Kinh điển triết học -PARMÉNIDE-[Phần 1]-PLATON

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0

PARMÉNIDE
[Phần 1]
PLATON


CÉPHALE, ADIMANTE, GLAUCON, ANTIPHON

Céphale tường thuật lại cuộc gặp gỡ với Antiphon

Từ Clazomène quê hương của chúng tôi, thoạt vừa bước chân vào đô thị Athènes, trên quảng trường đông người, chúng tôi đã bắt gặp được Adimante và Glaucon. Bắt tay tôi Adimante niềm nở nói: “Thực là hân hạnh, Céphale, được anh tới chơi; nếu có chuyện chi giúp đỡ được, chúng tôi xin sẵn sàng”.

“Đó chính là điều khiến chúng tôi tới đây, tức là yêu cầu các anh một việc”. Tôi đáp – Adimante săn đón: “Anh cứ việc cho biết”.

Lập tức tôi hỏi anh ta: “Người em cùng mẹ ruột với anh tên gì nhỉ? Tôi lỡ quên mất. Đã lâu lắm rồi, vào dịp từ Clazomène, tôi đến đây lần đầu tiên, lúc đó anh ta mới là một đứa con nít. Hình như tên cha anh là Pyrillampe thì phải”. – “Đúng thế” Adimante đáp “và tên anh ta là Antiphon. Nhưng anh muốn biết điều đó để làm gì chứ?”

Tôi trình bày: “Đây là những triết gia chính cống trong số những đồng hương của tôi. Họ nghe rằng: Antiphon, phải chính Antiphon, đã thường giao dịch với một ông nào đó tên Pythodore, đồ đệ của Zénon và nhiều lần anh ta đã được nghe kể lại những luận chứng trình bày cho Pythodore, đến nỗi anh ta đã thuộc lòng. Đó là cuộc đối thoại xưa kia Socrate, Parménide và Zénon đã tranh luận với nhau.

“Đó là một sự thật”. Adimante đáp.

“Vậy thì chúng tôi muốn được nghe thuật lại chính những luận chứng đó” tôi nói.

“Thế thì không có gì khó khăn cả, anh ta tiếp, em tôi đã dày công học thuộc lòng chúng ngay lúc còn thiếu niên. Nhưng hiện giờ, trở về với những sở thích của ông tổ cùng tên, nó lại lấy việc đua ngựa làm say sưa nhất; nó vừa ở đây về nhà, và cư ngụ rất gần đây, ở Mélite thôi”.

Vừa dứt lời, chúng tôi liền lên đường và gặp Antiphon tại nhà, đang trao cương ngựa cho thợ rèn sửa. Khi anh ta vừa xong việc với bác thợ thì các anh ta đã giới thiệu với anh về mục tiêu cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Lập tức anh ta đã nhớ rõ rệt có gặp tôi, vào dịp tôi đến đây lần đầu tiên và chào hỏi tôi. Nhưng khi nghe chúng tôi xin anh thuật lại cuộc đối thoại thì thoạt tiên anh hơi ngần ngại và nói: đó là một việc trọng đại. Tuy nhiên, anh ta cũng thuật lai cho chúng tôi đầu đuôi câu chuyện.

PYTHODORE, SOCRATE, PARMÉNIDE, ARISTOTE

Bản tường thuật về đối thoại: Socrate, Parménide, Zénon

Vậy theo Antiphon, Pythodore đã thuật lại rằng: một hôm cả Zénon, cả Parménide đã tới dự lễ toàn dân thành Athènes. Parménide thì đã cao niên, tuy đầu tóc bạc phơ, nhưng lại có một tướng mạo đường đường, oai phong; thực ra thì ông ta đã gần sáu mươi lăm tuổi. Zénon thì mới gần bốn mươi, nhưng tầm vóc đẹp, bộ điệu duyên dáng và được thiên hạ coi là thân mến của Parménide. Cả hai đã xuống nhà Pythodore, ở Céramique ngoại thành. Socrate cũng tới đó và cùng với ông còn có cả một đoàn tùy tùng, gồm toàn những người ham nghe đọc tác phẩm của Zénon. Vào dịp đó quả là lần đầu tiên mà đoàn tùy tùng này vào đây, nhờ sự giới thiệu của hai du khách: lúc ấy Socrate hãy còn là một chàng thiếu niên rất trẻ tuổi. Và Zénon đã đọc tác phẩm cho họ nghe. Đang khi đó Parménide tình cờ phải ra ngoài. Nên theo lời Pythodore thì việc đọc những luận chứng đã gần hoàn tất, khi chính ông ta bất chợt cùng với Parménide trở về, có thêm Aristote, một người trong nhóm Ba mươi [1]cùng đi vào. Vì vậy họ chỉ nghe được ít dòng cuối cùng của tác phẩm, ngoại trừ Pythodore người đã được chính Zénon đã đọc cho nghe trước đây rồi.

Những luận chứng của Zénon và sự phê phán của Socrate

Vậy vừa nghe xong, hình như Socrate đã yêu cầu đọc lại giả thuyết thứ nhất của luận chứng thứ nhất. Và khi nghe lại rồi, ông đã thức mắc hỏi: “Thưa Zénon tiên sinh, ngài muốn nói gì qua những luận chứng đó chứ? Có phải là, nếu các sự vật là đa thể [2]thì chúng không thể vừa tương tự vừa bất tương tự với nhau được. Đó là một điều không thể vì rằng cái bất tương tự và những cái tương tự không thể là bất tương tự được, phải không? Có phải ngài muốn chủ trương như vậy không?”

- “Đúng vậy” Zénon trả lời.

- “Vậy, nếu không thể nào những cái bất tương tự lại tương tự với nhau được và những cái tương tự lại tương tự với nhau được, thì chính vì đó không thể rằng: cái đa thể có được; vì một khi được giả thiết là có đi nữa thì nó không thể nào tránh được những không thể vừa nói trên, phải không? Vì điều mà những luận chứng của ngài nhằm chủ trương, có phải không là gì khác cho bằng chỉ phấn đấu cao độ chống đối tất cả mọi hình thức ngôn ngữ thông thường, để quy định rằng: không có đa thể [3], phải không? Có phải trong tư tưởng của ngài, đó là điều mỗi luận chứng của ngài muốn chứng minh không? Đến nỗi cứ theo sự đánh giá của ngài thì bao nhiêu luận chứng đã được ngài viết ra là bấy nhiêu chứng minh ngài viện dẫn về việc không có đa thể, phải không? Đó có phải là điều ngài muốn chủ trương không, hay có lẽ tôi đã hiểu lầm ngài?”

- “Hoàn toàn không” Zénon trả lời. Trái lại, chàng đã lãnh hội được cả chủ đích của tác phẩm của tôi, một cách thực hoàn hảo”.

- “Thưa Parménide tiên sinh, hình như Socrate đã thắc mắc hỏi, tôi hiểu rằng Zénon muốn được gắn liền với ngài không phải chỉ bằng tất cả tình thân hữu với ngài, mà còn bằng chính cả tác phẩm của ngài nữa đó [4]. Nói khác đi, chính luận cương của ngài là điều ông ta không muốn viết ra đây, nhưng theo dáng vẻ của ngài, ngài khẳng định rằng: Toàn thể vạn vật chỉ là một, và ngài đã viện dẫn vô số chứng minh hùng hồn; một bên ông ta thì khẳng định rằng: không có vạn vật đa tạp, và ông ta cũng viện dẫn nhiều chứng minh rất hay. Khi mà ngài khẳng định về cái Đơn nhất, còn ngài kia lại phủ định cái Đa thể, thoạt nhìn thì hình như mỗi ngài không nói gì giống nhau cả, nhưng kỳ thực thì cả hai đã chỉ nói cùng một điều giống hệt nhau. Nên những tranh luận của các ngài chỉ có vẻ những tranh luận qua mặt chúng tôi là những người tục tử mà thôi”.

- “Thôi đi, Socrate” hình như Zénon đã lên tiếng. “Như vậy là chàng đã hoàn toàn không hiểu được thực chất của tác phẩm của ta. Tuy rằng với thính giác của những con chó của Laconnie, chàng đã săn bắt và rượt đuổi những tư tưởng theo từng vết tích một của chúng, nhưng chàng vẫn hiểu lầm và đây là hiểu lầm đầu tiên của chàng: thực thà quyển sách của ta đã không có cao vọng gì đến nỗi như chàng mường tượng rằng nó đã được viết ra để che giấu chủ đích cao cả của nó với nhân thế đâu. Nên điều chàng vừa trình bày trên kia chỉ là những gì thứ yếu. Điều thực sự quyển sách của ta nhằm là theo cách thức của nó biện hộ cho luận cương của Parménide chống đối lại những ai cố tình phỉ báng nó và, từ tính đơn nhất do nó khẳng định, những ai tự hào rút ra được những hệ luận theo đó luận cương bị chế nhiễu và tự mâu thuẫn. Như vậy là quyển sách đến để đối đáp lại những kẻ nào khẳng định về cái Đa thể, và đánh những đòn gấp bội. Hơn nữa, nó còn muốn chứng minh rằng: luận cương của họ về đa thể còn đáng buồn cười hơn luận cương về cái Đơn nhất, đó là đối với những ai am hiểu được hết những hệ luận của nó. Chính trong khí thế chiến đấu đó mà khi còn niên thiếu ta đã biên soạn ra quyển sách đó. Nhưng không biết ai đã đánh cắp mất bản thảo đó đến nỗi ta không còn biết có quyết định hạ sinh nó hay không nữa. Đó là sai lầm của chàng khi nghĩ rằng không phải với khí thế chiến đấu của một con người trẻ tuổi, mà là do tham vọng của người đứng tuổi, Socrate. Ngoài ra như ta đã nói, cách thức chàng đánh giá quyển sách đã không có gì đáng chê cả”.

- “Dạ, tôi chấp nhận sự phân giải”, hình như Socrate đáp “và tin tưởng như ngài đã nói. Nhưng đây là điều tôi muốn biết, Ngài có nghĩ rằng phải có một hình thức tự nội về tính tương tự không và đối đáp lại nó, phải có một hình thức tự nội khác, đó là bản chất của bất tương tự không? – “Và ngài có nghĩ rằng: “vào cả hai hình thức đó, tất cả chúng ta, cả tôi và cả ngài, rồi cả những gì khác mà chúng ta gọi là cái đa thể, đều thông dự không?” – Và ngài có nghĩ rằng: “Chính vì sự kiện và trong chừng mực nó thông dự vào đó thì cái gì thông dự vào tính tương tự sẽ trở thành tương tự và bất tương tự cái gì thông dự vào tính bất tương tự; và sẽ trở thành cái này hoặc cái kia, cái gì thông dự vào cái này hoặc cái kia không? Nếu, tất cả vạn vật đều thông dự vào hai hình thức đối lập nhau đó, và tự chúng tất cả vạn vật đều vừa tương tự vừa bất tương tự, do vì sự thông dự vào bên này hoặc bên kia đó, thì như vậy có điều gì đáng phải bỡ ngỡ không?” – Và ngài có nghĩ rằng: “Ngược lại, những cái tương tự tự nội đã trình bày cho chúng ta là bất tương tự, hay những cái bất tương tự là tương tự được, thì tôi sẽ coi đó là một điều kỳ diệu. Nhưng, cái gì thông dự vào những cái này cũng như vào những cái kia, mà trình bày nó bởi chi phối bởi tính chất này hay bởi tính chất kia, thưa Zénon tiên sinh, tức là không nói gì lạ thường cả, ít là đối với tôi, làm thế cũng không khác gì tuyên bố rằng là đơn nhất toàn bộ những sự vật chỉ vì chúng có chân trong cái Đơn nhất và tuyên bố là đa thể cùng một toàn bộ đó chỉ vì chúng thông dự vào tính đa tạp. Ngược lại, bản chất của cái Đơn nhất mà người ta chứng minh tự nội là đa thể; rồi cái đa thể mà người ta chứng minh là đơn nhất. Đó là điều sẽ gây bỡ ngỡ cho tôi. Về tất cả những gì còn lại tôi cũng nói như vậy. Rồi những chủng loại và những hình thức tự nội cũng vậy, nếu được trình bày như trong chúng, chúng cũng tiếp thu những đặc tính đối nghịch như vậy, thì điều đó cũng đáng bỡ ngỡ nữa không? Và công việc trong tôi, khi người ta cũng muốn trình bày tôi cũng là đa thể, tức là có bên phải, bên trái, có phía trước, phía sau, cũng như có trên, có dưới thì sao? Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng có thông dự vào tính đa thể. Ngược lại, người ta sẽ tuyên bố rằng trong nhóm bảy người chúng ta, con người tôi là đơn nhất, chỉ vì tôi cũng tham dự vào cái Đơn nhất, nếu người ta muốn nói tôi là đơn nhất. Nếu vậy người ta sẽ chứng minh được rằng cả hai khẳng định đều đúng. Trên cơ sở của những tỉ dụ trên, ai sẽ là người nỗ lực chứng minh là đa thể và đơn nhất có cùng những đồ vật như nhau, đó là những cục sỏi, những mẩu gỗ và tất cả những gì khác, thì ta sẽ gọi là họ chứng minh chúng là đơn nhất và đa thể; như vậy không phải cái Đơn nhất họ chứng minh là đa thể cũng không phải cái đa thể họ chứng minh là đơn nhất. Như vậy họ sẽ không nói một điều gì khác thường cả, không một điều gì mà không được mọi người nhất trí. Nhưng nếu người ta hãy làm như điều tôi nói lúc nãy, nghĩa là hãy bắt đầu bằng việc phân biệt lập, theo thực tại riêng biệt của chúng, những hình thức như tính tương tự, tính bất tương tự, tính đa tạp, tính đơn nhất, tính im lìm, tính vận động, và tất cả mọi bản chất tương tự như thế; sau đó hãy chứng minh rằng giữa chúng với nhau chúng có khả năng hòa hợp và ly gián lẫn nhau; trong trường hợp này, thưa ngài Zénon, tôi sẽ bỡ ngỡ và ngây ngất biết mấy. Theo thiển ý, lập luận của ngài đã được trình bày hùng hồn và khéo léo. Nhưng xin nhắc lại, với một niềm hoan hỉ biết bao nữa, tôi sẽ hoan hô bất cứ ai có thể chứng minh được rằng: cùng những đối kháng quấn quít lấy nhau bằng muôn vàn sợi dây giữa lòng cùng những hình thức đó, đối với chúng, phía ngài đã theo đuổi chúng trong những sự vật khả giác, như thế nào, thì phía chúng tôi cũng phải có thể phát hiện thấy chúng như thế trong những sự vật (tức là chính những hình thức – chú thích của người dịch) nào mà chỉ mình suy lý mới đạt được.

Parménide và Socrate: những khó khăn gây ra do việc chấp nhận những hình thức tách biệt. Hình thức có là có những gì?

Socrate quả đã chất vấn như thế. Pythodore đã tường thuật như vậy, và thú nhận rằng tưởng chừng như mỗi câu đều có thể gây tức giận cho Parménide và Zénon. Nhưng hình như không, ngược lại, họ đã rất chăm chú nghe Socrate. Những cái liếc nhìn nhau thường xuyên, những nụ cười họ trao đổi với nhau cũng đủ để chứng minh sự ngưỡng mộ của họ. Trong tình cảm đó, lập tức Parménide đã lên tiếng khi Socrate vừa dứt lời, rằng: “Socrate”, - hình như ông đã nói -, “ta công nhận chàng đã hồ hởi và khích lệ biết bao trong cách thức lập luận của chàng. Nhưng hãy nói cho ta biết chính chàng có chấp nhận một sự tách biệt như vậy không, nghĩa là đẩy sang một bên những gì chàng gọi là chính những hình thức, và đẩy sang bên kia những gì phải thông dự vào những hình thức ấy? Nói khác đi, chàng có công nhận rằng tính tương tự tự nội, có một thực tại riêng biệt, tách rời với cái tương tự ở thực tế của chúng ta không? Và chàng có công nhận như thế cho cái Đơn nhất và cái đa thể, rồi cho tất cả những đặc tính Zénon vừa trình bày trước mặt chàng đây không? “Dĩ nhiên chấp nhận chứ”, Socrate đáp, - “Và chàng, - Parménide hỏi tiếp -, có làm như thế nữa không đối với những trường hợp sau đây, ví dụ chàng có chấp nhận một hình thức tự nội hoàn toàn biệt lập cho cái đẹp, cái tốt và cho tất cả những bản chất tương tự như vậy không?” [5]– “Thưa có”, hình như chàng đã khẳng định như vậy. – “Thế thì chàng có chận nhận rằng có một hình thức về con người tách biệt với con người hiện thực của chúng ta và với tất cả mọi con người như chúng ta không, nghĩa là một hình thức tự nội về con người, về lửa, về nước không?” – “Và, hỡi Socrate, đối với những sự vật sau đây, những gì có vẻ đáng khinh bỉ như tóc, bùn, phân hay bất cứ những đồ vật không quan thiết gì cả và không có giá trị gì cả, thì chàng có chấp nhận mỗi cái một hình thức biệt lập, chính nó cũng tách rời với đồ vật mà bàn tay ta sờ mó được không?” – “Thưa không bao giờ tôi đã thắc mắc như thế cả” hình như Socrate đã thú nhận, “những gì chúng ta nhìn thấy đó thì tôi công nhận rằng chúng có, thế thôi, còn việc nghĩ rằng phải có một hình thức cho chúng, thì tôi nghĩ rằng điều đó quá kỳ dị. Thú thực, đôi khi tôi bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng không biết có nên chấp nhận cho tất cả mọi vật một hình thức tách biệt không. Nhưng mỗi khi vừa dừng lại trên ý tưởng đó lập tức tôi phải xa lánh nó ngay, vì sợ rằng sẽ bị lạc lõng và sa lầy trong một hố thẳm những chuyện vớ vẩn nào chăng. Vì vậy, một khi trở về với khu an toàn của tôi, tức là về với những sự vật mà chúng ta vừa công nhận phải có những hình thức, thì tôi chỉ bàn luận và nghiên cứu về những sự vật đó mà thôi.

- “Ừ, Socrate, chỉ vì chàng quá trẻ đó thôi và chưa được phong tỏa bằng một vòng kiềm tỏa vững chắc của triết học đó thôi”, - hình như Parménide nhắn nhủ như thế -, “vòng kiềm tỏa mà ta hy vọng rằng một ngày kia sẽ khống chế được chàng, ngày nào chàng không còn khinh thị đối với bất kỳ một sự vật nào cả” [6]. Hiện giờ thì chàng vẫn còn chú ý đến dư luận của người đời. Đó là vì chàng còn quá trẻ đó thôi. Bây giờ thêm một thắc mắc mới. Có phải chàng đã nói chàng tin rằng có một số những hình thức nào đó, nghĩa là chính vì sự kiện chúng không thông dự vào những hình thức tự nội của chúng thì những sự vật thông dự như vậy lại mang chính cái tên gốc của những hình thức mà chúng thông dự, phải không? Ví dụ khi thông dự vào tính tương tự thì những sự vật thông dự được gọi tên là những sự vật tương tự hay khi thông dự vào to lớn thì được gọi tên là to lớn; hay khi thông dự vào tính đẹp đẽ và tính công chính thì được gọi là công chính và đẹp đẽ, phải không?” – “Chính thế”, hình như Socrate đã đáp.

Những khó khăn trong sự thông dự

- “Vậy có phải mỗi thành viên thông dự thì thông dự vào toàn thể của hình thức hay chỉ thông dự vào một thành phần mà thôi? Hay ngoài những cách thức tham dự vừa nói trên còn một cách thức tham dự nào khác nữa không? – “Làm gì có cách thức nào khác?” – “Làm thế nào tưởng tượng một hình thức toàn diện lại có thể hiện diện trong mỗi một sự vật đa thể khác nhau được? Liệu nó có tồn tại là một được không, hay thế nào đây? – “Làm sao ngăn trở nó tồn tại là một được, thưa Parménide tiên sinh?” Hình như Socrat đã chất vấn lại – “Vậy nó tồn tại là một và đồng tính, nhưng cũng không vì vậy hiện diện ít hơn, nghĩa là cũng hiện diện toàn diện đồng thời trong những sự vật khác nhau và tách biệt với nhau, nếu vậy nó sẽ bị tự phân hóa sao?” [7]– “Không thể, nếu ít ra, cũng như ánh sáng mặt trời là một và đồng tính mà lại có mặt khắp nơi được, nhưng không vì vậy mà tự phân hóa; nếu, ta nói lại, theo tỷ dụ trên, chúng ta chấp nhận mỗi hình thức như một tính đơn nhất mà lại hiện diện, mà đồng thời vẫn còn đồng tính” – “Socrate, làm cho cùng một tính đồng nhất hiện diện nhiều nơi được là một việc dễ dàng. Không khác gì khi lấy cùng một tấm vải trùm lên nhiều cá thể rồi chàng nói rằng “cùng một đồng tính toàn diện lại trùm trên một đa tính [8]. Có phải cũng muốn nói về cùng một sự đồng nhất về sự hiện diện như thế không?”

- “Thưa có lẽ phải” hình như Socrate chấp nhận.

- “Vậy có phải tấm vải sẽ hiện diện toàn diện trên mỗi cá thể không? Hay ngược lại, một thành phần này của nó thì hiện diện trên cá thể này, một thành phần kia lại hiện diện trên cá thể kia?”

- “Một thành phần”.

- “Vậy thì, Socrate,” hình như Parménide hỏi tiếp, “cùng những hình thức ấy đã bị phân hóa; và những sự vật thông dự vào những hình thức thì chỉ sẽ thông dự vào một thành phần của những hình thức mà thôi, như vậy chúng ta sẽ không còn “toàn diện trong mỗi cái” nữa, mà chỉ có “một thành phần cho mỗi cái” mà thôi”.

