Mời bạn đọc theo chân phóng viên Tuổi Trẻ khám phá những câu chuyện giữa rừng già với những “chiến binh” dũng cảm, với nỗi sợ hãi về những lời nguyền lạc lối, những ám ảnh của phi công giữa “vùng xoáy lạ” cuốn vào vực thẳm...
Đó là những câu chuyện bí ẩn từ thung lũng Ngọc Linh (Đăk Glei, Kon Tum) - nơi những tộc người Xơ Đăng, Châu, Giẻ Triêng... sống chênh vênh trên những vách núi vùng bắc Tây nguyên...
Kỳ 1: Ngọc Rêu huyền bí
Từ trụ sở xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) nhìn lên, thung lũng Ngọc Rêu lọt thỏm giữa hai vách núi cao sừng sững. Để đến được đó những toán thợ săn giỏi nhất ở Mường Hoong chỉ mất chừng nửa ngày đường. Nhưng oái oăm thay, những câu chuyện ly kỳ vốn được lưu truyền từ đời này sang đời khác đã khiến thung lũng Ngọc Rêu dần trở nên huyền bí và hoang vắng. Rừng già bí ẩn
Những câu chuyện ly kỳ ở thung lũng này đã không kìm nổi sự tò mò của bất cứ ai.
Một ngày cuối tháng 2, bằng sự giúp đỡ của A Vui và A Liếc, hai thanh niên trai tráng thôn Tân Túc, chúng tôi quyết định lên đường trong tâm trạng rất hứng thú. Con đường dẫn vào thung lũng chỉ kịp băng qua cánh đồng ruộng bậc thang chừng 5 phút, sau đó là lạc lối hẳn trong những thảm rừng già của đại ngàn Trường Sơn.
Dốc dựng đứng, càng tiến vào sâu đường càng hẹp với nhiều khe suối chắn ngang. Đi chưa hết một giờ thì sự rờn rợn của rừng già bắt đầu xuất hiện sau gáy. Cái cảm giác “bồng bềnh, bồng bềnh” dưới chân khi băng qua thảm rừng đầy lá mục khiến nhiều người chùn bước. A Liếc, người dẫn đường, quyết định dừng nghỉ chân sau khi đã trèo lên một cuội đá lớn trơ trọi giữa rừng.
Ngồi chênh vênh trên tảng đá, A Liếc quay sang nhắc nhở: “Thấy dưới chân bập bênh thì phải đi thật nhanh hoặc tìm cách bước trên đá hay thân gỗ, nếu không sẽ bị lún xuống mà chết dần dưới đó”. Lời nhắc nhở của A Liếc khiến chúng tôi liên tưởng những vũng sình ma quái ở tận rừng sâu Amazon.
A Liếc là dân bản địa, rành đường như lòng bàn tay, vậy mà trong một lần đi tìm sâm anh còn bị lạc, phải mất một ngày trời mới về đến nhà. Theo lời của Liếc, phía trên đỉnh Ngọc Rêu có một chiếc cổng bằng đá núi, cạnh đó có một gốc mía rất lớn. Không biết có tự bao giờ nhưng cổng đá này rêu phủ xanh rì, quanh năm ẩm ướt còn gốc mía thì nhiều cây và rất ngọt. Đã có không ít thợ rừng khi đi ngang qua đây vì quá khát nước nên bẻ mía rừng ăn.
Kết cục họ không thể tìm được đường về nhà. “Gặp chuyện đó thì phải nhớ là âm thầm ăn cho bằng hết gốc mía. Nếu không sẽ mãi mãi ở trên núi. Thần núi dạy. Ngàn đời nay vẫn vậy”, A Vui chậm rãi nói. Câu chuyện về gốc mía rừng thực hư thế nào chưa biết nhưng khiến chúng tôi càng thêm háo hức.
Đồng hồ chỉ gần 11 giờ trưa vậy mà cả khu rừng vẫn âm u, thi thoảng một vài tiếng xào xạc của thú đi ăn làm cả đoàn giật mình. Đang cố tìm cách tiến sâu thêm hơn nữa vào bên trong thì bất ngờ một trận gió lốc nổi lên xoáy hút tất cả vào giữa thung lũng. Không ai bảo ai, tất cả co cụm lại, rồi gió mỗi lúc một mạnh dần. Chừng 5 phút sau, từng đợt mưa rừng bất ngờ xối xuống ngay giữa trưa. Mưa trút nước, rồi trời tối sầm lại trong chớp mắt. Vẻ mặt đầy lo ngại, A Liếc quay lại nói với cả đoàn: “Gặp phải mưa rừng rồi, về thôi, kẻo không tìm được đường về đâu”.
Đem câu chuyện về trận mưa rừng kỳ lạ ngay giữa ban trưa kể cho già làng A Dớt, nghe xong A Dớt phán: “Vậy là thần núi không muốn người lạ vào rừng rồi. Muốn vào rừng phải cúng gà cúng rượu. Còn không sẽ gặp gió mưa rồi lạc đường mà chết. Đã có biết bao nhiêu thợ săn chết vì lạc đường...”.
