Lịch sừ từ khởi thủy đến thế kỷ X

  • Thread starter Thread starter tuan1990
  • Ngày gửi Ngày gửi

tuan1990

Banned
Xu
0
1. Di tích về người Việt Nam được phát hiên đầu tiên ở đâu? Vào thời gian nào?

Trong quá trình tìm kiếm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong các lớp trầm tích màu đỏ ở các hang Thẩm Hai và Thẩm Khuyên (thuộc huyện Bình gia- Lạng Sơn) những chiếc răng có đặc tính vừa của người và vừa của vượn,trong đó, đặc tính người là đặc tính trội. Niên đại của những chiếc răng cách nay khoảng 300,000 năm. Có thể đó chưa phải là những di chỉ có niên đại xưa nhất, nhưng dẫu sao thì cho đến nay mà nói, chúng ta cũng có thể tạm coi đó là niên đại mở đầu của thời kỳ tiền sử ở Việt Nam. Tuy chưa ai tìm thấy công cụ lao động của người vượn Thẩm Hai và Thẩm Khuyên, nhưng chúng ta có thể hoàn toàn tin rằng, họ phải là chủ nhân của nền văn minh sơ kỳ thời đại đồ đá cũ nào đó.

Khiếm khuyết của Thẩm Hai và Thẩm Khuyên đã được bù đắp một cách trọn vẹn ở di tích Núi Đọ (thuộc xã Thiệu Khánh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Công cụ bằng đá của người vượn tìm thấy trên đất Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1960, ở Núi Đọ.

Núi Đọ là một hòn núi thấp, cao 158m, ở bên bờ sông Chu. Đá núi là đá bazan. Người vượn đã đến đây, ghè vỡ đá núi để chế tác công cụ. Hàng ngàn mảnh ghè – mà các nhà khảo cổ học quen gọi là mảnh tước – cho đến nay vẫn còn nằm trên sườn Núi Đọ. Những mảnh tước đó thô,nặng, nói lên kỹ thuật ghè đẽo vụng về, thô sơ. Bấy giờ mảnh tước không phải là thứ bị vứt bỏ mà có thể dùng để cắt hay nạo. Bên cạnh những mảnh tước là những hạch đá – những hòn đá mà từ đó người ta ghè các mảnh tước – không có hình dạng nhất định. Trên Núi Đọ còn có khá nhiều những hòn đá được ghè đẽo qua loa, có một phần lưỡi dầy và uốn sóng, đó là những công cụ chặt thô sơ của người vượn. Hiếm hơn là những chiếc rìu tay có hình dạng có cân xứng hơn, được ghè đẽo nhiều nhát hơn trên cả hai mặt, một đầu gần nhọn, một đầu tròn làm đuốc cầm, lưỡi chạy xung quanh. Rìu tay là loại công cụ được chế tác cẩn thận nhất của người vượn. Nhìn chung, mảnh tước, ngạch đá cũng như công cụ ở núi Đọ biểu hiện một trình độ chế tác đá thấp, ở vào sơ kỳ thời đại đá cũ. Tuy nhiên, người vượn Núi đọ cũng đã đạt được một số tiến bộ trong việc chế tác công cụ. Loại hình công cụ của họ đã bắt đầu ổn định. Đã có một số loại công cụ nhất định. Các loại hình công cụ cũng đã được chế tác theo những tiêu chuẩn và quy cách nào đó mà người vượn cho là thích hợp. Các nhà khảo cổ gọi Núi Đọ là một di chỉ - xưởng, bởi đây là địa điểm chế tác công cụ rất lớn.Qua những công cụ tìm được, ta thấy tư duy sơ khai về sự liên quan giữa cấu tạo và chức năng của công cụ đã bước đầu hình thành.

Ngoài Thẩm Hai,Thẩm Khuyên và Núi Đọ, các nhà khảo cổ còn phát hiện thêm một số di chỉ cũng thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, như Quan Yên( Thanh Hóa cách Núi Đọ khoảng 3km), Núi Nuông ( Thanh Hóa ), Hàng Gòn (Xuân Lộc, Đồng Nai ). Nghiên cứu các di chỉ thuộc sơ kỳ đồ đá cũ đã được phát hiện, chúng ta có thể tạm nêu lên mấy nhận xét bước đầu như sau:

- các di chỉ tự cho thấy, cách nay khoảng 30 vạn năm,người vượn đã cư trú rải rác trên lãnh thổ nước ta, từ Bắc vào Nam.

