Môn Tiếng Anh: Muốn điểm cao, làm nhiều bài tập

small star

Moderator
Xu
94
Theo cô giáo Lê Thúy Hải – Giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) – cách ôn luyện tiếng Anh tốt nhất là làm nhiều bài tập. Cách này vừa rèn kỹ năng làm bài, vừa để ôn lại các kiến thức ngữ pháp và cấu trúc từ vựng.
Rèn kỹ năng làm các dạng bài cụ thể

Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, nhiều HS cho tới thời điểm này vẫn còn lo lắng. Các em băn khoăn không biết cần phải làm thế nào để phát huy được hết năng lực của mình, đạt kết quả như ý muốn trong kỳ thi sắp tới.

Trong môn Tiếng Anh, một đề thi trắc nghiệm có 5 dạng bài: Dạng bài ngữ âm (phonetics), dạng bài xác định lỗi sai trong 4 phần gạch chân, dạng bài lựa chọn đáp án đúng (muti choice) phần từ vựng, dạng bài lựa chọn đáp án đúng phần ngữ pháp, dạng bài đọc hiểu.

Phân bố điểm cho 5 dạng bài này tương đối đều nhau, câu khó cũng như câu dễ. Vì vậy, khi làm bài các em nên bố trí thời gian hợp lý. Không nên quá tập trung thời gian cho một dạng bài nào đó, bởi như thế sẽ không thể đạt kết quả tối đa (vì không còn thời gian để làm những dạng bài khác).

Trong 5 dạng trên, dạng bài ngữ âm năm nay mới xuất hiện lần đầu trong đề thi. Ngay cả trong chương trình học trên lớp, phần ngữ âm cũng được đưa vào rất ít. Với dạng bài này, sai lầm các em hay gặp phải là không xác định được trọng âm cũng như nguyên tắc phát âm cơ bản.

Tuy cùng một chữ cái nhưng cách phát âm có thể khác nhau (phụ thuộc vào sự kết hợp với các yếu tố còn lại của từ). Cách khắc phục là HS phải ôn luyện để nắm lại được nguyên tắc phát âm, cách đánh trọng âm. Bên cạnh đó, HS phải luyện tập nhiều. Dạng bài này cũng được đưa ra khá nhiều trong các sách bài tập trắc nghiệm.

Có một dạng bài HS tương đối “sợ”, đó là dạng bài xác định lỗi sai trong số 4 phần gạch chân. Người ta đưa ra một câu tiếng Anh có gạch chân 4 chỗ, trong đó có một chỗ sai. Câu hỏi sẽ là yêu cầu HS xác định chỗ sai. Đây là phần kiến thức tổng hợp. Lỗi sai ở đây có thể thuộc về kiến thức từ vựng, có thể thuộc về kiến thức ngữ pháp hoặc cấu trúc câu. HS phải có kiến thức ngữ pháp thật chắc chắn mới dễ vượt qua dạng bài này.

Có hai dạng bài tương đối quen thuộc với HS, đó là lựa chọn đáp án đúng phần ngữ pháp và phần từ vựng (chúng tôi vẫn gộp chung vào một dạng). Trước đây, khi chưa áp dụng hình thức kiểm tra trắc nghiệm, các em cũng đã được làm dạng bài này trong các bài kiểm tra trên lớp hoặc ở các kỳ thi.

Nhưng vì thế mà sẽ dễ nảy sinh tâm lý chủ quan nên đôi khi bất cẩn làm mất điểm một cách đáng tiếc. Hơn nữa, trước đây HS làm quen với dạng bài này ở những câu đơn lẻ.

Khi đề bài cho dưới dạng ngôn bản (nhiều hơn một câu) thì các em thường gặp khó khăn. Dạng này HS thích và cho là dễ nhất. Tuy nhiên các em cần hết sức cẩn thận tránh sai lầm do vội vàng, bất cẩn.

