm dân tộc như nhóm Tày-Thái, nhóm Hmông-Dao; nhóm Hoa-Sán Dìu-Ngái; nhóm Chăm-Ê đê-Gia Rai; nhóm Môn-Khơ me.

Bên cạnh đó, một phong tục, tập quán lâu đời phổ biến nhất của người Việt và một số dân tộc thiểu số khác là việc thờ cúng tổ tiên và cúng giỗ những người đã mất. Ở các gia đình người Việt, nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên và việc cúng giỗ, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân rất được coi trọng. Bên cạnh việc cúng giỗ tổ tiên ở từng gia đình, dòng họ, nhiều làng ở Việt Nam có đình thờ thành hoàng. Tục thờ thành hoàng và ngôi đình làng là đặc điểm độc đáo của làng quê Việt Nam. Thần thành hoàng được thờ trong các đình làng có thể là các vị thần linh hoặc là những nhân vật kiệt xuất có nhiều công lao to lớn như những ông tổ làng nghề hoặc anh hùng dân tộc có công “khai công lập quốc”, chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, người Việt còn thờ các dạng thần như thần bếp, thần thổ công…

Các tôn giáo: Ở Việt Nam hiện có 06 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hoà Hảo.

Phật giáo: Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, Phật giáo Việt Nam có bước phát triển mới cùng với nền độc lập của dân tộc. Thời Lý-Trần (từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIV) là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo ở Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông là người sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên tử mang bản sắc Việt Nam với tinh thần sáng tạo, dung hợp và nhập thế. Phật giáo Nam Tông truyền vào phía nam của Việt Nam từ thế kỷ IV sau Công nguyên. Tín đồ Phật giáo Nam Tông chủ yếu là đồng bào Khơ-me, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long nên gọi là Phật giáo Nam Tông Khơ-me. Phật giáo hiện nay ở Việt Nam có khoảng 10 triệu tín đồ, gần 17.000 cơ sở thờ tự, khoảng 40.000 tăng ni và 36 trường đào tạo các chức sắc tôn giáo.

Công giáo: Nhiều nhà nghiên cứu sử học Công giáo lấy năm 1533 là thời mốc đánh dấu việc truyền đạo Công giáo vào Việt Nam. Từ năm 1533 đến năm 1614, chủ yếu là các giáo sĩ dòng Phan-xi-cô thuộc Bồ Đào Nha và dòng Đa minh thuộc Tây Ban Nha đi theo những thuyền buôn vào Việt Nam. Từ năm 1615 đến năm 1665, các giáo sĩ dòng Tên thuộc Bồ Đào Nha từ Ma-cao (Macau, Trung Quốc) vào Việt Nam hoạt động ở cả Đàng Trong (nam sông Gianh), Đàng Ngoài (bắc sông Gianh). Đến nay, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam có 26 giáo phận, khoảng 6 triệu tín đồ, 6.270 cơ sở thờ tự, 19.000 chức sắc, 06 Đại chủng viện và 02 cơ sở II đào tạo các chức sắc tôn giáo.

Tin Lành: Đạo Tin lành có mặt tại Việt Nam muộn hơn so với các tôn giáo du nhập từ bên ngoài, vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do tổ chức Liên hiệp Phúc âm Truyền giáo (The Christian and Missionary Alliance-CMA) truyền vào. Năm 1911 được xem là thời mốc xác nhận việc truyền đạo Tin lành vào Việt Nam. Hiện đạo Tin Lành có trên 1 triệu tín đồ, 500 chức sắc, 300 cơ sở thờ tự, 01 Viện Thánh kinh thần học.

Đạo Hồi: Ở Việt Nam, tín đồ đạo Hồi chủ yếu là người Chăm. Theo tư liệu lịch sử, người Chăm đã biết đến đạo Hồi từ thế kỷ X-XI. Có hai khối người Chăm theo đạo Hồi: một là, khối người Chăm theo đạo Hồi ở Ninh Thuận, Bình Thuận là khối Hồi giáo cũ hay còn gọi là Chăm Bà-ni; hai là, khối người Chăm theo đạo Hồi ở Châu Đốc (An Giang), thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai là khối đạo Hồi mới hay còn gọi là Chăm Islam. Hiện nay Đạo Hồi ở Việt Nam có khoảng 72.000 tín đồ, 79 cơ sở thờ tự, 700 vị chức sắc.

Đạo Cao Đài: Là một tôn giáo bản địa. Giữa tháng 11/1926 (ngày 15/10 năm Bính Dần), những chức sắc đầu tiên của đạo Cao đài tổ chức lễ khai đạo tại chùa Gò Kén-Tây Ninh chính thức cho ra mắt đạo Cao đài. Hiện nay, đạo Cao Đài có khoảng 2,4 triệu tín đồ, 31.700 chức sắc, hơn 100 cơ sở thờ tự.

Phật giáo Hòa Hảo: Là một tôn giáo bản địa do ông Huỳnh Phú Sổ làm lễ khai đạo vào ngày 18/5 năm Kỷ Mão (ngày 4/7/1939) tại làng Hòa Hảo, tỉnh An Giang. Hiện nay Phật giáo Hòa Hảo có khoảng 1,3 triệu tín đồ, hơn 1.700 chức sắc, 1.200 cơ sở thờ tự.

Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của công dân Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam, điều 70 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ 15/11/2004, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi công dân - không phân biệt có hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo - đều bình đẳng trước pháp luật; có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; được bày tỏ đức tin tôn giáo của mình; được thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt phục vụ lễ nghi tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, điện, đền, trụ sở của tổ chức tôn giáo, trường lớp tôn giáo, kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng của tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 1/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP để hướng dẫn một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ: Tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam có khoảng 20 triệu tín đồ của 12 tôn giáo và 30 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, 83.368 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 25.331 cơ sở thờ tự tôn giáo, ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở tín ngưỡng dân gian.

Tín đồ tôn giáo hoàn toàn tự do trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được tự do trong việc thực hành các hoạt động tôn giáo theo giáo luật. Việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc được thực hiện theo quy định của giáo hội. Các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân trong những năm qua đều có sự phát triển về số lượng cơ sở giáo hội, về tín đồ, chức sắc nhà tu hành, về việc xây dựng mới hoặc tu bổ các cơ sở thờ tự, bảo đảm kinh sách, các hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và giáo lý, giáo luật. Các chức sắc, nhà tu hành được tham gia học tập, đào tạo ở trong nước và nước ngoài hoặc tham gia các sinh hoạt tôn giáo ở nước ngoài. Nhiều tổ chức tôn giáo nước ngoài đã vào giao lưu với các tổ chức tôn giáo Việt Nam.

Từ ngày 13-17/5/2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 4.000 đại biểu chính thức trong đó có gần 2.000 đại biểu đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 200 Việt Kiều từ các châu lục; Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI vào năm 2010 tại Hà Nội.

Các ấn phẩm tôn giáo: Việc in kinh sách và xuất bản các ấn phẩm khác liên quan đến tôn giáo được duy trì thường xuyên, bảo đảm phục vụ yêu cầu hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Năm 2008, Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản 613 đầu sách với 1.768.000 bản in và 251 ấn phẩm tôn giáo với 297.200 bản. Hiện nay các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã có các báo như: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Báo Giác ngộ của Phật giáo; Tập san Hiệp thông, Báo Người Công giáo Việt Nam, Báo Công giáo và Dân tộc của Công giáo; Tạp văn Hương sen của Phật giáo Hòa Hảo; Bản tin Mục vụ và Bản tin Thông công của Tin lành…


ST
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top