- Về mặt nhân chủng học,chúng ta có thể suy luận rằng, lúc này, người vượn đã tiến tới giai đoạn đi thẳng.

- Về mặt xã hội học, kết cấu phổ biến là bầy người. Những bầy người này đã bước đầu bộc lộ sự hình thành những nhóm địa phương. Mỗi bầy người gồm 5 đến 7 gia đình với khoảng từ 20 đến 30 nhân khẩu. Hiện tượng tạp hôn nhìn chung đã chấm dứt và hình thái tiền thị tộc cũng có lẽ đã xuất hiện.

- Để tồn tại, phương thức kiếm sống chủ yếu của họ là hái lượm và săn bắt.


2. Hãy kể một vài di vật tìm thấy tại các di chỉ về người tối cổ ở nước ta. Những di vật này chủ yếu làm bằng chất liệu gì ?

Ngoài những di vật của người tối cổ được tìm thấy trong hai hang động Thẩm Khuyên,Thẩm Hai và Núi Đọ thuộc tỉnh Thanh Hóa, thì tại nhiều địa phương khác trong cả nước, đã tìm thấy nhiều công cụ lao động của người tối cổ. Những công cụ lao động này được làm bằng đá, thuộc thời kỳ đồ đá cũ.

Khai quật tại các miền đất thuộc các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai ) các nhà khảo cổ học cho biết có dấu tích những công cụ đá của người vượn nằm rải rác ở nhiều địa điểm, trên một địa bàn khá rộng, thường được gọi là đá cũ “Xuân Lộc”.

Tại địa điểm Hàng Gòn 6, cách thị xã Xuân Lộc 7km về hướng Bắc, người ta đã tìm thấy 20 công cụ bằng đá, nằm rải rác trên mặt sườn đồi hoặc nằm trong lòng đất khoảng 40cm, bao gồm các loại rìu tay hình bầu dục ( hoặc hình hạnh nhân ), công cụ hình rìu, công cụ mũi nhọn, công cụ nhiều mặt, ba mặt, nạo, hòn mum và mảnh tước. Kĩ thuật chế tác khá thô sơ, phổ biến là ghè đẽo trực tiếp. Một điểm đáng chú ý, những công cụ hình hạnh nhân,có đặc điểm chung khá giống với sản phẩm cùng loại của nhóm người vượn sinh sống cách ngày nay khoảng 300,000 năm, và thời đại đá cũ sơ kỳ ở Patjitan (indonesia).

Người ta còn phát hiện thêm mười công cụ bằng đá, nằm trên đồi đất đỏ bazan, cạnh con suối Dầu Dây thuộc huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai. Chúng bao gồm các loại rìu tay hình hạnh nhân,công cụ nạo, công cụ mũi nhọn, được ghè đẽo cẩn thận. Ngoài hai địa điểm nói trên, dấu vết công cụ “đá cũ” còn có mặt trên vài ngọn đồi đất đỏ bazan trên Núi Đất, Phú Quý (Xuân Lộc Đồng Nai), Dốc Mơ (Tân Phú –Đồng Nai ),Quan Yên, Núi Nuông (Thanh Hóa ),Lộc Ninh (Bình Phước )…. Chúng gồm những công ghè hai mặt (biface),công cụ hình rìu (hacheraux), công cụ chặt thô,công cụ dạng mu rùa, mảnh tước hình bán nguyệt…đặc biệt, công cụ tại Dốc Mơ, được ghè đẽo trên khắp hai mặt, có hình hạnh nhân khá cân đối,ven rìa được tu chỉnh khá tỉ mỉ,tạo rìa lưỡi thành hình ziczac. Đây là chiếc rìu tay có những nét rất đặc trưng của rìu tay văn hóa A Sơn của người vượn sống vào thời đại đá cũ sơ kỳ, cách nay từ 300,000 -250,000 năm.

Như vậy, ngay từ buổi đầu sơ khai, trên lãnh thổ Việt Nam, chắc hẳn đã có ba nhóm người vượn sinh sống trên những miền đất khác cách xa nhau. Người vượn Lạng Sơn hoạt động trên vùng cao phía Bắc, cư ngụ trong các hang động đá vôi, có thể chất khá phát triển. Người vượn Núi Đọ, sống tập trung trên hệ bazan cao thoáng. Họ biết ghè đẽo đá bằng kỹ thuật ghè trực tiếp, tạo nên những công cụ thô sơ,chưa thật sự định hình.còn nhóm người vượn Xuân Lộc,cư ngụ trên vùng đất bán bình nguyên, công cụ lao động bằng đá của nhóm người này khá ổn định, kỹ thuật ghè, đẽo có tiến bộ hơn, biểu hiện rõ nét trên những chiếc rìu tay hình hạnh nhân.


