Kinh nghiệm học Sử?

tragiclove

New member
Xu
0
Xài đủ mọi cách rùi..mà không sao nhớ được ngày, tháng của các sự kiện lịch sử..Cứ "râu ông nọ cắm cằm bà kia":ah:
 
Học lịch sử thế nào để thi tốt?

TT - Khi học lịch sử, các em không có điều kiện để trực tiếp quan sát các sự kiện, nhân vật lịch sử. Vì vậy khi học môn này rất cần khả năng tư duy độc lập, khả năng hình dung. Vì thế khi học các em nên suy nghĩ để tập trung vào những kiến thức cơ bản.
Đó là những nhân vật, sự kiện, khái niệm, qui luật và bài học lịch sử mà thiếu nó thì chúng ta không thể tái hiện được một giai đoạn lịch sử.



Tạo cách nhớ cho mình

Một số thủ thuật ghi nhớ là các em có thể lấy ngày sinh hay những ngày kỷ niệm quan trọng của mình để làm mốc ghi nhớ sự kiện lịch sử. Cũng có thể lấy những sự kiện lịch sử thế giới đã nhớ làm mốc để nhớ sự kiện lịch sử dân tộc và ngược lại. Ghi nhớ bằng việc thống kê lại những sự kiện trong cùng một thời kỳ hay một giai đoạn có ngày, tháng giống nhau, hay số cuối của năm giống nhau, những sự kiện diễn ra trên một địa phương… và suy nghĩ sáng tạo ra những cách nhớ mới cho riêng mình.
Sau khi đã đi từ việc ghi nhớ các sự kiện cụ thể, chúng ta phải tìm cách ghi nhớ theo hướng ngược lại là đi từ hệ thống, khái quát trở về cụ thể bằng việc xem lại mục lục của sách giáo khoa, xem trong chương trình đã học có bao nhiêu chương (hay giai đoạn lịch sử), nội dung xuyên suốt của mỗi giai đoạn là gì, sự kiện nào thể hiện tiêu biểu cho nội dung đó. Công đoạn này có rất có ý nghĩa, nó giúp các em nắm một cách bao quát những nội dung và giai đoạn lịch sử, tránh được việc lẫn lộn các giai đoạn và sự kiện lịch sử với nhau.



Ngoài ra, trong quá trình học các em có thể tự mình lập ra các bảng, biểu, sơ đồ... để ghi nhớ được tốt hơn. Trong quá trình học tập nếu thấy có một số khái niệm thuật ngữ chưa hiểu thì phải tra từ điển hay hỏi ngay thầy cô giáo để hiểu sâu hơn những vấn đề lịch sử.


Việc ghi nhớ (học thuộc) kiến thức lịch sử nói trên mới giúp các em trả lời được các câu hỏi: Ở đâu? Khi nào? Diễn ra như thế nào? (để biết). Còn để nhận thức được bản chất các sự kiện lịch sử (hiểu) thì các em còn phải suy nghĩ để trả lời một câu hỏi nữa: Tại sao? Điều này thật khó nhưng nếu các em chủ động suy nghĩ thì sẽ nhớ rất lâu.



Phải nắm kiến thức khái quát


Đề thi trong nhiều năm qua vẫn bám sát chương trình và sách giáo khoa, thường trong một đề thi gồm bốn câu, có một câu hỏi khó để phân hóa học sinh. Với loại câu hỏi này thí sinh phải nắm kiến thức một cách khái quát, tổng hợp thì mới làm tốt được.


Cần đọc kỹ đề, dành 10-15 phút để suy nghĩ về yêu cầu của đề ra. Viết đề cương và ghi nhanh những ý nghĩ, kiến thức chợt lóe lên trong đầu để khỏi quên. Nên phân bố thời gian cho các câu một cách hợp lý, có thể ghi thời gian dành cho từng câu, từng phần vào đề cương để nhắc nhở cho khỏi quên trong quá trình làm bài. Câu nào dễ làm trước. Đừng mất thời gian nhiều cho phần mở bài không cần thiết, nên đi thẳng vào vấn đề để tiết kiệm thời gian. Viết nhanh nhưng cố gắng viết rõ ràng, câu văn trong sáng, rõ nghĩa, trình bày đẹp.



