Mất cân bằng phát triển kinh tế: Thành phố lớn quá tải, nông thôn tụt hậu

Hide Nguyễn

Du mục số
Chuyên gia nhận định, thành phố lớn quá tải, nông thôn tụt hậu, công nghiệp hóa không cân đối với đô thị hóa.

Mất cân bằng phát triển kinh tế

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, mô hình phát triển chia tách giữa nông thôn làm nông nghiệp và cả các địa phương phát triển công nghiệp với hai đô thị chính đang tạo ra sự mất cân bằng. Cụ thể là mất cân bằng giữa phát triển kinh tế phi nông nghiệp với xã hội và môi trường đô thị.

Phát triển kinh tế nông thôn vnkienthuc.jpg


Ngày nay, người lao động thuộc mọi tầng lớp có thu nhập tương đối, cư dân thành thị và nông thôn đều có điều kiện sống tốt hơn hẳn xưa kia. Nhu cầu việc làm của người lao động và yêu cầu đô thị hóa đang trở thành tất yếu. Tuy nhiên, nhu cầu thu hút việc làm của các ngành công nghiệp lại hạn chế, các đô thị lớn không có khả năng đón nhận một lượng lớn dân cư nông thôn đổ về.

Nhu cầu sinh kế mới tăng vọt trong cơ chế thị trường sôi động đã chuyển đông đảo lao động sang các ngành nghề phi nông nghiệp, xã hội nông thôn chuyển thành đô thị.

Theo TS Đặng Kim Sơn, với quy luật kinh tế truyền thống, lao động thừa từ nông thôn nếu được tiếp thu chính thức vào các ngành phi nông nghiệp và gia đình họ di cư theo được hội nhập một cách hài hòa vào cuộc sống đô thị thì sẽ giúp phát triển cả kinh tế và xã hội của hai phía.

Nhưng trong thực tế, do tốc độ phát triển doanh nghiệp chậm hơn so với nhu cầu mở mới sinh kế và việc làm nên lao động đổ ra từ nông nghiệp chỉ được đưa vào “thị trường phi chính thức”.
Đồng thời, do phát triển đô thị tập trung vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên gia đình họ khó được tiếp nhập vào cuộc sống đô thị hoặc bị đẩy vào tình trạng “ngụ cư loại hai” yếu thế.
“Rõ ràng mô hình phát triển chia tách giữa nông thôn làm nông nghiệp và cả các địa phương phát triển công nghiệp với hai đô thị chính đang tạo ra sự mất cân bằng giữa phát triển kinh tế phi nông nghiệp với xã hội và môi trường đô thị”, ông Sơn nêu.

TS Đặng Kim Sơn lấy dẫn chứng, lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 90% tổng lao động đang làm việc trong tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn còn tới 56% dân số sống ở nông thôn. Thành phố Hồ Chí Minh có bốn huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ) đạt chuẩn nông thôn mới, 56 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 50 xã đạt chuẩn “nâng cao”.

Nhưng dù đã đạt chuẩn “mới mở rộng” hay “mới nâng cao” thì vẫn là “nông thôn”. Tình trạng này rõ rệt nhất ở các tỉnh “thuần nông”.

Năm 2019, Nam Định có 100% xã và 100% huyện về đích nông thôn mới, 80% hộ có thu nhập phi nông nghiệp, khoảng cách thu nhập đô thị - nông thôn chỉ chênh nhau 1,35 lần nhưng tỷ lệ đô thị hóa vẫn rất thấp (18,2% ở mức thứ 44/63 cả nước).

Ông Sơn nêu thực tế, so với đô thị, người dân nông thôn thua thiệt về thu nhập, mức sống và nguy cơ chính là thiếu cơ hội phát triển tương lai. Về cơ hội việc làm, năm 2019, 43,6% lao động nông thôn làm việc thủ công, tiếp đó 39% là các nghề đơn giản. Chưa đến 7% làm kỹ thuật bậc trung và quản lý trong khi tỷ lệ ở lao động đô thị là 26,7% làm dịch vụ, 25% làm việc cao cấp, 16,4% có kỹ thuật cao.

Tại Việt Nam, lao động thiếu việc làm ở nông thôn chiếm 82,4% cả nước và hơn gấp đôi đô thị, phải di cư đến các vùng công nghiệp như Đồng bằng sông Hồng 41,8%, trung du miền núi phía Bắc 40,5% và Đông Nam Bộ 37,6%. Nhưng tại đây, không đầu tư đủ hạ tầng xã hội như ký túc xá, nhà trẻ, văn hóa, đào tạo, bảo hiểm xã hội... Phần lớn lao động đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, nên gặp nhiều khó khăn về nhà ở, chữa bệnh hay cho con cái đi học.

Lao động di cư Việt Nam dù có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn và trẻ hơn gấp đôi người không di cư vẫn phải chịu tỷ lệ thất nghiệp cao gấp 5 lần so với mức trung bình cả nước. Họ đóng góp cho phồn vinh, hoa lệ đô thành nhưng tỷ lệ hộ nghèo là 35% so với mức của đô thị là gần 20%.

TS Đặng Kim Sơn cho rằng, mục tiêu “xây dựng nông thôn mới” không phải chỉ để tạo ra các hình mẫu để nông thôn cải thiện điều kiện sống. Mục đích chính phải là tạo ra động lực và mở ra cơ hội cho nông thôn phát triển theo kịp mức hiện đại hóa của đất nước.

Đích đến cuối cùng là mức sống, điều kiện sống và làm việc của cư dân cả nước phải công bằng trong sự đa dạng và tiếp nối với truyền thống dân tộc. Với mục đích đó, nên phân chia nông thôn ra một số loại hình chính để quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp.

Với các vùng có lợi thế về nông nghiệp cần xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Cụ thể là sản xuất vật tư, thiết bị, nguyên liệu đầu vào và chế biến nông sản đầu ra gắn với các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu nông sản bảo đảm tiêu chuẩn thị trường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần chuyên dụng như kho tàng, bến bãi, cảng biển, sân bay, chuỗi lạnh… theo hướng đa dạng để phục vụ cả cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cả chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời, đưa về đây các viện nghiên cứu và trường đại học, cơ sở đào tạo chuyên ngành.

Đưa ra giải pháp, TS Đặng Kim Sơn cho rằng: “Phải gắn kết xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị. Đồng thời phát triển đô thị lớn gắn bó hài hòa với nông thôn và đô thị địa phương. Bên cạnh đó, cần đổi mới thể chế tổ chức là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất. Ngoài ra, nên ưu tiên phát triển đa dạng ngành nghề theo lợi thế không gian từng vùng, miền trong cả nước”.

(c) giaoducthoidai.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top