• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Làm thế nào cho học sinh thích học văn?

Thandieu2

Thần Điêu
Làm thế nào cho học sinh thích học Văn?

-Qua tìm hiểu một số học sinh thì các em cho biết bài tập quá nhiều, môn nào cũng có bài tập, các em làm không xuể, không có thời gian dành cho môn văn, vì thế các em học chỉ để đối phó. Do đó làm thế nào để các em thích học văn? Đây là câu hỏi trăn trở với mọi giáo viên dạy môn văn hiện nay.

I. Đặt vấn đề

Qua tìm hiểu một số học sinh thì các em cho biết bài tập quá nhiều, môn nào cũng có bài tập, các em làm không xuể, không có thời gian dành cho môn văn, vì thế các em học chỉ để đối phó. Do đó làm thế nào để các em thích học văn? Đây là câu hỏi trăn trở với mọi giáo viên dạy môn văn hiện nay.

II. Nội dung chính

Sau đây là một số biện pháp có thể giúp các em thích học văn, tùy theo tình hình thực tế mà giáo viên áp dụng:

1/ Thành lập câu lạc bộ văn học để thu hút học sinh năng khiếu (hầu như chưa trường nào trong quận thực hiện được).

2/ Thành lập tủ sách văn học của lớp: học sinh rất thích đọc sách, nhưng không phải em nào cũng có tiền mua sách đọc. Có một số em tìm đến thư viện trong giờ ra chơi, thời gian không nhiều và một số thư viện hiện nay cũng không có nhiều sách, để đủ đáp ứng cho nhu cầu của các em. Vì vậy, ta có thể tập hợp sách mà các em có được để lập thành tủ sách văn học của lớp. Khi nghĩ đến tủ sách thì phải có tủ để đựng sách. Nhưng ở đây không cần tủ đựng sách mà học sinh vẫn có sách để đọc mà giáo viên có thể thực hiện được việc làm này bằng cách sau:

- Trước hết giáo viên cho mỗi học sinh tự kê khai các sách mà các em đang sở hữu nộp về cho giáo viên.

- Ghi nhận lại, giao lại cho một em trong ban điều hành lớp lập danh sách, bên cạnh tên sách là tên chủ nhân của cuốn sách.

Sau đó photo cho cả lớp mỗi em một danh sách. Học sinh nào muốn mượn thì liên hệ trực tiếp với chủ nhân cuốn sách.
Khi các em mua thêm được sách mới, thì báo cho giáo viên biết để bổ sung vào danh sách lớp. Làm như thế các em có được nhiều sách để đọc. Đồng thời giáo viên có thể quản lý được việc đọc sách của các em và có thể khuyên bảo kịp thời nếu các em mua phải một quyển sách có nội dung nhảm nhí.

3/ Tổ chức sinh hoạt ngoại khóa: nên có những chuyến tham quan đi thực tế, vừa giúp các em giảm stress, vừa có tài liệu học tập như thế sẽ tạo hứng thú hơn trong học văn. Nhiều người cho rằng văn chương là lãng mạn, là bay bổng nhưng thực ra nếu không gắn với thực tế, với đời sống hằng ngày và không có những tư liệu phong phú xác thực thì khó có thể thuyết phục người đọc, nhất là những kiểu bài văn nghị luận xã hội hoặc văn thuyết minh. Vì thế tổ chức đi sinh hoạt ngoại khóa rất cần thiết. Điển hình như niên học vừa qua Trường Độc Lập đã tổ chức cho học sinh đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Dinh Thống Nhất và năm nay trường tiếp tục tổ chức cho khối lớp 8 tham quan khu du lịch sinh thái Cần Giờ, nhờ vậy mà học sinh khối lớp 8 đã làm bài văn thuyết minh giới thiệu một danh lam thắng cảnh tương đối tốt.

