Hồi thứ hai
Một cung điện mà vua dành riêng
cho Vũ Như Tô ở
Lớp I
Vũ Như Tô - Thị Nhiên, họ cùng trở đại tang.
THỊ NHIÊN - Thầy nó làm gì mà ngẩn ra thế?
VŨ NHƯ TÔ, buồn rầu - Tôi vừa xin được Hoàng thượng thả 500 thợ già về. Khốn nạn có người ở đây đã 30 năm. Khi tuyển vào kinh, họ còn trai tráng mà bây giờ... người thì còng lưng, người thì bạc đầu, người thì móm mém. Có người chưa có vợ con gì cả, có tội tình người ta không. Tôi đã xin cấp cho mỗi người tiền 3 quan và một mẫu công điền. Hoàng thượng đã ưng chuẩn, thế mà triều đình còn cho là lạm, bực quá là bực. Họ vừa về xong, tôi cũng vừa tiễn họ. Càng thương họ lại càng thương mình...
THỊ NHIÊN - Chuyện! Ai bảo thầy nó mua lấy cái vạ vào thân.
VŨ NHƯ TÔ - Mẹ nó lại sắp đấy...
THỊ NHIÊN - Thế độ bao giờ thì xây xong cái đài này?
VŨ NHƯ TÔ - Năm năm, mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm, ba mươi năm cũng có.
THỊ NHIÊN - Trời đất ơi! Lâu thế thì làm thế nào được. Tôi tưởng một tháng, cùng lắm là ba bốn tháng. Cứ làm vừa vừa có được không? To hơn đình làng ta cũng đã đẹp chán.
VŨ NHƯ TÔ - Có mà bằng trăm đình làng ta. Ai cũng như mẹ nó thì còn làm chán cái đẹp đấy. Đây là ta làm cái đài cho cả nước. Nước Tàu cũng không bằng kia.
THỊ NHIÊN - Thầy nó, tôi còn lạ gì? Động làm cái gì là muốn làm to hơn người. Chỉ khổ vào mình chứ gì? Đấy, thầy nó vừa nói thương những người làm hàng 30 năm ở đây. Thử hỏi năm nay thầy nó 40, liệu thầy nó có sống được 30 năm [nữa] không? Mà có sống được đến ngày ấy nữa, thì bấy giờ ai xin cấp tiền ai xin cấp ruộng cho thầy nó?
VŨ NHƯ TÔ, nói đùa - Thế mẹ nó muốn thế nào nào?
THỊ NHIÊN - Muốn cũng chả được, ai gàn được thầy nó. Tôi tưởng một tháng hai tháng tôi còn ở lại được, chứ đến chừng này, nghe thầy nó nói thì tôi không thể nấn ná được nữa. Tôi nóng ruột trẻ mỏ ở nhà. Thầy nó cứ cho tôi về vậy.
VŨ NHƯ TÔ - Mẹ nó cứ khăng khăng đòi về à?
THỊ NHIÊN - Không về thì để con nó chết đói ở nhà ư? Con tôi thì còn quý bằng vạn cái đài của thầy nó. Mà tôi ở đây thì được tích sự gì?
VŨ NHƯ TÔ - Thì nào tôi có giữ mẹ nó. Cầm lấy ít tiền về mà tiêu.
THỊ NHIÊN - Tiền, rồi lại lôi thôi ra. Thôi cứ để vậy tôi về. Từ trước tới nay chả có tiền cũng được nữa là. Tôi cứ trông thấy lũ con, thấy con lợn, đàn gà, là đủ vui rồi, chả cần gì cả. Quạt thóc, băm bèo, cũng đủ hú hí mẹ con. Ai nói được thầy nó, cứ nghĩ vơ nghĩ vẩn cái ma mãnh đâu đâu ấy. Nay đài, mai điện, kiểu này, kiểu nọ, chỉ tổ cho người ta sai, chứ được béo bở gì.
VŨ NHƯ TÔ - Mẹ nó đến là lắm điều.