Thôn Tu Chiêu A của già làng A Mướt nằm chênh vênh bên vách núi Ngọc Rêu xanh thẳm. Đêm, bên bếp lửa bập bùng, già làng A Mướt tay run run nâng chén rượu lên ngang mặt, trong khi mắt mở to trừng trừng nhìn về phía ô cửa sổ. Bên ngoài trời tối đen như mực. Đặt chén rượu xuống sàn nhà, khà một tiếng thật lớn, già A Mướt thủng thẳng kể lại cho cả lũ làng lẫn khách nghe câu chuyện kỳ lạ mà chính ông tận mắt chứng kiến ở thung lũng Ngọc Rêu.
“A Xang, chồng Y Lang, là thợ săn giỏi nhất làng Đắk Bể. Hắn bắt thú rừng giỏi nên bị con ma rừng trừng phạt!” - A Mướt nói như phán.
Nhấp chén rượu cay, A Mướt kể tiếp: “Mùa hè của mấy chục năm về trước, như mọi buổi sáng, A Xang mang giáo mác, cung tên và thuốc độc lấy từ nhựa cây vào rừng săn thú. Hắn đi từ sáng đến chiều vẫn không về. Sáng mai cũng không thấy, rồi nhiều ngày sau biệt tăm. Y Lang nghĩ chắc hắn đi thăm bà con ở làng xa. Rồi cả làng Đắk Bể kéo nhau lên núi tìm A Xang nhưng chẳng thấy. Y Lang một mình khăn gói vượt rừng nửa tháng trời về làng cũ hỏi thăm bà con nhưng chưa ai từng gặp A Xang. Thì ra hắn đã sống trong thung lũng Ngọc Rêu một mình. Hắn ăn con chuột, con dơi, con rắn hay bất kỳ con thú nào mà hắn bắt được. Tối hắn qua đêm trong hốc cây, hang đá... cứ thế ba năm sau hắn mới về nhà”.
A Mướt kể khi về nhà A Xang trở nên lầm lì, ngày qua ngày không nói với ai câu nào. Lũ làng kéo đến thăm A Xang đều tránh mặt. Trên người không mảnh vải che thân, rêu bám toàn thân xanh rì chỉ chừa hai hốc mắt trắng lồ lộ. Ở nhà đúng sáu ngày, rồi một đêm mưa gió A Xang tay cầm giáo tìm cách quay lại rừng xanh.
A Bươi, em trai A Mướt, tiếp lời: “Một thời gian sau con trai A Xang vào rẫy chè của gia đình, bất ngờ nhìn thấy xác cha nằm chết cứng tự bao giờ. Lũ làng tính chuyện lên mang xác về chôn. Tôi cản. Vì A Xang đã thuộc về rừng núi khi còn sống. Đến lúc chết hãy trả ông ấy về rừng!”. Bây giờ mộ A Xang vẫn còn ở rẫy chè cạnh làng. Từ đó rẫy chè trên đồi cao của gia đình A Xang không còn ai dám đặt chân đến. Không ai biết nguyên nhân cái chết bí ẩn của “người rừng” A Xang, nhưng người dân làng Đắk Bể cho rằng “chính con ma đã bắt A Xang làm người rừng như một sự trừng phạt”.
Bên ngoài sương khuya rơi ướt đẫm lá cây. Câu chuyện về A Xang đã làm bữa rượu chùng xuống. Những đứa trẻ trố mắt nhìn người lớn rồi co ro bên bếp lửa. Còn những phụ nữ tìm cách xích lại gần hơn bên đống lửa trong gian bếp giữa nhà.
A Pa, con trai A Mướt, thò tay kéo sập các cửa sổ đóng kín gian nhà. Lẫn trong tiếng tí tách của ngọn lửa, ánh mắt già A Mướt ngây dại hẳn. Hình như cái chết của “chiến binh” A Xang trở thành nỗi ám ảnh quá lớn đối với thế hệ của A Mướt và người dân các bản làng dưới chân núi Ngọc Linh.
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
-------------------------------------- A Hoa kể: “Hôm đó, vừa cài chiếc bẫy cuối cùng, tôi thấy người bị giật ngược như ai đó kéo mạnh từ sau lưng. Một cú tát trời giáng nện vào má, vào bờ vai phải. Chiếc áo rách toạc, máu me bê bết. Mở mắt, tôi thấy con gấu ngựa chống hai chân trước há hốc mồm tìm cách cắn, xé...”.
Với những chàng thợ săn trẻ tuổi người Xê Đăng như A Năm hay A Hoa ở làng Ngọc Nây, Mường Hoong... thì mãnh thú hay nỗi sợ hãi về một A Xang nào đó dường như không ghìm được bước chân của họ - những “chiến binh” kiêu hùng giữa vùng rừng rậm.
View attachment 9292 Bên bếp lửa bập bùng, hai chiến binh rừng rậm vốn là anh em ruột A Mướt và A Bươi kể những câu chuyện về rừng - Ảnh: Đ.Nam
Đối mặt
Gần một năm trôi qua, vậy mà giờ đây A Năm ở làng Ngọc Nây (xã Ngọc Linh) vẫn chưa thể lý giải được vì sao khi ấy đôi chân mình lại có thể thoắt nhanh đến như vậy. Câu chuyện A Năm thoát khỏi bàn tay con gấu ngựa vốn là nỗi ám ảnh của những thợ rừng lan nhanh khắp Ngọc Linh. Ngồi bên bậc thềm trạm y tế xã chờ đến phiên nhận thuốc, chàng “chiến binh” kiêu hùng của rừng già một thời chỉ tay lên phía núi cao, nơi có mấy chóp nhà sàn đang ẩn mình trong đám mây trắng bồng bềnh: “Làng Ngọc Nây của mình đấy! Phải mất hơn ba giờ đi bộ mới đến. Ngày xưa mình chỉ đi chừng một giờ thôi, bây giờ thì mệt lắm rồi” - vừa nói A Năm vừa kéo áo để lộ những vết sẹo đã liền da trên đôi vai cường tráng.