4/ Giáo viên cố gắng sắp xếp dành một ít thời gian để học sinh tự giới thiệu các tác phẩm văn học (chương trình cũ có). Vì trong chương trình mới các em chỉ được học các đoạn trích mà giáo viên thì không đủ thời gian để giới thiệu cho các em trong các tiết học các đoạn trích này.

5/ Dựa vào việc đa số học sinh rất thích viết lưu bút hay tự bạch để lưu giữ lại những kỷ niệm về bạn bè mình, giáo viên có thể hướng dẫn và khuyến khich các em viết nhật ký, đây chính là thời gian các em suy nghĩ, nắn nót viết lại những gì xảy ra với chính mình, từ đó hình thành dần kỹ năng viết văn (mặc dù các em rất ngại viết nhật ký vì sợ người khác đọc được nhật ký của mình).

6/ Tăng cường cho học sinh xem phim ảnh có liên quan đến tác phẩm mà các em đã học để các em có thể khắc sâu kiến thức, chẳng hạn như phim Tắt đèn, Sao tháng tám… Bởi vì hình ảnh cũng như ngôn ngữ thoại của các nhân vật trong phim sẽ giúp các em nhớ các tình tiết trong tác phẩm lâu hơn khi ta đọc tác phẩm. Chính vì thế mà với phương pháp mới dạy bằng giáo án điện tử, giáo viên có thể đưa nhiều hình ảnh tư liệu vào trong bài giảng, tiết học sinh động phong phú hẳn lên.

7/ Tập cho các em làm thơ: giáo viên hướng dẫn giảng kỹ cấu trúc từng thể loại thơ để học sinh nắm vững, động viên các em làm và cho điểm. Sau đó lựa những bài hay đóng lại thành một tập san của lớp, hoặc giáo viên lưu giữ lại làm tư liệu cho các năm sau. Chương trình ở lớp 8 có hai tiết hoạt động ngữ văn: làm thơ bảy chữ (tiết 69+70) cuối chương trình học kỳ I, bài tập 5 trang 165 có yêu cầu làm một bài thơ bảy chữ với đề tài tự chọn. Có nhiều học sinh làm thơ tương đối tốt.

8/ Cung cấp một số địa chỉ trang web về văn học tạo điều kiện thuận lợi cho các em tìm tư liệu, tập cho học sinh tính độc lập, chủ động tránh thói chây lười, ỷ lại vào thầy cô mà bấy lâu nay học sinh thường mắc phải.

9/ Vai trò của người thầy rất quan trọng trong việc giúp học sinh yêu thích môn văn. Vì thế trước hết người thầy cần có tác phong nghiêm túc, mẫu mực, ăn mặc lịch sự, đẹp đẽ để học sinh có cái nhìn mỹ cảm về thầy. Ngoài ra người thầy cần có giọng nói truyền cảm đủ sức thu hút học sinh lắng nghe lời giảng của thầy. Nội dung bài dạy phải phong phú về mặt kiến thức và ngôn từ sử dụng cũng phải phong phú thì bài giảng mới sinh động. Bản thân người thầy phải có tâm hồn trong sáng gần gũi với học sinh, phải ở vị thế sẵn sàng lắng nghe ý kiến của học sinh, giải đáp thắc mắc của học sinh. Có như thế học sinh mới không cảm thấy chán và sợ học văn.

- Kết quả: sau khi tiếp tục áp dụng một số biện pháp đã nêu ở trên, qua một học kỳ, kết quả học môn văn của học sinh tiến triển khả quan so với đầu năm học (96% học sinh trên trung bình).

III. Mặt tích cực và hạn chế

1/ Tích cực: phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh, tạo sự ham thích, có ý thức trau dồi khả năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.

2/ Hạn chế: trình độ học sinh không đều, quan niệm lệch lạc coi trọng các môn tự nhiên và ngoại ngữ nhiều hơn các môn xã hội. Ngay cả phụ huynh cũng không đầu tư nhiều cho môn này. Hơn nữa hiện nay trên internet đã có rất nhiều trò chơi rất hấp dẫn khiến cho nhiều học sinh mê chơi, lười học và có học chăng chỉ là để đối phó.