THỊ NHIÊN - Thầy nó mắng thì tôi xin chịu. Nhưng tôi khổ lắm kia. Xa con, xa nhà ngày nào là cứ chết đi được ngày ấy. Lại thêm ở đây mình thì quê mùa, chung quanh toàn là những quan to, quan lớn, bà nọ bà kia, người ta khinh như mẻ cả đấy, nhục nhã lắm rồi, mà ở cái nhà này thì tôi không ở được đâu. Cột rồng, cột phượng, sơn son thiếp vàng, nó cao cao, nó to to, tôi thấy trỗng trễnh lắm, chán chết đi được. ở nhà, nhà tranh vách đất sao mà ấm thế, ngủ ngon quá. Thế mà còn định làm to gấp trăm cái đình nữa thì để ai ở.
VŨ NHƯ TÔ - Rồi quen đi chứ.
THỊ NHIÊN - Quen với chả quen, thế dễ thầy nó xây, rồi thầy nó được ở hay sao mà quen - Nhà tranh vách đất, nhưng mà tôi được ở, ông ạ.
VŨ NHƯ TÔ - Ta làm cái đài cho cả nước.
THỊ NHIÊN - Vậy như thế thì lâu lắm nhỉ, tôi chờ thế nào được.
VŨ NHƯ TÔ - Phải, mẹ nó không thể chờ ở đây được đâu vì con cái ở nhà nó mong.
THỊ NHIÊN - Thế tôi về ngay hôm nay nhé.
VŨ NHƯ TÔ - Mẹ nó đến là vất vả.
THỊ NHIÊN - Thầy nó vất vả thì có. Tôi chả vất vả tí nào (thân mật). Tôi về rồi thầy nó ở lại nên giữ gìn, từ lời ăn tiếng nói. Cứ cái giọng ấy với vua thì vợ chồng mình có ngày không trông thấy nhau nữa đâu. Mà suy nghĩ cũng vừa vừa chứ nhé, ai lại lo công lo việc suốt ngày, suốt đêm, người cứ rạc ra (định ra lại quay lại). à này tôi xem chừng nhiều người, cả dân gian lẫn triều đình bàn tán, người ta nói nhiều về cái đài, đài trùng gì ấy nhỉ?
VŨ NHƯ TÔ - Cửu trùng đài!
THỊ NHIÊN - Vâng, Cửu trùng đài. Tôi lo lắm.
VŨ NHƯ TÔ - Việc gì mà lo hão lo huyền. Thỉnh thoảng mẹ nó ra chơi mà xem, đẹp lắm kia.
THỊ NHIÊN - Nhưng mà mình có được ở đâu!... Tôi chỉ mong thầy nó chóng xây xong, về với vợ với con, thế là hơn. Thôi thầy nó ở lại tôi về đây.
VŨ NHƯ TÔ - ừ mẹ nó cứ yên trí mà về, để tôi được rảnh tâm làm việc (tiễn vợ ra).
Lớp II
Vũ Như Tô - Hai Quát - Phó Bảo -
Phó Toét - Phó Độ - Phó Cõi
VŨ NHƯ TÔ, nhìn theo vợ trầm ngâm thì hai Quát ra gọi.
HAI QUÁT - Anh em ơi!... à bác Cả đây rồi.
VŨ NHƯ TÔ - Kìa các chú, nghe nói chú phó Toét vừa mới đúc một quả chuông to lắm phải không? Mắt càng ngày càng sâu mà giỏi thì càng ngày càng giỏi. Tôi cần nhờ đến chú nhiều lắm đấy. Trước hết bốn cái cột đồng độ hai người ôm, cao chừng hai trượng (trông sang phó Độ tiếp luôn). Này chú, cái lối chạm của chú thì thật là cổ kim bậc nhất. Bao nhiêu cửa cột, đầu bẫy, cửa võng, chấn song, chạm gỗ, chạm đá, tôi xin phó mặc chú hết. à, thế còn chú Năm Ngọ đâu, không lên thì ai sơn cho chú ấy?
HAI QUÁT - Có ra, chốc nữa sẽ vào, (hỏi phó Cõi) thế nào, rượu đâu?
PHÓ CỐI, giơ nậm rượu - Đây.