“Ngày trước nó từng là niềm kiêu hãnh của dân làng Đắk Nây này đấy, những con thú mà A Năm bắt đem về bao giờ cũng to nhất, con trăn của A Năm mang về bao giờ cũng dài nhất. Chưa một con heo rừng nào thoát khỏi lưỡi giáo của A Năm” - già làng A Ươm nói giọng đầy hãnh diện.
Rồi A Ươm bảo: “Hồi còn nhỏ, thằng A Năm đã hiện rõ sau này sẽ là một thợ rừng giỏi. Người bé mà đôi bàn tay to đủ sức nắm cả cán giáo, mác... rồi chân nó thoăn thoắt trên đá như tên bắn, con nai, con hoẵng cũng không bằng. Lớn lên nó trở thành thủ lĩnh của cả phường săn. Chỉ cần thấy A Năm vác cung tên đi vào rừng thì chiều ấy cả làng tha hồ đỏ lửa... Vậy mà giờ đây...”. Câu nói nửa chừng của già làng A Ươm khiến nhiều người chạnh lòng. Ánh mắt thoáng buồn, A Năm thở dài: “Hôm đó mình ra rẫy đặt bẫy tính kiếm con heo rừng về cả làng cùng ăn. Đang cắm cúi gài lại bẫy bỗng nghe tiếng phì phò sau gáy, vừa quay mặt lại thì nhận ngay mấy cái tát như trời giáng vào mặt”.
Biết bị gấu tấn công, A Năm vội đưa hai tay lên ôm lấy đầu nhưng không kịp. “Khi ấy chỉ thấy đôi mắt con gấu ngựa đỏ lừ. Nó áp sát tìm cách móc mắt mình. Kinh nghiệm cho thấy khi giáp mặt với thú dữ thì phải ngồi xuống. Sau khi ngồi thụp xuống, tôi co chân tống mạnh về phía trước một phát, trúng ngay vào bụng dưới con gấu. Bị đá bất ngờ con gấu ngựa hự lên một tiếng rồi nhảy lùi về phía sau. Lập tức tôi vọt chạy, phía sau con gấu ngựa vẫn lắc lư bám theo”.
Chiến binh A Năm trở về làng trong tình trạng mất máu, bị thương nặng, khuôn mặt biến dạng hoàn toàn. “Về đến nhà thì ngất xỉu mấy ngày, mãi sau cán bộ xã phải lên vận động đưa mình vào Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật mặt nên giờ mới dễ nhìn như vậy đấy”. Sau lần bị gấu vồ đó, sức khỏe của “chiến binh” A Năm có phần sa sút. Thế nhưng không vì lẽ đó mà những toán thợ săn không còn tìm vào rừng sâu nữa...
View attachment 9293
A Năm và những vết thương từ cơn “nổi giận” của rừng già - Ảnh: Đ.Nam
Sự nổi giận của rừng
Ánh mắt xa xăm hướng về núi Ngọc Linh, già A Ươm bảo: “Vào độ tháng 3, tháng 4 khi hoa rừng nở rộ cũng là lúc từng đàn ong đua nhau hút mật, gấu từ rừng sâu kéo về ăn mật. Chắc con gấu đó đã không tìm thấy được những túi mật ong nhiều như trước nên tìm cách trả thù con người. Thằng A Năm là đứa thường xuyên đi trong rừng nhất nên con gấu ngựa nhớ rõ mặt”. Chừng năm tháng sau, tin A Hoa ở Mường Hoong bị gấu tát vênh cả mặt khiến nhiều già làng lắc đầu thở dài. Tôi tìm gặp A Hoa khi anh đang chuẩn bị dụng cụ lên rẫy sau ba tháng phải ở nhà dưỡng thương vì quần nhau với con gấu ngựa nặng cả tạ trên núi Thác Đen.
A Hoa hồn nhiên kể lại: “Sau khi cài những chiếc bẫy cuối cùng, tôi thấy người bị giật ngược như ai đó kéo mạnh từ sau lưng. Tiếp đó là một cú tát như trời giáng vào má kéo xuống bờ vai phải. Tôi biết mình đã bị gấu vồ. Mở mắt, thấy con gấu ngựa chống hai chân trước há hốc mồm tìm cách cắn, xé... Tôi chỉ kịp lao thẳng ôm con gấu rồi cả hai lăn xuống suối để thoát thân. Tỉnh dậy, tôi còn thấy con gấu ngồi trên bãi đá nhìn chăm chú xuống nước. Mãi đến hôm sau tôi mới tìm được đường về nhà”. A Hoa vạch lưng cho tôi xem vết móng vuốt của con gấu. Anh nói nếu hôm đó mình không lao vào con gấu rồi lăn xuống suối thì khó mà thoát được. Con gấu sau khi bị dìm dưới nước đã vội vã bơi ngược lên bờ, bỏ rơi đối thủ.