IV. Những bài học khi vận dụng sáng kiến kinh nghiệm

- Cần quan tâm đầy đủ các đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu.
- Phân công công việc phù hợp năng lực của từng đối tượng học sinh.
- Giáo dục học sinh có tinh thần trách nhiệm và ý thức tập thể khi làm việc theo nhóm.

V. Kết luận

Nói tóm lại, đây chỉ là một số biện pháp góp phần cho các em thích học văn, nhưng quan trọng nhất vẫn là người thầy. Người thầy phải làm thế nào để giờ dạy sinh động, học sinh thích học và say mê đi vào khám phá bầu trời ngữ văn.

Nguồn: Giáo dục Online ngày 04/6/2007
Sưu tầm: Internet
 
Nhật kí văn học: Một cách học hay

Nhật kí văn học: Một cách học hay

Trong thời lượng của một - hai tiết học, học sinh khó có thể bộc lộ hết những cảm xúc, suy nghĩ của mình về tác phẩm. Vì vậy, tổ chức cho học sinh ghi nhật kí văn học (NKVH) là một trong những hình thức thích hợp góp phần khắc phục được hạn chế trên.

Việc ghi chép của cá nhân trong đời sống hằng ngày thường rất chân thật, và trong đó bao giờ người viết cũng chỉ ghi lại những gì mà mình đã nếm trải, chiêm nghiệm.Tuy là một thể tài độc thoại nhưng lời độc thoại của người viết nhật kí vẫn có thể mang tính đối thoại vì phải giả định đến ý kiến của người khác về suy nghĩ, trải nghiệm của mình. Do vậy, có thể coi ghi NKVH là một cuộc trò chuyện với tác phẩm theo kiểu đối thoại bằng ngôn ngữ viết. Trong NKVH, học sinh có thể ghi những lời tâm tình với nhân vật nào đó trong tác phẩm mà các em yêu thích hay tạo nhiều ấn tượng nhất,cũng có thể bày tỏ với tác giả hoặc bè bạn những ý kiến, những bức xúc,thắc mắc của mình về tác phẩm. Điều quan trọng là qua NKVH, học sinh được đối thoại với chính mình. Những tâm tư, những suy nghĩ của các em trong NKVH biểu hiện sự nhận thức, khả năng, ý thức tư duy của bản thân chủ thể người đọc.

Đối thoại, giao tiếp với tác phẩm bằng cách ghi NKVH nhằm tổ chức những suy nghĩ của học sinh về một tác giả, tác phẩm hay một hiện tượng, sự kiện văn học một cách có ý thức, có hệ thống. Học sinh có thể tự nhiên, thoải mái, chân thực hơn khi viết,trình bày, phát biểu ý kiến của mình qua những trang NKVH. Đọc NKVH của học sinh, giáo viên cũng có thể so sánh, đối chiếu những cách tiếp nhận khác nhau ở từng học sinh, từ đó nắm bắt tư tưởng, nhận thức của họcsinh để định hướng, bổ sung hoặc điều chỉnh bài giảng của mình một cách thích hợp.

Ở mức độ thấp, học sinh có thể xây dựng NKVH theo kiểu "ghi kép": chia mỗi trang nhật kí thành hai phần. Bên trái dùng ghi trích dẫn, kể lại sự việc hoặc mô tả nhân vật. Bên phải ghi những suy nghĩ hoặc đặt ra những câu hỏi về thông tin ở bên trái mà người đọc còn thắc mắc, chưa hiểu hoặc chưa tán thành... Kiểu "ghi kép" này vừa giúp học sinh bộc lộ được những nhận xét những suy nghĩ đối với từng sự kiện, từng hành động của nhân vật, vừa giúp học sinh hệ thống lại câu chuyện, nhớ được các tình tiết, các nhân vật trong tác phẩm.