PGS.TS NGÔ MINH QUANG (trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

https://diendankienthuc.net/diendan/showthread.php?t=1950
Link này để nghiên cứu thêm nha bạn.


Nguồn: Internet.
 
Em hãy vẽ sơ đồ ra, sơ đồ như thế nào cũng được miễn sao em thấy em hiểu được. Em ghi lên đó những thông tin cần thiết một cách vắn tắt nhất, kể cả viết tắt để ghi nhớ . Em phải luyện cho mình cách suy luận từ A đến B, rồi C... Có cái này (có lẽ phải ) có cái kia...

Đó là một cách. Cách nữa, lâu dài hơn là em cần biết em ghi nhớ sự việc theo phuơng pháp ghi nhớ nào ? Ghi nhớ hình tượng hay âm thanh, ....
>> Em có thế mạnh nào thì dựa vào thế mạnh đó để mà luyện tập tạo thành một thói quen phản xạ.

Những nhà an ninh điều tra, điệp viên, ...họ chỉ có một công cụ nhớ để hoạt động độc lập thôi nên họ đã luyện tập rất nhiều. Em đọc nhiều sách để hiểu hơn.
 
Có thể ghi nhớ ngày sinh nhật của bạn bè, gia đình với ngày sảy ra sự kiện lịch sử nào đó! Đặt biệt danh luôn cho bạn bè, gia đình.

Để học tốt hơn nữa, chúng ta phải đọc nhiều lần, đọc thật kỹ. Tìm ra những sự chung, riêng của từng sự kiện. Ta đem so sánh các sự kiện lịch sử với nhau ( phải đầu tư thời gian và suy nghĩ) -? Vậy là rất nhớ đó.

Học chung với bạn bè, tổ chức các buổi học nhóm, bàn luận về sự kiện, ...

Luông mang theo một quyển sách, ghi những g câu hỏi Lịch sử bất chợt loé lên trong đầu, tự trả lời .. và nghiên cứu tìm câu trả lời ...

Nếu muốn học thuộc, tốt nhất nên chọn thời điểm sáng sớm.
vv.vv
 
Hãy học lịch sử tốt hơn

HÃY HỌC LỊCH SỬ TỐT HƠN​

Là một trong những Đội viên của Đội, em muốn bày tỏ những ý tưởng nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng của mình. Từ lâu, em đã có những trăn trở với sự dạy và học môn lịch sử của nước nhà. Tâm huyết ấy khiến em mạnh dạn bày tỏ quan điểm với tổ chức.

Bấy lâu nay, khi xảy ra “sự kiện lịch sử” rằng học trò thời nay quá kém về môn lịch sử, cả xã hội đã rất quan tâm, nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn luận. “Môn lịch sử quá khô khan, quá nhiều sự kiện đan chéo nên không thể nhớ nổi, sử quá dài” hay “sử thật đơn điệu, vô vị, nhạt nhẽo…” Ðó là những nhận xét xôn xao giới học trò ngày nay.

Nhưng nhận xét về một góc độ nào đó, những nhận xét trên là hoàn toàn có cãn cứ xác đáng. Vậy tại sao Bộ giáo dục và đào tạo không biến môn lịch sử thành hấp dẫn hơn. Trên ti vi hiện nay em thấy rất nhiều Game show được tài trợ bởi nhiều doanh nghiệp lớn, mục đích của những Game show này cơ bản là giải trí và quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp. Vậy tại sao Bộ giáo dục và ðào tạo không xin tài trợ từ những doanh nghiệp đó, để xây dựng chương trình học lịch sử thật sống động cho học sinh.