3. Người khôn ngoan xuất hiện ở nước ta khi nào ?

Trải qua một thời gian sinh tồn và ngày càng phát triển, người vượn đã chuyển thành người khôn ngoan, từ người khôn ngoan giai đoạn sớm (homo sapiens) đến người khôn ngoan giai đoạn muộn (homo sapiens sapi-ens). Trên lãnh thổ Việt Nam,các nhà khảo cổ học đã phát hiện những hóa thạch răng của người khôn ngoan. Ở hang Thẩm Ồm (Nghệ An),hang Hùm (Yên Bái),thung Lang (Ninh Bình) có những hóa thạch của người khôn ngoan giai đoạn sớm.

Ở hang Kéo lèng (Lạng Sơn) phát hiện được hai chiếc răng của người hóa thạch có niên đại khoảng 30,000 cách ngày nay. ở Đồi Thông (thị xã Hà Giang ) và mái đá Ngườm (Võ Nhai, Bắc Can),các nhà khảo cổ đã phát hiện được những công cụ của người khôn ngoan có niên đại sau người Thẩm Ồm, hàng Hùm. Đặc trưng của công cụ đá Đồi Thông là kỹ nghệ đá cuội,còn ở mái đá Ngườm là kỹ nghệ mảnh tước. ngoài ra, còn có một số ít công cụ làm bằng những hòn đá cuội lớn giống với công cụ đá của người Sơn Vi ở giai đoạn tiếp đó. Sự phong phú về kỹ nghệ (cuội,mảnh tước) làm công cụ đã nói trên chứng tỏ rằng chủ nhân của văn hóa hậu kỳ đá cũ ở Việt Nam đã có một trình độ phát triển về mặt chế tác đá.

Vào cuối thời đá cũ, trên một vùng rộng lớn ở đất nước ta,có nhiều bộ lạc săn bắt, hái lượm để sinh sống. Họ cư trú trong các hang động, mái đá ngoài trời, ven bờ các con sông, suối trên một địa bàn khá rông từ địa bàn từ Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, đến Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Các di tích của các bộ lạc thời kỳ này được các nhà khảo cổ học gọi bằng thuật ngữ văn hóa Sơn Vi( Phú Thọ).

Căn cứ vào sự phân bố các di tích văn hóa Sơn Vi, các nhà khảo cổ học cho rằng cư dân Sơn Vi thời hậu kì đá cũ ở Việt Nam sống tập trung trên các đồi, gò trung du, dạng hình chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng; cụm lại thảnh những khu vực lớn: trung lưu sông Hồng, thượng lưu sông Lục Nam, thượng lưu sông Hiếu.

Các bộ lạc Sơn Vi dùng đá cuội là chủ yếu để chế tác công cụ. Họ thường ghè đẽo ở rìa cạnh hòn cuội để tạo nên những công cụ chặt, nạo….Công cụ đặc trưng cho văn hóa SơnVi là những hòn đá cuội được ghè đẽo ở rìa cẩn thận, có nhiêu loại hình ổn định, thể hiện một bước tiến bộ rõ rệt trong kỹ thuật chế tác đá, tuy nhiên chưa có kỹ thuật mài. Nguồn sống chính của cư dân Sơn Vi là hai lượm săn bắt các loài thực vật, đông vật. Ở các di chỉ thuộc văn hóa Sơn Vi, có nhiều xương trâu, bò rừng, lợn rừng, khỉ, cá.

Có thể nói, sự xuất hiện của người khôn ngoan Sơn Vi đánh dấu bước chuyển biến trong tổ chức xã hội, các thị tộc, bộ lạc ra đời. mỗi thị tộc gồm vài ba chục gia đình, với vài ba thế hệ có chung huyết thống quây quần với nhau trên cùng một địa vực. Một số thị tộc sống gần gũi nhau, có họ hàng với nhau vì có một nguồn gốc tổ tiên xa xôi họp lại thành bộ lạc. Các thị tộc trong một bộ lạc có quan hệ gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và có quan hệ hôn nhân giữa con trai thị tộc này và con gái thị tộc khác trong cùng bộ lạc.