Ở cái thung lũng sâu này nhà nào cũng treo đầy mảnh xương thú và đầu thú. Nhưng rồi chính rừng xanh cũng lấy đi không biết bao nhiêu sinh mạng con người. A Năm kể thêm một chuyện buồn: “Cách đây chừng 10 năm, nhà A Túc đi săn trên đồi Ngọc Gia. Sau một ngày đi săn, chuột bắt đầy gùi, rắn treo đầy giỏ... đột nhiên thung lũng trở lạnh bất thường, cả hai anh em không thể nào tìm được đường về. Rồi diêm quẹt không đỏ lửa, cây đốt không ra khói, anh em nhà A Túc đói lả và mãi mãi không về đến làng. Sau này dân làng tìm thấy hai bộ xương nằm úp bên gốc cây cổ thụ!”.
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
______________
Già A Mướt kể: “Hôm đó trời đang nắng bỗng tối sầm. Mưa trời, gió xoáy ầm ầm kéo đến. Cây rừng gãy đổ. Hai cha con tìm đường vào hang đá để trú thì bất ngờ đi thẳng vào trong khoang một chiếc máy bay...”. Điều gì đã khiến thung lũng Ngọc Linh trở thành nỗi ám ảnh cho những phi công khi bay qua vùng này?
Nhiều lão làng ở Tân Túc, Tu Chiêu A hay tận Đắk Bể... kể họ từng nghe và từng chứng kiến nhiều máy bay mất tích một cách bí ẩn trong các thung lũng quanh chân núi Ngọc Linh. Có lẽ những bí ẩn sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi nếu không có một ngày cha con già A Mướt ở làng Tu Chiêu A phát hiện xác một chiếc máy bay rơi trong rừng rậm giữa thung lũng Ngọc Rêu.
Những chuyến bay mất hút
Nhà của già A Mướt nằm chênh vênh trên đỉnh của làng Tu Chiêu A. Bây giờ tuổi đã ngoài 70 nhưng ông vẫn rắn rỏi, tinh tường từng cánh rừng, con suối. Người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh xem ông như một “chiến binh rừng rậm”.
Tháng 4-2006 ông cùng người con trai út là A Pa quyết định đi sâu vào thung lũng Ngọc Rêu để tìm sâm Ngọc Linh. A Pa, 19 tuổi, cao lừng lững, cùng cha đi vòng qua ba ngọn núi, vượt bảy dốc cao mới đến được “rừng sâm”.
Già A Mướt kể: “Hôm đó trời đang nắng bỗng tối sầm. Mưa trời gió xoáy ầm ầm kéo đến. Cây rừng gãy đổ. Hai cha con tìm đường vào hang đá để trú ẩn thì bất ngờ đi thẳng vào trong khoang một chiếc máy bay”. A Mướt sững sờ khi phát hiện bên trong chiếc máy bay còn nguyên súng ống và cả lựu đạn chưa nổ. Cánh máy bay gãy, cách đó chừng chục mét là những cánh quạt, chong chóng, bình điện... vương vãi khắp nơi.
Nhận được tin báo, huyện đội Đắk Glei rồi tỉnh đội Kon Tum khẩn cấp cử công binh vào hiện trường khảo sát vụ việc. Tại cơ quan quân sự huyện Đắk Glei, trung tá A Âu - phó chỉ huy cơ quan quân sự huyện, cho rằng: “Nhiều khả năng đó là chiếc máy bay trinh thám của Pháp bị rơi trong chiến tranh khi bay ngang thung lũng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn không biết đó là loại máy bay gì và vì sao bị rơi bởi đã quá lâu. Chỉ biết sau khi phát hiện, chúng tôi tìm thấy bốn chiếc mũ phi công còn khá nguyên vẹn nằm ngay ngắn trong khoang lái”.
Nhưng người tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay “biến mất một cách khó hiểu” có lẽ là A Á (70 tuổi, làng Kung Rang), nguyên bí thư xã Ngọc Linh. Trong chuỗi ký ức của một thời lửa đạn, ông A Á khẳng định: “Rất nhiều máy bay thời chiến của Mỹ đã mất hút trong thung sâu này một cách khó hiểu”.
Rồi ông kể lại: “Một hôm tôi quan sát thấy hai chiếc trực thăng sau khi quần thảo, nhả đạn trên bầu trời Mường Hoong đã tìm cách bay về hướng căn cứ ĐắK Tô. Nhưng khi bay ngang thung lũng Ngọc Rêu, bất thần một chiếc đảo chiều rồi bổ nhào xuống rừng rậm mất hút. Chiếc còn lại mất phương hướng, bay loạng choạng rồi nghe đâu cũng đâm sầm xuống vùng núi giáp với Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam - PV)”.
Ông A Á còn kể vào một buổi chiều cuối năm 1966, khi đang đứng trên đồi Tha Cao ông nhìn thấy một chiếc máy bay bay từ hướng Kon Tum ra biển Đông, “nhưng chỉ vài phút sau đã tự đâm đầu vào núi rồi mất hút”.
“Hẻm núi chết”
Nằm ở độ cao 2.598m, núi Ngọc Linh được ví như là mái nhà của miền Nam. Vì thế, hệ núi này chứa đựng trong nó rất nhiều hình thái đa dạng đặc trưng của khí hậu vùng nhiệt đới. Những thảm rừng già nằm dưới chân Ngọc Linh rộng hàng trăm ngàn hecta trải dài từ Tu Mơ Rông, Kon Plong (Kon Tum), đến giáp với Nam Trà My của Quảng Nam hiện vẫn chứa đầy những bí mật...
