• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Kinh nghiệm vàng từ thời SV

Kinh nghiệm vàng từ thời SV


Làm thêm

Vừa vào năm thứ I, Nguyễn Thuý Loan - ĐH Kinh tế quốc dân - đã tìm việc part time (bán thời gian). Loan thử sức với công việc bán hàng sau đó làm nhân viên nghiên cứu thị trường cho một Cty kinh doanh máy tính. Môi trường năng động, tiếp cận thường xuyên với khách hàng giúp Loan tích luỹ được nhiều KN cho ngành marketing mình đang theo đuổi.

Bất cứ NTD nào cũng đánh giá cao một ƯV đã tiếp xúc với môi trường làm việc. Mỗi việc làm thêm đều mang lại KN nhất định, có thể áp dụng trong trường hợp cụ thể. Tiếp xúc với khách hàng giúp rèn luyện tính kiên nhẫn, cẩn trọng trong nhiều tình huống.

"Chức vụ" trong trường

CV sẽ nổi bật khi chủ nhân từng là lãnh đạo trong lớp, trường. NTD ấn tượng với việc bạn đã biết cách điều hành, hoàn thành kế hoạch, thiết lập một chương trình gây quỹ ủng hộ hay phát động một phong trào. Vũ Thành Công, cựu SV ĐH SP Ngoại ngữ HN, đã gây thiện cảm với NTD bởi bảng thành tích hoạt động khi còn là phó chủ tịch hội SV trường. Công chia sẻ: "Điều hành một tập thể giúp tôi có các kỹ năng về tổ chức, lên kế hoạch và tự tin trong giao tiếp. Nhờ vậy mà khi xin việc, sếp "gật đầu" nhanh hơn".

Hoạt động tình nguyện

Những mùa hè xanh đã thu hút hàng trăm SV tình nguyện, đây cũng là dịp để bổ sung thêm KN. Ghi lại những kỹ năng đã tích luỹ được khi "lên rừng, xuống bản", những trải nghiệm khi hoạt động vì cộng đồng chắc chắn sẽ khiến NTD hài lòng. Theo Thanh Thuỷ, chủ nhiệm CLB AC Chủ nhật, làm tình nguyện không chỉ là những việc ý nghĩa mà còn mang lại rất nhiều các kỹ năng như: Tổ chức, gắn kết tập thể, làm việc nhóm, thuyết trình...

Làm việc nhóm

Bài tập nhóm, tiểu luận, nghiên cứu khoa học... đều là những công việc đòi hỏi tính tập thể. Nếu được thầy cô đánh giá tốt đừng ngại ngần đưa vào KN trong CV. NTD sẽ đánh giá cao một ƯV có kỹ năng làm việc nhóm, biết chia sẻ, lắng nghe và hoà đồng với mọi người. Môi trường làm việc tại công sở đòi hỏi sự hợp tác, gắn kết công việc của nhiều người. Vì vậy, KN thời SV sẽ giúp ƯV hoà nhập nhanh hơn.

Thực tế đã chứng minh nhiều tân cử nhân năng động, nhạy bén đã "lọt mắt" NTD dù mới bắt đầu đi làm. Tích luỹ KN bằng nhiều cách để trở thành ƯV tiềm năng sẽ tạo lợi thế cho tân cử nhân khi tìm việc.
 
Thật ra thì năm 1 ko nên làm thêm ngay vì năm 1 khá là "lớ ngớ", dễ bị lừa, nên chờ 1 thời gian để làm quen với môi trường ĐH, có thể làm thêm vào học kì 2 năm 1 hoặc năm 2
 
Năm thứ nhất, tôi bắt đầu với những công việc phát tờ rơi tại các tuyến phố, đi mỏi chân chai mặt giữa trời nắng chang chang.

Thậm chí còn bị người ta khinh rẻ, không thèm quan tâm, cầm tờ rơi chưa kịp đọc xem nội dung là gì đã vứt toẹt xuống đường và giẫm chân lên một cách không thương tiếc.

Lần đầu tiên đi gia sư 1 học sinh lớp 5, tôi dạy mãi mà nó học hành chả tiến bộ gì cả. Tự nhận thấy mình không xứng đáng để nhận đồng lương, tôi xin nghỉ dạy và phát hiện thêm 1 điều là mình không có năng khiếu dạy học.
Tôi có người quen giới thiệu làm tiếp thị trực tiếp cho một công ty dược phẩm. Công việc của tôi là cùng 3 người nữa đi tiếp thị thực phẩm bổ sung chức năng dành cho người già tại các công viên bờ hồ vào mỗi buổi sáng sớm và các hội nghị hội thảo của các CLB người cao tuổi và hội người tiêu dùng. Nhớ mỗi sáng phải dậy từ 5h sáng đạp xe đến chỗ làm lách cách với cái phích nước nóng, cốc nhựa, ca và khay, băng rôn, tờ rơi và sản phẩm, bàn,… Chúng tôi cùng phát tờ rơi cho các bà, các bác đi tập thể dục buổi sáng tư vấn và cho dùng thử hàng. Mồi chài mỏi miệng mới có người mua cho 1 hộp (mỗi hộp đó chúng tôi được 5.000 đ). Hôm nào gặp may thì bán được nhiều lắm cũng chia được mỗi người 100k, lắm hôm ra về tay không. Bán 2 tiếng buổi sáng được chấm nửa công, cuối tháng lĩnh lương. Rồi các buổi chiều đứng ở các trường mầm non, tiểu học để bán sản phẩm siro cho trẻ em cũng tương tự như thế. Sau đó lê la tại các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, những nơi nào có sự kiện có thể liên hệ được chúng tôi đều đi.