Ngoài việc bồi dưỡng cho học sinh năng lực cảm thụ văn học, giáo viên tổ chức cho học sinh ghi NKVH nhằm rèn luyện cho các em kĩ năng viết văn, kĩ năng phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm, về một hay nhiều nhân vật...

NKVHcó thể được học sinh ghi trước khi lên lớp học một tác phẩm nào đó.Thực chất, đây chính là một hình thức chuẩn bị bài mang đậm nét đặc trưng của việc dạy văn. Với những gì đã trải nghiệm và ghi lại trong nhật kí, trong quá trình giáo viên hướng dẫn phân tích tác phẩm, học sinh sẽ tiếp thu bài nhanh hơn nhờ khả năng so sánh những ý kiến, lí giải của giáo viên, của các học sinh khác trong lớp với những suy nghĩ của mình. Điều đó cũng góp phần hình thành một bối cảnh thích hợp, thôi thúc học sinh có mong muốn trình bày ý kiến, phát biểu cảm nhận chủ quan của bản thân với tư cách là một người đọc tích cực, một người đọc có khát vọng giao tiếp, đối thoại không chỉ với những người đọc "đồng cấp" (bạn bè trong lớp) mà còn với người có văn hóa đọc cao nhất trong lớp lúc đó là giáo viên.

NKVH cũng có thể ghi sau khi học xong tác phẩm. Khi đó học sinh đối chiếu những điều đã được phân tích trên lớp với những điều mình đã ghi để tiếp tục chiêm nghiệm, hiểu vấn đề sâu sắc, toàn diện hơn, không chỉ làm giàu vốn kiến thức của mình mà còn làm phong phú thêm nội dung, ý nghĩa tác phẩm, không chỉ biết tự điều chỉnh những cảm nhận chưa chính xác hay còn hời hợt mà từ đó còn hình thành thói quen tư duy mới hướng đến sự tiếp nhận năng động, sáng tạo, khám phá, phát hiện...

Các NKVH, khi được tập hợp lại có thể trở thành nội dung của những buổi hoạt động ngoại khóa dưới hình thức câu lạc bộ "Nhật kí văn học". Trong những câu lạc bộ này, học sinh có thể trình bày tóm tắt những ý kiến lấy ra từ NKVH của họ hay tiến hành thảo luận một số vấn đề cơ bản sau khi học xong một giai đoạn văn học, một nhóm tác phẩm hay một nhóm tác giả... trên cơ sở những gì đã viết.

Tất nhiên, NKVH chỉ góp phần hỗ trợ cho việc dạy học văn theo hướng phát huy tính năng động, sáng tạo của chủ thể học sinh như một người đọc văn đích thực. Hoạt động này không thể thay thế hay tách rời các hoạt động dạy học khác, và đặc biệt không thể thiếu vắng vai trò tổ chức, chỉ đạo của giáo viên.
Nguồn: Lê Linh Chi
(Trường THPT Hùng Vương -TP.HCM) - Báo Giáo dục Tp HCM
Nguồn sưu tầm: Internet.
 
Một vài suy nghĩ về dạy học sinh viết văn

Một vài suy nghĩ về dạy học sinh viết văn


Nhà văn Mácximgoocki đã nói “Văn học là nhân học”. Thế nhưng thực tế nghiệt ngã bất cập hiện nay là đa số học sinh không thích học văn, viết văn lại càng ngại. Làm thế nào giúp các em viết được bài văn từ đúng đến hay vẫn là điều giáo viên chúng ta trăn trở.



Một cánh cò chở nắng qua sông, một cô Tấm bước ra từ quả thị, câu ca dao qua lời ru thiết tha của mẹ... tưới tâm hồn ta mát tươi thánh thiện, dạy ta biết sống, biết yêu, biết nâng niu mọi ngọt đắng cuộc đời. Mỗi trang thơ là một mảng đời, mỗi số phận lung linh qua hình tượng nghệ thuật là cây đời tươi xanh nở hoa trong tâm hồn trẻ nhỏ.

