• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Kina Ngaan

Active member
Dạng bài đọc hiểu là một trong hai dạng của đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn. Để làm tốt dạng bài này, mỗi học sinh cần có một kỹ năng vững chắc để xử lý. Nắm chắc câu hỏi nhận biết để tránh bị mất điểm. Dạng bài đọc hiểu này lại chia nhỏ làm nhiều dạng hơn, học từ cái nhỏ tới cái lớn. Mỗi dạng đề ta rèn được thêm kỹ năng và học thêm kiến thức mới. Với mong muốn làm tốt hơn dạng này, bài viết sau đây sẽ giúp bạn luyện tập đề đọc hiểu hay.


Đề 1:


Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

“Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo,
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.”
(Ca dao)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt có trong văn bản trên. Đặt tên cho bài ca dao. (0.5 điểm)
Câu 2: Chỉ ra các nhân vật giao tiếp và nêu mục đích giao tiếp của bài ca dao. (1.0 điểm)
Câu 3: Hình ảnh “buồng cau” ở cuối bài ca dao mang ý nghĩa gì? (0.5 điểm)
Câu 4: Trong khoảng 5 đến 7 dòng, hãy thể hiện thái độ và suy nghĩ của anh (chị) về những cách tỏ tình khác nhau của giới trẻ ngày nay. (1.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:
- Các phương thức biểu đạt: Biểu cảm, tự sự
- Đặt tên: Tát nước đầu đình, Lời tỏ tình dễ thương, Ước nguyện thành đôi…

Câu 2:
- Các nhân vật giao tiếp trong bài ca dao:
+ Chàng trai: Anh
+ Cô gái: Em (giấu mặt)
-> đều ở lứa tuổi cập kê, dựng vợ gả chồng
- Các mục đích giao tiếp trong bài ca dao:
+ Xin áo - tạo cớ để tiếp cận cô gái
+ Giãi bày gia cảnh: Chưa có vợ, còn độc thân sống với mẹ già (áo sứt chỉ đường tà là do thiếu vắng bàn tay chăm sóc, chứ không phải nghèo khó)
+ Hứa hẹn trả công- mang sính lễ sang hỏi cưới -> Muốn đi đến hôn nhân nghiêm túc, gắn bó trọn đời với cô gái.
=> lời tỏ tình tế nhị, khéo léo và duyên dáng
Câu 3: Hình ảnh “buồng cau” ở cuối bài ca dao mang ý nghĩa:
- Là đồ vật quan trọng trong sính lễ dẫn cưới
- Thể hiện tình cảm chân thành và nghiêm túc, ước nguyện gắn bó trọn đời, nên nghĩa vợ chồng của chàng trai.
Câu 4: Suy nghĩ về những cách tỏ tình khác nhau của giới trẻ ngày nay
- Các cách tỏ tình của giới trẻ ngày nay:
+ Những cách tỏ tình và những lời tỏ tình được thổ lộ một cách duyên dáng, dễ thương
-> thể hiện sự tế nhị, kín đáo, sâu sắc, chân tình
+ Những màn tỏ tình ồn ào, tốn kém, cố tình gây chú ý để được tán dương hoặc để “câu like” trên mạng xã hội -> thể hiện sự phù phiếm, chuộng hình thức.
- Suy nghĩ, quan điểm: Lời yêu được bộc bạch và thể hiện một cách giản dị, chân thành, nghiêm túc luôn đẹp và chạm đến trái tim.
- Bài học nhận thức và hành động: Trong lời tỏ tình, mỗi bạn trẻ cần ý thức và kiểm soát hành vi của mình để vừa thể hiện được tình cảm sâu sắc, chân thành vừa giữ được nét đẹp văn hóa.

