Một số biểu hiện của sự biến đổi giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay và

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Một số biểu hiện của sự biến đổi giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay và giải pháp khắc phục

Như chúng ta đã biết, nền kinh tế thị trường đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung, giá trị đạo đức vốn được coi là truyền thống đạo đức của mỗi quốc gia nói riêng. Hiện tượng suy đồi đạo đức đang trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cũng như việc xây dựng hệ giá trị đạo đức mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được giải quyết. Không phải ngẫu nhiên mà một số người cho rằng, nền đạo đức ở nước ta hiện nay đang có nguy cơ trượt dốc. Thực tế cho thấy rằng, trong đời sống xã hội đã có những biểu hiện coi nhẹ những giá trị truyền thống, chạy theo thị hiếu không lành mạnh. Đáng chú ý là, "tệ sùng bái” nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh dự mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng.


Một điều đáng buồn là tình trạng giáo dục trong gia đình bị buông lỏng, từ đó xuất hiện "bụi nhà". Không những quan hệ giữa con người với nhau trên thị trường bị đồng tiền chi phối, mà cả những quan hệ trong gia đình cũng bị sức mạnh của đồng tiền làm băng hoại. Vì sự cám dỗ của đồng tiền mà người ta sẵn sàng để cho người thân của mình bán rẻ nhân phẩm, tiếp tay cho các tệ nạn xã hội. Vì đồng tiền mà con cái hành hung cha mẹ, anh em từ bỏ nhau, vợ chồng ly tán... các quan hệ trong gia đình bị đảo lộn. Chính sự rối loạn trong quan hệ gia đình là một trong những nguyên nhân làm cho cái ác, cái bất lương có điều kiện phát triển.


Còn ở nhà trường, đặc biệt là trong giới sinh viên, đã nảy sinh xu hướng quan tâm nhiều đến lợi ích kinh tế của cá nhân, điều đó được biểu hiện trong việc chọn ngành nghề để làm giàu hoặc có quyền lực. Khi tất nghiệp ra trường, phần lớn trong số họ không muốn làm việc ở các cơ quan của tổ chức Đảng, đoàn thể, giáo dục... "Thập nạn" trong sinh viên hiện nay, như
tiêu cực trong thi cử, cờ bạc, quan hệ tình dục phóng túng, mê tín dị đoan, uống rượu say, nghiện hút, cắm quán, trộm cướp, ham mê văn hoá phẩm đồi truỵ, vô kỷ luật, mất trật tự vệ sinh, đua đòi, chạy theo lối sống tiêu dùng cho thấy, thực trạng đạo đức sinh viên đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, giải quyết.

Ngoài xã hội đã xuất hiện những cách sống và lối sống xa lạ, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Một bộ phận trong các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội khi mưu cầu lợi ích cá nhân đã chà đạp lên những khuôn mẫu, những giá trị đạo đức truyền thống. Nạn tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính và các tệ nạn xã hội khác đang phát triển. Đặc biệt, "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về đạo đức và lối sống. Thực tế cho thấy rằng, những năm gần đây, số vụ buôn lậu, buôn bán ma tuý, làm hàng giả được phát hiện ngày càng tăng. Một bộ phận trong lớp trẻ hiện nay có xu hướng chạy theo lối sống thực dụng, buông thả, sùng bái đồng tiền, quay lưng lại với các giá trị văn hoá truyền thống, đạo đức truyền thống. Trái với truyền thống coi trọng tình nhân ái của dân tộc ta, một bộ phận trong nhân dân, chủ yếu là lớp trẻ, vị thành niên đã và đang sa vào cuộc sống bạo lực, phi nhân tính. Tình hình tội phạm hình sự ở Việt Nam trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường đang ở mức khá nghiêm trọng so với trước.
Một loạt tội danh mới nguy hiểm đã xuất hiện, như khủng bố cá nhân, tống tiền, bắt cóc trẻ em, buôn bấn phụ nữ, buôn bán chất nổ, chất ma tuý với số lượng lớn, tổ chức đâm thuê chém mướn, môi giới mại dâm, xì ke ma tuý. Tình hình phụ nữ phạm tội và các vụ phạm tội do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng.