- “Thực tế, chắc là phải đi đến kết luận đó rồi”.

- “Socrate, chàng có đồng ý rằng sự đồng nhất của hình thức thực sự có thể bị chúng ta phân chia, nhưng vẫn không vì vậy mà không tồn tại là một không?”.

- “Vì rằng hãy coi đây, nếu chàng phân chia tính to lớn tự nội; rồi sau đó nếu một trong nhiều sự vật to lớn chỉ to lớn do một mảnh của sự to lớn là mảnh nhỏ bé hơn sự to lớn tự nội, thì kết quả có phi lý không?”

- “Hoàn toàn phi lý”.

- “Và vì rằng mỗi thành viên tham dự tiếp nhận một mảnh nhỏ của cái ngang bằng, thì có thể với mảnh nhỏ bé hơn chính cái ngang bằng tự nội ấy, sự vật đã tiếp nhận nó lại thành ngang bằng với bất cứ cái gì khác không?”

- “Không thể nào được”.

- “Hay trong một người nào đó trong chúng ta, hãy đặt một thành phần của cái nhỏ bé. Nếu đem so sánh với thành phần này thì cái nhỏ bé sẽ lớn hơn nó vì nó chỉ là thành phần của thành phần ấy, vì chính cái nhỏ bé ấy lại lớn hơn. Trái lại, cái gì được người ta cộng thêm cho thành phần vừa được chiết tính như trên sẽ chính vì vậy mà nhỏ bé hơn chứ không lớn hơn trước khi cộng thêm”.

- “Điều đó chắc chắn không thể thực hiện được”.

- “Vậy thì bằng cách nào, Socarate” hình như Parménide đã chất vấn thêm, “chàng sẽ quan niệm sự thông dự vào những hình thức như thế nếu không thể là một thông dự vào thành phần cũng không phải là một thông dự vào toàn phần?”

- “Đối với tôi, chắc chắn lạy thần Zeus”, hình như Socrate đã thú nhận, “quy định nó bằng cách nào đi nữa cũng như không phải chuyện dễ” [9].

Hình thức kiểu một cái đơn nhất tổng hợp

- “Này còn về vấn đề sau đây chàng nghĩ sao?”

- “Thưa vấn đề gì ạ?”

- “Ta nghĩ rằng sau đây là lý do vì sao chàng đã bó buộc phải giả thiết mỗi một hình thức đặc thù trong tính đơn nhất của nó. Nghĩa là một khi một số nhiều những sự vật xuất hiện trước mắt chàng là to lớn, thì cái nhìn của chàng bao trùm lên toàn bộ chúng cho rằng đã phát hiện ra trong đó, ta nghĩ vậy, một tính chất đơn nhất và đồng tính nào đó; và vì vậy mà chàng đã bó buộc phải giả thiết cái to lớn như một đơn nhất”.

- “Điều ngài giả thiết quả là đúng vậy”. Hình như Socrate đã xác nhận.

- “Vậy thì cái to lớn tự nội và nhiều cái to lớn khác, trước con mắt của linh hồn cũng bao trùm toàn bộ chúng như vậy, chính cái đơn nhất này mới áp đặt trên tất cả một bộ diện của sự to lớn đó không?”

- “Có thế”.

- “Vậy nó phải có một hình thức mới về tính to lớn tự nội vì những thành viên thông dự vào nó tức là một toàn bộ mới sẽ được bao trùm bởi hình thức mới, và đối với hình thức mới này tất cả những gì kết cấu nên toàn bộ đó cũng phải là to lớn; vậy thì không còn phải tính đơn nhất mà mỗi hình thức sẽ là đối với chàng nữa, mà là tính đa tạp vô hạn” [10].

Hình thức kiểu khái niệm

Hình như Socrate đã chất vấn lại: “Thưa Parménide tiên sinh, miễn là mỗi một trong những hình thức đó không phải là một tư tưởng, và miễn là nó không được biểu hiện ra ở cả đâu ngoại trừ trong linh hồn. Vì chỉ được hiểu như vậy, mỗi hình thức mới bảo toàn được tính đơn nhất của nó và sẽ không còn vấp phải khó khăn ta vừa nói lúc nãy”.

Hình như Parménide đã kháng cự lại: “Trong trường hợp đó, mỗi một trong những tư tưởng ấy là tư tưởng đơn nhất, nhưng lại là tư tưởng cái không không?”

- “Không thể nào được”. Hình như Socrate đã đối đáp.

- “Vậy đó là tư tưởng của một đối tượng ư?”

- “Tất nhiên”.

- “Nhưng đối tượng đó có hay không có?”

- “Là đối tượng có chứ”.

- “Có phải đối tượng đó tức là một cái gì của cái đơn nhất mà tư tưởng đó quan niệm là nó hiện diện trên đồng loạt cả một nhóm sự vật và kết cấu thành một đặc tính duy nhất nào đó không?”

- “Thưa phải”.

- “Đó có phải là một hình thức mà người ta quan niệm là đơn nhất như vậy và nó hiện diện trên tất cả các hình thức và luôn luôn đồng tính không?”

- “Thưa cũng phải. Rõ rệt đó là điều không thể tránh khỏi”.

Hình như Parménide nói tiếp: “Nhưng nếu khẳng định rằng: những sự vật phải thông dự vào những hình thức là một điều không thể tránh được thì có vì vậy mà song luận sau đây đối với chàng cũng là một điều không tranh được phải không, nghĩa là hoặc là tất cả đều được trang bị bằng những tư tưởng và đều tư tưởng hoặc là tất cả đều là những tư tưởng mà không biết tư tưởng?”

Hình thức kiểu nguyên mẫu

Hình như Socrate đã thú nhận: “Đó chưa phải là một giải pháp có thể biện hộ được. Nhưng thưa Parménide tiên sinh, sau đây ít là đối với tôi, là một sự lý giải hoàn hảo nhất. Rằng những hình thức đó phải có mặt thường xuyên trong thực tại theo tư cách là những nguyên mẫu; rằng những sự vật phải tương tự như chúng và phải là những bản sao chép lại chúng; và rằng sự thông dự của các sự vật vào những hình thức đó chỉ có nghĩa là chúng là những hình ảnh của những hình thức nào đó mà thôi”.

- “Vậy thì nếu một sự vật nào đó tương tự với một hình thức, thì có thể rằng hình thức đó không giống với hình ảnh của nó không, ngay trong chừng mực mà hình ảnh này là bản sao chép của nó không? Hay có một xảo thuật nào đó có thể làm cho cái tương tự không tương tự như cái tương tự không?”

- “Thưa không hề có”.

- “Nhưng có tất yếu rằng cả cái tương tự với cái tương tự đó lại thông dự vào một cái gì đó của cái đơn nhất, đồng tính đối với cả hai không?”

- “Hoàn toàn tất yếu phải như thế”.

- “Nhưng cái gì nhờ đó những cái tương tự là tương tự chính vì sự kiện chúng thông dự vào đó có phải chính hình thức đó không?”

- “Tất phải”.

- “Vậy không thể hoặc là một cái gì khác lại tương tự như hình thức hoặc là hình thức lại tương tự như một cái gì khác được. Nếu không, bên ngoài hình thức ra, sẽ xuất hiện một hình thức khác, rồi, nếu hình thức khác này lại tương tự như một cái gì khác nữa, thì một hình thức mới nữa sẽ xuất hiện và sẽ không bao giờ kết thúc sự phát triển vô hạn những hình thức mới nếu hình thức lại trở thành tương tự với thành viên thông dự vào nó” [11].

- “Không gì đúng thực hơn điều ngài vừa nói”.

- “Vậy không phải bằng sự tương tự mà những thành viên thông dự vào những hình thức. Nên phải tìm cho ra một cách thức thông dự khác.”

- “Chắc thế”.

Hình như Parménide kết luận: - “Hỡi Socrate, chàng có thấy rằng theo danh nghĩa của những hình thức mà bó buộc phải ghi nhận những thực tại tồn tại tự nội một cách biệt lập như vậy, thì chúng ta đã đụng độ với biết bao chướng ngại không?”

- “Quả đúng, đó là những chướng ngại rất trầm trọng”.

Hình thức sẽ bất khả tri đối với con người

Hình như Parménide nói tiếp: “Nhưng chàng nên biết rằng: cho tới đây, có thể nói chàng vẫn chưa dự đoán được những chướng ngại đó là những chướng ngại nào và chúng trầm trọng đến mức nào, một khi đối với bất cứ thực tại nào mà chàng muốn quy định, dần dà, chàng lại muốn đặt ra một hình thức đơn biệt và đơn nhất”.

- “Những chướng ngại đó là những chướng ngại nào?” Hình như Socrate chất vấn.

- “Có rất nhiều, nhưng trầm trọng nhất là cái sau đây. Người ta có thể chủ trương rằng nếu được định nghĩa như chúng ta tưởng tượng thì những hình thức cũng không khả tri; và thuyết phục tác giả của một khẳng định như vậy rằng họ sai lầm là một điều không thể, nếu họ không đóng góp vào cuộc cãi vã một kinh nghiệm phong phú và một bản tính đầy năng khiếu; hơn nữa nếu họ không sẵn sàng theo đuổi một chứng minh phức tạp và được diễn dịch cặn kẽ từ những nguyên tắc xa xăm [12]. Nếu không, kẻ nào tự hào cưỡng bức được những hình thức cứ phải ở thế bất khả tri, thì kẻ đó vẫn duy trì được khả năng thuyết phục”.

Hình như Socrate hỏi: “Tại sao vậy, thưa ngài Parménide?”

- “Vì rằng chàng là người đầu tiên, Socrate, ta tưởng vậy, và bất cứ ai cùng với chàng lại gán cho cho mỗi thực tại, một hiện hữu đứng độc lập tự nội, thì các nhà ngươi sẽ phải bắt đầu công nhận rằng không một hiện hữu nào trong số đó lại ở trong con người chúng ta”.

- “Làm thế nào thực tại đó có thể như thế mà vẫn tồn tại tự nội?”. Hình như Socrate đã chất vấn lại.

- “Chàng nói đúng. Và tất cả những hình thức nào chỉ có thể là chúng như chúng là được là nhờ ở quan hệ hỗ tương, thì chỉ trong quan hệ đó mà chúng có tồn tại của chúng; nhưng không hề phải là trong một quan hệ nơi chúng ta có gì tương ứng với chúng, hoặc theo tư cách là những mô phỏng, hoặc theo bất cứ danh nghĩa nào khác và không phải rằng cái đó, một khi được chúng ta thông dự, lại có thể cho ta những danh xưng gốc song song của nó được. Rồi về phía chúng, những gì quan hệ nơi chúng ta, tức là những gì đồng âm với những danh xưng gốc ở trên, chúng cũng có tồn tại của chúng trong quan hệ tương hỗ đó, chứ không quan hệ gì với những hình thức; và tất cả những đồng âm của những hình thức đó chỉ lệ thuộc chúng mà thôi chứ không lệ thuộc những hình thức kia”.

- “Thưa ngài muốn nói gì?” Socrate thắc mắc.

- “Muốn nói rằng bất cứ ai trong chúng ta nếu là ông chủ hay là nô lệ cho một ai khác thì tất nhiên không phải là nô lệ cho ông chủ cao siêu tự nội, tức là ông chủ theo bản chất kia đâu. Cũng không phải khi là ông chủ thì là ông chủ tự nội của nô lệ tự nội, tức là nô lệ theo bản chất kia đâu. Nhưng theo tư cách là con người chỉ quan hệ với con người mà thôi trong cả hai trường hợp nói trên. Còn đối với tính ông chủ tự nội, thì nó chỉ là nó trong quan hệ với tính nô lệ tự nội; và cũng như thế, tính nô lệ tự nội chỉ là tính nô lệ của tính ông chủ tự nội mà thôi. Cho nên những thực tại nào thuộc trần thế của chúng ta thì không hề có tác dụng gì tới những thực tại trên cao kia và những thực tại trên đó cũng không hề có tác dụng gì với chúng ta cả. Ta lặp lại, những thực tại trên cao kia chỉ lệ thuộc chính chúng và chỉ quan hệ với nhau mà thôi, và những thực tại nơi trần thế của chúng ta cũng chỉ quan hệ giữa chúng với nhau mà thôi. Chàng có hiểu điều ta muốn nói không?”

- “Thưa hoàn toàn hiểu”. Hình như Socrate đáp.

- “Vậy tri thức tự nội, tri thức theo bản chất thì sẽ là tri thức về thực tại tự nội, tức là về chân lý theo bản chất đó thì sao?”

- “Dĩ nhiên”.

- “Vì vậy bất cứ một tri thức chủ yếu nào sẽ là tri thức về một tồn tại chủ yếu nhất định nào, có phải đúng thế không?” [13]

- “Đúng thế”.

- “Trái lại tri thức nơi trần thế của chúng ta sẽ là tri thức về chân lý của trần thế chúng ta và vì vậy bất cứ tri thức nhất định nào nơi trần chúng ta cũng sẽ là tri thức về một sự vật nhất định nào đó nơi trần thế của chúng ta sao?”

- “Tất nhiên”.

- “Nhưng theo sự thú nhận của chàng thì những hình thức tự nội không có nơi trần thế của chúng ta cũng không có khả năng tồn tại nơi trần thế của chúng ta”.

- “Vâng”.

- “Vậy tùy theo quy định của chúng mà tri thức có thể lãnh hội được những chủng loại chủ yếu tự nội. Tri thức ấy có phải hình thức tự nội tức là hình thức của tri thức không?”

- “Thưa phải”.

- “Hình thức của tri thức đó, chúng ta không hề có”.

- “Không hề”.

- “Vậy thì ít ra chúng ta, là những người không tri thức một hình thức nào trong số đó cả, vì chúng ta không hề tham dự vào tri thức tự nội”.

- “Hình như không”.

- “Vậy đối với chúng ta, đều là bất khả tri cả cái đẹp tự nội chủ yếu, cả cái tốt, và tất cả những gì chúng ta chấp nhận theo danh nghĩa những hình thức tự nội”.

- “Thực là kinh sợ”.

Thực tại của loài người sẽ bất khả tri đối với Thiên chúa

- “Nhưng sau đây còn một điều kinh khủng hơn nữa”.

- “Thưa điều gì thế?”.

- “Nếu có một chủng loại tự nội của tri thức, thì có thể nói rằng: cũng như cái đẹp và tất cả những chủng loại khác, thì chủng loại tri thức tự nội đó còn chính xác rất nhều hơn tri thức nơi trần thế của chúng ta”.

- “Phải”.

- “Vậy chỉ có thể gán cho mình Thiên chúa của sự chính xác tuyệt đối về tri thức đó, nếu đã phải công nhận rằng: tất cả mọi cái chỉ thông dự vào tri thức tự nội mà thôi, phải không?”

- “Tất nhiên”.

- “Vậy thì một sở hữu tri thức tự nội như thế có cho phép Thiên chúa nhận biết được những sự vật dưới trần thế của chúng ta không?”

- “Tại sao không?”

Parménide đáp: - “Vì một lý do tức nguyên lý đã được chúng ta công nhận rằng cả những hình thức ở trên cao kia cũng không có tác dụng gì trên những sự vật nơi trần thế của chúng ta, một tác dụng chỉ là tác dụng của riêng chúng; cả những sự vật nơi trần thế của chúng ta cũng không có tác dụng trên những hình thức; trái lại, bên này cũng như bên kia, chúng chỉ có tác dụng lẫn nhau trong mỗi lãnh vực riêng biệt mà thôi”.

- “Chúng ta quả đã công nhận như vậy”.

- “Vậy dầu rằng trong Thiên chúa có sự chính xác tuyệt đối về sự thống trị tự nội và có sự chính xác tuyệt đối về tri thức tự nội đi nữa, thì điều đó cũng không hề khiến cho sự thống trị của những ai trên cao kia lại thống trị được chúng ta hay tri thức của họ có thể biết được điều gì nơi trần thế của chúng ta bao giờ cả. Sự bất lực cũng như vậy đối với chúng ta và đối với những kẻ ở trên cao kia nghĩa là chúng ta không thể thống trị những ai ở trên cao kia bằng mệnh lệnh của chúng ta và cũng không thể nhận biết được gì cả về thần linh bằng tri thức của chúng ta; rồi những kẻ ở trên cao kia, cũng vì một lý do, không thể thống trị trên chúng ta hay nhận biết được những công việc của nhân thế, mặc dầu họ là những vị thần”.

Socrate phân vân: - “Lần này tôi e rằng trong luận chứng có gì kỳ dị quá đáng, khi không công nhận do Thiên chúa khả năng tri thức mọi sự”.

Parménide tiếp lời: - “Tuy nhiên đó lại là khó khăn và còn biết bao khó khăn khác bên ngoài chúng nữa vẫn gắn liền với những hình thức một cách không thể tránh khỏi, nếu những hình thức của các sự vật đều có hiện hữu riêng của chúng và nếu người ta chấp nhận mỗi hình thức như một thực tại tự nội tách biệt. Nói với ai như thế, chỉ phát động lên trong họ hoài nghi và mâu thuẫn; và họ sẽ từ chối không tin vào những hiện hữu như vậy; còn nếu phải cưỡng bức chấp thuận thì họ cũng tuyên bố chúng tất yếu bất khả tri đối với bản tính của con người. Nhưng những chất vấn như vậy chỉ đúng theo dáng vẻ bên ngoài, và, ta lập lại, thay đổi được sự xác tín của kẻ nào viện dẫn ra chúng là một việc cực kỳ khó. Kẻ nào nhờ giáo dục mà hiểu được rằng trong mỗi thực tại nhất định đều có một chủng loại, một tồn tại tự nội và tự thân, thì có lẽ kẻ đó là một trí óc dồi dào năng khiếu. Vậy thì có khả năng phát hiện được điều đó, hơn nữa, còn có khả năng giảng dạy nó cho những người khác và trước đó còn cảm nghiệm được mọi chi tiết của nó bằng một phê phán hoàn chỉnh nữa, thì còn phải có một năng khiếu kỳ diệu biết bao nữa!”

Socrate đã thỏa thuận: - “Thưa ngài Parménide, tôi hoàn toàn nhất trí với ngài, điều ngài vừa nói đó trùng hợp đúng với điều tôi nghĩ”.

Parménide tiếp: - “Hỡi Socrate, ngược lại hãy tưởng tượng rằng đứng trước những khó khăn ta vừa trình bày hay biết bao khó khăn khác tương tự, người ta cứ cố chấp từ chối không chấp nhận cho những hình thức của sự vật đó một sự tồn tại và người ta cứ từ chối không chấp nhận cho mỗi thực tại, một hình thức nhất định, thì không còn biết phải xoay chiều tư tưởng về đâu, vì người ta đã không muốn rằng hình thức đặc biệt của mỗi sự vật duy trì được tính đồng nhất thường xuyên; và như thế sẽ là tiêu diệt chính sức mạnh của phép biện chứng nữa. Đó là điều hình như hoặc thoạt tiên chàng đã cảm tưởng?”

- “Ngài nói đúng”. Hình như Socrate đã thú nhận.

- “Vậy chàng sẽ vận dụng triết lý như thế nào? Chàng sẽ phải hướng nhìn về đâu, nếu trước những vấn đề như thế, chàng không sao tìm ra được những giải pháp?”

- “Thưa, như tôi biết, tức là hiện giờ thì tôi không có một giải pháp nào trước mắt cả”.

Sự cần thiết phải thao luyện phép biện chứng

- “Chỉ vì rằng Socrate, chàng đã quá sớm nỗ lực định nghĩa cái đẹp, cái đúng, cái tốt và tất cả các hình thức từng cái một, mà không thao luyện trước. Điều đó chợt gợi lại trong trí óc ta, khi nghe chàng, mới hôm kia, chính nơi đây đã đàm đạo với Aristote đang hiện diện ở đây nè. Chàng nên biết chàng đã vươn tới những luận chứng với một khích lệ thật duyên dáng và kỳ diệu. Nhưng chàng hãy tập dượt, hãy thao luyện triệt để trong những thực tập đó, những gì xem ra không ích lợi gì cả và người thường gọi đó là những chuyện bà láp. Hãy tự thao luyện giỏi giang đang khi hãy còn trẻ, đừng để sự thật bay mất khỏi tầm tay.”

- “Nhưng thưa Parménide, công cuộc thao luyện đó phải như thế nào?”

Parménide đáp:

- “Điều Zénon đã đọc cho chàng sẽ chỉ dẫn mẫu mực về sự thao luyện đó. Tuy nhiên nơi ông ta thiếu mất điều làm ta say sưa nơi chàng, điều làm ta rất hài lòng khi nghe chàng tuyên bố với ông ta rằng ý muốn của chàng là không nên thả lỏng cho cuộc tìm kiếm lạc lõng vào những sự vật khả giác và coi chúng là những đối tượng của sự tìm kiếm đó, mà phải áp dụng vào nó những sự vật chủ yếu là những đối tượng của lý luận và theo đúng danh nghĩa nhất là những gì người ta gọi là những hình thức”.

- “Thực vậy, Socrate nói, tôi nghĩ rằng qua con đường thứ nhất, không có gì khó khăn cả, nếu phải thuyết minh rằng trong cùng những thực tại như nhau, cùng tồn tại tính tương tự và tính bất tương tự và những đối kháng khác”.

- “Tuyệt vời!” Parménide khen, “nhưng còn phải thực hiện một tiến bộ khác nữa, nghĩa là trong mỗi trường hợp, hãy giả định sự tồn tại của một đối tượng và nghiên cứu những gì là hệ luận của một giả thuyết như vậy chưa đủ. Vậy còn phải giả thuyết sự không tồn tại của cùng một đối tượng đó nữa, nếu chàng muốn đẩy lùi cuộc thao luyện tới cùng”. [14]

- “Ngài muốn nói gì ạ?”, hình như Socrate đã hỏi.