Đề 2

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi:
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa...
(Truyện cổ nước mình – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt có trong văn bản trên. Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (1,0 điểm)
Câu 2: Theo anh/chị, “tiếng xưa” trong câu thơ “Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa” có nghĩa là gì?
(0,5 điểm)
Câu 3: Hãy liệt kê hai câu tục ngữ, ca dao được gợi ra trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)
Câu 4: Trong khoảng 7 dòng, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm sống “Ở hiền thì lại gặp hiền” mà nhân dân ta gửi gắm trong truyện cổ. (1,0 điểm)

Đáp án

Câu 1:
- Các phương thức có trong văn bản: biểu cảm, tự sự.
- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Câu 2:
“Tiếng xưa”: là tiếng nói của quá khứ, của người xưa (0,25), thông điệp của cha ông gửi gắm trong truyện cổ (0,25).
Câu 3: Liệt kê hai câu tục ngữ, ca dao được gợi ra trong đoạn thơ trên
- Ở hiền gặp lành
- Thương người như thể thương thân
- Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Câu 4: Suy nghĩ của mình về quan niệm sống “Ở hiền thì lại gặp hiền”
- Quan niệm này thể hiện niềm tin, mơ ước của nhân dân về sự công bằng.
- Là quan niệm sống giàu tính nhân văn, hướng thiện: khuyên con người hãy sống nhân ái, tốt đẹp để nhận được hạnh phúc theo luật nhân - quả.

Đề 3

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi:
… Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(Trích Lời mẹ dặn – Phùng Quán)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý thơ: "Tôi muốn làm nhà văn chân thật - chân thật trọn đời”?
Câu 3. Nêu cảm nhận của anh/chị về nhân vật "tôi" trong đoạn thơ trên. Trả lời trong khoảng 3-5 dòng.
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm "Người làm xiếc đi dây rất khó - Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn - Đi trọn đời trên con đường chân thật” của tác giả không ? Vì sao?

Đáp án

Câu 1:
Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2:
Ý thơ "Tôi muốn làm nhà văn chân thật - chân thật trọn đời” có thể được hiểu là: Tác giả muốn làm một nhà văn suốt đời phản ánh chân thực đời sống; không “tô hồng” cũng không “bôi đen” hiện thực.
HS có thể nêu cách hiểu của bản thân, nhưng phải phù hợp với đoạn thơ và hợp lí.
Câu 3: HS nêu cảm nhận riêng về nhân vật "tôi" trong đoạn thơ, song cần nhấn mạnh được đó là một con người – nhà văn trung thực và dũng cảm.
Câu 4: HS bày tỏ sự đồng tình hoặc phản đối (hoặc cả hai) với quan điểm "Người làm xiếc đi dây rất khó - Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn - Đi trọn đời trên con đường chân thật” của tác giả. Nếu đồng tình, cần lập luận theo hướng: Nhà văn phải phản ánh chân thực đời sống để góp phần cải tạo đời sống. Nhưng đôi khi, do những yếu tố khách quan và chủ quan, nhà văn có thể “bóp méo”, “tô hồng”
hoặc “bôi đen” hiện thực. Vì thế, để trọn đời là một nhà văn “chân thật” là điều không hề dễ dàng. Bởi nó đòi hỏi nhà văn ấy suốt đời phải chân thực và dũng cảm.
Nếu phản đối, cần lập luận theo hướng: Phản ánh chân thật không có nghĩa là chỉ sao chụp lại y nguyên cuộc sống. Nếu nhà văn chỉ phản ánh hiện thực như nó vốn có theo kiểu “quay phim, chụp ảnh” thì sẽ không có sự sáng tạo (về nghệ thuật và tư tưởng) nào cho văn học. Nhà văn cần phải là người có trí tưởng tượng bay bổng, sức sáng tạo mãnh liệt để tạo nên những thế giới nghệ thuật hấp dẫn, kích thích người đọc để vươn tới thế giới đẹp đẽ ấy.
Nếu vừa đồng tình, vừa phản đối, HS sẽ kết hợp cả hai hướng lập luận trên hoặc có thể theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí, không trái với đạo đức và pháp luật.

Sưu tầm
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top