Thực trạng và những vấn đề đặt ra trên đây phần nào đã cảnh báo cho chúng ta biết được vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp.
Các bậc thang giá trị bị đảo lộn. Cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa lối sống lành mạnh, trung thực, có lý tưởng, có tinh thần bảo vệ và xây đựng đất nước... với lối sống sa đọa, ích kỷ, thực dụng, bạo lực giữa cái thiện và cái ác vẫn đang không ngừng diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng, song bên cạnh những điều tốt, những cái hay được du nhập vào đời sống xã hội Việt Nam thì đồng thời, những cái tiêu cực, cái xấu, cái đáng lên án cũng đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân.

Thực trạng của sự biến đổi giá trị đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam như đã nêu trên là vấn đề đáng lo ngại và cần báo động. Nó không chỉ là mối quan tâm của một số người, một số cơ quan nghiên cứu, mà là vấn đề của toàn Đảng, toàn dân. Nếu chúng ta không có sự quan tâm đúng mức, không có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết và ngăn chặn kịp thời những tiêu cực về mặt đạo đức đó, thì hậu quả của nó đối với đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước là hết sức nghiêm trọng, không thể lường hết được.


Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như của Việt Nam đã chỉ ra rằng, chúng ta không thể chấp nhận một sự tăng trưởng đơn thuần về kinh tế, với cái giá phải trả là sự mai một bản sắc văn hoá dân tộc, sự huỷ hoại các giá trị đạo đức truyền thống. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: "
Trong khi chăm lo phát triển kinh tế, coi đó là nhiệm vụ trung tâm, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, động lực tạo ra sự phồn vinh và phát triển lâu bền của quốc gia không chỉ đơn thuần là vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến và tài nguyên thiên nhiên giàu có, mặc dù điều đó là quan trọng, mà chủ yếu là do trí tuệ của con người, do khả năng sáng tạo của toàn dân được hình thành từ truyền thống văn hoá Việt Nam. Đó là kho tàng tri thức, tâm hồn, đạo lý, tính cách, lối sống, trình độ thẩm mỹ của từng người và của cả cộng đồng dân tộc".

Để giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi, trước hết chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho toàn xã hội, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Bởi lẽ, một thực tế không thể phủ nhận được là do thiếu sự giáo dục và tuyên truyền sâu rộng về đạo đức trong nhà trường, nên những hiểu biết của thế hệ trẻ về các giá trị đạo đức, có thể nói, không đầy đủ, thậm chí còn sai lệch ở một số thanh niên.


Trong quá trình xây dựng đất nước,
nếu chúng ta chỉ quan tâm tới tăng trưởng kinh tế mà không chú ý đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống thì sự phát triển xã hội sẽ trở nên lệch lạc, không bền vững. Để giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam, trước hết chúng ta phải coi trọng và quan tâm một cách thực sự đến công tác tuyên truyền và giáo dục, đạo đức cho toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhưng chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong gia đình, trong nhà trường, mà còn phải làm tất cả nhiệm vụ giáo dục đạo đức ngoài xã hội.

Đầu tiên là giáo dục đạo đức trong gia đình. Đây là công việc hết sức quan trọng nhằm tạo tiền đề xuất phát cho giáo dục đạo đức trong nhà trường và ngoài xã hội, bởi gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi người công dân ngay từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Thực tế đã chỉ ra rằng, gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình càng giữ được "gia phong" thì kỷ cương xã hội càng nghiêm minh.