Thế nào là bài văn hay? Theo tôi bài văn hay là phải vừa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề bài vừa thể hiện sự sáng tạo, những cảm nhận mới mẻ tinh tế của người viết. Muốn vậy các em phải thực sự là những kiến trúc sư thiết kế xây ngôi nhà tác phẩm của mình. Bởi vì bản thân việc làm văn là có kỹ thuật nhưng không bao giờ hoàn toàn là công việc kỹ thuật. Nếu không có cảm xúc, không có nhu cầu biểu hiện, nhu cầu ham muốn sáng tạo... thì không có nhu cầu viết văn, làm văn. Lúc đó người làm văn phải nói những điều gượng gạo, thiếu tự nhiên mà như thế bài văn sao có “hồn”, nói cách khác không thể có văn theo đúng nghĩa. Người thầy phải bắt đầu từ việc nuôi dưỡng cái tôi của các em, phải hâm nóng, thổi bùng lên trong các em ngọn lửa ham mê, say thích văn học. Thực tế những kỹ sư tâm hồn khi đứng trên bục giảng tất cả đã thực sự yêu thích môn văn chưa? đã sống đời sống tâm hồn người nghệ sĩ chưa? hay chỉ coi việc lên lớp thường ngày là “Cần câu cơm”. Sau mỗi giờ văn có còn thấp thoáng trong tâm trí trẻ thơ ngọn khói lam chiều vấn vương trên mái rạ, dáng mẹ hao gầy đãi nắng hong moi? Có oặn lòng xót thương số kiếp trầm luân đong đắng đời Kiều, thổn thức nỗi niềm người chinh phụ... thầy không đam mê thích thú với việc dạy văn chả trách trò thờ ơ với môn văn, học kém văn và ngại làm văn.


Có giáo viên thì chỉ loay hoay dạy thuần những điều trong sách hướng dẫn sao cho bài bản mà không mở lòng đón nhận thêm bao điều thú vị của cuộc sống xung quanh, không đọc một tác phẩm văn học thì sao làm được cái việc khơi nguồn rẽ mạch cho các em. Họ chỉ là những người thợ sắp chữ, bài dạy tránh sao khỏi khô khan tẻ nhạt sáo mòn thậm chí giáo điều cứng nhắc. Tôi không tin học sinh của giáo viên đó có hứng thú viết được những bài văn hay thể hiện cái tôi sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình thay sách. Có lúc có nơi phân môn làm văn còn bị biến thành môn tập chép văn dưới những dạng thức khác nhau. Mỗi khi phượng lập loè trên những vòm lá xanh là lúc dàn đồng ca học sinh tấu lên bản nhạc quen thuộc của cô. Chưa có nhiều giáo viên dụng công tập cho học sinh tư duy năng động sáng tạo, dám nghĩ dám nêu vấn đề, biết cách sáng tạo ý, làm phong phú ý, và biết lập luận phản bác bảo vệ ý kiến của mình. Và hình như không phải tất cả những người làm thầy đều biết trân trọng khuyến khích những ý kiến mới, cảm nhận mới của các em, dám mạnh dạn cho điểm cao những bài viết sáng tạo, phạt thật nặng những bài chép mẫu. Đa số chúng ta vẫn áp đặt barem có sẵn có khác gì nuôi dưỡng tệ nạn rập khuôn máy móc để rồi làm thui chột đi ở các em sự sáng tạo mới mẻ, làm băng hoại tâm hồn tươi sáng của các em.


