• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Áo Dài

Cộng tác viên
Thành viên BQT
MARX CỦA CHÚNG TA

ANTONIO GRAMSCI (1891-1937)

ĐINH HỒNG PHÚC & HOÀNG PHONG TUẤN dịch

Karl_Marx.jpg

Marx​

Antonio Gramci. (2018 [1918]). “Marx của chúng ta”. Đinh Hồng Phúc & Hoàng Phong Tuấn dịch. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 365, ngày 25-05-2018, tr. 4-6. |

Chúng ta là nhà Marxist? Có cái gọi là nhà Marxist ư? Sự ngu xuẩn, chỉ có mỗi ngươi là bất tử thôi. Câu hỏi này có lẽ sẽ được hỏi lại trong vài ngày tới, khi lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông đang cận kề, và bút mực cũng như sự xuẩn ngốc sẽ tuôn ra không ngớt khi trả lời nó. Sự huyên thuyên rỗng tuếch và cái lối bới lông tìm vết vô nghĩa là một phần của cái di sản không thể chuyển nhượng của con người. Marx không viết ra một học thuyết đèm đẹp, ông không là một đấng cứu thế nào đó để lại một chùm ngụ ngôn đầy những mệnh lệnh nhất quyết, với những chuẩn mực tuyệt đối, không thể hoài nghi, vượt ra khỏi phạm trù không gian và thời gian. Mệnh lệnh nhất quyết duy nhất, chuẩn mực duy nhất: “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!” Nghĩa vụ tổ chức, sự tuyên truyền về nghĩa vụ để tổ chức và liên kết các lực lượng, vì thế, nên là cái phân biệt người Marxist với người không phải Marxist. Quá ít và quá nhiều: ai trong trường hợp này không phải là người Marxist.

Nhưng mà đó là cách nó tồn tại. Mỗi người đều có chút gì đó là Marxist, nhưng không hay biết về điều đó. Marx là một con người vĩ đại, hành động của ông trong thế giới này đã sản sinh ra bao nhiêu là kết quả, không phải vì ông sáng nghĩ ra một cái gì đó từ hư vô, không phải vì ông gợi ra một cách nhìn độc đáo nào đó về lịch sử, mà vì ông đã hệ thống hóa những gì trước đó hãy còn tản mạn, chưa hoàn chỉnh và chưa chín muồi, làm cho chúng trở nên hoàn chỉnh, chín mùi và tự giác. Ý thức của cá nhân ông có thể trở thành ý thức của mọi người: nó đã trở thành ý thức của nhiều người. Vì điều này, Marx không chỉ đơn thuần là một học giả mà còn là một con người hành động; ông vĩ đại và năng sản trong hành động cũng như trong tư tưởng, những cuốn sách của ông đã làm thay đổi thế giới, cũng như chúng đã làm thay đổi cách tư duy của ta.

Marx đồng nghĩa với việc từ nay trí tuệ thâm nhập vào lịch sử nhân loại, vào vương quốc của ý thức.

Công trình của ông thuộc cùng giai đoạn với cuộc đại chiến diễn ra giữa Thomas Carlyle và Herbert Spencer về vai trò của con người trong lịch sử.

Carlyle: người anh hùng, cá nhân vĩ đại, sự tổng hợp bí nhiệm của hiệp thông tinh thần nào đó, dẫn dắt những số phận của nhân loại đi đến một mục đích mờ mịt chưa được ai biết đến, trong lãnh địa hư ảo của sự hoàn hảo và thiêng liêng.

Spencer: giới tự nhiên, sự tiến hóa, những sự trừu tượng máy móc và vô hồn. Con người: một nguyên tử bên trong cơ thể giới tự nhiên, tuân theo quy luật tự thân nó là trừu tượng, nhưng trở nên cụ thể, ở bình diện lịch sử, bên trong các cá nhân: tính hữu dụng trực tiếp.

Marx cương quyết đứng trong lịch sử với tư thế lẫm liệt của một người khổng lồ. Ông không phải là nhà siêu hình học thần bí cũng không phải là nhà siêu hình học thực chứng. Ông là một nhà sử học, là người diễn giải các tài liệu của quá khứ, tất cả các tài liệu chứ không phải một phần của tài liệu.