- “Hãy giả thiết chính giả thiết do Zénon đã nêu ra coi”, Parménide giải thích, “nghĩa là hoặc như trước hết, có đa thể, rồi hãy tìm kiếm xem những gì sẽ là hệ luận vừa đối với những cái nhiều trong quan hệ giữa chúng với nhau và trong quan hệ của chúng với cái đơn nhất, vừa đối với cái Đơn nhất trong quan hệ giữa chính nó với chính nó và trong quan hệ đối với cái nhiều; tiếp đó hoặc như không có đa thể, rồi cũng hãy cứu xét xem những gì sẽ là hệ luận vừa đối với cái Đơn nhất vừa đối với những cái nhiều hoặc trong quan hệ giữa cái Đơn nhất và cái Đơn nhất hoặc là trong quan hệ giữa cái nhiều với nhau. Bây giờ hãy lấy tính tương tự làm tỉ dụ hoặc như nó có hoặc như nó không có, thì những hệ luận sẽ như thế nào đối với giả thuyết trên và giả thuyết dưới vừa đối với những đối tượng trực tiếp của chúng vừa đối với tất cả những cái khác, hoặc trong chính chúng hoặc trong quan hệ giữa chúng với nhau. Rồi đối với tính bất tương tự, đối với im lìm và vận động, đối với sinh thành và tiêu diệt, đối với chính hữu thể và hư vô, cũng hãy giả thuyết như vậy đi. Nói tóm lại, đối với tất cả những gì mà chàng gán cho hoặc tồn tại hoặc không tồn tại hoặc bất kỳ đặc tính nào, cũng hãy cứu xét xem những hệ luận sẽ như thế nào trước hết là đối với đối tượng đã được đã được gán cho, tiếp đó là đối với những cái khác: trước hết là một cái nào đó tùy ý, sau là nhiều cái, sau cùng là tất cả. Rồi chàng cũng sẽ đặt cái khác trong quan hệ cả với chính mình cả với đối tượng mỗi lần được giả thiết, đối tượng mà chàng đã giả thiết là tồn tại hoặc không tồn tại. Như thế một khi đã hoàn toàn điêu luyện rồi, chàng sẽ tùy ý thao luyện để có khả năng chắc chắn biện biệt được sự thật.

Socrate đã nhận xét: - “Thưa Parménide tiên sinh, phương pháp ngài đề ra không phải để vận dụng, chính tôi cũng chưa lãnh hội được hoàn toàn. Tại sao ngài không thân hành thực hiện một chứng minh bằng một giả thuyết do chính ngài lựa chọn, nhờ đó có lẽ tôi sẽ hiểu ngài hơn?”

- “Socrate ơi, đó là một công trình vất vả chàng đòi hỏi đối với một người đã già cả như ta”, hình như Parménide đã than phiền như vậy.

- “Còn ngài, thưa tiên sinh Zénon, ngài có cống hiến chúng tôi được chứng minh đó không?”, hình như Socrate năn nỉ. Và hình như Zénon đã mỉm cười trả lời rằng: - “Socrate ơi, hãy yêu cầu chính Parménide đi, vì điều ông ta nói không phải chuyện dễ dàng. Công trình chàng yêu, chàng không thấy khó khăn sao? Nếu tập đoàn chúng ta đông hơn thế này thì quả không nên yêu cầu ông ta điều đó, vì thực không tiện tranh luận những vấn đề như thế trước một cử tọa đông người, nhất là như khi đã già cả. Sở dĩ người ta không bắt gặp được sự thật và cũng không nhờ đó có được trí thông minh là vì không bao giờ người ta đã dám thám hiểm vào con đường theo tất cả những chiều hướng có thể của chúng. Đó là những điều quần chúng không tài nào hiểu nổi. Vì vậy, thưa ngài Parménide tôi cũng nhất trí với lời yêu cầu của Socrate, để một lần nữa sau bao nhiêu năm trời, tôi lại có thể là một trong những thính giả của bài giảng của ngài”.

Zénon đã ngỏ lời như thế, và theo lời Antiphon, Pythodore kể lại rằng chính ông cùng với Aristote và những người khác cũng đã yêu cầu Parménide cống hiến một chứng minh về phương pháp do ông chủ xướng và đừng từ chối đặc ân đó.”

- “Vậy tôi có bổn phận phải phục tòng”, hình như Parménide đã đáp lễ, “tuy nhiên tôi vẫn e rằng trường hợp của tôi ở đây không khác trường hợp của chàng chạy đua Ibycos. Tuy là một kẻ chạy đua đã tiều tụy vì tuổi tác rồi, ông ta vẫn bị người ta cưỡng bức vào một cuộc chạy đua bằng chiến xa. Ông ta run sợ trước sự thử thách nhiều lần, đã phải chạm chán với. Tự so sánh mình với chàng, bậc thầy của chàng đã phải than phiền rằng: - “Ta cũng vậy, thực là miễn cưỡng khi từng này tuổi rồi vẫn còn nhìn thấy mình bị cưỡng bức vào con đường tình” [15]. Đến lượt tôi cũng vậy khi hồi nhớ lại câu chuyện đó, tôi cũng tự cảm thấy sợ hãi sâu xa rằng già từng tuổi này rồi mà còn phải nghĩ tới việc làm thế nào bơi qua được cả một trùng dương ngôn từ vừa cực nhọc vừa mênh mông như thế. Tuy nhiên tôi cũng sẽ cố gắng, vì tôi có bổn phận phải làm hài lòng quý vị, nhất là như Zénon đã nói, chúng ta hiện đang sống trong vòng thực thân mật. Vậy chúng ta sẽ khởi sự từ đâu và sẽ lấy cái gì làm giả thuyết đầu tiên đây? Một khi đã chấp nhận cuộc chơi đau đầu này rồi, quý vị có nhất trí để tôi thân hành bắt đầu và bằng chính giả thuyết của tôi không, nghĩa là một khi đã giả định về cái Đơn nhất tự nội, hoặc là nó là Đơn nhất, hoặc là nó không là Đơn nhất thế rồi tôi sẽ cứu xét những hệ luận của chúng như thế nào?”

Hình như Socrate phát biểu: - “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí”.

Hình như Parménide đòi hỏi: - “Vậy ai sẽ đối đáp với tôi đây? Hay là người nào trẻ nhất? Chính người ấy sẽ là người ít bị đẩy tới chỗ lạc lõng vào những chuyện phức tạp vô ích và sẽ trả lời điều họ suy nghĩ một cách giản đơn nhất. Đồng thời những câu trả lời của người ấy cũng sẽ cho phép tôi đôi khi được nghỉ xả hơi một chút”.

- “Thưa tiên sinh Parménide, tôi đây sẵn sàng đóng vai đó”, hình như Aristote ân cần đáp, “vì chính khi chỉ định người nào trẻ tuổi nhất, ngài hẳn đã ngụ ý tôi rồi. Vậy xin ngài cứ chất vấn, tôi xin đối đáp”.

(còn nữa)

Lê Tôn Nghiêm dịch

Nguồn: Platon. Oeuvres complètes. Traduction nouvelle et notes par Léon Robin. Gallimard. 1950. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện

[1]
Danh xưng gán cho những thành viên của một hội đồng chính trị thiểu số do những người Spartiates áp đặt trên những người Athéniens, sau khi đại tướng Lysandre đã chiếm đóng đô thị của họ. Hội đồng này đã khét tiếng là một chế độ chuyên chính kỳ quái và đã bị Thrasybule trục xuất. Critias và Théramène là những thành viên nổi tiếng nhất (chú thích của người dịch – Lê Tôn Nghiêm).



[2]Tức là nếu có nhiều sự vật khác nhau và khác nhau muôn vẻ chứ không phải chỉ duy nhất có cái một; đó là vấn đề muôn thuở của triết học duy tâm thường được gọi là vấn đề cái một và cái nhiều, ở đây chúng tôi dịch là cái Đơn nhất và cái đa tạp (chú thích của người dịch - Lê Tôn Nghiêm).


[3]Không có nhiều sự vật khác nhau, mà chỉ có một, ngoài ra không có gì khác (chú thích của người dịch - Lê Tôn Nghiêm).


[4] Học thuyết của Parménide thường được gọi là chủ thuyết Éléatisme thì chủ trương rằng: toàn thể vạn vật tuy phức tạp nhưng chung qui chỉ là một. Cùng một chủ trương đó đã được Zénon trình bày lại, nhưng dưới một hình thức tranh biện (éristique) theo đó, không có vạn vật đa tạp. Suy cho cùng cả hai hình thức đó đã cấu kết nên một khối đặc kiên cố mà ở đây Platon muốn phân tán. Vì vậy ở đây Socrate mới bắt đầu bằng cách áp đảo Zénon phải thú nhận rằng: trong trường phái Élée, vai trò của ông chỉ là vai trò thứ yếu và tác phẩm của ông chỉ là một tác phẩm nhất thời.


[5]Đây là hình thức lý thuyết thuần túy của Platon. Trái lại học thuyết Platon do Aristote trình bày và phê phán sau này (trong Métaph. 990a 34 – 991 a8 và 1978b 32 – 1079 b10) sẽ loại trừ ra khỏi thế giới những ý tưởng, tất cả những gì gọi là những tính phủ định, những tính khiếm khuyết, những tính quan hệ, những sự vật giả tạo và cả những gì trong đó có cái đi trước và cái đến sau (Xem L. Robin. La Theorie platonicienne des Idées et des Nombres d’après Aristote, p. 121-198). Hơn nữa, học thuyết Platon trung dung và học thuyết Platon mới sẽ còn loại trừ thêm khỏi thế giới những ý tưởng, những sự vật dơ bẩn hay đối nghịch với bản tính tự nhiên (như tóc, bùn, v.v…).

[6] Đây là lời tuyên bố chống lại mọi chủ trương loại trừ hay hạn chế nào bất cứ, đối với thế giới những ý tưởng. Nói khác, ở đây Platon muốn chủ trương phải chấp nhận cho bất cứ sự vật gì tốt đẹp hay xấu xí đều có một hình thức tự nội, biệt lập, không loại trừ sự vật nào cả (chú thích của người dịch – Lê Tôn Nghiêm).


[7] Cùng một lập luận và cùng một phát biểu nơi Aristote (Métaph. 1039 a 33 – b2). Nếu sinh vật là một chủng loại một và đồng tính trong phân loại người và trong phân loại vật “thì làm thế nào cái Đơn nhất (kiểu như một chủng loại cũng là một và đồng tính như vậy) lại có thể là một (khi nó hiện diện) trong những sự vật tách biệt được, và cái gì sẽ có thể ngăn cản được rằng chủng loại sinh vật đó cũng có thể tách biệt được với chính nó nữa?”.


[8]tức là trên nhiều đơn vị khác nhau (chú thích của người dịch – Lê Tôn Nghiêm).

[9]Cả Platon cả những triết gia Pythagoriciens “đều đã từ chối không nghiên cứu xem sự thông dự hay sự rập khuôn đó hệ tại cái gì” (Aristote, Métaph, 987b13).


[10] Trên đây là một hình thức của luận chứng về đệ tam nhân “Người ta còn trình bày luận chứng (về đệ tam nhân nữa) như sau: nếu điều được khẳng định về nhiều sự vật đồng thời lại tách biệt với chính những sự vật tách biệt ấy và tự nó tồn tại được thì sẽ có, bên ngoài con người tách biệt với những cá thể mà tách biệt với hình thức. Và cũng sẽ có một con người thứ tư, rồi một con người thứ năm và cứ như vậy đến vô hạn” (Alexandre, in Métaph. 990n15 p. 83, Haydruck).

[11] Cùng một hình thức sẽ vừa là nguyên nhân vừa là hình ảnh” (Aristote, Métaph. 991a31).

[12] Hãy so sánh với ý niệm “công phu vất vả”, “con đường dài dòng” của đối thoại République 549b, Phedre 273-24.

[13] Ở đây Platon chỉ áp dụng lý thuyết riêng về quan niệm của ông thôi; đối chiếu République 438c “Nhận thức tự nội là nhận thức về đối tượng tự nội nghĩa là mỗi khoa học nhất định là khoa học về một đối tượng nhất định”.


[14]Quyển Topiques của Aristote (101 a, 34-36; 163a, 36-163b, 16) sẽ khuyến khích phương pháp này vừa như một thao luyện biện chứng vừa như công cụ cho công trình nghiên cứu khoa học. Giữa quyển Topiques và quyển Parménide ở đây, còn thấy hơn cả một “sự tương tự” như Alexandre đã ghi nhận (In Topic., p.20, Wallies), nhiều khi trái lại còn thấy cả những lối hành văn song song giống hệt nhau nữa, như H. Maier đã nhấn mạnh (Die Syllogistik des Aristoteles. II, 2, p. 51, n. 1).


[15]Theo Croiset (hist. de la littér, grec. II, p. 334) sau đây là bản dịch của tản văn của Ihycos (frgt 2 de Bergk) được Platon trích dẫn ở đây: “bằng con mắt đen nháy, một lần nữa, Eros lại phóng một cái nhìn ẩm ướt và hàng ngàn cạm bẫy tìm cách đẩy tôi vào những mắt lưới chi chít không thể trốn thoát được của Krypris; nhưng khi bước tới gần đó, tôi đã run sợ không khác gì chàng chạy đua, ngày xưa đã từng chiến thắng trong những cuộc đấu bằng chiến xa, nhưng ngày nay về già rồi chỉ còn miễn cưỡng tham gia cái nghề phải thi đua chạy chiến xa mau lẹ”.
 
KINH ĐIỂN TRIẾT HỌC-PARMÉNIDE-[Phần 2]-PLATON


PARMÉNIDE
[Phần 2]

PLATON



Giả thuyết thứ nhất: Nếu cái đơn nhất là đơn độc [1]

Hình dạng và vị trí

Hình như Parménide đã nói tiếp: - “Vậy chúng ta hãy khởi sự: nếu là đơn độc, thì cái Đơn nhất không thể là có nhiều được phải không?”

- “Làm sao có nhiều được?”

- “Vậy thì nó sẽ không thể có những thành phần cũng không thể là một toàn diện được?”

- “Tại sao vậy?’

- “Tại vì thành phần thì phải là thành phần của một toàn diện”.

- “Đương nhiên”.

- “Và toàn diện há không phải là một cái gì trong đó không thể thiếu một thành phần nào không?”

- “Nhất định”.

- “Vậy nếu được gán cho các thành phần thì cái Đơn nhất sẽ có tính phức hợp cả về hai mặt, phải không?”

- “Tất nhiên”.

- “Vậy, về cả hai mặt đó cái Đơn nhất sẽ là nhiều chứ không còn phải đơn độc nữa”.

- “Đúng thế”.

- “Nhưng theo luận cương thì nó không thể là nhiều được mà phải là đơn độc”.

- “Đó là luận cương”.

- “Vậy nếu cái Đơn nhất là đơn độc, thì nó sẽ không thể là toàn diện, nó cũng sẽ không thể có những thành phần được”.

- “Đương nhiên”.

- “Vậy nó không thể có những thành phần, thì nó sẽ không có khởi đầu, cũng không có tận cùng, không có khoảng cách giữa được vì những phân biệt như vậy sẽ làm cho nó có những thành phần”.

- “Đúng thế”.

- “Mà nói tận cùng hay khởi đầu là nói giới hạn”.

- “Dĩ nhiên”.

- “Vậy cái Đơn nhất sẽ là không giới hạn sao, nếu có không có khởi đầu cũng không có tận cùng”.

- “Không giới hạn”.

- “Vậy nó cũng sẽ không có hình dáng, vì nó không tham dự vào cái tròn hay cái thẳng”.

- “Tại sao?”

- “Vì chỉ là hình tròn cái gì mà những chu vi của nó ở đâu đâu cũng cách quãng đồng đều với trung tâm”.

- “Phải”.

- “Và chỉ là thẳng cái gì mà trung tâm của nó làm bình phong cả hai đầu”.

- “Dĩ nhiên”.

- “Vậy cái Đơn nhất sẽ có những thành phần, và đa tính, nếu nó tham gia một hình dáng, hoặc thẳng hoặc tròn”.

- “Đương nhiên”.

- “Vậy nó sẽ không là thẳng cũng không là tròn, vì nó không hề có những thành phần”.

- “Đúng vậy”.

- “Nhưng nếu là thế, nó sẽ không ở đâu cả, vì nó không thể tồn tại trong cái gì khác nó cũng không tồn tại trong nó”. [2]

- “Thế sao?”

- “Một khi tồn tại trong cái gì khác với mình được, nó sẽ bị bao quanh vòng tròn do cái gì trong đó nó tồn tại, và, cũng cùng với cái khác đó, thông qua nhiều cứ điểm, nó sẽ có rất nhiều va chạm với cái khác đó. Nhưng cái gì đơn độc và đơn giản và không tham dự gì với vòng tròn cả thì cũng không thể có nhiều đụng chạm ở chu vi như vậy được”.

- “Dĩ nhiên”.

- “Ngược lại, một khi chỉ tồn tại trong chính mình, thì nó cũng sẽ bị bao bọc, nhưng không bị bao bọc bởi một cái gì khác hơn là bởi chính mình, vì nó chỉ tồn tại trong chính mình mà thôi, vì tồn tại trong một cái gì đó mà không bị bao bọc là điều không thể”.

- “Dĩ nhiên là không thể”.

- “Vậy cái bao bọc cái khác, cái bị bao bọc thì khác, vì không phải bằng chỉnh thể của nó mà nó sẽ có được đồng thời hai khả năng vừa là cái bao bọc, vừa là cái bị bao bọc. Như thế cái Đơn nhất sẽ không còn là đơn độc nữa mà là hai mất rồi”.

- “Phải, nó sẽ không còn là đơn độc nữa rồi”.

- “Vậy cái Đơn nhất không còn tồn tại ở đâu cả, không trong chính bản thân nó, cũng không trong cái gì ngoài bản thân nó”.

- “Không ở đâu cả”.

Vận động và im lìm

- “Theo những điều kiện đó hãy cứu xét xem nó có thể là im lìm không hay nó là vận động”.

- “Tại sao nó lại không thể như thế?”

- “Vì rằng vận động mà nó có sẽ là sự chuyển dịch hay là sự đổi khác. Ngoài hai loại vận động đó không còn loại vận động nào khác”.

- “Đúng vậy”.

- “Mà nếu có tự thay đổi trong bản thân nó được, thì cái Đơn nhất không còn thể là đơn độc được nữa”.

- “Đúng, nó sẽ không thể”.

- “Vậy nó không thể còn vận động đổi khác”.

- “Hình như không”.

- “Nó sẽ có chuyển dịch không?”

- “Có lẽ”.

- “Sự dịch chuyển đó của cái Đơn nhất sẽ là hoặc quay tròn tại chỗ hoặc di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác”.

- “Tất nhiên”.

- “Sự quay tròn của nó có nhất thiết căn cứ trên một trung tâm không và nó sẽ có phần còn lại của những thành phần của nó, bị động chung quanh trung tâm đó không? Nhưng cái gì không thể có trung tâm hay những thành phần, có bao giờ có cách gì cho nó được di chuyển vòng quanh trên một trung tâm không?”

- “Không có cách gì cả”.

- “Vậy một khi thay đổi chỗ được, nó có dời đến chỗ này, rồi khi thì dời đến chỗ kia được và như là nó vận động, phải không?”

- “Tất nhiên như thế”.

- “Nhưng chúng ta đã không thấy sao: nó không thể tồn tại trong bất cứ cái gì được cả”.

- “Thấy chứ”.

- “Có phải nó nó càng không thể vươn tới đó được không?”

- “Tôi không hiểu tại sao?”

- “Vươn tới cái gì có phải tất yếu là chưa có đó bao lâu người ta vẫn còn đang vươn tới đó, nhưng không phải hoàn toàn, tồn tại ở ngoài, nếu ở đây xét thấy rằng người ta còn đang vươn tới đó, không?”

- “Tất yếu”.

- “Trái lại, nếu một cái gì đó có thể như thế được [3] thì chỉ như thế được nếu nó có những thành phần, tiếp đó một thành phần của nó sẽ đã ở bên trong, còn thành phần kia thì ở bên ngoài. Ngược lại cái gì không hề có thành phần thì tưởng tượng rằng bất cứ bằng cách nào nó cũng không thể, với cái chỉnh thể bất phân của nó, tồn tại bên trong hay bên ngoài của một sự vật nào đó.”

- “Đúng thế”.

- “Còn về cái gì không phải một tập hợp những thành phần, cũng không phải một toàn diện, có phải nó càng không thể hiểu nhiều hơn nữa, vươn tới ở đâu đó, trong khi nó không thể vươn tới đó hoặc bằng những thành phần hoặc bằng trọn cả khối không?”

- “Hình như không thể”.

- “Vậy nó có chuyển dịch nhờ đó nó được chuyên chở tới một mục đích hay được đẩy tới một đích điểm, cũng không phải sự quay tròn tại chỗ, cũng không có đổi khác”.

- “Hình như không”.

- “Vậy cái Đơn nhất không bị động bởi một loại vận động nào cả sao?”

- “Không bằng một loại nào cả”.

- “Tuy nhiên như ta đã nói, tồn tại trong bất cứ cái gì là điều không thể đối với nó”.

- “Quả như ta đã nói”.

- “Vậy nó cũng sẽ không bao giờ ở cùng một chỗ”.

- “Tại sao vậy”.

- “Vì rằng chính vì sự kiện nó có thể ở cùng một chỗ mà nó sẽ chính là cái đó”.

- “Tuyệt đối chính xác”.

- “Mà luận cương lúc ban đầu của chúng ta đã giả thiết rằng nó không thể tồn tại trong bản thân nó cũng không thể tồn tại trong một cái gì khác nó”.

- “Quả thực nó không thể”.

