Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Lễ Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng)
“Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng giêng”... Chỉ nghe qua đã thấy sự rộn ràng, nô nức của các lễ hội và lòng người hướng về cõi tâm linh trong những ngày đầu năm mới. Đây là dịp để mọi người tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Hòa vào dòng người đi lễ đầu Xuân sẽ cảm thấy trời đất giao hòa, con người như gần gũi nhau hơn. Đi lễ đầu năm đã trở thành một nét văn hóa đẹp và lâu đời của mỗi người dân Việt Nam.
Đối với một số nước Á Đông, Rằm tháng Giêng có ý nghĩa đặc biệt. Vì đó là ngày đầu tiên trong năm mà người ta trông thấy mặt trăng tròn vành vạnh, lung linh mênh mang, soi sáng mặt đất suốt cả một đêm dài. Cho nên ở Trung Quốc người ta tổ chức lễ hội Nguyên tiêu (đêm đầu tiên), giăng đèn kết hoa, trai gái nô nức dạo chơi suốt đêm, hát những khúc tình ca dưới ánh trăng lồng lộng. Cũng từ đây khởi đầu những chuyện tình đôi lứa.
Ở Việt Nam thì ngày Rằm tháng Giêng được gọi là lễ Thượng nguyên (sự mở đầu cao nhất). Dân gian có tục đi chơi đón trăng. Thanh niên từng toán một, nam riêng, nữ riêng, tụ tập quanh gốc đa đầu làng, bên bờ hồ giữa xóm hoặc trên gò cao, kề bến nước, trong vườn hoa đào... Họ hát giao duyên, những câu ca tình tứ:
Nhớ ơn đêm Rằm tháng Giêng
Có ông Nguyệt lão se duyên đôi mình
Hoặc:
Sáng trăng sáng cả vườn đào
Hai cô đứng đó cô nào chồng chưa.
Cây đu dựng từ trong Tết được lưu lại để các anh, các chị trổ tài, cũng là một cách níu giữ mùa xuân dài thêm một thời đoạn nữa. Sau đó họ rủ nhau đi dạo quanh xóm làng, tâm tình dưới ánh trăng thanh. Về sau lễ Thượng nguyên, lễ Nguyên tiêu chuyển về chùa chiền. Tất cả mọi chùa chiền ở xóm làng hay phường phố đều làm lễ cúng, rộng cửa đón khách thập phương. Không cứ là tín đồ Phật tử mà hầu như mọi nhà, nhất là giới nữ, đều đến chùa lễ Phật. Bởi vậy tục ngữ Việt Nam có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng giêng”. Lễ Thượng nguyên quan trọng như vậy, vì theo chuyện Phật thì chính ngày này chư Phật đều từ cõi Cực lạc giáng lâm chùa chiền để chứng độ lòng thành của những tín đồ, nên ai cũng muốn đến chùa dâng hương ngày hôm ấy, nhất là giới nữ. Các vị lão bà đến chùa còn là để tụng kinh niệm Phật, vừa lần tràng hạt vừa kể hạnh tức là những bài ca thuật lại sự tích của các Phật, các bồ tát và khuyến thiện, răn đe tội lỗi, ca ngợi sự hy sinh cho đồng bào, đồng loại.
Nhưng điều đặc biệt ở Việt Nam là có khá đông đôi trai gái nặng lòng yêu nhau cũng đến chùa, tới trước Phật điện để xin cầu phù hộ độ trì cho được cùng nhau vẹn ước duyên tơ. Và thường thường là các Phật vốn từ bi cứu khổ nên vẫn tạo điều kiện cho họ thực hiện ước mơ hạnh phúc sánh duyên.
Thực ra thì ngày Thượng nguyên Rằm tháng Giêng có gốc gác như thế này: Theo chuyện Phật thì ngày mùng một đầu tháng (âm lịch) và ngày rằm là ngày của các Phật. Do vậy Phật tử đều đến chùa dâng lễ vật cúng Phật vào hai ngày đó. Nhưng ngày mùng một ban đêm lại đen tối mịt mù, ngược lại đêm Rằm thì trăng soi vằng vặc. Nhất là đêm Rằm đầu tiên của một năm thì thiêng liêng lắm, vì như đã nêu trên, là thời gian các Phật giáng lâm xuống mọi chùa chiền để độ trì cho mọi người tai qua nạn khỏi, phúc lộc đầy nhà.
Khoảng dăm bảy thế kỷ trở lại đây, tín ngưỡng đạo giáo thâm nhập vào Phật giáo. Tôn giáo này coi Rằm tháng Giêng là ngày vía Thiên quan, là dịp may hãn hữu để làm lễ dâng sao giải hạn trừ tai ách. Do vậy các chùa cũng nhân ngày này dựng đàn tràng làm lễ dâng sao. Đàn tràng có 3 cấp. Trên cùng là Trời, Phật, Tiên, Thánh. Cấp giữa là các vì sao thủ mạng (theo đạo Giáo, mỗi con người hàng năm chịu ảnh hưởng của một vì sao nào đó). Cấp dưới cùng là các cô hồn chúng sinh lang thang vô định. Lễ vật thường là hoa quả, trầu cau, xôi oản, trà rượu và đồ vàng mã.
Đó chính cũng là lý do khiến thêm nhiều người đến cửa chùa để cầu xin may mắn, tránh tai ương. Và càng đi vào cơ chế kinh tế thị trường lắm cơ may và cũng nhiều xui xẻo thì sự cầu xin đó càng nồng nàn, nên Rằm tháng Giêng dạo này chùa nào cũng chật ních khách dâng hương. Có điều phải hạn chế tới mức tối thiểu việc đốt vàng mã.
(Sưu tầm)