Lần theo mối tình Chí Phèo - Thị Nở

Hide Nguyễn

Du mục số
ben%20do%20dai%20hoang.jpg



Làng Vũ Đại ngoài đời (thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) thật khuất nẻo. Tận cùng phía Đông của tỉnh, “sát nách” Nam Định. Lại khá xa thị xã Phủ Lý, khoảng hơn 40 cây số. Lại đường sá gồ ghề. Phải ai mê tài văn Nam Cao và say “mối tình bị nguyền rủa” của hai con người dở tính thì mới lần về đây.

Đến Nhân Hậu, dĩ nhiên là về quê nhà văn Nam Cao rồi. Chàng trai Trần Hữu Tri lấy bút danh Nam Cao là để nhớ đến mảnh đất thân thương thuộc về Cao Đà tổng, Nam Sang phủ. Dại gì mà nói “quê Chí Phèo”. Điều “húy” nặng nhất đấy. Nói quê Thị Nở cũng chả nên. Chưa hẳn vì thói đời xấu che tốt khoe. Bà con địa phương cũng có lý của mình.

Làng Đại Hoàng (hay thôn Đại Hoàng, xã Đại Hoàng cũng thế vì ở đây nhất thôn, nhất làng, nhất xã) đã nhiều lần đổi tên. Cái tên cực kỳ “quân chủ” này dưới chế độ cộng hòa được đổi tên thành Nhân Hậu (làng Nhân Hậu đồng thời là xã Nhân Hậu). Sau nữa xã Nhân Hậu sáp nhập với xã Nhân Hòa thành xã Hòa Hậu, còn làng Nhân Hậu trở thành thôn Nhân Hậu có tới 13 xóm). Cái tên Vũ Đại trong tác phẩm của Nam Cao dĩ nhiên bắt nguồn từ chữ Đại trong Đại Hoàng rồi. Đại Hoàng có nghề dệt vải lâu đời, có giống chuối ngự tiến vua nổi tiếng và giống hồng đặc sản. Người Đại Hoàng hầu hết, nếu không phải là tất cả, đều mang họ Trần (mẹ và vợ của nhà văn Nam Cao cũng họ Trần). Họ hiền lành, chân chất, ít va chạm với bên ngoài.

CHÍ PHÈO KHÔNG YÊU...THỊ NỞ

Chí Phèo là người thiên hạ dạt về, ở một thời gian rồi lại đi đâu không ai rõ. Ngoài đời đó là một gã đàn ông cục cằn có “tên gốc” là Chí trú trong điếm chợ, ai thuê gì làm nấy. Anh ta hay chớt nhả với đàn bà con gái. Mỗi lần xin được tiền các bà giàu có trong làng họăc được trả tiền công thì đều uống rượu say khướt rồi về điếm nằm phèo. Cũng có người nói anh ta hay được thuê mổ lợn, có tài làm món phèo nên người ta mới gọi là Chí Phèo. Nhưng Chí không rạch mặt ăn vạ, không gây gổ khi say tuy mặt anh ta nom dữ tợn và hay bị người ta đem ra dọa trẻ con. Tính cách ghê gớm của Chí trong truyện là được lấy từ 5-7 gã nát rượu nổi tiếng trong làng, mỗi gã “góp” một tý. Chí ở ngoài đời không tư thông với bà Ba, không đâm chết Bá Kiến, không rạch bụng tự tử. Và điều quan trọng nhất là anh ta không hề “giao lưu tình cảm” với... người đàn bà có tên Thị Nở.

Thị Nở cũng là một nhân vật có thật. Chị ta chính là mợ của... Nam Cao! Cậu của nhà văn vì nghèo, vì mối lái hay vì lý do nào đó mà chấp nhận kết duyên với cô thôn nữ quá xấu xí và không thật tính. Thị Nở (đúng là tên như vậy) ngay cả một bữa cơm bình thường cũng không biết nấu cho chồng ăn. Lại hay cười... vô nghĩa. Nhưng chị ta không tơ tưởng đến gã đàn ông nát rượu. Không chửa hoang mà rất chính chuyên. Thị Nở ngoài đời sinh được một cậu con trai bình thường (người này chết bệnh khi còn trẻ). Thật ra chị ta đã cho nhân vật của Nam Cao “mượn” tên và tính cách. “Người yêu Chí Phèo” thật là một người đàn bà sống ở một làng mà ngày nay người ta gọi là thôn Nhân Tiến. Chị ta có chồng, có con. Không hề xấu, không hề vô duyên. “Kết” với Chí Phèo vì hàng ngày chị ta đi cất trứng ở bên kia sông về qua điếm chợ rất sớm, hay bị gã này chòng ghẹo. Có thể cuộc hôn nhân của chị ta vốn cũng chẳng hạnh phúc gì. Khi Chí bỏ làng Đại Hoàng đi biệt tăm thì chị này cũng mất tích một thời gian rồi lại trở về với chồng con. Nay thì các con của “chị” cũng đã “trăm tuổi”, chỉ còn cháu chắt.

