Một số phong tục đón năm mới ở các nước

Bút Nghiên

ButNghien.com
Một số phong tục đón năm mới ở các nước​

Lần đầu người châu Âu đón năm mới vào ngày 1-1, bắt đầu từ đêm 31-12 năm 999 sang ngày đầu tiên của năm 1000. Bấy giờ, theo một số nhà tiên tri, cùng với năm 1000 sẽ là ngày tận thế. Mọi người rất lo sợ năm mới đến, nhưng tới nửa đêm vẫn không phải là lúc tận thế, thì ai nấy đều rất vui mừng và bổ đến chúc mừng nhau. Từ đó, đón năm mới vào ngày đầu năm trở thành một truyền thống ở châu Âu.

Ðón năm mới là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Nga trong năm, bởi đây là ngày lễ của Hạnh phúc và Bình an. "Cây thông năm mới số 1" của nước Nga vẫn là cây thông trong khuôn viên Ðiện Crem-li ở Mát-xcơ-va. Khu vực Cây thông năm mới số 1 này là địa điểm vui chơi của thiếu nhi khắp cả nước.

Tại Ba Lan cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, đêm 31-12 rạng sáng 1-1 là thời gian của những cuộc vui, trò chơi, vũ hội và những hội hóa trang. Trước lúc nửa đêm người ta thường đếm ngược thời gian. Những giây cuối cùng mọi người đều nâng ly sâm-banh, đồng thanh đếm: "mười, chín, tám..." Ðúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới.

Tại Séc vào dịp năm mới, mọi người trong gia đình thường cùng nhau ngồi quanh bàn tiệc dùng món cháo tấm - được gọi là "súp triệu hạt". Những hạt tấm nhỏ tượng trưng các đồng xu, và có nghĩa là ai ăn món này thì trong năm mới sẽ luôn có nhiều tiền. Một trong những tập tục truyền thống đón năm mới ở Séc là trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được phơi quần áo lót, nếu không thì trong năm mới thế nào trong nhà cũng có người bị chết, cũng không được quét nhà và đổ rác ra khỏi nhà.

Người Anh đón năm mới với nhiều món ăn ngon, pháo hoa và những chuyến đi mua sắm kéo dài hàng giờ để tìm kiếm hàng giảm giá.

Nếu như vào dịp lễ Giáng sinh người dân I-ta-li-a dưới chân dãy núi An-pơ thường tụ họp trong gia đình thì vào ngày lễ năm mới họ thích gặp gỡ các bạn bè ở những nơi đông người và ồn ã. Chính vì vậy, những nơi phù hợp là các nhà hàng, quán ba, sàn nhảy, quảng trường, vườn hoa.

Bàn tiệc đón năm mới của người Ác-mê-ni-a gồm một số món khai vị bánh kẹo và hoa quả. Thú ẩm thực của người Ác-mê-ni-a khác những nơi khác bởi sự phong phú về mầu sắc, của các món thịt. Món chính trên bàn tiệc là dăm bông thịt lợn ướp với nhiều loại gia vị đặc trưng như tỏi, lá vang, ớt tiêu cay và ớt đỏ, gà tây nướng với táo đỏ trong lò...

Năm mới ở Gru-di-a được đón hai lần: từ ngày 31-12 sang ngày 1-1 và từ ngày 13 sang 14-1 theo kiểu cũ. Vì vậy, ngày lễ Giáng sinh của những người Gru-di-a theo đạo Thiên chúa được tính từ đêm 7-1. Do những người có đạo ở Gru-di-a thường giữ nếp ăn kiêng nghiêm ngặt trước ngày lễ Giáng sinh nên bàn tiệc đón Năm mới đêm giao thừa được chuẩn bị rất thịnh soạn. Món ăn chính trong bữa tiệc giao thừa là món xa-xi-vi. Ðó là một con gà tây quay dội nước sốt quả hạnh nhân. Người Gru-di-a đón năm mới với cây thông, rất đặc biệt, được gọi là tri-tri-lắc-ki. Ðó là một khúc gỗ được chạm trổ cầu kỳ, trên có treo các loại kẹo ngọt và được ngâm trong một chậu bột, như biểu tượng của may mắn và đầy đủ trong nhà.

Năm mới ở Nhật Bản là ngày lễ lớn nhất. Việc chuẩn bị đón năm mới chủ yếu là dọn dẹp, lau chùi thật sạch sẽ nhà cửa để loại bỏ hết mọi thứ "rác rưởi của năm cũ" và đón năm mới trong không gian chung quanh sạch sẽ với những ý tưởng mới. Cần phải nghe đủ 108 tiếng chuông chùa để có những điều tốt đẹp. Tương truyền rằng, những tiếng chuông này có thể đánh đuổi 108 ý đồ xấu xa của con người. Năm mới, chính là thời điểm bắt đầu những cái mới, bởi vậy những gì đã bắt đầu và thực hiện trước đó, cần phải được kết thúc. Tất cả các công ty và các hãng đều tiến hành những buổi bonekai "những buổi lễ quên năm cũ". Mọi người để lại phía sau tất cả những gì không tốt đẹp và lo âu xảy ra trong năm cũ, chuẩn bị đón năm mới với "trí lực thông tuệ và lương tâm trong sạch". Phong tục phổ biến nhất là đi lễ chùa. Một trong những chùa nổi tiếng nhất là chùa Mây-gi ở Tô-ki-ô, trong ba ngày Tết đón đến vài triệu lượt khách đến vãng cảnh trong trang phục truyền thống. Người đi chùa nhất định phải mua được lá bùa mamori giữ lại suốt năm để được may mắn.

Nguồn: Nhân dân
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top