VŨ NHƯ TÔ - Vẫn cứ ngang, coi đời bằng vung chứ?
PHÓ CỐI - Chứ sao?
VŨ NHƯ TÔ - Đường soi đường mộng vẫn vô địch chứ?
PHÓ CỐI - Vẫn vô địch.
VŨ NHƯ TÔ, quay lại phó Bảo - Còn chú công việc nặng lắm đấy. Đào móng sao cho sâu, xây tường sao cho thẳng; chú phải biết, móng thì phải đến âm ty, tường thì cao tới mây xanh. Việc này chú và tôi ta cùng làm.
HAI QUÁT - Đến thiên đình chú ấy cũng chẳng coi mùi gì.
PHÓ BẢO - Các bác cứ dạy quá nhời. Mọi sự còn nhờ các bác chỉ bảo cho đấy chứ.
VŨ NHƯ TÔ - Cứ kể ra chú trẻ tuổi nhất, gánh công việc nặng nề nhất cũng phải, sức lại khỏe đến thế kia? Vẫn đi vật đấy chứ?
HAI QUÁT - Đến đâu là giữ giải nhất đến đấy. Người ta đã phải kêu là trạng vật kia mà.
PHÓ BẢO - Nói nhảm mãi, bác Cả cắt việc cho mọi người. Thế bác Hai không có việc gì à?
PHÓ TÓET - Một ông đốc công, một ông phó đốc công.
HAI QUÁT - Đàn em đâu dám thế.
Cả bọn - Bác Hai làm phó đốc công là phải lắm rồi.
HAI QUÁT - Tôi thì làm được cái gì mà chánh với phó.
PHÓ TÓET - Bác còn nhớ ngày nào ta còn ngồi tán hão ở nhà bác, phải chính ở nhà bác. Anh em chả nói đùa rằng nếu được xây một cái đài lớn, thì cả bọn cùng đấu sức giúp bác Cả, mà bác Hai thì làm phó là gì? Bác Cả nhớ không đã nào?
Cả bọn - Phải rồi.
PHÓ ĐỘ - Bác Hai khôn khéo, tinh nhanh, nghề gì cũng thạo, chả thua gì bác Cả. Anh em ai nấy cũng phục, bác không làm thì ai làm cho nào?
VŨ NHƯ TÔ - Thôi chú Hai nhận đi. Phải đấy, anh em làm là làm chung, mỗi người một việc, chia tay nhau mà làm, cứ thế anh em nhé, đài điếc chưa biết ra làm sao nhưng tôi được gặp các chú thế là đủ vui rồi. Không mấy khi anh em đông đủ thế này. Hôm nay ta phải đánh một bữa chén thực say đã. Thế nhưng mỗi chú đem được bao nhiêu thợ?
PHÓ TÓET - Tôi hai trăm.
PHÓ CỐI - Tôi ba trăm.
VŨ NHƯ TÔ - Sao ít thế? Không đủ.
PHÓ BẢO - Tôi năm trăm.
Cả bọn - Khá lắm, giỏi. Trẻ tuổi vẫn có hơn.
VŨ NHƯ TÔ - Chưa được, chưa thấm vào đâu. Mỗi chú phải có gấp mười nữa. Tôi tính cả thợ lẫn phu ít ra là năm vạn mới xây nổi Cửu trùng đài. Riêng tôi, có mấy hôm đã có ba nghìn vừa phu vừa thợ rồi.
Cả bọn - Ba nghìn?
VŨ NHƯ TÔ - Thợ thì đã đành phải kén chọn nhưng còn phu thì không cần, dân mình vốn khéo léo chân tay, bảo ban là làm được tất, chỉ cốt ở mình cắt đặt. Cứ mộ người về đây càng nhiều càng hay, càng đông càng vui công việc mới chạy.
Nói thực ra, sở dĩ tôi có nhiều phu vì tôi đã xin với vua được đem dùng tất cả tù binh Chiêm Thành.
Cả bọn - Có thế chứ.
VŨ NHƯ TÔ - Nhưng tôi cũng vẫn chưa cho vào đâu cả, phải có năm vạn mới đủ.
