Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Mênh mang nhớ phương Nam
Cận tết, bà con nông dân miền Tây lại đánh ghe chạy theo con nước chở hoa kiểng lên Sài Gòn, gầy chợ bên những dòng kênh rợp bóng cây xanh mát.
Hàng hàng tàu ghe chở hoa cập bến Bình Đông
Khu chợ hoa nổi sầm uất nhất Sài Gòn hiện nay có lẽ là bến Bình Đông, con đường nhỏ chạy ven kênh Tàu Hủ, con kênh huyết mạch vận chuyển gạo từ miền Tây về Sài Gòn từ khi vùng này lập phố.
Những con thuyền đưa hoa về phố
Xưa kia, bến này vốn là bến tập kết lúa gạo lớn nhất Sài Gòn, hai bên dòng kênh là hai con đường với những chành (kho chứa) lúa, nhà máy xay xát cung cấp gạo cho cả TP. Chẳng thế mà khu này được ví von là cái “bao tử của miền Nam”.
Con kênh này xưa là tuyến đường vận chuyển gạo
Kề con kênh Tàu Hủ, trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam miêu tả: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi”.
Nay cái “bao tử miền Nam” đã không còn, những nhà máy xay xát, chành lúa cũng không còn dù chỉ là tàn tích. Thế nhưng, cái địa lợi của dòng sông vẫn còn đó. Mỗi độ xuân về ghe thuyền vẫn tấp nập tụ hội về đây. Nhưng không phải thuyền gạo, thuyền cây trái như xưa; thay vào đó là những gốc mai vàng còn đương ngậm nụ, những chậu kiểng xum xuê cành lá để cho thỏa nỗi nhớ quê của người thành thị…
Nay là bến thuyền hoa
Cả tuần nay, tàu ghe chở hoa từ Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang… tấp nập đổ về đây cập bến, lên bờ mướn lô lập chợ làm ăn. Hàng vạn chậu hoa, kiểng cảnh được đưa về Sài Gòn cung cấp cho bà con thành phố chưng tết.
Chợ hoa một mặt giáp kênh, một mặt giáp đường, núp dưới hàng cây xanh mát
Anh Tiến, chủ một lô chợ cho hay: “Tôi đưa hoa từ Cần Giuộc, Long An về đây. Chạy theo con sông Cần Giuộc rồi tẻ vào kênh Tàu Hủ đến đây. Ghe nhà nhưng tiền xăng dầu cũng hết gần 2 triệu, đưa được hơn trăm gốc hoa lên đây bán kiếm tiền tiêu tết”.
Anh cũng than thở: “Năm nay khó khăn, hàng lên nhiều nên người ta cạnh tranh nhau dữ lắm, giá cũng phải nhẹ mới bán được. Mai ở chỗ tui rẻ nhất thì 60 – 80 ngàn chậu nhỏ. Đắt nhất là những gốc mai thế rồng bay, gốc lớn nhất có giá 14 triệu đồng”.
Gốc mai thế trị giá 14 triệu đồng của anh Tiến
Sát lô anh Tiến là lô của chú Phước đến từ Bến Tre. Chú cho biết: “Tôi thuê ghe chở từ Bến Tre lên đây tốn hơn 8 triệu bạc. Mong là bán được hàng mới có tiền ăn tết, chứ bán không hết lại phải thuê ghe chở về thì lỗ nặng”.
Rồi chú chỉ vào gốc vú sữa kiểng khoe: “Gốc này tui chăm mấy năm nay. Năm ngoái định đem lên bán rồi nhưng nó ra trái sớm quá. Năm nay chăm lại cho nó ra đúng dịp Tết mới bán được. Nó mọc hơn trăm trái, tui tỉa bớt còn gần 80 trái, tính bán 25 triệu, chú biết ai thích mua thì chỉ giùm tui”.
Gốc vú sữa mà chú Phước muốn bán 25 triệu đồng
Nói rồi chú quay sang chỉ mấy đứa cháu trong nhà sắp lại hàng chậu kiểng, bắc đèn để bán đêm. Chốc chốc chú lại quày quả bước ra lề đường ngóng khách, mong một ai đó dừng xe ghé xem hoa kiểng của mình…
Mong lắm có người ghé thăm hoa
Cứ thế, trên đường xe cộ lại qua. Dưới kênh, ghe thuyền bập bềnh trên con nước, người mua kẻ bán tấp nập bên bờ… Khung cảnh chợ hoa trên bến dưới thuyền không khỏi khiến người ta nhớ về một Sài Gòn nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh năm xưa là thị tứ sông nước giàu sang.
Sống trên sông, ghe thuyền là nhà, bến là chợ. Đó là những nét đặc trưng của cảnh quan trên bến dưới thuyền
Tùng Nguyên-Dantri.