Đây là sự khiếm khuyết nội tại của mọi lịch sử, mọi nghiên cứu về các sự biến của con người: chúng chỉ khảo sát và xem xét một phần của tài liệu. Và phần tài liệu này được lựa chọn không do ý chí của lịch sử mà do định kiến đảng phái, cho dù định kiến ấy chỉ là vô thức và với niềm tin chân thành. Đích đến của hoạt động nghiên cứu này không phải là chân lý, sự chính xác, và cái nhìn hoàn chỉnh về quá khứ, mà là làm nổi bật lên một hoạt động đặc thù hay chứng minh cho một giả thuyết có trước nào đó là đúng đắn. Lịch sử chỉ là lãnh vực của những ý niệm mà thôi. Con người được coi là tinh thần, là ý thức thuần túy. Hai hệ quả sai lầm nảy sinh từ quan niệm này: (1) các ý niệm đã được xác nhận trước đó thường chỉ là võ đoán và hư cấu; và (2) các sự kiện được coi là quan trọng thì chỉ là giai thoại, chứ không phải là lịch sử. Nếu lịch sử đươc viết ra, theo đúng nghĩa của từ, đó là do trực giác thiên tài của các cá nhân riêng lẻ, chứ không phải do hoạt động khoa học có ý thức và có hệ thống.

Với Marx, lịch sử cũng vẫn là lĩnh vực của các ý niệm, của tinh thần, của hoạt động có ý thức của các cá nhân riêng lẻ hay xã hội. Nhưng các ý niệm, tinh thần, mang lấy cái thực chất, đánh mất tính võ đoán của chúng, chúng không còn là sự trừu tượng tôn giáo hay xã hội học đầy tính hư cấu nữa. Cái thực chất của chúng nằm trong kinh tế, trong hoạt động thực tiễn, trong các hệ thống và các quan hệ sản xuất và trao đổi. Lịch sử, với tư cách là sự biến, là hoạt động (kinh tế và đạo đức) thực tiễn thuần túy. Một ý niệm trở thành hiện thực không phải vì nó phù hợp một cách logic với chân lý thuần túy, với nhân loại thuần túy (chỉ hiện hữu với tư cách là một kế hoạch, một mục đích đạo đức học phổ biến của nhân loại), mà vì nó tìm thấy trong hiện thực kinh tế sự biện minh của nó, và các công cụ để hiện thực chính mình. Để biết chính xác đâu là mục đích lịch sử của một đất nước, một xã hội, một nhóm xã hội, trước hết ta phải biết đất nước ấy, xã hội ấy có hệ thống và quan hệ sản xuất và trao đổi nào. Nếu không biết điều này, ta chỉ có thể viết được những công trình chuyên khảo, những luận văn mang tính cục bộ, có thể hữu ích cho lịch sử văn hóa, ta chỉ có thể nắm bắt được những phản ánh thứ yếu, những hệ quả xa xôi, chứ không thể làm ra lịch sử, hoạt động thực tiễn sẽ không được khai mở ra trong toàn bộ sự chặt chẽ vững chắc của nó.

Những ngẫu tượng đang văng ra khỏi bệ thờ, các vị thần đang ngồi nhìn những chòm khói hương tan loãng. Con người đang có được ý thức mới về thực tại khách quan, làm chủ được những bí mật đang chi phối mọi diễn biến trong thế giới. Con người đang đi tới chỗ biết về bản thân mình, đi tới chỗ biết cá nhân mình đáng giá bao nhiêu, và có thể trở nên mạnh mẽ như thế nào, bằng cách từ chỗ phục tùng và khép mình vào khuôn khổ của sự tất yếu đi đến chỗ thống trị chính sự tất yếu ấy, bằng cách đồng nhất sự tất yếu với các mục đích của chính mình. Ai là kẻ biết về bản thân mình? Không phải là con người nói chung, mà là kẻ đã trải qua cái ách xiềng xích của sự tất yếu. Việc đi tìm bản thể của lịch sử, quá trình nhận diện bản thể ấy trong hệ thống và các quan hệ sản xuất và trao đổi dẫn ta tới chỗ phát hiện ra cách thức xã hội con người bị tách ra thành hai giai cấp. Giai cấp sở hữu các công cụ sản xuất biết về bản thân mình một cách tất yếu, nó có ý thức nhất định, dù mơ hồ và tản mạn, về sức mạnh và sứ mệnh của nó. Nó có những mục đích cá nhân và hiện thực hóa chúng qua năng lực tổ chức của nó – theo cách lạnh lùng và khách quan, không đếm xỉa đến việc liệu con đường nó đi có được lát bằng xác người chết vì đói khát và chiến tranh không.

Việc xác lập mối quan hệ nhân quả của hiện thực lịch sử có đặc điểm là mặc khải cho giai cấp khác biết: nó trở thành nguyên tắc sắp đặt cho cái bầy đàn đông đảo không kẻ dẫn dắt. Cái bầy đàn ấy đang có được ý thức về chính mình, về nhiệm vụ mà giờ đây nó phải thực hiện để khẳng định nó là một giai cấp. Nó trở nên ý thức rằng các mục đích cá nhân của nó vẫn sẽ hoàn toàn võ đoán, vẫn chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi, những ước muốn căng phồng và rỗng tuếch, nếu nó không sở hữu được các phương tiện hành động, nếu nó không biến những ước muốn này thành ý chí.

