Minh triết là trí tuệ được nhào nặn bởi kinh nghiệm

sarangheyo

Cộng tác viên
Xu
0
Tư trào phục hưng minh Triết mới đột khởi ở phương Tây cách đây mươi năm trong khi Kim Định cách đây nửa thế kỷ (bài tiểu luận được viết trong những năm 1956-1961) đã khẳng định con đường đế vương của minh triết trong lịch sử tư tưởng nhân loại thời quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai. Rất tiếc do phạm vi của chủ đề, trong bài này, chúng tôi chỉ có thể nêu phần nào vài ba vấn đề.

Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, ngay từ đầu nguồn của triết học, triết lý đã được đặt trong tương quan với minh triết. Minh triết là bất cập với con người, chỉ Thượng đế mới có minh triết (sophia). Triết gia chỉ dám nghĩ đến sự vươn tới minh triết với tư cách là người quí mến minh triết, cũng có thể đây là một cách bày tỏ thái độ khiêm nhường, khỏi bị nghi oan là báng bổ, dám sánh ngang với Thượng đế. Như vậy ở đầu nguồn của triết học, minh triết (sophia) là trên-triết học (philosophia).

Triết học phương Tây phát triển qua các thời đại. Đặc biệt đến t.k.XVIII, triết luận trở thành một hoạt động bộ môn quy củ chuyên sâu, đã có thể nói đến sự hình thành của giới triết gia chuyên nghiệp. Cuối t.k.XVIII, đầu t.k. XIX, những thành tựu rực rỡ của triết học cổ điển Đức phát huy thanh thế của triết học. Có sự thay đổi trong tương quan giữa minh triết và triết học.

Không ít triết gia phương Tây xem minh triết là người bà con nghèo của triết học. Minh triết bị lép vế, không có sức thuyết phục chứng minh của tri thức khoa học, triết học, cũng không cú sự linh diệu thần khải của tín điều tôn giáo.

So với tư duy triết học có những bay bổng mê hồn thi những lời bàn của minh triết xem ra tẻ nhạt, u xìu, ngán ngẩm, tủn mủn, không có góc cạnh. "Minh triết -Wittgenstein, một triết gia Anh gốc Áo (1889-1951) viết: là cái gì đó nguội lạnh và lẩn thẩn... Cũng có thể nói như thế này: minh triết chỉ che đậy cuộc sống, làm cho ta không thấy được nó. Minh triết giống như tro xám, nguội lạnh phủ lên than hồng".

Sự phát triển lịch sử làm nổi bật một ưu thế lớn của triết học: triết học có lịch sử, nhiều lịch sử, nhưng chưa bao giờ có lịch sử minh triết (chỉ có lịch sử tư tưởng của một bậc minh triết).Với sự phát triển của triết học phương Tây hiện đại, dưới con mắt của nhiều triết gia phương Tây hiện đại, minh triết trở thành cái gì đó dưới triết học. Nhưng theo quan niệm của nhà triết học Pháp Francois Jullien, minh triết không "dưới"(sous-) "triết học" mà là "hạ tầng"(infra-) của triết học".

Từ những năm cuối t.k.XX, ở phương Tây, đặc biệt ở Mỹ, có một trào lưu phục hưng minh triết ngày càng rộng lớn, nhằm trả lại cho minh triết địa vị và vai trò xứng đáng của nó trong đời sống tinh thần của nhân loại. Có học giả đánh giá đây là một trào lưu Khai sáng thứ hai.

Chỉ cần mở trang Web "Wisdom Page" (Trang Minh triết) là có danh sách hàng trăm tiểu luận và công trình về Minh triết được giới thiệu nghiêm túc, có hệ thống, phân tích cặn kẽ. Đặc biệt từ 2005 đến 2006, trên mạng số bài mục về minh triết tăng 600%, tổng số trang Web có từ wisdom (minh triết) lên đến 17 triệu trang. Tôi đặc biệt chú ý đến mấy sự kiện sau đây:

- Càng ngày càng có nhiều học giả lên tiếng thay "kinh tế trí thức" bằng "kinh tế minh triết", thay "giáo dục trí thức" bằng "giáo dục minh triết"... Kinh tế trí thức đơn thuần không có minh triềt cũng như giáo dục trí thức đơn thuần không có minh triết... đang đưa nhân loại đến bờ vực thẳm.