- “Vậy cái Đơn nhất không bao giờ tồn tại ở cùng một vị trí”.

- “Hình như không bao giờ cả”.

- “Nhưng cái gì không bao giờ ở cùng một vị trí, thì không có im lìm cũng không có bất động”.

- “Phải, nó không thể”.

- “Vậy hình như cái Đơn nhất không là bất động cũng không là vận động được”.

- “Xem ra kết luận là tất yếu”.

Đồng tính và khác biệt

- “Nó cũng sẽ không đồng tính với cái khác mình cũng không đồng tính với cả mình, cũng sẽ không khác biệt với chính mình cũng không khác biệt với cái gì khác mình”.

- “Tại sao như vậy được?”

- “Vì khác biệt với chính mình, nó sẽ khác với cái đơn độc và do đó nó không còn đơn độc nữa”.

- “Đúng thế”.

- “Vì đồng tính với cái khác cái đơn độc và khác với chính mình nó sẽ là cái khác đó, chứ không còn phải chính mình nữa; như thế, theo cách thức đó, có lẽ nó sẽ không còn là đơn độc như nó là nữa, mà là khác với đơn độc”.

- “Quả thế”.

- “Vậy nó sẽ không đồng tính với cái gì khác hơn là chỉ đồng tính với chính mình và chính nó sẽ không khác với chính mình”.

- “Dĩ nhiên không”.

- “Nhưng khác với một cái gì khác, nó sẽ không thể, bao lâu nó là đơn độc; vì rằng cái gì đơn độc không thể khác biệt; vì sự khác biệt thì đòi hỏi những đơn vị khác biệt và không tồn tại ở chỗ nào khác ngoài chính mình được”.

- “Ngài có lý”.

- “Vậy không phải vì là đơn độc mà nó sẽ là khác biệt. Chàng có ý kiến gì khác không?”

- “Dĩ nhiên không”.

- “Nhưng nếu không phải vì vậy mà nó khác biệt, thì cũng sẽ không phải vì nó mà nó khác biệt; nếu không phải vì nó mà nó khác biệt thì chính nó cũng không bao giờ khác biệt. Vậy nếu chính nó không bao giờ khác biệt được thì nó cũng sẽ không khác biệt với một cái gì cả”.

- “Chính xác”.

- “Nó cũng không đồng tính với chính nó”.

- “Tại sao lại không?”

- “Vì cái Đơn nhất và cái đồng tính không hề là cùng một bản chất”.

- “Tại sao vậy?”

- “Tại vì trở thành đồng tính với cái gì không phải trở thành một”.

- “Xin ngài giải thích”.

- “Trở thành đồng tính với nhiều cái tất nhiên là trở thành nhiều cái rồi chứ không phải trở thành một”.

- Đúng thế”.

- “Nhưng nếu cái Đơn nhất vài cái đồng tính không khác nhau gì cả, thì có lẽ trở thành đơn nhất sẽ luôn luôn là trở thành đồng tính và có lẽ trở thành đồng tính sẽ luôn luôn là trở thành đơn nhất”.

- “Hoàn toàn đúng”.

- “Vậy, đối với cái Đơn nhất, là đồng tính với chính mình sẽ không phải trở thành một với chính mình; nếu thế, chính nó là đơn độc sẽ không còn đơn độc nữa [4]. Nhưng chắc chắn đó là điều không thể; nên không thể rằng cái Đơn nhất vừa khác biệt với một cái khác vừa đồng tính với chính mình”.

- “Chắc chắn không thể”.

- “Như vậy cái Đơn nhất sẽ không khác biệt cũng không đồng tính với chính mình hay với cái khác mình”.

- “Chắc chắn không”.

Tính tương tự và tính bất tương tự

- “Đàng khác, nó cũng sẽ không tương tự hay bất tương tự, đối với chính mình, cũng như đối với cái khác nhau”.

- “Tại sao?”

- “Vì cái gì tương tự cũng phải bao hàm một đồng tính nào chứ”.

- “Phải”.

- “Nhưng chúng ta đã thấy rằng bản chất của cái đồng tính thì phân biệt với bản chất của cái Đơn nhất”.

- “Chúng ta đã thấy rồi”.

- “Nhưng cho rằng một khi cái Đơn nhất được ghép thêm một tính chất nào phân biệt với chính tính đơn nhất của nó, thì vì chính sự ghép thêm đó, nó sẽ trở thành một cái gì thêm cho cái đơn nhất, thì đó là điều không thể”.

- “Vậy không có cách gì theo đó cái Đơn nhất đã được làm cho đồng tính với cái khác cũng như với chính mình sao?”

- “Hình như không còn cách nào”.

- “Vậy nó không thể tương tự với cái khác nó cũng không thể tương tự với nó”.

- “Hình như không”.

- “Nhưng cái Đơn nhất không thể được phép là khác biệt; vì như vậy nó sẽ được phép là nhiều hơn một”.

- “Quả vậy nó sẽ có thể nhiều hơn một”.

- “Nhưng một khi cái gì tiếp thu cái đồng tính mà là tương tự thì cái gì tiếp thu sự khác biệt với chính mình hay với cái khác mình, cái đó sẽ bất tương tự với chính mình hay với một cái khác”.

- “Chính xác”.

- “Vậy nếu như cái Đơn nhất, thoát ly được mọi khác biệt, thì không cách gì nó lại bất tương tự với chính mình hay với cái gì khác được”.

- “Không cách gì”.

- “Vậy cái Đơn nhất sẽ không tương tự cũng không bất tương tự, với cái khác mình hay cả với mình”.

- “Hình như vậy”.

Tính ngang bằng và tính bất ngang bằng

- “Vì lý do ấy, nó cũng sẽ không ngang bằng cũng sẽ không bất ngang bằng với chính mình hay với cái khác mình”.

- “Tại sao?”

- “Vì ngang bằng, nó sẽ có cùng những kích thước như cái mà nó ngang bằng với”.

- “Vâng”.

- “Lớn hơn hay nhỏ hơn, nếu so sánh với những kích thước mà nó được đo lường với, nó sẽ có những kích thước nhiều hơn những cái yếu ớt hơn nó, và có những kích thước ít hơn những cái mạnh mẽ hơn nó”.

- “Vâng”.

- “Tùy theo những kích thước mà nó được đo lường với, thì ở đấy nó sẽ mang những kích thước nhỏ bé hơn, ở kia nó sẽ mang những kích thước to lớn hơn”.

- “Dĩ nhiên”.

- “Đối với cái không hề tham gia vào cái đồng tính thì không thể là đồng tính hoặc trong những kích thước của nó hoặc trong bất kỳ cái gì khác, phải không?”

- “Hoàn toàn không thể”.

- “Vậy thì nó sẽ không ngang bằng với chính mình hay với cái khác mình, vì không bao giờ nó sẽ có cùng kích thước”.

- “Hình như phải kết luận như thế”.

- “Hãy giả định cho nó những kích thước to lớn hay nhỏ bé hơn: theo đó, nó có bao nhiêu kích thước, nó sẽ có bấy nhiên thành phần. Do đó nó cũng sẽ thôi không còn là đơn độc nữa và sẽ được nhân gấp lên bấy nhiêu lần, tùy theo những kích thước nó sẽ có”.

- “Chính xác”.

- “Nếu chỉ có một kích thước, thì có lẽ nó trở thành ngang bằng với kích thước đó. Nhưng như đã chứng minh, nó không thể ngang bằng với một cái gì cả.”

- “Quả thực, đã được chứng minh.”

- “Như vậy, nó không có chân trong một kích thước; một cách tuyệt đối, nó sẽ bị loại ra khỏi mọi tham dự vào cái đồng tính. Vậy nó không bao giờ ngang bằng với chính mình hay với cái gì khác.”

- “Kết luận như thế hoàn toàn đúng”.

Thời gian

- “Sao? Già hơn, trẻ hơn, ngang bằng về tuổi tác, có phải đó là những quan hệ có thể gán cho cái Đơn nhất không?”

- “Tại sao lại không thể?”

- “Có lẽ vì bằng tuổi với chính mình hay với cái khác, có nghĩa là tham dự vào tính ngang bằng và tính tương tự theo quan hệ thời gian. Nhưng như đã nói, cái Đơn nhất bị loại trừ khỏi mọi tham dự vào hoặc tính tương tự hoặc tính ngang bằng.

- “Đúng, chúng ta đã nói thế”.

- “Và hơn nữa, nó cũng không tham dự vào tính tương tự hay tính ngang bằng , điều đó chúng ta cũng đã nói.”

- “Hoàn toàn đúng.”

- Thế thì trong những điều kiện đó làm thế nào nó sẽ có thể lớn hơn, nhỏ hơn, hay bằng tuổi với bất kỳ cái gì được?”

- “Không thể bằng cách nào cả.”

- Như vậy, dù có so sánh nó với chính mình hay với những cái khác, cái Đơn nhất sẽ không già hơn, không trẻ hơn, cũng không bằng tuổi.”

- “Hiển nhiên.”

- “Nhưng có phải bằng những phủ định đó mà cái Đơn nhất bị loại khỏi chính thời gian không? Tồn tại trong thời gian có phải tất nhiên luôn luôn trở thành già hơn chính mình không?”

- “Tất nhiên chứ.”

- “Nhưng già hơn luôn luôn đối nghịch với trẻ hơn không?”

- “Thưa thế nào ạ”.

- “Vậy trở thành già hơn chính mình là lần lần trở thành trẻ hơn mình, nếu đã chấp nhận phải có một cứ điểm so sánh theo đó người ta trở thành già hơn”.

- “Ngài muốn nói gì ạ?”

- “Điều này: không cái gì có thể trở thành khác biệt với cái gì đã là khác biệt; nhưng đối với cái gì đang khác biệt, nó đang khác biệt; với cái gì đã khác biệt, nó đã khác biệt; với cái gì sẽ khác biệt, nó sẽ khác biệt. Đối với một đơn vị nào đang trở thành khác biệt, không thể một đơn vị khác đã có thể hay sẽ có thể hay đang có thể là khác biệt được; nó chỉ đang trở thành hay, một cách tuyệt đối, nó không trở thành thế thôi”[5].

- “Hoàn toàn tất yếu”.

- “Nhưng già hơn là một khác biệt đối với trẻ hơn chứ không đối với một cái gì khác”.

- “Quả thế”.

- “Vậy thì cái gì trở thành già hơn chính mình phải đồng thời và tất yếu trở thành trẻ hơn chính mình”.

- “Hình như vậy”.

- “Nhưng cũng không hề trở thành một tổng số thời gian lớn hơn hay ít hơn mình: mà chỉ bằng cùng một tổng số thời gian mà nó mới có thể trở thành, là, đã là, sẽ là”.

- “Cả ở đây nữa, câu kết luận cũng không tránh khỏi”.

- “Thế thì cả kết luận sau đây nữa hình như cũng không tránh khỏi tức là tất cả những gì tồn tại trong thời gian, tất cả những gì thông dự vào thời gian trong mỗi trường hợp đều có cùng một tuổi như chính mình và đồng thời trở thành vừa già hơn vừa trẻ hơn chính mình”.

- “Rất có thể như thế”.

- “Nhưng cái Đơn nhất đã không bao giờ tham dự vào những trạng thái loại đó cả”.

- “Quả thực không bao giờ”.

- “Vậy thì nó cũng không thông dự vào thời gian; nó cũng không ở trong một thời gian”.

- “Chắc chắn không; ít ra đó mới là điều luận chứng muốn chứng minh”.

Tồn tại vì mình và tồn tại vì cái khác

- “Nhưng sao? ‘Đã là’, ‘đã đã là’, ‘đã trở thành’ há không biểu lộ sự tham dự vào thời gian xưa kia đã là sao?”

- “Nhất định có”.

- “Chúng ta hãy tiếp tục: ‘sẽ là’, ‘sẽ trở thành’, ‘sẽ đã trở thành’ há không báo hiệu thời gian sắp tới hay sao?”

- “Có chứ”.

- “’Là’, ‘đang trở thành’ há không biểu thị hiện tại hay sao?”

- “Hiển nhiên”.

- “Vậy nếu cái Đơn nhất không tham dự vào một thời gian nào cả, thì có phải rằng: trong quá khứ nó đã đã không là, đã không trở thành, đã không là, không? Và cả hiện tại, nó đã không trở thành, không trở thành hay không là, không?

- “Thực không gì chí lý hơn”.

- “Vậy ngoài những cách thái nêu trên ra, còn những cách thái tham dự nào khác vào tồn tại không?”

- “Không hề có”.

- “Vậy thì cái Đơn nhất không tồn tại bằng một cách nào cả sao?”

- “Hình như vậy”.

- “Vậy nó cũng không đủ tồn tại để có thể tồn tại là đơn độc nữa, vì nếu thế, nó sẽ có thể là và sẽ có thể có chân trong tồn tại. Trái lại, hình như rõ ràng cái Đơn nhất không đơn độc và cũng không tồn tại, nếu có thể tin tưởng vào lối lập luận đó”.

- “Tôi hơi e ngại”.

- “Vậy cái gì không tồn tại, có thể chính vì nó không tồn tại như vậy mà lại có thể có một cái gì thuộc về nó hay của nó không?”

- “Làm sao có thể được?”

- “Vậy thì không có một danh xưng nào thuộc về nó; ở đó cũng không có định nghĩa, không có kiến thức, không có cảm giác, không có thường kiến”.

- “Hình như vậy”.

- “Vậy cũng không có ai để gọi tên nó, để phát biểu nó, để phỏng đoán nó hay để truy nhận nó; cũng không có một ai để có cảm giác về nó”.

- “Không một ai”.

- “Vậy đối với cái Đơn nhất có thể như thế được không?”

- “Theo tôi thì không thể”.

(còn nữa)

Lê Tôn Nghiêm dịch

Nguồn : Lê Tôn Nghiêm dịch từ: Platon. Oeuvres complètes. Traduction nouvelle et notes par Léon Robin. Gallimard. 1950. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.

[1]
Nghĩa là nếu chỉ duy có cái một, ngoài ra không có cái gì khác nữa, như chủ trương của “trường phái Élée: toàn thể vạn vật tuy phức tạp nhưng chung quy cũng chỉ là một–(chú thích của Lê Tôn Nghiêm).

[2] Đọc trong Sextus (Adv. Math. VII 69 et 70), trình bày về lập luận của Gorgias, một trình bày lại trùng hợp với bản đúc kết do quyển De Melisso, Xenophane, Gorgia (997b, 20-25). Nếu tồn tại là vĩnh cửu thì nó không có khởi đầu; vậy thì nó là vô hạn; vậy thì nó không ở đâu cả. “Nếu nó ở đâu đó, nó sẽ tồn tại là cái gì khác với nó: như vậy, một khi bị bao bọc bởi cái gì khác, nó sẽ không còn là vô hạn, vì cái bao bọc thì đương nhiên lớn hơn cái bị bao bọc. Nhưng nó cũng sẽ không bị bao bọc bởi chính nó, nếu không phải cái bao bọc cũng như cái bị bao bọc và tồn tại sẽ thành hai: nơi chốn và tồn tại”. Lập luận này đã do Platon chuyển hóa và sửa đổi. Gorgias, cũng như Melissos (frgt. 2, Diels, Vorsokr. II, 186), đã từ tính vĩnh cửu của tồn tại mà kết luận rằng: nó có tính vô hạn về không gian. Platon thì tránh kết luận luẩn quẩn đó vì rằng cái Đơn nhất của ông không có những thành phần, nên nó cũng không có những giới hạn và hình dáng và, do đó, mà không tồn tại ở đâu cả. (Đó mới là vô hạn thực sự về không gian, - chú thích của Lê Tôn Nghiêm).

[3] Tức là đang vươn tới, đồng thời đang tồn tại ở đó rồi – (chú thích của người dịch – Lê Tôn Nghiêm).

[4] Từ nguyên lý: đồng tính không phải độc tính, người ta rút ra hệ luận: “vậy, là đồng tính, thì không phải là đơn độc” (être identique, c’est ne pas être un). Theo đó, kết luận sẽ trở thành ngụy biện như người ta đã cố tình tìm kiếm cho được trong đó, tức là đối với cái Đơn nhất, là đồng tính với chính mình là thôi không còn đơn độc nữa. Kết luận ngụy biện với giả thuyết đang bàn ở đây.

[5] Quyển Républiques đã đề cử ra những quy luật về quan hệ đó: lớn hơn tất yếu song song với nhỏ hơn; lớn hơn nhiều song song với nhỏ hơn nhiều; cái gì đã lớn hơn song song với cái gì đã nhỏ hơn; cái gì sẽ lớn hơn song song với cái gì sẽ nhỏ hơn (438 b-c)
 
KINH ĐIỂN TRIẾT HỌC-PARMÉNIDE-[Phần 3]-PLATON

PARMÉNIDE
[phần 3]
PLATON


Giả thuyết thứ hai: Nếu cái Đơn nhất tồn tại

- “Vậy ngài có muốn trở về chính khởi đầu giả thuyết, để cứu xét xem một kiểm tra mới có mang lại những hệ luận mới không?”[1].

- “Ta sẽ rất sẵn sàng. Vậy chúng ta hãy giả định rằng cái Đơn nhất (có chân trong) tồn tại và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận bất kỳ thế nào những hệ luận kết quả từ đó đối với cái Đơn nhất, chàng có đồng ý không?”

- “Có”.

- “Vậy xin hãy chăm chú: ta khởi sự lại. Nếu cái Đơn nhất mà tồn tại thì có thể rằng nó tồn tại mà lại không tham dự gì cả vào tồn tại không?”

- “Điều đó không thể được”.

Lưỡng tính tăng gấp vô hạn của cái Đơn nhất tồn tại

- “Vậy tồn tại sẽ là tồn tại của cái Đơn nhất mà không là đồng tính với cái Đơn nhất: nếu không tồn tại sẽ không là tồn tại của cái Đơn nhất và chính nó tức cái Đơn nhất sẽ không là cái có chân trong tồn tại được. Như vậy, có hai phát biểu theo đó: cái Đơn nhất tồn tại và cái Đơn nhất đơn độc, cả hai có lẽ sẽ đồng tính với nhau. Nhưng trong giả thuyết hiện thời không phải là: nếu Đơn nhất là đơn độc thì những hệ luận sẽ ra sao nữa; mà chính là: nếu Đơn nhất tồn tại. Chàng đã hiểu chưa?”

- “Thưa hiểu”.

- “Vậy động từ “tồn tại” có nghĩa một cái gì khác với cái Đơn nhất sao?”

- “Tất nhiên”.
- “Cái gì khác mà nó biểu thị đó có nghĩa là cái Đơn nhất tham dự vào tồn tại không? Và đó có phải là điều người ta muốn nói lên trong phát biểu rút gọn là: cái Đơn nhất tồn tại, không?”

- “Hoàn toàn đúng”.

- “Vậy chúng ta hãy trở về với giả thuyết: nếu cái Đơn nhất tồn tại thì những hệ luận của nó sẽ ra sao? Hãy nghĩ xem một giả thuyết phát biểu như vậy có đương nhiên muốn nói rằng: một cái Đơn nhất như vậy phải có những thành phần không?”

- “Thế nghĩa là gì?”

- “Xin giải thích: động từ “tồn tại” ở đây chỉ thị về tình trạng của cái Đơn nhất, còn cái Đơn nhất chỉ thị chủ thể của tình trạng đó. Nhưng tồn tại và cái Đơn nhất không đồng tính với nhau, chỉ có chủ thể của chúng là đồng tính, tức là, “cái Đơn nhất (là) cái tồn tại”, điều mà giả thuyết của chúng ta đã nêu ra. Ở đó tất nhiên có một khối là: cái Đơn nhất tồn tại; rồi có cái Đơn nhất và cái tồn tại trở thành những thành phần của khối đó không?”

- “Tất nhiên”.

- “Nhưng mỗi một trong những thành phần đó, chúng ta có gọi đồng đều là thành phần cả không hay cái gì là thành phần sẽ phải được gọi là thành phần của một toàn diện”.

- “Thành phần của một toàn diện”.

- “Vậy cái gì là Đơn nhất thì đúng là một toàn diện và có những thành phần, phải không?”

- “Phải”.

- “Vậy thì mỗi một trong những thành phần đó của cái Đơn nhất tồn tại tức là cái Đơn nhất và tồn tại có khiếm khuyết gì không? Nghĩa là cái Đơn nhất có khiếm khuyết đối với thành phần bên tồn tại không và tồn tại có khiếm khuyết đối với thành phần bên cái Đơn nhất không?”

- “Không thể”.

- “Như vậy, cả hai thành phần, mội bên đều bao hàm cả cái Đơn nhất cả cái tồn tại; mỗi thành phần đi tới chỗ tự kết cấu ít ra bằng hai thành phần; và cùng một lý do lại tự lập lại một cách vô hạn định, tất cả những gì vừa tự cấu thành thành phần lại mỗi lần thai nghén ra lưỡng tính của những thành phần; vì cái Đơn nhất luôn luôn thai nghén tồn tại và tồn tại luôn luôn thai nghén cái Đơn nhất; đến nỗi một cách tất định, cả hai cùng tự sản sinh ra lẫn nhau một cách vô hạn, mà không bao giờ có thể là đơn độc được”.

- “Hoàn toàn chính xác”.

- “Vậy cái Đơn nhất sẽ là đa tính vô hạn sao?”

- “Phải nghĩ như vậy”.

Sản sinh ra số nhiều

- “Đây là một quan điểm khác cần nghiên cứu”.

- “Quan điểm nào?”

- “Chúng ta nói rằng cái Đơn nhất thông dự vào tồn tại và rằng, do đó, nó tồn tại, phải không?”

- “Phải”.

- “Và cũng vì vậy mà cái Đơn nhất tồn tại mới xuất hiện với ta đa tạp, phải không?”

- “Cũng phải nữa”.

