• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Lưu biệt khi xuất dương

ngan trang

New member
Lưu biệt khi xuất dương
(Xuất dương lưu biệt)
Phan Bội Châu

A. Mục tiêu bài học
Giúp học sinh thấy được chí lớn, khí phách anh hùng, tinh thần quyết liệt của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Cảm nhận được nét đặc sắc về phương diện nghệ thuật của bài thơ thể hiện qua giọng điệu, lối dùng từ ngữ, mạch liên tưởng.

B. Phương tiện thực hiện
+Sách GK, sách GV
+Thơ văn Phan Bội Châu
+Giáo án lên lớp cá nhân

C.Cách thức tiến hành
Giáo viên tổ chức giờ dạy theo cách kết hợp các phương pháp: hướng dẫn học sinh đọc, trao đổi thảo luận, trả lời các câu hỏi.

D.Tiến trình lên lớp
1.Kiểm tra bài cũ:
Kiểm tra việc chuẩn bị ở nhà của học sinh.
2.Giới thiệu bài mới:


Hoạt động của GV và HS
Yêu cầu cần đạt



& Hs làm việc với Sgk
Nêu nội dung chính của phần tiểu dẫn?
I.Tìm hiểu chung
1.Tiểu dẫn
Tác giả
+Phan Bội Châu (1867-1940).Thuở nhỏ có tên là Phan Văn San. Hiệu là Sào Nam.
+Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, tại
làng Đan Nhiệm, Nam Hoà, Nam Đàn, Nghệ An.

+Ông nổi tiếng thần đồng: 13 tuổi đỗ đầu huyện, 16 tuổi đỗ đầu xứ, 33 tuổi (1900) đỗ Giải nguyên trường Nghệ An .

+Phan Bội Châu là nhà Nho Việt Nam đầu tiên nuôi ý tưởng tìm đường cứu nước. Năm 1904, ông lập Hội Duy Tân-tổ chức cách mạng theo đường lối dân chủ tư sản.

+Năm 1905, theo chủ trương của Hội Duy Tân, Phan Bội Châu lãnh đạo phong trào Đông Du và xuất dương sang Nhật.

+Năm 1912, ông thành lập Việt Nam Quang phục hội. Cũng năm này ông bị Nam triều (đứng sau là thực dân Pháp) kết án tử hình vắng mặt.
Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc ở Trung Quốc, chúng định đem ông về nước để thủ tiêu bí mật. Việc bại lộ, thực dân Pháp phải đem ông ra xét xử công khai, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, chúng phải xoá án khổ sai chung thân và đưa ông về quản thúc (giam lỏng) tại Huế. ông mất ở đây năm 1940.

Suy nghĩ của em về sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu?
v Phan Bội Châu là người khởi xướng, là ngọn cờ đầu của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, trong khoảng 20 năm đầu của thế kỉ XX.
Sự nghiệp cứu nước của ông tuy không thành, nhưng đã khơi dậy tinh thần yêu nước mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.
Kể tên những tác phẩm trong sự nghiệp văn chương của Phan Bội Châu?
-Năm 17 tuổi, viết : Bình Tây thu Bắc, dán ở các cổng trong làng, để kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào Cần Vương.
-Trong quá trình hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã sáng tác nhiều tác phẩm, thuộc nhiều thể loại khác nhau, bằng chữ Hán và chữ Nôm.


+Bái thạch vi huynh phú (1987)
+Việt Nam vong quốc sử (1905)
+Hải ngoại huyết thư (1914)
+Ngục trung thư (1906)
+Trùng quang tâm sử (1921-1925)
+Văn tế Phan Châu Trinh (1926)
+Phan Bội Châu niên biểu (1929)
+Phan Bội Châu văn tập và Phan Sào Nam tiên sinh quốc văn thi tập (hai tập văn thơ này làm trong thời gian cụ Phan bị thực dân Pháp giam lỏng tại Huế)
Nội dung chính thơ văn Phan Bội Châu ?
-Thơ văn Phan Bội Châu sôi sục, nóng bỏng tinh thần yêu nước; Thơ văn ông đã thành công trong việc tuyên truyền, cổ vũ tinh thần, ý chí dân tộc và hành động cứu nước. Thơ văn ông giàu nhiệt huyết, có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân.