- Để xây dựng xã hội cần có vốn. Những năm 60 thế kỷ trước, vốn trước hết là tiền mặt. Những năm 70, vốn là trí thức. Những năm 80, có xu hướng đề cao vốn xã hội (tức là ý thức gắn bó với xã hội, với tập thể và cộng đồng). Ngày nay, có nhiều học giả đưa ra yêu cầu đặt vốn minh triết lên trên hết.

- Một công trình đồ sộ có nhan đề Wisdom Bible (Kinh thánh Minh triết) đã được biên soạn, thu thập những viên ngọc "minh triết" của những nền văn minh cổ của nhân loại: Trung Quốc (Đạo đức kinh, Đại học, Trung dung...), Ấn Độ (Kinh Upanishad, Đạo Hin đu, Kinh Phật), Trung Đông (Đạo Do Thái, Đạo Hồi, Kinh Coran), Hy - La (Platon, Epicure, Epictete [chủ nghĩa khắc kỷ] , Boece [cổ La Mã]...)

Điều đáng chú ý là có những văn bản của những triết gia đích thực cũng được đưa vào bộ Kinh Thánh Minh triết này (có nghĩa là sự phân biệt minh triết và triết học chỉ có tính chất tương đối).

Định nghĩa Minh triết là gì là một việc rất khó. Một câu nói hóm của một học giả: "Tìm cách định nghĩa minh triết, đó là bằng chứng của sự thiếu minh triết". Đại học tổng hợp Chicago vừa đưa ra Dự án đề tài: Định nghĩa Minh triết với kinh phí trợ cấp 2.000.000$, học giả bất cứ nước nào đều có thể tham gia.

Tôi bằng lòng với việc đưa ra một số ví dụ:

- Thời bom Mỹ, trong những láng giềng của tôi, có một cháu bé hơn mười tuổi, học lớp 3. Một lần đi sơ tán về, cháu nói: "Bác ạ, mình cứ nói người nhà quê ra Hà Nội thì đần, cháu thấy người Hà Nội về nhà quê cũng đần. Hôm đầu, cháu chịu không biết làm thế nào để rửa chân, mãi mấy hôm sau cháu mới biết cách".

Câu nói của cháu làm tôi sửng sốt, đây là một nhận xét minh triết. Có những công trình học thuật giầy cộp mà không có nổi một nhận xét độc đáo, sâu sắc như của cậu bé. Thường thì càng cao tuổi người ta càng hiền minh. Nhưng không nhất thiết vậy. Đối với sự phát huy minh triết, học vấn không phải là thừa. Nhưng chỉ có trình độ tiểu học vẫn có thể có những suy nghĩ hiền minh. Từ ví dụ này có thể thấy một sự khác biệt giữa triết học và minh triết: một học sinh lớp ba một dòng triết học cũng không hiểu nổi vẫn có thể nói một câu minh triết độc đáo và sâu sắc.

- Tôi có đọc một công trình lý luận tác giả viết những trang rất hay về vấn đề tư hữu. Nhưng vấn đề chỉ sáng bừng lên khi tôi đọc đến câu của Balzac được tác giả, trích dẫn: "Người mà không có gì là kẻ không ra gì". Câu của Balzac là minh triết. Mác đã viết những trang cứ liệu uyên bác, lập luận đanh thép để đi đến một kết luận quyết liệt: bãi bỏ tư hữu. Giá như Mác có thêm được minh triết của Balzac chắc chắn ông suy nghĩ khác và học thuyết của ông không phải là chủ nghĩa Mác như chúng ta biết.

- Tôi có hỏi Nguyên Ngọc về minh triết các dân tộc Tây nguyên, anh dẫn một câu "xanh rờn" từ một bản trường ca: "Đàn ông là sấm, đàn bà mới là sét".

- Người Mông có câu: "Con ai không biết, vợ ta đẻ ra là con ta". Câu này làm vỡ tung những ước lệ đạo đức và phong tục nhưng xét đến cùng thì minh triết của nó chứa đựng một tinh thần nhân văn rất cao.