Em ví dụ thế này: ở sách lịch sử 6 có dạy những bài về đồ đồng, đồ đá của người Việt cổ. Nếu học sinh được xem những thước phim về các đồ vật này thì chắc chắn sẽ thích thú và ghi nhớ tốt hơn, hay như trong sách lịch sử 9 có viết về kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, nếu như thay vì những con số và dòng chữ khô khan như “ở trận này phía ta có X quân chia làm Y nhánh, địch có Z máy bay ,V quân ..” học sinh được xem những thước phim về những trận đánh đó(việc này không khó vì những dịp kỉ niệm như chiến thắng Ðiện Biên Phủ hay ngày Quốc Khánh em vẫn xem trên ti vi) được thấy các vi lãnh đạo của ta bàn bạc ra sao thì chắc chắn rằng bài học lịch sử sẽ vô cùng sống ðọng, hấp dẫn hơn, không những giúp học sinh hiểu bài mà còn thêm yêu tổ quốc.

Bên cạnh đó học trò cũng cần có ý thức hơn khi học lịch sử. Trước đây Bác Hồ đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp hay Na-pô-nê-ông đều là những người rất giỏi lịch sử đấy. Thế chả lẽ bây giờ độc lập rồi, hoà nhập cùng thế giới rồi thì không cần học lịch sử sao? Nhà văn Nguyễn Huy Thông từng viết trong nhật kí rằng: “người không biết lịch sử chẳng khác nào một con trâu. Nó đi cày ở ruộng nào cũng thế, cày cho chủ nào cũng vậy” tức là một người chẳng biết mình là ai , là dân tộc nào thì vẫn cứ làm kiếp trâu ngựa nô lệ cho thiên hạ mà thôi. Hẳn chúng ta chẳng ai muốn con trâu đi cày chứ? Ðiều đó không khó nếu bạn biết tạo cho mình hứng thú học môn này. Thật đấy.

Nếu ta chịu khó tìm hiểu thì sẽ có rất nhiều tấm gương học giỏi lịch sử, tiêu biểu như Ađôra 13 tuổi thần đồng văn học Mĩ, là một nhà văn nhỏ tuổi nhất thế giới khi cho xuất bản cuốn sách “những ngón tay bay” đầu tay của mình vào nãm lên 7 tuổi. Ađôra đặc biệt yêu thích môn lịch sử và tự nhận mình là nhà “ sử học nghiệp dư”. Bạn đang sáng tác nhiều truyện có bối cảnh lịch sử từ ngàn xưa và đang viết một cuốn sách mách nước cho thế hệ trẻ rằng học môn lịch sử rất thú vị.

Còn riêng vói bản thân em, em luôn tìm đọc cuốn truyện tranh lịch sử. Ðiều này khiến em ghi nhớ tốt hơn. những giờ học sử trên lớp, cô giáo em cũng áp dụng nhiều phương pháp “mềm hoá” các tiết học lịch sử rất nhiều như: Cô trò cùng kể chuyện về một sự kiện kịch sử nào đó, nêu trước bài sắp học và yêu cầu học sinh đóng kịch, diễn tiểu phẩm. Những sáng tạo này giúp chúng em rất nhiều trong việc tiếp thu các kiến thức lịch sử

Em hi vọng rằng ý kiến của em phần nào cải thiện phương pháp dạy và học lịch sử hiện nay.

Em xin chân thành cảm ơn!