Trầm ngâm bên ly trà nóng tại nhà riêng ở thị trấn Đăk Glei, nguyên chủ tịch huyện Đắk Glei, ông Đinh Thế Dơ (65 tuổi) nhớ lại: “Khoảng 1995-1996, lúc đó tôi còn là chủ tịch huyện, có nhận được một thông tin mật từ trên báo về có một máy bay nước ngoài cùng với hành khách và phi hành đoàn rơi trong thung lũng Ngọc Linh”. Ngay sau đó ông cử dân quân vào rừng tìm kiếm nhưng không phát hiện dấu tích.
“Từ đó đến nay tất cả đều mù mịt và số phận chiếc máy bay này vẫn còn trong bóng tối. Chỉ biết rằng sau đó huyện Đăk Glei tiếp rất nhiều đoàn khách nước ngoài xin đến Ngọc Linh với nội dung nghiên cứu hệ sinh thái động thực vật nơi đây. Họ mang theo rất nhiều thiết bị tìm kiếm. Không ngoài khả năng họ đi tìm tung tích chiếc máy bay rơi trước đó nhưng có lẽ thất bại” - ông Dơ hoài nghi.
Đem câu chuyện về những chiếc máy bay rơi bí ẩn ở Ngọc Linh, chúng tôi tìm gặp phi công dẫn đường - trung tá Lê Đức Lập (trung đoàn không quân 954, Sư đoàn không quân 372 tại Đà Nẵng).
Nghe xong câu chuyện, phi công Lập nhíu mày, không bình luận rồi anh kể cho chúng tôi nghe một chuyến bay mà chính anh là người dẫn đường khi bay qua thung lũng này cách đây năm năm: “Hôm ấy chúng tôi nhận được lệnh bay chở đoàn khảo sát chuẩn bị cho việc mở đường Trường Sơn Đông (tuyến đường nối Quảng Ngãi với Lâm Đồng - PV). Sáng đó trời rất trong, gió giật dưới 8m/giây, điều kiện bay vô cùng lý tưởng. Tuy nhiên khi bay gần đến thung lũng bỗng dưng thân máy bay dùng dằng, giật mạnh như có ai đang cầm cánh bay quật ngang, đang ngồi tôi có cảm giác chiếc ghế chúi xuống phía núi. Tổ lái hôm đó đã lập tức đưa máy bay ra khỏi vùng gió lạ bằng cách vọt thẳng lên trời cao”.
Trải tấm bản đồ bay lên bàn rồi dùng ngòi bút đỏ khoanh tròn khu vực quanh đỉnh Ngọc Linh, thượng tá Nguyễn Việt Hùng, trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 954, bảo đây là “hẻm núi chết” nên rất nguy hiểm nếu máy bay tầm thấp bay qua khu vực này.
Theo thượng tá Hùng, đến tận giờ trên thế giới vẫn chưa có kết luận hay báo cáo khoa học nào chính thức để lý giải cụ thể về những “hẻm núi chết” này. Rất có thể do địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu nên tại những nơi này thường tạo ra những luồng gió “thăng giáng” (cao thấp) chênh nhau rất lớn. Khi máy bay bay qua vùng này nếu gặp đúng luồng gió đang “thăng giáng” thì hoặc sẽ bị nó dìm xuống hoặc bốc lên dẫn đến mất khả năng kiểm soát và tự động rơi xuống vực”.
Cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng chỉ tọa độ “hẻm núi chết” ở bản đồ bay trong chuyến bay chở hàng cứu trợ lên vùng núi Tây Trà - Ảnh: Đ.Nam
Tháng 9-2008, trong một lần nhận lệnh bay chở hàng cứu trợ nạn nhân bão lụt của bạn đọc báo Tuổi Trẻ lên huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi), một vùng đệm nằm dưới chân núi Ngọc Linh về phía đông nam, sau nhiều giờ tính toán đường bay, tổ bay do cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng (trung đoàn trực thăng 954) quyết định phải bay vòng men theo sông thay vì bay cắt ngang qua thung lũng vốn rất rộng lớn này.
Cơ trưởng Hùng nói nếu bay theo đường thẳng, trực thăng sẽ qua “hẻm núi chết”, nơi mà các phi công luôn e ngại. “Anh em trong đơn vị luôn nhắc nhở nhau hết sức cẩn thận nếu có nhiệm vụ phải bay qua khu vực dưới chân Ngọc Linh này” - trung tá dẫn đường Lê Đức Lập nói vậy.
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
______________ Sống chênh vênh quanh những triền núi của Ngọc Linh, những tộc người như Xê Đăng, Giẻ Triêng, Châu...có một “bí kíp” chữa bệnh kỳ lạ - họ gọi đó là “thuốc giấu”. Nhưng rồi bí mật “thuốc giấu” bị phát hiện vào giữa thập niên 1980. Người miền xuôi ồ ạt đổ xô săn lùng. Những xáo trộn đã xảy ra với buôn làng.
Người Xơ Đăng trú trong những mái nhà chênh vênh trên đỉnh Ngọc Linh. Đàn ông Xơ Đăng tóc xoăn, môi dày, băng rừng nhanh như con sóc. Đàn bà Xơ Đăng thường quấn quanh mình bộ váy thêu sặc sỡ, địu con lên nương.