Cả bọn, hăng hái - Thì năm vạn.
VŨ NHƯ TÔ, thấy phó Độ nhìn cột kèo chung quanh - Chú xem đường chạm đấy có ra gì đâu. Xem thế mới biết anh em ta nhiều người tài. à quên chưa báo cho các chú, chiếu Vua đã ban ra rồi đấy.
PHÓ TÓET - Nếu thế thì bọn anh em mình từ đây được bãi hẳn sưu thuế sai dịch rồi. Ba năm có một kỳ thi tuyển thợ khéo, kém gì ông cống, ông nghè, được như thế là nhờ ở công bác Cả xin đấy!
VŨ NHƯ TÔ - Mới xin được có thế. Còn xin nữa, nhiều nữa. Tôi còn định xây riêng một nơi rất đẹp, rất vĩ đại, gọi là Bách công sảnh.
Cả bọn, hoa chân múa tay - Hay, hay. Bác Cả khá lắm.
PHÓ ĐỘ - Đáng mặt anh cả. Bọn sinh đồ có Quốc tử giám thì anh em thợ mình cũng có Bách công sảnh. Thấy họ nhai văn múa chữ, chi hồ dả dã mà ngấy. Một lũ toi cơm tốn vải. Được rồi, tôi quyết làm cho Bách công sảnh đẹp nhất trong các cung điện ở Cửu trùng đài.
PHÓ TÓET - Nhưng phải cho biết đại khái Cửu trùng đài, bác Cả định xây ra thế nào.
VŨ NHƯ TÔ - Có có, tôi sẽ giao cho mỗi chú một quyển sổ, cứ theo đó mà làm. Bức họa đồ Cửu trùng đài tôi đã phác xong rồi.
Cả bọn - Đâu?
VŨ NHƯ TÔ - Trong này. (Kéo anh em vào trong buồng).
PHÓ CỐI - Sao kín thế?
VŨ NHƯ TÔ - Để ở ngay chỗ nằm. Khi thức, khi ngủ, lúc nào cũng nhìn thấy để xem xây được đến đâu, nên thêm nên bớt cái gì. Như thế mới không thiếu sót.
PHÓ CỐI, gật gù nói - Bác chu đáo lắm. Nhưng ai cãi nhau ấy nhỉ?
Tiếng NGUYỄN VŨ - Quận công gàn quá.
Tiếng TRỊNH DUY SẢN - Việc này là việc trọng. Cụ lớn nghĩ lại cho thì dân chúng được nhờ.
Tiếng NGUYỄN VŨ - Vâng để tôi liệu xem. Chuyện chả có gì Quận công cứ làm cho to ra.
Tiếng TRỊNH DUY SẢN - Sao lại chả có gì? Xây Cửu trùng đài thì là một cái họa cho dân chúng.
Cả bọn thợ - Sao lại thế?
PHÓ ĐỘ - Lão nào thế?
VŨ NHƯ TÔ - Các chú hãy vào cả trong nhà. Họ tới đây rồi. Chốc nữa sẽ nói chuyện. (Bọn thợ tức tối vào).
Lớp III
Nguyễn Vũ - Trịnh Duy Sản - Vũ Như Tô
NGUYỄN VŨ, như không trông thấy Vũ Như Tô, đáp lại câu nói của Trịnh Duy Sản - Tôi chả thấy cái họa đâu cả.
TRỊNH DUY SẢN - Xin cụ lớn xét lại cho. Xây Cửu trùng đài thì loạn mất.
VŨ NHƯ TÔ - Gửi Quận công vì sao?
TRỊNH DUY SẢN - Câm mồm tên kia. Mi là một tên thợ quèn, một đứa bạch đinh, bước ngay không được nói leo vào chuyện các quan đại thần. Ai cho mi vào đây?
NGUYỄN VŨ - Đấy là ý Hoàng thượng.
VŨ NHƯ TÔ - Gửi Quận công...
TRỊNH DUY SẢN - Im ngay! Đời thuở bao giờ nơi tôn nghiêm, thềm son gác tía mà lại để làm nơi tụ tập cho một lũ cùng đinh vô lại kia chứ?
