“Vai trò của lực lượng sản xuất trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam”
[PDF]https://server1.vnkienthuc.com/files/4/XA_HOI/KLTN_triet32.pdf[/PDF]SINH VIÊN: NGUYỄN THỊ THUỶ
Lời Cảm Ơn
Hoàn thành Khóa luận tốt nghiệp này, tôi xin bày tỏ lòng cảm
ơn sâu sắc đến quý thầy, cô giáo trong khoa Lý luận chính trị, đặc
biệt là cô giáo hướng dẫn, Th.S Nguyễn Thị Phương, bạn bè và
người thân đã tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ tôi trong quá trình
thực hiện đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn, Phòng tư liệu khoa Lý luận chính
trị, Thư viện trường Đại học Khoa học Huế đã tạo điều kiện cho tôi
hoàn thành Khóa luận tốt nghiệp này.
1. Tính cấp thiết của đề tài
Lịch sử phát triển của xã hội là lịch sử vận động, phát triển, thay thế lẫn
nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Sự vận động, phát
triển của các hình thái kinh tế - xã hội là do sự tác động qua lại lẫn nhau một
cách biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ
tầng với kiến trúc thượng tầng. Trong đó phải kể đến lực lượng sản xuất là
một trong những nội dung cơ bản của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội
được triết học Mác xem là yếu tố năng động nhất trong các yếu tố cấu thành
phương thức sản xuất, quyết định xu hướng, tốc độ, nhịp độ vận động của
quan hệ sản xuất, thông qua đó làm thay đổi kiến trúc thượng tầng. Suy đến
cùng, sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định sự hình thành, phát triển
và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. Với vai trò trên, việc
làm sáng tỏ nội dung của lực lượng sản xuất được xem là vấn đề quan trọng
có tính cấp thiết, đặc biệt là đối với những người học tập và nghiên cứu chủ
nghĩa Mác - Lênin.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ
nghĩa xã hội, do vậy việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật là vấn đề tất yếu và
cần thiết. Việc xây dựng đó phải gắn liền với quá trình phát triển lực lượng
sản xuất trong mối quan hệ với quan hệ sản xuất, đó là “Quan hệ sản xuất phù
hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Với những nhận định đúng
đắn, Đảng ta đã xác định phải gắn liền quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước với quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ IX(2001) đã đề ra đường lối kinh tế của nước ta là:
“Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc
lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực
lượng sản xuất đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng
xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực bên
ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả
và bền vững”[23;89].