- “Bây giờ, cái Đơn nhất tự nội, cái Đơn nhất mà ta bảo rằng nó có chân trong tồn tại, ta hãy giả thuyết nó được quan niệm bởi duy có tư tưởng, như là tự nội và có mình nó độc lập, không lệ thuộc cái gì ta gọi là thông dự nữa. Thế thì cái Đơn nhất tự nội đó có xuất hiện chỉ là đơn tính thôi hay sẽ là đa tính?”

- “Theo tôi là đơn tính”.

- “Vậy thì, tồn tại của nó là một cái khác và bản thân tự nội của nó lại là một cái khác, vì cái Đơn nhất không hề là tồn tại mà chỉ là cái Đơn nhất, một cái theo tư cách đó đã được nói là có chân trong tồn tại”.

- “Phân biệt đó là điều không thể tránh được”.

- “Vậy nếu tồn tại là khác, rồi cái Đơn nhất là khác thì không phải sự đơn nhất của nó làm cho cái Đơn nhất khác với tồn tại; cũng không phải thực tại của tồn tại của nó là cái làm cho tồn tại khác với cái Đơn nhất; mà là cái khác biệt và cái khác làm cho chúng khác nhau”.

- “Rất chắc chắn”.

- “Như vậy cái khác biệt không đồng tính với cái Đơn nhất cũng không đồng tính với tồn tại”.

- “Nhưng nó sẽ không đồng tính như thế nào?”

- “Bây giờ ta định nghĩa rằng chúng ta đã tùy ý chiết tính trong đó hoặc cái tồn tại và cái khác biệt hoặc cái Đơn nhất và cái khác biệt [2]. Mỗi nhóm được chọn để tập họp lại như thế có kết cấu thành điều một cách hợp lý được gọi là từng cặp đôi không?”

- “Thưa ngài muốn nói gì ạ?”

- “Muốn nói: có thể nói: (tồn tại)?”

- “Có”.

- “Rồi lập tức nói “đơn nhất” không?”

- “Có nữa”.

- “Như vậy có phải đã phát biểu về mỗi cái trong chúng không?”

- “Phải”.

- “Nhưng nói “tồn tại” và “đơn nhất” có phải phát biểu cặp đôi của chúng không?”

- “Hoàn toàn phải”.

- “Không khác gì khi ta nói “tồn tại” và “khác biệt” hay “khác biệt” và “đơn nhất, thì bằng mỗi phát biểu có phải cũng là phát biểu cặp đôi không?”

- “Phải”.

- “Điều người ta đã có quyền gọi là cặp đôi có thể kết cấu thành một cặp đôi mà không kết cấu thành hai được không?”

- “Không thể được”.

- “Nhưng ở đâu có hai, có cách nào làm cho mỗi đơn vị đó không là một được không?”

- “Không có cách nào”.

- “Vậy trong những cái ta gọi là những cặp đôi, mỗi cái, vì là đơn vị của lưỡng tính, sẽ là một.”

- “Hiển nhiên”.

- “Nếu mỗi cái trong hai là một, thì một cái nào đó trong chúng được cộng thêm vào một cái gì khác trong những cách ghép đôi đó có tạo nên một khối gọi là ba không?”

- “Có”.

- “Nhưng ba thì lẻ còn hai thì chẵn, phải không?”

- “Tất nhiên”.

- “Vậy một khi có hai, có tất nhiên có hai lần không và một khi có ba có tất nhiên có ba lần không, vì hai là hai lần một, và ba là ba lần một, phải không”

- “Tất nhiên”.

- “Một khi giả định “hai” và “hai lần” thì có tất nhiên là hai lần hay không? Và ba với ba lần có tất nhiên sẽ là ba lần ba không?”

- “Tất nhiên”.

- “Vậy một khi có ba và hai lần, rồi hai và ba lần, thì tất yếu sẽ có hai lần ba và ba lần ba không?”

- “Rất tất yếu”.

- “Vậy sẽ có những số chẵn một cách chẵn và những số lẻ một cách lẻ, những số chẵn một cách lẻ và những số lẻ một cách chẵn”.

- “Chắc chắn”.

- “Nếu thế, có thể quan niệm rằng còn một số nhiều có thể không tồn tại được không?”

- “Không thể quan niệm được”.

- “Vậy một khi có một tất nhiên sẽ có nhiều”.

- “Tất nhiên”.

- “Rồi có số nhiều thì sẽ nhiều nữa, nhân gấp vô hạn những sự vật, vì không thể phủ nhận rằng có một con số tự sản sinh ra như thế lại không thể là số nhân vô hạn và không thông dự trong tồn tại, phải không?”

- “Chắc hẳn nó có thông dự trong đó”.

- “Vậy nếu toàn bộ của số nhiều thông dự vào tồn tại, thì với thành phần của số nhiều có thông dự vào đó không?”

- “Chắc hẳn có”.

Sự tăng gấp vô hạn của cái Đơn nhất tự nội

- “Vậy đối với tất cả mọi sự vật dù nhiều gấp bao nhiêu, cũng đã được thông dự vào tồn tại và không có gì thiếu tồn tại cả, cả cái nhỏ hơn cả cái lớn hơn, phải không? Đàng khác, đặt vấn đề có phi lý không và chàng nghĩ có cách gì mà thiếu tồn tại trong một cái gì tồn tại không?”

- “Không thể có”.

- “Vậy nó sẽ tự phân nhỏ ra tới cùng, thành cái hết sức nhỏ, thành cái hết sức lớn, thành rất nhiều hình thức có thể tưởng tượng được. Sự tự phân nhỏ của nó vượt ra ngoài mọi giới hạn. Những thành phần của tồn tại là cả một vô số hạn.”

- “Thực sự nó là như vậy”.

- “Vậy thì những thành phần của nó là những gì đông đảo nhất”.

- “Dĩ nhiên là những gì đông đảo nhất”.

- “Vậy thì có một thành phần nào đó là mảnh nhỏ của tồn tại mà lại “không là một” mảnh nhỏ không?”

- “Nếu thế làm sao nó sẽ có thể là “thành phần” được?”

- “Theo ta hoàn toàn ngược lại, một khi nó tồn tại và suốt trong thời gian nó tồn tại một cách tất yếu mỗi mảnh nhỏ luôn luôn là “cái một nào đó” của tồn tại; nên nó không thể “không là một” được”.

- “Tất nhiên”.

- “Vậy, cái Đơn nhất gắn liền với mỗi thành phần đơn biệt của tồn tại: nó không thiếu một cái nào cả, cho cái nhỏ hơn hay cho cái lớn hơn hay cho bất kỳ cái nào cũng thế”.

- “Chắc thế”.

- “Vậy phải chăng một khi là đơn nhất, nó sẽ tồn tại trọn vẹn đồng thời hiện diện nhiều nơi phải không? Hãy suy nghĩ điểm đó một chút”.

- “Tôi suy nghĩ và tôi thấy rằng không thể”.

- “Nếu nó không ở đó trọn vẹn, vậy ở đó nó bị phân tán nhỏ; vì có mặt đồng thời trong tất cả mọi mảnh nhỏ của tồn tại, nó chỉ có thể như thế được bằng cách tự phân tán nhỏ”.

- “Đúng thế”.

- “Nhưng cái gì tự phân tán nhỏ thì tất yếu tự nhân gấp lên từng ấy lần tùy theo số những mảnh nhỏ đã được phân tán”.

- “Tất yếu”.

- “Vậy chúng ta đã lầm khi nói lúc nãy rằng những thành phần trong đó tồn tại tự phân tán đã là những gì có nhiều vô số kể. Vì sự phân tán của nó không hề vượt khỏi sự phân tán của cái Đơn nhất; trái lại hình như nó hoàn toàn ngang bằng với cái Đơn nhất. Vì cả tồn tại cũng không chịu thua cái Đơn nhất, cả hai cái Đơn nhất cũng không chịu thua tồn tại: mà chúng kết cấu thành cặp đôi và tự ngang bằng với nhau về mọi phương diện và trong mọi thời gian”.[3]

- “Chúng hoàn toàn có vẻ như thế”.

- “Vậy chính cái Đơn nhất tùy theo mỗi mảnh nhỏ được tồn tại phân tán, nó cũng chính là đa tính và số nhân gấp vô hạn”.

- “Hình như vậy”.
- “Vậy không phải chỉ có cái Đơn nhất tồn tại mới có tính số nhân gấp; trái lại, chính cái Đơn nhất tự nội do tồn tại phân bố, do đó cũng thiết yếu là đa tính”.

- “Hoàn toàn chính xác”.

Những giới hạn và những hình thù
- “Tuy nhiên những thành phần chỉ là những thành phần của một toàn bộ, và với tư cách toàn bộ đó, cái Đơn nhất sẽ bị giới hạn, vì rằng cái toàn bộ bao bọc những thành phần, đó là điều rõ rệt được chấp nhận rồi?”

- “Cố nhiên”.

- “Nhưng cái gì bao bọc thì cái đó là giới hạn cho cái khác”.

- “Không chối cãi được”.
- “Vậy có thể nói rằng cái Đơn nhất tồn tại sẽ là đơn nhất và đa tính, hữu hạn và vô hạn về số lượng”.

- “Hình như vậy”.

- “Vì bị giới hạn, nó sẽ có những cực biên không?”

- “Dĩ nhiên”.

- “Với tư cách toàn bộ nó cũng sẽ có khởi đầu, khoảng giữa và tận cùng không? Hay chàng có quan điểm được một toàn bộ không có ba phân biệt trên không? Và nếu có một cái nào trong chúng mà khiếm khuyết trong nó thì còn gọi nó là toàn bộ được không?”

- “Nó sẽ không chịu như thế”.

- “Vậy hình như cái Đơn nhất sẽ có khởi đầu, tận cùng và khoảng giữa”.

- “Chắc thế”.

- “Nhưng khoảng giữa thì phải ở khoảng cách đồng đều nhau giữa hai cực biên, nếu không nó sẽ không còn là khoảng giữa nữa”.

- “Quả thế”.

- “Hình như vì lý do đó cái Đơn nhất thông dự vào một hình thù hoặc hình thẳng, hoặc hình tròn, hay một hình hỗn hợp nào”.

- “Phải công nhận thế”.

Kết nạp trong mình và kết nạp trong cái khác

- “Vì lý do đó, nó sẽ tồn tại trong mình và trong cái khác với mình được không?”

- “Nghĩa là thế nào?”

- “Có thể nói, mỗi một thành phần thì ở trong toàn bộ; không một thành phần ở ngoài toàn bộ được”.

- “Không một thành phần nào”.

- “Nhưng tất cả những thành phần đều được bao bọc bởi toàn bộ sao?”

- “Vâng”.

- “Nhưng cái Đơn nhất là toàn bộ gồm những thành phần của nó; nó không ít hơn hay có nhiều hơn tổng số của nó”.

- “Quả nhiên”.

- “Nhưng chính cái toàn bộ có phải cũng chính là cái Đơn nhất không?”

- “Làm sao nghĩ khác được?”

- “Như vậy toàn bộ những thành phần được chứa đựng trong toàn thể, và toàn bộ này lại chính là cái Đơn nhất theo cùng một tư cách như chính toàn thể vậy, và toàn bộ này được bao bọc bởi toàn thể. Bởi vậy chính cái Đơn nhất là cái sinh đẻ ra cái Đơn nhất và vì vậy đã được chấp nhận rằng cái Đơn nhất là tự nội”.

- “Hình như vậy”.

- “Đàng khác, xét theo tư cách đó, cái toàn bộ không hề tồn tại trong những thành phần; nó không tồn tại trong tất cả, cũng không tồn tại trong một thành phần nào đó [4]. Vì tồn tại trong tất cả thì bó buộc phải tồn tại trong một cái; vì giả như trong một nó đã không tồn tại thì tất nhiên nó sẽ không thể tồn tại trong tất cả được. Nhưng cái một mà một thành phần đó là được tính trong toàn bộ, nếu cái toàn bộ không có đó thì thế nào nó sẽ có thể còn trong toàn thể được?”

- “Không thể được bằng cách nào cả”.

- “Nó cũng không tồn tại trong một ít thành phần nào đó được nghĩa là cái toàn bộ ở trong một số thành phần, cái nhiều hơn sẽ ở trong cái ít hơn, đó là điều không thể”.

- “Phải, không thể”.

- “Vì rằng cái toàn bộ không ở trong nhiều cái, cũng không trong một cái, cũng không ở trong toàn bộ những thành phần, thì tất yếu nó có phải ở trong một cái khác với mình nếu không nó sẽ không ở đâu cả, không?”

- “Tất yếu”.

- “Nhưng không ở đâu cả có phải nó sẽ không là gì cả không và vì nó là toàn bộ mà lại không hề ở trong chính mình, thì tất yếu nó có ở trong một cái khác với mình không?”

- “Rất chắc thế”.

- “Vậy với tư cách là toàn bộ, cái Đơn nhất ở trong cái khác với chính mình; nhưng với tư cách là toàn thể gồm những thành phần, nó ở trong mình. Nên tất nhiên cái Đơn nhất ở trong chính mình và ở trong cái khác với mình.”

Vận động và bất động

- “Nếu có bản chất như vậy, tất yếu cái Đơn nhất có vừa vận động vừa bất động không?”

- “Vì lý do gì?”

- “Có thể nói một khi nó ở trong nó thì nó là bất động; vì chỗ đứng của nó chỉ là một, nên nó không thay đổi chỗ đứng và do đó nó đứng im một chỗ, nghĩa là trong chính mình”.

- “Đúng thế”.

- “Nhưng cái gì luôn luôn đứng trong cùng một vị trí thì chắc chắn nó chỉ có thể là bất động trường cửu”.

- “Hoàn toàn đúng”.

- “Vậy còn, cái gì luôn luôn ở trong cái khác thì có vì một tất yếu ngược lại, nó sẽ không thể ở trong cùng một cái bao giờ cả không? Rồi vì không bao giờ ở trong cùng một cái, nó cũng sẽ không bất động nữa. Rồi vì không bất động, nó có sẽ vận động không?”

- “Chắc thế”.

- “Vậy không thể tránh khỏi rằng cái Đơn nhất, vì trường cửu là tự nội, trường cửu là ở trong cái khác, nên trường cửu nó là bất động và là vận động”.

- “Hình như vậy”.

Đồng tính và khác biệt (chứng minh bằng khai trừ)

- “Hơn nữa, nó sẽ còn phải đồng tính với chính mình và khác biệt với chính mình, cũng còn phải đồng tính với những cái khác và khác biệt với những cái khác, một khi phải chấp nhận những quan hệ ta vừa nói ở trên”.

- “Thế nào nhỉ?”

- “Có thể nói đó là quan hệ giữa toàn thể và toàn thể, nghĩa là nó đồng tính hay là khác biệt; hoặc là, ở đâu không có khác biệt cũng không có đồng tính, thì mới có quan hệ giữa toàn thể và thành phần hay giữa thành phần và toàn thể”.

- “Hình như vậy”.

- “Vậy cái Đơn nhất có là thành phần của chính mình không?”

- “Không hoàn toàn”.

- “Nếu vậy đối với chính nó, nó cũng sẽ không có quan hệ giữa toàn diện và thành phần được hay giữa ngã toàn thể và ngã thành phần được”.

- “Vâng nó không thể có được”.

- “Vậy có phải cái Đơn nhất đã khác cái một rồi không?”

- “Chắc là không”.

- “Vậy nếu đối với chính mình, nó không là khác biệt, không là toàn thể, không là thành phần, thì vì vậy có bó buộc nó phải đồng tính với chính mình không?”

- “Chắc có”.

- “Nhưng cái gì ở nơi khác mà không ở trong chính bản thân mình, đang khi chính bản thân này vẫn tồn tại vững chãi trong mình, bằng sự kiện ở nơi khác đó, nó có khác với chính mình không?”

- “Theo tôi thì có”.

- “Nhưng với chúng ta cái Đơn nhất cũng đã xuất hiện như thế, tức là ở trong mình đồng thời ở trong cái khác mình”.

- “Chính xác”.

- “Vậy do đó hình như cái Đơn nhất sẽ khác biệt với chính mình”.

- “Hình như vậy”.

- “Vậy thì khác với bất kỳ cái gì có giả định rằng cái đó phải khác biệt để người ta khác biệt với không?”

- “Tất nhiên”.

- “Vậy tất cả những gì không phải đơn nhất thì khác với cái Đơn nhất, và cái Đơn nhất thì khác với những cái đơn nhất, phải không?”

- “Không thể chối cãi được”.

- “Vậy cái Đơn nhất sẽ khác biệt với những cái khác”.

- “Nó sẽ khác biệt”.

- “Coi này: xét theo bản thân nó, cái đồng tính, và cái khác biệt có đối nghịch lẫn nhau không?”

- “Không còn nghi ngờ gì cả”.

- “Cái đồng tính có chấp nhận đứng trong cái khác biệt không và cái khác biệt có chấp nhận đứng trong cái đồng tính không?”

- “Chúng không hề muốn thế”.

- “Nếu không bao giờ cái khác biệt có thể ở trong cái đồng tính được, thì không có một sự vật nào trong đó cái khác biệt có thể tồn tại một giây phút nào. Mặc dầu thời gian nó ở trong một sự vật nào đó có ngắn ngủi mấy đi nữa, thì toàn thời gian đó, cái khác biệt không ở trong cái gì khác ngoài cái đồng tính cả. Có đúng thế không?”

- “Rất đúng”.

- “Vậy vì không bao giờ nó ở trong cái đồng tính, cái khác biệt cũng sẽ không bao giờ ở trong một cái gì tồn tại cả”.

- “Đúng thế”.

- “Vậy cái khác biệt sẽ không ở trong những cái không đơn nhất cũng sẽ không ở trong cái Đơn nhất”.

- “Dĩ nhiên không”.

- “Vậy không phải bằng cái khác biệt mà cái Đơn nhất sẽ khác biệt với những cái không-đơn nhất hay những cái không-đơn nhất khác biệt với cái Đơn nhất”.

- “Chính thế”.

- “Nhưng cũng không phải bằng chính bản thân chúng mà chúng sẽ có sự khác biệt lẫn nhau, vì chúng không hề thông dự vào cái khác biệt”.

- “Ai dám chủ trương như vậy”.

- “Nếu không bằng chính bản thân chúng cũng không bằng cái khác biệt chúng khác biệt, thì như thế chúng có thể thoát ly được mọi khác biệt hỗ tương một cách tuyệt đối không?”

- “Chúng thoát ly thực sự”.

- “Nhưng những cái không-đơn nhất cũng không thông dự vào cái Đơn nhất; nếu không như thế chúng sẽ không là những không-đơn nhất, trái lại chúng sẽ có thể là đơn nhất một cách nào đó”.

- “Đúng thế”.

- “Nhưng như chúng ta đã nói, ở đâu không có quan hệ hỗ tương giữa thành phần và toàn bộ, giữa toàn bộ và thành phần hay không có sự khác biệt, thì ở đó có đồng tính”.[5]

- “Chính đó là điều chúng ta đã nói”.

- “Vậy có nên khẳng định rằng vì không có với những cái không-đơn nhất một quan hệ nào trong những quan hệ đó, cái Đơn nhất là đồng tính với chúng hay sao?”

- “Phải khẳng định như thế”.

- “Vậy thì hình như cái Đơn nhất khác biệt với những cái khác và với mình và đồng thời cũng đồng tính với chúng và với mình”.

- “Theo như lý luận thì câu kết luận hầu như phải thế”.

Tính tương tự và tính bất tương tự

- “Nó cũng sẽ vừa tương tự vừa bất tương tự với tính bản thân và với những cái khác sao?”

- “Có lẽ”.

- “Vì rằng nó đã tỏ ra khác biệt với những cái Khác, thì có thể nói những cái Khác cũng sẽ khác biệt với nó không?”

- “Sao không?”

- “Có phải nó khác biệt với những cái Khác như thế nào thì những cái Khác cũng khác biệt với nó như thế, không hơn không kém, phải không?”

- “Phải, và sau đó thì sao?”

- “Không hơn không kém, vậy thì một cách tương tự như nhau”.

- “Vâng”.

- “Vậy thì một cách tương tự, nó khác với những cái Khác và những cái Khác khác với nó; đó là một đồng tính mà cái Đơn nhất chấp nhận trong quan hệ đối với những cái Khác và những cái Khác chấp nhận trong quan hệ đối với cái Đơn nhất”.

- “Thưa ngài muốn nói gì ạ?”

- “Điều này, có phải cho mỗi đối tượng mà chàng thường gán cho mỗi tên hay không?”

- “Phải, theo tôi nghĩ”.

- “Thế nào, duy một và cùng một tên, chàng có thể lập đi lập lại nhiều lần hay chỉ gọi nó lên có một lần mà thôi?”

- “Tôi tưởng rằng”.

- “Chàng có nghĩ rằng khi gọi tên đó có một lần thì nó chỉ đúng với đối tượng của tên nó, còn gọi tên đó lên nhiều lần thì khi nói lên cùng một tên đó một hay nhiều lần thì có tất yếu luôn luôn chỉ thị cùng một đối tượng không?”

- “Nghĩa là thế nào?”

- “Thế thì khác biệt không phải một cái tên gán cho một đối tượng hay sao?”

- “Phải, hoàn toàn chắc chắn”.

- “Vậy khi chàng đọc tên đó lên một hay nhiều lần, không cần biết chàng áp dụng tên đó cho cái gì, nhưng cái gì được chàng chỉ thị bằng tên đó không thể là gì khác hơn là đối tượng mà chính tên đó nói lên”.

- “Tất nhiên”.

- “Như vậy khi chúng ta nói những cái Khác khác biệt với cái Đơn nhất và cái Đơn nhất khác biệt với những cái Khác, hai lần phát biểu lên cái khác đó không nhằm kết quả là chuyển tên đó vào một bản chất mới; cả hai lần nó chỉ thị chính bản chất riêng biệt mà từ nguyên thủy cái tên đó đã được ghép cho”.