ông được coi là cây bút xuất sắc nhất trong những năm đầu thế kỉ XX.

Nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ
Tác phẩm:
-Duy Tân hội được thành lập năm 1905, khi phong trào Cần Vương đã cho thấy sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Phan Sào Nam, lúc này còn rất trẻ đã biểu hiện quyết tâm vượt qua giáo lí đã lỗi thời của đạo Nho để đón nhận luồng tư tưởng mới, tìm hướng mới khôi phục giang sơn. Phong trào Đông Du được nhóm lên, đặt cơ sở, tạo cốt cán cho phong trào cách mạng trong nước và chủ trương cầu Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp.
-Lưu biệt khi xuất dương được viết trong bữa cơm ngày tết cụ Phan tổ chức ở nhà mình, để chia tay với bạn đồng chí trước lúc lên đường.

Em hãy nêu bố cục bài thơ?
2.Văn bản
Thơ Nôm Đường luật cũng như thơ Đường Luật thường có bố cục 4 cặp câu (Đề, thực, luận, kết) hay 4 câu trên, 4 câu dưới.

Có thể chia bài thơ làm hai phần:
*Bốn câu trên:
Quan niệm mới về chí làm trai, cùng ý thức của cái tôi đầy trách nhiệm.

*Bốn câu còn lại:
ý thức được nỗi nhục mất nước, sự lỗi thời của nền học vấn cũ, đồng thời thể hiện khát vọng hăm hở, dấn thân trên hành trình cứu nước.


Hs đọc bốn câu đầu
Câu thơ đầu nói về điều gì?
Có phải cụ Phan là người đầu tiên nói về chí làm trai?
II. Đọc-hiểu văn bản
1. Bốn câu đầu
Làm trai phải lạ ở trên đời
Sinh ra làm thân nam nhi, phải làm được những việc lớn lao kì lạ, trọng đại cho đời.
Các bậc tiền nhân trước như: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ đã từng nói nhiều về chí làm trai....
Cái lạ ấy theo em là gì?
-Câu thơ thứ hai: Há để càn khôn tự chuyển dời
Lời nhắc nhở: làm trai phải xoay trời chuyển đất, phải chủ động, không nên trông chờ. (lẽ nào cuộc sống muốn đến đâu thì đến, mình là kẻ đứng ngoài vô can.

Chí làm trai của cụ Phan có điều gì khác so với các bậc tiền nhân?
“Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có chí, có anh hùng”
(Nguyễn Trãi- Bảo kính cảnh giới số 5)


“Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
(Phạm Ngũ lão- Tỏ lòng)

“Làm trai sống ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
(Nguyễn Công Trứ- Chí làm trai)

Chí làm trai mà các bậc tiền nhân nhắc đến gắn với lí tưởng phong kiến, gắn với nhân nghĩa, chí khí, với công danh sự nghiệp.
Chí làm trai theo quan niệm mới mẻ của cụ Phan:
Phải xoay trời chuyển đất, phải chủ động, phải làm những việc phi thường, phải gắn liền với sự nghiệp cứu nước. ý tưởng lớn lao, mới mẻ này đã giúp Phan Bội Châu thể hiện cái tôi đầy trách nhiệm của mình, trong những câu thơ tiếp theo.
Suy nghĩ của em về hai câu thơ tiếp theo?
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Khẳng định đầy tự hào, đầy trách nhiệm: dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu nước.
Tự nhận gánh vác việc giang sơn một cách tự giác,
Nói bằng cả tâm huyết, bằng tấm lòng sục sôi của mình. Phá vỡ tính quy phạm của văn học trung đại
(Tính phi ngã).
Gv: nghệ thuật tuyên truyền chỉ đạt được hiệu quả, khi tác phẩm được viết bằng cả tấm lòng, tâm huyết, niềm tin chân thật!