View attachment 9295 Nhiều người dân ở Mường Hoong gùi lương thực vào rừng để ở lại tìm sâm - Ảnh: Đ.Nam
Từ xưa, đói họ vào rừng tìm con nai, con hoẵng. Bệnh tật, họ vào rừng hái “thuốc giấu”- đó chính là củ sâm Ngọc Linh. Loại thuốc ấy được cất giấu rất kỹ trong mỗi ngôi nhà phòng khi đau cái lưng, cái bụng.
Nhưng từ ngày người Kinh dưới miền xuôi lên phát hiện loài sâm quý rồi đổ xô vào rừng khai thác thì cuộc sống thanh bình giữa hoang sơ này đã bước vào nhịp mới. Bí truyền về loài “thuốc giấu”
Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật cũng là lúc người Xơ Đăng lên rừng tìm cây “thuốc giấu”. Thời khắc đất trời giao hòa này là lúc loài sâm quý trên những cánh rừng Ngọc Linh đua nhau trổ hoa khoe sắc đỏ rực cả một góc rừng.
Mỗi gia đình sau khi tìm được cây thuốc đem cất giấu trong nhà. Họ sẵn sàng dùng “thuốc giấu” để cứu người mình thân quen, nhưng tuyệt nhiên không truyền bài thuốc cho những ai ngoài dòng tộc.
Người Xơ Đăng ở làng Mường Hoong truyền nhau rằng “thuốc giấu” ấy đã bị một lính dù người Pháp tình cờ phát hiện khi quân đội Pháp đổ quân xuống thung lũng Ngọc Rêu để xây đồn bốt nhưng bất thành bởi những trận gió xoáy ma quái bất thường.
Không từ bỏ ý định chiếm lĩnh độ cao, người Pháp đã tìm cách đổ quân sang đồi Tua Rang cạnh đó để đồn trú. Chuyện kể trong lúc đổ bộ xuống Ngọc Rêu, một lính dù người Pháp đã bị lạc vào rừng sâu. Trong cơn lả người vì đói, khát viên lính này đã nhai rễ cây rừng để sống.
Và rồi như có phép lạ khi anh ta vô tình ăn một củ cây rừng to bằng ngón chân. Nhai xong thấy người khỏe khoắn, minh mẫn lạ thường, viên lính dù bèn tìm đường về lại doanh trại mà không quên mang theo rễ cây quý đã cứu mạng sống.
Từ đó loài cây quý này đã được người Pháp đưa vào danh sách thần dược của nước Nam.
Cũng có chuyện kể rằng nhiều bộ đội bị thương nặng được đồng bào Xơ Đăng tìm cách cứu chữa bằng cây “thuốc giấu” lấy từ rừng xanh. Về sau này cây “thuốc giấu” đã không còn giữ được bí mật nữa. Nhiều người quả quyết đó chính là loài sâm đặc hữu chỉ có ở núi rừng Ngọc Linh.
Bí ẩn trong cây thuốc ấy chính là sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis), hay còn gọi là sâm Khu 5 nổi tiếng ngày nay. Vào những năm giữa thập niên 1980, thung lũng Mường Hoong bắt đầu đón những dòng người Kinh đầu tiên từ miền xuôi lên lập nghiệp. Đông nhất vẫn là người đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Họ vào Mường Hoong chủ yếu để buôn bán, trao đổi hàng hóa, nhưng về sau họ chuyển dần sang nghề lùng mua sâm Ngọc Linh bởi lợi nhuận quá lớn.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - một người dân địa phương, đồng thời cũng là một tay lái sâm, nhớ lại: “Ban đầu sâm chỉ khoảng 35.000 đồng/kg, nhưng 10 năm trở lại đây giá sâm bất ngờ tăng vọt từ vài chục nghìn đồng lên 45-50 triệu đồng/kg mà cũng không còn để mua”. Sinh tử vì sâm
Từ ngày tỉnh lộ 673 nối đường Hồ Chí Minh với trung tâm xã mới Mường Hoong được thông thương đã làm cả thung lũng một thời hoang vắng này trở nên huyên náo. Cảnh người đi mua gỗ, kẻ đến tìm sâm... tất cả đều đổ dồn về trung tâm hai xã mới Mường Hoong, Ngọc Linh.
Bà Nguyễn Thị Lưu vốn là dân Quế Sơn (Quảng Nam) chuyên nghề mua bán sâm quý ở vùng đất này đã hơn 20 năm. Vì thế dân “săn” sâm ở khu vực Bắc Tây nguyên này không ai là không biết tên bà.
Sau một hồi nói đủ thứ chuyện ở thung sâu này, cuối cùng bà Lưu lôi ra cho xem một củ sâm to bằng ngón chân cái với cả trăm mắt sần sùi: “Cứ một mắt là một năm. Chí ít nó cũng cả gần trăm năm rồi đấy. Giá củ sâm này 5 triệu đồng nhưng có người đặt mua!”.
Rồi bà Lưu kể tiếp: Cách đây bốn năm, một người đàn ông từ xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) sau hai ngày băng rừng sang Mường Hoong thăm bà con đã vô tình phát hiện một cánh đồng sâm chi chít ở khu rừng Đắk Bể. Vậy là người người đổ xô vào núi nhổ sâm. “Năm ấy dân buôn sâm trúng khủng lắm. Có ngày mua hết tiền mặt, tôi buộc phải cầm vàng để lấy sâm”.