- “Thật là chính xác”.

- “Vậy thì chính vì cái Đơn nhất khác biệt với những cái Khác và những cái Khác khác biệt với cái Đơn nhất, mà chính sự kiện của sự khác biệt đó in trên cái Đơn nhất không phải một tính chất khác, mà là cùng một tính chất như in trên những cái Khác. Nhưng cái gì có cùng một tính chất một cách nào đó thì tương tự với nhau, phải không?”

- “Chính thế”.

- “Vậy chính trong sự kiện đó và do chính sự kiện đó tức là sự kiện được cấu tạo thành khác khác biệt với những cái Khác, cái Đơn nhất sẽ tương tự những cái Khác một cách trọn vẹn trong tính trọn vẹn của chúng; vì trong tính trọn vẹn của nó, nó khác biệt những cái Khác trong tính trọn vẹn của chúng”.

- “Có thể có thực như vậy”.

- “Đàng khác, với tư cách là tương tự, cái tương tự lại đối nghịch với cái bất tương tự”.

- “Phải”.

- “Vậy cái khác biệt thì đối nghịch với cái đồng tính”.

- “Cũng phải”.

- “Nhưng trong diễn dịch trước đây, chúng ta đã thấy rằng cái Đơn nhất đồng tính với những cái Khác”.

- “Chính xác”.

- “Là đồng tính với những cái Khác là khác biệt với những cái Khác, đó là những tính chất đối nghịch nhau”.

- “Hoàn toàn đúng”.

- “Nhưng với tư cách là khác biệt, cái Đơn nhất đã xuất hiện với chúng ta là tương tự”.

- “Phải”.

- “Vậy, với tư cách là đồng tính, nó sẽ là bất tương tự, bằng chính tác dụng của tính chất đối nghịch với tính chất nào đã làm cho nó trở thành tương tự. Vì ta nghĩ rằng cái khác biệt làm cho nó trở thành tương tự, phải không?”

- “Phải”.

- “Vậy thì cái đồng tính sẽ làm cho nó trở thành bất tương tự nếu không nó sẽ không còn đối nghịch với cái khác biệt nữa”.

- “Có thể đúng”.

- “Vậy cái Đơn nhất sẽ tương tự và bất tương tự với những cái Khác; tương tự vì khác biệt, bất tương tự vì đồng tính”.

- “Chắc chắn đó là một lý do xem ra cái Đơn nhất có thể có”.

- “Nhưng nó còn thêm lý do này nữa”.

- “Thưa lý do nào ạ?”

- “Cái gì làm cho nó đồng tính thì làm cho nó không muôn vẻ, cái gì làm cho nó không muôn vẻ thì làm cho nó không bất tương tự, và, nếu không bất tương tự, thì tương tự. Cái gì làm cho nó là khác thì làm cho nó muôn vẻ, và, vì muôn vẻ mà bất tương tự.”

- “Ngài nói đúng”.

- “Như thế cái Đơn nhất vừa vì nó đồng tính với những cái Khác vừa vì nó khác biệt với những cái Khác theo cả hai quan hệ và theo mỗi quan hệ, nó sẽ tương tự và bất tương tự với những cái Khác”.

- “Hoàn toàn chính xác”.

- “Nhưng nó đã xuất hiện vừa khác biệt với mình vừa đồng tính với mình; vậy, theo cả hai quan hệ và cả mỗi quan hệ, nó sẽ tự biểu hiện vừa tương tự vừa bất tương tự với chính mình”.

- “Không thể tránh khỏi được”.

Cọ xát và không cọ xát

- “Một câu hỏi mới: hãy cứu xét về sự cọ xát và không cọ xát của cái Đơn nhất với chính mình và với những cái Khác”.

- “Tôi sẵn sàng cứu xét điều đó”.

- “Chúng ta đã thấy rằng hình như cái Đơn nhất chỉ tồn tại trong toàn thể riêng của nó”.

- “Một cách rất hợp lý”.

- “Cái Đơn nhất cũng tồn tại trong những cái Khác không?”

- “Có”.

- “Vậy tồn tại trong những cái Khác sẽ cho nó cọ xát với những cái Khác và với chính mình nó sẽ cọ xát bằng chính việc tồn tại là mình”.

- “Hình như vậy”.

- “Như vậy theo quan điểm đó, có lẽ cái Đơn nhất sẽ có cọ xát với mình và với những cái Khác”.

- “Nó sẽ có cọ xát”.

- “Nhưng theo một quan điểm khác thì sao? Đối với những gì phải cọ xát với một cái gì khác, há không bó buộc cái đó phải bị đặt đằng sau cái nó cọ xát, chiếm vị trí nào đến sau vị trí đứng của cái nó phải đụng chạm sao?”

- “Tất nhiên”.

- “Nếu vậy để cái Đơn nhất có thể đụng chạm với chính mình, thì cũng cần thiết nó phải được đặt đứng tiếp sau chính mình, nó cũng phải chiếm vị trí sát nách với vị trí đứng của chính nó”.

- “Quả là cần thiết”.

- “Vậy thì cái Đơn nhất có lẽ sẽ phải là hai để làm được điều đó và để có thể đồng thời ở hai vị trí; nhưng bao lâu nó vẫn là đơn nhất thì nó sẽ từ khước việc đó, phải không?”

- “Chắc chắn thế”.

- “Cùng một tất yếu sẽ không cho phép cái Đơn nhất vừa là hai vừa có đụng chạm với chính mình”.

- “Cùng một tất yếu”.

- “Nhưng nó cũng không có cọ xát với những cái Khác”.

- “Tại sao vậy?”

- “Tại vì như ta đã nói, cái gì phải cọ xát mà không thôi là phân biệt thì bó buộc nó phải đi kèm ngay sau cái nó phải cọ xát, mà không một đệ tam nào đứng giữa ngăn cản được hai bên”.

- “Đúng”.

- “Vậy hai bên là cái tối thiểu bó buộc có để có cọ xát”.

- “Bó buộc”.

- “Còn nếu thêm vào hai đơn vị, có một cái thứ ba lập tức đến đứng sát vào, thì sẽ có ba đơn vị, nhưng chỉ có hai cọ xát”.

- “Vâng”.

- “Như vậy, mỗi lần có một đơn vị mới thêm vào, chỉ nảy sinh một cọ xát mới và, do đó, luôn luôn những cọ xát chịu thua mất một cọ xát trên tổng số con số của những đơn vị. Nên những đơn vị đầu tiên đã vượt quá các cọ xát bằng con số thặng dư của chúng trên những cọ xát bao nhiêu, thì tổng số theo con số của một chuỗi liên tục cũng vượt quá tổng số toàn bộ của những cọ xát như thế; vì, khởi sự từ đó và trong tất cả cái chuỗi tiếp theo, cứ mỗi đơn vị được cộng thêm vào cho chuỗi con số thì lại một sự cọ xát được công thêm vào những cọ xát”.

- “Diễn dịch như thế đúng”.

- “Vậy cho dù con số các sự vật có nhiêu đi nữa, thì những cọ xát của chúng cũng luôn luôn ít hơn chúng một đơn vị”.

- “Đúng”.

- “Nhưng ở đâu chỉ có một mà không thể cả hai sự vật thì không thể có cọ xát”.

- “Rõ quá”.

- “Vậy như chúng ta đã nói, những cái Khác với cái Đơn nhất thì không thể là cái đơn nhất và cũng không hề tham dự vào nó được, vì chúng là những gì khác”.

- “Chắc chắn không”.

- “Vậy trong những cái Khác không hề có số nhiều vì trong đó không hề có cái một”.

- “Làm thế nào có được”.

- “Vậy những cái Khác không phải một cũng không phải hai và không thể được diễn tả bằng một số nhiều nào cả”.

- “Không bằng số nhiều nào cả”.

- “Vậy chỉ có cái Đơn nhất để làm cái một mà thôi, nên ở đó không có gì để làm thành hai cả”.

- “Hình như vậy”.

- “Vậy không thể có cọ xát một khi không thể có hai”.

- “Không có cọ xát”.

- “Vậy cái Đơn nhất không hề đụng chạm những cái Khác, những cái Khác cũng không hề đụng chạm cái Đơn nhất, vì ở đó không có một cọ xát nào cả”.

- “Quả thực chúng không đụng chạm gì tới nhau cả”.

- “Như vậy theo toàn bộ lý luận của chúng ta, cái Đơn nhất có cọ xát và không có cọ xát, với những cái Khác và với mình”.

- “Hình như vậy”.

Tính ngang bằng và tính bất ngang bằng

- “Hơn nữa, có thể noi nó ngang bằng và bất ngang bằng với chính mình và với những cái Khác không?”

- “Làm thế nào chứng minh điều đó”.

- “Hãy giả thiết cái Đơn nhất hoặc lớn hoặc nhỏ hơn cái Khác, hay những cái Khác hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn cái Đơn nhất. Dĩ nhiên không phải cái Đơn nhất là đơn nhất và vì những cái Khác là khác với cái Đơn nhất mà chúng sẽ lớn hơn hoặc nhỏ hơn, hoặc bên này hoặc bên kia, chính vì những bản chất đó không? Trái lại, nếu bên cạnh những bản chất mỗi bên của chúng, chúng còn có tính ngang bằng nữa, thì chúng sẽ ngang bằng với nhau, một cách hỗ tương. Nhưng nếu những cái Khác có sự to lớn, còn cái Đơn nhất có sự nhỏ bé, hoặc ngược lại, nếu cái Đơn nhất có sự to lớn, còn những cái Khác có sự nhỏ bé, thì có phải hễ có sự to lớn ở bên nào thì bên ấy to lớn hơn, còn bên có sự nhỏ bé thì bên đó nhỏ bé hơn không?

- “Tất nhiên”.

- “Vậy rõ rệt có hai hình thức là sự to lớn và sự nhỏ bé, phải không? Vì, nếu chúng không tồn tại thì chúng không thể là những đối nghịch, cũng không thể xảy ra trong cái gì tồn tại được”.

- “Làm thế nào bác khước việc đó?”

- “Vậy nếu sự nhỏ bé xảy ra trong cái Đơn nhất nó sẽ hiện diện ở đó hoặc trong toàn bộ hoặc trong một thành phần”.

- “Dĩ nhiên”.

- “Hãy giả thiết nào xảy ra trong toàn bộ, thì có thể xảy ra điều này không: hoặc là nó tự phát triển ra song song với cái Đơn nhất trong toàn thể tính của cái Đơn nhất, hoặc nó sẽ bao trùm lấy cả cái Đơn nhất không?”

- “Điều đó rất hiển nhiên”.

- “Nhưng một khi song song với cái Đơn nhất, sự nhỏ bé sẽ có ngang bằng với cái Đơn nhất không; nhưng nếu bao trùm trên nó thì sự nhỏ bé có to lớn hơn cái Đơn nhất không?”

- “Khỏi hoài nghi”.

- “Vậy có thể sự nhỏ bé có được sự to lớn ngang bằng hay cao hơn bất cứ cái gì không và có thể nó dự những chức năng của sự to lớn và sự ngang bằng thay vì những chức năng của riêng nó không?”

- “Không thể”.

- “Vậy sự nhỏ bé sẽ không tồn tại trong toàn bộ của cái Đơn nhất được; có chăng chỉ tồn tại trong một thành phần mà thôi”.

- “Dĩ nhiên”.

- “Nhưng cũng sẽ không phải trong toàn bộ của thành phần, nếu không nó cũng sẽ có cùng kết quả nó đã có đối với cái toàn bộ; trong một thành phần nào bất cứ trong đó nó xảy ra, luôn luôn nó sẽ ngang bằng nó hay lớn hơn nó”.

- “Tất nhiên”.

- “Vậy thì không bao giờ sự nhỏ bé sẽ tồn tại trong một cái gì tồn tại cả, vì nó không thể xảy ra hoặc trong thành phần hoặc trong toàn bộ được [6](26). Không có gì nhỏ bé trong đó cả, ngoại trừ sự nhỏ bé tự nội”.

- “Hình như không có gì cả”.

- “Rồi cả sự to lớn cũng không ở trong đó. Nếu không có lẽ sẽ có một “cái to lớn hơn” bên ngoài và thêm vào cho chính sự to lớn, tức là một cái gì trong đó sự to lớn có thể lấy làm chỗ cư ngụ. Và đối diện với nó, cái gì to lớn hơn kia sẽ không có cái nhỏ bé mà nó phải lớn hơn, một khi nó là cái to lớn. Nhưng nó không thể có cái nhỏ bé đó, vì không đâu có sự nhỏ bé cả”.

- “Đúng”.

- “Hơn nữa, sự to lớn tự nội không thể vượt trên một cái gì khác về to lớn cả mà chỉ có thể vượt trên sự nhỏ bé tự nội về to lớn, sự nhỏ bé tự nội không thể thua kém cái gì khác về nhỏ bé mà chỉ thua kém sự to lớn tự nội mà thôi”.

- “Quả vậy”.

- “Vậy thì những cái Khác không to lớn hơn cũng không nhỏ bé hơn cái Đơn nhất, một khi chúng không có sự to lớn cũng không có sự nhỏ bé. Rồi chính sự to lớn và sự nhỏ bé, khi chúng có khả năng hơn hay kém như thế thì không phải đối với cái Đơn nhất, mà chỉ là giữa chúng với nhau mà thôi [7]. Rồi về phía cái Đơn nhất cũng vậy, cả trong quan hệ đối với sự to lớn và sự nhỏ bé cả trong quan hệ đối với những cái Khác, nó không thể là hoặc to lớn hơn, hoặc nhỏ bé hơn, vì nó không có sự to lớn cũng không có sự nhỏ bé”.

- “Rõ rệt là không”.

- “Nhưng nếu cái Đơn nhất không to lớn cũng không nhỏ hơn những cái Khác, thì có tất nhiên rằng nó và những cái Khác kia, không có hơn cũng không có kém không?”

- “Tất nhiên”.

- “Nhưng cái gì không vượt trên cũng không bị vượt trên thì tất nhiên phải song song, và cái gì song song thì ngang bằng”.

- “Dĩ nhiên”.

- “Nhưng giữa mình với mình, cái Đơn nhất sẽ có cùng những quan hệ; vì trong bản thân nó, nó không có sự to lớn cũng không có sự nhỏ bé, nên đối với chính nó, nó cũng sẽ không có hơn hay kém; mà nó sẽ song song với chính mình và, do đó, ngang bằng với chính mình”.

- “Hoàn toàn đúng”.

- “Vậy cái Đơn nhất sẽ ngang bằng với chính mình và với những cái Khác”.

- “Hình như thế”.

- “Tuy nhiên trong bản thân và do đó đối với bản thân, nó là cái bao trùm, xét theo ngoại tại. Nhưng là cái bao trùm, nó sẽ lớn hơn mình; là cái bị bao trùm, nó sẽ nhỏ hơn mình. Như thế cái Đơn nhất sẽ vừa lớn hơn vừa nhỏ hơn mình”.

- “Đúng vậy”.

- “Còn điều này nữa có cần thiết phải đặt ra không, đó là bên ngoài cái Đơn nhất và những cái Khác không có gì cả, phải không?”
 
KINH ĐIỂN TRIẾT HỌC-PARMÉNIDE-[Phần 4]-PLATON



PARMÉNIDE
[Phần 4]
Platon


Giả thuyết thứ ba: Nếu cái Đơn nhất tồn tại và không tồn tại
(Phân tích về sự thay đổi)

- “Chúng ta hãy trình bày nghiên cứu dưới một dạng thức khác. Nếu cái Đơn nhất tồn tại, như thể những lập luận của chúng ta đã chứng minh, nghĩa là một mặt nó là đơn nhất và đa tạp, một mặt nó là không đơn nhất cũng không đa tạp, đằng khác, nó còn có chân trong thời gian, thì có phải vì nó là Đơn nhất mà tất yếu đối với nó phải không tồn tại thì phải có một khoảnh khắc theo đó nó có chân trong tồn tại và vì nó không tồn tại thì phải có một khoảnh khắc theo đó nó không thông dự gì vào tồn tại cả, phải không?”
- “Phải, tất nhiên”.
- “Vậy thì đối với nó sẽ có thể rằng khi nó thông dự thì không thông dự, hoặc rằng khi nó không thông dự thì lại thông dự được không?”
- “Không thể được”.
- “Vậy thì thời gian theo đó nó thông dự lại khác: đó là cách thức duy nhất theo đó nó có thể thông dự và không thông dự vào cùng một thực tại”.
- “Ngài có lý”.
- “Vậy thì còn có một thời gian trong đó nó có chân trong tồn tại và một thời gian trong đó nó lại từ biệt nó không? Vì rằng làm thế nào có thể có một khoảnh khắc theo đó nó sở hữu, rồi một khoảnh khắc theo đó nó không sở hữu, nếu cùng có một khoảnh khắc theo đó nó tiếp thu hay từ khước?”
- “Điều đó không thể được”.
- “Có chân trong tồn tại có phải điều chàng gọi là sinh ra không?”
- “Thưa phải”.
- “Và từ biệt tồn tại có phải là tiêu vong không?”
- “Chính thế”.
- “Vậy vì từ biệt tồn tại và tiếp thu tồn tại, cái Đơn nhất mới sinh ra và tiêu vong, phải không?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy một khi đơn nhất và đa tạp, sinh ra và tiêu vong được, có phải sự sinh ra của nó như Đơn nhất không phải sự tiêu vong của nó như Đơn nhất, không phải sự tiêu vong của nó như đa tạp và sự sinh ra của nó như đa tạp, không phải sự tiêu vong của nó như Đơn nhất, không?”
- “Nhất định”.
- “Nhưng đối với nó, trở thành đơn nhất và đa tạp có phải tất yếu là sự ly gián và tự hòa hợp không?”
- “Thưa phải”.
- “Và trở thành tương tự và bất tương tự, có phải tự đồng hóa và tự bất đồng hóa không?”
- “Thưa phải”.
- “Trở thành to lớn hơn, nhỏ bé hơn, ngang bằng với, có phải mọc lên, héo đi, tự đặt mình ngang hàng không?”
- “Dĩ nhiên”.
- “Nhưng vì vận động là tự bất động; vì tự bất động là chuyển sang vận động; dĩ nhiên nó chỉ có thể làm điều đó vào lúc nó không tồn tại trong một thời gian nào cả?”
- “Thưa ngài muốn nói gì ạ?”
- “Trước hết bất động, rồi sau đó tự vận động; trước hết vận động, rồi sau đó nằm im, nó chỉ có thể tiếp thu những trạng thái khác nhau đó bằng sự thay đổi mà thôi”.
- “Hiển nhiên”.
- “Dĩ nhiên không bao giờ có một thời gian trong đó cùng một sự vật có thể đồng thời không bị động mà cũng không bất động được.”
- “Hẳn nhiên không”.
- “Nhưng ngay trong khi thay đổi, nó không thể làm như thế mà không thay đổi”.
- “Nó có thể thực như vậy”.
- “Vậy khi nào nó thay đổi? Vì không phải nó thay đổi khi nó bất động hay vận động”.
- “Quả thế”.
- “Vậy có phải trong sự việc kỳ dị này mới nói được rằng nó thay đổi không?”
- “Điều kỳ dị đó là gì ạ?”
- “Là khoảnh khắc. Thực thế, hình như đây là ý nghĩa của khoảnh khắc, tức là khởi điểm của của hai sự thay đổi nghịch chiều nhau. Vì không hề bao giờ từ sự bất động còn bất động mà phôi thai ra sự thay đổi; cũng không hề bao giờ từ vận động còn bị động mà khởi phát lên được sự di chuyển. Đó mới chính là bản chất kỳ dị của khoảnh khắc, một bản chất vì nằm giữa vận động và bất động, bên ngoài mọi thời gian, nên nó mới đúng vừa là tận điểm vừa là khởi điểm cho sự thay đổi của động cơ di chuyển sang im lìm cũng như cho sự thay đổi của cái bất động di chuyển sang vận động”.
- “Điều đó rất có thể đúng”.
- “Như vậy, chính vì là sự bất động vừa vận động, cái Đơn nhất sẽ phải thay đổi để di chuyển từ một trạng thái này sang những trạng thái khác đó cũng như để di chuyển sang trạng thái khác vậy: vì chỉ với điều kiện đó nó mới có thể thực hiện cả hai trạng thái đó. Nhưng khi tiến hành sự thay đổi đó, thì chỉ trong khoảnh khắc mà nó thay đổi; và trong khi nó thay đổi, nó sẽ không ở trong một thời gian nào, cũng như nó không thể là vận động hay bất động được”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Vậy đối với những thay đổi khác có như vậy được không?”
- “Chắc được”.
- “Vậy đối với những thay đổi khác có như vậy không? Khi nó tiến hành sự thay đổi của nó từ tồn tại sang tiêu diệt hay từ không tồn tại sang sinh ra, nó có ở trong khoảnh khắc giữa hai trạng thái vận động và im lìm không, và trái lại, nó nó không ở trong sự kiện là tồn tại hay không tồn tại, cũng không ở trong sự kiện sinh ra hay tiêu diệt không?”
- “Ít ra điều đó cũng có thể”.
- “Vậy cùng vì lý do đó, một khi nó đang trên đường di chuyển từ cái Đơn nhất và từ cái đa tạp chuyển sang cái Đơn nhất, nó không là đơn nhất cũng không là đa tạp, nó không tự phân chia cũng không tự hòa hợp. Cũng thế, trong sự chuyển hóa của nó từ cái tương tự sang cái không tương tự tự là bất tương tự, không đồng hóa cũng không bất đồng hóa. Rồi có từ cái nhỏ bé di chuyển sang cái to lớn và cái ngang bằng hay ngược lại, trong thời gian đó, nó sẽ không là nhỏ bé cũng không là to lớn cũng không là ngang bằng cũng không là thăng tiến cũng không là suy thoái, cũng không là ngang bằng”.
- “Có thể có thực”.
- “Đó là những hệ luận mà cái Đơn nhất phải chấp nhận, nếu nó tồn tại”.
- “Không có gì phải hoài nghi cả”.