DẤU XƯA CÒN LẠI... CHÚT NÀY


Về Nhân Hậu, điểm đến đầu tiên dĩ nhiên là Nhà tưởng niệm Nhà văn liệt sĩ Nam Cao và mộ của ông. Tiếp đến là ngôi nhà và vườn hồng đặc sản của em trai nhà văn, ông Trần Hữu Đạt, người còn nhớ rõ những nguyên mẫu mà Nam Cao dựa vào để khắc họa nhân vật. Nhưng chúng ta cũng chẳng thể không đến thăm ngôi nhà của Bá Kiến, nơi diễn ra những hành động trái với thuần phong mỹ tục giữa bà chủ phốp pháp và gã người ở trẻ trai, lực lưỡng, nơi tên cường hào lạnh lùng bày mưu đẩy người ta xuống sông rồi lại làm ra vẻ cứu người ta lên để được hàm ơn.

Ngôi nhà cột lim lợp ngói âm dương vẫn còn nguyên vẹn, chỉ thiếu dãy nhà ngang, đúng trên khuôn viên cũ. Bối cảnh xung quanh cũng u tịch và cô cổ rất hợp với tâm trạng của khách muốn tìm về chốn xưa. Chỉ có điều chủ đã đổi nhiều lần. Bá Kiến ngoài đời gọi là Bá Bính, giàu có, mua được chức nghị viên. Ông ta thâm hiểm khét tiếng nhưng bề ngoài rất mềm mỏng, chẳng mấy khi tỏ vẻ hách dịch với dân. Khôn ngoan lọc lõi, ông ta hại người mà người ta không hay. Truyện của Nam Cao xuất bản được ít lâu thì tiếng tăm dội về làng. Bá Bính gặp thân phụ của nhà văn, ngọt nhạt: “Ông có phúc đẻ thằng con viết sách chửi cả làng”. Không quát nạt, không tìm cách làm hại. Có lẽ một phần do bạn học của nhà văn làm quan ở huyện. Bá Kiến trong truyện ác độc hơn và bị đâm chết có lẽ là do tình cảm giai cấp của nhà văn chi phối. Ngoài đời Bá Bính ốm chết mấy năm sau Cách mạng tháng Tám. Thời Nam Cao làm Chủ tịch ủy ban kháng chiến ở xã, Bá Bính hễ gặp Nam Cao là lên tiếng chào từ xa, bất kể ông ta là người hơn tuổi. Con của ông ta nhiều người tham gia Cách mạng, có cả một vị lên đến chức Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bá Bính có người vợ ba tên là Yêm. Bà ta cũng được gọi là bà Ba như trong truyện. Cũng phốp pháp, nõn nà và đa tình. Quả thật bà ta tư thông với một gã trai là kẻ ăn người ở trong nhà, nhưng không phải Chí Phèo. Anh Chí ngoài đời chẳng liên quan gì tới nhà Bá Bính. Bà này chẳng đến nỗi cay nghiệt với người làng. Con cái của bà cũng chẳng đến nỗi nào, có người là bạn học của ông Đạt. Tuy nhiên, năm 1954 do nghe những lời đồn đại về sự trừng phạt của chính quyền mới đối với cường hào ác bá mà bà ta hoảng loạn, treo cổ chết trên cành nhãn.

Bến đò xưa không còn. Thay vào đó là cây cầu tạm. Cái lò gạch cũ nổi tiếng, nơi Chí Phèo của Nam Cao bị bỏ rơi và nơi Thị Nở văn học nghĩ đến khi sờ cái bụng căng phồng, cũng bị phá từ lâu. Nơi đó giờ mọc lên những cụm tre chắn sóng. Thật may vẫn còn vườn chuối ven sông, chỗ Thị Nở kín nước ngủ quên dưới ánh trăng và gặp Chí Phèo. Giống chuối Đại Hoàng quả nhỏ và thơm nức được Quỹ môi trường toàn cầu đầu tư để bảo vệ gien quý.

Ai đã từng đọc hoặc nghe nói về một trong những mối tình ấn tượng nhất Việt Nam qua các thời đại thì đều ít nhiều mường tượng về bối cảnh diễn ra. Rất đông trong đó muốn ít ra một lần về thăm làng Vũ Đại của Nam Cao. Không phải họ đều nghe nói về thôn Nhân Hậu. Có nghe thì chẳng biết đường đi lối lại. Và cái chính là nếu đến thì biết gặp ai, nghe kể gì và được nhìn thấy những dấu tích nào...


Nguồn : khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top