- Người Tày ở Ba Bể (Bắc Kạn) có tục lệ hễ trong nhà làm thịt gà thì bao giờ cũng cắt "hai đùi gà" dành phần cho trẻ con, nếu trong nhà không có trẻ con thì đem cho trẻ em hàng xóm. Đó là minh triết. Minh triết sống động của tục lệ tốt đẹp này có khi có sức thuyết phục hơn "trăm bài diễn văn tuyên truyền" "bảo vệ quyền lợi trẻ em".

- Hôm vừa rồi, đến thăm chùa Quang Ân (Hà Đông cũ) tôi thấy môt bức trướng ghi lai 14 lời khuyên của Phật, do Thương tọa Kim Cương Từ sưu tầm. Câu đầu tiên: "Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình". Câu cuối cùng: "An ủi lớn nhất đời người là làm bố thí". 14 câu, câu nào cũng hay. Tôi nghĩ bụng giá như học sinh của chúng ta ngay trên ghế nhà trường đã được học những câu này, những ý nghĩ minh triết giản đơn, không bao giờ cũ.

- "Người là muối của đất. Nhưng nếu như muối mất vị mặn, làm sao nó có thể mặn trở lại. Chẳng còn cách nào khác là đem vứt đi, để rồi người ta dẫm đạp lên..." Không thể nào quên được câu nói đậm đà minh triết này của thánh Matthew.

- Troy Dunn có đưa ra một năng lực của minh triết: đó là "năng lực có những lựa chọn đúng và đưa ra những quyết định tối ưu trong khi chưa có thông tin đây đủ". Nhận xét này giúp chúng ta nhận ra những người minh triết thường gặp trong cuộc sống.

- Trí, nhân, dũng, bộ ba phẩm giá này hết sức quen thuộc với chúng ta, có thể xem đây là lý tưởng của minh triết. Trong lý tưởng này, trí gắn với nhân là tuyệt đẹp nhưng không có dũng thì chỉ làm cảnh thôi. Hành động ít nhiều đòi hỏi lòng dũng cảm. Mà không hành động là không có gì. Lòng dũng cảm có khi còn quan trọng hơn sự hoàn thiện trí và nhân. Trí gắn với nhân tức là gằn với những giá trị đạo đức, tinh thần. Đây là một đặc tính hết sức quan trọng của minh triết.

"Kinh tế trí thức" rất hấp dẫn nhưng hàm chứa nguy cơ trí thức và lý thuyết một khi "lộng hành" sẽ gạt phăng các giá trị tinh thần, đạo đức. Do đó mới có sự đề xuất "kinh tế minh triết". "Giáo dục trí thức" cũng rất hấp dẫn nhưng cũng hàm chứa nguy cơ.

Xu thế càng ngày càng có tính chất áp đảo của giáo dục toàn thế giới là sự truyền đạt tri thức và kỹ năng hầu như trở thành mục tiêu duy nhất của giáo dục, làm lu mờ mục tiêu giáo dục những giá trị chi phối người sinh viên sử dụng những trí thức và kỹ năng đó như thế nào và làm gì. Xu thế này cũng là một nguy cơ đáng lo ngại đối với nền giáo dục Việt Nam. Hiện nay, hầu như không có triển vọng nào ngăn ngừa xu thế này. Trên thế giới tiếng nói của những học giả đòi hỏi cải tạo một cách cơ bản nền giáo dục hiện nay thành nền "giáo dục minh triết" còn hết sức yếu ớt. Không mấy ai quan tâm đến nguyên lý giáo dục của Gandhi được đề ra từ đầu thế kỷ trước: "Giáo dục cơ sở phải lấy minh triết và lòng từ thiện làm nền tảng."

Những biểu hiện của minh triết có tính chất tổng thể: vừa là chân, mỹ, thiện; vừa là tri thức, kinh nghiệm; vừa là trí tuệ, tâm hồn, ý chí; vừa là vốn sống, lối sống, phương pháp tư duy... Chuẩn bị cho một định nghĩa thấu đáo và đầy đủ hơn về minh triết, tôi thử đưa ra mấy nét đặc biệt của minh triết như là nhận thức và lối sống:

- Minh triết gắn với nghiệm sinh.

- Minh triết quan tâm đến sự cân bằng, hài hoà

- Minh triết thể hiện trong lối sống.