Ðoàn lập, ngày 30 tháng 01 nãm 2010​

Người viết

Trần Thị Thu​

Lớp 9C - Trường THCS Ðoàn Lập - huyện Tiên lãng- TP Hải phòng​
 
Những lỗi cần tránh khi làm bài thi môn Lịch Sử

NHỮNG LỖI CẦN TRÁNH KHI LÀM BÀI THI MÔN LỊCH SỬ​

Là một trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, lịch sử vẫn là môn học “khó nuốt” trong suy nghĩ của nhiều học sinh. Có em chăm học và học bài khá tốt nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Để khắc phục vấn đề này, các em nên chú ý các vấn đề sau:

Một số lỗi cần tránh

Lạc đề, thừa hoặc thiếu kiến thức cơ bản. Đây là lỗi nghiêm trọng và khá phổ biến. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi: Trận “Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra như thế nào từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972? Nêu kết quả và ý nghĩa lịch sử của sự kiện trên. (Câu 2 đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD-ĐT TP.HCM vừa qua), đã có không ít trường hợp thí sinh sai như sau: (1) Trình bày chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 (lạc đề, không có điểm); (2) Trình bày cả phần miền Bắc làm nghĩa vụ hậu phương (thừa); (3) Chỉ trình bày kết quả mà không nêu được ý nghĩa lịch sử của sự kiện mà đề yêu cầu (thiếu).

Nhầm lẫn mốc thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử. Một trong những cái khó khi học môn lịch sử là có nhiều sự kiện và mỗi sự kiện lại tương ứng với những mốc thời gian nhất định. Do học bài không kỹ, nhiều em thường lấy thời gian diễn ra sự kiện này gắn cho sự kiện khác. Ví dụ, trình bày về hiệp định Paris có em viết: “Sau thất bại trận Điện Biên Phủ trên không, ngày 21-7-1954 hiệp định Paris đã được ký kết” (nhầm với thời gian mà ta và Pháp ký hiệp định Giơnevơ, mốc thời gian của hiệp định Paris phải là ngày 27-1-1973). Thậm chí nhiều em khi trình bày về một sự kiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) lại cứ ghép vào mốc thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

Diễn đạt lan man, dài dòng. Trong nhiều năm qua, các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp rất chặt chẽ, rõ ràng. Các em cần đọc kỹ câu hỏi và trả lời thẳng vào vấn đề, tránh dẫn nhập vấn đề lan man, quá xa xôi, như thế vừa mất nhiều thời gian lại không có điểm. Ví dụ, đề hỏi về Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, thì học sinh chỉ trả lời luôn chủ trương của ta trong chiến dịch này là gì? Để thực hiện chủ trương ấy, ta đã tấn công địch như thế nào, địch phản ứng ra sao? Diễn biến chiến dịch, kết quả, ý nghĩa của chiến dịch.

Ngoài ra, trong các bài làm, thí sinh thường hay mắc lỗi viết tắt, viết sai chính tả, gạch xóa nhiều. Những lỗi này dễ gây mất thiện cảm cho người chấm và có thể sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ. Những thí sinh chữ xấu, khó đọc cần cố gắng điều chỉnh. Có những bài thí sinh trình bày quá cẩu thả tới mức người chấm vừa đọc, vừa dịch rất vất vả. Dĩ nhiên những bài này khó đạt điểm cao.

Mấy điểm cần lưu ý về kỹ năng làm bài

Đọc kỹ đề, xác định chính xác yêu cầu của đề. Khi nhận được đề thi, thí sinh cần bình tĩnh, đọc cẩn thận từng câu hỏi có trong đề. Nên dùng viết gạch chân dưới mỗi ý chính của câu hỏi để xác định đầy đủ các ý mà đề yêu cầu. Cần phân biệt rõ đề yêu cầu “nêu”, “trình bày”, “phân tích” hay “so sánh” để thực hiện cho phù hợp.

Lập dàn ý. Sau khi nắm chắc được yêu cầu của từng câu hỏi trong đề, thí sinh nên dành từ 5 đến 10 phút để lập dàn ý, xác định những ý chính, trình tự các ý.

Phân chia thời gian hợp lý cho mỗi câu. Thí sinh nên dựa vào số điểm của mỗi câu mà phân chia thời gian cho phù hợp, trong đó nên dành 5 phút để đọc và tự kiểm tra lại cả bài. Thí sinh nên làm trước câu nào mà mình nắm vững nhất, trình bày thành từng ý rõ ràng. Sau mỗi ý, mỗi câu phải xuống dòng để giáo viên dễ chấm điểm.