Nhiều khi chúng ta còn quá coi trọng hình thức kiểu bài hơn là chú ý của học sinh. Theo tôi điều quan trọng là giáo viên giúp học sinh hình thành suy nghĩ của mình còn để làm rõ ý kiến học sinh muốn phân tích, chứng minh, bình giảng thế nào cũng được miễn là người đọc cảm thấy có lý thuyết phục. Tôi rất thích cách đặt câu hỏi như: Lý giải nhan đề bài thơ, truyện ngắn... vì nó kích thích tư duy sáng tạo của học sinh. Chắc chắn nhiều em sẽ rất hứng thú khi được trình bày cách hiểu, cách cảm của riêng mình đồng thời qua đó giáo viên cũng đánh giá được năng lực học sinh. Hay các bài tập kiểu “Viết đoạn văn trình bày cảm nghĩ của em về đồng bào miền Trung sau cơn bão Chan Chu, về hiện tượng ô nhiễm môi trường nơi em đang sinh sống” kèm theo yêu cầu về tiếng Việt, tập làm văn thực sự đã đưa các em đến với những mảnh đất màu mỡ hứa hẹn nhiều hoa thơm quả ngọt. Những đề văn kiểu ấy tránh được thói sao chép văn mẫu, hướng học sinh tới việc vận dụng tổng hợp nhiều thao tác, kiến thức, kỹ năng trong một bài viết.


Còn nhớ thế hệ chúng tôi ngày xưa thời gian học tập rất ít, chủ yếu phải lao động giúp đỡ gia đình thế mà ngơi tay là vơ sách đọc, thấp thỏm mong đứng mong ngồi một buổi đọc chuyện đêm khuya. Thế hệ học sinh hôm nay còn mải bận mấy trò chơi điện tử hoặc theo đuổi nghề nghiệp cho tương lai. Phòng thư viện nhà trường có tồn tại cũng bói không ra một Truyện Kiều, một tuyển tập Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính... Văn hoá đọc đang dần bị lãng quên. Các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc thành tài chẳng phải do đi nhiều, đọc nhiều hay sao? đến với họ là đến với các bậc thầy văn chương để được tắm trong tình yêu thương nhân ái bao la, được học cách sống sao cho ra sống và cũng là được học cách viết, cách diễn đạt đi vào lòng người. Việc học sinh ít đọc sách báo hoặc đọc không đúng sách có lẽ cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta chưa có được nhiều bài văn hay chăng? Chừng nào việc học tập văn chương không còn là sự bắt buộc khiên cưỡng, chừng nào cả người dạy (thầy) và người học (trò) coi việc học văn là một nhu cầu tự thân, là một món ăn tinh thần và thẩm mỹ không thể thiếu, chừng nào ngọn lửa cảm xúc văn chương cháy bỏng lòng ta, thôi thúc ta vươn tới chiếm lĩnh cái hay cái đẹp, làm giàu có kho tàng trí tuệ, chừng đó việc dạy văn, học văn và sáng tạo văn chương mới có cơ hội phát triển.


Không biết bạn có suy nghĩ như tôi không nhưng tôi vẫn mong những người thầy, người cô dạy văn chúng ta và cả những nhà lãnh đạo hãy yêu, hãy nâng niu từng tác phẩm nghệ thuật, giúp nó bắt rễ xanh tươi trong cuộc sống nhất là trong tâm hồn trẻ thơ. Làm được điều đó là chúng ta đã góp phần cho môn văn tìm về đúng vị trí của nó trong nhịp sống hiện đại hôm nay.
Nguồn: Internet
 
Tất cả chỉ là lí thuyết. Điều thuyết phục nhất đối với học sinh chính là phong cách giảng dạy của các thầy cô và định hướng của thầy cô khi dạy học. Khi thầy cô dạy và giao bài thật nghiêm túc, phù hợp với trình độ của học sinh, làm gì có học sinh nào lại muốn thiếu bài tập cơ chứ!
 
Theo mình giáo viên mà không có tài thì pó tay!
Ai mà bắt người khác thích cái này cái nọ được nếu căn bản họ đã thấy không hợp hay không có khả năng!
Còn nếu có một cái gì đó gọi là phương pháp thì nên diễn đạt đúng hơn đó là: "Làm thế nào đề ngày càng cải tạo suy nghĩ học sinh về môn Văn" hoặc là "Làm sao để lôi kéo thêm học sinh đến với môn Văn",...
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top