Minh triết gắn với nghiệm sinh (le vécu). Jerry Ortiz y Pino đã nêu đặc điểm này thành một yêu cầu tất yếu: Minh triết không phải là cái gì đó bẩm sinh. Thông minh là bẩm sinh. Linh lợi là bẩm sinh. Năng động cũng vậy.Nhưng minh triết thì không. Nó chỉ đến từ sự sống, từ sự phạm sai lầm - hoặc giả từ sự nghe những người khác đã phạm sai lầm và học hỏi được ở họ...".

Yêu cầu này được tuyệt đối hoá trong một câu kinh Phật nổi tiếng: "Chớ có tin vào đức tin của những truyền thống, dù cho chúng đã được vinh danh lâu đời qua nhiều thế hệ và ở nhiều nơi. Chớ có tin vào một điều nào chỉ vì có nhiều người nói đến nó. Chớ có tin vào đức tin của những bậc hiền minh trong quá khứ. Chớ có tin vào những gì mà anh tưởng tượng rằng Thượng đế truyền gợi cho anh. Không tin gì hết nếu như chỉ có uy tín của những bậc thầy của anh hoặc của những nhà sư của anh. Sau khi xem xét hãy tin vào những gì chính anh đã thể nghiệm hoặc nhìn nhận là hợp lẽ, những gì phù hợp với phúc lợi của anh và của những người khác" (Siddârtha, Kâlâma sutta).

Minh triết là "trí tuệ được nhào nặn bởi kinh nghiệm".

"Những người tốt sở dĩ tốt vì họ đã đến với minh triết thông qua thất bại"

"Cuộc sống là người khuyên bảo dích thực duy nhất của chúng ta; minh triết chưa được lọc qua kinh nghiệm riêng tư thì chưa trở thành một phần trong cốt cách đạo đức..."

Nhìn chung minh triết thuận cho sự tích hợp với nghiệm sinh hơn triết học. Chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa hiện sinh Pháp do còn gắn với nghiệm sinh nên đã có thời trở nên hết sức phổ cập. Nhưng trên đại thể, do cách tiến hành của tư duy triết học thiên về thuần lý nên triết lý dễ tách rời nghiệm sinh.

Học giả Alan Nordstrom nói đến tình trạng triết học hiện thời không tích hợp với nghiệm sinh nữa, đó là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng trầm trọng của triết học hiện nay, thậm chí ông còn nói đến "sự cáo chung của triết học"! Cũng từ tình trạng này ông giải thích xu hướng trở về với Cơ sở của Minh triết.

Mong rằng triết học chưa cáo chung và sự phục hưng của Minh triết tạo ra quan hệ bổ sung giữa minh triết trong bản chát gắn với nghiệm sinh và triết hoc do quán tính tư duy thuần lý dễ xa rời nghiệm sinh.

Nhìn chung, minh triết là một kho báu những kinh nghiệm đối nhân xử thế. Tuy nhiên, nghiên cứu minh triết không thể dừng lại ở sự tổng kiểm kê những kinh nghiệm này. Cần đề ra những ý niệm, khái niệm của minh triết. François Jullien từng đề nghị xem ý niệm "mặc hóa" ("biến hóa lặng lẽ", từ của Lão tử) như một ý niệm đặc thù của minh triết Trung Hoa.

Bàn về cách tư duy của minh triết nhiều học giả nói đến nhu cầu cân bằng. Robert Sternberg nói đến nhu cầu cân bằng giữa những lợi ích trong bản thân một cá nhân, giữa cá nhân này và cá nhân kia, giữa cá nhân và tập thể, cộng đồng; giữa cộng đồng này và cộng đồng kia,"giữa sự thích nghi với môi trường và sự cải tạo môi trường, sự lựa chọn những môi trường mới..."

Joseph W.Meeker nói đến nhu cầu đồng bộ: "có ý thức về chỉnh thể nhưng không quên những cái cụ thể, những cái đặc biệt; "bán cầu phải" thống nhất với "bán cầu trái" cũng như tư duy lô-gích thống nhất với tư duy thơ, ý thức về mình không lủng củng với ý thức về những người khác..."