VŨ NHƯ TÔ, bực tức - Quận công không được...
TRỊNH DUY SẢN - à, thằng này giỏi. Những quân tiểu nhân đắc chí không trị không xong. Ta đã làm ngơ cho mi mà mi không biết phận? Giết mi thì Cửu trùng đài cũng hết. (Tuốt kiếm định chém Vũ Như Tô).
NGUYỄN VŨ, chạy vào giữa hai người - Quận công đừng quá nóng. Y đang được Hoàng thượng tin dùng. Quận công không biết hay sao? (quay bảo Vũ Như Tô) Thôi bác hãy tạm vào trong kia. (Vũ Như Tô lườm Trịnh Duy Sản đi vào).
TRỊNH DUY SẢN, tra gươm vào vỏ - Hừ! Tôn một tên thợ lên đến bậc thầy thì còn gì là thể thống nữa.
NGUYỄN VŨ - Quận công khinh bạc quá. Tôi cũng xuất thân trong đám quần nâu áo vải đây.
TRỊNH DUY SẢN - Nhưng cụ lớn là quan, nó chỉ là thợ, mà thợ thì bao giờ cũng phải coi là hèn.
NGUYỄN VŨ - Sao Quận công lại quá thiên đến thế? Nhưng thôi, Quận công coi về việc binh. Đừng nói đến việc trị nước, mà cũng đừng nói đến việc Cửu trùng đài.
TRỊNH DUY SẢN - Cụ lớn nói đến Cửu trùng đài, tôi lại càng nóng ruột. Cụ lớn ạ, xây Cửu trùng đài thì thế nào cũng loạn.
NGUYỄN VŨ - Loạn?
TRỊNH DUY SẢN - Chứ lại không ư? Cụ lớn thử nghĩ xem. Từ ngày Hoàng thượng lên ngôi, không nghĩ gì đến quốc chính, chỉ ăn tiêu xa xỉ, ngân khố hao mòn. Nay lại vẽ ra việc xây Cửu trùng đài, tiền tiêu tính ra tốn hơn là đánh Chiêm Thành. Tiền lấy đâu ra? Lấy ở dân, mà dân thì cụ lớn đã biết đấy. Mười năm nay, không mấy năm không mất mùa, đói kém quá thể, có nơi cả làng phải đi ăn mày, đường cái đầy xác chết. Tình cảnh như thế mà lại tăng sưu thuế, họ đóng góp làm sao? Đấy là chưa kể những sự nhũng lạm. Tôi thấy dân chúng ta thán nhiều, có nơi tổng lý vào nhà người ta có bao nhiêu thóc, gạo, ngô, khoai, gà qué, vải vóc vàng bạc vơ vét sạch, viện lẽ là để cho thợ ăn, thợ mặc, xây cung vàng điện bạc. Triều đình đòi một, thì chúng đòi mười.
NGUYỄN VŨ - Ai bảo Quận công thế?
TRỊNH DUY SẢN - Lại còn việc lấy phu nữa, bắt lính cũng không nghiệt bằng.
NGUYỄN VŨ - Có làm thì có tiền, triều đình trả công, chả hơn ngồi nhà chết đói à?
TRỊNH DUY SẢN - Khốn nhưng có trả công đâu? Cụ lớn không biết đấy thôi. (Vừa khéo vừa vụng về cúi xuống nhặt lá sớ mà ông đánh rơi).
NGUYỄN VŨ - Cái gì thế?
TRỊNH DUY SẢN - Cụ lớn là bực cao vọng, chỉ có Cụ lớn can nổi Hoàng thượng. Vì thế triều thần làm sớ dâng ngự lãm, và ủy tôi đến đưa trình Cụ lớn xem trước rồi nhân lúc hầu cận Hoàng thượng, Cụ lớn thêm vào cho vài câu là được. Cụ lớn giúp thì thế nào cũng xong (trao lá sớ cho Nguyễn Vũ).
NGUYỄN VŨ, tiếp lá sớ - Quận công quá tin, tôi không làm được thì các quan lại trách. Khổ quá, việc gì cũng đổ cho tôi.