Giả thuyết thứ bốn
Nếu cái Đơn nhất tồn tại, những cái Khác sẽ ra sao?

- “Có nên tranh luận về một vấn đề khác nếu như cái Đơn nhất tồn tại thì những hệ luận nào sẽ xảy ra đối với những cái Khác”.
- “Chúng ta tranh luận nào”.
- “Vậy một khi giả thiết cái Đơn nhất tồn tại,chúng ta sẽ phải nói đến hệ luận tất yếu nào sẽ xảy ra đối với những cái Khác với cái Đơn nhất?”
- “Tôi xin sẵn sàng”.
- “Vậy chính vì chúng là những gì khác với cái Đơn nhất, nên tất nhiên chúng không phải cái Đơn nhất; nếu không không bao giờ chúng sẽ là những cái Khác với cái Đơn nhất được”.
- “Đúng”.
- “Nhưng không phải chúng hoàn toàn khiếm khuyết không có gì của Đơn nhất, trái lại chúng có tham dự phần nào trong đó”.
- “Bằng cách nào nhỉ?”
- “Ta nghĩ bằng cách này: những cái Khác sở dĩ khác với cái Đơn nhất vì chúng có những thành phần, vì nếu không có thành phần, có lẽ chúng đã là đơn nhất rồi”.
- “Ngài có lý”.
- “Nhưng theo ta, chỉ có những thành phần của cái gì là một toàn bộ”.
- “Một cách tuyệt đối, theo chúng ta”.
- “Nhưng một toàn bộ xét là toàn bộ tất nhiên là đơn tính xuất phát từ cái đa tạp, đơn tính của những gì là những thành phần; vì mỗi thành phần phải là thành phần, không phải của một đa tính mà là của một toàn bộ”.
- “Như thế nào nhỉ”.
- “Thành phần của một đa tính trong đó có lẽ nó sẽ có cấp bậc của nó, thành phần sẽ là thành phần của chính mình, đó là điều không thể, và mỗi thành phần của mỗi đơn vị cái này sau cái kia, vì nó là thành phần của tất cả. Nếu nó không là thành phần của cái Đơn nhất, nó sẽ là thành phần của tất cả những cái Khác, ngoại trừ cái Đơn nhất đó; nó sẽ không là thành phần của mỗi cái Đơn nhất tiếp theo, và vì nó không là thành phần của mỗi cái, nó sẽ không là thành phần của một cái nào trong đa tính đó cả. Một khi không là thành phần của một cái nào, thì tồn tại là cái gì đối với tất cả những đơn vị trong đó nó không là gì cả đối với một cái nào, nghĩa là hoặc thành phần là cái gì khác, đó là điều không thể đối với nó”.
- “Có lẽ đúng như vậy”.
- “Vậy không phải của đa tính, cũng như không phải của tất cả các đơn vị của nó mà thành phần là thành phần: một hình thức duy nhất nào đó, một đơn nhất nào đó mà ta gọi là toàn bộ, đơn tính hoàn chỉnh xuất phát từ toàn thể, đó là cái mà thành phần là thành phần”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
- “Vậy nếu những cái Khác có những thành phần, thì chúng cũng sẽ thông dự vào toàn bộ và vào cái Đơn nhất”.
- “Rất chính xác”.
- “Như vậy,tất yếu những cái Khác là một toàn bộ, một đơn tính hoàn chỉnh, có những thành phần”.
- “Tất nhiên”.
- “Nhưng về bất kỳ một thành phần đơn lẻ nào dù là đơn lẻ cũng phải nói như vậy; vì nó cũng sẽ tất yếu thông dự vào cái Đơn nhất. Vì nếu mỗi cái là thành phần, thì chắc chắn “là mỗi thành phần đều nói lên một cái gì của đơn nhất, rất phân biệt với cái Khác và, ngược lại, tồn tại trong tồn tại riêng tư của chúng, vì mỗi cái đều phải tồn tại”.
- “Chính xác”.
- “Nhưng để thông dự vào cái Đơn nhất, hiển nhiên nó phải khác với cái Đơn nhất; nếu không, không còn phải thông dự nữa mà là tự mình đơn nhất thôi; đang khi đó ta tưởng tượng không một cái gì ngoài cái Đơn nhất có thể là đơn nhất được”.
- “Quả là không thể”.
- “Nhưng thông dự vào cái Đơn nhất chắc chắn là một tất yếu đối với cái toàn bộ vừa đối với thành phần. Toàn bộ sẽ là toàn thể tính một, mà những thành phần sẽ là những thành phần. Còn thành phần mỗi lần nó là thành phần của một toàn bộ, sẽ là thành phần đơn nhất và cá thể của toàn bộ”.
- “Chính thế”.
- “Nhưng những thành viên thông dự vào cái Đơn nhất có sẽ khác với cái Đơn nhất trong lúc chúng thông dự vào đó không?”
- “Không thể hoài nghi được”.
- “Ta tưởng tượng, khác với cái Đơn nhất, chúng sẽ là đa tạp; vì rằng những cái Khác với cái Đơn nhất nếu không là đơn nhất cũng không là nhiều hơn đơn nhất, thì chúng sẽ không là gì cả”.
- “Chính thế”.

Giới hạn và vô giới hạn

- “Vì là những gì tham dự vào cái Đơn nhất, thành phần và là những gì tham dự vào cái Đơn nhất – toàn bộ thì chúng là những gì còn nhiều hơn cái một, vậy chúng có thiết yếu là đơn tính vô hạn, chính vì chúng có chân trong cái Đơn nhất không?”
- “Tại sao như thế được?”
- “Chúng ta hãy xem đây. Chúng có chân trong đó thật, nhưng có phải chúng không hề là một và chúng cũng không hề có chân trong cái Đơn nhất, chính vào lúc chúng có chân trong đó, không?”
- “Rất hiển nhiên”.
- “Có phải khi đó chúng là đa tính, trong đó không có mặt cái Đơn nhất không?”
- “Hiển nhiên là đa tính rồi”.
- “Vậy thì nếu bằng tư tưởng của chúng ta chiếttính từ đó ra một mẩu nhỏ nhất đi, thì cái được chiết tính đó, vì không hề thông dự vào cái Đơn nhất, sẽ thiết yếu là đa tính nữa không và không thể là cái một nữa không?”
- “Thiết yếu”.
- “Vậy nếu cân nhắc và tái cân nhắc thì cái bản chất xa lạ với hình thức vừa được chiết tính như thế, sẽ có là đa tính vô hạn theo tất cả những gì mỗi lần chúng ta nhận thức ra được không?”
- “Hoàn toàn như thế”.
- “Tuy nhiên, một khi mỗi thành phần từng cái một đã trở thành thành phần lập tức nó tự thấy mình bị giới hạn vừa bởi những thành phần khác vừa bởi cái toàn bộ; và chính cái toàn bộ này cũng bị giới hạn bởi những thành phần”.
- “Đương nhiên”.
- “Như vậy những cái Khác với cái Đơn nhất đã có cộng đồng vừa với cái Đơn nhất vừa với chúng nữa; và chính từ đó mà hình như mới nảy sinh ra một sự thặng dư kỳ dị, đó là một cái gì đem lại cho chúng sự giới hạn đối với lẫn nhau. Còn về bản chất riêng của chúng, nó chỉ mang lại cho chúng toàn những vô giới hạn mà thôi”.
- “Hình như vậy”.
- “Như thế những cái Khác với cái Đơn nhất vừa như những toàn bộ vừa như những thành phần, đều là vô hạn và là những gì thông dự vào giới hạn”.
- “Hoàn toàn đúng”.

Tương tự và bất tương tựu

- “Hơn nữa, chúng có sẽ vừa tương tự vừa bất tương tự đối với chính chúng và những cái này đối với những cái kia không?”
- “Vì lý do gì?”
- “Vì lý do chính đáng là vì tất cả chúng đều bị vô giới hạn do tính bản chất riêng của chúng, nên tất nhiên chúng bị chi phối bởi cùng một đặc tính”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Đằng khác,chính vì tất cả chúng đều thông dự vào giới hạn thì cũng chính vì vậy tất cả chúng còn bị chi phối bởi cùng một đặc tính”.
- “Chắc chắn thế rồi”.
- “Nhưng chính vì đã được kết cấu vừa là bị giới hạn, vừa là bị vô giới hạn, nên chúng mới bị chi phối bởi những đặc tính đối nghịch với nhau đến mức đó”.
- “Đương nhiên”.
- “Nhưng những cái đối nghịch thì cũng bất tương tự đến hết mức như vậy”.
- “Làm sao như thế được nhỉ?”
- “Vậy những cái Khác với cái Đơn nhất sẽ có tương tự với chính chúng và giữa chúng với nhau do sự chi phối này hay do sự chi phối kia. Do sự chi phối này hay sự chi phối kia hợp lại, trong quan hệ này hay trong quan hệ kia chúng sẽ là đối nghịch đến cực độ và bất tượng tự đến cực độ”.
- “Đó là điều đáng ngại”.
- “Nếu những cái Khác với cái Đơn nhất vừa tương tự vừa bất tương tự đối với chính chúng và đối với lẫn nhau”.
- “Phải”.
- “Và chúng cũng sẽ là bất động và vận động; và tất cả sự đối nghịch giữa những sự chi phối đó, chúng ta sẽ dễ phát hiện ra trong những cái Khác với cái Đơn nhất, vì một lý do hiển nhiên rằng chúng ta đã phát hiện ra trong chúng cùng những sự bị chi phối như nhau”.
- “Đó là lý luận rất đúng đắn”.

Giả thuyết thứ năm:
Nếu cái Đơn nhất tồn tại, một cách tiêu cực những cái Khác sẽ ra sao?

- “Vậy thôi, không triển khai những hiển nhiên đó nữa, nhưng nếu lập lại việc nghiên cứu giả thuyết của chúng ta nói rằng: cái Đơn nhất tồn tại thì những khẳng định trên đây có phải những khẳng định duy nhất có thể có, và những phủ định của chúng có thể gán ghép cho những cái Khác với cái Đơn nhất không?”
- “Chắc chắn là có thể”.
- “Vậy chúng ta hãy bắt đầu lại nói rằng: nếu cái Đơn nhất tồn tại thì những hệ luận nào sẽ do đó xuất hiện đối với những cái Khác”.
- “Xin theo lệnh của ngài”.
- “Trước hết cái Đơn nhất có tồn tại tách rời với những cái Khác và những cái Khác tồn tại tách rời với cái Đơn nhất không?”
- “Tại sao vậy?”
- “Ta nghĩ rằng vì bên ngoài chúng ra không còn cái thứ banào cả, tức là không còn một cái gì khác khác với cái Đơn nhất và khác với những cái Khác”.
- “Phải, chính đó là tất cả”.
- “Vậy thì ở đó không còn gì thêm nữa và khác chúng, ở đó chung cả cái Đơn nhất cả những cái Khác, có thể có được một chỗ đứng chung”.
- “Chắc chắn là không”.
- “Vậy cái Đơn nhất và những cái Khác và những cái Khác không bao giờ ở chung với nhau được.”
- “Hình như vậy”.
- “Vậy chúng tồn tại biệt lập nhau sao?”
- “Phải”
- “Đằng khác, theo chúng ta cái chính thực là Đơn nhất nhất thì chăng hề có những thành phần”.
- “Đương nhiên”.
- “Vậy cái Đơn nhất sẽ không tồn tại trong những cái Khác bằng toàn bộ của nó cũng không bằng những thành phần của nó vì nó tách biệt với những cái Khác và không hề có những thành phần”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vậy những cái Khác sẽ không thông dự gì cả vào cái Đơn nhất, vì chúng không thông dự gì vào đó, bằng một thành phần nào hay bằng toàn bộ của nó”.
- “Có lẽ thế”.
- “Vậy chúng không là đơn nhất theo bất cứ quan hệ nào và trong chính bản thân chúng cũng không có gì là đơn nhất cả”.
- “Dĩ nhiên không”.
- “Vậy chúng cũng không là đa tính nữa. Vì mỗi cái trong đó có thể là thành phần của toàn bộ, nếu chúng là đa tính; nhưng những cái Khác với cái Đơn nhất không là đơn nhất cũng không là nhiều cái, không là cái toàn bộ cũng không là những thành phần, vì chúng không thông dự gì cả với những cái Đơn nhất theo bất cứ quan hệ nào”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy thì chúng cũng không là và hơn nữa cũng không chứa đựng hai hay ba, vì tất cả mọi phương diện chúng đều khiếm khuyết không có cái Đơn nhất”.
- “Chắc thế”.
- “Chính những cái Khác cũng không tương tự và bất tương tự với cái Đơn nhất, và không hề chứa chấp tính tương tự và tính bất tương tự. Vì nếu là tương tự thì có thể nói rằng những cái Khác với cái Đơn nhất có thể có trong chính chúng, tính tương tự và tính bất tương tự là hai hình thức đối nghịch nhau”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng dù có dự phần vào hai dù những cái hai đó là đi nữa thì đó là một điều chủ yếu không thể đối với cái gì không hề dự phần vào cái Đơn nhất”.
- “Hoàn toàn không thể”.
- “Vậy những cái Khác không là tượng tự cũng không là bất tương tự, không là thế này hay thế kia đồng thời. Là tương tự hay bất tương tự với cái Đơn nhất, chúng sẽ không dự vào một hay hai hình thức; tương tự và bất tương tự chúng sẽ có chân trong cả hai hình thức đối nghịch nhau. Nhưng đó là điều tỏ ra không thể”.
- “Đúng”.
- “Vậy chúng không là đồng tính cũng không là dị tính, không là vận động cũng không là bất động, không là sinh ra cũng không là tiêu vong, không là lớn cũng không là nhỏ cũng không là ngang bằng và chúng không bị chi phối bởi một đặc tính nào loại đó cả, thì khi đó chúng sẽ tham dự vào một, vào hai, vào ba, vào số chẵn và vào số lẻ; một sự tham dự mà ta đã nói là không có thể đối với chúng, vì chúng khiếm khuyết không có cái Đơn nhất theo tất cả mọi quan hệ và trong tất cả mọi mức độ”.
- “Đó là điều không gì đúng hơn”.
- “Như vậy nếu cái Đơn nhất tồn tại, nếu so sánh nó với chính nó hay với những cái Khác thì cái Đơn nhất là tất cả chúng và không phải đơn nhất”.
- “Hoàn toàn chính xác”.

Giả thuyết thứ sáu:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại, những hệ luận gì sẽ xảy ra đối với nó?

- “Thôi được. Nhưng chúng ta có phải cứu xét xem những hậu quả nào sẽ xảy ra, nếu cái Đơn nhất không tồn tại không?”
- “Lẽ tất nhiên phải cứu xét”.
- “Vậy tự nó giả thuyết đó là gì, tức là nếu cái Đơn nhất không có? Nó có khác gì với một giả thuyết khác: tức là cái không Đơn nhất không có, không?”
- “Chắc chắn là có khác”.
- “Nó chỉ khác thôi sao một đằng, cái không Đơn nhất không có, một đằng cái Đơn nhất không có, đó không phải là hai phát biểu hoàn toàn đối nghịch sao?”
- “Hoàn toàn đối nghịch nhau”.
- “Nhưng hãy giả thuyết những phát biểu khác đi: nếu sự to lớn không có, nếu sự nhỏ bé không có, nếu cái gì khác như vậy không có. Ở đó chủ ý há không rõ rệt muốn nói rằng cái gì không có một cái gì mỗi lúc mỗi khác biệt hay sao?”
- “Rất rõ rệt”.
- “Vậy phát biểu đang nói tới đây: “nếu cái Đơn nhất không tồn tại” há không rõ rệt sao, nghĩa là khi nói nó không tồn tại tức là muốn hiểu đó là cái gì khác biệt với những cái Khác? Và chúng ta biết nó muốn nói gì rồi?”
- “Chúng ta biết”.
- “Vậy đó là nói tới một cái gì, trước hết là khả tri, thứ đến là khác biệt với những cái Khác, khi phát biểu về cái Đơn nhất bằng cách gán thêm cho nó hoặc tồn tại, hoặc không tồn tại; vì không phải chúng ta không biết được cả chủ thể của cái không tồn tại đó là gì, và rằng nó khác biệt với những cái Khác nữa, phải thế không?”
- “Tất nhiên”.

Nhiều cách thái thông dự

- “Vậy chính theo ý nghĩa đó mà chúng ta sẽ trình bày ngay từ đầu những điều cần công nhận trước hết cho nó là: khi nói rằng “nếu cái Đơn nhất không tồn tại” thì đương nhiên đã công nhận rằng chúng ta có thể nhận thức về nó, nếu không không ai sẽ hiểu mình muốn nói gì”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy cũng đúng nữa khi nói rằng những cái Khác biệt với nó, nếu không cũng không thể nói chúng khác biệt với những cái Khác”.
- “Chắc thế”.
- “Vậy thêm vào sự có thể nhận thức được, còn áp dụng được cho nó sự khác biệt nữa. Vì không phải về sự khác biệt của những cái Khác mà người ta nói tới khi nói rằng cái Đơn nhất khác biệt với những cái Khác: nhưng đó là về sự khác biệt của cái đó tức là của cái Đơn nhất”.
- “Hình như vậy”.
- “Hơn nữa, một cách chính xác, cái Đơn nhất không tồn tại có thông dự vào cái “của cái đó”, vào “của cái gì đó”, vào “của cái này, đối với cái này, của những cái này” định tương tự. Vì có lẽ sẽ không thể nói về cái Đơn nhất hay những cái Khác với cái Đơn nhất, có lẽ không có gì thuộc về nó hay của nó, có lẽ cũng không thể gọi nó là một cái gì được, nếu chính nó đã không có thông dự vào “một cái gì” hoặc vào tất cả những cái Khác đi trước”.
- “Đúng”.
- “Như vậy cái Đơn nhất không được phép tồn tại, chính vì nó không tồntại. Nhưng không có gì cấm đoán nó thông dự rất nhiều, trái lại, một cách bó buộc, còn cưỡng bức nó phải thông dự nhiều, một khi cái Đơn nhất không tồn tại; chính là cái Đơn nhất – chứ không phải một cái khác. Nếu không phải cái Đơn nhất đó, nếu không phải chính nó mà người ta muốn nó tồn tại, nếu là một cái gì khác mà người ta nghe nói tới, thì trong những trường hợp đó không nên phát biểu một điều gì nữa. Còn nếu là đúng cái Đơn nhất – đó chứ không phải một cái khác mà người ta giả định là không có, thì tất nhiên bó buộc nó phải thông dự vào “một cái nào đó” nhất và vào nhiều vô số những cái Khác”.
- “Dĩ nhiên nó phải thông dự rất rộng rãi”.

Tính tương tự và tính bất tương tự

- “Vậy cũng có tính bất tương tự đối với những cái Khác; vì những cái Khác chính vì khác biệt với cái Đơn nhất, chúng cũng sẽ thuộc loại khác”.
- “Phải”.
- “Thuộc loại khác có phải là muôn vẻ không?”
- “Đó là một cách để khỏi nói như thế”.
- “Và muôn vẻ có phải là bất tương tự không?”
- “Là bất tương tự, dĩ nhiên”.
- “Vậy nếu chúng bất tương tự với cái Đơn nhất thì hiển nhiên những cái bất tương tự đó sẽ bất tương tự đối với một cái bất tương tự”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vậy sẽ có sự bất tương tự nơi chính cái Đơn nhất, và để đối đáp lại sự bất tương tự của nó mà những cái Khác sẽ bất tương tự đối với nó”.
- “Có lẽ như vậy”.
- “Vậy nếu nó có sự bất tương tự với những cái Khác có phải sẽ bó buộc nó bất tương tự với chính mình không?”
- “Bó buộc như thế nào chứ?”
- “Nếu cái Đơn nhất có sự bất tương tự của cái một, thì ta nghĩ rằng đó sẽ không còn là một cái gì như cái Đơn nhất mà ta sẽ bàn cãi nữa, trái lại, đó là cái gì khác cái Đơn nhất rồi”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Nhưng nếu vậy thì không nên”.
- “Chắc chắn không nên”.
- “Vậy cần thiết cái Đơn nhất phải có sự tương tự với chính bản thân mình”.
- “Cần thiết”.

Tính ngang bằng – Tính bất ngang bằng

- “Nó cũng không ngang bằng đối với những cái Khác; vì ngay chính lúc nó là ngang bằng thì do đó nó sẽ là tương tự và hơn nữa, sẽ là tương tự với chúng chính vì sự ngang bằng đó rồi. Nhưng cả hai cái cùng không có thể, một khi cái Đơn nhất không tồn tại”.
- “Rõ là không thể”.
- “Chính vì nó không là ngang bằng với những cái Khác, thì bó buộc chính chúng cũng không ngang bằng với nó không?”
- “Có”.
- “Và vì bất ngang bằng, có phải nói chúng bất ngang bằng với một cái bất ngang bằng không?”
- “Hiển nhiên”.
- “Như thế, cái Đơn nhất còn tham dự vào tính bất ngang bằng và chính để đối đáp lại tính bất ngang bằng của nó mà những cái Khác bất ngang bằng với nó sao?”
- “Phải, nó tham dự”.
- “Nhưng quả nhiên trong tính bất ngang bằng, có sự to lớn và sự bé nhỏ”.
- “Rất quả nhiên”.
- “Vậy có sự to lớn và sự bé nhỏ trong một cái Đơn nhất như thế chăng?”
- “Nghĩ là phải có”.
- “Nhưng luôn luôn sự to lớn và sự nhỏ bé xa cách với nhau”.
- “Hoàn toàn xa cách”.
- “Vậy giữa chúng luôn luôn có một trung gian nào đó”.
- “Luôn luôn”.
- “Ngài có thể chỉ ra giữa chúng một trung gian nào khác hơn là tính ngang bằng không?”
- “Ngoài nó ra, không một trung gian nào khác”.
- “Vậy ở đâu có sự to lớn và sự nhỏ bé thì ở trung gian giữa chúng, thì ở đó cũng có tính ngang bằng”.
- “Hình như thế”.
- “Như vậy hình như cái Đơn nhất không tồn tại, có chân trong tính ngang bằng, trong sự to lớn và trong sự nhỏ bé”.
- “Hình như vậy”.