Sau này muôn thuở há không ai?
Cụ Phan không hề khẳng định mình và phủ nhận mai sau, mà muốn nói lịch sử là một dòng chảy liên tục, có sự góp mặt và tham gia gánh vác công việc của nhiều thế hệ! có niềm tin với mình như thế nào, với mai sau như thế nào mới viết được những câu thơ như thế.

Thái độ của tác giả trước tình cảnh đất nước trong hiện tại?
2.Bốn câu cuối
-Non sông đã chết....Hiền thánh còn đâu?...
Nhục....hoài!
Việc học hành thi cử cũ, không còn phù hợp với tình hình đất nước hiện tại. (Cụ không hề phủ nhận Nho giáo, cụ chỉ muốn kêu gọi sự thức thời, tinh thần hành động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc! Con người tràn đầy nhiệt huyết, cá tính mạnh mẽ ưa hành động đã dùng những từ phủ định đầy ấn tượng:

“Tử hĩ” (chết rồi); “Đồ nhuế” (nhơ nhuốc);
“Si” (ngu)
Các từ trong bản dịch: nhục, hoài; chưa thể hiện được các từ “Đồ nhuế”, “Si” trong nguyên tác.

Hs đọc hai câu thơ cuối
-Khát vọng hành động, tư thế của nhân vật trữ tình được thể hiện qua các từ chỉ không gian: “Trường phong đông hải” “Thiên trùng bạch lãng” vừa kì vĩ, vừa rộng lớn gây ấn tượng sâu sắc về con người của vũ trụ. (Con người trong thơ xưa chưa phải là con người các nhân, cá thể mà là con người vũ trụ)
Hình ảnh mang tính vũ trụ ấy có tác dụng tô đậm phẩm chất của nhân vật trữ tình, đó là khát vọng là tư thế hăm hở lên đường cứu nước.

-Con người như muốn lao ngay vào môi trường hoạt động mới mẻ sôi động, bay lên cùng cơn gió lớn làm quẫy sóng đại dương. Mạnh mẽ hơn nữa: cùng một lúc bay lên với muôn trùng sóng bạc.
Đọc lại toàn bài thơ
Theo em? yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ?
Thứ nhất:
Giọng điệu thơ đầy tâm huyết, khẳng định, tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ:
Hai câu đầu ý thơ mở ra có tính chất mạnh mẽ (hướng ngoại). Những câu tiếp: khẳng định ý thức trách nhiệm cá nhân một cách tự tin, giọng thơ lắng xuống khi nhìn vào thực trạng đất nước.
Hai câu cuối: tứ thơ lại trào lên mạnh mẽ, hăm hở, với khát vọng lên đường.

Nhân vật trữ tình được thể hiện rõ qua giọng điệu bài thơ:đó là con người tự tin, dám khẳng định mình; ý thức rõ về nỗi vinh nhục ở đời, có khát vọng lớn lao, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Thứ hai:
Cách sử dụng từ ngữ:
Càn khôn, non sông, khoảng trăm năm
(những từ ngữ chỉ đại lượng không gian, thời gian rộng lớn, mang tầm vóc vũ trụ-Đặc trưng thơ tỏ chí trung đại (múa giáo non sông...) đó cũng là đặc trưng trong bút pháp thơ của Phan Bội Châu.

Những từ phủ định mạnh mẽ, đã tác động đến độc giả một cách sâu sắc (Tử hĩ, đồ nhuế, si)

ấn tượng của em về hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ?
III.Củng cố
Hình tượng nhân vật trữ tình là hình tượng một người anh hùng, tràn đầy ý thức về cái tôi của mình, cái tôi ý thức đầy trách nhiệm về sự tồn vong của đất nước, để từ đó thể hiện vai trò của mình với giang sơn đất nước.

 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top