Đợt đó dân buôn sâm đồn nhau rằng bà Lưu trúng đậm khi mua được hai củ sâm chín nhánh nặng kỷ lục, trong đó có củ nặng đến 1,4kg.
Sau gần một tháng đổ xô đi khai thác, ước tính đã có hơn 1 tấn sâm được các lái buôn đưa ra khỏi rừng. Nhiều người ở Mường Hoong đã phất lên nhanh chóng.
Người trúng sâm thì đổi đời. Người tìm sâm thì đổi mạng. Quy luật nghiệt ngã của núi rừng đã khiến nhiều người tìm sâm phải trả giá.
Đến tận bây giờ, nhiều người dân ở Mường Hoong quả quyết rằng chính con ma đã xô A Đông xuống vực thẳm. Còn người Kinh ở dưới xuôi lên bàng hoàng trước cái chết thảm của chàng trai trẻ này.
Một ngày đầu tháng giêng năm 2008, A Đông theo bạn lên núi tìm sâm. Khi đi đến khu vực thác Đen, Đông phát hiện một gốc sâm đang vươn mình nở hoa bên ngoài miệng thác. Với tay tìm cách nhổ cây sâm thì A Đông trượt chân rơi xuống vực thẳm. 13 ngày sau dân đi săn sâm tìm thấy một thi thể mắc kẹt trong khe đá gần đó. Sau ngày an táng người chồng xấu số, vợ và hai đứa con của A Đông bỏ làng đi biệt.
Nhắc lại cái chết thảm này, già làng A Á ở thôn Kung Rang vẫn còn chạnh lòng. “Thằng Đông còn tìm thấy thi thể là may. Có nhiều người tìm sâm rồi đi luôn không về... - rít hơi thuốc thật sâu, già làng A Á thẫn thờ nhớ lại - Cách đây chừng bảy năm, cả làng Kung Rang bàng hoàng nghe tin cả bốn anh em trong một nhà là A Để, A Dấy, A Dum và A Sốp biệt tăm không thấy về. Cứ ngỡ họ đi thăm người quen bên Quảng Nam nhưng suốt mấy tháng liền không thấy. Sau này mới hiểu có lẽ cả bốn anh em họ đã lạc rồi chết trong rừng sâu”.
Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm VN hay sâm Khu 5 (tên khoa học là Panax vietnamensis), được dược sĩ Đào Kim Long và cộng sự phát hiện vào năm 1973 ở độ cao 1.800m trên núi Ngọc Linh.
Mãi đến năm 1985, hai nhà thực vật người VN và Liên Xô là Hà Thị Dụng và Grushvisky chính thức xác định đây là loại sâm thứ 20 trên thế giới được tìm thấy. Nó được đặt tên là sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh là loại cây thảo cao 80-100cm, thân rễ nằm ngang trên hoặc dưới mặt đất khoảng 1-3cm, mang rễ con và củ. Thân rễ có sẹo, nhiều đốt.
Từ xa xưa sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng sử dụng làm thuốc cầm máu làm lành vết thương, làm thuốc bổ cho những người mới ốm dậy, chữa sốt rét, đau bụng, chảy máu, phù nề...
Theo dược sĩ Mai Đăng Đẫu (Công ty cổ phần Dược Danapha Đà Nẵng), sâm Ngọc Linh chứa tổng cộng 14 axit béo, 16 axit amin và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng, cao hơn so với sâm Triều Tiên hay sâm Nhật Bản.
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
_______________________________
Một con đường hơn 1.000 tỉ đồng đang được gấp rút xây dựng ở lưng chừng trời để nối những thung sâu như Mường Hoong, Ngọc Linh với thị thành. Rồi đây những bí ẩn dưới tán rừng già Ngọc Linh sẽ được khai mở và trở thành tài sản cho một vùng du lịch của “Đà Lạt thứ hai”?
Sau tết, hoa mua nhuộm tím khắp đường làng Mường Hoong. Những cánh rừng lá kim trải dài tít tắp từ thung lũng tới đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ. Chiều xuống thật êm. Mặt trời đỏ lừ gác trên ngọn đồi rồi vụt tắt ngấm, nhường chỗ cho màn đêm buông xuống. Rồi đồng loạt những căn nhà sàn lẫn sau triền núi bắt đầu đỏ lửa. Bên bếp lửa hồng, những đứa trẻ tíu tít ôm cổ người già để nghe kể những câu chuyện cổ xưa.
Có lẽ các tộc người Xơ Đăng, Giẻ Triêng hay Châu ở thung lũng Mường Hoong là những tộc người biết trồng lúa nước từ rất sớm. Những ruộng lúa nơi đây được người Xơ Đăng cắt tỉa men theo triền núi đẹp không thua gì vùng Tây Bắc. Tháng 7 khi lúa đã chín vàng ngoài đồng thì tiếng trống, tiếng chiêng mừng lúa mới vang khắp các bản làng.