Tồn tại và không tồn tại

- “Hơn nữa,bằng một giác độ nào đó nó còn phải tham dự vào chính tồn tại nữa”.
- “Bằng giác độ nào nhỉ?”
- “Đối với nó thì phải như vậy rồi, như chúng ta đã nói. Nếu nó không như vậy thì khi nói rằng cái Đơn nhất không tồn tại là chúng ta nói không đúng. Nếu chúng ta nói đúng thì rõ rệt chúng ta nói điều có thực. Có phải như thế không?”
- “Phải lắm”.
- “Vậy vì chúng ta khẳng định rằng mình nói đúng thì cũng bó buộc chúng ta phải khẳng định rằng mình nói điều có thực”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy hình như nó là cái Đơn nhất không hiện có; vì là không tồn tại như không hiện có, một khi tự thoát ly cách nào đó từ tồn tại tới không tồn tại, thì lập tức nó là hiện có”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
- “Vậy nếu nó phải là không tồn tại, thì cần thiết nó phải có một cái gì như dây liên hệ ghìm chặt nó vào sự không tồn tại đó. Dây liên hệ đó chỉ có thể là “tồn tại như không hiện có”, không khác gì tất cả những gì tồn tại, về phía chúng, để chúng có thể tồn tại một cách đầy đủ, cũng sẽ có cái “không tồn tại như cái không hiện có”. Vì chỉ với điều kiện đó cái gì tồn tại mới có thể tồn tại một cách hoàn hảo nhất và cái gì không tồn tại cũng không tồn tại một cách hoàn hảo nhất. Chỉ bằng cách thông dự vào tồn tại của tồn tại hiện có và vào không tồn tại của tồn tại không hiện có, cái gì tồn tại mới có thể tồn tại đầy đủ được. Và cái gì không tồn tại sẽ phải thông dự vào không tồn tại của tồn tại không hiện có, nếu muốn rằng về phía nó, cái không tồn tại thực hiện sự hoàn hảo của sự không tồn tại của nó”.
- “Đó là điều không gì đúng bằng”.
- “Như vậy cái gì tồn tại có tham dự vào không tồn tại, và cái gì không tồn tại có tham dự vào tồn tại, nên chính vì nó không tồn tại, cái Đơn nhất mới tất yếu có dự phần vào tồn tại để thực hiện cái không tồn tại của nó”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy trong cái Đơn nhất, nếu nó không tồn tại. Chính tồn tại cũng xuất hiện”.
- “Phải nó xuất hiện”.
- “Nhưng cái không tồn tại cũng vậy, vì nó không tồn tại”.
- “Quá rõ rệt!”.

Vận động và bất vận động

- “Có trạng thái này hay trạng thái kia và không có trạng thái này hay không có trạng thái kia, vậy đối với cái có trạng thái như vậy có thể nào nó lại không hề thay đổi được không?”
- “Không thể nào được cả”.
- “Vậy tất cả những gì như vậy, tất cả những gì có và không có một trạng thái nào đó cả, đều biểu hiện sự thay đổi hay sao?”
- “Không thể chối cãi được”.
- “Nhưng thay đổi là vận động: còn đồng hóa nó với cái gì khác được không?”
- “Đó là vận động”.
- “Há chúng ta đã không thấy rằng cái Đơn nhất tồn tại và không tồn tại sao?”
- “Thấy chứ”.
- “Vậy rõ rệt nó tỏ ra có một trạng thái và không có một trạng thái”.
- “Rõ rệt nó tỏ ra như thế”.
- “Vậy cái Đơn nhất không tồn tại đã biểu lộ là vận động được vì nó đã tự biểu lộ đã có sự thay đổi tồn tại sang không tồn tại”.
- “Nó có đủ cơ may”.
- “Nhưng nếu nó không tồn tại ở đâu cả và không đâu thấy có nó cả, vì rằng nó không tồn tại, nó cũng không di chuyển từ này sang chỗ khác được”.
- “Làm sao có thể có được”.
- “Vậy thì không phải bằng sự di chuyển mà nó sẽ vận động”.
- “Chính thế”.
- “Nó cũng sẽ không có quay tròn cái này trong cái y nguyên; vì nó không có đụng chạm với cái y nguyên ở một điểm nào cả. Vì cái y nguyên đó là tồn tại, và cái gì không hề tồn tại sẽ không thể ở trong một cái gì cả”.
- “Quả vậy, không thể”.
- “Như thế, vì nó không hề tồn tại, cái Đơn nhất sẽ không quay tròn được trong một cái gì không tồn tại cả”.
- “Chắc chắn là không”.
- “Cũng phải nghĩ rằng cái Đơn nhất không có sự đổi khác đối với chính mình, cả cái Đơn nhất tồn tại, cả cái Đơn nhất không tồn tại. Vì nếu nó tự đổi khác được thì chúng ta sẽ không còn bàn luận gì về cái Đơn nhất nữa, mà là về một cái gì khác”.
- “Đúng”.
- “Nhưng nếu không có đổi khác, không có quay tròn tại chỗ, cũng không có di chuyển, thì còn có thể có một hình thức vận động nào không?”
- “Hình thức vận động nào bây giờ”.
- “Và cái gì không vận động thiết yếu phải đứng yên; cái gì đứng yên là bất động”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy hình như cái Đơn nhất không tồn tại thì không bất động và không vận động”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng, chính sự kiện nó vận động cũng đã bó buộc nó phải tự đổi khác rồi; vì một khi nó đã không còn trong trạng thái khác biệt thì một sự vận động đã có tự vận động một cách nào rồi”.
- “Đúng”.
- “Vậy một khi có tự động, cái Đơn nhất cũng tự đổi khác”.
- “Phải”.
- “Đằng khác, nếu nó không tự vận động một cách nào đó, nó cũng không tự đổi khác một cách nào đó được”.
- “Phải, không một cách nào được”.
- “Vậy cái Đơn nhất không tồn tại mà có tự vận động thì nó tự đổi khác; còn nếu không tự vận động thì nó cũng không tự đổi khác”.
- “Quả thế”.
- “Như vậy cái Đơn nhất không tồn tại tự đổi khác và không tự đổi khác”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng tự đổi khác há không phải tất yếu trở thành với trước kia và chết đối với trạng thái ban đầu của nó sao; và không tự đổi khác há không phải thoát ly cả trở thành cả tiêu diệt sao?”
- “Tất yếu”.
- “Vậy cái Đơn nhất không tồn tại, vì không tự đổi khác, nên có sinh ra và tự có tiêu diệt; vì nó không tự đổi khác, nên nó không sinh ra cũng không tiêu diệt. Như vậy cái Đơn nhất không tồn tại, sinh ra và tiêu diệt và không sinh ra không tiêu diệt”
- “Hoàn toàn đúng”.

Giả thuyết thứ bảy:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại,
nó không có một thuộc tính nhất định nào cả.

- “Vậy một lần nữa chúng ta hãy trở lại lúc khởi đầu để xem chúng ta sẽ gặp cùng những kết luận như hiện giờ hay những kết luận khác hẳn”.
- “Cần thiết phải xem”.
- “Vậy phát biểu của chúng ta là nếu cái Đơn nhất không tồn tại thì tất yếu sẽ xảy ra kết quả gì cho nó?”
- “Đúng thế”.
- “Khi chúng ta phát biểu cái “không tồn tại đó, có nghĩa gì khác ngoài nghĩa khiếm diện tồn tại trong điều ta nói là không tồn tại không?”
- “Không có nghĩa gì khác”.
- “Điều chúng ta nói là không tồn tại, chúng ta có nói là nó không tồn tại theo một quan hệ nào đó và tồn tại theo một quan hệ nào đó không? Hoặc phát biểu “cái không tồn tại” này có một ý nghĩa tuyệt đối dứt khoát như phát biểu sau đây không: cái gì thực sự không có thì không có bằng cách nào cả, hay theo một quan hệ nào cả, và không thông dự vào đó bằng một góc độ nào cả”.
- “Ý nghĩa của nó là một ý nghĩa tuyệt đối, dứt khoát nhất rồi”.
- “Cái gì không hề tồn tại, thì sẽ không thể tồn tại, cũng không thể thông dự vào tồn tại một cách nào được cả”.
- “Nhất định không”.
- “Sinh ra và chết đi có khác gì đi vào thông dự với tồn tại và mất đi tồn tại không?”
- “Không khác gì cả”.
- “Nhưng cái gì không dự phần nào trong đó cả thì không thể tiếp thu cũng không thể mất mát”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vì nó không tồn tại dưới bất kỳ một quan hệ nào cả, cái Đơn nhất sẽ không thể có cũng không thể thôi không có cũng không thể thông dự vào cái tồn tại bất kỳ bằng cách nào cả”.
- “Hẳn có thể có thực như vậy”.
- “Vậy cái Đơn nhất vì không tồn tại, sẽ không diệt cũng chẳng sinh, vì nó không thông dự vào tồn tại bằng cách nào cả”.
- “Hình như vậy”.
- “Vậy nó cũng không tự đổi khác ở một góc độ nào cả; vì chịu đựng một sự đổi khác thì lập tức nó sẽ có sinh và tử”.
- “Đúng vậy”.
- “Thoát ly đổi khác có tất yếu thoát ly vận động không?”
- “Tất yếu”.
- “Tuy nhiên chúng ta sẽ không khẳng định là bất động cái gì không ở đâu cả, vì cái bất động luôn luôn phải ở cùng một chỗ, nghĩa là cùng ở một chỗ nào đó”.
- “Dĩ nhiên ở cùng một chỗ, nghĩa là ở một chỗ nào đó”.
- “Như vậy ở đây chúng ta phải nói rằng cái gì không hề tồn tại thì không bất động cũng không bị động được”.
- “Dĩ nhiên nó không thể là thế này hay thế kia được”.
- “Đàng khác không cái gì thuộc tồn tại lại là của nó được; vì thông dự như thế vào một cái gì lập tức làm cho nó thông dự vào tồn tại”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vậy thì nó không có sự to lớn, không có sự nhỏ bé, không có sự ngang bằng”.
- “Dương nhiên”.
- “Nó cũng sẽ không có tính tương tự, không có tính khác biệt đối với chính mình hay đối với những cái Khác”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng có gì trong những cái Khác có thể tồn tại đối với nó được không vì không có gì phải tồn tại đối với nó cả, không?”
- “Không có gì cả”.
- “Vậy những cái Khác không tương tự, không bất tương tự, không dị tính gì cả đối với nó”.
- “Không”.
- “Vậy thì,về cái đó và đối với cái đó, một cái gì đó, cái này và về cái này, về một cái gì khác và đối với một cái Khác, mai kia và về sau này và hiện giờ, nhận thức và ý kiến và cảm giác, định nghĩa hay danh xưng, tất cả những cái đó hay bất cứ những gì không tồn tại có thể quy kết về cho cái gì không tồn tại không?”
- “Không thể nào”.
- “Như vậy cái Đơn nhất mà không tồn tại thì bất cứ dưới quan hệ nào cũng không có một thuộc tính nhất định nào cả”[1].
- “Đó chính là kết luận, nghĩa là không có một thuộc tính nhất định nào cả và cũng không dưới một quan hệ nào cả”.

Giả thuyết thứ tám:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại, những cái Khác sẽ ra sao?

- “Một lần nữa chúng ta hãy nói xem những cái Khác sẽ tiếp thu được những thuộc tính nào, nếu cái Đơn nhất không tồn tại?”
- “Tôi sẵn sàng”.
- “Trước hết, ta nghĩ rằng chúng phải là những gì khác, vì nếu chính chúng cũng không là những cái khác, thì không thể nói đến những cái Khác được”.
- “Đúng”.
- “Vậy nếu người ta nói về những cái Khác, thì những cái Khác được nói về ấy phải là khác biệt. Hay chàng sẽ áp dụng những tiếng khác và khác biệt đó cho cùng một thuộc tính?”
- “Trong tư tưởng của tôi thì chắc chắn như thế”.
- “Nhưng ta nghĩ theo chúng ta thì cái khác biệt là cái khác biệt với một cái hác biệt, và cái khác, khác với một cái khác, phải không?”
- “Phải”.
- “Vậy những cái Khác nêu đã có mệnh lệnh cho chúng phải là khác, thì chính chúng sẽ có cái gì mà đối với nó chúng sẽ là khác”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy cái gì sẽ đúng là cái đó sao? Chắc chắn không phải cái Đơn nhất là cái gì đối với chúng nó sẽ là khác, vì nó không hề là tồn tại”.
- “Tất nhiên không”.
- “Vậy chỉ đối với lẫn nhau mà chúng là khác; đó là cơ sở duy nhất còn lại cho chúng, nếu không chúng không là gì khác với gì cả”.
- “Đúng”.
- “Vậy thì chúng là khác đối với lẫn nhau từ đa số đến đa số, vì tồn tại là đơn nhất đối với đơn nhất là không thể đối chúng, vì không có cái Đơn nhất. Hình như những khối của chúng là cá biệt thì mỗi cái chúng là đa số vô hạn. Người ta sẽ mất công chọn lựa cái gì hình như tí hon nhất; không khác gì một giấc mộng ban đêm tức khắc của một cái Đơn nhất mà như nó là nó lại xuất hiện là đa tạp và từ cái cực nhỏ bé nó xuất hiện là cái cực lớn đối diện với sự phân tán mỏng của nó”.
- “Rất đúng”.
- “Vậy thì theo từng những khối loại đó mà những cái Khác là khác đối với lẫn nhau, nếu chúng là khác trong khi không có cái Đơn nhất”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Vậy thì phải có đa số những khối, trong đó mỗi cái sẽ xuất hiện là cái Đơn nhất, nhưng nó sẽ không là thế, vì không có đơn nhất, phải không?”
- “Phải”.
- “Hình như chúng cũng có số nhiều, theo tính cách mỗi cái sẽ là đơn nhất vì sự kiện đa số đó”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Và một số nào đó là chẳng còn bao nhiêu là lẻ, đó sẽ là bào ảnh chứ không phải sự thật, vì sẽ không có cái Đơn nhất”.
- “Chắc chắn thế”.
- “Hình như trong chúng chúng cũng có cái cực nhỏ, đang khi nó xuất hiện là đa tính, và đa tính của những sự to lớn, đối diện trước những cái đa tạp, là những gì nhỏ bé”.
- “Hiển nhiên”.
- “Mỗi khối cũng sẽ được quan niệm là ngang bằng đối với những cái nhỏ bé đa tạp, vì nó sẽ chỉ có thể chuyển từ cái bề ngoài sang cái bề ngoài nhỏ sau một sự giả bộ đi vào cái trung gian; và đó sẽ là một giả mạo của tính ngang bằng”.
- “Dường như vậy”.
- “Người ta cũng có thể tưởng tượng nó bị hạn chế đối với một quan hệ khác, trong khi từ chính nó đến chính nó, nó không có khởi đầu, cũng không có tận cùng, cũng không có khoảng giữa, phải không?”
- “Vì lí do gì?”
- “Vì lí do này: tuy rằng không bao giờ tư tưởng muốn lĩnh hội một cái gì như thế nhưng ở đó cái khởi đầu luôn luôn xuất hiện như đã có một khởi đầu khác đi trước nó, cái kết thúc được nối dài bằng một cái kết thúc khác, cái khoảng giữa được chiếm cứ bằng một cái gì bằng trung tâm hơn cả chính khoảng giữa đó và nhỏ bé hơn, vì những giới hạn như thế không thể lãnh hội trong từng cái một của những khối đó, vì rằng không hề có cái Đơn nhất”.
- “Đó là sự thật trần trụi”.
- “Như thế ta nghĩ rằng tất nhiên tất cả những gì có thể lĩnh hội được bằng tư tưởng đều tự bẻ gãy và tự thân vụt ra; vì cái gì mỗi lần sẽ được lãnh hội đều giống như một khối đặc trong đó không có gì thuộc cái Đơn nhất cả”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Như vậy hẳn nhiên không thể tránh được rằng trong những điều kiện đó, đối với một nhan quan đã mệt mỏi của cái nhìn từ đằng xa, nó phải xuất hiện là đơn nhất, nhưng đối với cái nhìn gần gũi và sâu sắc của tư tưởng, mỗi một đơn vị lại xuất hiện là đa tính vô hạn, vì nó thiếu mất cái Đơn nhất không tồn tại, phải không?”
- “Đó là tất cả những gì không tránh được”.
- “Vậy cần thiết những cái Khác phải xuất hiện là như thế, tức là mỗi cái vô hạn và có hạn; đơn nhất và đa tạp, trong trường hợp cái Đơn nhất không tồn tại, những cái Khác với cái Đơn nhất có thể tồn tại”.
- “Chắc chắn cần thiết”.
- “Hình như chúng cũng là tương tự và bất tương tự, phải không?”
- “Bằng những giác ngộ nào?”
- “Không khác gì trong một bức họa viễn thị: từ đằng xa, mọi sự xuất hiện như kết cấu nên một đồng nhất và như thể ở đó sẽ có cả vẻ ngoài của tính đồng nhất và tính tương tự.”
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Nhưng đối với những ai lại gần thì tất cả đều xuất hiện là đa tạp và khác biệt; và sự khác biệt giả mạo đó lại đem vào đó một vẻ ngoài của muôn vẻ và của tính bất tương tự”.
- “Phải”.
- “Vậy không thể tránh được rằng: những khối đặc đó xuất hiện là tương tự và bất tương tự, từng cá thể và một cách hỗ tương với nhau”.
- “Chắc chắn không thể tránh được”.
- “Vậy chúng sẽ xuất hiện là đồng tính và khác biệt, kế cận và li gián, và vận động bằng mọi loại vận động, cũng như bất động về mọi phương diện và bị phục tòng cũng như thoát li được cả sự sinh và sự tử, và cũng bao hàm tất cả mọi đối kháng có thể có, một cách cũng hỗ tương. Kê khai chúng ra một cách chi tiết là một chuyện để một khi ở đó không hề có cái Đơn nhất mà chỉ có đa tính”.
- “Đó là một chân lý tuyệt đối”.

Giả thuyết thứ chín:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại, những phủ định nào sẽ xảy đến cho những cái Khác?

- “Vậy một lần nữa chúng ta hãy trở về khởi đầu và hãy nói xem cái gì phải xảy ra nếu cái Đơn nhất không tồn tại và chỉ duy những cái Khác với cái Đơn nhất tồn tại”.
- “Nào chúng ta hãy nói”.
- “Những cái Khác không hề là cái một”
- “Làm thế nào chúng lại như thế được?”
- “Chúng cũng không hề là nhiều cái; vì ở đâu có nhiều cái thì ở đó phải có cái một. Nhưng nếu không một cái nào trong chúng là cái một thì toàn thể của chúng cũng không là gì cả và vì vậy cũng sẽ không là đa số nữa”.
- “Đúng thế”.
- “Nếu trong những cái Khác không có cái Đơn nhất, thì những cái Khác không phải nhiều cái không phải một cái”.
- “Quả vậy”.
- “Và chúng cũng không có cả dáng vẻ của tồn tại là cái một hay nhiều cái”.
- “Tại sao vậy?”
- “Với cái gì không hiện hữu, những cái Khác không có một cộng đồng nào cả, bất cứ trong trường hợp nào, bất cứ dưới quan hệ nào, bất cứ bằng cách nào; từ cái không tồn tại không một thành phần nào được dành lại cho một cái nào bất cứ trong số những cái Khác; vì không thể có những thành phần từ cái gì không tồn tại được”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy nơi những cái Khác, không có ý kiến, không có dáng vẻ của cái không tồn tại, và không dưới một quan hệ nào, cũng không bằng cách nào cả, cái không tồn tại lại có thể được được quan niệm do những cái Khác”.
- “Quả nhiên”.
- “Vậy nếu cái Đơn nhất, không có, thì không một cái gì trong những cái Khác có thể được quan niệm hoặc là một hoặc là nhiều được; vì nếu không tưởng tượng được cái một thì cũng không quan niệm được đa số”.
- “Hoàn toàn không thể”.
- “Vậy nếu cái Đơn nhất không có, thì những cái Khác cũng không có, cũng không được tưởng tượng là một hay là nhiều được”.
- “Phải nghĩ như vậy”.
- “Cũng không tương tự không bất tương tự”.
- “Không đồng tính cũng không khác biệt, không kế cận cũng không li gián; và tất cả những gì chúng ta nói, chúng xuất hiện, xuyên qua một chuỗi dài những suy luận trên đây, những cái Khác không có và cũng không xuất hiện gì như thế cả, nếu cái Đơn nhất không có”.
- “Đúng”.
- “Vậy để tóm tắt lại: nếu cái Đơn nhất không có, thì sẽ không có gì cả, như thế chúng ta sẽ nói đúng?”
- “Thực rất đúng”.
- “Sau điều đó còn điều sau đây còn nói nữa: nói rằng: cái Đơn nhất có và không có, thì hình như nó và những cái Khác, vừa trong quan hệ giữ chúng với nhau, vừa trong quan hệ giữa chúng với mình, theo tất cả mọi
 


Viết trả lời...

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top