TRỊNH DUY SẢN - Cụ lớn lưu tâm cho. Đuổi Vũ Như Tô, bãi Cửu trùng đài, thải thợ...
NGUYỄN VŨ - Được, được, Quận công cứ để mặc tôi.
TRỊNH DUY SẢN - Kính chào Cụ lớn.
NGUYỄN VŨ, cười gằn - Kính chào Quận công (Trịnh Duy Sản ra). Can với gián, hơi đâu nhận lấy việc khó vào thân, chả thấy đâu mình hãy chết trước đã. Sớ với tấu. (đọc bĩu môi và xé tờ sớ ra từng mảnh) Văn với chương... Có phải vạ.
Lớp IV
NGUYỄN VŨ - Vũ Như Tô - Thái tử Chiêm Thành
VŨ NHƯ TÔ - Gửi Cụ lớn, thế các quan xin bãi Cửu trùng đài?
NGUYỄN VŨ - Bãi thế nào được, công việc vẫn cứ làm như thường.
VŨ NHƯ TÔ - Gửi Cụ lớn... (chợt Thái tử ra).
NGUYỄN VŨ - Hãy gượm, ta còn nói chuyện với Thái tử Chiêm Thành đã!
THÁI TỬ - Kính chào Cụ lớn Đông các.
NGUYỄN VŨ - Kính chào Thái tử. Thái tử tìm tôi phải không? Thái tử nói tiếng chúng tôi sõi lắm nhỉ.
THÁI TỬ - Gửi Cụ lớn, ba năm ở ngoài này còn gì, chúng tôi nhớ nước quá chừng.
NGUYỄN VŨ - Đi xa thì ai là người không nhớ nước. Nhưng thôi, phen này thì thế nào cũng được về.
THÁI TỬ - Có chắc không? Tôi nóng ruột lắm!
VŨ NHƯ TÔ - Điện hạ liệu mỗi lần có đủ 300 thuyền tải đá ra không?
THÁI TỬ - Chắc lắm. Cha mẹ tôi khi đã biết tin rằng hễ có đá ra thì tôi được về, thì không nói 300 thuyền, 400 cũng có.
VŨ NHƯ TÔ, lẩm bẩm - Một năm cứ cho là mươi chuyến may ra thì đủ.
THÁI TỬ - Thế độ mấy năm?
VŨ NHƯ TÔ - Độ hai năm.
THÁI TỬ, buồn bã - Hai năm. Thế thì còn lâu quá nhỉ!
VŨ NHƯ TÔ - Điện hạ không lo. Trong hai năm, thế nào điện hạ cũng được về.
THÁI TỬ, thở dài - Thế là tất cả năm năm, bao giờ cho tôi trông thấy đồn tháp nước Hời.
NGUYỄN VŨ - Thái tử cứ yên tâm. Để tôi xem nếu thuyền đá ra đều thì không phải đợi đến hai năm, tôi sẽ tâu để Thái tử về trước. Miễn là Thái tử về vẫn cứ có thuyền ra là được.
THÁI TỬ, mừng rỡ - Thế thì còn gì hơn nữa. Xin Cụ lớn giúp cho, chúng tôi không dám quên ơn Cụ lớn.
NGUYỄN VŨ - Được rồi Thái tử không sợ. Thế nào Thái tử cũng được về. Tôi cam đoan với Thái tử thế.
THÁI TỬ - Kính lạy Cụ lớn. Bây giờ tôi xin cáo lui.
Thái tử đi ra.
VŨ NHƯ TÔ - Khốn nạn, thân làm Thái tử, khổ hơn tù tội. Nghĩ cũng thương. à, gửi Cụ lớn, còn thợ chạm, cũng phải lấy sáu, bẩy trăm người, nhất là thợ đẽo chạm đá. Phải bảo Thái tử thêm khoản ấy mới được.
Đan Thiềm vào.
