LỄ CHÙA ĐẦU XUÂN
Xuân về, ngoài những chuyến du lịch dã ngoại vui tươi, người Việt Nam vẫn không quên đi hành hương đầu năm - hay còn gọi là đi lễ chùa để cầu bình an, sức khỏe, may mắn, phát đạt và hạnh phúc cho cả năm. Việc đi lễ chùa vì thế đã trở thành thói quen của rất nhiều người trong mọi giai tầng xã hội.
Đầu năm chạm ngõ cửa thiền
Lễ hội vốn là một nét văn hóa của người Việt, thể hiện ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Chính vì lẽ đó mà ca dao Việt Nam có câu:
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè
Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm
Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân"
Thế nhưng, mỗi độ xuân về thì người Việt Nam dù có đi trẩy hội ở nơi đâu vẫn không quên thắp nén hương thơm trong nhà để tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn của mình, và sau đó là đi lễ chùa vào đêm 30 Tết (Âm lịch) hay sáng ngày mồng Một tết.
Vào đêm giao thừa (30 Tết), mọi gia đình đều chuẩn bị sẵn một mâm cơm thịnh soạn, rồi thắp nhang khấn vái thần linh thổ địa, ông bà tổ tiên về sum vầy cùng con cháu. Khi nhang tàn, mọi người cùng quân quần bên nhau dùng cơm và chúc mừng năm mới. Những đứa con trong gia đình sẽ mừng tuổi cha mẹ, cô chú và nhận lại bao lì xì đỏ thắm cùng nhiều lời chúc mừng như gửi gắm vào một năm mới tốt đẹp. Và sau cùng mọi người sẽ đi lễ chùa, xin lộc và cầu mong mọi điều may mắn cho cả năm. Nếu không thể đi chùa vào đêm 30 Tết thì sáng sớm ngày Mồng một Tết mọi người lại thức dậy thật sớm để đến chùa thắp nhang cầu nguyện.
Đi lễ đầu xuân - Nét đẹp của văn hóa Việt Nam
Người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ bạn sẽ cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ.
Theo quan điểm của người Việt, muốn cầu mong thần tài phù hộ thì đầu năm xuất hành nên chọn hướng chính Tây, còn nếu mong điều hạnh phúc thì phải chọn hướng Nam xuất hành để lời cầu chúc được như ý. Đồ lễ thì là mâm xôi, con gà, chén rượu, ấm trà, cũng có khi chỉ là bông hoa tươi, nén nhang thơm...nhưng theo lệ thường thì một mâm lễ bao giờ cũng phải đủ cả hương, hoa, tiền vàng (tiền âm phủ), tiền dương gian, có thêm một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm mới vạn sự như ý. Lời văn khấn có bài bản, văn vẻ, có vần, có điệu, nghe như thơ, như nhạc, vang mãi trong không gian âm u, huyền bí của đình, chùa tạo nên sự linh thiêng, vừa như ảo, vừa như thực. Lễ xong thường ai cũng muốn nán lại để xin "lộc" nhà chùa, chỉ là một nhánh cây hay bông hoa... tượng trưng cho sự tươi tốt, dồi dào khỏe mạnh.
Bạn có thể bắt gặp hình ảnh dòng người Việt hành hương về cõi Phật khi mùa xuân về ở khắp các ngôi chùa lớn nhỏ trên cả nước như chùa Hương, Yên Tử, Tây Phương, Yên Tử, Tây Phương...hay chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc mọi người đến để cầu lộc tài, ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu mong cháu con học hành giỏi giang, tài hiền giúp ích cho đời...Những lời thỉnh cầu, ước nguyện ấy có đến được với những vị thần linh hay không thì mọi người cũng tin rằng chỉ cần đi lễ đầu năm, thành tâm khấn cho gia đình, con cháu được sum vầy, vui vẻ, bình an, đất nước được an vui, thái bình, người người no ấm thì chính bản thân mỗi người cũng sẽ nhận được những phước lành trong cuộc sống. Đó cũng là nét văn hóa và nhân văn của dân tộc Việt Nam.
ST