Chủ nghĩa duy ý chí? Từ này chẳng có nghĩa gì cả, hoặc nó được dùng với nghĩa ý chí độc đoán. Ý chí, theo cách hiểu của người Marxist, nghĩa là ý thức về các mục đích, đến lượt nó, ý thức này có nghĩa là nhận thức chính xác về sức mạnh của chính mình và các phương tiện biểu thị nó trong hành động. Do đó, trước hết nó có nghĩa là giai cấp phải trở nên khu biệt và cá biệt, tức là nó có được một đời sống chính trị độc lập với đời sống chính trị của giai cấp khác, và tổ chức hoạt động của nó một cách có kỉ luật và chặt chẽ để đi đến mục đích của chính nó, không dao động hay bị chệch hướng. Nó có nghĩa là thúc đẩy hành động tiến thẳng một đường tới mục đích tối hậu, không dạo loanh quanh trên thảm cỏ xanh ven đường để chén tạc chén thù với anh em bằng hữu, mềm lòng trước những chồi non mơn mởn và những lời tuyên bố ngọt ngào của lòng tôn trọng và yêu thương.

Nhưng cụm từ ‘theo cách hiểu của người Marxist’ chẳng có tác dụng gì: nó có thể sinh ra cách nói lập lờ nước đôi và lối trưng từ bày chữ một cách ngu xuẩn. ‘người Marxist’, ‘theo cách hiểu của người Marxist’… những từ ngữ này mòn vẹt đi như những đồng xu qua tay quá nhiều người.

Đối với chúng ta, Karl Marx là một vị tôn sư về đời sống tinh thần và đạo đức, chứ không phải là người chăn chiên với cái gậy trong tay. Ông là người quấy rầy với những ai lười biếng tinh thần, là người quấy động các năng lượng tích cực đang ngủ quên và cần được đánh thức cho cuộc chiến đấu anh dũng. Ông là một tấm gương về tinh thần lao động cao độ và bền bỉ để đạt đến sự trung thực rõ ràng của các ý niệm, đạt tới cái văn hóa có cơ sở vững chắc cần thiết để không ăn nói rỗng tuếch về những sự trừu tượng. Ông là một khối đá vững chắc của nhân loại biết nghĩ suy: người không cần phải uốn lưỡi khi nói, không phải đặt tay nơi trái tim để cảm nhận, nhưng là người xây dựng các suy luận rắn chắc rào thực tại lại trong bản chất của nó và chiếm lĩnh nó, thâm nhập vào tinh thần của con người, phá vỡ những lớp trầm tích của các tiên kiến và các ý niệm đã bị đóng khung, và tăng cường sức mạnh cho phẩm chất đạo đức.

Đối với chúng ta, Karl Marx không phải là tiếng khóc của đứa trẻ trong nôi hay gã rậm râu làm cho mấy anh thầy tu kinh hãi. Ông chẳng dính dáng gì đến các mẫu chuyện giai thoại về tiểu sử của ông, chẳng dính dáng gì đến cử chỉ hào hoa hay thô lỗ của cái bản ngã hướng ngoại của ông với tư cách là con vật người. Ông là bộ não tư duy trầm tĩnh và khoáng đạt, ông là một mô-ment cá nhân trong cuộc đấu tranh lâu dài và vất vả của nhân loại để có được ý thức về sự tồn tại của mình và sự trở thành của mình, để nắm bắt cái nhịp điệu huyền bí của lịch sử và vén bức màn bí ẩn đang che phủ nó, để ta trở nên mạnh mẽ hơn trong tư duy và trong hành động. Ông là phần tất yếu không thể thiếu trong tinh thần của chúng ta. Nếu Marx không sống trong cõi đời này, nếu ông không suy tư, không làm bắn ra những tia sáng từ sự xung đột giữa đam mê và ý niệm, giữa cảnh đời bất hạnh và lý tưởng của ông thì ắt hẳn tinh thần của chúng ta sẽ chẳng được như bây giờ.

Khi ca ngợi Karl Marx, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông, giai cấp vô sản quốc tế đang tuyên dương chính nó, sức mạnh ý thức của nó, sự năng động của tinh thần chinh phạt của nó phá vỡ các quy tắc đặc quyền đặc lợi và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh cuối cùng, cuộc đấu tranh sẽ đưa mọi nỗ lực và hy sinh mất mát của nó lên đỉnh quang vinh.

Il Grido del Popolo, ngày 4 tháng Năm 1918.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top