Để kết quả bài thi tương xứng với công sức học tập, thí sinh cần giữ bình tĩnh, tự tin, tránh ức chế căng thẳng nhất là trong thời gian chờ đợi phát đề, nên thư giãn, hít thật sâu, tập trung suy nghĩ đến một hình ảnh vui ngộ nghĩnh.

Chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi

Mấy ngày trước khi đi thi thí sinh thường căng thẳng, khó học bài, do đó nên dành thời gian ngồi lại lấy giấy bút ra hệ thống lại toàn bộ phần giới hạn ôn tập gồm mấy giai đoạn? Trong mỗi giai đoạn có những sự kiện tiêu biểu nào? Nội dung chính của mỗi sự kiện ấy là gì? Qua đó, nếu nội dung nào thí sinh không thể nhớ nổi mới phải mở tài liệu coi lại. Trong những ngày này, việc phân chia hợp lý quỹ thời gian cho 6 môn thi tốt nghiệp cũng cần được quan tâm, không nên có tư tưởng chỉ tập trung học những môn mà thí sinh đã đăng ký dự thi đại học và dùng điểm những môn này để kéo cho các môn còn lại. Như thế là liều lĩnh và rất có thể phải trả giá đắt, nhất là với đa số học sinh học lực chỉ ở mức trung bình, yếu.

Tóm lại, để đạt được điểm cao trước hết thí sinh phải học bài, phải có kiến thức. Đề thi tốt nghiệp luôn ở mức độ vừa sức với đa số học sinh. Thi cử chỉ là dịp, là điều kiện kiểm tra, xác nhận kiến thức của mình. Chính sự siêng năng học bài và học tập có phương pháp mới quyết định thành công cho thí sinh.
Bùi Văn Tỉnh
(Tổ trưởng bộ môn sử - địa - công dân Trường THPT Trần Khai Nguyên)


Cô Nguyễn Thị Phi Phụng (Trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trưng Vương):

Câu hỏi về cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 2 - sự kiện 12 ngày đêm ở Hà Nội nằm ở học kỳ 2 nhưng các em hiểu sai đề nên đã có sự nhầm lẫn hay câu hỏi về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” thì các em lại tưởng là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Nguyên nhân chính là các em không tìm hiểu kỹ đề bài, chỉ hình dung kiến thức một cách mang máng, không hiểu cách nói liên tưởng về hai chiến dịch có những nét tương đồng.

Đối với môn lịch sử, từ ngữ dễ nhớ nhưng kiến thức nhiều, sự kiện cũng nhiều và dài dễ khiến các em nhầm lẫn. Dù kết quả kỳ thi thử chỉ có khoảng 60% đạt điểm trung bình nhưng chúng tôi xác định đây là kỳ thi để kiểm tra kiến thức học tới đâu, kỹ năng làm bài như thế nào chứ không đặt nặng tỷ lệ nhằm giảm bớt áp lực cho cả thầy và trò. Tuy nhiên vẫn có nhiều bài thi xuất sắc đạt điểm cao là do các em thông minh, học bài kỹ nhớ lâu.

Theo: edu.goonline.vn
 
Học sử giống như chúng ta kể một câu chuyện. Mình phải nắm rõ từng chi tiết, quy luật của lịch sử và kể xong câu chuyện phải phân tích đánh giá lại vấn đề.
 
Theo mình muốn nhớ các sự kiện lịch sử cùng với các mốc thời gian lịch sử thì mình nên chia từng mốc thời gian diễn ra các sự kiện lịch sử ấy ra cho đễ nhớ. Và khi học chúng ta nên tạo một biểu đồ về thời gian diễn ra cùng các sự kiện lịch sử ấy theo trình tự thời gian để bao quát và hệ thống được các sự kiện lịch sử để trách nhớ lộn nhớ sai or nhớ sót các sự kiện. Chúc các you học tốt
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top