LOẠI TÀI LIỆU THAM KHẢO GIÁO VIÊN CẦN
“Ôn cố tri tân” là một nguyên lí giáo dục. Rất nhiều thông tin, tri thức xưa cũ cần được đưa vào và đã đưa vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường của các cấp, bậc học.
Việc giúp học sinh (HS) tiếp cận các thông tin này là nhiệm vụ của giáo viên (GV) nhưng rất nhiều GV gặp không ít khó khăn do vốn hiểu biết tri thức cũ đã ít, sách tham khảo tuy nhiều nhưng lại chưa đáp ứng được. Vì thế, trước nhu cầu hiểu biết của HS, nhiều GV không đáp ứng được. Họ không phải quá kém kiến thức, không phải không chịu tìm hiểu, không chịu đọc thêm. Cái chính là họ đã cố gắng nhưng không tìm được quyển sách cần đọc để đứng lớp được tốt hơn.

Nếu trong sách giáo khoa vẫn không chỉnh sửa để chú thích các thông tin xưa cũ thì GV rất cần có sách tham khảo
Chỉ lấy ví dụ trong sách Ngữ văn 10 (chương trình cơ bản) chẳng hạn đã thấy có nhiều thông tin về các chức vụ của các nhà văn, nhà thơ như bài Tỏ lòng(tuần 13), phần Tiểu dẫn cho biết Phạm Ngũ Lão“làm đến chức Điện súy, được phong chức Quan nội hầu”, bài Nhàn (tuần 14) cho biết Nguyễn Bỉnh Khiêm “được phong tước Trình Tuyền hầu, Trình Quốc công”, bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (tuần 22) cho biết tác giả Ngô Sĩ Liên “giữ chức Hữu thị lang bộ Lễ, Triều liệt đại phu kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tu soạn Quốc sử quán”, bài Truyện Kiều (tuần 28) cho biết Nguyễn Du-đại thi hào của dân tộc-giữ khá nhiều chức vụ như “nhận chức Tri huyện tại huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), sau đổi sang Tri phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Nội). Từ năm 1805 đến năm 1809, ông được thăng chức Đông Các điện học sĩ, năm 1809, được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Năm 1813, ông được thăng Cần Chánh điện học sĩ và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc, … đến ngay GV có trình độ đại học, cao đẳng còn không biết, nói chi đến việc HS (với trình độ chưa có bằng tú tài) học theo phương pháp mới là “trò chủ động” mà có thể biết được. Nhiều GV bày tỏ “giá sách giáo khoa chú thích các chức vụ đó là chức vụ gì, hoặc trong sách giáo viên giải thích chức vụ đó na ná như chức vụ gì bây giờ chẳng hạn thì tốt biết bao, nếu không thì chúng tôi cũng chỉ biết bảo các em “hãy hiểu các chức vụ đó đại khái như SGK trình bày”. HS không hiểu sao yêu văn, yêu môn học, yêu kiến thức được?.
Rất mong trong thời gian tới đây, nếu trong sách giáo khoa vẫn không chỉnh sửa để chú thích các thông tin xưa cũ (kiểu như trên) thì GV rất cần có sách tham khảo chú giải các thông tin xưa cũ trong chương trình đang thực hiện để được rộng đường tham khảo, để các thầy, các cô có thể “biết mười dạy một” sao cho được tốt.
Vũ Thanh Thông - Báo GD&TĐ