Hết chiến dịch tiếp thị trực tiếp, tôi chuyển sang làm công đoạn dán nhãn mác và đóng gói sản phẩm, nửa ngày đi làm nửa ngày đi học và làm thứ 7, Chủ nhật. Nhớ những buổi sáng đi làm đến trưa về không kịp ăn cơm phải lên giảng đường học luôn, ngồi ngáp ngắn ngáp dài, giờ ra chơi tranh thủ ngủ.

Một thời gian sau tôi chuyển sang vị trí viết bài PR cho sản phẩm tại công ty đó, nhiệm vụ của tôi là ngồi nghiên cứu công dụng của từng sản phẩm và đọc các bài viết PR trên báo sau đó đưa ra ý tưởng cho bài viết. 1 tuần 3 bài lương tháng 1 triệu. Tôi đã cố gắng viết sao cho tốt nhất, sau khi nộp cho sếp, tôi được gọi vào phòng GĐ marketing:

- Anh cho em chọn 1 công việc khác mà em thấy phù hợp, vì việc viết bài PR anh thấy em làm chưa tốt. Anh thấy công việc này khá đơn giản mà tại sao lại khó khăn với em vậy nhỉ? Anh lấy ví dụ, anh ngồi 1 buổi sáng anh có thể viết được 3 bài, anh in cho em xem thử này.

Khi bài được in ra tôi chỉ cần nhìn lướt qua đã thấy giật mình. Từ tít chính, tít phụ, sapo, chính văn tất tần tật đều là văn của tôi, chỉ có điều 1 bài dài gần 1000 từ của tôi bị cắt thành 3 bài ngắn (do ngay lúc đầu sếp bảo tôi phải viết dài lên biên tập viên họ cắt đi là vừa). Tôi phản ứng ngay lập tức:

- Đây là bài viết của em mà anh, em vẫn lưu trong máy và usb, em mời anh sang xem.
Sếp sang xem và đúng là sự thật, hắn ngượng quá không nói được gì, chữa cháy bằng câu nhạt toẹt:

- Nếu bài này em viết thì tốt, cố gắng phát huy.

Mặt hắn lạnh tanh làm tôi bức xúc, tôi xin nghỉ việc ngay lúc đấy, không cần lĩnh lương. Tôi không thể ngờ rằng trên đời lại có người ăn cắp ý tưởng một cách trắng trợn như thế, tôi không thích làm việc với những con người như vậy. Sự việc này cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc.

Tôi lại trở thành người thất nghiệp (mặc dù đang là sinh viên). Một thời gian sau đó tôi lại có mối làm ăn khác, đó là học thuê. Các anh chị học tại chức hoặc văn bằng 2 trường HVNH do bận công việc nên nhờ đi học hộ, từ 6h đến 9h tối mỗi ngày 30k, đến chỉ cần điểm danh, hôm nào kiểm tra 15 phút thì chép bài hộ. Vậy là tôi lại có công việc mới nhàn hơn. Nhưng sau đó 1 thời gian báo chí nói nhiều đến tệ nạn học thuê, và chính thầy giáo tôi cũng đề cập đến vấn đề này trong bài giảng, trường HVNH cũng ra một số nội quy phạt nếu phát hiện ra trường hợp học thêm thế là tôi hú vía và dừng công việc này.

Có nhiều việc khác chạy xô như bê tráp thuê, điều tra xã hội học,...Tôi nhớ cái hồi một gia đình muốn mở trung tâm học tiếng anh cho trẻ em cấp 1, có thuê chúng tôi đi điều tra xã hội học, đến từng gia đình có trẻ em học cấp 1 để phỏng vấn điền vào bảng điều tra. Họ trả công khá cao, chỉ cần 1 tờ/1 gia đình là được 5.000Đ. Chiều đó tan học là tôi đi ngay chăm chỉ gõ cửa làm phiền từng nhà từ 5h đến 8h, hôm đó tôi kiếm được 200k. Lần đầu tiên tôi kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn như thế, cảm giác sung sướng tột độ.

Tôi đã cố gắng căng mình ra bươn trải để có thể chờ đến ngày tốt nghiệp ĐH. Tôi tốt nghiệp ĐH bằng khá với sự hài lòng của mình, tất cả các hoạt động văn nghệ của khoa trường, những cuộc du lịch của lớp của nhóm, tôi không bỏ cuộc nào. Tôi vốn là người thích sống phiêu lưu mà.

Từ một cô bé nhà nghèo tưởng chừng cuộc đời tôi chỉ như bao đứa trẻ khác ở quê, học hết lớp 9 ở nhà lấy chồng đẻ con làm nông, chân tay nhếch nhác, vợ chồng đánh đập nhau vì nghèo. Cuộc đời tôi tưởng như gấp khúc lại nhiều lần nhưng tất cả chỉ là những cái vấp rất nhẹ để rồi tôi lại đứng dậy đi tiếp để có ngày hôm nay. Mặc chiếc áo cử nhân, cầm tấm bằng trên tay mà tôi bật khóc, không nghĩ cuộc đời mình có lúc hạnh phúc như thế, mặc dù tôi biết con đường phía trước của tôi vẫn chưa hết gian nan, nhưng như thế cũng là hạnh phúc lắm rồi.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top