4. Vào thời kỳ đồ đá giữa, người Việt cổ đã phát minh ra trồng trọt sơ khai như thế nào ?

Theo các nhà khảo cổ học thì văn hóa Hòa Bình ( Hòa Binh) thuộc văn hóa đồ đá giữa. Cư dân văn hóa Hòa Bình sinh sống chủ yếu trong các hang động và thức ăn mà họ ưa thích nhất là ốc suối và ốc núi. Ở những hang động này, người ta đã tìm thấy dấu tích của các bếp lửa. Bấy giờ chưa có đồ gốm, hẳn người nguyên thủy đã làm chín thức ăn bằng cách nướng hoặc nấu trong ống bương, ống tre hay trong vỏ quả bầu. Những viên cuội dùng để chế tác công cụ đá ở Hòa Bình được ghè đẽo khắp một mặt,mặt còn lại thì giữ nguyên. Tuy nhiên, loại hình công cụ giữ vai trò trực tiếp hơn trong các hoạt động thường ngày có lẽ là được chế tác từ tre hoặc gỗ. Có thể thấy được rằng săn bắt và hái lượm là hoạt động chủ yếu của các bộ lạc của văn hóa Hòa Bình. Trong hai hoạt động đó, có thể hái lượm đem lại cho họ một nguồn thức ăn thường xuyên hơn. Nhìn vào đống vỏ ốc lớn trong các địa điểm Hòa Bình, ta có thể nói như vậy. Tuy nhiên, một trong những phát minh lớn của cư dân Hòa Bình đó là phát minh ra trồng trọt sơ khai.

Trong di chỉ văn hóa Hang Ma (đông bắc Thái Lan), người ta đã tìm thấy hạt của một số loại thực vật như bầu, bí,đậu,…Trong các di chỉ khác như Sũng Hàm, Thẩm khương… người ta cũng tìm thấy phấn hoa của các cây họ rau, đậu. Những tư liệu rất quý giá này cho phép kết luận rằng, đến đây, người hiện đại đã phát minh ra trồng trọt sơ khai. Niên đại các bon phóng xạ (c 14) sớm nhất ở hang Ma ở Thái Lan là 11.690 +580 năm cách nay, niên đại các bon phóng xạ của hang Sũng Sàm ở Việt Nam là 11.365 + 80 năm cách nay. Như vây là hơn một vạn năm về trước, nông nghiệp đã ra đời ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại. Việt Nam nằm trong trung tâm đó và các bộ lạc nguyên thủy ở Việt Nam đã có đóng góp to lớn vào phát minh quan trọng đó.

Nhiều nhà dân tộc học đã chia lịch sử ngành trồng trọt thành hai giai đoạn lớn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn trồng rau củ, giai đoạn thứ hai là giai đoạn trồng lúa mà đỉnh cao là trồng lúa nước. Theo cách phân kỳ ấy, chúng ta có thể nói cư dân văn hóa Hòa Bình đã bước đầu tiên vào giai đoạn thứ nhất của lịch sử ngành trồng trọt. Cũng cần nói thêm rằng, tầng văn hóa của văn hóa Hòa Bình rất dày, có nơi lên tới 3,7m. Điều này thể hiện rõ sự định cư tương đối lâu dài và chính sự định cư tương đối lâu dài ấy đã cho phép trồng trọt có điều kiện nảy sinh và phát triển.

Có thể nghĩ rằng, cách nay trên một vạn năm, cư dân văn hóa Hòa Bình là một trong những cư dân vùng Đông Nam Á đã biết đến nông nghiệp sơ khai. Mặc dù cuộc sống chủ yếu vẫn dựa vào nguồn thức ăn do hái lượm, săn bắt mang lại, nhưng sự ra đời của nông nghiệp sơ khai có ý nghĩa đánh dấu bước chuyển biến mới, tuy là bước đầu của cư dân Hòa Bình. Với nghành kinh tế sản xuất này, con người thực sự bắt đầu công cuộc cải thiện tự nhiên, tạo ra những giống loài mới không có trong tự nhiên.

5. Vào thời hậu kỳ của thời đại đồ đá mới, người Việt cổ đã có những phát kiến quan trọng gì làm thay đổi hẳn đời sống kinh tế của các bộ lạc đương thời?