Một dạng bài khác - dạng bài mà HS ít được điểm tối đa – đó là đọc hiểu. Người ra đề đưa ra một bài đọc, rồi đặt câu hỏi với bài đọc này. Kèm theo câu hỏi là 4 câu trả lời. HS sẽ phải dựa vào nội dung bài đọc để chọn câu trả lời đúng. Trong bài đọc, ngôn ngữ phong phú và cũng thường xuất hiện nhiều từ mới.

Trong khi đó, HS thường chưa quen với kỹ năng đọc. Các em có thói quen dịch nghĩa của từng từ (word by word), gặp từ mới là HS lại muốn làm rõ ngọn ngành nghĩa của từng từ, từng câu. Rất mất thời gian và không cần thiết. Các em nên làm cách là nắm bắt ý chính của cả đoạn và bài, không nên đi sâu vào nghĩa đơn lẻ của từ, cụm từ.

Một khó khăn khác của dạng bài này là có những câu hỏi mang tính khái quát. Các câu trả lời đưa ra cho HS lựa chọn đúng đôi khi 3/4 câu trả lời đều có các yếu tố xuất hiện trong bài. Nếu HS không cẩn thận, cứ nhìn thấy có một cụm từ hoặc một ý gì đó trùng nhau (xuất hiện trong bài) thì lập tức các em khoanh vào đáp án ấy (chọn nhầm đáp án).

Ở dạng này, HS cần đọc để nắm ý của câu, của đoạn và của cả bài khóa. Ví dụ, có những câu hỏi về ý chính của bài mà 4 câu trả lời đưa ra thì có tới 3 câu liên quan tới ý của bài. Vì vậy, cần rất thận trọng chọn câu trả lời chính xác mang ý chính bao trùm và xuyên suốt cả đoạn hoặc cả bài.

Đây là những dạng bài quen thuộc. Đề thi có thể thay đổi dạng đi một chút nhưng cơ bản nó vẫn là hình thức này. Nếu có thay đổi thì biến tướng một chút thôi. Chắc chắn không có gì là lạ, đánh đố, hoặc cho quá khó đối với kiến thức HS đã được học.

Một số điều cần lưu ý

Qua kỳ thi thử trắc nghiệm ở đầu học kỳ II và một số bài kiểm tra trắc nghiệm ở nhiều trường cho thấy HS lớp 12 vẫn chưa có được kỹ năng làm bài trắc nghiệm theo đúng hướng. HS khi đã chọn được đáp án mà mình cho là đúng cần tô đậm bằng bút chì.

Tránh tô quá mờ nhạt không đủ độ để máy quét nhận ra hoặc khi thay đổi đáp án mà bất cẩn không tẩy sạch đáp án đã lựa chọn ban đầu dẫn đến vi phạm nội quy (1 câu chọn 2 đáp án).

Đến thời điểm sắp hết giờ làm bài cần kiểm tra toàn bộ phần trả lời và còn câu nào chưa làm hãy áp dụng phương pháp tình cờ (chọn tô 1 trong 4 vòng tròn) để tránh bỏ sót một số câu. Phân phối thời gian hợp lý cho tổng số câu, tránh mất quá nhiều thời gian vào bài đọc hiểu.

Khi học ôn thi tốt nghiệp, các em HS cần bám sát SGK, nắm chắc các kiến thức cơ bản trong SGK và luyện tập cho các dạng bài được thầy cô hướng dẫn trên lớp.

Chúng tôi tin rằng, đề bài sẽ ra sát với chương trình đã được học và ôn luyện ở các trường. Sẽ không quá khó tuy nhiên sẽ có tỉ lệ câu hợp lý để phân biệt HS khá, giỏi.

Ngoài SGK và các bài luyện tập của các thầy cô trên lớp, các em nên luyện tập thêm bài ở các sách bài tập trắc nghiệm hoặc kiểm tra trắc nghiệm tiếng Anh.

Các cuốn sách mà theo chúng tôi, nó hợp lý và phù hợp với HS chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12 là của các tác giả Đỗ Tuấn Minh (dành cho HS hệ 3 năm, 7 năm), tác giả Mai Lan Hương, tác giả Võ Thúy Anh (hệ 7 năm)...
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top