Lớp V
NGUYỄN VŨ - Vũ Như Tô - Đan Thiềm
ĐAN THIỀM - Kính chào Cụ lớn. (Nàng cúi đầu. Vũ Như Tô chào). May quá, tôi lại gặp Cụ lớn ở đây. Hoàng thượng đang mong Cụ lớn.
NGUYỄN VŨ - Có việc gì? Tôi vừa mới hầu Hoàng thượng ở tòa Kinh Diên ra đây.
ĐAN THIỀM - Hoàng thượng ngồi buồn muốn mời Cụ lớn đánh mấy hội... Bẩm có cả thứ phi hầu bàn.
NGUYỄN VŨ - Hoàng thượng cứ cho triệu luôn. Tôi chưa ăn uống gì cả.
ĐAN THIỀM - Cụ lớn lại dự tiệc trong nội điện với đức vua vậy.
NGUYỄN VŨ - Thế thì tôi phải vào ngay.
NGUYỄN VŨ ra.
VŨ NHƯ TÔ, lắc đầu - Vua với tôi càng nghĩ càng chán.
ĐAN THIỀM - Không, ta không nên chán... Xem ý anh em thợ ai cũng yêu mến ông. Hàng nghìn hàng vạn thợ đều kỳ vọng vào ông, ai nấy đều một lòng đấu sức để giúp cho Cửu trùng đài chóng xây xong, vậy thì đài lớn tất phải hoàn thành. Sao ông lại chán?
VŨ NHƯ TÔ - Nói chán thì quá. Nhưng thưa bà tôi cũng ngại.
ĐAN THIỀM - Sao kia, ông?
VŨ NHƯ TÔ - Nguyên Quận công vừa vào đây nói với quan Đông các tâu Hoàng thượng bãi việc xây đài.
ĐAN THIỀM - Thế à?
VŨ NHƯ TÔ - Vâng. Quận công nói rằng nước ta thì nghèo, dân thì đói, quan lại nhũng, công khố thì cạn, nếu xây đài thì loạn to.
ĐAN THIỀM - Thế quan Đông các bảo sao?
VŨ NHƯ TÔ - Quan Đông các bảo sẽ không can Hoàng thượng và bảo chúng tôi cứ xây đài, có việc gì đã có quan Đông các.
ĐAN THIỀM - Thế thì được rồi. Đã có quan Đông các thì không sợ gì nữa.
VŨ NHƯ TÔ - Quan Đông các thế lực đến thế kia à?
ĐAN THIỀM - Đức vua tin yêu nhất. Khi đức vua khởi quân đánh vua Uy Mục, quan Đông các giúp được nhiều việc lắm. Đến sau đi thi hội, đáng lý trượt, nhưng đức vua đòi cho xem quyển, rồi chấm cho đỗ đầu. Chỉ có mấy năm mà đã lên tới lại bộ thị lang, nay lại thăng Hình bộ thượng thư, tước Đông các đại học sĩ, ra hầu tòa Kinh Diên, nói gì đức vua cũng nghe.
VŨ NHƯ TÔ - Nhưng tôi nghe đâu quan lại chẳng ai ưa, lại hay ăn của đút, dân gian ta thán nhiều.
ĐAN THIỀM - Nhưng được việc cho ta, thì ta cứ nhờ vả. Có hề gì?
VŨ NHƯ TÔ - Vâng, vâng.
ĐAN THIỀM - Vậy thì cứ thế ông nhé. Tôi có ít tế nhuyễn, xin cúng vào để xây Cửu trùng đài (trao cho Vũ Như Tô một cái túi).
VŨ NHƯ TÔ - Đa tạ bà. Thế này thì anh em chúng tôi càng thêm phấn khởi, tiền đầu đã lợi, chắc là hậu vận phải hay.
ĐAN THIỀM - Thôi xin tạm biệt. Hễ các ông vui vẻ làm việc, đồng tâm là tôi cũng vui lây. Cố đi nhé.
VŨ NHƯ TÔ - Chúng tôi thấy mọi sự thuận tiện, và lại được bà thuận lòng giúp thì thế nào cũng xong, chúng tôi nhất định làm xong để tạ lại cái ơn tri ngộ của bà.
Màn hạ thật nhanh