Từ nhu cầu cân bằng tự nhiên có nhu cầu hài hoà: cá nhân hài hoà với xã hội, với thế giới,... Đương nhiên không thể quên sự hài hoà với bản thân mình mà biểu hiển quan trọng nhất là hài hòa giữa lý và tình, hài hoà giữa trí óc (mind) và tâm hồn (soul), cùng một gốc nhưng là hai phương diện rất khác nhau: trí óc thiên về tìm tòi chân lý, hình thức, sự sáng sủa, sự hợp lý, hình mẫu,quy luật...Còn tâm hồn thiên về tìm tòi cái đẹp, sự cân bằng, niềm vui, hạnh phúc, mê ly, hoà bình, sự thương cảm...Trí óc khẳng định chân lý bất chấp nó đẹp hay xấu; tâm hồn cứ thấy xấu là giãy nảy, thiên về cái đẹp hơn chân lý. Trí óc khẳng định và chối bỏ; tâm hồn yêu và ghét..." (Glenn Shipley).

Nhằm duy trì hoặc lập lại cân bằng, hài hoà minh triết không thể không quan tâm đến cái Chỉnh thể, cái mà Lão tử gọi là Nhất (Một) hoặc Cao Xuân Huy gọi là Toàn (quan điểm chủ toàn). Thế giới hiện đại mải mê với sự phân tích, sự duy lý, sự thực dụng, có cơ mất hút cái toàn. Đồng thời trong mọi lĩnh vực, mọi bình diện, cân bằng bị phá vỡ, nghiêm trọng nhất là sự mất cân bằng giữa nhu cầu tiêu dùng của con người tăng lên với một cấp số nhân khủng khiếp và sự bất lực của con người quản lý việc khai thác hành tinh quả đất dang bị tàn phá một cách man rợ và chúng ta đều biết hiểm hoạ: khí hậu quả đất thay đổi.

Phải chăng sự thức tỉnh của minh triết với nhu cầu cân bằng, hài hoà có liên quan đến sự mất cân bằng tận thế đương đe doạ sự sống còn của chúng ta trên hành tinh này? Mặt khác, sự thức tỉnh của minh triết đòi hỏi sự tỉnh táo nhìn thẳng vào những mâu thuẫn của cuộc sống, và nhu cầu cân bằng hài hòa được đặt ra trong quá trình tích cực giải quyết mâu thuẫn. Với cái thói né tránh mâu thuẫn, chữ "hòa" của phương Đông không khéo trở thành dễ dãi và dớ dẩn, chỉ tạo ra những ảo tưởng về cân bằng, hài hòa, nhiều khi chữ "hòa" được đưa ra cốt để che đậy sự lười biếng của tư duy ngại mâu thuẫn, không có tinh thần tích cực giải quyết mâu thuẫn.

Đã xuất hiện những trường Đại học Minh Triết (Wisdom University). Riêng bang Cali có vài ba trường như vậy. Tiêu biểu nhất là Đại học Minh Triết có trụ sở ở San Fransisco. Trường này được thành lập năm 1996, chỉ đào tạo trên đại học (Ma.A và Ph,D).

Đối tượng đào tạo của Trường là "những người đã có trình độ nghiệp vụ chín chắn muốn đặt mình vào một văn cảnh sống và học tập rộng lớn hơn". Trường giúp họ "vượt qua những biên giới của hiểu biết và hành vi ước lệ đặng đi vào một cuộc sống chân chính hơn", " có một ý thức bao trùm hơn về cái khả thể", phương châm giáo dục của trường là việc trau dồi học vấn"trong khuôn khổ học vị trên đại học" gắn liền với"đào sâu quá trình trưởng thành của tâm linh và phát triển nhân cách".

Môn học nghiên cứu "trí tuệ bản địa": (indigenous mind) được đặc biệt coi trọng: con đường cứu nguy cho nhân loại hiện nay là "đem những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại hòa vào tri thức,minh triết và những lề lối
thực hành lành mạnh về sinh thái của những nhân dân bản địa và truyền thống".

Nguồn :Tuanvietnamnet


Khoảng hai chục năm nay, trên sách báo nước ta , từ " minh triết" được dùng để dịch từ tiếng Pháp "sagesse" , từ tiếng Anh "wisdom" và từ tiếng Nga "mudrost" ,từ này đã được dùng sớm hơn rất nhiều ở miền Nam trước đây (khoảng cuối những năm 50 thế kỷ trước)
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top