Kết hợp với giáo dục đạo đức trong gia đình, chúng ta cần phải tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Nhà trường là nơi đào tạo con người không những về mặt kiến thức, mà còn giáo đục cả về mặt đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, cho nên nhà trường cần phải giữ kỷ cương, nền nếp học đường, tạo môi trường lý tưởng cho học sinh, sinh viên hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục đạo đức trong nhà trường là làm cho học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị đạo đức nào là cần thiết, có ý nghĩa thiết thực đối với bản thân và xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho họ nhận thức được những giá trị truyền thống, như lòng nhân ái, tinh thần yêu nước, đức tính cần cù, chịu khó, lạc quan, vị tha, trung thực... là những giá trị đích thực, cao đẹp của mỗi con người, hơn nữa, phải làm cho họ nhận thức được sự cần thiết phải thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao năng lực và phẩm chất để không chỉ biết tiếp thu mà còn biết phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong bối cảnh mới. Giáo dục đạo đức trong nhà trường là làm cho học sinh, sinh viên biết trân trọng, yêu quý, cố gắng lĩnh hội và thực hiện các giá trị đạo đức đích thực, đồng thời không chấp nhận những phản giá trị, tích cực đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống.


Cùng với việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức, chúng ta phải đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Bởi lẽ pháp luật và đạo đức đều là những hình thái ý thức xã hội, giữa chúng có mối liên hệ với nhau và đều là những phương thức nhằm điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên, trước hết là làm cho họ hiểu và nắm vững những kiến thức cơ bản về pháp luật để nhờ đó, tránh được những hiện tượng phạm pháp và trở thành những người công dân biết sống và làm việc theo pháp luật. Vì vậy, cùng với các môn khoa học đạo đức, phải xem pháp luật là một nội đung bắt buộc trong chương trình đào tạo ở các bậc học.


Đồng thời với việc tăng cường công tác giáo đục đạo đức ở gia đình và trong nhà trường, chúng ta còn
phải tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi cho việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Bởi lẽ, các giá trị đạo đức truyền thống là của cả cộng đồng dân tộc, nhưng chủ thể gắn liền với truyền thống đó lại là các cá nhân, các nhóm, các tập thể lớn, nhỏ trong cộng đồng dân tộc, nên khi các giá trị đạo đức truyền thống ấy biểu hiện ra một cách không đồng đều giữa các cá nhân, các nhóm hay tập thể thì chúng cũng được phát huy hay suy thoái một cách không đồng đều như vậy. Sự không đồng đều đó là do điều kiện sinh tồn, hoàn cảnh sống của các cá nhân, các nhóm hay tập thể trong cộng đồng không phải lúc nào cũng giống nhau. Chính vì vậy, chúng ta phải quan tâm đến điều kiện sinh tồn, hoàn cảnh sống của các cá nhân, các nhóm hay tập thể trong cộng đồng mới có thể phát huy được các giá trị đạo đức truyền thống hoặc "nuôi dưỡng" các mầm mống đạo đức tốt đẹp mới xuất hiện.

Giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc chính là
làm phong phú nội dung của các giá trị đạo đức truyền thống ấy trong thời đại mới, đem sức mạnh của chúng phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Khi nói rằng một giá trị đạo đức truyền thống nào đó của dân tộc đã được giữ gìn cho đến ngày nay thì trong sự duy trì này đã bao hàm sự biến đổi. Nhưng sự biến đổi này là theo hướng làm phong phú thêm nội đung của giá trị đạo đức truyền thống trong điều kiện lịch sử mới của xã hội. Điều đó có nghĩa là, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được thẩm định, đánh giá lại và phát triển trong điều kiện mới. Chẳng hạn, ở nước ta hiện nay, giá trị đạo đức truyền thống như lòng yêu nước vẫn tiếp tục phát triển nhưng nó đã được bổ sung thêm và gắn liền với tinh thần yêu chủ nghĩa xã hội và tinh thần quốc tế vô sản. Đây không phải chỉ là sự gắn bó có tính hình thức mà thực sự đã làm biến đổi nội đung của tinh thẩn yêu nước, khiến nó vượt qua những hạn chế của lòng yêu nước truyền thống trước đây. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống phải có sự gắn kết với việc tiếp thu những tinh hoa đạo đức của thời đại, của nhân loại. Coi sự kết hợp này như một giải pháp mang tính định hướng, chúng ta không chỉ phải chọn lọc, thẩm định các sản phẩm văn hoá nước ngoài trước khi du nhập vào Việt Nam, mà còn phải làm rõ ý nghĩa thời đại, giá trị trường tồn của các giá trị đạo đức truyền thống.

Nguồn:
Tạp chí Triết học
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top