Vào thời kỳ đồ đá giữa, ngành trồng trọt sơ khai đã xuất hiện trong văn hóa Hòa Bình, song mãi đến Băc Sơn (Lạng Sơn) và Quỳnh Văn ( Nghệ An ), hái lượm và săn bắt vân giữ vị trí hàng đầu trong phương thức kiếm sống của cư dân nguyên thủy. Phải đợi đến hậu kỳ của thời đại đá mới, ngành trồng trọt mới khẳng định được tầm quan trọng của mình . Hậu kỳ của thời đại đồ đá mới ở Việt Nam được mở đầu bằng các khu di chỉ như Gò Trũng hoặc Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa)…
Nhưng đặc biệt nhất vẫn là văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh) và sau này là văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình). Ở thời đại này, cư dân nguyên thủy đã có mấy phát kiến quan trọng như sau:

- Trong kỹ thuật chế tác công cụ đá, cư dân nguyên thủy đã biết cưa đá và khoan đá . Kỹ thuật đã bắt dầu có ở Gò Trũng, nhưng phổ biến thì phải đợi đến văn hóa Hạ Long .Người Hạ Long còn biết khoan đá kể cả khoan xuyên lỗ lẫn khoan tách lõi. Khoan tách lõi là một kỹ thuật khoan khá phổ biến trong các bộ lạc hầu kỳ đá mới ở Việt Nam. Bằng một giá hoan thế nào đó, người ta tra cho mũi khoan chuyển chuyển động trên mặt đá và khoét thành một rãnh tròn . Khi rãnh sâu đến độ cần thiết , người ta đập mạnh , một lõi tròn hình trụ hay hình nón cụt vỡ tách ra và để lị một lỗ tròn trên tấm đá mà người ta muốn khoan . Phát kiến này khiến cho công cụ đá của người Hạ Long vừa đẹp vừa có tính năng sử dụng cao hơn.

- Trong nghề gốm, người Hạ Long đã biết chế tạo ra bàn xoay. Đó là những thứ đồ dùng hằng ngày như nồi,niêu, vò, hũ,bát, ….. Trên các sản phẩm gốm,người nguyên thủy đã dùng que nhọn vạch lên đồ gốm những hình trang trí,đó là những đường song song cắt nhau thành ô vuông hay ô trám, những hình tam giác chạy nối nhau, bên trong tam giác là các đoạn thẳng song song. Gốm Hạ Long vì thế mà đẹp, đều và tốt hơn hẳn gốm Bắc Sơn cũng như gốm Quỳnh Văn.
- Trên cơ sở những dọi xe chỉ bằng đất nung đã được phát hiện ở văn hóa Bàu Tró, chúng ta có thể nói rằng, đến đây cư dân nguyên thủy đã biết dệt vải.

Nhìn chung, vào giai đoạn cuối của thời đại đá mới, trên khắp mọi miền của đất nước đã tụ cư nhiều nhóm bộ lạc trồng lúa, có kỹ thuật làm đồ đá và đồ gốm gần tương tự nhau. Nhờ có nông nghiệp trồng lúa, đời sống của con người đã ổn định. Nhiều di chỉ có diện tích lớn gần nhau nói lên rằng thời đó đã có những xóm làng đông đúc. So với trước rõ ràng có sự tăng vọt về dân số. sự trao đổi trao đổi không những chỉ phát triển trong nội bộ các bộ lạc mà còn mở rộng ra ngoài biên giới các bộ lạc. Đã xuất hiện các công xưởng chế tác đá rộng lớn.Như vậy là trong công xã đã có một bộ phận khá đông thành viên được chuyên môn hóa. Họ sản xuất để thỏa mãn nhu cầu của công xã và đề trao đổi các bộ lạc khác.

Những phát kiến kể trên đã làm thay đổi hẳn đời sống kinh tế của các bộ lạc đương thời. Từ đây, nông nghiệp vươn lên giữ vị trí quan trọng nhất, cũng từ đây săn bắt và hái lượm dần dần bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Đây là sự thay đổi mang tính cách mạng và có ý nghĩa lớn lao, bởi lẽ gắn liền với quá trình này là sự nông nghiệp hóa đời sống của cư dân các bộ lạc, là sự bùng nổ dân số và là sự đẩy mạnh hiện tượng trao đổi sơ khai. Các nhà sử học gọi đó là cách mạng đá mới. Chính sự chuyên môn hóa trong kinh tế sản xuất, sự phát triển trao đổi, sự bùng nổ dân số, đó là những biểu hiện khá rõ của một cuộc “cách mạng đá mới”. từ Hạ Long,tổ chức xã hội phổ biến của cư dân nguyên thủy là công xã thị tộc mẫu hệ.
( còn nữa )
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top