Đứng từ làng Tân Túc nhìn sang Tu Chiêu A, cả cánh đồng lúa xanh mướt đến ngút mắt. A Tuân, cán bộ văn xã Mường Hoong, vui ra mặt: “Năm nay nước về nhiều nên lúa xanh. Người Mường Hoong kỳ vọng nhiều vào vụ lúa này lắm”. Từ trên cao nhìn xuống cả thung lũng Mường Hoong đẹp như một bức tranh vẽ. Đẹp hơn cả vẫn là những ruộng lúa bậc thang chạy dài tít tắp nối từ thung lũng Mường Hoong lên tận trung tâm hành chính xã Ngọc Linh.
Từ trụ sở xã Ngọc Linh, già làng A Á chỉ tay về triền núi thoai thoải với những nóc nhà của người Xơ Đăng: “Đó là nơi mà nhà văn Nguyên Ngọc viết Rừng xà nu!”. Giờ đây, “rừng xà nu” vẫn thấp thoáng lẫn sau những tán rừng lá kim.
Ngồi thư thái bên cốc trà nóng, Hoàng - một cán bộ huyện được tăng cường về xã Ngọc Linh - cười bảo: “Khí hậu này giống Đà Lạt nên người ra có thể trồng được tất cả những củ quả từ su bắp đến su lơ, cà chua... Nếu đường sá ngon lành thì nơi đây sẽ là một điểm du lịch, nghỉ dưỡng tuyệt vời”.
Lời nói của Hoàng khiến chúng tôi nhớ đến ý tưởng xây dựng một “Đà Lạt thứ 2” tại thung lũng Mường Hoong - Ngọc Linh của ông Trần Kiên (1920-2004), nguyên bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai - Kon Tum.
Hơn 20 năm về trước, sự cách biệt về giao thông đã khiến ý tưởng của ông dừng lại. Mãi đến khi đường Hồ Chí Minh hoàn tất nối hai huyện Phước Sơn (Quảng Nam) với Đắk Glei (Kon Tum) thì Mường Hoong mới được đánh thức. Cuối năm 2009, Chính phủ quyết định phá thế độc đạo cho thung lũng Mường Hoong.
Ước mơ chốn lưng chừng trời
Ngày tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh khởi công, cả thung lũng Mường Hoong vui như trẩy hội. Lũ làng từ trên triền núi cao của dãy Ngọc Linh đổ xô đi xem xe mở đường. Hôm chúng tôi lên Ngọc Linh, tuyến đường đã được khởi công hơn hai tháng. Đầu làng, những đứa trẻ chân trần với mái tóc hung nâu vì nắng cứ chạy theo xem máy cày, máy ủi, máy xúc... khắp công trường.
Chỉ tay về phía những chiếc xe ủi đang ngoạm đất ngay dưới chân núi Ngọc Linh, kỹ sư Võ Ngọc Tăng, cán bộ giám sát công trường, nói: “Tuyến đường này được thiết kế đi trên độ cao gần 1.800m so với mực nước biển và sẽ cắt ngang sườn núi Ngọc Linh. Sau khi hoàn tất nó sẽ nối liền ba huyện vùng sâu nhất của Kon Tum là Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đắk Glei lại với nhau, đồng thời phá thế độc đạo của tỉnh lộ 673 trước đây. Khi ấy người dân ở thung lũng này sẽ rút ngắn đường đi về TP Kon Tum đến gần 60km.
Để rút ngắn khoảng cách 60km, Mường Hoong đã phải mất hơn 35 năm! Anh Hoàng bảo: “Một năm nữa thôi, cung đường này sẽ là cung đường xuyên rừng cao nhất và đẹp nhất của VN. Nó sẽ là đòn bẩy để một loạt khu du lịch sinh thái quanh thung lũng Ngọc Linh này xuất hiện. Khi ấy Mường Hoong sẽ tha hồ đón khách thám hiểm đỉnh Ngọc Linh”.
Chia tay chúng tôi, anh Hoàng nhắc: “Nếu có dịp nên trở lại Mường Hoong vào tháng 7, lúc lúa chín. Khi ấy sẽ tha hồ chụp ảnh ruộng bậc thang và dự lễ đâm trâu mừng lúa mới của đồng bào”. Nhìn lá cờ bay phấp phới trên chiếc cổng cao của làng Kung Rang (Ngọc Linh) rồi nhìn bản đồ phác hoạ con đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, chúng tôi thấy lòng nao lên về một tương lai xứng đáng cho xứ sở đầy những câu chuyện huyền bí này.
“Nếu đường xong mình sẽ rủ lũ làng về thăm Bảo tàng Kon Tum, nơi đang lưu giữ rất nhiều kỷ niệm một thời đánh Pháp rồi đánh Mỹ của lũ làng mình. Mình ưng cái bụng lắm rồi, nhưng lâu nay chưa đi được” - già làng A Á nói giọng đầy ngẫu hứng. Nguyên chủ tịch Đăk Glei Đinh Thế Dơ cam chắc: “Chỉ mong sao miền ngược đuổi kịp miền xuôi là vui lắm rồi!”.
Theo kế hoạch, tháng 6-2011 đại lộ trên cao sẽ khánh thành, chính thức mở ra hướng khai thông mới cho hàng ngàn đồng bào vùng cao vốn quanh năm bám víu ruộng nương này. Và khi ấy chắc chắn những huyền thoại của núi rừng Ngọc Linh sẽ được chắp thêm đôi cánh mới.
Hẳn nó không chỉ là ký ức ly kỳ, huyền hoặc... của những lũ làng quanh chân núi nữa...